Điểm báo ngày 10/11/2021

(CDC Hà Nam)

Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất; Bộ Y tế: Người chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19 ở vùng dịch về phải cách ly 14 ngày, xét nghiệm 3 lần

Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay số lượng vaccine COVID-19 hiện tại đủ bao phủ cho dân số, đồng thời triển khai tiêm mũi 3 vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất

Giải trình trước Quốc hội chiều ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua, Việt Nam đã triển khai chiến lược vaccine hiệu quả trên các lĩnh vực như mua, nhập khẩu, tổ chức chiến dịch tiêm chủng…

Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng đang được triển khai rất thành công.

Đến hết ngày 7/11/2021, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều, với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine. Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay. Đồng thời, triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.

“Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần”- Bộ trưởng thông tin.

Đồng thời Bộ trưởng cũng cho biết thêm, chúng ta cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước với 2 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3; Có 1 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới để từng bước chủ động vaccine trong nước.

Theo Bộ Y tế, tính trên cả nước, đến ngày 8/11, có 14/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương và Cà Mau.

Có 12/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An, Khánh Hòa, Quảng Ninh, TP.HCM, Đồng Nai, Lạng Sơn, Hà Nội, Bình Dương, Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình và Đồng Tháp.

Có 5 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên thấp nhất là Sơn La, Thanh Hóa, Nam Định, Tuyên Quang và Nghệ An (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Bộ Y tế: Người chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19 ở vùng dịch về phải cách ly 14 ngày, xét nghiệm 3 lần

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, những người ở vùng dịch chưa tiêm vaccine COVID-19 về địa phương, thực hiện cách ly 14 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần.

Không yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 khi vào địa bàn tỉnh, thành phố

Bộ Y tế đã có công văn khẩn số 9472/BYT- MT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

Theo Bộ Y tế, trên cơ sở theo dõi và tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ- BYT, Bộ Y tế đề nghị các Bộ/ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai một số nội dung.

Chỉ đạo việc tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ- CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; chủ động thường xuyên đánh giá cấp độ dịch theo từng cấp (từ cấp xã và khuyến khích quy mô nhỏ nhất có thể) để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp và công bố, cập nhật kết quả đánh giá trên Cổng thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Đồng thời chỉ đạo tăng cường chủ động rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 và Công điện số 1700/CĐ-BYT ngày 25/10/2021 của Bộ Y tế.

 Theo Bộ Y tế, các địa phương chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố);

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định. Trong đó, lưu ý căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Y tế chỉ đạo việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế hoặc tại nhà theo hướng dẫn tại Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế và thiết lập các trạm y tế lưu động để đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ và phòng, chống dịch cho người dân theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế.

Cách ly, theo dõi sức khoẻ với từng đối tượng đã tiêm/chưa tiêm đủ và chưa tiêm vaccine COVID-19 thế nào?

Về tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, Bộ Y tế nêu rõ những người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19): tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 07 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K;

Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất.

Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định;

Những người tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp): thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương;

Những người chưa được tiêm vaccine COVID-19, thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương;

Đối với những người đã tiêm chủng vaccine COVID-19 hoặc khỏi bệnh COVID-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

Xét nghiệm cho người lao động mẫu gộp 3-5 hoặc 10-20 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc PCR

Tại công văn mới nhất này, Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ;

Xét nghiệm cho người lao động mẫu gộp 3-5 hoặc 10-20 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc PCR

Tại công văn mới nhất này, Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ; (Sức khỏe & Đời sống, trang 14)

Australia nâng tổng số vaccine hỗ trợ Việt Nam lên 7,8 triệu liều

Sáng 9/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp xã giao Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne nhân dịp sang thăm Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng những thành tựu Chính phủ và nhân dân Australia đã đạt được trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế thời gian qua, đồng thời bày tỏ tin tưởng Australia sẽ sớm chiến thắng đại dịch và tiếp tục đóng góp vào công cuộc phòng chống COVID-19 chung trên toàn thế giới. Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Australia đã cam kết hỗ trợ 5,2 triệu liều vaccine cho Việt Nam, kịp thời hỗ trợ các trang thiết bị y tế và mong phía Australia tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, cũng như nâng cao năng lực y tế, ứng phó các dịch bệnh trong tương lai, ứng phó biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Thủ tướng đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp, đặc biệt kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng mạnh, đạt 9,1 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp những khó khăn do đại dịch. Australia tiếp tục duy trì ODA ở mức cao cho Việt Nam, đạt 78,9 triệu AUD trong năm tài chính 2021-2022. Thủ tướng đánh giá cao kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 3 giữa hai nước, cho rằng đây là minh chứng cho sự quyết tâm của cả hai bên thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược.

Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì, thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; triển khai các cơ chế hợp tác hiện có theo nhiều hình thức linh hoạt; thực hiện hiệu quả Chương trình hành động Việt Nam – Australia giai đoạn 2020-2023 và Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam – Australia (EEES), nhằm sớm tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều, đưa hai nước trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác để phát huy tối đa các cơ hội trong bối cảnh đại dịch như trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu nền kinh tế, tăng trưởng xanh…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Australia tiếp tục duy trì viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam và xem xét mở cửa thị trường cho một số sản phẩm nông – thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng như xem xét triển khai Chương trình thị thực nông nghiệp cho lao động Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp hai nước đầu tư kinh doanh. Thủ tướng cảm ơn và đề nghị phía Australia tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Australia được sinh sống, lao động, hòa nhập cộng đồng một cách thuận lợi, gia hạn lưu trú, miễn giảm tiền phạt quá hạn lưu trú cho công dân Việt Nam bị kẹt lại Australia do đại dịch và sớm tiếp nhận lại sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Australia, tiếp tục cấp học bổng và khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam. Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và giữa ASEAN-Australia trong các vấn đề hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới, trong đó có lập trường của ASEAN và Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne khẳng định Australia hết sức coi trọng, coi Việt Nam là một trong những trọng tâm ưu tiên trong nhiều vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu…; mong muốn nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam thời gian tới. Bộ trưởng Marise Payne nhất trí và ủng hộ các đề nghị của Thủ tướng, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục- đào tạo và các vấn đề chung của khu vực; khẳng định Australia đánh giá cao lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, hoàn toàn ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Bộ trưởng Marise Payne chúc mừng các biện pháp phòng dịch linh hoạt, hiệu quả và phù hợp vừa qua của Chính phủ Việt Nam, tin tưởng Việt Nam sẽ dần đạt tới mục tiêu thích ứng, sống chung an toàn với COVID-19. Bà Marise Payne thông báo, thực hiện kết quả làm việc giữa Thủ tướng hai nước nhân dịp Hội nghị COP26, theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phía Australia nhất trí cung cấp thêm thêm 2,6 triệu liều vaccine, nâng tổng số vaccine sẽ hỗ trợ Việt Nam lên hơn 7,8 triệu liều; đánh giá cao việc Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; cho biết các doanh nghiệp Australia rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, mong muốn tận dụng cao nhất các cơ hội mà thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam mang lại; khẳng định sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. (Công an nhân dân, trang 1; Thanh niên, trang 5; Nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 1)

Củng cố hệ thống y tế cơ sở

Đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM xảy ra ồ ạt, hệ thống y tế từ dự phòng đến điều trị quá tải trầm trọng; bệnh nhân Covid-19 không được quản lý, chăm sóc tốt, bộc lộ những mặt thiếu, yếu của y tế cơ sở.

Hệ thống y tế cơ sở (YTCS) lúc đó từ trung tâm y tế (TTYT) đến trạm y tế (TYT) vỡ trận vì… thiếu người làm. Khái niệm “F0 cô đơn” cũng xuất phát từ đó, vì bệnh nhân ở nhà gọi y tế phường xã, quận và chờ đợi trong vô vọng, nhiều người chuyển nặng, tử vong tại nhà. Nếu không có chi viện của các tỉnh, quân y và T.Ư thì TP.HCM khó ổn định được dịch.

Vừa thiếu vừa yếu

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hiện nay dân số tại các xã, phường ở TP.HCM rất cao, có những xã, phường số dân lên tới 120.000 người, gấp 10 lần con số trung bình tại các xã, phường khác trong nước, nhưng cán bộ YTCS ít. Vì vậy, khi có dịch bệnh xảy ra để chăm sóc y tế cho người dân thì số cán bộ YTCS không phục vụ đủ.

Giả sử trong đợt dịch ở cấp độ 3, 4 như vừa qua có khoảng 150 người nhiễm/100.000 dân/tuần. Như vậy 2 tuần có 300 người mắc Covid-19 phải được theo dõi. Với số lượng cán bộ y tế là 5, 6 người ở mỗi TYT xã, phường như hiện nay thì không thể chăm sóc được hết F0. Những F0 tại nhà không có YTCS hỗ trợ thì họ rất hoang mang và thật sự là có những người bị bỏ sót rồi bị nặng, tử vong tại nhà. Nếu lúc đó có YTCS tốt thì đã giải quyết được. Sau đó, TYT lưu động hình thành góp phần giải quyết các ca mắc Covid-19 chứng tỏ y tế phải gần dân thì mới có hiệu quả.

Theo PGS-TS Dũng, TYT xã, phường ngoài nhiệm vụ quản lý các chương trình sức khỏe còn có nhiệm vụ quan trọng là chăm sóc y tế cho người dân, đặc biệt là các bệnh thông thường và cấp cứu. Nhưng việc đó trước nay chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều nơi TYT xã, phường muốn có bác sĩ (BS) theo yêu cầu của Bộ Y tế nên luân chuyển BS qua lại để làm một thời gian. Cho nên, BS làm việc ở tuyến xã, phường sẽ không chuyên nghiệp, dẫn đến họ không gắn bó mà chỉ muốn gắn bó với bệnh viện vì thu nhập cao, tăng độ uy tín… Ngoài ra, YTCS bị quá tải về các công việc báo cáo, giấy tờ, hành chính…

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM đã để lại những “bài học xương máu”. Một trong những bài học đó là hệ thống YTCS rất thiếu và yếu về chỉ tiêu phân bổ ngân sách và nhân lực. Chỉ tiêu 30% ngân sách chi cho y tế dự phòng chỉ số ít các địa phương đếm trên đầu ngón tay làm được, nhưng cũng chưa đáng kể so với nhu cầu thực sự của người dân. Trong khi đó, cơ chế phân bổ lại không hợp lý khi dựa trên sự phân chia địa lý chứ không theo quy mô dân cư. Theo bà Lan, việc chia TTYT các quận, huyện ra thành 3 phần: bệnh viện, dự phòng và phòng y tế đã làm suy yếu hệ thống YTCS.

Cho phép 750 y bác sĩ ra trường xuống cơ sở

Ngày 9.11, Sở Y tế TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc ban hành thí điểm tổ chức thực hành khám, chữa bệnh (KCB) tại TTYT quận, huyện, TP.Thủ Đức và TYT phường, xã, thị trấn.

Theo Sở Y tế, thời gian qua, việc tổ chức thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) được thực hiện theo điều 24, luật KCB. Theo đó, người có văn bằng chuyên môn liên quan y tế trước khi được cấp CCHN phải qua thực hành tại cơ sở KCB. Đối với BS phải thực hành tương ứng là 18 tháng tại cơ sở KCB có giường bệnh; đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ sinh phải thực hành 9 tháng tại cơ sở KCB.

Nhưng hiện nay, ngoài 4 TTYT có giường bệnh là Q.3, Q.5, Q.10 và H.Cần Giờ (do sáp nhập với bệnh viện quận, huyện), còn lại 18 TTYT và 310 TYT có chức năng KCB nhưng không có giường bệnh, nên việc xác nhận thời gian thực hành cho BS mới tốt nghiệp để cấp CCHN theo quy định gặp khó khăn do phải ký hợp đồng với cơ sở KCB có giường bệnh để tổ chức đào tạo thực hành, đồng thời chi trả chi phí đào tạo theo quy định cho cơ sở tổ chức đào tạo thực hành. Từ thực trạng trên khiến việc thu hút BS, điều dưỡng, hộ sinh… về công tác tại TTYT và TYT gặp khó khăn, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát. Toàn TP.HCM hiện chỉ có 4.513 nhân sự (có mặt ở TTYT và TYT), gồm biên chế và hợp đồng.

Để củng cố, phục hồi hệ thống YTCS góp phần giải quyết bài toán thiếu nhân lực YTCS, Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM cho phép Sở phối hợp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phân bổ BS y đa khoa và điều dưỡng đa khoa mới tốt nghiệp năm 2021 và các năm tiếp theo tham gia thực hành KCB tại 22 TTYT quận, huyện, TP.Thủ Đức và 310 TYT phường, xã. Như vậy, tháng 12.2021 TP.HCM có 750 y BS ra trường, trong đó, 689 BS đa khoa, 38 cử nhân điều dưỡng, 14 cử nhân điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, 9 cử nhân điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh. Dự toán tổng kinh phí hỗ trợ BS đa khoa, điều dưỡng mới ra trường năm 2021 tham gia thực hành tại TTYT và TYT gần 5 tỉ đồng.

Sở Y tế cũng đã tham mưu UBND TP.HCM đề xuất Bộ Y tế xem xét, chấp thuận về việc thí điểm tổ chức đào tạo thực hành KCB cho BS đa khoa, BS y học dự phòng tại TTYT và TYT trên địa bàn TP. Với BS đa khoa, BS y học dự phòng là 12 tháng thực hành tại YTCS, 6 tháng còn lại thực hành tại bệnh viện và được cấp CCHN KCB với phạm vi chuyên môn: Phát hiện và xử lý các bệnh thông thường; xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng.

Tăng nhân lực theo quy mô dân số

“Giải pháp là cam kết cho những người ở tuyến YTCS phải được cấp CCHN, có chính sách đãi ngộ, chính sách bảo hiểm, phân bổ cán bộ y tế theo dân số, địa bàn dân cư…”, PGS-TS Dũng đề xuất và nói bên cạnh đó đào tạo người lãnh đạo của TYT phải chuyên nghiệp hơn để họ làm việc hiệu quả, nâng cao sức khỏe người dân, chứ không phải chỉ là người thừa hành các nhiệm vụ từ tuyến trên. Trong các cán bộ y tế xã, phường thì 2/3 là có tâm huyết và năng lực, còn 1/3 là họ chấp nhận làm xã phường vì công việc nhàn, đỡ cực nên họ có thời gian cho việc nhà và cá nhân hoặc là họ không đủ năng lực nên làm cho xã phường. Vì vậy, nhân lực được việc thì sẽ ít hơn biên chế.

Bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị bổ sung chính sách nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào để phát triển YTCS, ví dụ như y tế tư nhân… “Tăng cường nhân lực TYT theo quy mô dân số, có phụ cấp lương đặc biệt và chế độ đào tạo liên tục. Mở rộng danh mục sử dụng thuốc. Trước mắt cần thực hiện như vậy”, PGS-TS Lan đề xuất.

Trước đó, trong cuộc làm việc mới đây với H.Hóc Môn về công tác phòng chống Covid-19 (ngày 7.11), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo Sở Y tế TP nhanh chóng củng cố hệ thống YTCS và hướng dẫn sớm nhất để cấp nào cấp đó lo. Theo ông Nên, hiện những nơi ông kiểm tra đều nói hệ thống y tế đang bị “hụt hẫng”, vì khi các lực lượng chi viện rút thì không có người làm, do đó, không để tình trạng này xảy ra trong thời gian tới.

Về cơ cấu hệ thống YTCS là TYT, ông Nên cho rằng những xã số dân đông thì không hướng dẫn theo đơn vị hành chính, mà quy định một TYT sẽ quản lý bao nhiêu hộ, bao nhiêu dân thì vừa sức, song song đó là số lượng cán bộ phải tính cho phù hợp. Kèm theo đó là cơ sở, điều kiện, cơ cấu, số lượng, kinh phí hoạt động. Trong khi chờ chính sách, trước mắt tận dụng lực lượng có sẵn, lực lượng dự bị động viên, quân y, chữ thập đỏ, hội đông y… cơ cấu vào TYT. Kèm theo đó là chế độ, hợp đồng tạm thời, trả lương. Trong tương lai tất cả TYT đều có BS, vì đề án Sở Y tế đang làm là BS Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch khi ra trường phải xuống cơ sở để có chứng chỉ thực hành.

“Cái nào vướng ở trên thì đề nghị thí điểm, cái nào thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy thì Ban Thường vụ Thành ủy sẵn sàng quyết định để làm. Cho nên tới đây, TYT phải tính toán theo dân số chứ không có đơn vị hành chính. Vì qua một “cuộc chiến” đã thấy rõ, nhờ nhân dân, doanh nghiệp, các ngành, T.Ư hỗ trợ, sức TP làm không xuể”, ông Nên chia sẻ thêm. (Thanh niên, trang 2).

Ngọc Nga (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh sau khi tăng lương cơ sở thế nào?

Ngọc Nga

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 13 Giờ 30, ngày 31/01/202031/01/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/01/2019

CDC Hà Nam