Điểm báo ngày 11/5/2022

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế: Phải hoàn thành ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trước 1/6; TP.HCM: Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng


Bộ Y tế: Phải hoàn thành ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trước 1/6

Bộ Y tế vừa yêu cầu các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ và Y tế các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thành ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trước ngày 1/6/2022. Việc này nhằm giúp cho việc ký xác thực hộ chiếu vaccine điện tử của công dân…
Theo đó tại công văn do Bộ Y tế vừa gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Y tế các bộ, ngành về hướng dẫn quy trình ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19, Bộ Y tế đề nghị phải hoàn thành ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trước ngày 1/6/2022.

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về ký xác nhận hộ chiếu vaccine theo các văn bản số 1908/CNTT-BYT và 1975/CNTT-BYT.

Cũng tại công văn trên, Bộ Y tế cho biết, trên cơ sở thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19.

Tổ công tác triển khai Đề án 06 của các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 theo quy trình như sau:

1. Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã/phường chỉ đạo Trạm Y tế lập danh sách đối tượng tiêm chủng COVID-19 thường trú trên địa bàn sai thông tin, bao gồm các trường hợp sau:

– Không có số CCCD/CMND;

– Sai định dạng số CCCD/CMND;

Sai thông tin cá nhân cơ bản: số CCCD/CMND, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính.

(Sử dụng chức năng lập danh sách trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19).

2. Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã/phường giao Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp thôn/ấp thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh thông tin. Sau đó danh sách được chuyển tới Công an xã/phường để thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Công an xã/phường ký và bàn giao danh sách cho Trạm Y tế để lưu trữ và cập nhật, bổ sung thông tin đối tượng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19.

4. Trạm Y tế thực hiện cập nhật lại thông tin cho các đối tượng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19:

– Đối với các trường hợp đối tượng không có số CCCD/CMND hoặc sai định dạng số CCCD/CMND, Hệ thống cho phép nhập danh sách (import) từ tệp định dạng Excel (Sử dụng chức năng Import đối tượng tiêm COVID-19).

– Đối với các trường hợp sai thông tin cá nhân cần chỉnh sửa trực tiếp trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19.

Sau khi thực hiện cập nhật thông tin, cán bộ Trạm Y tế sử dụng chức năng lập danh sách xác minh thông tin để xem kết quả.

5. Các cơ sở tiêm chủng hằng ngày phải thực hiện kiểm tra, ký xác nhận hộ chiếu vaccine.

6. Các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế, thuộc y tế các bộ, ngành, các cơ sở tiêm chủng tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện ký xác nhận hộ chiếu vaccine không phải thực hiện công tác xác minh, làm sạch dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)

 

TP.HCM: Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng

Chỉ trong vòng 1 tuần (từ 29/4 đến 5/5/2022), TP.HCM đã ghi nhận 420 ca bệnh tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc tay chân miệng. Riêng chỉ trong tuần 18 (từ ngày 29/4 đến 5/5) của năm 2022, TP.HCM đã ghi nhận 420 ca bệnh tay chân miệng. Số ca bệnh tay chân miệng trong tuần 18 đã tăng gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước.

Thực tế cho thấy, bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa nên năm 2021, số ca mắc tay chân miệng giảm đáng kể do trẻ không đi học. Tuy nhiên, hiện nay nguy cơ mắc tay chân miệng ở trẻ em rất cao do trẻ đã bắt đầu quay lại trường học. Số ca mắc tay chân miệng tập trung nhiều ở các quận huyện, TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Hoóc Môn, Tân Bình, khu vực 3 Thành phố Thủ Đức.

Đa số các ca bệnh tay chân miệng  ở thể nhẹ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể có chuyển biến nặng nhanh chóng chỉ sau vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp phải các biến chứng nặng nề như sốc, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí trẻ có thể tử vong… Đối với nhóm trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh tay chân miệng có nguy cơ bị rối loạn chức năng gan, phổi, não và tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều so với các đối tượng khác.

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, trong tháng 4 vừa qua, số ca đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng tại bệnh viện tăng  đột biến. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20-40 ca, có ngày lên tới 50 ca.

Cũng theo Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, số ca tay chân miệng tăng lên một phần do trẻ nhỏ mầm non đi học trở lại, khả năng lây bệnh ở trường mầm non tăng lên và số ca nhập viện cũng tăng theo. Tỷ lệ nhập viện điều trị nội trú tại bệnh viện dao động từ 10-15%. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3; Thanh niên, trang 3)

 

Việt Nam tăng cấp độ giám sát bệnh viêm gan bí ẩn

Hôm 9-5, Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu các đơn vị tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp, không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên, rà soát phát hiện sớm ca mắc viêm gan bí ẩn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê đến ngày 7-5, có khoảng 278 trẻ mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em từ 0 – 16 tuổi xuất hiện ít nhất tại 20 quốc gia, trong đó đã có 9 trường hợp tử vong.

Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh viêm gan cấp tính. Tuy nhiên, trước mức độ nguy hiểm của bệnh, những ngày qua Bộ Y tế liên tục có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm soát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.

Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân

Theo thông tin từ WHO và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh xảy ra tại những nơi lưu hành adenovirus.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, trưởng khoa gan mật, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết: “Adenovirus phát hiện ở khoảng 30% ca bệnh trên thế giới. Ở Mỹ, báo cáo đến ngày 6-5, chủng này dương tính ở 61% trẻ được phát hiện mắc bệnh.

Mặc dù adenovirus xuất hiện khá nhiều ở trẻ bệnh nhưng chưa thể khẳng định virus này là nguyên nhân gây bệnh gan cấp tính ở trẻ em”.

Theo bác sĩ Hoa, adenovirus không phải là virus mới xuất hiện. Virus này đã được phát hiện từ năm 1953 và có 57 type với 7 loài. Đây cũng chính là chủng gây đau mắt, viêm phổi, cúm, tiêu chảy… Virus này cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp ở người lớn và tổn thương dạ dày ruột ở trẻ em.

Mặc dù giả thiết nguyên nhân mắc bệnh do adenovirus vẫn chưa có căn cứ khoa học để khẳng định, tuy nhiên việc ghi nhận sự có mặt của adenovirus ở một số bệnh nhi viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân cần được tiếp tục theo dõi và nghiên cứu trong thời gian tới.

Tăng xét nghiệm sàng lọc trẻ có nguy cơ

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, PGS Trần Minh Điển, giám đốc bệnh viện, cho biết bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp có tổn thương gan song nằm trong nhóm liên quan đến trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau mắc COVID-19, chưa ghi nhận các trường hợp có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan đến adenovirus.

Bệnh viện cũng xây dựng các bộ câu hỏi, xác định bệnh nhân có biểu hiện nghi vấn, sàng lọc tổn thương gan. Các triệu chứng của viêm gan cấp tính bao gồm: sốt nhẹ, mệt mỏi, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, vàng củng mạc, vàng da…

Trẻ từ 0 – 16 tuổi khi có những triệu chứng trên, tùy tình trạng bệnh nhi, các bác sĩ có sàng lọc sâu hơn, xét nghiệm để phát hiện bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, về mặt kết quả xét nghiệm, tình trạng tổn thương gan cấp ở trẻ mắc căn bệnh bí ẩn này là sự suy giảm chức năng gan và tăng men gan.

Theo bác sĩ Cấp, những trẻ xuất hiện các triệu chứng trên sẽ cần được theo dõi sát và đưa đến cơ sở y tế sớm để thăm khám cũng như làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan. Từ đó, bệnh nhân phải được chẩn đoán có tình trạng tổn thương gan hay không.

“Tại bệnh viện những ngày qua, chúng tôi tổ chức theo dõi sát những trường hợp trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, tiêu chảy, đồng thời thăm khám nhằm xác định có tổn thương gan hay không (dựa vào xét nghiệm men gan) hoặc trẻ có dấu hiệu tiểu vàng, mắt vàng, suy gan tối cấp.

Thậm chí, các trường hợp được cho về điều trị ngoại trú, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi những diễn biến khác về tình trạng tổn thương gan.

Xét nghiệm men gan là xét nghiệm sinh hóa thông thường, rất nhiều cơ sở y tế có khả năng thực hiện. Đây là biện pháp nhằm đánh giá chức năng gan có tổn thương, có tình trạng suy gan hay không.

Vì tình trạng rối loạn chức năng gan là một biểu hiện sớm của bệnh viêm gan cấp tính. Còn để đến giai đoạn bệnh nhân vàng da vàng mắt rõ hay lơ mơ, hôn mê thì đã là quá muộn”, bác sĩ Cấp thông tin.

Cảnh giác phòng tránh và phát hiện sớm ca bệnh

Một chuyên gia dịch tễ nhận định không thể loại trừ trường hợp thời điểm nào đó, virus gây ra căn bệnh viêm gan này sẽ đến Việt Nam.

“Trong quá khứ, chúng ta từng ghi nhận các loại virus viêm gan gồm A, B, C, D và E. Một số virus viêm gan lây qua đường máu và sinh hoạt tình dục gồm nhóm B và D. Số khác lây qua đường tiêu hóa như virus viêm gan A và E.

Theo giả thuyết phổ biến hiện nay là có liên quan adenovirus, chúng có thể lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc niêm mạc như tiêu hóa, tiếp xúc từ việc tắm chung ở các bể nước ô nhiễm. Nếu con đường lây nhiễm là tiêu hóa, tốc độ lây sẽ chậm hơn đường hô hấp.

Ngược lại, nếu virus này lây qua đường hô hấp, khả năng dịch bùng phát sẽ nhanh và mạnh hơn. Dù còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng liên quan căn bệnh bí ẩn này, Việt Nam cần phải luôn cảnh giác với tình hình dịch cũng như cập nhật thông tin các ca bệnh liên quan trên thế giới”, vị này cho hay.

Trước mắt cần dự phòng nguồn lây nhiễm

TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, trưởng khoa gan mật, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết mặc dù đến nay do chưa biết rõ về căn nguyên gây bệnh hay đường lây truyền của bệnh nhưng có thể phòng tránh bằng các biện pháp ngăn ngừa adenovirus.

“Adenovirus có thể lây qua giọt bắn và tiếp xúc. Vì vậy, chúng ta cần đảm bảo vệ sinh bề mặt, sử dụng đồ dùng cá nhân riêng, ăn chín uống sôi, đảm bảo nước uống sạch. Đó là cách trước mắt dự phòng nguồn lây nhiễm. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân phải ghép gan, thì hiện chúng ta đã có thể tiến hành tự chủ hoàn toàn về kỹ thuật này”, bác sĩ Hoa nói.

Số trẻ mắc bệnh ngày một tăng

Số trường hợp viêm gan chưa rõ nguyên nhân ở trẻ tăng lên tại nhiều quốc gia gần đây đang thu hút sự quan tâm của giới y tế và người dân.

Ngày 10-5, các quan chức y tế cho biết Hàn Quốc đã xác định trường hợp đầu tiên bị nghi ngờ mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ. Theo Hãng tin Yonhap, đứa trẻ này nhiễm cả SARS-CoV-2 và adenovirus, loại virus thường gây ra bệnh hô hấp ở trẻ.

Hôm 9-5, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết quốc gia của ông đã xác định 15 trường hợp mắc bệnh viêm gan nặng không rõ nguyên nhân. Trước đó, Indonesia ghi nhận 3 trường hợp trẻ tử vong bị nghi mắc bệnh viêm gan tại thủ đô Jakarta trong tháng 4. Bộ Y tế Indonesia cho biết các em đều đã tiêm phòng viêm gan.

Theo Hãng tin Reuters, Bộ trưởng Budi cho hay Indonesia vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của 15 ca bệnh trên. Ông không cho biết liệu tất cả những trường hợp này có phải đều là trẻ em hay không, cũng như các bệnh nhân đang được điều trị bằng phương pháp nào.

Theo Đài CNN, Vương quốc Anh là nước đầu tiên báo cáo các trường hợp viêm gan ở trẻ cho WHO. Cơ quan An ninh y tế Anh đã xác định được ít nhất 163 trường hợp trên toàn quốc.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đang điều tra 109 ca bệnh tại 25 tiểu bang và vùng lãnh thổ của nước này. CDC đã phân tích các thông tin lâm sàng từ bang Alabama, và ghi nhận cả 9 ca bệnh ở đây đều không rõ nguyên nhân, đến từ các địa điểm khác nhau và không có liên kết.

Một số chuyên gia y tế liên hệ căn bệnh này với bệnh nhiễm trùng do adenovirus gây ra. Cũng có giả thuyết cho rằng các lệnh phong tỏa để ngăn dịch COVID-19 có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch của trẻ em, bởi vì chúng ít tiếp xúc với các mầm bệnh thông thường khi bị cách ly.

Bác sĩ Leana Wen, giáo sư về chính sách và quản lý y tế tại ĐH George Washington (Mỹ), nhận định các trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em vẫn còn rất hiếm, nhưng một số đã bị cực kỳ nghiêm trọng. (Tuổi trẻ, trang 14).

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/7/2020

CDC Hà Nam