Điểm báo ngày 11/6/2019

(CDC Hà Nam)

Bác sĩ dùng bia cứu người được nhận bằng khen của Thủ tướng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định tặng bằng khen cho bác sĩ Lê Văn Lâm – người đã dùng bia giải cứu bệnh nhân ngộ độc rượu thoát khỏi nguy kịch.

Ngày 10-6, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết bác sĩ Lê Văn Lâm – trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị – vừa được nhận bằng khen của Thủ tướng. Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, sáng 25-12-2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (trú Triệu Phong, Quảng Trị) trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch.

Các bác sĩ bệnh viện đã xét nghiệm lâm sàng và chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu. Kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc.

Ngay sau đó, để cấp cứu kịp thời người bệnh trong tình huống khẩn cấp, bác sĩ Lâm đã quyết định dùng 3 lon bia (tổng cộng 990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Sau đó, cứ một giờ đồng hồ truyền tiếp 1 lon bia.

Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp lọc máu, điều trị tích cực, bệnh nhân Nhật qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định và xuất viện.

Phương pháp này thời điểm đó đã gây khá nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, bác sĩ Lâm đã thực hiện và cứu thành công người bệnh trong tình huống khẩn cấp (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Đầu hè, trẻ nghiện game vào viện tăng

Sáng 10-6, riêng bác sĩ Dương Minh Tâm, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, đã khám cho 3 trẻ nghiện game, chưa tính các bác sĩ khác tiếp nhận bệnh nhân cùng ngày.

“Mùa hè là thời gian rảnh rỗi nên các cháu chơi game nhiều, cũng là lúc lượng phụ huynh mang con đến khám tăng lên” – bác sĩ Tâm chia sẻ.

Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh – khoa sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư, khi nghiện game, trẻ không hứng thú với các hoạt động và học tập như trước kia vẫn thích, trẻ có thể mắc chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin…

Những vụ việc đau lòng

“Trẻ đến viện khám vì nghiện game thường chơi bất kể giờ giấc, các cháu có thể chơi game cả ngày và hệ lụy là gặp rất nhiều thể bệnh liên quan tới sức khỏe tâm thần”- bác sĩ Tâm chia sẻ.

Trong số những vụ việc hệ quả từ nghiện game tuổi học đường, các bác sĩ đã dẫn một vụ án mạng xảy ra tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An năm 2018, nạn nhân tranh cãi về tên nhân vật trong game với “hung thủ”, và cậu bé 11 tuổi đã dùng dao chém vào đầu bạn gây tử vong.

Một vụ việc khác cũng xảy ra năm 2018, khi hai học sinh 13 tuổi ở Thái Nguyên đã sát hại người bà họ hàng nhằm cướp tiền để chơi game.

Theo bác sĩ Vinh, đã từng có những vụ trẻ đột tử do kiệt sức, suy nhược cơ thể vì chơi game kéo dài và liên tục. Những hình ảnh liên tục thay đổi, hấp dẫn khiến trẻ học đường mê đắm “thế giới hình vuông” là chiếc màn hình máy tính hay điện thoại. “Đây là lý do Tổ chức Y tế thế giới xếp nghiện game vào dạng rối loạn tâm lý, tương tự như bệnh lý trầm cảm hay tâm thần phân liệt, cần điều trị chuyên khoa giúp các “con nghiện” thoát khỏi ám ảnh tâm lý” – bác sĩ Vinh cho biết.

Phải làm sao nếu nghiện game?

Bác sĩ Vinh cho biết trẻ nghiện game có thể gặp rất nhiều hệ lụy về sức khỏe. Trong đó, hậu quả nặng nề nhất là rối loạn tâm lý, cuộc sống hằng ngày bị ảnh hưởng vì trẻ chơi game bất kể giờ giấc, trẻ cũng có thể lo âu, mất kiểm soát, tự ti vì không kiểm soát được mong muốn chơi game…

“Trẻ cũng có thể bị rối loạn giấc ngủ do não bị kích thích bởi những ám ảnh khi chơi game, đặc biệt là khi chơi các trò chơi bạo lực. Điều này rất nguy hiểm với sức khỏe của trẻ do cơ thể suy nhược, thiếu tập trung, về lâu dài có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể bị khô mắt, đỏ mắt, đau cổ tay, đau lưng… do ngồi lâu cùng tư thế và nhìn lâu vào màn hình” – bác sĩ Vinh cho biết.

Bác sĩ Vinh cũng chia sẻ dấu hiệu nhận biết trẻ nghiện game là khi cháu chơi game mà quên hết các thú vui, sở thích khác, quên cả giờ học, giờ ăn, kết quả học tập kém…

Nhưng giai đoạn điều trị tốt nhất là khi trẻ mới ham chơi game, cháu có chơi nhiều nhưng vẫn dừng việc chơi game lại được để ăn uống, tắm rửa, học tập.

Ở giai đoạn này, nếu gia đình nhận biết các dấu hiệu và sớm đưa trẻ đến gặp bác sĩ, bác sĩ sẽ có những tư vấn phù hợp và quan trọng nhất là “cách ly môi trường” giữa trẻ và cơ hội chơi game.

“Ban đầu khi bị cách ly trẻ cũng chán nản, không thiết tha thú vui nào, nếu lúc đó gia đình sát sao với cháu, có thể từ từ đưa những trò giải trí lành mạnh như cho cháu xem bộ phim cháu thích, nói cháu vẽ một bức tranh…

Cái khó hiện nay là các gia đình thường đưa con đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn nặng và không sát sao được để cháu cách ly khỏi môi trường game, mà cứ nghĩ sau sẽ tự khỏi” – bác sĩ Vinh khuyến cáo.

Thời điểm mùa hè hiện nay, khi trẻ được nghỉ học và trẻ em ở đô thị có thể ở nhà suốt ngày mà không có bố mẹ kèm cặp, dễ sa đà vào game online. Nếu gia đình thấy cháu có những dấu hiệu như bác sĩ phân tích, hãy sớm đưa trẻ đến gặp bác sĩ

chuyên khoa để có thể có cơ hội điều trị sớm. Từng có lúc cha mẹ nghĩ đưa cho trẻ cái máy tính, cái điện thoại để trẻ chơi cho “rảnh”, mà không thể ngờ rằng nó có thể gây nghiện, làm trẻ xao nhãng học hành, những thú vui lành mạnh khác và có thể dẫn tới những sai lầm, hệ lụy khó nói trong cuộc sống sau này. (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Phòng, chống tác hại thuốc lá – Thành công đi từ nhận thức

Từ năm 2015 đến nay, được sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) – Bộ Y tế, nhiều hoạt động PCTHTL tại Hậu Giang đã được triển khai bước đầu có hiệu quả.

Bà Lê Thúy Lan, cán bộ Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá trao giấy khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho TTTTGDSK tỉnh Hậu Giang có thành tích trong công tác PCTHTL.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động

Nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật  PCTHTL và các văn bản hướng dẫn. Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh (TTTTGDSK) – Cơ quan đầu mối của Ban chỉ đạo PCTHTL tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn thực hiện được: 48 bài báo đăng trên Báo Hậu Giang; đăng hơn 80 tin, bài trên báo điện tử của ngành. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) tỉnh xây dựng và phát sóng 5 phóng sự truyền hình, phát sóng hơn 640 thông điệp; viết và thu âm 12 bài phát thanh với hơn 3.500 lần phát sóng trên đài truyền thanh tuyến huyện, xã và nhiều tin hoạt động trong công tác PCTHTL được phát sóng trong các chương trình thời sự của Đài PT&TH tỉnh,…

Đối với việc xây dựng môi trường không khói thuốc và giám sát, đánh giá tình hình các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, TTTTGDSK đã tổ chức điều tra, đánh giá tình hình thực thi Luật PCTHTL tại 8/8 huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh; phối hợp ban, ngành, đoàn thể tuyến huyện tổ chức tập huấn 29 lớp, cho 1.600 cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên toàn tỉnh; phối hợp với ngành giáo dục tổ chức hơn 100 cuộc truyền thông trực tiếp cho đối tượng là thầy, cô giáo và các em học sinh với sự có mặt của hơn 100.000 người, 20 buổi truyền thông trực tiếp tại 20 nhà máy, xí nghiệp; nội dung các lớp tập huấn và các buổi truyền thông là những kiến thức về tác hại của thuốc lá; Luật PCTHTL và vấn đề xử phạt khi vi phạm Luật PCTHTL; lợi ích của môi trường cơ sở y tế không khói thuốc, các bước xây dựng cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc không khói thuốc lá,… Tổ chức 28 hội thi tuyên truyền về PCTHTL cho các đối tượng riêng biệt học sinh và cán bộ cơ quan hành chính…

Ngoài ra, để thu hút được sự quan tâm và nâng cao hiểu biết về tác hại thuốc lá đối với công chúng, TTTTGDSK tổ chức sản xuất gần 250 pano lắp đặt tại các tuyến đường lớn, nơi tập trung đông người; in ấn 2.000 tờ áp phích, 20.000 tờ rơi, 5.000 biển “cấm hút thuốc lá” về phòng chống tác hại thuốc lá được cấp cho các cơ sở y tế, trường học và các cơ quan trong địa bàn tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, hàng năm Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh đều tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5) nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác PCTHTL.

Kết quả đáng ghi nhận

Theo Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh, hiện nay, việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại các cơ quan, công sở và các cơ sở y tế, giáo dục đã có sự chuyển biến đáng kể. Cụ thể như: 100% cơ quan, trường học có treo biển cấm hút thuốc tại địa điểm cấm hút thuốc; hơn 80% cơ quan có quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc trong quy chế nội bộ; hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn có các quy định cấm hút thuốc lá,… Đối với ngành y tế, 100% cơ quan, đơn vị đều có biển cấm hút thuốc; tỷ lệ cán bộ, y, bác sĩ nói không với thuốc lá chiếm trên 90%; tỷ lệ người bệnh, người nhà bệnh nhân được nâng cao ý thức, không hút thuốc tại bệnh viện, nhất là tại các khoa khám bệnh, hồi sức, cấp cứu… của các bệnh viện tuyến tỉnh hầu như không còn. Đặc biệt 88,4% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 94,9% người dân tại cộng đồng hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra; 65,8% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật PCTHTL…

Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc và các quy định trong Luật PCTHTL được truyền thông gián tiếp qua Đài PT&TH tỉnh, đài truyền thanh huyện, xã, tăng cường tuyên truyền trên Báo Hậu Giang. Sản xuất các loại tài liệu truyền thông như tờ rơi, pano để nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại của thuốc lá; tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng cơ quan hành chính “không khói thuốc lá”; phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức truyền thông trực tiếp cho từng đối tượng riêng biệt… Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho cán bộ thanh tra, công an về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, môi trường, kinh tế, các quy định của Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn thi hành luật để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát được dễ dàng thuận tiện.

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tích cực phối hợp với Ban chỉ đạo PCTHTL tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe con người cho toàn thể Nhân dân. Phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật PCTHTL. Duy trì kết quả xây dựng mô hình “Không khói thuốc lá” tại các cơ quan hành chính, các đơn vị trường học, các cơ sở y tế, nhà hàng… trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc. Các ban, ngành, đoàn thể cần nỗ lực hơn nữa trong công tác PCTHTL, xây dựng nội quy, quy định cấm hút thuốc lá thành quy chế của cơ quan, đơn vị, đưa quy định này vào công tác thi đua, khen thưởng. Song với tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu cùng thực thi.

Theo BSCKI. Lê Văn Chúc, Giám đốc TTTTGDSK tỉnh Hậu Giang – Cơ quan đầu mối của Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh, cho biết: “Để Luật PCTHCTL thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, cần sự quyết liệt hơn nữa trong công tác giám sát, xử phạt của các cơ quan chức năng và sự chung tay vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội. Và quan trọng hơn cả, mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần tự giác và ý thức chấp hành nghiêm túc Luật PCTHCTL, cùng xây dựng môi trường làm việc, môi trường sống trong lành, không khói thuốc lá”. (Lao động, trang 6).

 

Tăng hậu kiểm cơ sở hành nghề y, dược tư nhân

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 3.600 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh (trong đó có 35 bệnh viện) và hơn 7.000 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập.

Sau kỳ họp thứ bảy của HĐND thành phố Hà Nội, nhiều cử tri quận Bắc Từ Liêm kiến nghị, UBND thành phố tăng cường quản lý lĩnh vực này, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý các cơ sở vi phạm (nếu có), đặc biệt với 7 bệnh viện và 21 phòng khám có yếu tố nước ngoài.

Về vấn đề này, UBND thành phố khẳng định, thời gian qua, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập. UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập. Trong đó chỉ đạo các sở, ngành: Y tế, Nội vụ, Công an cùng các sở, ngành liên quan khác, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược. Qua đó nghiêm khắc xử lý các cơ sở hành nghề y, dược có vi phạm; công khai các hình thức xử lý, xử phạt trên phương tiện truyền thông để người dân biết, giám sát.

Qua theo dõi thực tế, Sở Y tế Hà Nội đã rất tích cực trong quản lý hoạt động cơ sở y, dược ngoài công lập. Sở đã yêu cầu các cơ sở hành nghề y, dược niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế và các bệnh viện để người dân có thể nhanh chóng phản ánh các vướng mắc, việc làm trái quy định của cơ sở…

Mặc dù vậy, UBND thành phố yêu cầu, Sở Y tế Hà Nội tăng cường phối hợp với Công an thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý chặt chẽ hơn nữa cơ sở hành nghề y, dược có yếu tố nước ngoài. Trong đó chú trọng hậu kiểm sau khi cấp phép hoạt động để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại của các cơ sở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có). (Hà Nội mới, trang 3).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/5/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận