Điểm báo ngày 12/11/2018

(CDC Hà Nam)
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đạp xe truyền tải thông điệp phòng chống đái tháo đường; Bộ trưởng Bộ Y tế gửi thư chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đạp xe truyền tải thông điệp phòng chống đái tháo đường

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khoảng 80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, tiểu đường type 2 và 40% bệnh ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa được qua các biện pháp như tập thể dục, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá…

Sáng nay, 11-11, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức Ngày hội phòng, chống Đái tháo đường Thế giới (14-11) năm 2018 với chủ đề “Gia đình cùng hành động sớm phòng chống bệnh Đái tháo đường”.

Dự Ngày hội tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo các báo cáo của Bộ Y tế, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh đái tháo đường chiếm tỷ lệ tử vong đứng thứ 3. Trong nhóm tuổi từ 18 – 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp cũng chiếm 18,9%.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện chỉ có trên 30% số bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 18-69 được chẩn đoán, còn đến gần 70% người bệnh chưa được chẩn đoán.

“80% số bệnh nhân tim mạch giai đoạn đầu, tiểu đường type 2, 40% ung thư hoàn toàn có thể phòng ngừa qua tập thể dục, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá… Tôi mong muốn Ngày Thế giới phòng chống Đái tháo đường năm nay sẽ nhận được sự vào cuộc của gia đình, người thân, cộng đồng xã hội cùng góp sức đẩy lùi gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Dịp này, các bác sĩ của 8 bệnh viện lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tham gia khám, tầm soát tư vấn bệnh đái tháo đường cho 1.000 người dân sống tại 2 thành phố. Theo các bác sĩ, nếu không được chẩn đoán sớm mắc đái tháo đường khiến người bệnh bị các biến chứng nặng nề, làm tăng nguy cơ suy thận, cắt chi, đột quỵ…

GS.TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam – Giám đốc Bệnh viện K cho biết, điều nguy hiểm là tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa, rất nhiều người độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không hay biết, thậm chí có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi bị đái tháo đường type 2 đã được ghi nhận.

Theo ông Thuấn, bên cạnh các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, căng thẳng thường xuyên… thì một trong những nguyên nhân dẫn đến số người mắc đái tháo đường gia tăng và trẻ hóa là do dịch vụ khám, phát hiện sớm, tư vấn, truyền thông nâng cao nhận thức còn chưa được quan tâm đúng mức.

“Người dân hãy tăng cường vận động, dinh dưỡng hợp lý để phòng tránh bệnh đái tháo đường, ung thư, tim mạch và để có một cơ thể khỏe đẹp” – GS. Trần Văn Thuấn khuyến cáo. (An ninh thủ đô, trang 4).

Bộ trưởng Bộ Y tế gửi thư chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Kính gửi: Các thầy giáo, cô giáo; công chức, viên chức và nhân viên thuộc các cơ sở đào tạo nhân lực y tế!

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Y tế, tôi trân trọng gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và học viên, sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo nhân lực y tế lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các thầy, cô và gia đình sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Trong những năm qua, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của các trường đã đóng góp cho sự cải thiện cả về số lượng và chất lượng đội ngũ nhân lực y tế Việt Nam. Các hoạt động đào tạo nhân lực y tế đã có những đổi mới và chuyển biến tích cực, dần tiếp cận với xu hướng giáo dục và đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW  ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, dưới sự lãnh đạo của Bộ Y tế, các cơ sở đào tạo nhân lực y tế đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nhân lực y tế. Một số trường đang tiên phong trong việc đổi mới các chương trình đào tạo dựa trên năng lực, đồng thời tăng cường đào tạo đạo đức nghề nghiệp để tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng với mô hình bệnh tật thay đổi và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Các thầy giáo, các cô giáo chính là những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới đào tạo nhân lực y tế, góp phần đào tạo, giáo dục các thế hệ cán bộ y tế vừa có tài, vừa có tâm. Ngành y tế luôn trân trọng và biết ơn sâu sắc các thầy, các cô.

Thay mặt Bộ Y tế, tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể của Trung ương, địa phương đối với các thầy, các cô và các cơ sở đào tạo nhân lực y tế. Tôi tin tưởng rằng, sự quan tâm, giúp đỡ đó sẽ tiếp tục được duy trì, phát huy và tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.

Một lần nữa, Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên cùng toàn thể học viên, sinh viên, học sinh trong các cơ sở đào tạo nhân lực y tế sức khoẻ và tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo và chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thân ái,

Bộ trưởng Bộ Y tế

( đã ký)

TTND.PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến

(Sức khỏe & đời sống, trang 2).

Công bố quyết định bổ nhiệm thứ trưởng bộ y tế Nguyễn Trường Sơn

Chiều ngày 9/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng chính phủ bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Trường Sơn giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

Đến dự Lễ công bố có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; cùng đại diện Ủy Ban kiểm tra Trung ương, Văn phòng chính phủ, lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ.

Trước đó ngày 2/11/2018 tại Quyết định số 1476/QĐ-TTg, Thủ tướng điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y Tế.

Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Nguyễn Thi Kim Tiến chúc mừng đồng chí Nguyễn Trường Sơn được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Y tế.  Bộ trưởng mong muốn, với cương vị công tác mới, đồng chí Nguyễn Trường Sơn sẽ cùng tập thể lãnh đạo Bộ Y tế, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế tạo thành một khối đại đoàn kết, thống nhất, phát huy sáng kiến cùng với ngành Y tế đưa hoạt động của Ngành ngày càng phát triển và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao.

Nhận nhiệm vụ mới, Tân Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bày tỏ quyết tâm, cố gắng trên tinh thần cao nhất, sát cánh đoàn kết với các thành viên trong ban lãnh đạo để những công việc chung của Bộ sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.  Đồng chí Nguyễn Trường Sơn cảm ơn sự tín nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ… các cơ quan liên quan và Tân Thứ trưởng hứa sẽ kế thừa, phấn đấu tiếp bước những thế hệ đi trước, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. (Sức khỏe & đời sống, trang 2).

Phát hiện kháng sinh Pan- Amoclav trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu giả

Cục Quản lý Dược vừa có thông báo phát hiện thuốc Pan-Amoclav – là kháng sinh kết hợp, được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường mật, bệnh lậu… giả trên thị trường.

Theo đó, tại công văn số 21117/QLD-CL, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế thông báo thuốc kháng sinh giả Pan – Amiclav 1g có thông tin trên nhãn thuốc là Pan-Amoclav 1g (Amoxicllin & Acid Clavulanic), số lô: 0390618, hạn dùng: 180621, SĐK: VN-23986-17, nhà sản xuất: Panpharma S.A (Z1 Du Clairay-Lutre, 35 133 Forgeres-France), nhà nhập khẩu: Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương chỉ đạo bệnh viện công lập trực thuộc ngành, cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; rà soát hoạt động của cơ sở, nếu phát hiện thấy thuốc có thông tin như đã nêu, khẩn trương thông báo và phối hợp với cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý.

Cục Quản lý dược cũng đề nghị các địa phương tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về thông tin thuốc giả nói trên, nâng cao cảnh giác của người kinh doanh dược phẩm cũng như người dân.

Pan-Amoclav 1g là kháng sinh kết hợp, được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường mật, bệnh lậu…

Liên quan đến thuốc giả này, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành triển khai thực hiện ngăn chặn thuốc giả Pan-Amoclav.

Để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; rà soát hoạt động của cơ sở, nếu phát hiện thấy thuốc có thông tin như đã nêu, khẩn trương thông báo và phối hợp với cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Phòng y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thông báo đến cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý thực hiện kinh doanh thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cơ sở. (Sức khỏe & đời sống, trang 2).

Gần 1.000 mẫu dược phẩm, mỹ phẩm, thuốc y học cổ truyền… không đạt chất lượng

Thời gian qua, các đơn vị trong ngành y tế đã kiểm tra, giám sát 44.826 mẫu dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN), dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Kết quả phát hiện 946 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, 417 mẫu bị đình chỉ lưu hành và thu hồi…

Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch số 1136/KH-BYT tiếp tục triển khai Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Theo đó, từ tháng 11-2018 đến tháng 1-2019, Bộ Y tế thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đánh giá thực trạng hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với lĩnh vực, mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền của một số cơ quan, đơn vị.

Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền tại 18 tỉnh, thành. Ngoài các đoàn liên ngành trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành cũng sẽ kiểm tra hoạt động này…

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng trên trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Bộ Y tế cho biết, từ năm 2017 đến hết 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị trong ngành y tế đã kiểm tra, giám sát 44.826 mẫu dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Trong đó có 946 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, 417 mẫu bị đình chỉ lưu hành và thu hồi, 903 phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi.

Chỉ tính riêng Thanh tra Bộ Y tế từ đầu năm đến nay đã xử phạt vi phạm hành chính 27 cơ sở sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN với tổng số tiền xử phạt trên 983 triệu đồng. (An ninh thủ đô, trang 4).

Siết chặt thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn trục lợi bảo hiểm y tế

Theo số liệu mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố đã sử dụng vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh lý do tăng chi phí khám chữa bệnh do tăng giá viện phí còn có nguyên nhân từ tình trạng trục lợi BHYT.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều bất thường trong khám, chữa bệnh BHYT tại một số bệnh viện, cơ sở y tế tại nhiều địa phương. Dù các cơ quan bảo hiểm xã hội đã quyết liệt xử lý và từ chối thanh toán đối với những chi phí bất hợp lý nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Cập nhật số liệu mới nhất về việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt mức cho phép. Trong đó, chín tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng vượt khoảng 30 % như Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Tại Hà Nội, mới đây, trong buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Hà Nội với Bảo hiểm xã hội Hà Nội, Sở Y tế về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh và công tác quản lý, sử dụng Quỹ BHYT của các cơ sở y tế công lập, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, chín tháng đầu năm, bội chi quỹ BHYT trên địa bàn đã lên đến khoảng 600 tỷ đồng.

Nguyên nhân được chỉ ra, một phần do tăng giá dịch vụ y tế, trong đó có nhiều giá bất hợp lý. Ngoài ra, do thông tuyến khám chữa bệnh và chỉ định thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và chỉ định vào điều trị nội trú không hợp lý.

Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng đã phát hiện một số dịch vụ kỹ thuật có quy trình thực hiện giống nhau nhưng giá khác nhau và chênh lệch nhiều, trong đó các bệnh viện thường lựa chọn dịch vụ kỹ thuật có giá cao hơn để thanh toán.

Bên cạnh đó, cơ cấu giá tính BHYT cho một ngày giường bệnh có cả phòng vệ sinh riêng, có điều hòa bật 24/24 giờ, có chế độ chăm sóc bệnh nhân, tuy nhiên, thực tế đi kiểm tra, bệnh viện không bật điều hòa, cơ sở vật chất và nhân lực không đáp ứng. Đặc biệt là tình trạng bệnh nhân đông y và liên chuyên khoa chỉ nằm viện ban ngày, các khoa khác vắng nhiều, thậm chí ở cả khoa hồi sức tích cực nhưng vẫn chi trả điều trị nội trú…

Nêu giải pháp quản lý quỹ BHYT hiệu quả bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là phải thanh toán đúng đối tượng hưởng, đúng mục đích sử dụng, vừa bảo đảm cân bằng quỹ mà vẫn phải bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh của người dân.

Để việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đúng các quy định hiện hành, các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện nghiêm túc việc gửi dữ liệu lên hệ thống, tổ chức khám chữa bệnh và có kế hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý trong phạm vi dự toán năm 2018 đã được UBND TP Hà Nội giao.

Cơ sở khám chữa bệnh chỉ đề nghị thanh toán các chi phí trong quy định, không đề nghị thanh toán các chi phí ngoài quy định tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo ông Trần Thế Cương, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Hà Nội, trong quá trình giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh cho nhân dân và công tác quản lý sử dụng quỹ BHYT, đoàn giám sát đã tiếp nhận hơn 60 kiến nghị, đề xuất từ các đơn vị.

Để việc quản lý, sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT đạt hiệu quả, ông Trần Thế Cương đề nghị, trong thời gian tới Bảo hiểm xã hội thành phố và Sở Y tế cần phối hợp với nhau trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi người bệnh; giải quyết các vướng mắc trong thanh, quyết toán của các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.

Đồng thời, cần đề xuất với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm thực hiện việc tính đủ cơ cấu giá khám, chữa bệnh và bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên; tiếp tục hoàn chỉnh các quy trình kỹ thuật chuyên môn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh… (An ninh thủ đô, trang 7).

Anh tử vong, em trai nguy kịch vì nghi ngộ độc thực phẩm

Ngày 11.11, Công an TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến 1 bé trai tử vong, 1 cháu khác trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, vào khoảng 11 giờ ngày 10.11, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận 2 bệnh nhân là anh em ruột, gồm: Trần Tuấn Khanh (12 tuổi) và Trần Tuấn Hưng (8 tuổi), trú tại tổ 3, khu 1, P.Yết Kiêu, TP.Hạ Long, nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, co giật, đồng tử giãn.

Tuy đã được các bác sĩ dùng các biện pháp cấp cứu nhưng cháu Khanh đã tử vong sau đó ít giờ, còn cháu Hưng trong tình trạng nguy kịch.

Đến chiều tối 10.11, cháu Hưng được chuyển lên điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội trong tình trạng hôn mê sâu.

Theo gia đình nạn nhân, các cháu nhập viện sau khi ăn sáng ở một quán gần nhà. Đến buổi trưa cùng ngày thì bị đau bụng cấp, có hiện tượng nôn mửa.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã lấy mẫu máu, dịch dạ dày gửi xét nghiệm độc chất, dự kiến đến ngày 12.11 sẽ có kết quả. (Thanh niên, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/8/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 09/12/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận