Người thử nghiệm vaccine COVID-19 nếu gặp biến cố sẽ được bảo hiểm chi trả
Mũi tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 đầu tiên của Công ty NANOGEN dự kiến vào ngày 17/12; đến tháng 3/2021 sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 và tháng 8/2021 thử nghiệm giai đoạn 3 trên 10.000 người. Quý I/2022 sẽ có vaccine COVID-19 do Việt Nam nghiên cứu sản xuất đưa vào sử dụng trong cộng đồng.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine vào hôm nay 8/10.
Theo ông Quang, ngày mai (9/12), Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế sẽ họp thẩm định và xem xét phê duyệt hồ sơ thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người tại Việt Nam.
Vaccine COVID-19 được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN TP Hồ Chí Minh (Công ty NANOGEN) nghiên cứu có tên là vaccine Nanocovax. Theo ông Quang, vaccine của NANOGEN được sản xuất theo công nghệ protein tái tổ hợp, sau đó tác động vào gen để sinh ra kháng thể (không phải dùng kháng nguyên), nên cơ bản an toàn. Tính sinh miễn dịch và hiệu quả cua vaccine thế nào còn phải nghiên cứu.
Người tình nguyện được chi trả những khoản hợp lý
Theo ông Quang, tiêu chí đầu tiên phải là người tình nguyện ở độ tuổi 18-40 có sức khỏe bình thường, khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính, cơ địa dị ứng cũng như không trong quá trình điều trị trong các cơ sở y tế… Tình nguyện ở đây được hiểu về mặt cá nhân, khoa học, pháp lý… Các cá nhân này được cung cấp thông tin về nghiên cứu, hoàn toàn theo nguyện vọng của cá nhân, không có áp lực nào về mặt sức khoẻ, bệnh tật hay các lý do khác (cấp trên, cấp dưới…).
Người tham gia thử nghiệm là người được cơ quan y tế khẳng định là khỏe mạnh. Theo ông Quang với các trường hợp từng mắc COVID-19, kể cả trường hợp đã khỏi bệnh sẽ không được chấp nhận tham gia thử nghiệm trong giai đoạn đầu tiên này. Bởi giai đoạn này sẽ đánh giá tính an toàn chứ chưa đánh giá tính sinh miễn dịch nên tuyển chọn người bình thường.
Nhóm nghiên cứu bắt buộc phải xây dựng bản cung cấp thông tin, công khai, minh bạch. Những cá nhân tình nguyện được nhóm nghiên cứu cung cấp thông tin về nghiên cứu trong đó có mục tiêu nghiên cứu là gì, số lượng nghiên cứu, các yêu cầu đánh giá thế nào, yêu cầu tham gia… Sau khi hiểu và đồng thuận các nội dung, họ sẽ ký vào văn bản chính thống đã được hội đồng thông qua.
Theo ông Quang, người chưa đủ 18 tuổi, người không có người bảo trợ… sẽ không được chấp nhận tham gia tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19. Đồng thời, một số đối tượng như tù nhân, phụ nữ mang thai, người đang phụ thuộc về mặt tài chính có mục đích tham gia để nhận quyền lợi về kinh tế, người trong lực lượng vũ trang thì Hội đồng chuyên môn sẽ không cho phép tham gia thử nghiệm vaccine COVID-19.
Ông Quang cho biết sau khi cá nhân có đơn cơ quan y tế sẽ tiến hành sàng lọc về sức khỏe với các chỉ số nằm trong giới hạn. Cá nhân đăng ký tham gia thử nghiệm sẽ phải có mặt 24/24 giờ tại trung tâm. Thời gian theo dõi sau tiêm ít nhất là 72 giờ.
Về chi phí cho người tham gia tình nguyện thử vaccine COVID-19, ông Quang cho biết, nhóm nghiên cứu chỉ chi trả những khoản hợp lý như đi lại, ăn nghỉ…và chỉ hỗ trợ chi phí cho đối tượng đủ điều kiện tham gia nghiên cứu.
Sau khi cá nhân có đơn cơ quan y tế sẽ tiến hành sàng lọc về sức khỏe với các chỉ số nằm trong giới hạn. Cá nhân đăng ký tham gia thử nghiệm sẽ phải có mặt 24/24 giờ tại trung tâm. Thời gian theo dõi sau tiêm ít nhất là 72 giờ.
Ngày 10/12, đơn vị thử nghiệm sẽ thông báo tuyển dụng tình nguyện viên. Việc khám sàng lọc được tiến hàng ngay sau đó với thời gian khoảng 7 ngày. Dự kiến, ngày 17/12 sẽ bắt đầu tiêm mũi tiêm thử nghiệm chính thức đầu tiên.
Được mua bảo hiểm đề phòng rủi ro
Theo Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine, thông thường nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine, trung bình phải mất từ 7 đến 12 năm.
Tuy nhiên, trong các trường hợp khẩn cấp, hay trong đại dịch phục vụ cho an ninh, y tế, thì quy trình nghiên cứu được rút gọn, nhưng chỉ rút gọn về mặt quy trình, thủ tục chứ không rút gọn, cắt bớt, giảm bớt các quy trình về mặt chuyên môn và kỹ thuật. Yêu cầu đặt ra với nhà sản xuất là phải đảm bảo quy trình theo 3 nguyên tắc: Có an toàn hay không, có khả năng sinh miễn dịch hay không và hiệu lực bảo vệ trong bao lâu?
“Đối với vaccine Nanocovax dự tuyển, dự kiến sẽ triển khai trong khoảng 12-14 tháng. Theo chỉ đạo chung của lãnh đạo Bộ Y tế, chúng tôi phối hơp với nhà sản xuất, Học viện Quân y 103 dự kiến xây dựng đề cương nghiên cứu phát triển vaccine C. Giai đoạn 1 dự kiến nghiên cứu từ tháng 1 đến tháng 4/2021”, ông Quang cho biết.
Giai đoạn 1 dự kiến có 2 khoảng liều chính đưa vào nghiên cứu lâm sàng là khoảng liều 50 mg và khoảng liều 75 mg. “Chúng ta không cần chờ hết thời gian theo dõi 2 mũi tiêm của khoảng liều 50mg, mà hết 1 mũi tiêm khoảng liều 50 mg, nếu xác định được an toàn bước đầu, chúng ta cho triển khai tiêm gối ngay khoảng liều 75 mg, không chờ kết thúc mới triển khai khoảng liều tiếp theo, vì chờ sẽ mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi mũi ở mũi 2 khoảng liều 50 mg để đảm bảo quy trình kỹ thuật về mặt chuyên môn, chứ không bỏ theo dõi”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, mỗi liều có khoảng 20 người tình nguyện, dự kiến giai đoạn 1 có 40 người tình nguyện tham gia vào thử nghiệm vaccine. “Đây là giai đoạn nhạy cảm và rất quan trọng vì chuyển thử nghiệm từ động vật sang người nên quan trọng nhất là tính an toàn”, ông Quang cho biết.
Dự kiến mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên triển khai vào ngày 17 hoặc 18/12. Giai đoạn 2 dự kiến từ tháng 3-4/2021 với cỡ mẫu tối thiểu là 400. Giai đoạn 3 dự kiến triển khai vào tháng 8/2021, thử nghiệm với ít nhất 10.000 người. Bộ Y tế sẽ phối hợp với 3 nước Banglades, Ấn Độ và Indonesia để thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine này vì đây là những nước đang có dịch COVID-19 lây lan mạnh trong cộng đồng ở Châu Á.
“Trong giai đoạn 3, Bộ Y tế đã giao cho nhà sản xuất liên hệ với 3 quốc gia để có kết nối ban đầu. Trong trường hợp cần có sự hỗ trợ, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức gửi cho các cơ quan quản lý y tế của Banglades, Ấn Độ và Indonesia. Mục tiêu là để tăng thêm cỡ mẫu, đặc biệt số lượng đối tượng trong vùng dịch tễ cao, để so sánh nhóm nghiên cứu ở vùng dịch tễ và nhóm không sử dụng vaccine nhằm đánh giá hiệu quả, hiệu lực của vaccine”, ông Quang cho biết.
Trong quá trình triển khai nghiên cứu, nếu có những biến cố (tai biến) với các đối tượng tham gia nghiên cứu do liên quan đến vaccine, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học sẽ yêu cầu dừng nghiên cứu.
“Bộ Y tế đảm bảo an toàn tối đa với những đối tượng tham gia vào nghiên cứu. Trách nhiệm của Hội đồng Đạo đức và cơ quan quản lý sẽ theo dõi giám sát suốt quá trình nghiên cứu, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đối tượng tham gia vào nghiên cứu”, ông Quang nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi, trong trường hợp thử nghiệm gặp phải rủi ro thì người tình nguyện sẽ được bồi thường thế nào, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cho biết, về nguyên tắc, tất cả các thử nghiệm lâm sàng nói chung, để giảm bớt rủi ro cho nhà sản xuất, bao giờ cơ quan quản lý cũng yêu cầu đơn vị sản xuất phải mua bảo hiểm cho các đối tượng tham gia nghiên cứu. Trong trường hợp có biến cố ngoài mong muốn (có liên quan đến vaccine hoặc do nghiên cứu) thì bảo hiểm sẽ chi trả.
Còn người tình nguyện trong quá trình nghiên cứu bỏ ra ngoài gặp sự số không liên quan đến vaccine hoặc do nghiên cứu (như bị tai nạn giao thông…) thì bảo hiểm không chi trả.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang, trên cơ sở kết quả đánh giá của thử nghiệm tiền lâm sàng do Công ty NANOGEN sản xuất, đến hôm nay (8/12), NANOGEN đã hoàn thành xong các kết quả tính sinh miễn dịch, đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định và có kết quả về văn bản. Kết quả về an toàn và độc tính, NANOGEN cũng đã có kết quả của Viện Kiểm định vaccine và Sinh phẩm quốc gia và Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương Đến nay, hồ sơ đã hoàn chỉnh, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo đã tổng hợp để ngày mai trình Hội đồng thẩm định.
Về test thử thách và đánh giá hiệu lực, NANOGEN đã gửi mẫu máu của chuột Hamster đã được tiêm vaccine về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.Ngày 8/12 đã có kết quả đánh giá khả năng ức chế virus SARS-CoV-2 trên chuột. Trên cơ sở đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành test thử thách đánh giá khả năng bảo vệ của vaccine trên động vật.
“Hội đồng căn cứ trên kết quả về an toàn, tính sinh miễn dịch và kết quả độc tính để thẩm định và cho phép hồ sơ được thông qua trong vào ngày mai (9/12). Còn lại kết quả test thử thách, trước khi tiến hành chính thức tiêm vaccine trên người thì chúng tôi sẽ yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có kết quả cuối cùng. Chúng ta không cần phải chờ có kiết quả thì mới thẩm định hồ sơ. Theo thông tin chúng tôi nhận được, đánh giá sơ bộ, đến hôm nay về cơ bản Viện có kết quả đánh giá test thử thách”, ông Quang nói.
Ngày mai 9/12, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế sẽ thẩm định căn cứ trên 3 kết quả chính: Tính sinh miễn dịch; an toàn và độc tính.
“Sơ bộ đánh giá, hồ sơ nghiên cứu tiền lâm sàng đối với vaccine Nanocovax dự tuyển lần này của NANOGEN cơ bản đảm bảo và đáp ứng các yêu cầu liên quan đến tiền lâm sàng. Chúng tôi hy vọng trong ngày mai, căn cứ trên hồ sơ được nhà sản xuất hoàn thiện, Hội đồng xem xét thông qua hồ sơ nghiên cứu tiền lâm sàng, làm cơ sở cho chúng ta xem xét đánh giá nghiên cứu trên người”, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cho biết. (Công an nhân dân, trang 7; Tiền phong, trang 15; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tuổi trẻ, trang 1).
Thêm hi vọng với thuốc Molnupiravir ngừa COVID-19
Thuốc kháng virus đang thử nghiệm chữa trị bệnh cúm đã cho thấy có ngăn chặn sự lây truyền virus corona ở chồn sương trong vòng 24 giờ.
Theo báo Ouest-France, loại thuốc viên trị cúm này đang thổi thêm làn gió mới vào hi vọng của loài người trong việc ngăn chặn loại virus khiến cả thế giới khổ sở.
Kết quả một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature Microbiology cho thấy loại thuốc này triệt tiêu hoàn toàn khả năng lây truyền của virus corona trong vòng 24 giờ sau khi uống. Thuốc ngăn virus tự nhân lên, tức ngăn virus lây lan khắp cơ thể.
Thuốc Molnupiravir, còn có tên gọi là MK-4482/EIDD-2801, đã chứng minh được hiệu quả kháng virus trên nhiều loài vật. Các nhà nghiên cứu phát hiện loại thuốc này đã ngăn chặn những con chồn bị nhiễm COVID-19 lây bệnh cho nhau, trong khi những con không được dùng thuốc đã lây bệnh.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Georgia (Mỹ) cho biết nếu dữ liệu có thể được “phiên ngang” sang người, điều đó có nghĩa là bệnh nhân COVID-19 được điều trị có thể đạt khả năng không lây nhiễm trong vòng một ngày.
Tiến sĩ Robert Cox, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi tin rằng chồn hương là một mô hình lây truyền có liên quan vì chúng dễ dàng lây lan virus corona nhưng hầu như không phát triển thành bệnh nặng, giống như virus corona đang lây lan ở người trẻ tuổi”.
Các nhà nghiên cứu đã lây nhiễm virus corona cho 6 con chồn và điều trị 3 con trong số này bằng thuốc Molnupiravir thử nghiệm. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu lấy 12 con chồn không bị nhiễm bệnh và cứ 2 con được nhốt trong lồng với một trong những con bị bệnh.
Sau khi kiểm tra hằng ngày trong tám ngày, không có con chồn nào bị mắc bệnh khi được nuôi nhốt với con được điều trị bằng thuốc Molnupiravir. Trong khi đó, trong vòng bốn ngày, tất cả những con chồn xung quanh con vật bị bệnh (nhưng chỉ được cho uống giả dược) đều mắc bệnh COVID-19.
“Những con chồn bị nhiễm bệnh được cho uống Molnupiravir hai lần mỗi ngày, nhờ đó giảm đáng kể lượng virus corona trong đường thở trên. Nhờ đó đã làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm cho những con chồn mạnh khỏe khác” – ông Josef Wolf, nghiên cứu sinh tiến sĩ và là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Tiến sĩ Richard Plemper, giáo sư tại Viện Khoa học y sinh ở bang Georgia, khẳng định: “Đây là lần đầu tiên chứng minh một loại thuốc uống có thể ngăn chặn nhanh chóng sự lây truyền virus corona”.
Molnupiravir là một loại thuốc kháng virus được Công ty Drug Innovation Ventures at Emory (DRIVE) phát triển. Ban đầu, nó được dùng để điều trị bệnh cúm và ngăn không cho virus tạo ra các bản sao của chính nó bằng cách tạo ra các lỗi trong quá trình sao chép RNA của virus. Đến tháng 4-2020, các nghiên cứu phát hiện Molnupiravir có thể ngăn ngừa và giảm tổn thương phổi nghiêm trọng ở chuột bị nhiễm virus corona.
Thuốc hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng II/III, trong đó đang được thử nghiệm ở ba liều lượng khác nhau cứ 12 giờ một lần trong năm ngày trên bệnh nhân COVID-19, nhưng dữ liệu dự kiến không có sẵn đến ít nhất là tháng 5-2021.
Tiến sĩ Richard Plemper rất tự tin: “Chúng tôi đã sớm ghi nhận thuốc Molnupiravir có hoạt tính phổ rộng chống lại virus đường hô hấp và việc điều trị động vật bị nhiễm bệnh qua đường thuốc uống đã làm giảm nhanh số lượng virus, nên làm giảm đáng kể sự lây truyền. Những thuộc tính này đã làm thuốc Molnupiravir trở thành một ứng cử viên mạnh mẽ cho việc kiểm soát dược lý đối với COVID-19”.
Theo báo The Indian Express, Hội đồng Nghiên cứu khoa học và công nghiệp (CSIR) của Ấn Độ vừa quyết định cho thử nghiệm thuốc Molnupiravir trên người vì bị ấn tượng trước khả năng của thuốc ở chồn.
Đó là những lợi ích cùng lúc của việc sử dụng thuốc Molnupiravir: ngăn chặn trường hợp bệnh mau chóng trở nặng, rút ngắn lại giai đoạn lây nhiễm của đối tượng bị mắc bệnh, như vậy cũng rút ngắn luôn thời gian nằm chữa bệnh và cuối cùng là ngăn chặn nhanh chóng ổ dịch. Người tiêm đầu tiên ở Anh là cụ bà 90 tuổi
Ngày 8-12, cụ bà Margaret Keenan – 90 tuổi, người Anh – đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 do Hãng dược Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức bào chế. Anh bắt đầu chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước này và cụ Keenan đã được chọn là người đầu tiên tại nước này cũng như trên toàn thế giới được tiêm vắcxin BNT162b2.
Phát biểu với báo giới sau khi tiêm tại bệnh viện đại học ở Coventry, miền trung vùng England, cụ Keenan coi đây là món quà mừng sinh nhật sớm có ý nghĩa nhất (cụ sắp qua tuổi 91).
Cùng với cụ Keenan, những người già trên 80 tuổi, các điều dưỡng, nhân viên y tế tuyến đầu và bảo trợ xã hội là đối tượng đầu tiên được tiêm vắcxin phòng COVID-19 tại Anh. Những người này sẽ phải tiêm nhắc lại mũi thứ hai sau 21 ngày.
Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech. Quy trình chủng ngừa mỗi người cần hai liều vắcxin, do đó số vắcxin này đủ cho 20 triệu người trong tổng số 67 triệu dân Anh. Trong tuần đầu tiên, Anh sẽ được bàn giao 800.000 liều. (Tuổi trẻ, trang 1).
Giá vaccine COVID-19 “make in Vietnam” không quá 500.000 đồng/liều
Nanocovax là tên của vaccine ngừa Covid -19“make in Vietnam”. Dự kiến hôm nay (9.12), Hội đồng đạo đức họp để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong hành trình sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Việt Nam.
Ngày 8.12, trao đổi với Lao Động, đại diện Công ty Nanogen cho biết, sẽ có khoảng 40 tình nguyện viên khỏe mạnh, không có bệnh nền, độ tuổi từ 18 đến 50 tiêm thử nghiệm những mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, tại Học viện Quân Y (Hà Nội). vaccine Nanocovax thuộc dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia, do Bộ Y tế đặt hàng nhằm đáp ứng tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đây là dạng vaccine cúm, có tác dụng miễn dịch trong vòng 1 năm. Tiếp đến, giai đoạn 2 sẽ được thử nghiệm với khoảng 400 người và kéo dài hơn 3 tháng, khi có hồ sơ kết luận vaccine an toàn trên người từ kết quả thử nghiệm của giai đoạn trước.
Trường hợp đưa vào sử dụng đại trà, Công ty Nanogen có thể sản xuất được 2 triệu liều/năm ở giai đoạn đầu. Sau đó, trong quá trình vận hành, công suất sẽ được nâng lên mức 30-50 triệu liều/năm. Vaccine này có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường (2-8 độ C), thay vì ở nhiệt độ từ -50 đến -80 độ C như vaccine của một số nước trên thế giới.
Đại diện Công ty Nanogen thông tin thêm, mức giá dự kiến của vaccine này không quá 500.000 đồng/người, mỗi người sẽ tiêm 2 mũi, cách nhau 28 ngày. Đơn vị sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa vaccine vào danh mục vào thuốc bảo hiểm y tế để vừa không lỗ, mà vẫn phù hợp cho mọi người dân có thể tiếp cận được.
“Đây là sản phẩm sử dụng cho cộng đồng nên giá thành không chỉ do một mình nhà sản xuất quyết định, hiện chúng tôi chưa thống nhất với Bộ Y tế về giá bán, nhưng chắc chắn không quá 500.000 đồng/liều” – đại diện Nanogen nói.
Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (trụ sở tại Khu công nghệ cao, quận 9, TPHCM) là 1 trong 4 đơn vị ở Việt Nam đang thực hiện đề án nghiên cứu sản xuất vaccine chống COVID-19 tại Việt Nam. Công ty đã nghiên cứu sản xuất thành công 4 loại kháng thể dựa trên trình tự của 4 loại kháng thể được phân lập từ các bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi.
Cụ thể, thay vì tạo ra một loại kháng thể, công ty tạo ra 4 loại kháng thể sử dụng thành một chuỗi hỗn hợp và được bào chế thành hai loại sản phẩm gồm tiêm và xịt, có khả năng khóa được nhiều vị trí ngăn virus xâm nhập vào tế bào. Ngoài ra, công ty cũng đã phát triển xong và có khả năng sản xuất chế phẩm scFv và peg-scFv kháng RBD của protein S của SARS-CoV-2. Các mẫu đều được chuyển Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương đánh giá tính an toàn, trước khi được Bộ Y tế đồng ý cho thử nghiệm lâm sàng.
Thông tin về kết quả thử nghiệm trên chuột, đại diện Công ty Nanogen nhận định, vaccine Nanocovax có tác dụng phụ nhưng không đáng kể. Chuột có biểu hiện ngứa, kích ứng ở vị trí tiêm. Tuy nhiên, tác dụng phụ này biến mất sau 30 phút. Giải phẫu chuột nhận thấy không có cơ quan nào tổn thương. (Lao động, trang 1).
Chuyển hồ sang Công an vụ sai phạm tại Sở Y tế tỉnh Đắk Nông
Ngày 8/12, thông tin từ Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến những sai phạm tại Sở Y tế để điều tra theo thẩm quyền.Như Báo CAND đã đăng nhiều tin, bài, trong năm 2018-2019, ngân sách Nhà nước đã chi cho ngành y tế tỉnh Đắk Nông hàng nghìn tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc đấu thầu, trong đó việc mua sắm trang thiết bị y tế, mức giá trúng thầu của một số mặt hàng chênh lệch quá cao so với mức giá nhập khẩu trên tờ khai Hải quan do Cục Hải quan Đắk Lắk cung cấp.
Điển hình như trong năm 2018-2019, Sở Y tế Đắk Nông đã tổ chức đấu thầu mua máy sấy đồ vải (loại 30kg) với giá 265 triệu đồng, trong khi đó giá này khai báo tại tờ khai Hải quan chỉ có giá 42,9 triệu đồng, cao gấp 6,2 lần; máy ly tâm lạnh tách mẫu (để bàn) có giá mua là 200 triệu, còn tại tờ khai Hải quan chỉ vỏn vẹn 86,4 triệu đồng, cao gấp 2,3 lần; hoặc như máy Monitor theo dõi bệnh nhân chỉ có giá tại tờ khai Hải quan là 23,8 triệu đồng nhưng về đến Sở Y tế Đắk Nông được đội lên hơn 133 triệu đồng, cao gấp 2,3 lần…
Ngoài việc mua giá chênh lệch khá cao so với tờ khai Hải quan, cơ quan Kiểm toán Nhà nước khu vực XII cũng chỉ ra nhiều sai phạm khác tại ngành y tế Đắk Nông. Điển hình như qua kiểm tra hồ sơ đấu thầu mua thuốc tập trung tại Sở Y tế Đắk Nông trong năm 2018-2019, hồ sơ này đã không nêu quy định “nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu đối với thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp” là chưa đúng Quy định theo Điều 50, Luật Đấu thầu và Khoản 3, Điều 18, Thông tư số 11/2016/TT-BYT.
Việc mua thuốc, vật tư trực tiếp tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp với quy mô vượt 130% hợp đồng đã ký trước đó là không đúng Quy định của Thông tư số 11/2016/TT-BYT. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (các gói thầu mua thuốc ngoài thầu tập trung) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông không đầy đủ nội dung; một số biên bản hợp đồng thương thảo không có nội dung thương thảo về giá thuốc trên cơ sở kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; không có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; các bệnh viện đa khoa không báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch mua thuốc để Sở Y tế giám sát, điều hòa giữa các đơn vị và niêm yết công khai….
Trước đó, Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng đã công bố bản kết luận, cho thấy hàng loạt sai phạm liên quan việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, đấu thầu thuốc kéo dài nhiều năm tại Sở Y tế Đắk Nông.
Cụ thể, tại 14/28 gói thầu trang thiết bị (TBYT), vật tư y tế với tổng giá trị trúng thầu gần 128 tỷ đồng, cơ quan chức năng phát hiện nhiều TBYT đã bị đẩy giá cao hơn so với giá bán từ doanh nghiệp khác. Như Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Việt Liên (Cty Việt Liên) đã trúng gói thầu hệ thống phẫu thuật nội soi phục vụ chương trình hợp tác tại Sở Y tế Đắk Nông với giá trị hơn 6,7 tỷ đồng, trong khi giá bán tại Công ty TNHH Thành Phương là hơn 3,4 tỷ đồng (chênh lệch hơn 3,3 tỷ đồng); Gói thầu mua 10 máy chạy thận cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông có giá bán tại Công ty TNHH TMDV Tân Việt Mỹ 2,3 tỷ đồng, được Công ty Việt Liên mua lại, rồi trúng giá thẩm định gần 6 tỷ đồng (chênh lệch hơn 3,6 tỷ đồng); Gói thầu 6 máy siêu âm 4D (3 đầu dò) tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đắk Nông (năm 2018) được thẩm định giá hơn 10,6 tỷ đồng, nhưng giá trị thực chỉ hơn 8,1 tỷ đồng (chênh lệch hơn 2,4 tỷ đồng)… Ngoài ra, thanh tra còn chỉ ra nhiều sai sót trong đấu thầu thuốc; mua sắm hàng loạt trang thiết bị y tế lỗi thời, lạc hậu, “đắp chiếu”.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Hồ Văn Mười, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, Công an tỉnh đã nhận được hồ sơ liên quan đến vụ việc và đang tiến hành điều tra theo quy định. “Quan điểm của Công an tỉnh là sẽ điều tra khách quan, tất cả những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm đều được xử lý theo quy định và sẽ công khai khi có kết quả”, Đại tá Mười khẳng định. (Công an nhân dân, trang 7).
Một bệnh nhân tái dương tính Covid -19, Quảng Bình truy tìm 25 ca F1
Chiều 8/12/2020, Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình tổ chức họp báo thông tin về trường hợp bệnh nhân 1291 tái dương tính SARS–CoV–2 trên địa bàn tỉnh. Sau khi phát hiện bệnh nhân số 1291, trú tại xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa tái dương tính SARS-CoV-2, Sở Y tế Quảng Bình đã tiến hành họp khẩn với chính quyền và cơ quan chức năng huyện Minh Hóa để triển khai các phương án chống dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với 36 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 1291, đưa về cách ly tập trung tại doanh trại quân đội ở thành phố Đồng Hới. Bệnh nhân số 1291 cũng được đưa về Bệnh viện Hữu nghị Việt nam- Cu Ba Đồng Hới để điều trị.(Chi tiết xem báo). (Thanh niên, trang 17; Sài Gòn giải phóng, trang 7).