Điểm báo ngày 12/8/2021

(CDC Hà Nam)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bằng mọi biện pháp để mua vắc-xin nhiều nhất; Hơn 1 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19; TP.HCM đang đàm phán mua 5 triệu liều vắc xin Moderna; Con trẻ trong vòng xoáy đại dịch COVID-19; Bộ Y tế yêu cầu công ty niêm yết gấp đôi giá máy thở phải giải trình gấp

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bằng mọi biện pháp để mua vắc-xin nhiều nhất

Chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ để thảo luận về công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội, chiều 11/8, Thủ tướng yêu cầu bằng mọi biện pháp để mua được vắc-xin nhiều nhất.

Dịch có thể kéo dài

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, nhất là tại TP HCM. Tại các địa phương khác nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do số lượng lớn trường hợp đã đi về từ vùng dịch. Nguyên nhân do biến thể Delta với khả năng lây lan rất nhanh và mạnh, có thể lây trong không khí và phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn.

Về tình hình kinh tế- xã hội, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, do diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19 trong tháng 7 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam, khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ. Điều này khiến cho đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề…

Đẩy mạnh chiến lược vắc-xin

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh hiện diễn biến hết sức phức tạp; những hành động của chúng ta trong giai đoạn này mang tính quyết định đối với công tác phòng, chống và kiểm soát dịch. Vì vậy, cần tranh thủ tối đa thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 để tập trung khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng, xác định các F0 để có hướng xử lý phù hợp theo mô hình tháp nhiều tầng. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 86 của Chính phủ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vắc-xin bằng mọi biện pháp để mua vắc-xin nhiều nhất, sớm nhất có thể.

Về tình hình kinh tế- xã hội, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn kết với tiêu thụ nông sản; bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Cùng với đó chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh; thực hiện tốt chính sách với người có công. Có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những nơi có dịch theo hướng thích nghi với điều kiện mới, “vừa sản xuất, vừa chống dịch” (Tiền phong, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Hơn 1 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19

Theo thông báo của Bộ Y tế, trong ngày 11.8 có 8.766 ca mắc Covid- 19 mới, gồm 14 ca nhập cảnh và 8.752 ca ghi nhận trong nước tại 33 tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM có 3.416 ca, Bình Dương 1.897 ca, Đồng Nai 979 ca, Long An 963 ca, Tây Ninh 263 ca, Đồng Tháp 191 ca, Bà Rịa-Vũng Tàu 181 ca, Tiền Giang 177 ca, Cần Thơ 103 ca, Khánh Hòa 102 ca, Hà Nội 40 ca. Các địa phương khác mỗi nơi có 1 – 68 ca. 1.786/8.752 ca ghi nhận trong cộng đồng. Theo Bộ Y tế, từ đầu dịch (tháng 1.2020) đến nay, Việt Nam có 236.901 ca nhiễm (2.381 ca nhập cảnh và 234.520 ca nhiễm trong nước); 85.154 ca được điều trị khỏi. Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ 27.4) đến nay có 232.950 ca lây nhiễm trong nước, trong đó 82.380 bệnh nhân (BN) đã được công bố khỏi bệnh (ngày 11.8 có 4.806 BN). Về tiến độ tiêm, hơn 11,34 triệu liều đã tiêm (10,3 triệu liều tiêm mũi 1 và hơn 1 triệu liều tiêm mũi 2).

Theo BYT, chiều 11.8, trên hệ thống thông tin thu dung điều trị BN Covid-19 ghi nhận 342 ca tử vong (là các ca số 4.146 – 4.487), trong đó TP.HCM ghi nhận 261 ca, Cần Thơ 24 ca, Bình Dương 22 ca, Đồng Nai 11 ca, Đồng Tháp và Long An mỗi tỉnh ghi nhận 10 ca, Tiền Giang 2 ca, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu mỗi địa phương ghi nhận 1 ca (Thanh niên, trang 5; Tiền phong, trang 4).

 

TP.HCM đang đàm phán mua 5 triệu liều vắc xin Moderna

Ngày 11.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản báo cáo BYT về việc mua, nhập khẩu vắc xin phòng Covid- 19 nhằm làm rõ một số đề nghị của Bộ cách đó 2 ngày. Về tiến độ đàm phán và mua vắc xin Moderna, ông Đức cho biết sau khi được PTT Vũ Đức Đam chấp thuận, UBND TP.HCM đã phát hành thư giới thiệu Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) và Tập đoàn VinaCapital tiến hành đàm phán với Công ty TNHH Zuellig Pharma là đại diện nhà sản xuất vắc xin để mua 5 triệu liều. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng họp nhiều lần với Tập đoàn VinaCapital và các bên có liên quan, thông qua các nội dung dự thảo Biên bản ghi nhớ giữa UBND TP.HCM, Công ty Sapharco, Công ty TNHH Zuellig Pharma, Tập đoàn VinaCapital về việc mua vắc xin Moderna.

Hiện Công ty Sapharco đã ký bản điều khoản cơ bản cho việc cung cấp vắc xin Moderna MRNA-1273 và đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng để mua 5 triệu liều vắc xin, các quy định về bảo mật nội dung hợp đồng để thương thảo và ký hợp đồng chính thức. Nếu hợp đồng được ký kết thì lịch giao vắc xin dự kiến vào quý 4/2021 hoặc quý 1/2022. Ngoài ra, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco đang tiếp tục thương lượng và yêu cầu đối tác đảm bảo cung ứng tối thiểu 2 triệu liều giao trong tháng 10.2021. Đồng thời tiếp tục đàm phán để mua ít nhất 10 triệu liều vắc xin mũi tăng cường và giao trong đầu quý 2/2022. UBND TP.HCM nhìn nhận mũi thứ hai rất quan trọng, hiện nhiều nước đã đặt hàng.

UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế có chủ trương chính thức cho phép Tập đoàn VinaCapital thực hiện hợp tác công tư, tổ chức thu phí tiêm vắc xin theo cơ chế “mua 5 liều vắc xin sẽ tặng xã hội 1 liều” đồng thời ban hành quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng. Lý do là hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức tiêm cho các đối tượng có nhu cầu và tự chi trả chi phí tiêm chủng. Ngoài ra, Bộ Y tế có thể tổng hợp nhu cầu vắc xin Moderna của các địa phương khác nhằm tăng số lượng đặt hàng vắc xin gồm 5 triệu liều chính và 10 triệu liều tăng cường để thúc đẩy giao hàng sớm và có thể giảm giá mua cũng như xem xét ký bản cam kết miễn trừ trách nhiệm khi có yêu cầu từ nhà sản xuất, nhà cung ứng vắc xin. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng vừa ký văn bản phản hồi UBND TP.HCM về việc kiểm định 1 triệu liều vắc xin Vero Cell nhập khẩu về TP cuối tháng 7.2021. Ngày 31.7, Công ty Sapharco làm thủ tục nhập khẩu thông quan tại SB Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và tiếp nhận 4 lô vắc xin với tổng số lượng 1 triệu liều, bảo quản tại kho của công ty. 4 ngày sau đó, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đã kiểm định chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng vắc xin, sinh phẩm y tế. Do đó, các lô vắc xin này đủ điều kiện để đưa ra sử dụng; TP.HCM có thể triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Lô vắc xin nói trên được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hỗ trợ đàm phán giá, tài trợ toàn bộ kinh phí mua và các chi phí liên quan đồng thời không có đề xuất gì kèm theo. Bên cạnh sử dụng cho người dân trên địa bàn, UBND TP.HCM cũng đề nghị Bộ Y tế cho phép san sẻ với một số tỉnh, thành có nhu cầu (Thanh niên, trang 5; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Con trẻ trong vòng xoáy đại dịch COVID-19

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 diễn ra trên địa bàn TPHCM đang để lại nhiều đau thương cho cả xã hội. Dịch bệnh đã tấn công mọi người ở mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ em. Cộng đồng đang nỗ lực đến mức cao nhất. Nhưng những mất mát đau thương không tránh khỏi.

Bỗng nhiên mồ côi

Trung tuần tháng 7/2021, trong cơn mưa tầm tã, cậu bé tên Kem (9 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 4 do các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố trực tiếp quản lý và vận hành. Cháu khóc nức nở từ trên xe cứu thương cho đến lúc bước vào căn phòng cũ kỹ của khu tái định cư vừa được trưng dụng tạm để làm phòng bệnh. Cậu bé ngây thơ đang gánh chịu nỗi đau quá lớn bởi chỉ một ngày trước đó, cả gia đình cậu được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Tình trạng bệnh diễn tiến nhanh khiến mẹ của Kem là một giáo viên vốn khỏe mạnh đã bị quật ngã. Chị trút hơi thở cuối cùng tại cổng bệnh viện địa phương trong sự bất lực của nhân viên y tế.

Trong lúc người cha gắng gượng để lo tang lễ và chăm sóc bà nội cũng trong cơn nguy kịch phải chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương thì Kem phải chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 4 để được theo dõi, điều trị cùng người cậu ruột. Biết câu chuyện đau lòng vừa xảy đến với con, những ngày qua, bé Kem càng được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, sức khỏe bình phục. Hiện cháu đã có kết quả xét nghiệm hai lần âm tính và chuẩn bị được rời bệnh viện trở về bên gia đình.

Đau đớn hơn bé Kem là tình cảnh bi thương của chị em bé Khánh Nhi (13 tuổi) và Lâm Hùng (7 tuổi). Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố bùi ngùi chia sẻ, các con đang có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc thì thảm kịch xảy ra. Cả gia đình 5 người gồm với 3 thế hệ sống trong chung cư ở quận 10 được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 23/7 người cha của các bé đã vĩnh viễn ra đi vì bệnh đột ngột diễn tiến nặng. Tưởng đau thương rồi sẽ qua nhưng 4 ngày sau, đến lượt mẹ và ông nội của các bé trút hơi thở cuối cùng, đẩy hai đứa trẻ vào cảnh mồ côi.

Sau khi lo hậu sự cho người quá cố, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng y tế đưa hai trẻ đang dương tính trong cảnh bơ vơ vào Bệnh viện Dã chiến số 4. Sau nỗ lực của các y bác sĩ, ngày 9/8 chị em bé Khánh Nhi được xuất viện. Do không còn cha mẹ và người thân ở TPHCM, bệnh viện đã phải liên hệ với ông bà ngoại của các bé từ Đồng Nai lên đón các cháu. Họ đã nuốt nước mắt vào trong nói lời cảm ơn các bác sĩ, rồi đưa hai đứa trẻ tội nghiệp lên chuyến xe 0 đồng về quê.

Trẻ có thể đối mặt với sang chấn tâm lý

Ngoài nhiệm vụ thu dung điều trị cho bệnh nhân COVID-19 là người lớn, Bệnh viện Dã chiến số 4 đang chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhi mắc COVID-19 trên địa bàn TPHCM. Theo TS.BS Hồ Tấn Thanh Bình, Phó Giám đốc bệnh viện, cơ sở này đang được vận hành bởi 131 bác sĩ và nhân viên y tế, kỹ thuật viên đến từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ, tiếp sức của lực lượng y tế quận Bình Tân (11 người), Viện Y học Cổ truyền (28 người) và ngành y tế tỉnh Phú Thọ (51 người). Ngoài ra tại đây còn có 232 quân nhân, dân quân do Bộ Tư lệnh TPHCM chi viện cùng tham gia thiết lập, vận hành.

Với chuyên môn điều trị nhi khoa, thời gian qua Bệnh viện Dã chiến số 4 thu dung, điều trị rất nhiều F0 là bệnh nhi. Hơn một tháng qua bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 600 trẻ nhập viện. Trong số 2.130 ca mắc COVID-19 đang điều trị tại đây, có 201 bé dưới 6 tuổi, 365 trẻ từ 6 đến 16 tuổi. Đặc biệt, trường hợp nhỏ tuổi nhất được bệnh viện tiếp nhận là bé sơ sinh mới 10 ngày tuổi.

Người đang trực tiếp phụ trách các vấn đề chuyên môn tại Bệnh viện Dã chiến số 4 là Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Bác sĩ Trần Nam chia sẻ, đặc thù Bệnh viện Dã chiến 4 không chỉ nhận người lớn mà nhận cả các em bé mắc COVID-19.

Ngoài những đặc thù về mặt chuyên môn BS Trần Nam cho biết, việc chăm sóc cho bệnh nhi đòi hỏi chế độ về dinh dưỡng phải đảm bảo để các bé có được sức khỏe, sức đề kháng tốt nhất. Việc sàng lọc các biến chứng nếu có dấu hiệu xuất hiện cần được thực hiện càng sớm càng tốt, do đó các bác sĩ phải liên tục theo dõi hỗ trợ vì bệnh nhi thường không nhận biết được các dấu hiệu của mình để báo cho y bác sĩ. BS Trần Nam đặc biệt lưu ý tới vấn đề tâm lý ở trẻ khi nhiều bé đã vĩnh viễn mất đi người thân. Cú sốc quá lớn khi không còn cha mẹ sẽ khiến trẻ dễ rơi vào trầm cảm, lo âu, ảnh hưởng tới cả thể xác và tinh thần. Ngoài điều trị bệnh lý , chính các bác sĩ tại bệnh viện đã vào vai “mẹ hiền” của bệnh nhi để hỗ trợ nâng đỡ điều trị tâm lý giúp các bé vượt qua nỗi đau và nghịch cảnh của gia đình. Sau khi xuất viện, các bé cũng rất cần được người thân quan tâm chia sẻ để có được cuộc sống tốt nhất (Tiền phong, trang 4).

 

Bộ Y tế yêu cầu công ty niêm yết gấp đôi giá máy thở phải giải trình gấp

Ngày 11/8, Bộ Y tế đã có văn bản số 6546/BYT-TB-CT gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế An Sinh đề nghị làm rõ việc chênh lệch giá máy thở gấp đôi so với thực tế. Công văn của Bộ Y tế cho biết, trong ngày 11/8, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nhận được thông tin phản ánh máy thở (model MV2000 EVO5, hãng sản xuất: Mekics Co., Ltd., Hàn Quốc) được Công ty công khai giá trên cổng thông tin điện tử https://congkhaiyte.moh.gov.vn là: 960.500.000 VND/1 máy. Tuy nhiên, theo nguồn tin trên, tại cùng thời điểm báo giá (cùng loại, cùng hãng, model máy thở trên) do phía công ty cung cấp cho các đơn vị là: 455.000.000 VND/1 máy. Chênh lệnh giá này (nếu có) là quá lớn, làm ảnh hưởng đến việc tra cứu, lập kế hoạch của các đơn vị mua sắm và giảm hiệu quả của việc công khai giá.

Bộ Y tế đã có văn bản số 5159/BYT-TB-CT ngày 28/9/2020 hướng dẫn việc thực hiện công khai giá và chủ thể thực hiện công khai giá chịu trách nhiệm về “Giá niêm yết là giá bán do chủ thể thực hiện công khai giá quyết định kèm với thông tin về cấu hình, tính năng kỹ thuật và thuế, phí các dịch vụ cơ bản tương ứng (bảo hành, vận chuyển, lắp đặt, đào tạo, hướng dẫn sử dụng, các loại thuế, phí, …), ngoài ra có các thông tin liên quan như giá linh kiện, phụ kiện thay thế chính, giá dịch vụ bảo trì sau bảo hành…”.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, toàn bộ hệ thống chính trị trên cả nước đang tập trung cho công tác phòng chống dịch. Ngày 6/8/2021, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong đó có quy định về việc áp dụng giá công khai của các đơn vị làm cơ sở thực hiện lập kế hoạch mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ phòng chống dịch. Bộ Y tế đề nghị Công ty khẩn trương, nghiêm túc rà soát và có báo cáo giải trình rõ lý do công bố giá cao đột biến (chênh lệch tới khoảng 210% so với giá báo giá). Công văn giải trình, làm rõ đề nghị gửi về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế), địa chỉ: tầng 6 nhà B, 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội, email: dmec@moh.gov.vn – Điện thoại liên hệ: 02462732272 trước 17h00 ngày 13/8/2021. Bộ Y tế nhấn mạnh: Nếu quá thời gian trên, Công ty không có giải trình, Bộ Y tế sẽ thực hiện việc tạm dừng tài khoản, thông tin công bố giá của Công ty trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế (Tiền phong, trang 5).

Ở nơi F0 ‘không phải bệnh nhân’

hoác chiếc balo đựng quần áo lên nhận giường cách ly xong, ông Vũ Tuấn Minh (50 tuổi, F0) thong thả đi ra hành lang leo lên chiếc máy thể dục đã được chuẩn bị sẵn từ trước để vận động: “F0 cách ly như vậy có gì đáng sợ đâu. Cố gắng tập thể dục nâng cao thể trạng để hồi phục nhanh thôi”, ông Minh nói. Ông Minh cùng hàng trăm F0 khác ở quận Tân Phú được chuyển đến trường THPT Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, nơi vừa được trưng dụng để làm khu cách ly tập trung có quy mô 600 giường dành cho F0 không triệu chứng, không bệnh nền vào ngày 29/7.

Điều dưỡng cẩn thận chuẩn bị từng phần quà cho bệnh nhân

Hơn 4 giờ chiều, những chuyến xe chở F0 lần lượt dừng trước cổng, dưới trời mưa lất phất. Nghe nhân viên y tế đọc tên, từng người trên xe lần lượt xuống xếp hàng giãn cách, chờ khám sàng lọc và làm thủ tục nhận phòng cách ly. Nhân viên y tế cẩn thận hỏi kỹ từng người về tiền sử bệnh, đo thân nhiệt, nhịp tim, huyết áp. Những người có dấu hiệu bất thường về sức khỏe sẽ được yêu cầu ngồi nghỉ 30 phút để kiểm tra lại hoặc chuyển đến khu cách ly điều trị COVID-19 khác. Tại khu cách ly, các phòng học được dọn dẹp sạch sẽ, bàn ghế học sinh được dời đi nơi khác. Mỗi F0 được bố trí một chiếc giường xếp nằm cách nhau 2m và khu vực để đồ dùng cá nhân. Sau gần 30 phút làm thủ tục, ông Vũ Tuấn Minh cùng những F0 khác đi bộ lên tầng 2 để nhận phòng, dọc đường đi, thấy hành lang được trang bị đủ loại máy tập thể dục, ông Minh không khỏi ngạc nhiên vì khu cách ly khác xa với tưởng tượng của ông. “Lâu nay nghe nói đi cách ly tập trung là ghê lắm, thiếu thốn đủ bề. Vậy mà vào đây cái gì cũng có, từ bình nước nóng đến máy lọc nước, máy tập thể dục. Kiểu này giống như đi nghỉ dưỡng chứ cách ly gì”, ông Minh cười nói.

Ông Minh được xác định là F0 từ ba ngày trước khi được chuyển đến khu cách ly. Ba ngày tự cách ly ở nhà ông lo lắng suy nghĩ đủ điều, chỉ mong sớm được đưa đi bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, qua thăm khám và khai thác bệnh sử, ông không có bệnh nền, không có triệu chứng nặng nên không cần vào bệnh viện, mà được chuyển đến khu cách ly tập trung. “Ban đầu tôi cứ nghĩ F0 thì phải vào bệnh viện phải nằm chung với những người bệnh nặng nên cũng lo lắm. Giờ vào đây thấy sạch sẽ, thoáng đãng, mọi thứ được chuẩn bị sẵn, kể cả kem đánh răng, xà bông tắm… tự nhiên thấy tinh thần thoải mái, an tâm hơn rất nhiều”, ông Minh chia sẻ.

Cũng như ông Minh, chị Thảo (21 tuổi) được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 từ ngày 26/7, bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR, chị được cách ly tạm thời tại trung tâm cách ly của quận Tân Phú. Điều kiện cách ly ở đó khá chật hẹp, oi bức khiến chị không khỏi lo lắng cho 14 ngày cách ly tiếp theo. Thế nhưng, khi được chuyển đến khu cách ly mới này, thấy yên tâm hơn khi được sắp xếp chỗ ở thông thoáng, đầy đủ tiện nghi. “Ở đây thoải mái lắm, không gian thoáng đãng, trong lành, hành lang rộng lại có các thiết bị tập thể dục. Cơm nước ngày ba bữa được các anh chị điều dưỡng và dân quân đem đến tận phòng”, chị Thảo chia sẻ.

Nỗ lực để F0 thoải mái

Trái ngược với cảm giác lo lắng ban đầu, sau khi vào trung tâm cách ly tại trường THPT Lê Trọng Tấn, các F0 đã được giải tỏa tâm lý, hài lòng với phòng ốc rộng rãi, mát mẻ, đồ dùng cá nhân được cấp phát đầy đủ và được quan tâm chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ.

Để có được sự hài lòng của các F0, đội ngũ nhân viên y tế, dân quân, dân phòng các tình nguyện viên đã nỗ lực hết sức vừa thiết kế vừa cải tạo phòng ốc, chuẩn bị trang thiết bị hạ tầng, vật tư y tế cũng như kêu gọi tài trợ từng phần cơm, gói bánh đến những chiếc máy tập thể dục. Xắn tay áo hỗ trợ vận chuyển 10 bình ôxy vào khu vực cấp cứu để chuẩn bị sẵn cho tình huống có trường hợp F0 trở nặng, cần can thiệp, bác sĩ Lương Văn Sinh, Phó giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú cho hay, trung tâm cách ly có quy mô ban đầu 600 giường và có thể mở rộng thêm khi lượng F0 tăng cao.

Lực lượng nhân viên y tế tại đây chủ yếu được điều động từ Bệnh viện quận Tân Phú và được tập huấn kỹ lưỡng về các biện pháp phòng dịch, chống bội nhiễm. Ngoài việc chăm sóc về y tế, Ban quản lý khu cách ly chú trọng đến việc quan tâm chăm sóc về tinh thần, dinh dưỡng và thiết bị tập thể dục cho F0 cũng được quan tâm đặc biệt để tạo tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực cho người dân cách ly tại đây. “Chúng tôi cố gắng kêu gọi các Mạnh thường quân ủng hộ các thiết bị tập thể dục thể thao để trang bị tại các khu vực rộng rãi, thoáng mát cho F0 tập luyện mỗi ngày”, bác sĩ Sinh cho hay.

Do lực lượng mỏng nên các bác sĩ, điều dưỡng cùng tình nguyện viên làm mọi việc có thể, từ dọn phòng ốc, khiêng bàn ghế, di chuyển để sắp xếp vị trí làm việc, khoan tường gắn thiết bị hỗ trợ… Tại đây, mỗi ekip chỉ có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng nhưng chăm sóc từ 50 đến 100 F0. Dù mệt mỏi nhưng ai cũng vui vẻ, làm việc hết mình để bệnh nhân được thoải mái. “Chúng tôi cố gắng làm hết sức để chăm sóc những F0 nhẹ, trung bình, không triệu chứng để họ không diễn tiến nặng, giảm tải cho các khu điều trị tuyến trên”, bác sĩ Trần Thị Kim Oanh, Bệnh viện quận Tân Phú nói. Trước khi đến nhận nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung, bác sĩ Kim Oanh cũng từng tham gia nhiệm vụ tại khu cách ly của Bệnh viện quận Tân Phú nên chị có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống lây nhiễm. Đến đây, dù gặp nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất, việc trang bị phòng ốc làm việc còn hạn chế nhưng bác sĩ Oanh cùng các đồng nghiệp tự khắc phục để đảm bảo được sự an toàn cho nhân viên y tế cũng như những người đang cách ly. “Lúc mới nhận nhiệm vụ cả đêm tôi không ngủ được vì không biết mình có làm tốt công việc hay không, có chăm sóc được các F0 tại đây hay không. Tuy nhiên, khi vào việc mọi nỗi lo để sang một bên, cố gắng hết sức để người dân cách ly có được cảm giác an toàn, thoải mái sớm trở về cùng với gia đình”, bác sĩ Kim Oanh chia sẻ (Tiền phong, trang 8).

 

Còn những ai trong nhóm ‘bác sĩ Khoa’?

Sau khi câu chuyện “bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ mình để nhường sự sống cho sản phụ sắp sinh” đầy nước mắt được dựng lên, nhiều mạnh thường quân xúc động đã kêu gọi bạn bè quyên góp tiền, quà. Tất cả đều thông qua một người có tên Nguyễn Thị Minh Thy.

Mọi câu chuyện cảm động đều gắn số tài khoản ngân hàng

Sau khi đọc được câu chuyện đầy bi kịch đó, tối 7/8, chị H.G. – Chủ tịch một quỹ có tên B.V, đã liên lạc qua facebook “bác sĩ Trần Khoa” để tặng một chiếc máy thở xâm lấn. Trao đổi qua tin nhắn facebook, “bác sĩ Khoa” giới thiệu đang làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, trong sáng 8/8, thông tin về “bác sĩ Khoa” tràn ngập mạng xã hội với nhiều điều còn chưa thực sự rõ ràng, chị G. đã xác minh tại Bệnh viện Chợ Rẫy và kết quả thật bất ngờ: không có “bác sĩ Khoa” nào rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ sắp sinh như mạng xã hội lan truyền.

Vào tháng 5/2021, một facebook có tên Thanh Hung Le – cùng nhóm với “bác sĩ Khoa” cũng bắt đầu với một câu chuyện đầy nước mắt. Chuyện kể về người mẹ già ở Hà Tĩnh mất người con trai 19 tuổi khi đi biển và phải một mình chăm chồng đang bị ung thư trong bệnh viện. Một buổi chiều, sau khi đi bán vé số, bà vào bệnh viện chăm chồng nhưng người chồng đã ra đi mãi mãi…

Một mô típ được soạn sẵn, ở cuối của câu chuyện bi thương ấy vẫn không quên để lại thông tin về người phụ nữ có tên Nguyễn Thị Minh Thy kèm số tài khoản ngân hàng HDbank với dòng: “quỹ 82 đang cần thêm một ít chi phí, kính mong mọi người chung tay với 82 lo cho mảnh đời bất hạnh”. Sau khi đọc được câu chuyện trên, một người có tên B.Đ. đã chuyển khoản cho Thy 5 triệu đồng để mong chia sẻ cùng người đàn bà bán vé số tội nghiệp.

Trước đó, là câu chuyện đầy nước mắt của Phong Lam – cũng là người trong nhóm “bác sỹ Khoa”. Lam kể câu chuyện chính bản thân mình bị ung thư máu từ nhỏ, về người anh trai bị bệnh mất từ lúc mới sinh ra, ước mơ làm bác sĩ và được chính bố hiến tủy để cứu sống mình. Sau đó, Lam sang Singapore theo đuổi giấc mơ bác sĩ như thế nào… Từ câu chuyện vượt lên số phận của mình, Lam bắt đầu tiếp cận, làm quen với chị K.L, một dược sĩ ở TPHCM, rồi xin tiền ủng hộ “quỹ 82” giúp đỡ cho những bệnh nhi bị ung thư máu. Tất cả những lần chuyển tiền để làm từ thiện từ nhóm “bác sĩ Khoa” mà Phong Lam đứng ra đều thông qua tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Thị Minh Thy.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chị L. cho biết, khi tổ chức chương trình vì trẻ em ung thư, Phong Lam đã yêu cầu Thy liên lạc với mình. Sau đó, thông qua Thy chị L. chuyển tiền nhiều lần ủng hộ giúp đỡ các em. “Tôi tin tưởng nên ủng hộ vì nghĩ mình làm từ thiện giúp các em bệnh hiểm nghèo, còn tiền làm từ thiện có đến được tay các em hay không thì tôi không biết”- chị L. kể lại.

Dấu hiệu vi phạm pháp luật

Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, khi cơ quan công an tiến hành điều tra nhóm đối tượng trên, nếu xác định, họ cố tình tạo ra các hoàn cảnh không có thật để từ đó tạo ra sự thương cảm của người khác để rồi nhận tiền ủng hộ từ người dân thông qua tài khoản ngân hàng mà họ cung cấp, sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Cụ thể, hành vi bịa chuyện để xin tiền từ thiện có thể bị khởi tố “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Tùy thuộc vào giá trị đã chiếm đoạt, mà hành vi trên có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân.

Luật sư Phát cảnh báo, lợi dụng những lúc dịch bệnh, thiên tai nhiều đối tượng xấu đã sử dụng các trang mạng xã hội để dựng nên các câu chuyện không có thật. Từ đó nhiều người vì cả tin mà đồng cảm với các hoàn cảnh mà các đối tượng xấu đã đưa ra, rồi vô tư trong việc ủng hộ tiền mà không có bất kỳ sự kiểm chứng nào. Vô tình, bị rơi vào cái bẫy của các đối tượng này dựng lên.

“Tôi nghĩ đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước như Sở Thông tin Truyền thông, cơ quan phụ trách an ninh mạng cần phải tăng cường công tác quản lý để hạn chế thấp nhất các thông tin sai sự thật được đưa lên mạng nhằm kêu gọi ủng hộ, quyên góp…”, ông Phát nói (Tiền phong, trang 11).

Anh Đức tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 15/4/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/6/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận