Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam

(CDC Hà Nam)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023- 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm.

Đồng thời, đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, cụ thể:

Tỷ lệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023– 2030 được UBND tỉnh phê duyệt và được cấp ngân sách để triển khai thực hiện đạt 100% vào năm 2025, duy trì đến năm 2030;

Tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng, chống kháng thuốc ở người trưởng thành, bà mẹ, đạt ít nhất là 50% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030;

Ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp được tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ và sử dụng, quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc;

Tỷ lệ BV từ tuyến quận, huyện trở lên triển khai Chương trình Quản lý sử dụng kháng sinh đạt ít nhất 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030;

Đến năm 2045, kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả tương đương với các quốc gia phát triển.

Để triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023– 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có liên quan: Xây dựng Khung hành động chung làm nền tảng cho sự hợp tác đa ngành, điều phối, triển khai, giám sát các hành động theo trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành; xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực y tế, nông nghiệp, môi trường, công thương để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong các lĩnh vực tương ứng; xây dựng Bộ chỉ số đánh giá và theo dõi việc triển khai Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương và môi trường…

Về thông tin, truyền thông và vận động xã hội, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các cấp, ngành cần truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của Nhân dân về các nguyên nhân gây kháng thuốc, hậu quả của kháng thuốc và các biện pháp phòng, chống kháng thuốc; duy trì cam kết của cá nhân và xã hội đối với thay đổi hành vi để sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm, ngừng lạm dụng và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật sai mục đích; thúc đẩy các hành vi lành mạnh để ngăn ngừa nhiễm trùng và sự lây lan của chúng, trong đó chú trọng nhân viên y tế, thú y, người chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; bà mẹ, phụ nữ, HSSV. Tuyên truyền, phổ biến, vận động các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân viên y tế, thú y và người dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống kháng thuốc thông qua mạng lưới thông tin truyền thông từ Trung ương tới địa phương. Nghiên cứu, xây dựng và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về phòng, chống kháng thuốc phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng, trong đó chú trọng xây dựng các thông điệp chủ chốt, thông điệp mới về kháng thuốc để tác động mạnh mẽ tới xã hội.

Quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023– 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. (Nhân dân, trang 8, số ra ngày 2.10.2023). 

Đinh Hạnh tổng hợp

Bài viết liên quan

Sáng 27/7, không có ca mắc mới COVID-19, gần 12.000 người cách ly chống dịch

CDC Hà Nam

Trên 4.300 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được thực hiện trong 24 giờ qua.

admin

Điểm báo ngày 13/7/2022

CDC Hà Nam