Điểm báo ngày 11/10/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 11/10/2018

Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; Phòng, chống bệnh tay, chân, miệng bùng phát; Hàng trăm y, bác sĩ của Hà Nội được tôn vinh “Người tốt, việc tốt”…

 

Phòng, chống bệnh tay, chân, miệng bùng phát

Hiện nay, tại một số địa phương, nhất là các tỉnh phía nam, số người mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) gia tăng nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Để chủ động phòng, chống bệnh TCM, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh TCM kịp thời và hiệu quả.

Trong những tuần gần đây, số người đến khám, điều trị bệnh TCM tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng tiếp tục gia tăng đột biến và chưa có chiều hướng giảm trong thời gian tới. Có mặt tại Khoa Y học nhiệt đới Nhi – Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Bệnh lý (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) chúng tôi nhận thấy: Do số bệnh nhi điều trị TCM đông, các bác sĩ đã phải kê thêm giường bệnh dọc các hành lang. Theo Phó Trưởng khoa Y học nhiệt đới Nhi – Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Bệnh lý, bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ cho biết, có 94 bệnh nhi đang điều trị tại khoa, trong đó hiện có bốn cháu bệnh nặng đang được các bác sĩ điều trị tích cực. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay đã có gần 1.600 bệnh nhi mắc TCM nhập viện điều trị và gần 3.800 bệnh nhi mắc TCM được khám và cho về điều trị ngoại trú…

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh TCM, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, nhằm phát hiện và chủ động phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả. Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều chiến dịch ra quân làm sạch môi trường phòng, chống dịch bệnh mùa cao điểm, đặc biệt là bệnh TCM, với mục tiêu không để bệnh TCM bùng phát thành dịch.

Tại tỉnh Bình Dương, số ca bệnh TCM cũng khá nhiều. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 3.804 trẻ mắc TCM, tăng 6% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, số ca mắc bệnh TCM tăng đột biến tập trung vào hai tháng 8 và 9, với tổng số là 2.449 trẻ. Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương), bác sĩ Quách Hoàng Mỹ cho biết: Nguyên nhân dẫn đến số mắc TCM thời gian qua tăng là do đã đến mùa tựu trường, học sinh đi học trở lại bị lây bệnh từ nhau, nhất là tại các nhóm giữ trẻ gia đình có điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, vệ sinh không tốt.

Do bệnh TCM chưa có vắc-xin tiêm phòng, không có thuốc đặc trị, cho nên hiện nay vẫn là điều trị triệu chứng và chống biến chứng. Vì vậy, bên cạnh việc ngành y tế chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để phòng ngừa, điều trị nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh TCM gây ra, cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh TCM như: rửa tay bằng xà-phòng; thực hiện vệ sinh ăn uống, bảo đảm sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám, hoặc thông báo cho cơ quan y tế gần nhất… Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết: Tại Việt Nam, bệnh TCM thường bùng phát từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, nhất là vào đầu năm học mới. Theo số liệu thống kê, trong chín tháng đầu năm 2018, cả nước có gần 62 nghìn người mắc TCM, trong đó có gần 30 nghìn người nhập viện và đã có sáu người chết. So cùng kỳ năm 2017, số người mắc TCM trên cả nước giảm 18,9%, số người nhập viện giảm 14,9%. Tuy nhiên, tại một số địa phương, số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội. Đáng chú ý, số mắc TCM chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, chiếm 99,5%.

Theo dự báo của Bộ Y tế, bệnh TCM có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị giám đốc sở y tế, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố huy động các ban, ngành, tổ chức, chính trị – xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh TCM. Các đơn vị y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại bệnh viện và trong các cơ sở điều trị; đặc biệt tránh lây chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác… Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bệnh TCM tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh TCM tại các trường học, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM trên phạm vi toàn quốc… (Nhân dân, trang 8)

 

Hàng trăm y, bác sĩ của Hà Nội được tôn vinh “Người tốt, việc tốt”

Y bác sĩ khoa sơ sinh – BVĐK Đức Giang nuôi dưỡng 2 trẻ bị mẹ bỏ rơi sau khi sinh; Trưởng Trạm y tế xã Phú Nam An (Chương Mỹ) cứu kịp thời trẻ đi học về bị đuối nước… là những gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu trong ngành y tế Thủ đô.

Chiều 9-10, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị biểu dương “Người tốt, việc tốt” ngành y tế Hà Nội năm 2018. Tại hội nghị, 8 chiến sĩ thi đua cấp thành phố, 8 cá nhân tiêu biểu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố và 15 cá nhân đại diện cho 438 cá nhân tiêu biểu trong tổng số gần 4.559 cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp cơ sở được Sở Y tế Hà Nội biểu dương, khen thưởng.

Những gương sáng tiêu biểu thể hiện những việc làm tốt, tâm huyết của người Thầy thuốc đối với bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hay trong đời sống thường ngày.

Tiêu biểu như tập thể khoa sơ sinh – Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã nuôi dưỡng 2 trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi sau khi sinh; bác sĩ Trưởng Trạm y tế xã Phú Nam An – TTYT huyện Chương Mỹ cứu kịp thời học sinh trên đường đi học về bị đuối nước do ngã xuống sông; gương nhiều cán bộ y tế khẩn cấp hiến máu cho bệnh nhân cấp cứu đang cần truyền máu; gương giúp đỡ bệnh nhân gặp hoàn cảnh khó khăn tiền đóng tiền viện phí…

Đặc biệt, trong năm 2018, ngành y tế Hà Nội có một cá nhân được tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” – PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đây là những tấm gương “Người tốt, việc tốt” trong tổng số hơn 24.000 công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị trong toàn ngành y tế.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, qua phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, với hàng nghìn việc làm tốt dù rất nhỏ của mỗi cán bộ ngành y tế Hà Nội đã góp phần viết tiếp truyền thống xây dựng và phát triển ngành y tế Thủ đô vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. (An ninh Thủ đô, trang 2)

 

Hội thảo về các tiến bộ mới trong điều trị ung thư

Ngày 10-10, tại Bệnh viện 198 (Bộ Công an), Ban Ung thư lực lượng vũ trang (LLVT) đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm cập nhật những tiến bộ khoa học trong điều trị ung thư tại các cơ sở y tế trong và ngoài LLVT.

Theo Thiếu tướng Trần Văn Sáu, Giám đốc Bệnh viện 198: Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân ung thư trong và ngoài lực lượng công an, quân đội ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề lớn trong công tác điều trị và dự phòng tại các cơ sở y tế của LLVT. Trong khi đó, việc điều trị ung thư ngày càng có nhiều tiến bộ với phương pháp điều trị đa mô thức đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều chuyên ngành y học.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu liên kết và hợp tác giữa các nhà chuyên môn về ung thư nói chung và trong LLVT nói riêng, để nâng cao hiệu quả điều trị. Vì thế, hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở y tế trong LLVT và giữa các chuyên gia ung về điều trị ung thư, nhằm cải thiện sức khỏe cho người bệnh và giảm tỉ lệ tử vong.

Có gần 60 báo cáo khoa học của các nhà khoa học, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong phòng chống ung thư trình bày tại hội nghị, cập nhật những thông tin mới nhất về điều trị bệnh ung thư.

  1. Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam chia sẻ những thông tin về miễn dịch trị liệu trong ung thư – vấn đề đang rất nóng sau khi Nobel y học 2018 được trao cho 2 nhà miễn dịch học vì khám phá ra phương pháp này. Ông cho biết liệu pháp miễn dịch ung thư dùng các tế bào của chính hệ miễn dịch của người bệnh để khống chế căn bệnh.

Phần lớn dùng điều trị  không phải phòng bệnh, giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch chống ung thư. Liệu pháp miễn dịch ung thư đã bước vào một thời kỳ mới, được chấp nhận rộng rãi như là thành phần chủ chốt của các chiến lược kiểm soát và chữa khỏi bệnh.

GS Chấn Hùng nhấn mạnh biện pháp quan trọng là phòng ngừa khi có khoảng 40% các bệnh ung thư có thể phòng tránh được. Phần lớn các bệnh ung thư có mối liên hệ với thuốc lá, mất an toàn thực phẩm vv…

  1. Trần Quốc Hùng- Phó Giám đốc Bệnh viện 198, cho biết: Bệnh viện 198 với đội ngũ thầy thuốc được đào tạo bài bản, cùng với hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, những năm qua đã triển khai nhiều kỹ thuật trong điều trị ung thư, như phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp đa mô thức, hóa trị, liệu pháp trúng đích; điều trị ung thư gan bằng đốt vi sóng, nút mạch gan, liệu pháp trúng đích và hóa chất.

Bệnh viện cũng thực hiện các kỹ thuật điều trị ung thư gan nguyên phát, điều trị tổn thương di căn gan, điều trị u tuyến giáp nang tuyến vú bằng Microwave … Hàng trăm bệnh nhân đã được điều trị mang lại hiệu quả tốt, cải thiện sức khỏe.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thông tin về các kết quả nghiên cứu mới nhất trong điều trị bệnh ung thư ở các cơ sở y tế: Ths. Phạm Huy Triệu đóng góp với báo cáo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư”, TS. Trần Quốc Hùng (Bệnh viện 198) báo cáo về hiệu quả của Sorafenib trong điều trị HCC; PGS. Nguyễn Tiến Thịnh (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) báo cáo kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan vằng phương pháp nút mạch xạ trị với Y-90; TS. Nguyễn Thị Thu Huyền (BV Thái Nguyên) với nghiên cứu “Những yếu tố ảnh hưởng tỉ lệ tái phát tại chỗ trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng RFA sử dụng kim điện cực Cool-tip vv… (Công an Nhân dân, trang 3)

 

Một số dịch bệnh gia tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Trước sự gia tăng của dịch tay – chân – miệng (TCM), dịch sởi và sốt xuất huyết, chiều 9-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã họp báo về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch thời gian tới.

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh TCM đã diễn ra ở 63 tỉnh, thành với 61.821 trường hợp mắc, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 ca tử vong. Một số địa phương có số mắc cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Đại diện Cục Y tế dự phòng lưu ý bệnh TCM hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine dự phòng. Bệnh thường bùng phát vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt là đầu năm học mới, do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường kém khiến nguy cơ lây truyền còn cao.

Về bệnh sởi, Bộ Y tế cho biết, cả nước đã phát hiện 2.942 trường hợp tại 51 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng hơn 10 lần, song không thành ổ dịch lớn.

Các tỉnh có số mắc cao là Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La và Quảng Ninh. Hầu hết trẻ mắc là từ vài tháng đến 4 tuổi, hầu hết không được tiêm chủng, hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, chiếm 86,4%.

Theo Bộ Y tế, thời gian tới có thể tiếp tục có thêm nhiều người mắc bệnh sởi do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bệnh sởi chủ yếu mắc ở miền Bắc, nhưng năm nay đã xuất hiện cả các tỉnh miền Nam.

Với bệnh sốt xuất huyết, cả nước đã có 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Số mắc trong các tuần gần đây có xu hướng tăng chủ yếu ở miền Nam và miền Trung.

Bộ Y tế nhận định tới đây có thể tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh khi đang là mùa mưa, nhất là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine chưa được sử dụng tại Việt Nam.

Tập quán trữ nước tại nhiều địa phương cùng với đô thị hóa gia tăng nhanh chóng nguy cơ xảy dịch là rất lớn. Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn hạn chế nhất là việc chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy), phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số mắc, tử vong.

Ông Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát và Bộ Y tế luôn minh bạch thông tin để công tác phòng, chống dịch được hiệu quả.

Ông Phu nhấn mạnh cách phòng bệnh: Với bệnh TCM, vấn đề quan trọng là vệ sinh; với dịch sởi phải tiêm phòng vaccine; với bệnh sốt xuất huyết phải vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Đặc biệt, điều quan trọng là phải tuyên truyền để người dân tham gia phòng bệnh, vì tiêm phòng rẻ hơn rất nhiều nếu để mắc bệnh. Vì một ca biến chứng nặng phải thở máy đã mất khoảng nửa tỷ đồng.

Tuy nhiên, không như nhiều nhiều người lo ngại, Bộ Y tế khẳng định hiện chưa có sự thay đổi về gen của virus EV71 gây bệnh TCM ở Việt Nam.

Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đặc biệt khuyến cáo khi trẻ bị TCM: Cho nghỉ học, chăm sóc ở nhà, để không lây sang bạn; Vệ sinh sạch sẽ và cho trẻ khám bệnh tại cơ sở y tế; Những bé thể nhẹ, được điều trị ở nhà cần chú ý uống nước, hạ nhiệt. Khi chăm sóc ở nhà theo dõi sốt. Ông Điển cũng cho biết hiện có hơn chục bé bị bệnh TCM và hơn chục bé bị sởi nhập viện, hầu hết là những trường hợp nặng.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Dịch TCM tăng trong xu hướng chung của cả nước, nhưng Hà Nội không ổ dịch lớn, hầu hết mắc ở thể nhẹ và tự khỏi. Để ứng phó với dịch TCM, dịch sởi và sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu Thành ủy, UBND chỉ đạo các sở, ngành cùng tham gia.

UBND TP Hà Nội đã cấp hơn chục tỉ đồng để phòng chống dịch và để tiêm vaccine sởi –rubella cho toàn bộ trẻ vào tháng 11 với mục tiêu 95% trẻ được tiêm, nhằm không để dịch bùng phát. ( Công an Nhân dân, trang 7)

 

Dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam: Vẫn nóng!

“Số ca mắc bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam với hơn 4.000 trường hợp từ đầu năm đến nay (chiếm 77% cả nước), chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%). Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp và bất thường có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới” – Đó là nội dung được ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sởi khu vực phía Nam được tổ chức vào chiều 10-10 tại TPHCM.

Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, TP khu vực phía Nam. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc bệnh tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh…

Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn TP có 4.066 ca bệnh tay chân miệng điều trị nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó, TP cũng ghi nhận 132 ca mắc bệnh sởi.

PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, 9 tháng đầu năm, bệnh viện tiếp nhận 2.180 ca tay chân miệng, trong đó có 46 ca nặng (độ 3, 4) và 1 ca tử vong. Tính riêng trong tháng 9 đã có 814 ca nhập viện, tăng 182,5% so với cùng kỳ năm 2017. Bệnh viện đã có 83 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện. Riêng trong ngày 10-10, Khoa Nhiễm đang điều trị cho 19 ca sởi. Số ca sốt xuất huyết thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 và có 2 ca tử vong.

Tại Đồng Nai, từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh và liên tục. Trong tháng 9, số ca mắc lên tới trên 200 ca nội trú, khoảng 500 ca ngoại trú mỗi tuần. Các địa phương có số bệnh nhân mắc bệnh cao là Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch.

Tính đến ngày 8-10, số ca mắc sởi tại Đồng Nai là 190 ca, trong đó chỉ tính riêng từ tháng 9 đến nay đã có 161 ca. 10/11 huyện ghi nhận có ca bệnh, tập trung tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, nhà trọ như Nhơn Trạch (87 ca), TP Biên Hòa (41 ca), Long Thành (31 ca).

Cùng với bệnh tay chân miệng, bệnh sởi cũng có dấu hiệu gia tăng từ tháng 8 đến nay tại địa phương này với hơn 190 ca mắc bệnh sởi, trong đó xuất hiện các chùm ca bệnh với nhiều người cùng mắc.

Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, cho biết, qua giám sát và điều tra cộng đồng tại một số điểm có ca bệnh, chùm ca bệnh cho thấy, số mắc bệnh phần nhiều tập trung ở nhóm trẻ sống trong các khu nhà trọ của công nhân, trẻ chưa tiêm chủng sởi và trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.

Còn tại Bình Dương, từ tháng 9 đến nay số ca mắc bệnh sởi tăng nhanh với 112 ca và trên 3.000 ca mắc bệnh tay chân miệng. Cũng giống như Đồng Nai, Bình Dương rất khó quản lý các đối tượng mắc bệnh là dân nhập cư. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, có đến 90% đối tượng nhập cư chưa được tiêm chủng hoặc không rõ lịch tiêm chủng. Đây cũng là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ có số ca bệnh tay chân miệng và sởi tăng cao trong thời gian gần đây.

Khó kiểm soát các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, năm nay bệnh tay chân miệng và sởi ở các tỉnh phía Nam tăng cao, chủ yếu ở khu vực Đông Nam bộ. Bên cạnh đó, một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng có dấu hiệu gia tăng. Qua điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TPHCM, dịch bệnh năm nay có chiều hướng phát sinh ở các khu vực các khu công nghiệp, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai di biến động liên tục. Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch vô cùng kém là điều kiện lý tưởng phát sinh dịch bệnh.

“Đặc biệt, có khoảng 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng. Các địa phương cần vận động sự tham gia vào cuộc của hệ thống chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia vào việc phòng chống dịch bệnh”, PGS-TS Phan Trọng Lân khuyến cáo.

Trước thực trạng dịch bệnh tay chân miệng và sởi chủ yếu tăng ở các tỉnh Đông Nam bộ, ông Trần Đắc Phu cho rằng, đây là các địa phương có sự giao lưu đi lại thường xuyên, điều kiện nhà ở chật chội, vệ sinh môi trường kém, khó kiểm soát được lịch tiêm chủng của người dân. Vì vậy, để hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, đối với bệnh sởi, cần đẩy mạnh việc tiêm vét, nhất là các tỉnh có nguy cơ cao cần tiến hành tiêm vét trong tháng 12 và tháng 1-2019. Tại khu vực phía Nam, tình hình mắc sởi liên tục tăng cao, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM. Tại những khu vực nguy cơ cao này, tỷ lệ tiêm phòng sởi mũi 1 và mũi 2 chưa đạt như mong muốn, một số nơi trẻ mắc sởi không được cách ly.

Đối với bệnh tay chân miệng, biện pháp phòng tránh chủ yếu vẫn là tập trung vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Cùng với đó, một số nhóm đối tượng tạm trú không nằm trong danh sách tiêm vét, vì vậy rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, chủ nhà trọ, khu công nghiệp. (Sài Gòn giải phóng, trang 9)

 

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 10-10, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập (10/10/1963 – 10/10/2018) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã tới dự.

Tiền thân là Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm, được thành lập từ năm 1963, trải qua nhiều lần đổi tên, đến năm 2003, bệnh viện chính thức trở thành Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Tháng 9-2011, bệnh viện được công nhận là bệnh viện đa khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Hiện bệnh viện có quy mô gần 900 giường bệnh, 620 giường kế hoạch cùng đội ngũ 240 bác sĩ và 997 cán bộ viên chức. Bệnh viện cũng được trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại, các khoa phòng được bố trí hợp lý với hệ thống biển báo, chỉ dẫn đa năng, hiện đại theo quy chuẩn chất lượng và nhận diện thương hiệu. Hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại giúp tầm soát và chẩn đoán bệnh nhanh chóng, chính xác.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý biểu dương những thành tích mà tập thể lãnh đạo cán bộ viên chức của bệnh viện đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh 5 nội dung và đề nghị bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt trong thời gian tới. Cụ thể là, mỗi cán bộ, viên chức, người lao động cần thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ đối với người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện có hiệu quả đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Cùng với đó, tiếp tục phát triển kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới, áp dụng tiến bộ khoa học tiên tiến, hiện đại trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mặt khác, tăng cường phối kết hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến trên để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong công tác khám chữa bệnh. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Huyện Hoài Đức tổ chức diễn tập xử lý ngộ độc tập thể

UBND huyện Hoài Đức vừa tổ chức diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc tại bếp ăn tập thể.

Buổi diễn tập lấy tình huống giả định là sau bữa ăn trưa tại Trường Tiểu học Yên Sở, có 10 học sinh trong tổng số 310 học sinh bán trú có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, nôn… đến khám tại phòng y tế của nhà trường. Số học sinh có biểu hiện như trên tiếp tục tăng lên, cán bộ y tế nhà trường đã gọi điện báo cáo tình hình với hiệu trưởng.

Ngay lập tức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Sở báo cáo với Phòng Giáo dục – Đào tạo, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, Trạm y tế xã để phối hợp sơ cấp cứu, điều trị cho học sinh, đồng thời điều tra, xác định nguyên nhân…

Buổi diễn tập đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các trường học, đơn vị và các ngành có liên quan trong công tác xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Đây cũng là cơ hội để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ y tế; tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, sẵn sàng huy động lực lượng, trang thiết bị, phương tiện tại chỗ để xử lý ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc theo đúng quy định. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Quận Đống Đa yêu cầu 100% trường học có bếp ăn bán trú được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm

UBND quận Đống Đa vừa ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND về việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn quận năm học 2018-2019.

Theo đó, UBND quận Đống Đa yêu cầu 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm; 100% bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm; 100% trường học có tổ chức bếp ăn bán trú, căng tin được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.

UBND quận Đống Đa cũng yêu cầu 100% cơ sở giáo dục sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và ăn uống cho học sinh; 100% các cơ sở cung cấp nước uống cho học sinh có đủ điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.

Ngoài ra, quận Đống Đa còn yêu cầu 100% các vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm được báo cáo sớm, xử lý kịp thời, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn và không để xảy ra tử vong do ngộ độc thực phẩm. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Xử phạt gần 42,5 tỷ đồng vi phạm an toàn thực phẩm

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 9 tháng qua, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý 24.603 cơ sở, trong đó phạt tiền 21.613 cơ sở với số tiền phạt gần 42,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai 20 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 81 cơ sở với số tiền hơn 4,9 tỷ đồng. Các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện là vi phạm ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, điều kiện vệ sinh cơ sở, không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định…

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị, thời gian tới, các đơn vị liên quan cần tiếp tục truyền thông về các chính sách pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp, nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, nhất là ở cấp tỉnh, huyện và xã. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi

Đây là chủ đề của ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10) năm nay vừa được Bộ Y tế, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ kỷ niệm hưởng ứng tại TP Thanh Hóa. Hiện nay, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đang là một trong những thách thức to lớn của công tác dân số. Nó có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng cả nông thôn, thành thị và tất cả các vùng miền.

Vấn đề cấp bách, quan trọng

Ở Việt Nam, từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, tỷ số GTKS là 107 bé trai/100 bé gái, 10 năm sau tỷ số này là 110,5 (năm 2009) và tăng lên 113,8 (năm 2013). Cho đến nay, tỷ số GTKS vẫn dao động xung quanh ngưỡng 112,2 bé trai/100 bé gái. Cả nước đã có 55/63 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108/100.

Tình trạng MCBGTKS đang diễn ra khá nghiêm trọng, không chỉ ở thành thị mà cả khu vực nông thôn. MCBGTKS ở nước ta có nguồn gốc sâu xa là tình trạng bất bình đẳng giới, quan niệm cũ “trọng nam, khinh nữ” tồn tại và chi phối nếp nghĩ, nếp sống của người Việt cả nghìn năm qua. Tư tưởng lạc hậu này ảnh hưởng nghiêm trọng xã hội và chống lại vấn đề bình đẳng giới.

Các quan niệm xã hội đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên, con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong dòng họ… Theo phong tục truyền thống ở nhiều địa phương, chỉ có con trai mới được kế thừa tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng… Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ.

Hiện nay, sự lạm dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp khả năng nhận biết giới tính sớm của thai nhi, là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lựa chọn giới tính trước sinh luôn tiềm ẩn. Bên cạnh đó, dù có quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng việc thực hiện vẫn chưa nghiêm và triệt để…

Nguy cơ MCBGTKS đã được cảnh báo, nhưng thực tế, chúng ta chưa có các biện pháp để giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Đáng nói là 50% số tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ số GTKS năm sau cao hơn năm trước. Xu hướng này diễn ra không giống nhau tại các vùng trên cả nước. Vì vậy, giải quyết tình trạng MCBGTKS là vấn đề cấp bách, quan trọng, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

MCBGTKS sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai. Hậu quả, nam giới sẽ bị dư thừa so với nữ giới trong cùng một thế hệ.

Nếu không có những can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 – 4,3 triệu phụ nữ. Họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời; sẽ diễn ra tình trạng trì hoãn hôn nhân trọng nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân. Việc thiếu hụt phụ nữ sẽ tạo ra những hậu quả không nhỏ về mặt xã hội và nhân khẩu học như: Gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, gia tăng nạn buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trẻ em gái gặp các nguy cơ phải kết hôn sớm. Di cư trong nước và quốc tế nhằm mục đích kết hôn cũng có thể gia tăng, dẫn đến bất ổn xã hội.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Thành Đông – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ (Bộ Y tế) nhấn mạnh, nhận thức được hệ lụy của tình trạng MCBGTKS, nước ta đã có đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm chủ động kiểm soát tình trạng MCBGTKS.

Thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái, Bộ Y tế mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở và mọi tầng lớp nhân dân, nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới để can thiệp một cách có hiệu quả, góp phần kiểm soát và giảm thiểu tình trạng MCBGTKS trong thời gian tới.

Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết tình trạng MCBGTKS; nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ lựa chọn, xác định giới tính trước khi sinh trong các cơ sở y tế, tại cộng đồng và trong toàn xã hội. (Gia đình & Xã hội, trang 1).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/8/2022

CDC Hà Nam

Khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh do virus nCoV

CDC Hà Nam

Ca nhiễm nCoV thứ 9 ở Việt Nam cũng trở về từ Vũ Hán

CDC Hà Nam

Để lại bình luận