Điểm báo ngày 11/9/2020

(CDC Hà Nam)
Cách phòng ngừa ngộ độc do botulinum; Kon Tum không lơ là, chủ quan để tránh tái bùng phát dịch bạch hầu; Sản phụ mắc Covid-19 sinh con an toàn

Cách phòng ngừa ngộ độc do botulinum

Người dân cần chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá… Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo để phòng chống ngộ độc do botulinum.

Cảnh báo thói quen sử dụng túi hút chân không

Đến ngày 9/9, các cơ sở y tế cả nước tiếp nhận gần 20 trường hợp nhập viện do ngộ độc botulinum sau ăn pate Minh Chay. Ngoài ra, còn một số lượng lớn người bị ngộ độc biểu hiện nhẹ đến các bệnh viện thăm khám.

Vi khuẩn kỵ khí clostridium botulinum sinh ra độc tố botulinum. Đây là nhóm chất độc đầu bảng, ở liều 0,009mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70kg.

Khi nhiễm botulinum, tỷ lệ tử vong cao từ 7-20%, thời gian liệt kéo dài. Khi nhập viện, bệnh nhân cần thở máy trung bình khoảng 2 tháng, tuy nhiên sau đó sẽ cần rất nhiều tháng để hồi phục.

2 bệnh nhân nặng nhất điều trị tại BV Bạch Mai dù được dùng thuốc giải độc từ ngày 29/8, tuy nhiên đến nay, 1 bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng.

Trong hướng dẫn tạm thời chẩn đoán và điều trị ngộ độc botulinum vừa ban hành, Bộ Y tế cho biết thịt hộp là loại thực phẩm cổ điển gây ngộ độc, do đó, vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản… được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo đều có thể dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.

Phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng.

Trước đây, các ca ngộ độc botulinum rất hiếm gặp trên thế giới, tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng ngộ độc tăng do trào lưu sử dụng túi hút chân không chứa đựng thực phẩm tăng, kèm theo đó là bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại thực phẩm không đủ chín trước khi ăn.

Các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum

Theo Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn clostridium sinh ra. Người bị ngộ độc có thể khởi phát bệnh ở 12-36 giờ sau ăn, nhưng dao động trong khoảng 6-8 ngày sau ăn.

Các dấu hiệu bệnh: nôn, buồn nôn, liệt đối xứng 2 bên bắt đầu từ vùng đầu – mặt, cổ, lan dần xuống chân, sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, nói khó, liệt vùng ngực – bụng, liệt 2 chân, phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất nhưng người bệnh vẫn tỉnh táo, không có rối loạn cảm giác.

Trường hợp ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng.

Để phòng chống ngộ độc do botulinum, người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Người dân cần thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường).

Người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).

Bên cạnh đó, cần ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).

Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…), cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 14)

 

Kon Tum không lơ là, chủ quan để tránh tái bùng phát dịch bạch hầu

Trong hai ngày 9-10/9, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu tại tỉnh Kon Tum. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã đề nghị địa phương không lơ là, chủ quan để tránh tái bùng phát ổ dịch bạch hầu, tuy nhiên cũng cần quan tâm phòng chống các dịch bệnh khác như COVID-19, sốt xuất huyết, sốt rét…

Trước khi làm việc vơi lãnh đạo tỉnh, Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy – một xã có ca bệnh dương tính bạch hầu. Đồng thời, Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đã đến thăm và kiểm tra dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin nói chung, vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu nỏi riêng tại CDC Kon Tum.

Kiên trì, “phục” từ trưa đến tối để vận động 3 người dân đi tiêm vắc xin bạch hầu.

Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác , y sĩ Lê Thị Phượng, Trưởng Trạm Y tế xã Đăk Ruồng, cho biết xã có 5.000 nhân khẩu. Xã đã lập danh sách các thành viên theo hộ gia đình, lập các điểm tiêm ở trạm y tế hoặc thôn để triển khai tiêm vắc xin cho người dân từ 7/9. Đến nay, Đắk Ruồng ghi nhận một ca dương tính bạch hầu là bé gái 15 tuổi ở thôn 10 (hôm 15/8), đã điều trị khỏi.

Bà Đinh Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho hay, từ đầu năm đến nay, huyện này ghi nhận 5 ca dương tính với bạch hầu (trong độ tuổi từ 11-39 tuổi) và 2 ca nghi ngờ, trong đó có 4 ca đã khỏi bệnh; 1 ca ở xã Đăk Tờ Re (17 tuổi, ở thôn 7) đang điều trị. 2 ca nghi ngờ cũng ở xã Đăk Tờ Re. Xã này đang cách ly 172 trường hợp.

Ông Võ Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, cho biết luỹ tích từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh có 48 trường hợp dương tính bạch hầu tại 5 huyện/thành phố (cao hơn tổng số ca dương tính trong giai đoạn 2016-2019); trong đó có 37 ca bệnh và 11 ca là người lành mang trùng, không có ca tử vong. Toàn tỉnh có 32 ổ dịch bạch hầu, đã có 31 ổ đã qua 14 ngày.

Ông Thanh nhận định trong quần thể cư dân có một bộ phận người lớn tuổi không có miễn dịch với bạch hầu nên vẫn có nguy cơ tiếp tục xuất hiện ca bệnh mới.

Đảm bảo cung ứng đủ vắc xin tiêm chủng phục vụ phòng chống dịch.

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho hay, thời gian qua, Chương trình Tiêm chủng mở rộng và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã cung cấp dây chuyền lạnh, kho lạnh, tủ bảo quản vắc xin cho tỉnh Kon Tum phục vụ công tác bảo quản, cung ứng vắc xin của tỉnh Kon Tum.

“Qua thực tế đi kiểm tra tại một số trạm y tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum, chúng tôi đánh giá cao việc thực hiện tiêm chủng chiến dịch bạch hầu tại địa phương nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tương lai.

Mong các anh chị đã cố gắng, đã nỗ lực thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu, tiếp tục nỗ lực trong các chiến dịch tiếp theo để đảm bảo việc tiêm chủng đầy đủ các đối tượng được đầy đủ, đảm bảo phòng chống dịch, nhất là mùa đông xuân đang đến gần”- PGS.TS Dương Thị Hồng nói.

PGS.TS Dương Thị Hồng khẳng định chương trình tiêm chủng mở rộng luôn luôn cố gắng đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vắc xin phục vụ công tác phòng chống dịch của địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trần Thị Nga- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho hay, tỉnh xác định công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người dân trên địa bàn. Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch bệnh.

Địa phương xác định để làm tốt công tác phòng chống dịch, việc tuyên truyền vận động để người dân đồng lòng cùng thực hiện là rất quan trọng, do đó công tác truyền thông, đặc biệt trong đợt thực hiện chính dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu rất đa dạng, phong phú. Do tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, chính quyền và ngành Y tế huyện vừa truyền thông bằng pano áp phích, đồng thời phải ghi âm bằng đĩa để tuyên truyền bằng tiếng địa phương để người dân dễ tiếp cận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng mong muốn Bộ Y tế, Chương trình tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và đồng hành với địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người dân.

Không “quên” phòng chống các dịch bệnh khác.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao công tác phòng chống dịch của tỉnh Kon Tum, đặc biệt trong phòng chống dịch COVID-19 và dịch bạch hầu.

Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành không lơ là chủ quan trong phòng chống dịch để tránh tình trạng ổ dịch bùng phát. Đồng thời, bên cạnh tập trung chống dịch bạch hầu cũng phải chú trọng đến các dịch bệnh khác như COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét.

Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Kon Tum thiết lập, duy trì các tổ phòng chống dịch ở cộng đồng để đẩy mạnh việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, không chỉ trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu mà còn với cả các dịch bệnh khác.

“Chúng ta phòng chống dịch trong tình hình mới nên đại phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục thực hiện chiến lược phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch sớm. Trong công tác xét nghiệm cần lựa chọn đối tượng phù hợp, tránh tràn lan”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.

Riêng đối với dịch bạch hầu, tỉnh Kon Tum cần yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị, đoàn thể liên quan tiếp tục rà soát đến tận nhà, tận thôn, bản để tránh bỏ sót đối tượng tiem chủng. Thực hiện việc tiêm vét. Đồng thời duy trì tiêm nhắc lại đúng thời điểm, đúng độ tuổi và đúng liều lượng để đảm bảo hiệu quả của tiêm chủng. Đặc biệt, lưu ý vùng sâu vùng xa- “vùng lõm” tiêm chủng.

Liên quan đến việc công bổ dịch bạch hầu trên địa bàn xã, huyện, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh nghiên cứu kỹ điều 2, Quyết định 02/QĐ-TTg, ngày 28/01/2016 của Thủ tướng quy định điều công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Về đề xuất liêm quan đến kim tiêm phục vụ chiến dịch tiêm chủng bạch hầu của tỉnh, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị địa phương chủ động, trong trường hợp cần thiết thì báo cáo Bộ Y tế.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý địa phương kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch của các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế ngoài công lập.

Đồng thời, tỉnh cũng cần chuẩn bị sẵn các khu cách ly tập trung để phục vụ công tác cách ly phòng chống dịch COVID-19 khi nước ta mở lại đường bay quốc tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Sản phụ mắc Covid-19 sinh con an toàn

Thông tin từ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương sáng 10/9 cho biết: Lúc 8h25 sáng nay, tại phòng Cấp Cứu, Khoa Virus – Ký sinh trùng, êkíp của Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (gồm Bác sĩ Cao Văn Dũng và Cử nhân Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng) đã đỡ đẻ thành công cho sản phụ dương tính với SARS-COV-2.

Sản phụ là bệnh nhân COVID-19 số 411, 30 tuổi, có địa chỉ tại Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ.

Bệnh nhân từ Liên bang Nga về Việt Nam ngày 17/7/2020. Bệnh nhân được cách ly ngay khi nhập cảnh và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Bệnh nhân có tiền sử đẻ non, do đó, để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi, bệnh nhân đã được chuyển tuyến về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

BS. Trần Thượng Việt – Trưởng Khoa Ngoại sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc có sản phụ sinh từ đợt dịch đầu tiên. Khi tiếp nhận bệnh nhân, BV đã sắp xếp ngay một êkíp riêng để khi có vấn đề sẽ đến hỗ trợ. Khi bệnh nhân đến tuần 35, Khoa virus – Ký sinh trùng đã chuẩn bị sẵn sàng hết mọi thứ để chuẩn bị cho việc sinh thường ở khoa”…

Bước ra từ phòng đẻ, nữ hỗ sinh Hoàng Thị Thu Hằng chia sẻ: “Ca đẻ diễn ra suôn sẻ, thành công. Em bé chào đời ở tuần thứ 36 và là cháu trai nặng 3,8kg . Sản phụ có sức khỏe tốt, sinh thường em bé an toàn, không mất máu. Khi mẹ tròn, con vuông không riêng gì tôi mà cả ê kíp rất hạnh phúc đều hạnh phúc.

Ngoài các thành viên trong êkíp của Khoa Ngoại sản thì chúng tôi còn có các Bác sĩ của Khoa Virus – Ký sinh trùng hỗ trợ ở vòng ngoài. Tuy đỡ đẻ trong trang phục y tế bảo hộ nóng bức nhưng có lẽ là một kỷ niệm đẹp với chúng tôi. Sau đây chúng tôi sẽ được cách ly y tế 14 ngày”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Tiền phong, trang 2)

 

Các khu nhà trọ lụp xụp tiềm ẩn nguy cơ nhiều loại dịch bệnh

Với thực tế, công nhân chủ yếu phải thuê phòng trọ để sinh sống. Nơi sinh sống thường lụp xụp, ẩm thấp không đảm bảo cho sức khỏe và tiềm ẩn nguy cơ các loại dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết (SXH).

Tỉnh Bình Dương: Nguy cơ công nhân lao động mắc SXH vẫn cao

Tại tỉnh Bình Dương, những tháng đầu năm 2020, tỉ lệ bị mắc sốt xuất huyết (SXH) có giảm so với năm 2019. Tuy nhiên, công nhân lao động (CNLĐ) ở những nhà trọ lụp xụp, ẩm thấp vào mùa mưa có nguy bị mắc SXH vẫn cao.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương, 6 tháng tháng đầu năm 2020 ghi nhận có 815 trường hợp mắc SXH, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2019, không có trường hợp tử vong. Các địa phương có số ca mắc cao là TX.Bến Cát, TP.Dĩ An, TP.Thuận An. Nhưng hiện vào mùa mưa nên nguy cơ bùng phát dịch SXH khá cao. Theo ghi nhận, Bình Dương vẫn còn nhiều khu nhà trọ lụp xụp, nhiều đồ vật để đọng nước tạo những điều kiện thuận lợi cho muỗi và lăng quăng truyền bệnh phát triển. Bên cạnh đó, nhiều công nhân (CN) ngủ ở phòng trọ không mắc màn nên dễ bị muỗi đốt gây nguy cơ cao mắc SXH.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương cho hay, đơn vị đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân làm vệ sinh môi trường, phun hóa chất để chủ động phòng dịch. Diệt muỗi, lăng quăng bằng mọi biện pháp và nằm màn khi đi ngủ (cả ban ngày và ban đêm). Bên cạnh đó, trung tâm sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát véc-tơ khẩn cấp như phun hóa chất diệt muỗi khi có ca bệnh tăng cao.

Tỉnh Đồng Nai: Khu nhà trọ nằm ngay bãi rác, tiểm ẩn nguy cơ các loại dịch bệnh

Theo ghi nhận của PV, đa số CN đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Đồng Nai là lao động (LĐ) ngoại tỉnh nên có nhu cầu về nhà ở rất lớn. Những địa bàn đang cần nhiều nhà ở cho CN như TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Hiện nay, riêng trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh, đã có hơn 535.000 LĐ, trong đó gần 320.000 LĐ là CN từ các tỉnh khác về sinh sống và làm việc.

Nhưng thực tế hiện nay, các CN làm việc tại Đồng Nai chủ yếu phải thuê phòng trọ để sinh sống. Nơi sinh sống nhỏ hẹp, xập xệ, không đảm bảo cho sức khỏe và môi trường thiếu an toàn. Tại phường Tân Phong, TP.Biên Hòa, để tận dụng đất xây dựng, nhiều khu nhà trọ với kế bên là một khu đất trống từ lâu đã trở thành nơi đổ rác của người dân; nhiều khu nhà trọ còn nằm kế các ao nước, ruộng rau muống rất nhếch nhác. Tình trạng này luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh SXH cho CNLĐ, nhất là trong mùa mưa hiện nay…

Chị Lê Thị Duyên – CN Công ty Taekwang Vina, KCN Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai – chia sẻ, chị đang nuôi con nhỏ nhưng vẫn phải ở trong một khu nhà trọ chật hẹp, nhiều ruồi muỗi do không đủ tiền mua nhà. “Tôi mong muốn địa phương hỗ trợ xây dựng những khu nhà ở CN, để chúng tôi mua, có thể bằng hình thức trả góp phù hợp với thu nhập của người lao động” – chị Duyên mong ước.

Tại một cuộc họp về phòng chống dịch bệnh SXH vừa qua, ông Huỳnh Cao Hải – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai – cho hay, vấn đề vệ sinh ở các khu nhà trọ CN hiện nay rất khó khăn. Các khu nhà trọ CN lụp xụp, ẩm thấp xuất hiện rất nhiều ở TP.Biên Hòa, đặc biệt là các phường Long Bình và phường Trảng Dài.

Theo ông Hải, môi trường như vậy là một phần nguyên nhân mắc bệnh. Việc phải LĐ với cường độ cao trong khi ăn uống đạm bạc, khó tái tạo sức LĐ cũng dẫn tới sức đề kháng của CN yếu hơn, dễ nhiễm bệnh hơn và nguy cơ SXH diễn biến nặng hơn. (Lao động, trang 5)

 

Bác sĩ cảnh báo nguy cơ từ sốt xuất huyết

Thời gian vừa qua, Hà Nội liên tục ghi nhận các ổ dịch, ca mới mắc sốt xuất huyết (SXH), đáng chú ý đã ghi nhận 2 ca tử vong. Những ngày gần đây, bệnh SXH lại có dấu hiệu gia tăng. Các bác sĩ cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, người dân thường có tâm lý chủ quan, coi SXH là bệnh thường gặp nên người mắc thường bị nặng, dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em: Không tự ý dùng Ibuprofen điều trị SXH cho trẻ

Từ đầu năm đến nay, riêng Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em ghi nhận hơn 60 ca mắc SXH, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9. Hiện tại, có khoảng 6-7 trường hợp mắc SXH phải nhập viện điều trị. Dự kiến, con số có thể tăng lên trong những ngày tới do đang là thời điểm mùa mưa”.

Trong số các trẻ nhập viện điều trị SXH rất đa dạng về độ tuổi, may mắn là hiện chưa có trường hợp trẻ nào nguy kịch hay tử vong. Thậm chí, nhiều trẻ nhũ nhi cũng đã nhập viện do mắc căn bệnh này. Điển hình là trường hợp cháu bé mới 5-6 ngày tuổi đã mắc SXH. Nguyên nhân có thể do mẹ mắc SXH, sau đó bị muỗi đốt, rồi con muỗi đó lại đốt sang người trẻ khiến trẻ bị mắc bệnh.

Ở trẻ, SXH ở giai đoạn ban đầu thường có biểu hiện sốt nhẹ, đau người, mệt mỏi… Sau đó, khoảng 2-3 ngày, trẻ bắt đầu có biểu hiện sốt cao, ban xuất huyết dưới da, đau bụng, nôn ói, kém ăn, rối loạn ý thức. Những trường hợp nặng có thể có biểu hiện sốc do mất dịch.

Giai đoạn đầu khi bị SXH rất dễ bị nhầm với các bệnh khác. Vì thế, cần phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cảnh báo của trẻ, nhất là những triệu chứng điển hình như đau bụng, xuất huyết dưới da, mất nước, nôn ói…

Khi trẻ bị SXH cần phải có biện pháp chăm sóc hợp lý như hạ sốt, cho nằm nơi thoáng mát, chế độ ăn hợp vệ sinh, tăng cường dinh dưỡng, bảo đảm trẻ có sức khỏe chống lại bệnh tật.

Khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo đái ít, mệt mỏi, kém ăn, nặng hơn là xuất huyết nhiều nơi trên da, niêm mạc, thậm chí xuất huyết tiêu hóa, có thể rối loạn ý thức, lơ mơ, ngủ gà, thậm chí li bì, hôn mê. Đó là dấu hiệu cần phải theo dõi thường xuyên, nếu khác thường phải đưa đến khám cho vào nhập viện để chăm sóc điều trị kịp thời.

Trẻ bị SXH chỉ dùng Paracetamol để hạ sốt cho trẻ, tuyệt đối không tự ý dùng Ibuprofen dễ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa nặng. Ngoài ra, trẻ bị SXH cũng cần bù dịch kịp thời và hợp lý. Cuối cùng để phòng SXH, vấn đề gốc rễ là vệ sinh nơi ở bằng cách không tích trữ nước mưa, lật úp các đồ dùng có thể chứa nước đọng, ngủ mắc màn, diệt loăng quăng, bọ gậy…

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai: 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng

Khi có triệu chứng của SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế, không tự ý điều trị bệnh tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm. Triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. (Lao động, trang 5.)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 24/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 07/1/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận