Cha mẹ không cho con tiêm vắc xin, nhiều trẻ “gặp hoạ” vì bệnh viêm não, sởi

(CDC Hà Nam)

 – PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, đến thời điểm này tại BV đã ghi nhận 7 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B, từ đầu năm đến nay cũng có khoảng 20 trường hợp mắc các loại viêm não khác… Đáng chú ý, 100% ca bệnh đều chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh viêm não.
Phát biểu tại hội nghị sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt nhấn mạnh, người dân cần hợp tác với ngành y tế, chủ động tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, viêm não nhật bản,… thì người dân cần thiết phải tiêm vắc xin phòng bệnh, không để dịch bệnh bùng phát, tránh biến chứng nặng.
Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Tuy nhiên, nhiều ca bệnh, đặc biệt là bệnh sởi, viêm não Nhật Bản đang nhập viện lại không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.
Bộ trưởng lưu ý, công tác truyền thông phải truyền thông sâu rộng để người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêm chủng và tiêm chủng đúng lịch trong công tác phòng bệnh. Đặc biệt là an toàn tiêm chủng, phải khám, sàng lọc và chẩn đoán kỹ để tránh tai biến cũng như dứt khoát xử lý thành công các ca tai biến tiêm chủng. “Quyết tâm lớn nhất của ngành y tế là an toàn tiêm chủng cho các cháu”- Bộ trưởng nói.

100% ca bệnh viêm não nhập viện đều chưa tiêm vắc xin

Theo các bác sĩ, mùa hè chính là mùa của bệnh viêm não. Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019 diễn ra sáng 11/6, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, mùa viêm não ở miền Bắc được xác định là từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm do thời tiết thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến thời điểm này đã ghi nhận 7 trường hợp mắc viêm não Nhật bản B, từ đầu năm đến nay cũng có khoảng 20 trường hợp mắc các loại viêm não khác… 100% ca bệnh đều chưa được tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm não.

Tuy số bệnh nhân không đông nếu so sánh với các bệnh khác, song hầu hết bệnh nhân viêm não vào điều trị là những ca bệnh nặng, đã có co giật, kèm các biến chứng nhiễm trùng khác, dù các bác sĩ rất cố gắng nhưng tỷ lệ để lại di chứng rất cao.

Cụ thể, tỷ lệ chữa khỏi khoảng 50%, tỷ lệ bị di chứng nhẹ chiếm khoảng 25%, tỷ lệ di chứng nặng khoảng 20-25%, trong đó nhiều trường hợp phải sống thực vật, tỷ lệ tử vong cũng khoảng 2-3%…

“Tôi rất xót xa khi vừa qua tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng viêm não ở một số nơi giảm xuống. Có vào bệnh viện, chứng kiến cảnh những bệnh nhân bị viêm não di chứng thần kinh, bại não, dù được cứu sống nhưng phải sống thực vật cả đời, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội thì mới thấy sự cần thiết của việc tiêm vắc xin” – PGS.TS Trần Minh Điển nói.

cha-me-khong-cho-con-tiem-vac-xin-nhieu-tre-gap-hoa-vi-benh-viem-nao-soi-1

Sởi diễn biến bất thường, nhiều người chưa tiêm vắc xin

Còn tại BV Bạch Mai, TS.BS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, là bác sĩ nhiều năm nhưng ông cũng rất ngạc nhiên với diễn biến bất thường của dịch sởi năm nay, bởi dù đã vào giữa hè mà số ca mắc vẫn lên tới hàng trăm ca/tháng…

“Tuy số mắc sởi năm nay chưa phải cao đột biến như vụ dịch sởi năm 2014 nhưng diễn biến của dịch thì có thể nói là rất bất thường. Thông thường, dịch sởi bùng phát mạnh vào mùa đông xuân, khi vào hè thì số ca mắc sẽ giảm mạnh và hết. Thế nhưng năm nay, dù hiện đã vào giữa mùa hè, số ca bệnh vẫn tiếp tục gia tăng”- chuyên gia truyền nhiễm này cho hay.

Cụ thể, trong tháng 5/2019, tại khoa Truyền nhiễm tiếp nhận khoảng 70 ca bệnh sởi, và thời điểm này số ca mắc cũng vẫn cao, chưa có xu hướng giảm.

Điểm bất thường nữa là số bệnh nhân người lớn mắc sởi chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với mọi năm, nhất là độ tuổi từ 25-35 tuổi.

Qua khai thác tiền sử, hầu hết người bệnh cho biết chưa tiêm vắc xin hoặc mới tiêm mũi 1, chưa tiêm nhắc lại mũi 2 vắc xin phòng sởi.

Ngoài sởi, tại khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai thời điểm này cũng tiếp nhận nhiều ca thủy đậu, quai bị. Đây cũng có thể coi là bất thường vì thủy đậu, quan bị được coi là các bệnh mùa đông xuân. Cùng đó, số trẻ mắc bệnh cúm nhập viện cũng rất nhiều, trong tháng 5/2019 ghi nhận hàng trăm ca bệnh…

 

Với bệnh viêm não, ngành y tế khuyến cáo, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi. Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần. Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.

Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.

Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Với bệnh sởi, để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

                                                                                                                                  Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Sử Dụng Nhà Tiêu Hợp Vệ Sinh – Bảo Vệ Sức Khỏe Cộng Đồng

admin

Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

Ngọc Nga

Mắc bệnh đái tháo đường có phải kiêng tuyệt đối thực phẩm chứa đường?

hanh phan

Để lại bình luận