Điểm báo ngày 09/3/2021

(CDC Hà Nam)
 Bảo vệ ”chiến binh” tuyến đầu chống dịch; 377 người đầu tiên được tiêm vắc-xin phòng covid-19; 3 người chết, hàng chục người mắc bệnh lạ…

 

Bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán với thời tiết mát mẻ, không khí se lạnh vào buổi sáng và từ chiều tối, TP Hồ Chí Minh và cả Nam Bộ đang trải qua đợt nắng nóng nhất kể từ đầu năm 2021. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết nắng nóng tại TP Hồ Chí Minh kéo dài đến ngày 7-3, nhiệt độ cao nhất 36oC, độ ẩm 40-55%. Toàn thành phố có cường độ nắng khá mạnh, thời gian nắng tương đối kéo dài. Thời điểm nắng nhất trong ngày vào khoảng từ 11 giờ đến 17 giờ. Còn theo dự báo trên trang web weather.com, từ nay đến ngày 15-3, nhiệt độ tại TP Hồ Chí Minh luôn duy trì mức cao, nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến ở mức 35-36oC.

Tuy đây chưa phải là đợt nóng nhất trong năm do chưa đến cao điểm mùa khô ở khu vực Nam Bộ, nhưng nó đã tác động không hề nhỏ đến đời sống người dân. Nhiều người đi trên đường phố vào trưa, chiều đều cảm nhận hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường gây cảm giác nóng bức, rát da, khó chịu trong người. Vào buổi tối, nhiều người chia sẻ, dù đã bật hết công suất các quạt trong nhà vẫn cảm thấy không khí nóng bức. Ngoài ra, người dân phải tăng lượng nước uống so với trước mới giải được cơn khát.

Ðiều đáng nói, mùa nắng nóng cũng là điều kiện phát sinh các bệnh do vi-rút, vi khuẩn gây ra. Khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể tiết nhiều mồ hôi, nếu không được bổ sung nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải. Nắng nóng rất dễ làm tăng nguy cơ say nắng, sốc nhiệt đối với những người phải lao động, di chuyển nhiều ngoài trời… Trẻ nhỏ, người cao tuổi, người béo phì và những người rối loạn bài tiết mồ hôi cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, sốc nhiệt sẽ để lại những biến chứng và hậu quả nặng nề, thậm chí dẫn đến tử vong. Ngoài ra, nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn, nấm gây ra các bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Ðáng chú ý, chỉ số tia cực tím (UV) tại TP Hồ Chí Minh nhiều ngày qua và dự báo trong những ngày tới đang ở mức 10, ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, có thể gây bỏng da trong 25 phút tiếp xúc. Nếu chỉ số UV từ mức 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.

Theo thống kê, đỉnh điểm nắng nóng năm nay cũng sẽ rơi vào tháng 4 và tháng 5. Thời gian tới, tại TP Hồ Chí Minh còn có những đợt nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao hơn. Ðể phòng tránh tác hại do nắng nóng kéo dài, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần mặc quần áo bảo hộ, bao gồm các loại áo có khả năng chống nắng như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, tối mầu, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai; nên lựa chọn chất liệu vải chống nắng đặc biệt. Người dân nên đeo kính râm bảo vệ mắt, lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia UV từ 99-100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da chung quanh. Cùng với đó, mọi người nên bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím; uống bù đủ nước khoảng 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây. Người dân nên hạn chế ra ngoài vào buổi trưa, thời điểm bức xạ tia cực tím gây hại cao nhất.

Thiết nghĩ, để nâng cao mức độ cảnh giác của người dân về tác hại của nắng nóng, cần tăng cường công tác truyền thông về dự báo diễn biến thời tiết và đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo cụ thể đến rộng rãi người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người dân cũng cần nâng cao ý thức tự giác bảo vệ bản thân và gia đình, nhất là người già và trẻ em. (Nhân dân, trang TP.HCM)

 

377 người đầu tiên được tiêm vắc-xin phòng covid-19

Ngày 8-3, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu với việc tiêm vaccine cho 377 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành. Tối 8-3, Bộ y tế cho biết, toàn bộ người được tiêm vaccine hiện đều có sức khỏe ổn định.

Thêm động lực cho y bác sĩ tuyến đầu

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đến giám sát quá trình tiêm vaccine. Ngay từ 7 giờ sáng 8-3, các nhân viên của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã mang những liều vaccine đầu tiên đến bệnh viện đúng thời gian quy định. Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất đạt chuẩn và có các kịch bản kỹ lưỡng liên quan đến quá trình tiếp nhận, lưu trữ bảo quản vaccine, tư vấn, theo dõi quá trình tiêm… cũng như sẵn sàng các phương án cho trường hợp khẩn cấp. Đội ngũ nhân viên tham gia công tác tiêm vaccine được tập huấn, cập nhật các kiến thức liên quan đến việc tiêm vaccine Covid-19 nói riêng và quy định tiêm chủng nói chung. Trong ngày đầu tiên này, bệnh viện có 100 cán bộ, nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19. “Trước khi tiêm, 100 cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viên đã được kiểm tra, tư vấn và sàng lọc theo quy định; sau tiêm sẽ được theo dõi tại điểm tiêm theo quy định và đồng thời được hướng dẫn, tư vấn về việc tự theo dõi tại nhà sau tiêm”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, kiểm tra, chỉ đạo và chứng kiến buổi tiêm chủng còn có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park, đại diện UNICEF và một số tổ chức quốc tế. Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng của bệnh viện, cho biết, trong ngày đầu tiên có 100 cán bộ, nhân viên y tế là những người trực tiếp điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19 được tiêm vaccine Covid-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao sự chuẩn bị cẩn thận của bệnh viện để bảo đảm công tác tiêm chủng diễn ra tốt đẹp. “Với những mũi tiêm vaccine Covid-19 cho các thầy thuốc hôm nay, họ sẽ tăng động lực, vững tâm để cống hiến trí lực và tâm huyết cho cuộc chiến chống Covid-19”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Tại Hải Dương, công tác tiêm chủng cũng diễn ra chu đáo, nhanh gọn. Qua kiểm tra công tác tiêm chủng tại Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã yêu cầu, tất cả chất thải sau tiêm chủng phải được xử lý theo quy định và tổ chức sàng lọc rất kỹ trước khi tiêm. Tại Trung tâm Y tế TP Hải Dương, là người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19, chị Phạm Thị Tuyết Nhung, nhân viên y tế trung tâm, thuộc tổ lấy mẫu Covid-19 tại cộng đồng, chia sẻ: “Trước khi đến tiêm, tôi cảm thấy hồi hộp, hơi lo, nhưng khi đến đây thấy công tác chuẩn bị chu đáo nên tôi cảm thấy yên tâm hơn”. Tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành, chị Trịnh Thị Phương (giáo viên, ở xã Tuấn Việt, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng của địa phương) đã bày tỏ sự xúc động khi nhận được sự quan tâm chia sẻ của ngành y tế và chính quyền địa phương, chị nằm trong danh sách những người được ưu tiên tiêm vaccine.

Không được chủ quan khi có vaccine

Theo Bộ Y tế, đợt tiêm vaccine Covid-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc. Đây là nguồn lực đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước. Đối tượng được ưu tiên trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu, thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ Covid-19 cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương trên.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện nay do nguồn cung vaccine trên toàn cầu rất hạn chế, để triển khai sớm vaccine Covid-19 trên diện rộng, Bộ Y tế đang tích cực thúc đẩy đàm phán để nhập khẩu vaccine từ các nguồn, đồng thời khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước, để đảm bảo tự chủ nguồn vaccine Covid-19 bền vững.

Nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho người được tiêm vaccine Covid-19 là ưu tiên cao nhất, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên, đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine. Bên cạnh đó, các tuyến thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm cụ thể, từ đó chia sẻ cho cán bộ y tế tại các tuyến để triển khai tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đề nghị Chương trình tiêm chủng mở rộng và các đơn vị thực hiện tiêm chủng nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Chính phủ và Bộ Y tế về sử dụng vaccine Covid-19, giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm. Đồng thời cần đẩy mạnh giám sát để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng, kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chuẩn tiêm chủng vaccine Covid-19. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “377 người đầu tiên được tiêm vắc-xin phòng Covid-19”; Công an Nhân dân, trang 1: “Ngày đầu tiêm vaccine Covid-19: Những người được tiêm sức khỏe bình thường”; Thanh niên, trang 1: “Ngày đầu tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam”; Tiền phong, trang 1: “Ngày đầu tiêm vắc-xin phòng COVID-19: An toàn là trên hết”; Nông thôn ngày nay, trang 1: “Bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Việt Nam: An toàn và yên tâm chống dịch”; Tuổi trẻ, trang 1: “Khởi động chiến dịch tiêm chủng quy mô nhất”

 

Tuyển tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac

Chiều 8-3, Bộ Y tế cho biết, nhóm nghiên cứu vaccine Covivac đang tiếp tục tuyển nhóm tình nguyện viên từ 40-59 tuổi thử nghiệm lâm sàng vaccine để nghiên cứu.

Theo đó, quyền lợi của tình nguyện viên là được tiêm vaccine Covid-19 đã được nghiên cứu kỹ lưỡng cho thấy an toàn hiệu quả trên tiền lâm sàng. Đây là vaccine có công nghệ sản xuất tương tự như một số vaccine Covid-19 đã lưu hành trên thế giới, công nghệ này cũng đã được dùng để sản xuất vaccine cúm tại Việt Nam; được mua bảo hiểm tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu; được khám, theo dõi và chăm sóc bởi đội ngũ y bác sĩ hàng đầu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và được hỗ trợ kinh phí đi lại khi tham gia nghiên cứu, tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân. Đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội (số 1 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, TP Hà Nội); qua điện thoại: 024.38523798 – 3188 hoặc các tư vấn viên hỗ trợ; qua email: duoclylamsang@gmail.com hoặc qua trang http://duoclylamsang.vn. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)

 

WHO đánh giá cao Việt Nam

TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đánh giá cao việc Việt Nam đã khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vaccine rất chu đáo, an toàn; cảm ơn các cán bộ, nhân viên y tế đã tiêm vaccine, vì họ là những chiến binh trong cuộc chiến với Covid-19. Ông cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế đã kịp thời chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine cho 13 tỉnh thành đang có dịch và y bác sĩ đang điều trị bệnh nhân Covid-19, điều này rất phù hợp với các nghiên cứu thực tế và khuyến cáo của WHO. Theo TS Kidong Park, vaccine Covid-19 của AstraZeneca sử dụng tiêm tại Việt Nam đã được cấp phép và sản xuất tại Hàn Quốc. Vaccine này đã qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm rất khắt khe, đảm bảo an toàn để triển khai tiêm trong chiến dịch này. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)

 

Xây dựng Sổ sức khỏe điện tử tiêm chủng COVID-19 cho người dân

Thông qua Sổ sức khỏe điện tử, cơ quan quản lý sức khỏe các cấp có thể nhanh chóng phân tích, theo dõi các thông tin số liệu cho việc triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc.

Để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thông tin tiêm chủng cá nhân vaccine COVID-19, giảm thiểu các thủ tục hành chính, Bộ Y tế và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp nghiên cứu, xây dựng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên 2 nền tảng: Nền tảng web tại địa chỉ http://hssk.kcb.vn và Ứng dụng trên điện thoại thông minh (Android và IOS).

Cơ sở y tế đã sử dụng Hệ thống tiêm chủng quốc gia được cấp đồng bộ tài khoản để truy cập hệ thống. Cơ sở y tế chưa có tài khoản sẽ được cấp tài khoản mới.

Với người dân, hệ thống chủ động gửi tin nhắn tới số điện thoại di động của cá nhân đăng ký với đơn vị tiêm chủng, có chứa đường dẫn tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và thông báo lịch tiêm chủng.

Thông qua Sổ sức khỏe điện tử, cơ quan quản lý sức khỏe các cấp có thể nhanh chóng phân tích, theo dõi các thông tin số liệu cho việc triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc như: Xây kế hoạch tiêm vaccine theo từng nhóm đối tượng, địa bàn và thời gian; quản lý và theo dõi toàn bộ quá trình tiêm vaccine đồng bộ, chính xác, cập nhật.

Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân theo dõi lịch sử tiêm vaccine phòng COVID-19 và các tình trạng sức khỏe liên quan của bản thân, chủ động phản hồi thông tin về phản ứng sau tiêm và tình trạng sức khỏe với cơ quan y tế.

Sổ sức khỏe điện tử được xây dựng dựa trên công nghệ bảo mật nhiều lớp và hạ tầng kỹ thuật của Viettel, đảm bảo bảo mật tuyệt đối toàn bộ thông tin cá nhân, lịch sử tiêm chủng, tình trạng tiêm chủng và tình trạng sức khỏe theo các quy định bảo mật của Nhà nước. (Công an Nhân dân, trang 1)

 

3 người chết, hàng chục người mắc bệnh lạ

Ngày 8.3, Sở Y tế Kon Tum đã có báo cáo về 3 trường hợp tử vong do “bệnh lạ” tại thôn Kon Kum, xã Măng Cành, H.Kon Plong (Kon Tum) sau khi ăn uống tại lễ hội “tết chuồng trâu” – lễ của người dân địa phương.

Vào ngày 17.2 vừa qua, làng Kon Kum đã tổ chức lễ hội ăn “tết chuồng trâu” với khoảng 20 người tham dự.

Vài ngày sau, nhiều người xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn ói nên được gia đình đưa đến bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, 2 người đã không qua khỏi là anh A.V (36 tuổi) và bà Y.N (65 tuổi). Các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân tử vong là do suy hô hấp, viêm não, viêm phổi. Riêng bà Y.K (64 tuổi) sau khi ăn tiệc về nhà thì bị đau bụng, đau sau lưng, thể trạng suy kiệt nhưng không đi khám bệnh, không uống thuốc và tử vong tại nhà. Chị Y Mai (em gái anh A.V) cho biết trong buổi tiệc, dân làng ăn thịt gà, thịt ếch, cá suối và uống rượu ghè.

Theo ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Măng Cành, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã đến địa phương lấy mẫu bệnh phẩm tiến hành xét nghiệm, kiểm tra để xác định nguyên nhân của các trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với ngành y tế phun thuốc khử trùng trên địa bàn xảy ra vụ việc. Ngoài các ca tử vong còn có 3 trường hợp khác cũng có các triệu chứng tương tự gồm A.L, A.V (cùng 24 tuổi) và A.D (25 tuổi). Tất cả đã được đưa đi chữa trị tại bệnh viện.

Hiện, có 18 trường hợp đang được điều trị, chăm sóc tại Trung tâm y tế huyện. Tất cả các trường hợp đều ổn định, không có những triệu chứng bất thường. Ngành y tế tỉnh Kon Tum vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ việc. (Thanh niên, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Điều tra nguyên nhân gây chùm ca bệnh ở Kon Tum”

 

Trước mắt chưa thể đủ liều cho mọi người

Chiều 8/3, Hà Nội họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, báo cáo, Hà Nội có khoảng 10 triệu người, trong khi đợt đầu tiên chỉ được Bộ Y tế phân bổ khoảng 8.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19, nên sẽ tiêm cho các đối tượng được ưu tiên, có danh sách cụ thể do thành phố quyết định. Ông nói rằng, các đợt vắc-xin sau này cũng phải theo phân bổ của Bộ Y tế, vì thế, trong thời gian ngắn trước mắt, chưa thể có đủ vắc-xin cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng. Một số loại vắc-xin khác vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, chưa có kết quả cụ thể. Vì thế, cùng với vắc-xin, các biện pháp phòng chống dịch như 5K, truy vết, chủ động phát hiện… vẫn rất quan trọng.

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ông Trương Quang Việt, cho biết, dự kiến, sáng 9/3, Hà Nội tiêm những mũi vắc-xin đầu tiên cho bác sĩ, nhân viên y tế có nguy cơ cao tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ông Việt thông tin, vắc-xin được sử dụng tiêm đợt đầu ở Hà Nội là sản phẩm của Anh, thời hạn sử dụng 6 tháng, tiêm 2 liều. Chiều 8/3, có 10 đơn vị gửi danh sách ưu tiên về, gồm các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Thường Tín, Ba Vì, Đan Phượng, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất, Ứng Hòa, Thanh Oai… Đại diện thị xã Sơn Tây cho biết, đã rà soát, lập danh sách ưu tiên tiêm vắc-xin gồm 2.981 người. Huyện Sóc Sơn có danh sách 128 người là nhân viên y tế tuyến đầu. Quận Hoàn Kiếm lập danh sách 212 trường hợp gửi về Sở Y tế…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, nói: “Vắc-xin chỉ là phòng bệnh. Cần tránh tình trạng người dân chủ quan khi có vắc-xin. Cần nhấn mạnh biện pháp ‘5K + vắc-xin’ để đảm bảo phòng chống dịch”. Bà Hà nêu rõ các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin đợt đầu. Trước mắt ưu tiên y, bác sĩ, trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân, hoặc người bệnh có triệu chứng nghi ngờ, ho, khó thở tại các bệnh viện.  “Ngày 9/3, Hà Nội sẽ tiêm cho các bác sĩ ở Bệnh viện Thanh Nhàn, là những người trực tiếp chữa bệnh, xét nghiệm tại bệnh viện. Chúng tôi chọn y bác sĩ ở khoa truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, khoa lâm sàng, các nhân viên lấy mẫu xét nghiệm. Nhóm thứ hai là các nhân viên y tế dự phòng như CDC Hà Nội, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; các trạm y tế xã, phường, thị trấn, là người ở tuyến đầu chống dịch. Nhóm thứ 3 là nhân viên vận chuyển cấp cứu 115, chuyên chở bệnh nhân COVID-19, những người có triệu chứng nghi ngờ. Nhóm nữa là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 từ cấp thành phố, quận, huyện đến xã, phường, thị trấn”, bà nói. Theo bà, về nguồn vắc-xin, Bộ Y tế là đầu mối thống nhất, tránh tình trạng các địa phương, đơn vị tự đàm phán trực tiếp mua vắc-xin. (Trường Phong)

Tiêm cho hơn 7.000 người

Chiều 8/3, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, Sở đã lên kế hoạch, danh sách cụ thể cho tổng cộng 7.235 người được tiêm vắc-xin, với 10% dự phòng hao phí vắc-xin theo quy định của Bộ Y tế. Hà Nội sẽ tiêm trong vòng 1 tuần, từ 9-18/3 tại 30 quận, huyện. Theo kế hoạch, Bệnh viện Thanh Nhàn sẽ là đơn vị đầu tiên tiêm vắc-xin ngày 9/3. Các bệnh viện còn lại sẽ thực hiện tiêm chủng từ ngày 12-15/3. Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã sẽ thực hiện tiêm từ 15-18/3.  (Tiền phong (trang 5)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 6: “Hà Nội: Khoảng 7.230 người được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 đợt 1”; Hà Nội mới trang 3: “Hôm nay, 9-3, Hà Nội triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn”

 

“Chiến dịch” mới trong cuộc chiến chống Covid-19

Ngày 8-3 đánh dấu mốc mới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Những mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên đã được tiêm cho các nhân viên y tế, bắt đầu một “chiến dịch” tiêm chủng lớn nhất lịch sử nước ta từ trước tới nay với hàng triệu liều sẽ được tiêm đại trà trong thời gian ngắn.

Công bằng trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19

Chiến dịch tiêm phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corora gây ra (Covid-19) đã được tiến hành từ sáng 8-3, đồng loạt tại Hà Nội, Hải Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những tỉnh, thành phố lớn nhất, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn nhất nước ta và vùng dịch đang diễn biến phức tạp nhất cả nước hiện nay.

Cùng với các biện pháp đồng bộ khác để ứng phó, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam ngay từ sớm đã coi vaccine là biện pháp rất quan trọng để đẩy lùi một trong những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bậc nhất xuất hiện tại nước ta từ trước tới nay. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, dịch Covid-19 còn tác động vô cùng tiêu cực tới toàn bộ kinh tế-xã hội.

Ngay từ khi cả thế giới cùng vào cuộc với tốc độ khẩn trương nhất để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 sớm ngày nào tốt ngày đó, chúng ta cũng đã hết sức coi trọng và đầu tư thích đáng để nghiên cứu, bào chế vaccine Covid-19. Đến nay, tại Việt Nam, đã phát triển được 2 loại vaccine ngừa Covid-19, trong đó loại vaccine đầu tiên mang tên Nano Covax đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ hai trên người với hy vọng sẽ có vaccine phòng Covid-19 “Make in Vietnam” vào cuối năm nay.

Đồng thời với việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, chúng ta cũng đã tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 uy tín, chất lượng trên thế giới để sớm có vaccine cho người dân. Bằng tất cả nỗ lực cao nhất, lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên gồm 117.600 liều của hãng dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia Anh-Thụy Điển có trụ sở chính tại Cambridge, Anh. Vaccine AstraZeneca là một trong ba vaccine phòng Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và đã được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số lượng hơn 117.000 liều vaccine AstraZeneca được Bộ Y tế phối hợp với đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vaccine là Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vaccine được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn. Vaccine được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để bảo đảm chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Do số lượng vaccine được cung cấp trong đợt đầu tiên còn hạn chế nên đối tượng được ưu tiên trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh. Đó là các nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ Covid-19 cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương trên.

Sau những mũi tiêm đầu tiên ngày 8-3, việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục được khẩn trương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm công bằng trong tiếp cận vaccine. Theo đó, việc triển khai tiêm chủng sẽ diễn ra tại 13 tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về phòng, chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.

Chiến lược đúng đắn để đánh bại Covid-19

Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt đầu tiên nằm trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng của VNVC thực hiện. Đây cũng là một dấu mốc mới trong chương trình tiêm chủng mở rộng diễn ra bền bỉ suốt hơn 40 năm qua tại nước ta.

Là một quốc gia nhiệt đới với xuất phát điểm nghèo nàn và lạc hậu, các bệnh truyền nhiễm là một thách thức lớn với nước ta. Nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, thanh toán các căn bệnh truyền nhiễm khiến hàng triệu người mắc bệnh và rất nhiều người bị tước đi mạng sống, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ đầu những năm 80 với địa bàn được bao phủ dịch vụ tiêm chủng mở rộng tăng dần hàng năm ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện và xã trên phạm vi toàn quốc.

Với tuyến tỉnh, từ tỷ lệ 27% vào năm bắt đầu triển khai đại trà chương trình tiêm chủng mở rộng năm 1982 đã tăng lên 100% số tỉnh thành đã có dịch vụ vào năm 1985; với tuyến huyện là từ tỷ lệ 9,8% năm 1982 lên 100% số quận huyện vào năm 1989. Với tuyến xã, từ tỷ lệ thấp khoảng 5% vào năm 1982 đã tăng lên bao phủ trên 90% vào năm 1989, song để đạt tỷ lệ 100% số xã được bao phủ tiêm chủng mở rộng cũng còn mất 8 năm nữa do đây là những xã, ấp, bản, buôn vùng sâu, vùng núi cao, hải đảo xa xôi, việc tiếp cận dịch vụ rất khó khăn, do chưa có đường giao thông, cơ sở y tế, lưới điện, dân trí chưa cao…

Việc tiêm chủng mở rộng gần như bao phủ toàn quốc, chúng ta đã thanh toán được nhiều căn bệnh nguy hiểm – nỗi đau của biết bao gia đình khi người thân bị bệnh tật, tử vong như bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi, viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, bạch hầu, ho gà, viễm não Nhật Bản… Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) về tiêm chủng mở rộng, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, những người yếm thế trong xã hội.

Việc đưa tiêm phòng vaccine Covid-19, một dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới xuất hiện song gây tác động nghiêm trọng tới kinh tế-xã hội, vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ có thời gian bao phủ toàn quốc ngắn hơn nhiều với các căn bệnh truyền nhiễm trước đây. Dự kiến, từ nay tới tháng 4-2021, khoảng 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ về Việt Nam trong 4 tháng tới và lên tới 150 triệu liều vào cuối năm 2021 này, tức đủ số vaccine để tiêm cho tất cả những người cần tiêm ở nước ta.

Vaccine là “vũ khí” rất quan trọng để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19, song đó hoàn toàn không phải và không thể là “thần dược” duy nhất. Theo các chuyên gia dịch tễ, vaccine là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100% và vaccine ngừa Covid-19 cũng vậy. Cả hệ thống chính trị và mỗi người dân không thể ỷ lại vào vaccine mà chủ quan, lơ là các biện pháp khác chống dịch Covid-19. Vaccine cùng với tiếp tục thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) mọi lúc, mọi nơi mới là chiến lược đúng đắn, hiệu quả để “đánh bại” Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường. (An ninh Thủ đô, trang 1)

 

Bảo vệ ”chiến binh” tuyến đầu chống dịch

Ngày 8-3, có 4 cơ sở y tế đầu tiên tại tỉnh Hải Dương, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, gồm: Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương, Trung tâm Y tế huyện Kim Thành, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Như vậy, những “chiến binh” trên tuyến đầu chống dịch được trang bị thêm một hệ thống “giáp” bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi rút.

Quy trình tiêm diễn ra chặt chẽ

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại điểm tiêm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), ngay từ đầu giờ sáng 8-3 rất đông phóng viên trong nước và quốc tế đã có mặt. Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã có mặt để giám sát, kiểm tra quy trình tiêm.

Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, để bảo đảm an toàn và đạt hiệu quả cao, bệnh viện đã bố trí phòng tiêm chủng theo quy tắc một chiều, với 3 bàn tiêm trang bị đầy đủ các phương tiện cần thiết nhằm theo dõi sát người được tiêm.

Đúng 8h ngày 8-3, lô vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được chuyển từ xe chuyên dụng của Hệ thống tiêm chủng VNVC (Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam) vào khu vực bảo quản của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Sau khi hoàn tất công tác khám sàng lọc, điều dưỡng Vũ Thị Thanh Thư (Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện) là người được tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên. Khi tiêm xong, nữ điều dưỡng này được đưa vào phòng theo dõi. Hơn 1 giờ sau tiêm, sức khỏe của chị Thư hoàn toàn bình thường.

Cũng là một trong những “chiến binh” trên tuyến đầu chống dịch được tiêm lần này, bác sĩ Lê Văn Xuân (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2) gửi lời cảm ơn tới Bộ Y tế đã dành những mũi tiêm phòng Covid-19 đầu tiên cho lực lượng y bác sĩ dù lượng vắc xin hiện còn hạn chế. “Người dân hãy tin tưởng vào vắc xin, tham gia chiến dịch này để khống chế dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất”, bác sĩ Lê Văn Xuân nói.

Sau khi trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị và quá trình tiêm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 đã triển khai tốt công tác tiêm chủng. Các khâu từ chuẩn bị đến triển khai tiêm bảo đảm hoàn chỉnh, chặt chẽ. Những nhân viên y tế được tiêm đầu tiên đều tuân thủ quy trình tiêm chủng theo quy định. Hiện tại, chưa có trường hợp nào gặp phản ứng bất lợi sau tiêm.

Tính đến hết ngày 8-3, tổng cộng cả nước đã thực hiện tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho 377 cán bộ, nhân viên y tế. Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 đã tiêm cho 66 người; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm cho 104 người. Tại hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm cho 207 người. Hoạt động tiêm chủng tại cả 4 điểm tiêm chủng trong ngày đầu tiên đều diễn ra an toàn. 100% số người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm.

Bảo đảm tiêm vắc xin an toàn

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong tổng số 117.600 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca nhập về Việt Nam được phân bổ cho 13 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế dự phòng của 13 tỉnh, thành phố có ca bệnh; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và 21 cơ sở điều trị Covid-19.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, UNICEF hỗ trợ Việt Nam có được vắc xin Covid-19 chất lượng thông qua chương trình Covax Facility (Giải pháp tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 toàn cầu), bảo đảm Việt Nam có khoảng 20% dân số được tiêm chủng. Dự kiến, trong hai tháng 3 và 4-2021 sẽ có khoảng 4 triệu liều vắc xin Covid-19 về đến Việt Nam.

Còn ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, vắc xin Covid-19 sử dụng trong chiến dịch này được khẳng định an toàn và hiệu quả. “WHO sẽ đồng hành cùng Việt Nam đưa ra chiến dịch tiêm vắc xin an toàn với người dân để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, ông Kidong Park nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, quan điểm của Chính phủ là toàn dân sẽ được tiêm vắc xin Covid-19. Hiện nay, do phụ thuộc vào số lượng vắc xin, nên phải ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao trước. “Sau tiêm vắc xin, chưa hẳn đã có miễn dịch ngay, nên vẫn phải áp dụng biện pháp phòng dịch như thực hiện thông điệp “5K” (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế), PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Với các địa phương chưa được phân bổ vắc xin, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, các chương trình đào tạo tập huấn. Ngay khi có vắc xin, Bộ Y tế sẽ phân bổ để triển khai tiêm kịp thời. (Hà Nội mới, trang 1)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 10: “Tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19”; Tiền phong, trang 4: “‘Áo’ giáp cho chiến binh tuyến đầu”; Lao động, trang 1: “Mở màn chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19: Bảo vệ trước hết cho những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch”; Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Hàng trăm cán bộ y tế, người tham gia chống dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19”

 

Ghi nhận thêm 12 ca mắc mới SARS-CoV-2

Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 6h đến 18h ngày 8-3, nước ta ghi nhận 12 ca mắc mới Covid-19 (từ ca bệnh 2.513 đến ca bệnh 2.524), trong đó có 1 ca ghi nhận trong nước tại tỉnh Hải Dương và 11 ca là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận.

Cụ thể, tại tỉnh Hải Dương ghi nhận 1 ca bệnh ở thành phố Hải Dương. Bệnh nhân là F1 của ca bệnh 2.210 và ca bệnh 2.389; đã được cách ly tập trung từ ngày 14-2. Bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương chi nhánh 2.

Trong 11 ca bệnh được cách ly ngay sau nhập cảnh, có 4 ca là chuyên gia từ Trung Quốc. Các bệnh nhân này từ Seoul (Hàn Quốc) nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 5-3 và đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 6-3, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Ngoài ra, 7 ca bệnh còn lại (đều có quốc tịch Việt Nam) nhập cảnh từ Philippines tại sân bay Cam Ranh ngày 7-3, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Ninh Thuận. Kết quả xét nghiệm ngày 8-3, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận.

Như vậy, tính đến 18h ngày 8-3, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước ta là 2.524 ca, trong đó có 1.586 ca lây nhiễm trong nước.

Tính từ ngày 27-1 đến nay, nước ta ghi nhận 893 ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang và Bình Dương. Riêng tại Hà Nội, từ ngày 16-2 đến nay, chưa ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 45.219 người, trong đó, 506 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 14.266 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta có 1.920 ca được điều trị khỏi, 35 ca tử vong. (Hà Nội mới, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 20/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 19/2/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 11/7/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận