Điểm báo ngày 15/12/2021

(CDC Hà Nam)
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tìm giải pháp đẩy lùi ca nặng, tử vong do Covid-19; Vì sao dịch Covid-19 ở Hà Nội ‘lập đỉnh’?; TPHCM xây dựng thế trận y tế ứng phó biến thể Omicron; Thêm nhiều lô vaccine Pfizer được gia hạn thêm; Củng cố trụ cột y tế; Bệnh viện dã chiến đa tầng TP.HCM: Nơi rộn tiếng cười, nơi gắng qua nguy kịch

 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tìm giải pháp đẩy lùi ca nặng, tử vong do Covid-19

Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức hội nghị với các chuyên gia, nhà khoa học trong tháng 12 để có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi các trường hợp nhiễm Covid-19 chuyển nặng và tử vong.

Ngày 14-12, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức hội nghị với các chuyên gia, nhà khoa học trong tháng 12 để có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi các trường hợp nhiễm Covid-19 chuyển nặng và tử vong.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các biện pháp đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19; báo cáo số lượng vaccine phòng Covid-19 về trong tháng 12 để tiêm đủ so với nhu cầu, việc triển khai xã hội hóa thuốc điều trị Covid-19 và đưa vào bình ổn giá (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Thanh niên, trang 5).

 

Vì sao dịch Covid-19 ở Hà Nội ‘lập đỉnh’?

Lần đầu tiên theo thống kê của Bộ Y tế, số ca Covid- 19 hôm 13.12 của Hà Nội nhiều nhất nước, trên 1.000 ca, đánh dấu đỉnh dịch của TP trong đợt dịch thứ 4. Hà Nội thậm chí đã xây dựng kịch bản ứng phó khi F0 lên đến 2.000 – 3.000 ca/ngày.

Vì sao số ca F0 tại HN lại tăng vọt nhanh chóng, từ mốc vài trăm ca lên đến nghìn ca/ngày, trong khi một số vùng dịch phía nam đang giảm khá nhanh?

Chủ quan

Trong 2 tháng tính từ 11.10 – 13.12, Hà Nội đã ghi nhận gần 15.000 ca mắc Covid-19. Riêng từ ngày 6 – 12.12 đã phát hiện thêm 4.550 ca (ngày 12.12 lên tới gần 900 ca). Hà Nội hiện còn 37 điểm phong tỏa và 9 chùm ca bệnh. Số ca mắc mới tại TP từ mốc chỉ 100 – 200 ca/ngày vào đầu tháng 11 đã tăng lên 500 ca/ngày vào đầu tháng 12, và tăng lên 900 – 1.000 ca/ngày trong hơn 10 ngày sau đó.

Thông tin với báo chí hôm 14.12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá tâm lý chủ quan của người dân còn phổ biến, nhất là tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện 5K trong tổ chức lễ, đám, ăn uống ở hàng, quán… diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng và cách ly F1 tại nhà. Trước đó, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cũng nhận định nguyên nhân số F0 tăng cao, nhất là các ca cộng đồng, là do mầm bệnh đã ở trong cộng đồng; giao thương, sản xuất kd trở lại sau giai đoạn giãn cách; người nhập cảnh; khí hậu mùa đông – xuân thuận lợi để vi rút phát triển; tâm lý chủ quan của người dân khi đã  tiêm vắc xin.

Hà Nội vẫn duy trì dịch ở cấp độ 2 (màu vàng), song ở Q.Đống Đa, 13 xã, phường đã chuyển lên cấp độ 3 (màu cam). Trước diễn biến dịch phức tạp, UBND Q.Đống Đa đã phải siết lại các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tụ tập đông người, hàng quán chỉ được bán mang về, người dân không ra đường khi không cần thiết…

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết TP đã triển khai 32 bệnh viện (BV), cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế (TYT) lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã thi công xong hệ thống ô xy tại 25 BV với 3.200 đầu ra khí ô xy phục vụ người bệnh. Đặc biệt, TP yêu cầu xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 ca và 3.000 ca/ngày.
Các cơ sở điều trị quá tải

Theo thống kê, Hà Nội có 9.463 F0 đang điều trị, trong đó có 2.800 người điều trị tại TYT lưu động và 540 người điều trị tại nhà. Riêng số F1 cách ly tại nhà tính đến 9.12 là hơn 21.000 người và đang tăng lên nhanh chóng. Dù TP khẳng định dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, song số F0, F1 tăng nhanh cùng việc cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà lại đang dồn gánh nặng lên y tế cơ sở vốn rất thiếu nhân lực.

Đã xuất hiện tình trạng F0 được xác định dương tính nhưng chậm được đưa đi điều trị. Cụ thể, cư dân tại tòa HH3A, chung cư Linh Đàm (P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai) phản ánh F0 được xác định từ 11.12 nhưng đến chiều 14.12 vẫn chưa được đi điều trị. Lãnh đạo P.Hoàng Liệt cho biết chiều tối 14.12, cơ quan chức năng đã đưa 1 F0 tại chung cư HH3A đi điều trị. Cũng theo lãnh đạo P.Hoàng Liệt, do số lượng F0 trên địa bàn tăng nhanh nên các cơ sở thu dung, điều trị của quận và TP quá tải, phải chờ bố trí chỗ.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Kỳ Phong, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Hà Đông, cho biết quận này có 183 F0 đang điều trị tại nhà cũng như khu thu dung tại Trường ĐH Đại Nam, ngoài ra có hơn 300 F1 đang cách ly tại nhà. “Toàn quận có 17 TYT, mỗi trạm trung bình có 7 – 8 nhân lực và phải làm rất nhiều việc từ tiêm chủng, truy vết đến theo dõi F1 cách ly tại nhà…”, ông Phong nói.

Dù đã huy động thêm các lực lượng hỗ trợ vòng ngoài như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, song chỉ hỗ trợ được một phần. TP.Hà Nội đã có chính sách huy động lực lượng y tế đã nghỉ hưu hay sinh viên mới ra trường, song chưa có cơ chế hợp đồng làm việc (đơn vị có thu được ký hợp đồng làm việc, trong khi TYT không phải đơn vị có thu). Mong muốn lớn nhất của lãnh đạo y tế Q.Hà Đông là được bố trí đủ nhân lực khi số F1, F0 tiếp tục tăng. Mặt khác, việc cách ly F1 hay điều trị F0 tại nhà cần sự phối hợp rất lớn của người dân, đặc biệt trong việc giữ an toàn không lây lan ra cộng đồng.

Bà Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết các TYT tuyến cơ sở đang quá tải khi số ca Covid-19 gia tăng. Những phường đông dân tại các quận Hoàng Mai, Đống Đa với trên 30.000 dân nhưng chỉ có 5 – 10 cán bộ y tế. Thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị xuống cấp làm ngành y tế gặp nhiều khó khăn.

Cần rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhìn nhận có nhiều người mang mầm bệnh là các F0 nhưng không triệu chứng; khi mật độ tiếp xúc cao sẽ dễ dàng lây lan, hình thành các ổ dịch trong cộng đồng. Vừa qua, Hà Nội đã có ổ dịch là những người dự đám cưới, tham gia tập trung đông người.

Theo ông Phu, ca bệnh tại Hà Nội có thể tăng hơn nữa với diễn biến như gần đây. “Dịch Covid-19 tại Hà Nội đã được kiểm soát nhưng nếu không có biện pháp khống chế thì có thể sẽ tăng mạnh. Khi F0 tăng cao thì cũng kéo theo các ca nặng tăng lên, dễ dẫn đến quá tải các cơ sở điều trị. Ngay cả khi F0 nhẹ tăng cao, nhân viên y tế cơ sở cũng quá tải, rất khó khăn để theo dõi sát, khi có ca nặng có thể không đánh giá hoặc chuyển viện kịp thời, tăng nguy cơ tử vong”, ông Phu nói.

Theo ông Phu, chủng Delta hiện vẫn là tác nhân lây truyền mạnh, rất dễ lây khi tiếp xúc gần, tại những nơi tập trung đông người, trong không gian kín… Biến chủng Omicron có nguy cơ xâm nhập, mà Hà Nội là nơi có các cửa khẩu đón người nhập cảnh, do đó dịch tại Hà Nội còn phức tạp, khó lường.

Đặc biệt, Hà Nội cần rút kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch sau lễ 30.4 – 1.5 vừa qua, các dịp lễ, hội, kỳ nghỉ cuối năm không tập trung đông; không đi lại khi không thật cần thiết. Các yếu tố nguy cơ càng hạn chế càng tốt, giảm thấp nhất lây lan, hình thành các ổ dịch trong cộng đồng và bùng phát. “Chúng ta xác định sống chung với Covid-19 không có nghĩa là cho phép chủ quan, mà luôn thực hiện tốt khuyến cáo 5K”, ông Phu nói (Thanh niên, trang 4).

 

TPHCM xây dựng thế trận y tế ứng phó biến thể Omicron

Ngày 14-12, UBND TPHCM ban hành kế hoạch xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron tại TPHCM với mục tiêu triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập và phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron tại thành phố.

Kế hoạch này đồng thời chuấn bị sẵn sàng các phương án kiếm soát, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế – xã hội nếu xuất hiện biến thể.
Theo đó, TPHCM đưa ra 8 giải pháp ứng phó với biến thể Omicron

Thứ nhất, tăng cường giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu hàng không, hàng hải.

Thứ hai, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến thể Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp.

Thứ ba, tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen tất cả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thuộc nhóm người nhập cảnh trong vòng 28 ngày và người tái mắc Covid-19.

Thứ tư, tăng cường cập nhật thông tin liên tục trên thế giới về biến thể Omicron để có đánh giá đúng mức về sự nguy hiểm, chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả.

Thứ năm, triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm vaccine Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thứ sáu, kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp thành phố đến cấp huyện và cấp xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc theo cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra

Thứ bảy, tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng.

Thứ tám, xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều tri Covid-19 ở cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.

UBND TPHCM giao Sở Y tế phối hợp với các cơ quan quản lý cửa khẩu và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp giám sát, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu theo các quy định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia. Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Sở Du lịch triển khai các biện pháp cách ly kiểm dịch, xét nghiệm bắt buộc với người nhập cảnh theo quy định.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp giám sát, xét nghiệm để phát hiện sớm nhất sự xuất hiện biến thể Omicron tại thành phố. Tăng cường phối hợp với những đơn vị chuyên môn (Viện Pasteur, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại TPHCM (OUCRU),…) thực hiện việc giải trình tự gen và chuẩn bị các phương án sẵn sàng triển khai các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung điều trị tầng 2, tầng 3.

Giao các đơn vị Công an Thành phố; Bộ Tư lệnh Thành phố; Bộ đội Biên phòng Thành phố; Sở TT-TT; Thành Đoàn; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại các địa phương và tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp chủ động sẵn sàng ứng phó với biến thể Omicron (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Thêm nhiều lô vaccine Pfizer được gia hạn thêm

Ngày 14-12, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có công văn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố trong cả nước về 9 lô vaccine Pfizer được gia hạn sử dụng và yêu cầu CDC thông báo tới các đơn vị, điểm tiêm áp dụng hạn dùng mới. Theo đó, 9 lô vaccine Pfizer này có số lô là: 124001, 123002, 126001, 123001, 128002, 129001, PCA0006, PCA0017, PCA0021.

Trong đó, 2 lô đã được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương công bố gia hạn ngày 30-11-2021 là lô 124001 và 123002. Với các lô còn lại là 126001, 123001 hạn sử dụng ghi trên nhãn là ngày 30-11-2021 được tăng lên đến ngày 28-2-2022; các lô 128002, 129001, PCA0006, PCA0017, hạn ghi trên nhãn là 31-12-2021 tăng lên đến ngày 31-3-2022, và lô PCA0021 hạn ghi trên nhãn là 31-1-2022 tăng lên 30-4-2022.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị cán bộ y tế tư vấn kỹ cho người tiêm chủng, cha mẹ trẻ đầy đủ thông tin, tránh hiểu sai về hạn dùng của vaccine.

CDC các tỉnh thành tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay số vaccine được phân bổ, đảm bảo sử dụng hiệu quả, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, không để hủy bỏ vaccine do hết hạn sử dụng.

Trước đó, Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) đã thông qua hạn sử dụng của vaccine Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng đối với các lô vaccine được sản xuất từ tháng 8-2021 trở đi.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Việt Nam gia hạn vaccine Pfizer theo thông lệ của quốc tế, không tự động thực hiện. Mọi vaccine về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đảm bảo chất lượng khi sử dụng cho người dân (Sài Gòn giải phóng, trang 7; An ninh thủ đô, trang 4; Công an nhân dân, trang 1).

 

COVID-19, cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn

Đã trăm năm qua thế giới mới lại đối mặt với chấn động do loài virus bé nhỏ, vô hình nhưng xung lực mạnh mẽ gây nên. Dữ dội. Tàn khốc. Tang thương. Xã hội quay cuồng cuốn theo như bị lốc xoáy quăng quật không tương tiếc. Nhưng, trong cơn cuồng phong tưởng chừng khó đảo chiều đó, con người đã thay đổi, bằng mọi giá, thích nghi, tồn tại và vượt qua đau thương, mất mát để đứng lên, đi tiếp…

Kì 1: Khi yêu thương là sức mạnh

Tiếng chuông điện thoại réo liên tục, vẫn là những thông báo có bệnh nhân COVID-19 nặng cần chuyển từ tuyến dưới lên. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, khoa Hồi sức tích cực (ICU) Bệnh viện Thanh Nhàn chưa kịp ngơi tay sau một lượt kiểm tra tình trạng gần 60 bệnh nhân nặng lại sẵn sàng tiếp nhận những ca mới…

Họ nằm đó, những thân hình bất động, đôi mắt nhắm nghiền, cảm giác sự sống được nhận ra qua nhịp tim chạy trên màn hình của thiết bị theo dõi chứ không phải bằng hơi thở từ lồng ngực đang bị virus SARS-CoV-2 âm thầm tàn phá từng phế nang phổi.

Vóc dáng nhỏ bé, Hoa lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ, thoăn thoắt di chuyển giữa các giường bệnh để theo dõi sức khỏe từng bệnh nhân mà cô được giao phụ trách. Đã ba tuần nay cô cùng đồng nghiệp kiên trì, nhẫn nại tự vượt qua chính mình để giành giật sự sống cho những bệnh nhân nặng. Chưa bao giờ nơi cô công tác lại chứng kiến sự quá tải và những khó khăn như lúc này. Khu vực ICU chỉ có 5 bác sĩ và 14 điều dưỡng nhưng số bệnh nhân nặng chỉ tăng chứ không giảm. Những ngày gần đây giường bệnh luôn chật kín bệnh nhân. Bác sĩ xoay như chong chóng xử lí các tình huống cấp cứu bệnh nhân trở nặng, không đêm nào không có những bất ngờ xảy đến.

Hỏi cô nghỉ ngơi lúc nào, đáp lại là tiếng thở dài nén tận sâu nơi lồng ngực. “Có những lúc cảm giác mình sắp ngất đi, mệt mỏi, thời gian làm việc liên tục, không ít ngày cao điểm, cả nhóm làm việc gần như 24/24 giờ”, Hoa nói bằng cảm giác như không tin mình và đồng nghiệp đã và đang đi qua áp lực kinh khủng đến thế.

Chăm sóc bệnh nhân hồi sức thông thường đã vất vả, với bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch thì những khó khăn còn nhân lên bội lần bởi họ đều là những người cần hỗ trợ toàn diện trong sinh hoạt và điều trị bệnh. Với 10 bệnh nhân thở máy, có những bệnh nhân 80-90 tuổi phải thở ô xy mask liều cao, tâm lí không muốn ở bệnh viện, không chịu hợp tác, gây khó khăn với nhân viên y tế. Vài ngày trước khu vực ICU tiếp nhận bệnh nhân nữ bị béo phì, đái tháo đường nhập viện trong tình trạng nồng độ ô xy chỉ còn 60%. Đây là một trường hợp đặc biệt vì bệnh nhân bị thiểu năng trí tuệ. Dù 37 tuổi nhưng nhận thức của bệnh nhân chỉ như trẻ lên 5, lên 7 tuổi. Không ai thuyết phục được bệnh nhân thở ô xy, càng không cho lấy máu xét nghiệm và dùng thuốc. Bệnh nhân liên tục phản ứng, nhiều người giữ cũng không thể lấy máu để làm xét nghiệm được. Tình thế lúc này vô cùng nguy cấp vì nồng độ ô xy của bệnh nhân xuống thấp, nếu kéo dài thời gian không hỗ trợ thở ô xy bệnh nhân sẽ gặp nguy kịch…

Bất chợt nảy ra ý định, bác sĩ Hoa gạt mọi người ra, cô thủ thỉ với bệnh nhân như với con nhỏ, cô hứa mua kẹo, mua bim bim và sẽ đưa bệnh nhân đi chơi nếu chịu thở ô xy, uống thuốc xong sẽ xinh đẹp, thông minh để làm bác sĩ, làm cô giáo. Nhìn nụ cười có gì đó ngô nghê của nữ bệnh nhân cùng cái gật đầu đồng ý, Hoa bảo cảm giác lúc ấy trút được gánh nặng, mừng rơi nước mắt bởi nếu chậm trễ có thể cô và đồng nghiệp sẽ không giữ được tính mạng bệnh nhân…

Không phân biệt ngày – đêm

Bệnh viện Thanh Nhàn là bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội về điều trị COVID-19. Với 250 giường dành cho bệnh nặng, những ngày này luôn trong tình trạng kín bệnh nhân, các bác sĩ phải luân chuyển ca nặng hơn lên tuyến trung ương để có chỗ tiếp nhận thêm. Có những ngày kíp trực của bác sĩ Hoa tiếp nhận 15 bệnh nhân mới, đồng nghĩa với việc phải chuyển đi những ca nặng nhất lên tuyến trên, hôm nào may mắn thì có bệnh nhân nặng được xuất viện.

Áp lực lúc đầu gây sợ hãi, giờ đã không còn làm khó những bác sĩ như Hoa. Nhưng không thôi ám ảnh trong cô khi nhận tin báo chuẩn bị đón bệnh nhân COVID-19 nặng kèm bệnh lí nền nhưng chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. “Em đã chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng tử vong, gần như họ đều không tiêm vắc xin, có bệnh nền. Không tiêm vắc xin lại có đái tháo đường thì bệnh nặng lên gấp nhiều lần, khó qua khỏi do phổi bị tổn thương rất nặng. Thực sự ám ảnh”. Tôi nghe giọng Hoa nghẹn lại.

Một trong những ca bệnh nặng nhất đang điều trị tại bệnh viện là một bệnh nhân nam, 86 tuổi, có tiền sử bệnh lí nền tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, suy thận và chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản thở máy. Hiện ông đang phải lọc máu liên tục và xuất hiện tình trạng bão Cytokines nhưng vì suy gan, suy thận nên không thể điều trị bằng thuốc kháng virus. Với số lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch quá đông so với lực lượng nhân viên y tế nên họ gần như không có thời gian đủ dài nghỉ ngơi để tái tạo sức lực.

Phần lớn bệnh nhân cần liên tục có người theo dõi nên 5 bác sĩ và 14 điều dưỡng phải căng mình gánh việc, mỗi người làm 8-10 tiếng liên tục, quên thời gian, nhiều khi đồng nghiệp phải gọi ra thay ca vì sợ quá sức lại ngất trong phòng bệnh nhân. Khái niệm ngày – đêm dường như không tồn tại ở đây bởi công việc liên tục cuốn họ vào guồng quay. Chỉ đến khi có những lúc cảm thấy như thiếu ô xy muốn ngất mới nhận ra cần phải dừng lại để có sức mà tiếp tục cố gắng…

Hà Nội những ngày này nắng có khi vàng ruộm phủ lên cái lạnh se se, bất giác tiếng còi xe cứu thương xé tan khoảng lặng, ngó thấy những bóng người khoác trên mình bộ đồ bảo hộ màu xanh, màu trắng kín mít mới cảm thấy bình yên chưa lúc nào mong manh đến thế. Những người như bác sĩ Hoa đã lâu rồi không cảm nhận được tiết trời Hà Nội đang đẹp đến nao lòng (Tiền phong, trang 8).

 

Củng cố trụ cột y tế

Ngay trong ngày 14-12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký ban hành Kế hoạch xây dựng thế trận ứng phó với biến thể Omicron nhằm chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp kịp thời nếu biến thể mới này xuất hiện.

Trước đó, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người dân; chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ; huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia vào việc chăm sóc, điều trị F0 tại cộng đồng… Đây là những cơ sở quan trọng để từng ngành, địa phương, đơn vị chủ động hơn trong tổ chức phòng chống dịch ứng với đặc thù cụ thể.

Sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình hình kinh tế – xã hội tại TPHCM đã trở lại với nhiều điểm sáng, cuộc sống “bình thường mới” đang dần trở lại. Tuy nhiên, cùng với cả nước, TPHCM cũng đang gồng mình chống dịch khi số ca mắc có dấu hiệu tăng nhanh trong những ngày gần đây.

Từ thực tiễn phòng chống dịch thời gian qua, người dân và các nhà quản lý đều tìm thấy những bài học quý giá trong suốt quá trình đối mặt với dịch bệnh, nhất là giai đoạn dịch bùng phát và hoành hành dữ dội trong những tháng vừa qua. Đến nay, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế từng bước được nâng lên, tỷ lệ bao phủ vaccine tăng nhanh giúp thành phố chủ động hơn trong công tác ứng phó. Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả trong phòng chống dịch được củng cố và lan rộng như: mô hình “tháp 3 tầng” trong phân tầng điều trị Covid-19; chăm sóc F0 tại nhà; trạm y tế lưu động; tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022; tổ y tế từ xa; chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng; bệnh viện “chị-em”; bệnh viện dã chiến 3 tầng; chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm SARS-CoV-2…

Cùng với việc cả hệ thống chính trị tham gia quyết liệt phòng chống Covid-19, hệ thống y tế tư nhân cũng không nằm ngoài cuộc. Nhiều cơ sở y tế tư nhân thời gian qua đã không màng lợi nhuận tham gia chăm sóc, điều trị F0 và gần đây nhất, hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân đã tham gia phòng chống dịch, trở thành “cánh tay nối dài” của ngành y tế trong công tác hỗ trợ chăm sóc, điều trị F0 tại cộng đồng. Người dân được tiếp cận phương thức điều trị ngay lập tức thông qua các nhà thuốc, khi hệ thống y tế trên địa bàn quá tải.

Điều đó cho thấy, linh hoạt trong cách phòng chống dịch là sự cân nhắc kỹ càng của ngành y tế và UBND TPHCM trên cơ sở dịch bệnh đã được kiểm soát với mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết. Các giải pháp phòng chống dịch đều dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với điều kiện của TPHCM, đảm bảo bảo vệ người dân tốt nhất trước dịch bệnh và người dân sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất ngay từ cơ sở.

Đặc biệt, việc đưa thuốc điều trị đến gần hơn với người mắc Covid-19 qua hệ thống nhà thuốc tư nhân sẽ góp phần tích cực xóa dần hoạt động “chợ đen” của thị trường thuốc điều trị. Việc “xã hội hóa” công tác phòng chống dịch phải là một trong những mục tiêu hướng tới của ngành y tế, giúp giảm gánh nặng cho chính quyền cũng như giúp người bệnh được thuận lợi trong việc chữa trị.

Virus SARS-CoV-2 được xác định sẽ tồn tại lâu dài với nhân loại và khó có thể loại trừ hẳn ra khỏi cộng đồng, buộc chúng ta phải thích ứng an toàn với nó. Khi Covid-19 không còn là nỗi khiếp sợ, người dân trở nên tự tin, linh hoạt hơn trong việc giải quyết các vấn đề của mình. Cùng với nỗ lực của từng người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, việc củng cố trụ cột y tế cơ sở với mục tiêu kéo giảm, không để F0 tăng lên cao, chăm sóc tốt hơn cho người dân, không để thành phố rơi vào tình huống bị động trong mọi trường hợp đã và đang được cả hệ thống chính trị thành phố nỗ lực triển khai, thực hiện (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Bệnh viện dã chiến đa tầng TP.HCM: Nơi rộn tiếng cười, nơi gắng qua nguy kịch

Chỉ cách nhau vài vách ngăn, hình ảnh các tầng Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình (TP.HCM) như hai bức tranh đối nghịch. Một nơi bệnh nhân COVID-19 tự chăm sóc, vui vẻ, rộn tiếng nói. Một nơi bệnh nhân nằm im lìm, sự sống bị đe dọa từng giờ. Dẫu hình ảnh có gam màu nào, sự sống vẫn phải tiếp diễn.
Bức tranh sáng

Quang cảnh tại tầng 1 và 2 (khu D và E) Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình (TP.HCM) vào một buổi sáng như một khu nhà ở tập thể khi bệnh nhân tự vệ sinh cá nhân, thể dục, ăn sáng, vui đùa, tán gẫu… Nhân viên y tế cũng đến từng buồng bệnh lấy mẫu xét nghiệm cho một số bệnh nhân đủ thời gian.

Ở khoảnh sân trời, mọi khoảng cách giữa bệnh viện dã chiến và cuộc sống ngoài cộng đồng như hòa một vì nơi đây là “cả thế giới” vui chơi của trẻ em, là nơi tập thể dục, phơi quần áo, trò chuyện của người lớn…

Đang chơi cờ vua với người bạn F0, em L.B.H. (9 tuổi, Trường tiểu học Thân Nhân Trung, ngụ phường 13, quận Tân Bình) hớn hở cười nói: “Em ở đây cũng vui lắm vì có thêm bạn mới. Tụi em hay chơi cờ với nhau. Em ở lại đây thêm một tuần nữa cũng được”.

Người bạn F0 của H. là N.M.Q.. Hai em cùng tuổi, sống cùng nơi, học chung trường nhưng trước kia chưa bao giờ gặp mặt nhau. H. và Q. kết bạn ngay tại bệnh viện dã chiến. Hằng ngày, hai em hay rủ nhau ra khoảnh sân trời, chơi cờ vua và lấy xô nước làm ghế ngồi. Những bệnh nhân F0 khác ghé xem, bình luận.

Một trong những “khán giả” thân quen của hai em là cụ ông N.V.T. (90 tuổi, ngụ quận Tân Bình). Đều đặn mỗi sáng, ông T. ngồi trên xe lăn, được con dâu đẩy đến khoảnh sân để hóng gió trời, vận động nhẹ nhàng hay xem mọi người vui chơi.

Không ít bệnh nhân cảm nhận nơi đây là ngôi nhà lớn, với nhiều thành viên thân thiện – là những người cùng nhiễm COVID-19 và các y bác sĩ, tình nguyện viên. Họ cùng mục tiêu phấn đấu mau khỏi bệnh, sớm trở về nhà.

“Thấu rõ tình người”

Dù lượng bệnh nhân nhập viện đông, bệnh viện phải kê thêm giường xếp dọc hành lang để đáp ứng nhu cầu thực tế. Thế nhưng, các bệnh nhân COVID-19 nhẹ, trung bình ở đây chưa ai than phiền bởi họ luôn được đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên đối xử tử tế, tận tình.

Ông N.T.B. (64 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết dù phải đi điều trị COVID-19 nhưng ông cảm thấy rất thoải mái, hài lòng vì thường xuyên được y bác sĩ thăm khám, thắc mắc gì sẽ được giải đáp kịp thời.

Bệnh nhân N.T.H. (51 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho rằng thời gian chị và người nhà ở đây sẽ là kỷ niệm khó quên dù lúc nhập viện chị đã từng rất sợ.

“Bước chân vào bệnh viện, tôi sợ hãi lắm, xin về vì bệnh nhân ở đây đông quá. Nhưng ở lâu lại yên tâm hơn vì bác sĩ, điều dưỡng ai cũng làm việc có tâm, tận tình, không ai nói nặng nhẹ với bệnh nhân một lời nào.

Nửa đêm, khi mọi người đã ngủ, các tình nguyện viên lại đi theo dõi bình oxy có hết nước không để châm bình. Bệnh nhân với bệnh nhân cũng thương nhau nữa.

Nhiều người lớn tuổi mà chỉ đi cách ly một mình thì những bệnh nhân cạnh bên hỗ trợ họ, có gì cũng chia sẻ nhau. Qua đây tôi mới thấu rõ tình người trong mùa dịch. Bệnh viện mà nói nhớ thì hơi kỳ nhưng đó là cảm xúc cảm động thật” – bệnh nhân H. tâm sự.

Chảo lửa sinh tử

Chỉ cách nhau vài vách ngăn, không khí trái ngược hoàn toàn khi đến khoa hồi sức tích cực. Ở đây, bệnh nhân nguy kịch nằm kín giường bệnh. Họ hôn mê sâu, cơ thể gắn liền nhiều dây nhợ để kết nối thiết bị y tế cạnh bên.

Trong bộ đồ bảo hộ bít bùng ngột ngạt nhưng tất cả bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên dường như quên khái niệm thời gian. Trong “bản giao hưởng” nhiều âm thanh từ các thiết bị máy móc phát ra liên hồi, họ tập trung cao độ, miệt mài chăm sóc, điều trị bệnh nhân nguy kịch, giành lại sự sống khỏi tay tử thần.

Hơn 9h, các tình nguyện viên đặt mỗi giường bệnh một xô nước. Họ nhẹ nhàng gội đầu, lau người, xoay trở, bóp nắn chân tay cho bệnh nhân. Riêng việc thay drap giường cho một bệnh nhân phải cần 4 – 5 người vì phần lớn bệnh nhân đều hôn mê sâu và nặng ký.

Trên giường số 2 là một cụ ông thân người nhỏ xíu, thở từng hơi nặng và rất dốc, bề môi đã thâm tím. Hai bác sĩ khẩn trương đẩy máy móc vừa tiến hành siêu âm, đo điện tim vừa trao đổi tình trạng sức khỏe của cụ. “Cụ ông 84 tuổi nhiễm COVID-19, suy đa cơ quan, nhồi máu cơ tim, rất nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào” – bác sĩ Toàn nói.

Giường bên, một bệnh nhân tuổi trung niên, người béo phì cũng rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Vừa ra khỏi khoa hồi sức tích cực, chị Nguyễn Thị Thu Hiền – điều dưỡng trưởng khoa hồi sức tích Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình – lại quay cuồng công việc tại khu hành chính.

Gặp tôi, chị đã không kìm được nước mắt: “Chỉ cách nhau một bức tường nhưng là hai thế giới khác. Nơi đây (khuôn viên khu hành chính – PV) thì chim hót, hoa nở; còn ở trong kia (khoa hồi sức tích cực – PV) thực sự là “chảo lửa”. Mọi người rất áp lực trước số lượng nhiều bệnh nhân nặng”.

Chị Hiền kể bản thân đã có 20 năm kinh nghiệm làm điều dưỡng ở Bệnh viện Thống Nhất nhưng chưa bao giờ gặp nhiều áp lực như trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 này. Mỗi ngày chị làm hơn 12 tiếng đồng hồ. Điều đau buồn nhất là có ngày phải làm 10 giấy báo tử bệnh nhân mất vì COVID-19 trong đợt dịch cao điểm.

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân nguy kịch khỏi tay tử thần ở khoa hồi sức tích cực Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình chưa biết ngày dừng lại khi số ca nhiễm mới tại TP.HCM vẫn còn có chiều hướng tăng.

Đã có nhiều bệnh nhân ra đi dù được các y bác sĩ nỗ lực cứu chữa và không ít bệnh nhân đã trở về với gia đình một cách thần kỳ.

Hạn chế nguy cơ chuyển viện

Theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh viện dã chiến 3 tầng là mô hình chăm sóc, điều trị tốt nhất cho người bệnh và hạn chế tối đa các nguy cơ khi chuyển viện. Sở Y tế sẽ điều động luân phiên nhân viên y tế từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa TP và các quận, huyện đến bệnh viện dã chiến 3 tầng.

Ông Hồ Hữu Đức – phó giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình (TP.HCM) – cho biết vào thời điểm trước, bệnh nhân rất sợ khi phải vào bệnh viện dã chiến. Nhiều người chọn tự cách ly tại nhà dù không đủ điều kiện nên có thể là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng.

Thực tế đến nay nhiều bệnh nhân đã và đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình cho biết rất thoải mái. “Bệnh nhân thường rất sợ khi vào khu cách ly. Họ có cảm giác như bị giam cầm vì chỉ lủi thủi trong không gian nhỏ hẹp, không có sự giao tiếp dẫn đến căng thẳng, tinh thần giảm sút.

Điều quan trọng là làm sao tinh thần bệnh nhân thoải mái, không còn cảm giác sợ sệt khi cách ly, từ đó họ sẽ tuân thủ đúng hướng dẫn dù cơ sở vật chất có thể chưa được tốt nhất” – ông Đức nói (Tuổi trẻ, trang 14).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 13/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/3/2019

CDC Hà Nam