Điểm báo ngày 10/3/2021

(CDC Hà Nam)
Những lưu ý sau tiêm vắc xin Covid-19; Vụ bệnh lạ, 2 người tử vong, 18 người nhập viện: Chưa xác định được nguyên nhân; Việt Nam sắp có thêm gần 5,7 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19…

Những lưu ý sau tiêm vắc xin Covid-19

Vắc xin Covid-19 đang được Bộ Y tế triển khai cho nhóm ưu tiên và sẽ triển khai tiêm dịch vụ theo lộ trình tiếp cận vắc xin. Theo Bộ Y tế, trong đợt đầu tiên, 117.600 liều Vắc xin Covid-19 do AstraZeneca sản xuất được tiêm cho các nhóm ưu tiên. Đây là vắc xin mới, chưa có nhiều dữ liệu về phản ứng sau tiêm. Do đó, các điểm tiêm chủng cần đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện an toàn tiêm chủng, bao gồm thực hành tiêm và theo dõi, xử trí kịp thời các phản ứng bất lợi sau tiêm.

Không lắc lọ trước tiêm

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE), vắc xin Covid-19 không sử dụng sau 6 giờ mở lọ và chỉ có hạn trong 6 tháng. “Đáng lưu ý với vắc xin Covid-19 này, không lắc lọ trước tiêm, trong khi vắc xin khác cần lắc đều trước tiêm”, TS Hồng nhấn mạnh.

Theo TS Hồng, phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19  rất phổ biến (chiếm từ 10%) gồm: đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (trong đó, rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt từ 38 độ C), ớn lạnh; phản ứng phổ biến (chiếm tỷ lệ từ 1% đến dưới 10%) gồm: người tiêm có sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Ngoài ra, phản ứng nghiêm trọng là sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn… Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO)  chưa có dữ liệu và chưa có bằng chứng về trường hợp phản ứng nghiêm trọng liên quan đến vắc xin này.

Để ý dấu hiệu bất thường

TS-BS Phạm Quang Thái, công tác tại NIHE, hướng dẫn: Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần tự theo dõi sức khỏe ít nhất 2 ngày; để ý đến các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ tại vị trí tiêm; tuyệt đối không tự đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm với mong muốn giảm sưng đau. Cần theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường như: sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ, sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, vật vã, lừ đừ, khó thở hoặc biểu hiện bất thường khác, cần đến ngay cơ sở y tế.

“Với những người có bệnh nền, sau tiêm Vắc xin Covid-19 càng cần cẩn trọng trong giám sát sức khỏe và nên cung cấp cho cán bộ y tế các phản ứng sau tiêm, giúp cơ quan y tế đánh giá đúng về đặc điểm của vắc xin, kịp thời có những điều chỉnh cần thiết”, TS Thái lưu ý.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), khuyến cáo: Các phản ứng nặng sau tiêm chủng khởi đầu có thể chỉ là phản ứng nhẹ như: sổ mũi, ngạt mũi, khàn tiếng nhưng sau đó thể diễn biến nặng hơn (khó thở), cần được xử trí cấp cứu. Ngoài ra, cần lưu ý các phản ứng phản vệ, xảy ra rất nhanh chóng, chỉ dưới 5 phút, thậm chí chưa kịp rút mũi tiêm. “Các phản ứng dị ứng đường hô hấp (khó thở) và tuần hoàn (tăng nhịp tim; tăng, giảm huyết áp) là phản ứng nặng, cần xử trí rất nhanh chóng, tính bằng phút, thậm chí từng giây. Do đó, tại mỗi điểm tiêm, các xe tiêm lưu động phải có đầy đủ điều kiện cấp cứu, có hộp chống sốc.

Không tiêm chủng với các trường hợp:

Có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39 độ C kèm co giật, tím tái khó thở.

Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc xin Covid-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2; quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược là thành phần của vắc xin. Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Tạm hoãn tiêm chủng với các trường hợp:

Đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng, mãn tính tiến triển.

Đang mắc bệnh Covid-19 được xét nghiệm xác định: chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.

Người có tiền sử điều trị sử dụng kháng thể kháng Covid-19 trước đó: chỉ định tiêm sau 90 ngày điều trị.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tối thiểu cách 14 ngày với các vắc xin phòng bệnh khác.

Vắc xin Covid-19 có hiệu quả bảo vệ tốt nhất sau 2 mũi tiêm, cách nhau 21 ngày. (Nguồn: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và NIHE) (Thanh niên, trang 15).

 

Vụ bệnh lạ, 2 người tử vong, 18 người nhập viện: Chưa xác định được nguyên nhân

Các nhân viên điều tra dịch tễ vẫn đang thu thập thông tin, điều tra dịch tễ để làm rõ nguyên nhân gây ra ‘bệnh lạ’ tại làng Kon Kum (xã Măng Cành, H.Kon Plông, Kon Tum).

Ngày 9.3, TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực Tây nguyên, cho biết sau khi phát hiện chùm “bệnh lạ” làm 2 người tử vong (thông tin ban đầu 3 người là chưa chính xác), 18 người nhập viện điều trị xảy ra tại làng Kon Kum (xã Măng Cành, H.Kon Plông, Kon Tum), Viện đã cử một lãnh đạo chuyên mảng an toàn thực phẩm đến hỗ trợ điều tra dịch tễ. Các nhân viên điều tra dịch tễ vẫn đang thu thập thông tin, điều tra dịch tễ để làm rõ nguyên nhân gây ra “bệnh lạ”  tại đây. Theo ông Chiến, bước đầu có thể nhận thấy các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm độc. Nguồn gốc của bệnh có thể xuất phát từ lễ hội “ăn tết chuồng trâu” (một tập tục của người dân địa phương) tại làng Kon Kum. Ngành y tế đã hội chẩn và phát hiện dấu hiệu của bệnh phát tác từ vi trùng có độc tố. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, nhiều khả năng việc vệ sinh trong nấu ăn tại bữa ăn này có vấn đề. Tuy nhiên, bữa ăn từ giữa tháng 2, đến thời điểm hiện tại đã quá lâu nên khó có thể tìm được nguyên nhân. Còn ông Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum, cho biết các cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm đối với những người mắc bệnh sau khi “ăn tết chuồng trâu”  tại làng Kon Kum. Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguồn gây bệnh, độc chất gì. “Ban đầu chúng tôi nhận thấy bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, rối loạn về thần kinh. Sau khi phát hiện chùm bệnh, các chuyên gia tại BV Bạch Mai, Hà Nội đã vào lấy mẫu xét nghiệm, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, Cục An toàn thực phẩm đã về địa phương điều tra. Địa phương vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai để đi đến kết luận cuối cùng”, ông Thanh nói.

Ông Thanh khẳng định hiện chỉ mới phát hiện 2 người tử vong sau khi “ăn tết chuồng trâu” tại làng Kon Kum là anh A.V (36 tuổi) và bà Y.N (65 tuổi). Riêng trường hợp bà Y.K (64 tuổi) không liên quan đến lễ hội “ăn tết chuồng trâu”. Bà này có bệnh lý suy thận mãn tính nặng từ trước. Trước khi tử vong bà Y.K có biểu hiện phù toàn thân. Có thể xác định bà Y.K tử vong không phải do “ăn tết chuồng trâu”.

Theo ông Thanh, do vẫn chưa xác định được những người dân ở  làng Kin Kum nhiễm độc chất gì nên để đề phòng những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, ngành y tế địa phương đã điều tra những người có yếu tố nguy cơ và đưa về trung tâm y tế huyện để chủ động theo dõi. “Cả 18 người này vẫn đang bình thường, sức khỏe ổn định”, ông Thanh nói và cho hay riêng 2 ca đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định. (Thanh niên, trang 14; Tuổi trẻ, trang 14).

 

Việt Nam sắp có thêm gần 5,7 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19

Ngày 9/3, Bộ Y tế cho biết, trong tháng 3 và 4 Việt Nam sẽ nhận thêm 5,657 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19.

Cụ thể, ngày 25/3 Việt Nam sẽ nhận 1.373.800 liều vắc-xin; tháng 4 tiếp nhận 2.803.200 liều vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca do COVAX Facility hỗ trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF). Ngoài ra, trong tháng 4, tiếp nhận 1,48 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế mua thông qua Công ty Cổ phần vắc-xin Việt Nam. Tổng cộng trong 2 tháng này, Việt Nam sẽ tiếp nhận 5,657 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.

COVAX facility là cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vắc-xin và các đối tác lập ra, đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc-xin một cách công bằng và hiệu quả. Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của UNICEF là làm mọi cách để đưa vắc-xin một cách nhanh chóng và an toàn đến Việt Nam.

Chiến dịch này không chỉ để hỗ trợ về mặt y tế cho Việt Nam, mà còn góp phần vào việc khôi phục nền kinh tế của Việt Nam, do những ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài ra, UNICEF cho biết sẽ cung cấp 1 tỷ ống tiêm và 10 triệu hộp an toàn trong năm 2021 để đảm bảo các quốc gia sẵn sàng triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19.

Theo Bộ Y tế, vắc-xin phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc-xin của AstraZeneca, một trong ba vắc-xin đã được WHO chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hà Nội bắt đầu tiêm cho 2 nhóm đối tượng

Cùng ngày, Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin cho y bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo kế hoạch của Sở Y tế, trên 95% nhóm đối tượng ưu tiên đợt 1 (dự kiến khoảng 7.235 đối tượng) nguy cơ cao mắc COVID-19 sống trên địa bàn Hà Nội được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh.

Cụ thể, đợt 1 này, thành phố tiêm vắc-xin cho hai nhóm đối tượng. Nhóm 1 là người làm việc trong các cơ sở y tế và nhóm 2 là những người tham gia phòng, chống dịch. Đây là những người trực tiếp tiếp xúc với nguồn bệnh.

Thời gian thực hiện tiêm từ ngày 9-18/3 với phạm vi 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Với chiến dịch này, Hà Nội sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có trên địa bàn. Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động thêm cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Ông Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh viện tiến hành tiêm cho 30 nhân viên y tế. Trước đó, bệnh viện đã thông báo đến những người được tiêm các phản ứng có thể gặp phải sau khi tiêm. Đồng thời, thiết lập quy trình tiêm chủng riêng khép kín một chiều, từ khâu tiếp đón, đo thân nhiệt, bảo đảm giãn cách, khám sàng lọc…

“Để bảo đảm tuyệt đối an toàn, bệnh viện đã triệu tập nhân viên y tế có chứng chỉ tiêm chủng. Những người được tiêm được theo dõi sức khỏe sau tiêm với đầy đủ trang thiết bị”, ông Đào Quang Minh nói.

Trong buổi tiêm sáng qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã đi kiểm tra tất cả các quy trình tiêm chủng từ khu vực đăng ký, khám sàng lọc, đến khu vực tiêm chủng, theo dõi sau tiêm… Theo quyết định của Bộ Y tế, Hà Nội được phân bổ 8.000 liều trong tổng số 117.600 liều vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên được nhập về Việt Nam vào ngày 24/2.

Sau tiêm không gặp bất thường về sức khỏe

Ngày 9/3, Bộ Y tế cho biết, các cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và tỉnh Hải Dương – những điểm nóng trong công tác phòng chống dịch COVID-19, được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên đều không có những biểu hiện sức khoẻ bất thường sau tiêm. Các y bác sĩ, nhân viên y tế được tiêm vắc-xin COVID-19 trong ngày đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đi làm bình thường trong ngày 9/3.

ThS Phạm Thị Nguyệt Quyên, Phụ trách phòng Công tác Xã hội chia sẻ: “Tôi nghĩ mỗi vắc-xin khi được đưa ra thị trường đều đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và quy định của WHO rồi, nên không có gì phải lo lắng. Tôi tin tưởng vào sự an toàn của vắc-xin”. Chị Quyên cho hay, sau khi theo dõi 30 phút tại Phòng Tiêm chủng chị đã trở lại công việc bình thường.

“Cả đêm qua cơ thể tôi không có phản ứng gì. Sáng 9/3, tôi vẫn đến cơ quan làm việc như mọi ngày”, chị Quyên nói.

TSVũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết: “Sau khi được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tôi hơi bị mệt mỏi giống như khi tiêm các mũi phòng cúm khác. Đó là phản ứng bình thường của cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus, nên tôi không có gì phải lo lắng cả. Sáng 9/3, sức khỏe của tôi ổn định, vẫn đi làm bình thường tại Trung tâm Phòng, chống dịch”.

Tối 9/3, Bộ Y tế cho biết có thêm 2 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tiền Giang. Ca bệnh tại tỉnh Hải Dương ghi nhận ở huyện Cẩm Giàng, là F1 của BN2339, đã được cách ly tập trung từ ngày 9/2. Hiện bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày có 84 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

61 cán bộ y tế Gia Lai tiêm vắc-xin phòng COVID-19
Ngày 9/3, Gia Lai bắt đầu tiêm vắc-xin phòng ngừa COVID-19. Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, sáng cùng ngày, 61 cán bộ y tế xếp hàng trước sảnh Bệnh viện Dã chiến tỉnh Gia Lai đợi đến lượt tiêm. Nhiều người không giấu nổi sự hồi hộp, vui mừng khi được  tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên. Trước khi tiêm, những cán bộ này được kiểm tra thân nhiệt, huyết áp, khám sàng lọc…
Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh đã nhận được 1 nghìn liều vắc-xin phòng COVID-19, còn 900 liều về sau. Theo đó, trong tổng số 1,9 nghìn liều vắc-xin, đối tượng ưu tiên là lực lượng trên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 (người làm việc tại các cơ sở y tế trực tiếp điều trị người bệnh COVID-19). Đối tượng ưu tiên còn là người làm việc tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh, người làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ và xét nghiệm COVID-19. (Tiền phong, trang 5; Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Hà Nội triển khai tiêm vắc xin Covid -19 đợt 1: Tin tưởng độ an toàn và hiệu quả của “lá chắn”.

Nam điều dưỡng Trần Văn Cảnh, Khoa Cấp cứu Nội nhi – BV Thanh Nhàn tin tưởng vào độ an toàn và hiệu quả của vắc xin Covid -19, coi đây là một trong những “lá chắn” để bảo vệ mình cùng đồng nghiệp an toàn trong đại dịch… (An ninh Thủ đô, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 15/8/2018

admin

Điểm báo ngày 28/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/9/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận