Điểm báo ngày 13/11/2019

(CDC Hà Nam)
TPHCM xin gia hạn thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm; Số người nhiễm HIV tăng cao ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới; Hà Nội duy trì 22 phòng khám ngoại trú điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS; Kon Tum: Bệnh nhân thứ 2 tử vong do mắc cúm A/H1/N1

TPHCM xin gia hạn thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm

UBND TPHCM vừa có tờ trình xin ý kiến Thủ tướng gia hạn thời gian thí điểm hoạt động Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM.

Trong 3 năm qua, việc thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP đã giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở ngành, đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND TP về công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Việc kết hợp lực lượng quản lý từ Sở Y tế, Sở Công thương, Sở NN-PTNT về ban đã tăng hiệu quả trong phân công, xử lý công việc mà không phải tăng biên chế. Ban là đầu mối thống nhất, tổng hợp tham mưu cho UBND TP xử lý kịp thời cũng như chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. UBND TPHCM đánh giá ban đã nâng vị thế của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm lên một tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân thành phố.

Trên cơ sở những hiệu quả của quá trình vận hành mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP trong 3 năm thí điểm vừa qua, UBND TPHCM trình Thủ tướng cho phép gia hạn thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm từ ngày 6-12-2019 cho đến thời điểm Thủ tướng cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm, hoặc duy trì mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm (Sài Gòn giải phóng, trang 7). 

 

Số người nhiễm HIV tăng cao ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, tính đến ngày 30/6/2019, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống tại Việt Nam là 211.996 người, bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong là 103.053 người.

6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã phát hiện được 4.675 người nhiễm HIV, 759 người nhiễm HIV tử vong, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2018. Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện 6 tháng đầu năm 2019 chủ yếu là nam giới 75%. Đường lây nhiễm chủ yếu qua quan hệ tình dục đồng giới và khác giới là 68%.

Tại Hà Nội, đến hết tháng 9-2019, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện đang còn sống là hơn 22.200 người. 100% quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đều có người nhiễm HIV. Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện 9 tháng đầu năm 2019 chủ yếu là nam giới; gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó độ tuổi 15-25 chiếm 18,9% tăng rất nhiều so với năm 2014 (8%). Hai nhóm phát hiện nhiều nhất năm 2019 là vợ/chồng/bạn tình người nhiễm HIV và quan hệ tình dục đồng giới.

Đề cập đến những kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho hay, đến 31-10-2019, toàn thành phố có 17 cơ sở điều trị Methadone đang điều trị cho 4.974 bệnh nhân, tăng 122 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2018.

Từ ngày 1/1/2018 các cơ sở điều trị Methadone đã triển khai thu phí một phần dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thay thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Hầu hết các bệnh nhân và gia đình đều đồng thuận và đóng phí khá đầy đủ hàng tháng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả nhát định nhưng tình trạng kỳ thị đối với HIV vẫn còn, đây là rào cản chính làm người có nguy cơ và người nhiễm HIV không muốn tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV.

Thông tin về các hoạt động chính trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, ông Hoàng Đức Hạnh cho hay, ngoài việc tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Hà Nội cũng sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, treo banner dọc theo các đường phố chính, phối hợp với các dự án thúc đẩy tăng trưởng thị trường tổ chức các sự kiện tại cộng đồng để tiếp cận đối tượng đích (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Kon Tum: Bệnh nhân thứ 2 tử vong do mắc cúm A/H1/N1 ​

Thông tin bệnh nhân thứ 2 tử vong do mắc cúm A/H1/N1 được bác sĩ Võ Văn Thanh- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kon Tum xác nhận vào chiều 12/11. Đó là bệnh nhân N.N.T nhập viện ngày 5/11 với các triệu chứng bệnh não gan/xơ gan child Cdo viêm gan virus C và viêm phổi cộng đồng. Khi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên kiểm tra nhanh trong số 44 mẫu của những người tiếp xúc gần bệnh nhân Th. (ni cô đã tử vong vào ngày 8/11 do dương tính với cúm A/H1/N1), thì phát hiện bệnh nhân N.N.T (50 tuổi, trú tại thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) cũng đã dương tính với cúm A/H1/N1. Sau thời gian nhập viện điều trị, bệnh nhân T đã tử vong do bệnh cảnh quá nặng (Tiền phong, trang 2). 

 

Hà Nội duy trì 22 phòng khám ngoại trú điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS

Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 12-11, Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 30-9-2019, trên địa bàn Hà Nội có 22.221 trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống.

Trong đó, 9 tháng năm 2019, Hà Nội phát hiện thêm 1.238 trường hợp nhiễm HIV mới, tăng 54,5% so với cùng kỳ 2018. Đặc biệt, lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng mạnh (từ 36,2% năm 2014 lên 65,6% cuối năm 2018 và 72,4% vào tháng 9-2019). Dự phòng lây nhiễm HIV, 9 tháng năm 2019, Hà Nội đã cấp phát gần 2,4 triệu bơm kim tiêm; hơn 1,7 triệu bao cao su miễn phí cho đối tượng có nguy cơ cao: Nghiện ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới… Đến ngày 31-10, toàn thành phố có 17 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Methadone đang điều trị cho 4.974 bệnh nhân.

Về điều trị HIV/AIDS, đến 31-10, Hà Nội duy trì 22 phòng khám ngoại trú điều trị thuốc kháng virus ARV cho 14.209 bệnh nhân, trong đó có 1.410 bệnh nhân mới được điều trị. 97% người bệnh điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV được xét nghiệm có tải lượng virus <1.000cp/ml máu.

Trong năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%; 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán HIV được điều trị ARV…

Thành phố tiếp tục mở rộng bao phủ khám chữa bệnh và cấp thuốc ARV qua bảo hiểm y tế; triển khai 6 cơ sở điều trị Methadone tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Oai, Sóc Sơn, Hoài Đức; xây dựng kế hoạch mở 2 cơ sở cấp phát thuốc tại xã, phường thuộc trung tâm y tế các huyện Chương Mỹ và Ba Vì (Hà Nội mới, trang 7).

 

Chữa bệnh sai vì tin “bác sỹ Google”

Có 2/5 người ở Mỹ tự chẩn bệnh sai vì tin vào bác sĩ trên mạng. Tại Việt Nam số người tự chẩn bệnh cho mình theo các chia sẻ, hướng dẫn trên mạng và tin vào việc mình mắc căn bệnh nào đó, tự uống thuốc cũng khá nhiều.

Theo Hãng tin South West News Service (SWNS) của Anh, kết quả khảo sát do Công ty Let’s Get Checked (có văn phòng tại Mỹ, Canada và Ireland) thực hiện với 2.000 người Mỹ trưởng thành cho thấy có tới 2/5 (43%) người đã tự chẩn bệnh cho mình sai sau khi tìm hiểu về các triệu chứng sức khỏe bất ổn trên mạng.

Theo Đài Foxnews, 2/5 số người được hỏi cho biết đã lầm lẫn tin mình đang mắc một bệnh nghiêm trọng nào đó sau khi tra cứu thông tin trên mạng Internet.

Cũng theo khảo sát của Công ty Let’s Get Checked, trong số 2.000 người tham gia trả lời khảo sát, 65% đã lựa chọn bác sỹ Google để tìm hiểu các triệu chứng gặp phải cũng như cố gắng tự chẩn bệnh cho mình.

Một nửa người trưởng thành tìm “bác sĩ Google”!

Trong số họ, 74% cho biết việc tìm kiếm thông tin về các triệu chứng sức khỏe trên Google thực sự khiến họ căng thẳng hơn so với trước khi tìm kiếm. Những người này cũng nói các thông tin họ đọc được trong lúc đó chỉ đúng chưa tới 40%.

Nói cách khác, hơn 60% câu trả lời cho các triệu chứng sức khỏe họ tìm thấy trên mạng Internet là không chính xác.

Bác sĩ Robert Mordkin, giám đốc y khoa của Let’s Get Checked, nhận xét: “Cuộc khảo sát này cho thấy một lượng đáng kể những người đang sống chung với các triệu chứng sức khỏe tiêu cực mỗi ngày mà họ hoặc không hiểu, hoặc đánh giá sai. Nhiều triệu chứng trong đó có thể liên quan tới các vấn đề của tuyến giáp”.

Ông Mordkin cũng cho rằng: “Mặc dù việc tự tìm hiểu thêm kiến thức là tốt, song việc tiến hành xét nghiệm khách quan là điều quan trọng”.

Có 6/10 người được hỏi thừa nhận họ chủ động né tránh việc tới phòng khám. Những lý do phổ biến khiến mọi người không muốn đi khám gồm chi phí (47%), sợ bác sĩ khám không tốt, bỏ qua triệu chứng bệnh (37%) và không có thời gian hẹn khám (37%).

Họ cũng cho rằng, những yếu tố nếu được cải thiện sẽ khuyến khích họ đến khám trực tiếp nhiều hơn, gồm: được giải thích rõ hơn về các kết quả xét nghiệm, chi phí bớt đắt đỏ và khung giờ khám bệnh linh hoạt hơn.

Ngoài ra là các yếu tố thuận lợi khác như có thể lựa chọn những bộ phận nào của cơ thể để xét nghiệm và có thể làm xét nghiệm tại nhà.

Bác sĩ Mordkin nói: “Việc có tới hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ tìm “bác sĩ Google” khi gặp trục trặc sức khỏe là điều đáng lo ngại.

Thực tế nhiều người phải mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng mới tới khám tại phòng mạch cho thấy nhu cầu về những giải pháp tốt hơn để mọi người có thể làm xét nghiệm, quản lý và hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình”.

Chớ tin “bác sĩ mạng”

Việc tra cứu thông tin về sức khỏe là cần thiết nhưng không phải cái gì cũng tra và tự suy diễn bệnh tật của mình. Mới đây, có một bệnh nhân nguy hiểm tính mạng vì làm theo những điều mạng hướng dẫn.

Gần một tuần sau ca cấp cứu cho bệnh nhân nhiều lần ngừng tuần hoàn vì ăn thực dưỡng theo hướng dẫn trên mạng Internet, trên nền bệnh cảnh sẵn có bệnh mạch vành, ông Phạm Mạnh Hùng – viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia – vẫn rất ấn tượng với bệnh nhân 61 tuổi ở Hà Nội, đang theo chế độ ăn thực dưỡng (chỉ ăn gạo lứt và thực phẩm thực dưỡng) trong 49 ngày.

Nhưng bệnh nhân mới ăn thực dưỡng đến ngày thứ 41 thì có các biểu hiện bệnh, ngừng tuần hoàn ngay khi vào viện.

“Chúng tôi đã hội chẩn và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng để xác định, kết quả cho thấy bệnh nhân có bệnh mạch vành dù chưa biểu hiện ra bệnh, nhưng chế độ ăn đã khiến bệnh nhân hạ natri, kali máu, thúc đẩy các triệu chứng của bệnh xuất hiện”- ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp mà ông gặp liên quan đến chữa bệnh hay nghe theo người quen mách bảo. Internet đang là một kho tin tức và tư liệu khổng lồ, rất nhiều người cần tra cứu thông tin đều tra cứu trên đó, kể cả tra cứu thông tin về sức khỏe.

Bác sĩ Hùng cho biết thường thông tin sức khỏe viết theo hình thức chính thống, khoa học thì người dân không thích đọc vì khó hiểu, nhưng viết theo kiểu thường thức, dễ hiểu thì lại không phải do giới chuyên môn viết, hoặc do nhà quảng cáo cung cấp, tính chính xác không cao.

Nên có các biện pháp kiểm tra sức khỏe định kỳ vì việc này sẽ mang lại giải pháp an toàn hơn thay vì luôn tìm tới Google trong mọi tình huống cần có câu trả lời cho các vấn đề sức khỏe (Tuổi trẻ, trang 14).

Bài viết liên quan

Vệ sinh răng miệng kém có thể gây ra ung thư phổi, ung thư đại tràng

admin

Điểm báo ngày 06/01/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 27/9/2018

Ngọc Nga

Để lại bình luận