Bệnh viện có được thu tiền người nuôi bệnh?
Mặc dù chưa có quy định nào về việc thu tiền người nuôi bệnh, nhưng nhiều bệnh viện đã thu với lý do bù lại việc người nuôi bệnh vào bệnh viện dùng điện, nước… và nhằm hạn chế bớt lượng người nhà vào bệnh viện để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Ngày 9.4, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện clip cảnh đối thoại giữa người nuôi bệnh (NNB) và lãnh đạo Bệnh viện (BV) đa khoa khu vực (ĐKKV) Thủ Đức (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) về việc BV thu tiền NNB. Những NNB phản đối BV này thu 30.000 đồng/ngày đối với NNB tại khoa hồi sức.
Mỗi nơi thu một kiểu
Anh Phương, người có mặt trong cuộc đối thoại này, đề nghị BV ĐKKV Thủ Đức xem xét lại giá thu, nhất là với BN nghèo. “Con tôi bệnh, không có tiền ăn nữa, lấy đâu 30.000 đồng tiền phí. Tôi làm bảo vệ dân phố, nhà nước trả cho 23.000 đồng/ngày. Quá bất hợp lý”, một người đang nuôi con bệnh tại BV ĐKKV Thủ Đức bức xúc.
Hôm qua (9.4), trả lời Thanh Niên, ông Cao Tấn Phước, Giám đốc BV ĐKKV Thủ Đức, xác nhận chủ trương thu 30.000 đồng/ngày/NNB đã được Đảng ủy, Ban giám đốc BV thông qua và bắt đầu thực hiện từ ngày 8.4. Tuy nhiên khi triển khai thì bị NNB phản đối nên chưa thu được đồng nào. “Vì đây mới là chủ trương nên BV muốn lấy ý kiến, lắng nghe NNB để từ đó biết cách định hướng làm sao cho hiệu quả mà hợp tình, hợp lý”, ông Phước nói.
Lý giải về việc thu 30.000 đồng/ngày/NNB, ông Phước cho rằng hiện nay BV công tự chủ tài chính nên điện, nước… dùng cho sinh hoạt đều tăng nên BV không biết lấy kinh phí đâu để bù đắp. Khi thu tiền, BV sẽ cung cấp lại 4 dịch vụ cho họ, gồm: máy nước nóng lạnh (dùng lấy nước uống, ăn mì gói…), chỗ sạc điện thoại, ghế bố ngủ qua đêm và chỗ giặt và phơi quần áo; góp phần chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại BV.
TS-BS Bùi Minh Trạng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 TP.HCM, cho rằng thực trạng NNB tại BV cũng giống như BV khác. Mỗi BN vô BV thường có hơn 1 người nuôi, gây quá tải BV về vệ sinh, điện, nước, ANTT… nhưng lâu nay BV không thu phí NNB.
“Chưa tính được tốn tiền điện, nước cụ thể cho việc tăng thêm này, nhưng ước số tiền này không nhỏ và BV phải tự chủ nên đây là gánh nặng tài chính cho BV. Tuy nhiên, việc thu này cần phải được cho phép và phải đồng bộ ở các BV”, TS-BS Trạng nói.
Theo các BV hạng 1 tại TP.HCM, tiền điện, nước mỗi tháng mỗi BV trả trên 1 tỉ đồng. Còn các BV lớn ở Hà Nội cho biết, tiền điện, nước mỗi tháng hơn 2 tỉ đồng/BV.
Đã tính trong cơ cấu giá dịch vụ y tế
Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM, cho biết đã từng có vài BV ở TP thu tiền NNB 30.000 đồng/ngày, bị phản ánh, Sở Y tế TP đã yêu cầu BV ngưng thu.
Theo bà Liễu, trong cơ cấu giá viện phí chỉ được thu của BN (kể cả điện, nước), không nói đến việc thu tiền điện nước NNB sử dụng. “Đúng là BV có tốn chi phí điện, nước khi NNB sử dụng, trong khi các BV nhà nước hiện phải tự chủ tài chính nên rất khó cho BV. Sở Y tế sẽ có công văn gửi Bộ Y tế kiến nghị xem xét việc BV thu chi phí NNB dựa trên chi phí điện, nước thực tế”, bà Liễu nói.
Trong khi đó, theo một cán bộ của Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), trước đây một số BV có thu 5.000 – 15.000 đồng/ngày/NNB cho vệ sinh, điện, nước… Tuy nhiên, hiện tại các chi phí này đã tính trong cơ cấu giá dịch vụ y tế, nên không thu lặt vặt, mặc dù có thể phần cơ cấu giá dịch vụ y tế cũng chưa đủ nhưng BV cần tự cân đối các nguồn thu khác để bù đắp. Một số BV từng có thu phí vệ sinh để lấy nguồn bù đắp cho việc đảm bảo vệ sinh, nhưng Bộ Y tế đã yêu cầu dừng các khoản thu này, sau khi chi phí điện nước đã có trong cơ cấu giá dịch vụ y tế.
Theo bà Lý Thị Hảo (Trưởng phòng Công tác xã hội Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư) ở Hà Nội, tại Viện không thu phí của NNB, nhà vệ sinh vẫn đảm bảo sạch sẽ; chỉ thu 5.000 đồng/giường gấp nhỏ/đêm với NNB có nhu cầu. Còn lại không có phí nào khác”.
Tại BV K (Hà Nội) từng thu phí 2.000 đồng/lượt sử dụng nhà vệ sinh với người nhà nhưng đã bỏ từ lâu; tại BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng không còn thu các khoản phí “mượn” áo vàng mặc khi vào chăm BN(Thanh niên, trang 5).
Bộ Y tế khai giảng 3 khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại TP.HCM
Sáng 8/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài giảng trong buổi học đầu tiên của khóa đào tạo, bồi dưỡng về quản lý y tế cho 120 học viên tại Viện Y tế công cộng TP.HCM.
Đối tượng tham dự các khóa học bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm, cán bộ được quy hoạch chức danh giám đốc Sở Y tế, giám đốc bệnh viện; viện trưởng, phó viện trưởng các đơn vị y tế dự phòng; giám đốc, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh. Đây là khóa học thứ VI sau 5 khóa học đã được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mục tiêu của khóa học là trang bị và cập nhật kiến thức về quản lý y tế, kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành y tế góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành y tế.
Ở bài giảng đầu tiên của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã khái quát tổng quan Hệ thống y tế Việt Nam và định hướng quy hoạch. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nói về những đổi mới chính sách y tế Việt Nam về phát triển và hội nhập.
Tham gia khóa học, các học viên đã tiếp tục được đào tạo bồi dưỡng tập trung vào các kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong hệ thống y tế; chính sách, định hướng chiến lược phát triển ngành y tế, quản lý các nguồn lực, quản lý các hoạt động và cung cấp dịch vụ y tế. Các chương trình đào tạo này được ứng dụng các nguyên lý và phương pháp đào tạo dựa trên năng lực để trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công tác lãnh đạo quản lý.
Chương trình đào tạo bồi dưỡng đã được Bộ Y tế thẩm định và ban hành tại các Quyết định số 5978/QĐ-BYT ngày 3 tháng 10 năm 2018 phê duyệt Chương trình đào tạo, bồi dưỡng quản lý y tế cho lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Quyết định số 5980/QĐ-BYT ngày 3 tháng 10 năm 2018 phê duyệt Chương trình đào tạo, bồi dưỡng quản lý y tế cho Giám đốc, Phó giám đốc Bệnh viện, Quyết định số 5979/QĐ-BYT ngày 3 tháng 10 năm 2018 phê duyệt Chương trình đào tạo, bồi dưỡng quản lý y tế cho Viện trưởng, Phó viện trưởng các Viện thuộc lĩnh vực y tế dự phòng; Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Hà Nội: Sốt xuất huyết đến sớm nhưng 15 điểm nguy cơ cao vẫn đang… an toàn
Báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho thấy, trong tuần qua (từ 1-4 đến hết ngày 7-4), thành phố có thêm 83 ca mắc sởi, tăng 4 ca; 13 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 7 ca so với tuần liền trước; 10 trường hợp mắc tay chân miệng…
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố nhận định, năm nay, dịch sốt xuất huyết có xu hướng đến sớm hơn những năm trước vì thời điểm này dù chưa bước vào “mùa cao điểm” nhưng toàn thành phố đã ghi nhận tới 167 người mắc. Bệnh nhân phân bố tại 107 xã, phường thuộc 27/30 quận huyện.
Đáng chú ý, trong tuần vừa qua, đã ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết mới xuất hiện tại phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây. Trước đó, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở ổ dịch này có đi du lịch Đà Nẵng về.
Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, qua giám sát tại 15 điểm nguy cơ cao bùng phát sốt xuất huyết trên toàn thành phố cho thấy, 14 điểm giám sát có chỉ số véc tơ truyền bệnh dưới ngưỡng nguy cơ (An ninh thủ đô, trang 8).
Thức ăn độc hại + không khí ô nhiễm = ung thư
Đó là công thức đơn giản nhất được các chuyên gia về môi trường, thực phẩm, y học nói ngắn gọn khi bàn về tình trạng thực phẩm dưới chuẩn quốc tế của VN. Năm 2018, thống kê cho thấy, số ca ung thư tại VN lên đến 165.000 ca, so với mức trung bình trước đó là 126.000 ca/năm. Số tử vong vì ung thư gần 100.000 ca mỗi năm, cao gấp 9 lần chết vì tai nạn giao thông. Nguyên nhân chính gây ung thư được xác định là do thực phẩm bẩn và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.
Không chỉ đang ăn những thực phẩm kém chất lượng, người Việt đang “hưởng thụ” bầu không khí ngày càng kém chất lượng hơn theo cảnh báo của WHO và nhiều tổ chức quốc tế về mức độ ô nhiễm tại VN. Hiện chất lượng khí sạch của VN chỉ bằng nửa thế giới. Chuẩn bụi mịn thế giới cho phép là 25 μg/m3, VN cho phép gấp đôi, lên đến 50 μg/m3. Điều này có nghĩa là chúng ta đang “được phép” thở một bầu không khí có chuẩn bẩn gấp đôi thế giới. Theo nghiên cứu đánh giá tác động ô nhiễm không khí của GreenPeace, việc tiếp xúc không khí có bụi mịn cao, kéo dài tăng nguy cơ mắc các bệnh về ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và nhiều bệnh về đường hô hấp. TS Lê Việt Phú (Đại học Fulbright) ước tính ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến kinh tế ở mức tương đương 5 – 7% GDP.
Vấn đề theo TS Phú là VN không nhất thiết cải thiện chất lượng không khí theo chuẩn thế giới, chỉ cần kiểm soát được và quản lý chất lượng không khí đúng chuẩn của mình, đã hạn chế nhiều tình trạng phát sinh bệnh tật như đề cập ở trên (Thanh niên, trang 2).
Cứu sống bệnh nhân bị thanh sắt dài 65 cm đâm xuyên ngực
Chiều 9.4, bác sĩ Lê Quang Huy, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết sức khỏe nạn nhân Hà Đức Lân (38 tuổi, ngụ TP. Đà Lạt) bị thanh sắt dài 65cm đâm xuyên qua ngực đang từng bước phục hồi, tim mạnh, huyết áp ổn định. Trước đó, khoảng 14 giờ 30 ngày 8.4, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tiếp nhận nạn nhân Lân trong tình trạng bị một thanh sắt phi 8 đâm xuyên từ cánh tay trái vào lồng ngực ra sau xương ức, bệnh nhân mất máu nhiều. Ông N.V.V, người nhà nạn nhân, cho biết anh Lân là công nhân xây dựng. Chiều 8.4, khi đang thi công công trình nhà ở tư nhân ở H. Đức Trọng (Lâm Đồng) thì anh chẳng may té từ giàn giáo tầng một xuống đất và rơi trúng cụm sắt trụ móng nhà.
Để đưa được anh Lân đến bệnh viện, các đồng nghiệp phải dùng cưa để cưa thanh sắt trụ móng.
Bác sĩ Huy cho biết sau khi chẩn đoán đã chỉ định bác sĩ Huỳnh Quốc Khởi thực hiện phẫu thuật gấp cho bệnh nhân. Ê kíp phẫu thuật đã phải mở lồng ngực chủ động để xem thanh sắt có gây tổn thương tim, mạch, phổi hay không…
Rất may mắn, thanh sắt chỉ gây tổn thương màng phổi phải, rách tĩnh mạch, các mạch máu lớn không bị tổn thương, nên ê kíp phẫu thuật mới quyết định rạch mổ để rút thanh sắt ra.
“Đây là trường hợp rất hy hữu mà chúng tôi tiếp nhận, việc cứu sống nạn nhân cũng rất ngoạn mục, rất mừng sau gần 2 giờ 30 phút phẫu thuật, nạn nhân đã được cứu sống”, bác sĩ Khởi cho biết thêm(Thanh niên, trang 3).