Điểm báo ngày 10/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 10/10/2018

Virus gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam chưa có sự thay đổi về kiểu gene; Việt Nam tham dự Kỳ họp 69 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương; Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở KCB phân loại bệnh, tránh lây nhiễm chéo và tử vong

 

Virus gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam chưa có sự thay đổi về kiểu gene

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khẳng định, dù bệnh tay chân miệng hiện đang gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp nhưng hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của virus gây bệnh này ở Việt Nam.

Chiều nay, 9-10, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin về phòng, chống dịch bệnh đông xuân tới các cơ quan báo chí. Phát biểu tại đây, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, vào thời điểm hiện tại, có 3 dịch bệnh trong nước mà người dân cần lưu ý, đó là tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết.

Tính đến ngày 9-10, cả nước đã ghi nhận gần 62.000 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 29.300 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. Số mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam chiếm 77,6%, trong đó 99% đối tượng mắc ở nhóm trẻ từ 1-5 tuổi.

Trước thông tin về việc virus gây bệnh tay chân miệng đã biến chủng, biến đổi kiểu gen để tạo thành virus mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu khẳng định, các type virus gây bệnh tay chân miệng ở nước ta hiện nay gặp chủ yếu là EV71 (chiếm 21%).

“EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của virus gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam” – PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Về dịch bệnh sởi, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, cả nước ghi nhận gần 3.000 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, có 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần.

Các tỉnh có số mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao như: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh. Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 21,4% và 1-4 tuổi chiếm 37,8%. Trường hợp mắc sởi dù đã được tiêm chủng chỉ chiếm 13,6%, còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (chiếm 44,5%) và không rõ tiền sử tiêm chủng (chiếm 41,9%).

Về sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2017, số mắc cả nước giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp. (An ninh thủ đô, trang 8; Thanh niên, trang 5; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Việt Nam tham dự Kỳ họp 69 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương

Kỳ họp lần thứ 69 của Tổ chức Y tế Thế giới (RCM69) khu vực Tây Thái Bình Dương khai mạc ngày 8/10 tại Manila, Philippines. Bộ trưởng Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương (TTBD)  lần thứ 69 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) diễn ra từ ngày 8 – 12/10/2018 tại Manila, Philippines. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Y tế, các trưởng đoàn của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, là những nhà lãnh đạo y tế hàng đầu trong khu vực Tây Thái Bình dương với hơn 1,9 tỷ người dân sinh sống.

Hội nghị WHO Khu vực TTBD lần thứ 69 cũng đánh dấu một mốc quan trọng, đó là các quốc gia thành viên bầu lại Giám đốc Khu vực TTBD của WHO nhiệm kỳ 5 năm 2019-2024. Các thành viên của Ủy ban khu vực bầu ra một Giám đốc Khu vực từ  4 ứng viên đến từ Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Philippines. Kết quả là TS. Takeshi Kasai người Nhật Bản, cựu Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đã được bầu làm tân Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương. Ông sẽ đảm nhiệm cương vị Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương kể từ 1/2/2019, với nhiệm kỳ kéo dài 5 năm.

Tại Hội nghị lần thứ 69 của WHO TTBD, các thành viên  cùng tham gia thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, các ưu tiên trong lĩnh vực y tế bao gồm đối phó với các bệnh nhiệt đới bị lãng quên, tăng cường dịch vụ phục hồi chức năng, quy hoạch và quản lý bệnh viện,  y tế điện tử và cải thiện cung cấp dịch vụ y tế, tăng cường khung pháp lý cho y tế trong hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về an ninh y tế, các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và vấn đề sức khỏe môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, TS  Shin Young-soo, Giám đốc WHO TTBD cho biết, các thành viên WHO TTBD đã đạt được một số bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm, hiện khu vực TTBD đang phải đối mặt với những thách thức y tế lớn đe dọa sức khỏe của người dân. Những khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt rất phức tạp. Chỉ riêng vấn đề biến đổi khí hậu làm hơn 2 triệu người chết trong khu vực mỗi năm, đây là hậu quả của ô nhiễm không khí. Hay các vấn đề y tế mới như lao kháng thuốc hoặc sốt rét. Việc giảm thiểu nguồn hỗ trợ cũng là những thách thức mà các quốc gia phải đối mặt trong việc duy trì, phòng ngừa và phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm.

Tại hội nghị năm nay, Việt Nam cùng 2 thành viên khác là Palau, Wallis và Futuna đã được trao giấy chứng nhận thanh toán bệnh giun chỉ bạch huyết như một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Đây là một trong 15 căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên, năm 2000 WHO đã triển khai Chương trình toàn cầu để loại bỏ bệnh giun chỉ bạch huyết vào năm 2020. Đến nay đã có tổng cộng 11 quốc gia và khu vực ở Tây Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam được xác nhận loại trừ được căn bệnh này, vẫn còn 13 quốc gia và vùng lãnh thổ lưu hành bệnh giun chỉ bạch huyết.

Bộ trưởng Y tế Việt Nam PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, một số ít những người nhiễm giun chỉ bạch huyết ở một số vùng của Việt Nam khiến hàng triệu người gặp nguy cơ. Nhờ sự ủng hộ của WHO và các đối tác phát triển, cuối cùng chúng tôi đã đạt được mục tiêu thanh toán bệnh giun chỉ bạch huyết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ chăm sóc có chất lượng cho những người bị ảnh hưởng và sẽ đảm bảo công tác giám sát theo hướng dẫn của WHO.”

Tại hội nghị Tổng Giám đốc WHO TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus đã trao tặng kỷ niệm chương cho TS  Shin Young-soo để ghi nhận những đóng góp của TS  Shin  với tư cách là  Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương trong suốt 2 nhiệm kỳ vừa qua. TS Shin Young-soo, quốc tịch Hàn Quốc là Giám đốc WHO Khu vực TTBD nhiệm kỳ 2009-2013  và 2014 – 2019. Trong suốt 10 năm qua, ông đã có nhiều cải cách và phát triển Văn phòng WHO khu vực TTBD với vai trò là cơ quan đứng đầu về kỹ thuật và chính sách y tế, hỗ trợ cho các quốc gia trong khu vực tham gia chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 16).

 

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở KCB phân loại bệnh, tránh lây nhiễm chéo và tử vong

Ngày 9/10/2018, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường cường trong công tác khám, phân loại, điều trị bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết Dengue nhằm chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo và giảm tử vong…

Về điều trị: Đối với bệnh sởi, bố trí khu vực thu nhận bệnh sởi và nghi ngờ mắc sởi riêng biệt tại khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi hoặc các khu vực cách ly của các khoa lâm sàng khác trước khi có chẩn đoán xác định bệnh sởi. Đối với bệnh TCM: Bố trí khu vực điều trị đảm bảo cách ly tốt với khu vực điều trị sởi để tránh lây chéo. Đối với các ca bệnh sởi nặng, ca bệnh TCM nặng nếu phải điều trị tại khoa/đơn vị Hồi sức tích cực, Hồi sức cấp cứu cũng phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Đối với bệnh SXHD: cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm việc tránh muỗi đốt người bệnh SXHD (để phòng ngừa muỗi đốt sang người bệnh khác). Đối với các trường hợp ca bệnh nặng phải tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, bệnh viện theo quy định hoặc xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin, hỗ trợ về chuyên môn với tuyến trên. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Y tế TP.HCM phạt hàng loạt cơ sở thẩm mỹ, phòng khám tư nhân vi phạm

Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã công bố kết quả xử lý 16 cơ sở dược phẩm, thẩm mỹ, phòng khám vi phạm các quy định của Nhà nước với tổng số tiền xử phạt gần 500 triệu đồng. Cụ thể, vừa qua, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện nhiều vi phạm, xử phạt tại các cơ sở: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Song Thu (địa chỉ số 6/1B bến Phú Định, phường 16, quận 8, mức phạt 70 triệu đồng, lỗi vi phạm sản xuất mỹ phẩm không thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản về “thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm”); Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế DNA (địa chỉ số 1015 Trần Hưng Đạo, phường 5, quận 8; mức phạt 43,7 triêụđồng vì hành vi không ghi chép đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định, không bảo đảm các điều kiện về nhân lực, quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai quy định); bà Nguyễn Thị Thùy Trang (địa chỉ số 6.12 lô H3 chung cư phường 6, quận 4; bị phạt 120 triệu đồng, vì hành nghề không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép hoạt động; tiêm filler khiến một cô gái bị mù mắt) và nhiều cá nhân, đơn vị khác. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Các cơ sở KCB tự in Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH từ ngày 1/1/2019

Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội vừa ký ban hành Công văn số 4218/BHXH-CĐBHXH về việc thực hiện Thông tư số 56/2017/TT-BYT gửi tới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để bảo đảm việc thực hiện giải quyết các chế độ kịp thời, đúng quy định đối với người lao động, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn phối hợp thực hiện đúng quy định trong việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Phôi giấy chứng nhận này đã được Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2019, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chủ động tự in, cấp và quản lý Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời cho người lao động. Các cơ sở cũng phải giám sát việc ghi nội dung trong các giấy tờ theo đúng quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của việc cấp các giấy tờ đó. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Thêm đơn nguyên Thận nhân tạo đưa vào sử dụng, giúp giảm tải cho tuyến trên

Ngày 9/10, BVĐK Đức Giang đã khai trương Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc Khoa Nội thận tiết niệu. Kỹ thuật điều trị thận nhân tạo tại Khoa Nội thận tiết niệu của bệnh viện đã được thực hiện từ ngày 5/10/2011. Ban đầu, tại đây chỉ có 7 máy thận nhân tạo với 364 lượt chạy thận nhân tạo/năm. Đến nay, được sự giúp đỡ của BV Thận Hà Nội, BV Bạch Mai, Đơn nguyên Thận nhân tạo của Khoa Nội thận tiết niệu đã ra đời với toàn bộ trang thiết bị hiện đại, 19 may thận nhân tạo với đội ngũ 27 cán bộ y, bác sĩ được đào tạo bài bản về điều trị thận nhân tạo… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bài viết liên quan

Phát động Chương trình sữa học đường tỉnh Hà Nam năm 2020

Ngọc Nga

Công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác cán bộ

Ngọc Nga

Chuyên gia chỉ cách phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường

CDC Hà Nam

Để lại bình luận