Điểm báo ngày 10/11/2020

(CDC Hà Nam)
Tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 do Việt Nam sản xuất vào ngày 17-12; Tuân thủ nghiêm việc cách ly tại nhà để phòng dịch Covid -19 hiệu quả; Thêm 4 ca mắc mới, Việt Nam ghi nhận 1.381 ca Covid-19…

Tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 do Việt Nam sản xuất vào ngày 17-12

Ngày 9-12, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (HĐĐĐ quốc gia) họp thẩm định và thông qua hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 đối với vắc-xin Nanocovax do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen sản xuất và giao cho nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y chủ trì đề tài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin này.

HĐĐĐ quốc gia đã thông qua kế hoạch thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1, ngày 10-12 Học viện Quân y sẽ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 và thông báo thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu, ngày 17-12 sẽ tiêm mũi vắc-xin đầu tiên cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1. Giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 đến 50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào ba nhóm, bao gồm nhóm 1a với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên; tiếp theo là nhóm 1b gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg và sau đó là nhóm 1c gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg. Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp hai mũi vắc-xin, khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 28 ngày.

Để bảo đảm tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 đối tượng tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần. Quy trình thu tuyển đối tượng tham gia giai đoạn 1 sẽ được bắt đầu với ba người thuộc nhóm liều 25 mcg. Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá sau 72 giờ sau tiêm vắc-xin trên ba người đầu tiên này mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ sáu kể từ liều tiêm đầu tiên. Theo kế hoạch, ngày 17-12 sẽ tiêm mũi vắc-xin đầu tiên cho người tình nguyện đủ điều kiện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1.

Trên cơ sở hồ sơ đề cương nghiên cứu được HĐĐĐ quốc gia thông qua, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo và tổ chức đoàn công tác theo dõi giám sát toàn bộ quy trình triển khai nghiên cứu của nhóm nghiên cứu nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đối tượng tình nguyện tham gia nghiên cứu.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết trong ngày 9-12 có thêm bốn ca mắc mới (người bệnh 1.378, 1.379, 1.380 và 1.381) là những người nhập cảnh được cách ly ngay. Theo đó người bệnh 1.378, 1.379 từ A-rập Xê-út nhập cảnh sân bay Vân Đồn ngày 6-12 trên chuyến bay QH9302, lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Ninh Bình; hiện đang được cách ly, điều trị tại phòng khám đa khoa Khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Ca bệnh 1.380 từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Đà Nẵng ngày 6-12 trên chuyến bay VN319, lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Quảng Nam; hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam. Ca bệnh 1.381 từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Đà Nẵng ngày 28-11 trên chuyến bay VN319, lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng; hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Trong ngày 9-12, người bệnh 1.317 cũng được công bố khỏi bệnh và có 23 người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính từ một đến ba lần.

Sáng 9-12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hải Phòng họp đánh giá về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Thành phố giao trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong tổ chức, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Trong đó, thực hiện khử khuẩn, bắt buộc đeo khẩu trang tại các khu vực cách ly, khu tập trung đông người, khu công cộng, dừng các hoạt động, sự kiện tập trung đông người khi không cần thiết… Ngành y tế tập trung cao với tinh thần sẵn sàng ứng phó cho mọi tình huống của dịch. Kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; thực hiện lấy mẫu trên bao bì để xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 đối với thực phẩm nhập khẩu…

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang ngày 9-12 trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly y tế tập trung cho 118 công dân đã thực hiện cách ly đủ 14 ngày. Đây là công dân trở về từ Ô-xtrây-li-a đang cư ngụ ở 25 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau khi trao giấy chứng nhận, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng bố trí phương tiện đưa công dân về bến xe Long Xuyên và sân bay Cần Thơ. (Nhân dân, trang 8; Thanh niên, trang 5; Tiền phong, trang 6; Tuổi trẻ, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Quảng Bình lên kịch bản chống dịch Covid-19

Quảng Bình lên kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 sau khi trên địa bàn ghi nhận ca tái dương tính với virus SARS-CoV-2 đối với bệnh nhân đã hoàn thành cách ly, chữa bệnh tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi (TPHCM) về Quảng Bình bằng xe khách. Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, cho biết, để ứng phó với đại dịch Covid-19, Sở Y tế đã xây dựng 3 cấp độ kịch bản, trong đó cấp độ 1 có từ 1-10 ca dương tính, cấp độ 2 có từ 11-50 ca dương tính, cấp độ 3 xuất hiện trên 50 ca dương tính.

“Cấp độ 3 là cấp độ cao nhất, phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, cách ly kịp thời các ổ dịch, có thể cách ly nhiều xã hoặc huyện nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan trong cộng đồng. Ngoài các cơ sở đầu mối điều trị như Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình, Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, Đơn nguyên điều trị nội trú xã Sơn Trạch (Bố Trạch) thì sử dụng tất cả các bệnh viện đa khoa tuyến huyện làm cơ sở điều trị bệnh nhân. Đồng thời thành lập Bệnh viện dã chiến bằng cách trưng dụng Bệnh viện Y dược cổ truyền và Trung tâm Mắt – Nội tiết tại TP Đồng Hới để đáp ứng thu dung điều trị Covid-19 trên địa bàn”, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, mỗi bệnh viện chuẩn bị từ 30-50 giường bệnh, bố trí ít nhất 2 xe cứu thương với một xe vận chuyển bệnh nhân dương tính, nghi nhiễm và một xe cấp cứu bệnh nhân khác tới khám và điều trị. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự phòng một xe để tăng cường. Cùng với đó là bố trí, điều động máy chụp X-quang di động, máy thở, máy siêu âm, monitor theo dõi người bệnh; bổ sung máy đo huyết áp, nhiệt kế điện tử và các dụng cụ thăm khám riêng cho bệnh nhân; huy động khu cách ly, đảm bảo cung ứng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu. Sử dụng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện phòng hộ theo quy định của Bộ Y tế, tuyệt đối phân luồng bệnh viện để tránh lây nhiễm chéo.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, ở Quảng Bình không có máy ECMO (máy tim phổi nhân tạo). Ngay cả Bệnh viện Việt Nam – Cuba là bệnh viện tuyến Trung ương cũng không có máy ECMO. Do đó, khi có ca bệnh nặng cần can thiệp ECMO phải chuyển tuyến Trung ương Huế.

Để ứng phó với cấp độ cao nhất khi dịch Covid-19 lan ra cộng đồng, Quảng Bình đã đề ra cách thức ứng phó chi tiết. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quảng Bình liên hệ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Nam – Cuba chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận, theo dõi điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch. Huy động nhân lực từ các bệnh viện chưa có bệnh nhân Covid-19 hỗ trợ công tác khám chữa bệnh, đề nghị các bệnh viện tuyến Trung ương khác hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Nếu dịch vượt quá khả năng địa phương, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để có hỗ trợ kịp thời. Đề xuất cấp trên ban bố tình trạng khẩn cấp, chỉ đạo với tinh thần quyết liệt như thời chiến; đề nghị cách ly, phong tỏa nhiều xã hoặc huyện có nhiều ca bệnh. Huy động tổng lực tham gia phòng chống dịch và đảm bảo an ninh, an toàn tại vùng dịch.

“Vừa rồi, bệnh nhân thứ 1.291 tái phát dương tính, chúng tôi đã huy động phản ứng theo kịch bản có từ 1-10 ca dương tính. Truy vết toàn bộ 36 trường hợp F1, thu dung cách ly tại Bệnh viện Việt Nam – Cuba, phun thuốc khử trùng. Các trường hợp F2 được cho cách ly tại nhà nghiêm túc. Người dân tự giác hợp tác nên không gây hoang mang trong dân chúng”, ông Nguyễn Đức Cường cho hay.

Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình, cho biết, 36 trường hợp F1 của bệnh nhân thứ 1.291 đã được lấy mẫu, bước đầu có 2 mẫu bệnh phẩm bà nội và mẹ của bệnh nhân này cho kết quả âm tính lần thứ nhất.

Chiều tối 9-12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 4 ca mắc mới dịch Covid-19 (từ ca bệnh thứ 1.378 đến 1.381) là người nhập cảnh được cách ly ngay tại Ninh Bình (2 ca), Quảng Nam (1 ca) và Đà Nẵng (1 ca). Như vậy, đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.381 người mắc Covid-19, trong đó có 693 ca mắc do lây nhiễm trong nước. TPHCM tiếp tục trải qua ngày thứ 8 không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng sau ca bệnh thứ 1.349.

Tối 9-12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cho biết, kết quả xét nghiệm (lần 1) 29 trường hợp F1 của bệnh nhân thứ 1.291 âm tính với virus Sars-CoV-2. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Tuân thủ nghiêm việc cách ly tại nhà để phòng dịch Covid -19 hiệu quả

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, một số cá nhân không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) nhưng sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh…sẽ tiến hành cách ly tại nhà.

Điều được người dân quan tâm là việc tổ chức cách ly tại nhà được tiến hành ra sao, trong thời gian bao lâu và làm thế nào để cách ly có hiệu quả?

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, những người sống trong cùng nhà, cùng làm việc, cùng nhóm du lịch, tiếp xúc gần trong vòng 2m, ngồi cùng hàng hoặc trước sau 2 hàng ghế trên cùng một chuyến xe/ toa tàu/ máy bay… với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19, nhưng không có triệu chứng nghi nhiễm (ho, sốt, khó thở) sẽ được cách ly tại nhà.

Người được cách ly tại nhà phải chấp hành nghiêm túc việc tự cách ly đúng thời gian quy định (14 ngày), nên cách ly ở một phòng riêng. Trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng, thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m. Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng, nơi cách ly.

Bên cạnh đó, người cách ly cần đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần/ ngày (sáng và chiều), ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi. Người cách ly cũng hạn chế ra khỏi phòng riêng, tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, mang khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Bên cạnh đó, những cá nhân này cần ăn uống đủ chất, uống đủ nước, vận động nhẹ nhàng…

Hàng ngày, người được cách ly thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo thân nhiệt và tình hình sức khỏe của bản thân, báo ngay cho họ khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở.

Đặc biệt, người cách ly tuyệt đối không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú, không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú. Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.

Những người trong gia đình, người làm việc, quản lý nơi lưu trú của người được cách ly cần mang khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc. Thường xuyên lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình, nơi lưu trú bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Người trong gia đình cũng cần thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi khi người được cách ly có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở, hỗ trợ phương tiện vệ sinh, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho người được cách ly.

Chính quyền địa phương nơi có người được cách ly tại nhà cần tránh kỳ thị và phải tạo điều kiện, động viên, chia sẻ, giúp đỡ gia đình, nơi lưu trú và người được cách ly, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly, kiên quyết tiến hành cưỡng chế cách ly y tế nếu họ không tuân thủ yêu cầu cách ly. (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

Người dân được lợi gì khi dùng mẫu thẻ Bảo hiểm y tế mới từ 1.4.2021?

So với mẫu thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành, mẫu thẻ BHYT mới có nhiều điểm khác biệt mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia và các cơ sở khám chữa bệnh như: Nhỏ gọn về kích thước; được ép plastic ngay sau khi in; thay đổi kiểu chữ in rõ nét, dễ đọc… Tổng Giám đốc BH xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã ký ban hành Quyết định số 1666/QĐ-BHXH về việc ban hành mẫu thẻ BHYT để sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2021, thay thế Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ngày 2.12.2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành mẫu thẻ BHYT.

So với mẫu thẻ BHYT hiện hành, mẫu thẻ BHYT mới có nhiều điểm khác biệt mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia và các cơ sở khám chữa bệnh như: Nhỏ gọn về kích thước; được ép plastic ngay sau khi in; thay đổi kiểu chữ in rõ nét, dễ đọc; đặc biệt mặt sau của thẻ BHYT đã thay đổi phần lớn nội dung so với mẫu thẻ BHYT hiện hành để người tham gia tiện tra cứu thông tin sử dụng thẻ…

Mẫu thẻ BHYT mới là một giải pháp cải cách hành chính hiệu quả của ngành BHXH Việt Nam, tạo được nhiều thuận lợi cho người tham gia, cơ sở KCB BHYT và cơ quan BHXH.

Đối với người tham gia: Kích thước thẻ BHYT nhỏ gọn hơn, hình thức đẹp hơn (bằng với kích thước thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM của các ngân hàng thương mại hiện nay) thuận tiện khi cất giữ, bảo quản trong ví, hạn chế các trường hợp bị mất, hỏng thẻ BHYT…

Định lượng giấy của thẻ dày hơn và được ép plastic: giúp tăng độ bền, độ cứng của thẻ, đáp ứng được yêu cầu bảo quản lâu dài, tránh thấm nước, ẩm mốc, nhàu nát, rách hỏng, bay mờ mực in trong quá trình sử dụng; giúp người tham gia giảm được thời gian làm thủ tục đổi thẻ hỏng, tiết kiệm chi phí liên hệ và đi lại làm thủ tục tại cơ quan BHXH.

Thay đổi kiểu chữ in rõ nét, dễ đọc, dễ kiểm tra, hạn chế được sai sót thông tin in trên thẻ. Mã số thẻ BHYT mới là 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia, được sử dụng để tra cứu thông tin về thẻ BHYT (thay thế 15 ký tự mã số thẻ BHYT hiện nay).

Mẫu thẻ mới dùng dấu phiên hiệu của BHXH Việt Nam và in chữ ký quét của Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, Thẻ (hoặc người đứng đầu đơn vị thuộc BHXH được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao ký thừa lệnh) giúp cho công tác giải quyết việc cấp lại, đổi thẻ nhanh chóng, thuận tiện hơn, được giải quyết ngay tại cơ quan BHXH gần nhất trên phạm vi toàn quốc đối với trường hợp người tham gia BHYT đi du lịch, công tác, học tập ở tỉnh khác không may bị mất, hỏng thẻ.

Mặt sau mẫu thẻ mới có bổ sung chỉ dẫn sử dụng thẻ BHYT cụ thể hơn, giúp người tham gia biết cách tra cứu thông tin về thẻ BHYT và quyền lợi được hưởng. Nắm được cách liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn và giải đáp mọi khó khăn vướng mắc liên quan đến thẻ và việc sử dụng thẻ.

Từ ngày 1.4.2021, cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc sẽ có điều chỉnh kết nối với Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống Thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam theo 10 ký tự mã số BHXH duy nhất in trên thẻ BHYT (thay thế 15 ký tự mã số thẻ BHYT luôn biến động như trước đây). (Lao động, trang 4).

 

Thêm 4 ca mắc mới, Việt Nam ghi nhận 1.381 ca Covid-19

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 18h ngày 8-12 đến 18h ngày 9-12, nước ta ghi nhận 4 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại 3 tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Quảng Nam và Đà Nẵng.

Ca bệnh 1.378 (BN 1.378) tại tỉnh Ninh Bình: Nữ, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

Ca bệnh 1.379 (BN 1.379) tại tỉnh Ninh Bình: Nữ, 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 6-12, các bệnh nhân trên từ Vương quốc Saudi Arabia nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn trên chuyến bay QH9302, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Ninh Bình. Kết quả xét nghiệm ngày 7-12, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Ca bệnh 1.380 (BN 1.380) tại tỉnh Quảng Nam: Nam, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 6-12, bệnh nhân trên từ Nhật Bản nhập cảnh tại sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN319, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm ngày 8-12, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

Ca bệnh 1.381 (BN 1.381) tại thành phố Đà Nẵng: Nam, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã An Phú Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ngày 28-11, bệnh nhân trên từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN319, được cách ly ngay. Kết quả xét nghiệm ngày 8-12, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.381 ca, trong đó có 693 ca lây nhiễm trong nước.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 21.485 người, trong đó có 161 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 17.192 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta có thêm 1 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, nước ta đã điều trị khỏi cho 1.225 ca, ghi nhận 35 ca tử vong. Ngoài ra, trong số các ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, 23 ca đã có kết quả xét nghiệm từ 1 đến 3 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. (Hà Nội mới, trang 1).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 03/8/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/10/2018

Ngọc Nga

Để lại bình luận