Sở Y tế kết luận gì vụ bệnh viện ép chỉ tiêu xét nghiệm cho bác sĩ?
Liên quan đến vụ việc một bác sĩ tố Bệnh viện Da liễu TPHCM ép chỉ tiêu xét nghiệm cho các bác sĩ, Sở Y tế TPHCM cho rằng, việc này là hoàn toàn sai và không có cơ sở khoa học.
20% là ước lượng phù hợp?
Liên quan vụ việc bác sĩ (BS) N.H.H đang công tác tại Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TPHCM tố bệnh viện (BV) này ép chỉ tiêu xét nghiệm cho bệnh nhân mà Tiền Phong vừa phản ánh, mới đây, bệnh viện này đã gửi công văn số 888/BVDL-TCCB phản hồi về vụ việc.
Trình bày trong công văn phản hồi, TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM cho rằng, Ban Giám đốc thường xuyên nhắc nhở và lưu ý các bác sĩ về vấn đề chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân khi đến khám bệnh phải đúng, đủ, hợp lý theo phác đồ điều trị nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.
Thế nhưng khi giải thích về việc ép chỉ tiêu xét nghiệm, ông Hào cho biết, theo mô hình bệnh tật tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, các bệnh da mạn tính thường gặp như vảy nến, mụn trứng cá, viêm da cơ địa, mày đay, bệnh lây truyền qua đường tình dục… chiếm trên 25%.
Theo phác đồ điều trị, các bệnh lý này cần phải làm xét nghiệm thường quy và chuyên biệt để chẩn đoán, xác định nguyên nhân, theo dõi, tiên lượng, tầm soát bệnh lý đi kèm: “Ngoài ra, bệnh viện da liễu được Bộ Y tế phân công làm nhiệm vụ tuyến cuối chuyên khoa da liễu các tỉnh phía Nam nên tập trung nhiều bệnh lý nặng, phức tạp. Từ những dữ liệu nói trên, ước lượng có khoảng 20% số bệnh nhân đến khám cần được xét nghiệm để đảm bảo chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Công văn của Bệnh viện Da liễu TPHCM cho rằng, con số 20% là ước lượng dựa theo mô hình bệnh tật tại đơn vị này. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia y tế, đặc thù đối tượng lao động của nghề y là con người, ngay cả liệu trình điều trị cũng sẽ đưa lại kết quả riêng biệt trên từng đối tượng riêng biệt vì còn phụ thuộc vào cơ địa, tỉ lệ đáp ứng, việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Hơn nữa, mỗi tháng lượng bệnh nhân đến thăm khám tại bệnh viện luôn dao động. Do đó, khó có một con số cụ thể nào có thể bao quát được tỉ lệ bệnh nhân cần xét nghiệm của từng loại bệnh là bao nhiêu phần trăm khi không biết tình trạng bệnh.
Trong công văn phản hồi, BS Nguyễn Trọng Hào phủ nhận tố cáo của BS N.H.H và cho biết, thông báo số 544/TB-BVDL hoàn toàn không liên quan vấn đề nhắc nhở chỉ định xét nghiệm.
Sở Y tế TPHCM nói gì?
Ths.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết: Ban Giám đốc Sở Y tế đã làm việc với Ban Giám đốc của Bệnh viện Da liễu TPHCM và kết luận, bệnh viện này đưa ra chỉ tiêu xét nghiệm đối với các bác sĩ ở đây là hoàn toàn sai và không có cơ sở khoa học.
Theo bà Mai, Ban Giám đốc Sở Y tế TPHCM và các phòng chức năng đã làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện Da liễu và những người có liên quan. Sau khi phân tích, Ban Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định, việc Bệnh viện Da liễu TPHCM quy định bác sĩ phải chỉ định cho bệnh nhân làm xét nghiệm tối thiểu 20% trong tổng số bệnh nhân khám là không phù hợp, không đúng, không có cơ sở khoa học. Đặc biệt, một phó giám đốc của bệnh viện này cho thống kê số bệnh nhân đến khám ngoại trú càng sai, gây bức xúc cho bác sĩ điều trị.
“Việc xét nghiệm để chẩn đoán một bệnh lý nào đó đã được Bộ Y tế quy định. Các chỉ định xét nghiệm do bác sĩ điều trị quyết định, dựa vào phác đồ điều trị đã được Bộ Y tế hướng dẫn và bệnh viện đã xây dựng để áp dụng. Do đó, Sở Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Da liễu ngưng ngay việc quy định bác sĩ phải chỉ định xét nghiệm tối thiểu 20% bệnh nhân trong tổng số bệnh nhân khám. Đây là một quy định phản khoa học và hoàn toàn sai”, bà Mai nhấn mạnh. Sở Y tế TPHCM cũng yêu cầu bệnh viện này rà soát và thu hồi lại những văn bản đã ban hành có nội dung không phù hợp (Tiền phong, trang 10).
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra điểm nóng sốt xuất huyết tại Đồng Nai
Sáng 9/9, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại phường Tam Phước, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong những phường có số ca mắc sốt xuất huyết cao.
Khảo sát thực tế tại một số hộ dân tại phường Tam Phước, Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác phát hiện vẫn còn tình trạng nhà dân còn có các vật dụng chứa nước có tồn tại lăng quăng. Cụ thể, một bát cắm hương đã bị phát hiện đọng nước và chứa nhiều lăng quăng. Môi trường cũng có nhiều muỗi đã trưởng thành. Theo ông Võ Cao Cường, chủ tịch phường, Tam Phước là một phường có nhiều khu công nghiệp đang phát triển với 7 khu phố và tổng dân số hơn 54 nghìn người. Địa bàn có nhiều khu nhà trọ với điều kiện nhà ở chật hẹp, vệ sinh môi trường kém nên dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là SXH.
Không có trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, tuy nhiên trong thời gian qua, phường ghi nhận và xử lý 38 ổ dịch. Đây là một trong 4 điểm nóng sốt xuất huyết của tỉnh Đồng Nai. Khó khăn lớn nhất vẫn là ý thức của người dân, đặc biệt là những trại thu mua ve chai đồng nát, ý thức diệt lăng quăng vẫn còn kém. BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh có 10/11 huyện có bệnh sốt xuất huyết, điểm nóng là Biên Hoà, Trảng Bom, Nhơn Trạch. Chiều hướng của dịch chưa giảm dù đã tích cực triển khai phòng chống dịch bệnh.
Trong tháng 8/2019, địa bàn tỉnh ghi nhận 11.617 ca mắc sốt xuất huyết, 2,65 lần so với cùng kỳ năm 2018, đã có 2 ca tử vong. Phân tích nguyên nhân, Sở Y tế tỉnh cho rằng, hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng đến hộ gia đình chưa cao, sự thay đổi ý thức hành vi của người dân còn hạn chế. Trong khi đó mùa mưa đang thuận lợi cho việc muỗi phát triển. Dự báo sốt xuất huyết sẽ ở mức cao trong tháng 9 và tháng 10. Trước mắt, Sở sẽ nâng cao ý thức chính quyền các cấp, nhất là cấp xã trong việc diệt lăng quăng; đẩy mạnh truyền thông; tăng cường kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh, cơ quan, trường học; giám sát việc phun hoá chất diện rộng.
Tại buổi làm việc tại UBND tỉnh Đồng Nai, PGS.TSTrần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, tại phía Nam, Đồng Nai và Bình Dương là hai địa phương năm nào cũng có tình trạng sốt xuất huyết phức tạp do có nhiều khu công nghiệp và nhiều bãi đất trống là nơi muỗi có thể sinh sôi. Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, chính quyền và địa phương cần thực hiện tốt thì ngành y tế mới có thể làm tốt việc chống dịch. “Việc cần làm đầu tiên là phải diệt lăng quăng, muốn làm được phải có những đội xung kích, thậm chí phải có công an, cùng đi đến tận hộ dân để yêu cầu người dân và các công trình xí nghiệp loại bỏ hoàn toàn lăng quăng”.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhắc nhở tuyên truyền nâng cao ý thức diệt lăng quăng của người dân là vấn đề nên làm ngay. “Cần phải khắc phục tình trạng người dân tạo nên ổ nuôi lăng quăng từ các vật dụng. Những trường hợp vi phạm cần phải xử phạt”.
Bộ trưởng cũng nhắc nhở cần phải chú ý đến việc truyền thông, tránh truyền thông lạc đường. “Việc xử lý ổ dịch nhỏ chưa rõ ràng các bước. Các địa phương cần xây dựng rõ các bước xử lý ổ dịch. Phun thuốc như thế nào, thuốc gì, phun bao lần, giám sát sau phun ra sao… Cần loại bỏ những việc làm mang tính hình thức mà phải lập tức hành động. Trước mắt phải lật úp tất cả các vật chứa nước, sau đó phun hoá chất. Nên yêu cầu các hộ gia đình, hộ kinh doanh cam kết không để các vật chứa có nước không có lăng quăng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, hệ thống bệnh viện cần xử trí lọc bệnh kỹ càng, không thể để nằm cùng các bệnh nhân sốt xuất huyết nằm cùng phòng với bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để bệnh nhân bị lây chéo (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
BV Nội tiết Trung ương đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Ngày 10/9, tại Hà Nội, BV Nội tiết Trung ương đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập (16/9/1969 -16/9/2019) và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất – phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước ghi nhận những thành tích xuất sắc của Bệnh viện trong công tác từ năm 2014-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến dự và gắn Huân chưong lao động hạng Nhất lên Lá cờ truyền thống của Bệnh viện. Cùng dự Lễ kỷ niệm còn có Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố… Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chúc mừng và đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi và kết quả đạt được trong những năm gần đây của tập thể đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế và người lao động Bệnh viện.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Chúng ta rất tự hào với những thành tựu phát triển của BV Nội tiết Trung ương trong những năm qua nhưng chặng đường phía trước còn nhiều gian lao, thử thách. Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mạn tính và các chứng rối loạn tâm thần.
“Là BV chuyên khoa đầu ngành của cả nước về phòng chống các Bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa, BV Nội tiết Trung ương cần phải tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, phấn đấu sớm trở thành một Trung tâm y tế hàng đầu trong nước và khu vực về phát hiện và điều trị Bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa, là điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế”-Phó Thủ tướng nêu rõ.
Để không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, Phó Thủ tướng lưu ý toàn thể đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế và người lao động BV Nội tiết TW cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với phương châm “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”; Thường xuyên tập huấn đào tạo để nâng cao chất lượng chuyên môn, trình độ của đội ngũ y, bác sỹ có trình độ chuyên môn sâu; đồng thời tích cực hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến, đặc biệt là chuyển giao kỹ thuật cho các Bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện tuyến dưới (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Tái bùng phát căn bệnh lạ, 12 người mắc 4 người tử vong, vi khuẩn ăn cả cánh mũi
Chỉ trong tháng 8-2019, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận tới 12 ca mắc bệnh whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong. Các bác sĩ ngạc nhiên hơn khi lần đầu tiên xuất hiện một nữ bệnh nhân bị vi khuẩn whitmore ăn cánh mũi… Ngày 10-9, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ trong tháng 8 vừa qua, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện đã tiếp nhận 12 ca mắc whitmore, trong đó có 4 ca tử vong. Đó là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao (tới 40%) đang có nguy cơ tái bùng phát.
Đặc biệt, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong số 12 ca nhập viện có một bệnh nhân nữ mắc whitmore rất hy hữu, với trình trạng vi khuẩn whitmore ăn cánh mũi. Đây cũng là lần đầu tiên tại bệnh viện ghi nhận ca bệnh như vậy. Theo bác sĩ Cường, trước khi vào viện, nữ bệnh nhân kể trên được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu. Tuy nhiên, tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới, kết quả cấy máu và mủ ở vết thương cho kết quả dương tính với vi khuẩn whitmore.“Khi đó chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng” – bác sĩ Cường nói. Hiện sau 2 tuần điều trị, vết thương của nữ bệnh nhân này đã hết mủ và đang ăn da non. Dù vậy, bệnh nhân cần tiếp tục giai đoạn duy trì bằng thuốc và điều trị trung bình ít nhất 3 tháng, được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa, nếu không bệnh sẽ có khả năng tái phát, khi đó tỷ lệ tử vong rất cao.
Cũng theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, nếu như trước đây, 5-10 năm mới có 20 ca mắc whitmore, thì từ đầu năm 2019 đến nay, chỉ riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này, chủ yếu chuyển từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ đến.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời (An ninh thủ đô, trang 8).