Điểm báo ngày 15/2/2022

(CDC Hà Nam)
Nên xem Covid -19 là bệnh thông thường, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K; Lần đầu số ca nhiễm Covid -19 tại nước ta vượt mức 29.000 ca/ngày; Tranh luận xung quanh việc có nên xem Covid-19 như một loại bệnh chuyên khoa; Số ca mắc Covid-19 trong ngày của Hà Nội vọt lên 3.500 ca với gần 600 ca nặng…

 

Nên xem Covid -19 là bệnh thông thường, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K

Nhiều bạn đọc ủng hộ việc đến lúc nên xem Covid -19 là bệnh chuyên khoa thông thường, nhưng cũng lưu ý: Vẫn phải tiếp tục thực hiện 5K chặt chẽ và không chủ quan, lơ là với dịch bệnh này.
Như Thanh Niên đã đưa tin, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhìn nhận: “Phòng chống dịch tại Việt Nam đang đi con đường đúng đắn là chuyển hướng từ zero Covid sang thích ứng an toàn. Hiện nay, với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron càng cho thấy, chúng ta không có hy vọng zero Covid được nữa”.
PGS Hiếu phân tích thêm: “Hiện trong nước đã tiêm bao phủ rộng vắc xin Covid-19; sự xuất hiện của Omicron đã không còn gây bệnh tăng nặng như chủng Delta và đặc biệt là hệ thống y tế đã bắt đầu thích ứng với dịch bệnh… Đó là các yếu tố, điều kiện để chúng ta xếp Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa khác”.

Với góc nhìn là người làm công tác về y tế dự phòng, nguyên là Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), PGS-TS Nguyễn Huy Nga cho rằng đại dịch Covid-19 hiện vẫn còn khó đánh giá, quy luật của vi rút này lại khá đặc biệt và vẫn có các biến thể mới. Tuy nhiên, với tiến độ phủ vắc xin như hiện nay của Việt Nam, vi rút gây dịch Covid-19 có thể sẽ không hoàn toàn bị xóa sổ mà trở thành mầm bệnh đặc hữu như cúm mùa – là bệnh đặc hữu thông thường, như một bệnh chuyên khoa truyền nhiễm khác, khi đủ điều kiện “chuyển dịch” sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), muốn xem Covid-19 như bệnh cúm thông thường thì TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung nên triển khai tiêm vắc xin bao phủ cho những người chưa tiêm. Theo bác sĩ Khanh, nơi nào đã tiêm ngừa đầy đủ thì xem bệnh này như cúm mùa, còn ngược lại, chưa tiêm đầy đủ thì không nên xem như cúm mùa.

“Mọi chuyện có thể coi là bình thường rồi !”

Nhiều bạn đọc (BĐ) ủng hộ ý kiến của các chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc nên xem Covid-19 là bệnh chuyên khoa thông thường. BĐ Tiến Thành chia sẻ: “Các chuyên gia y tế đã nói như thế, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm qua các đợt dịch vừa qua, và cách ứng phó của nhiều nước trên thế giới, tất cả cho thấy đã đến lúc chúng ta nên xem Covid-19 là bệnh thông thường hay là cúm mùa. Cách đếm số ca nhiễm, truy vết F0, F1, F2 giờ không còn phù hợp nữa. Giờ chúng ta cần tập trung kéo giảm các ca nặng, ca tử vong, tiếp tục phủ vắc xin ở những nơi còn tỷ lệ tiêm mũi 3 chưa cao. Mọi chuyện có thể coi là bình thường rồi!”.

Cùng quan điểm, BĐ Tuan Tran Minh cũng cho rằng: “Thực tế nên xem là bệnh thông thường được rồi. Chúng ta đã tiêm 2, 3 mũi vắc xin. Các bệnh thông thường với người thông thường cũng gây chết người chứ đâu phải có mỗi Covid-19 mới gây chết người đâu?”. BĐ Nguyễn Song Giang cho biết thêm: “Chúng ta đã tiêm vắc xin Covid-19 gần như bao phủ toàn dân. Hiện nay đa số người bệnh có triệu chứng nhẹ, tỷ lệ người tử vong thấp, có thể ngành y tế nên xem đây là một bệnh loại B, giảm áp lực đối phó. Tuy nhiên, bà con ta vẫn phải cảnh giác, chấp hành nghiêm 5K”.

Không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K

Một số BĐ cũng chỉ ra có hiện tượng chủ quan, lơ là ở nhiều người. BĐ khanhhoatrinhxxxx@yahoo.com bày tỏ lo lắng: “Quan trọng là phải thực hiện 5K và khuyến khích người dân thực hiện chặt chẽ chứ không chủ quan. Nhiều người dân chỉ thực hiện khi bị bắt buộc… Từ trước tết khoảng 1 tuần cho đến nay, trên đường phố, trong khu chung cư, khu thương mại… đã thấy nhiều người bỏ đeo khẩu trang hoặc chỉ đeo đối phó. Còn khoảng cách thì cứ nhìn vào những quán ăn, quán cà phê, quán nhậu và bãi biển thì biết ngay”.

BĐ Anh Kiệt cũng đề nghị: “Đã thấy nhiều người ra đường “quên” đeo khẩu trang, hoặc đeo mà không kéo lên che miệng, mũi. Vấn đề là ai cũng thấy, mà sao không thấy ai phạt cả? Cần coi Covid-19 là bệnh thông thường, nhưng vẫn phải phạt nặng những người không đeo khẩu trang chứ?”. (Thanh niên, trang 9).

 

Lần đầu số ca nhiễm Covid -19 tại nước ta vượt mức 29.000 ca/ngày

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 29.413 ca nhiễm mới, trong đó có 10 ca nhập cảnh và 29.403 ca tại 63 tỉnh, thành phố (tăng 3.031 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Lạng Sơn (tăng 1.198 ca), Gia Lai (tăng 579 ca), Hà Nội (tăng 567 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Nam Định (giảm 532 ca), Đắk Lắk (giảm 300 ca), Quảng Trị (giảm 168 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 25.918 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 13-2 đến 16h ngày 14-2, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 29.413 ca nhiễm mới, trong đó, có 10 ca nhập cảnh và 29.403 ca ghi nhận trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (có 20.924 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (3.507), Hải Dương (1.915), Hải Phòng (1.489), Nghệ An (1.385), Lạng Sơn (1.379), Nam Định (1.362), Thái Nguyên (1.275), Phú Thọ (1.053), Vĩnh Phúc (982), Ninh Bình (970), Bắc Ninh (922), Hòa Bình (897), Quảng Ninh (892), Đà Nẵng (787), Thanh Hóa (776), Bắc Giang (664), Quảng Nam (587), Gia Lai (579), Thái Bình (540), Hưng Yên (539), Bình Phước (469), Bình Định (437), Lào Cai (429), Sơn La (428), Quảng Bình (406), Yên Bái (347), Đắk Nông (309), Lâm Đồng (307), Quảng Trị (302), Phú Yên (288), thành phố Hồ Chí Minh (285), Bà Rịa – Vũng Tàu (282), Đắk Lắk (235), Khánh Hòa (209), Hà Nam (201), Thừa Thiên Huế (200), Quảng Ngãi (165), Hà Tĩnh (159), Kon Tum (155), Cao Bằng (153), Cà Mau (145), Tuyên Quang (136), Lai Châu (118), Điện Biên (117), Hà Giang (100), Bắc Kạn (81), Bình Thuận (76), Bình Dương (63), Kiên Giang (50), Vĩnh Long (35), Đồng Nai (31), Bến Tre (29), Bạc Liêu (24), Trà Vinh (23), Tây Ninh (21), Đồng Tháp (18), Cần Thơ (14), Sóc Trăng (12), Ninh Thuận (12), Long An (10), Hậu Giang (9), Tiền Giang (7), An Giang (6).

Ngoài ra, Việt Nam đã ghi nhận 198 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại 16 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.540.273 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 25.723 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.533.101 ca, trong đó có 2.230.130 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là thành phố Hồ Chí Minh (516.136), Bình Dương (293.363), Hà Nội (172.021), Đồng Nai (100.094), Tây Ninh (88.770).

Về tình hình điều trị, có thêm 6.193 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.232.947 ca. Ngoài ra, có 2.640 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 13-2 đến 17h30 ngày 14-2, ghi nhận 91 ca tử vong tại 29 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (1), Hà Nội (19), Đà Nẵng (11 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (8 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (7 ca trong 2 ngày), Nam Định (7 ca trong 2 ngày), Hải Dương (5 ca trong 2 ngày), Vĩnh Long (5), Trà Vinh (3), An Giang (2), Đồng Tháp (2), Hòa Bình (2 ca trong 2 ngày), Sóc Trăng (2), Thanh Hóa (2 ca trong 2 ngày), Bắc Giang (1), Bắc Ninh (1), Bình Định (1), Bình Dương (1), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), Đắk Nông (1), Hà Giang (1), Khánh Hòa (1), Nghệ An (1), Ninh Bình (1), Quảng Bình (1), Quảng Nam (1), Tây Ninh (1), Thái Nguyên (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 88 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.037 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN). (Hà Nội mới, trang 7; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Nâng chất trạm y tế

Sở Y tế TP. HCM vừa có tờ trình nghị quyết đề xuất các cơ chế chính sách mang tính đặc thù, khác biệt và không trùng lắp với các quy định hiện hành nhằm củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở trong giai đoạn mới, sau nhiều lần tiếp thu ý kiến từ các bộ, cơ quan, ban ngành của TP. HCM … (chi tiết xem báo Tuổi trẻ, trang 2).

 

Tranh luận xung quanh việc có nên xem Covid-19 như một loại bệnh chuyên khoa

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã đến lúc xem Covid-19 là bệnh chuyên khoa chứ không phải bệnh dịch nguy hiểm nhóm A, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm này…

Trao đổi với báo chí cuối tuần qua, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phân tích, hiện tỷ lệ tiêm bao phủ vaccine Covid-19 ở nước ta đã đạt mức cao, sự xuất hiện của Omicron không gây bệnh tăng nặng như chủng Delta và đặc biệt là hệ thống y tế đã bắt đầu thích ứng với dịch bệnh…

Vì thế, có thể xếp Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa khác và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự khi người dân bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Việc thanh toán, chi trả tiền khám chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng, đến thời điểm này Covid-19 không nên xem là đại dịch nữa mà xem như một bệnh chuyên khoa. Người dân không nên hoang mang vì những người đã tiêm vaccine rồi nếu mắc bệnh sẽ bị nhẹ hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tuân thủ 5K, không hoang mang nhưng cũng đừng chủ quan…

Về các ý kiến trên, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nêu quan điểm khác. Ông cho rằng ở thời điểm hiện tại vẫn chưa nên đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A, và coi nó như một bệnh truyền nhiễm thông thường.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, thông thường với các bệnh truyền nhiễm, để có thể đưa ra khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: Khả năng miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và đặc biệt vấn đề tác động nghiêm trọng và nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội…

Trên thực tế hiện nay nếu đưa Covid-19 trở về bệnh truyền nhiễm thông thường, dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục lây nhiễm, vẫn có ca chuyển biến nặng, ca tử vong và trực tiếp gây áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt hiệu quả phòng bệnh của vaccine phòng Covid-19 ở mức nhất định chưa bao phủ đồng đều trên thế giới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu…Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu.

“Ở thời điểm hiện tại, Covid-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Do đó, theo tôi vẫn chưa thể xem đây là bệnh truyền nhiễm thông thường” – PGS Phu nêu quan điểm. (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

Số ca mắc Covid-19 trong ngày của Hà Nội vọt lên 3.500 ca với gần 600 ca nặng

Bản tin Covid-19 ngày 14/2 của Hà Nội cho biết, trong 24 giờ qua, TP phát hiện thêm 3.507 ca bệnh mới, trong đó có 557 ca cộng đồng.

Trong nhiều ngày gần đây, số mắc hàng ngày của Hà Nội dao động trong khoảng 2.700- gần 3.000 ca.

Bệnh nhân phân bố tại 477 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (160); Chương Mỹ (154); Đống Đa (137); Nam Từ Liêm (125); Bắc Từ Liêm (110)

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 175.245 ca.

Tới hết ngày 13/2, tại Hà Nội (bệnh viện Trung ương và thành phố) đang có hơn 87.800 F0 đang điều trị, tăng hơn 3.400 F0 so với ngày 12/2.

Trong đó có hơn 83.500 F0 đang điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm 95%), tăng hơn 7.100 ca so với ngày 12/2. Ngoài ra, có 747 ca đang điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố và quận, huyện.

3.138 bệnh nhân ( chiếm 3,5%) điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3), tăng 144 ca. Số còn lại 338 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Y tế tới hết ngày 13/2, Hà Nội đang có 2.072 ca bệnh F0 mức độ trung bình (tăng 29% so với trung bình 7 ngày trước). Số bệnh nhân nặng, nguy kịch là 595 ca, giảm 1%, riêng số bệnh nhân phải thở máy là 517 ca. (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

Bộ Quốc phòng thành lập Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM

Ngày 14-2, Viện Y học cổ truyền Quân đội (Bộ Quốc phòng) thành lập Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và vừa tại TPHCM.

Đến dự lễ thành lập có Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo các đơn vị Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TPHCM, lãnh đạo sở – ban – ngành và quận, huyện TPHCM.

Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và vừa được chuyển đổi công năng từ Phân viện Y học cổ truyền Quân đội TPHCM (toạ lạc tại quận 6) với quy mô 300 giường bệnh (có thể nâng cấp lên 500 giường), hoạt động chính thức từ ngày 16-2.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu, bệnh viện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của TPHCM để kịp thời tiếp nhận, thu dung điều trị người bệnh mắc Covid-19. Ngoài điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nhẹ và vừa, bệnh viện tham gia điều trị bệnh nhân hậu Covid-19, nhất là những người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu, bệnh viện chủ động kết hợp, ứng dụng y học cổ truyền trong điều trị, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong điều trị bệnh. Đồng thời, toàn thể cán bộ, đội ngũ quân y của bệnh viện hết lòng hết sức chăm sóc điều trị, quan tâm, gần gũi, chăm lo, chia sẻ những khó khăn cả về vật chất lẫn tin thần đối với người bệnh theo đúng tinh thần “vì nhân dân phục vụ”.

Trước đó, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 tại TPHCM, vào ngày 5-9-2021, Bộ Quốc phòng đã thành lập Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5G tại Phân viện Y học cổ truyền Quân đội TPHCM để điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch với quy mô 300 giường.

Qua 2 tháng tham gia điều trị, bệnh viện đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch được chuyển đến, góp phần cùng với TPHCM khống chế, kiểm soát được dịch Covid-19. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc COVID-19 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Bộ Y tế nêu rõ, F0 điều trị tại nhà sẽ được kê các thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng virus; riêng thuốc chống đông và chống viêm sẽ không được phát sẵn mà do bác sĩ kê đơn và chỉ dùng một ngày trong khi chờ chuyển đến viện… (chi tiết xem báo Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

Chiều 14/2: Cả nước đã tiêm 186 triệu liều vaccine

Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 14h30 ngày 11/2 cho biết cả nước đã tiêm tổng cộng 186,001,127 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 13/2, cả nước tiêm 476,747 liều vaccine phòng COVID-19

Đến ngày 13/2, số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 169.300.315 liều: Mũi 1: 70.742.881 liều; Mũi 2: 68.201.178 liều ; Mũi bổ sung: 11.731.378 liều; Mũi 3: 18.624.878 liều

Có 53/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; 10/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% – dưới 90% gồm: Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Phú Yên, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương.

Số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.430.819 liều, gồm mũi 1: 8.469.132 liều; Mũi 2: 7.961.687 liều.

42/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 cho trẻ trong độ tuổi này trên 90%; 13/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90%; hiện chỉ còn 8/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 cho trẻ từ 57% – dưới 80% .

Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu các địa phương tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022; rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; bảo đảm an toàn tiêm chủng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Uốn ván nguy kịch vì giẫm phải đinh mà không chịu đi khám

Bệnh nhân L. cho biết, hơn 10 ngày trước khi vào viện có giẫm phải một chiếc đinh cũ. Do chủ quan thấy vết thương nhỏ lành miệng sớm nên không để ý, đến khi cứng hàm, khó nuốt mới đi khám.
ThS.BS Bùi Thị Dương Thảo – Trưởng khoa Thăm dò Chức năng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, mới đây các bác sĩ đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị L. (sinh năm 1958, Hà Đông, Hà Nội) vào khám với lý do khó nuốt.

Bệnh nhân vào khám trong tình trạng tỉnh táo, khỏe mạnh, chỉ có một triệu chứng là nuốt khó nên được bác sĩ phòng khám chỉ định nội soi dạ dày tại Khoa Thăm dò chức năng.

Theo quy định trước khi tiến hành nội soi bác sĩ đều hỏi các triệu chứng của người bệnh gặp phải trong khoảng thời gian gần nhất thì thấy bệnh nhân này chủ yếu là khó nuốt và rất khó mở rộng miệng. Với kinh nghiệm thăm khám, bác sĩ nhận thấy đây không phải là trường hợp khó nuốt thông thường. Khi khai thác kỹ tiền sử người bệnh cho biết, hơn 10 ngày trước có giẫm phải một chiếc đinh cũ, do chủ quan thấy vết thương nhỏ lành miệng sớm nên không để ý, khi bác sĩ gợi ý các câu hỏi mới nhớ ra.

Sau khi thăm khám triệu chứng thực thể về dấu hiệu cứng hàm, bác sĩ nhận định người bệnh bị uốn ván – một căn bệnh nguy hiểm đang ở giai đoạn sớm ủ bệnh. Các bác sĩ quyết định dừng lại không thực hiện kỹ thuật nội soi để tránh tai biến khi ống soi đi qua những vùng cơ bị co thắt sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh.

Ngay sau đó bác sĩ chỉ định chuyển bệnh nhân sang khoa Cấp cứu để có hướng xử trí cấp cứu kịp thời đồng thời bệnh nhân được chuyển ngay ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại đây các bác sĩ cho biết nếu để chậm 1 đến 2 ngày thì nguy cơ tử vong của bệnh nhân là rất cao.

Những ngày đầu sau khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng nặng có nhiều cơn co giật, chân tay không cử động được, đại tiểu tiện qua sonde. Qua quá trình điều trị tích cực, đến nay bệnh nhân đã qua cơn hiểm nghèo, hết co giật, chân tay đã cử động được. Dự kiến, khoảng vài ngày nữa bệnh nhân có thể xuất viện được về nhà.

Qua trường hợp bệnh nhân L., bác sĩ Thảo khuyến cáo, dù vết thương rất nhỏ như trầy xước da, đứt tay, côn trùng cắn, giẫm phải đinh… nhưng nếu chủ quan và xử lý ban đầu không tốt thì tỷ lệ nhiễm trùng do uốn ván rất cao.

Do vậy, người dân hãy cảnh giác trước những triệu chứng có thể rất thông thường nhưng lại là khởi đầu của căn bệnh nguy hiểm dễ dẫn đến chết người nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời của bác sĩ chuyên khoa.

Phòng bệnh uốn ván có khó?

Theo các bác sĩ, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra ngay cả khi vết thương đã lành. Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao (25 – 90%). Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật.

Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.

Người dân cần cảnh giác phòng tránh bệnh uốn ván. Phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván để phòng uốn ván khi sinh. Đưa trẻ nhỏ đi tiêm chủng đúng lịch để phòng bệnh. Khi bị vết thương, đặc biệt vết thương bẩn cần xử lý đúng cách, rửa vết thương bằng nước sạch để trôi chất bẩn; rửa lại vết thương bằng nước ôxy già từ 3-4 lần; sát trùng bằng cồn iod tại vết thương và quanh vết thương; dùng băng vô khuẩn để băng vết thương, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để khám và tiêm phòng uốn ván. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 07/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/11/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/11/2020

CDC Hà Nam