Điểm báo ngày 24/9/2019

(CDC Hà Nam)
 Xét xử vụ buôn bán thuốc ung thư giả tại VN Pharma; Không nên mua một số sản phẩm thực phẩm chức năng; Thanh tra Quỹ Bảo hiểm y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh; Thực hư bác sĩ ‘gạ tình, hành hung’ nữ điều dưỡng?; Người trẻ cũng mắc bệnh suy thận

Xét xử vụ buôn bán thuốc ung thư giả tại VN Pharma

Dự kiến hôm nay (24.9), TAND TP.HCM sẽ khai mạc phiên sơ thẩm lần 2 vụ án mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty CP VN Pharma (VN Pharma).

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (41 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (41 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM hàng hải quốc tế H&C) cùng 10 đồng phạm bị xét xử về tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” – thuốc H-Capita 500 mg.

Trúng thầu, cung cấp 15.709 hộp thuốc ung thư giả

Theo cáo trạng, VN Pharma được thành lập vào tháng 10.2011. Năm 2012, Nguyễn Minh Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên bàn với Võ Mạnh Cường nhập khẩu thuốc H-Capita 500 mg, nhãn mác Công ty Helix Canada, chữa ung thư vú, ung thư đại tràng. Thuốc H-Capita chưa có số đăng ký lưu hành tại VN nên Hùng yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý nhưng Cường chỉ cung cấp được: giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Canada, được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán VN tại Canada và ký tên Tham tán Nguyễn Văn Quyền. Tuy nhiên, quá trình điều tra, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định và kết luận “con dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán VN tại Canada và chữ ký tên Tham tán Nguyễn Văn Quyền là giả”. Do Cường không cung cấp được “Tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc” theo quy định tại Thông tư 47/2010 của Bộ Y tế nên Hùng thuê bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ) làm giả tài liệu này (được viết bằng tiếng Anh; có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, mang tên nhà sản xuất Công ty Helix Canada) với giá 2.000 USD. Đồng thời, Hùng chỉ đạo cấp dưới thiết kế 2 bộ nhãn dự kiến lưu hành tại VN, để hợp thức đủ hồ sơ pháp lý thuốc H-Capita.

Sau khi hoàn thiện việc làm giả hồ sơ pháp lý, Hùng chỉ đạo cấp dưới lập đơn hàng số 225/2013, đề nghị Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H- Capita thông qua nhà cung cấp là Công ty Austin Hồng Kông (đã hết hạn giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu thuốc tại VN từ ngày 6.10.2013).

Trên cơ sở bộ hồ sơ giả do VN Pharma cung cấp, Cục Quản lý dược thành lập Tổ thẩm định đơn hàng 225 nhưng vẫn không phát hiện và đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu, và Cục trưởng Cục Quản lý dược, thời điểm đó là ông Trương Quốc Cường, ký cấp phép nhập khẩu đơn hàng trên. Từ đó, Hùng thống nhất với Võ Mạnh Cường làm giả hợp đồng mua bán thuốc H-Capita thông qua Công ty Austin Hồng Kông để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita. Đồng thời, Hùng liên danh với Công ty CP dược phẩm T.Ư 1 Pharbaco dự thầu và trúng thầu tại Sở Y tế TP.HCM, cung cấp 471.275 viên thuốc (tương đương 15.709 hộp) trong các bệnh viện tại TP.HCM.

Thuốc không được dùng chữa bệnh cho người

Ngày 11.4.2014, lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita được nhập về VN. Giá thực tế của lô thuốc là 251.100 USD (hơn 5,3 tỉ đồng), nhưng VN Pharma khai báo giá trị hơn 14,6 tỉ đồng. Thời điểm khởi tố vụ án vào tháng 4.2014, kết quả điều tra thể hiện thuốc không có nguồn gốc sản xuất tại Canada; mã vạch, mã số in trên vỏ hộp thuốc không được đăng ký bởi quốc gia nào; về chất lượng lô thuốc, kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500 mg nói trên chứa 97,5% hoạt chất capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Tháng 7.2017, TAND TP.HCM từng đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng 12 năm tù về tội buôn lậu. 7 bị cáo đồng phạm bị kết án về tội buôn lậu và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tháng 10.2017, toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã được cấp phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại. Quá trình điều tra lại, CQĐT khởi tố thêm 3 bị can: Phan Xuân Thiện (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma); Hoàng Trúc Vy (nhân viên phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma) và Phạm Quỳnh Trang (nhân viên Công ty TNHH hàng hải quốc tế H&C), nâng tổng số bị can trong vụ án lên 12 người. Đồng thời, 12 bị can trong vụ án đều bị thay đổi tội danh sang tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” (Thanh niên, trang 22).

 

Thanh tra Quỹ Bảo hiểm y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh

Ngày 23-9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức công bố quyết định thanh tra việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế.

Cùng với các nội dung trên, TTCP còn tập trung thanh tra Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và một số cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế. Đồng thời, kiểm tra, xác minh một số nội dung liên quan tại một số cơ sở y tế thuộc bộ, địa phương.

Thời kỳ thanh tra được công bố từ năm 2014 – 2018, thời hạn thanh tra 80 ngày làm việc thực tế. Đoàn thành tra gồm 16 thành viên do ông Vũ Đức Tâm, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I – TTCP) làm trưởng đoàn (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Thực hư bác sĩ ‘gạ tình, hành hung’ nữ điều dưỡng?

Dư luận cả ngày qua bày tỏ phẫn nộ về trường hợp một nữ điều dưỡng tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) bị nam bác sĩ cùng khoa hành hung đến mức phải nhập viện, trong đó dư luận nghi ngờ liên quan đến tình cảm. Cơ quan công an đã vào cuộc.

Nam bác sĩ đã nộp đơn xin nghỉ

Sự thật còn đang được làm rõ nhưng hình ảnh và thông tin khiến cư dân mạng phẫn nộ và không thể chấp nhận chuyện bác sĩ lại “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” “ với một nữ điều dưỡng đến nỗi phải nhập viện. Mạng xã hội cũng mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc, nhất là chi tiết nghi ngờ nam bác sĩ này “gạ tình” nữ điều dưỡng. “Ỉm thông tin là không tốt. Việc này cần thông tin một cách khách quan nhất cho báo chí. Sau đó xử lý nghiêm khắc nếu bác sĩ có sai phạm. Một bệnh viện (BV) nổi tiếng nhất nhì miền Trung lại để mất uy tín bởi một tay bác sĩ “quái đản”, “ngạo mạn”…”, nick Nguyễn Vương bình luận.

Trước sức nóng của dư luận, ngày 23.9, BV T.Ư Huế đã thông tin chính thức về vụ việc. Theo BV, với dư luận nghi vấn việc điều dưỡng D.H.T.T của BV bị nam đồng nghiệp là bác sĩ Ph. hành hung tại nhà riêng của bác sĩ này dẫn đến phải nhập viện, sau khi nhận được thông tin, Ban giám đốc BV đã khẩn trương yêu cầu các khoa, phòng liên quan báo cáo nhanh vụ việc và tạm thời đình chỉ công tác đối với bác sĩ Ph. và sau đó bác sĩ Ph. cũng đã có đơn xin nghỉ việc.

Thông tin của BV cũng xác nhận có việc điều dưỡng D.H.T.T nhập viện tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện T.Ư Huế trong tình trạng tỉnh táo, xây xát vùng mặt phải và bầm tím mắt phải, sau đó bệnh nhân được chuyển lên điều trị tại khoa gây mê hồi sức A và được chuyển đến Trung tâm Mắt tiếp tục chữa trị. Ngày 23.9, bệnh nhân được xuất viện với tình trạng ổn định.

“Mặc dù sự việc xảy ra ngoài BV, tuy nhiên hiện phía BV đã và đang tích cực phối hợp với cơ quan công an để xác minh, làm rõ. Quan điểm của BV, nếu bác sĩ Ph. có hành hung đồng nghiệp hoặc có những hành vi không đứng đắn khác, kể cả bên ngoài BV thì cũng sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, thông tin của BV T.Ư Huế khẳng định.

Sớm làm rõ để khỏi “nhiễu” thông tin

Hôm qua, trả lời PV Thanh niên, đại tá Hoàng Long, Trưởng Công an TP.Huế, cho biết sau khi có thông tin dư luận, công an đã vào cuộc xác minh. Cơ quan công an đã triệu tập bác sĩ và lấy lời khai của nạn nhân. “Vụ việc có tính nhạy cảm, nên hiện nay chúng tôi vẫn đang xác minh làm rõ, khi nào có kết quả sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”, đại tá Hoàng Long nói.

Hết ngày 23.9, thông tin chính thức từ cơ quan công an lẫn BV T.Ư Huế chưa thể kết luận có hay không chuyện bác sĩ Ph. hành hung hay có hành động nào khác dẫn đến việc điều dưỡng D.H.T.T phải nhập viện. Cả hai nhân vật chính của câu chuyện đều chưa lên tiếng chính thức.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, nam bác sĩ bị tố là L.Q.H.Ph (37 tuổi, công tác tại phòng chăm sóc da, khoa da liễu, chứ không phải trưởng khoa như mạng xã hội khẳng định). Nạn nhân là điều dưỡng D.H.T.T (21 tuổi, trú ở TX.Hương Trà, làm việc cùng khoa). Hôm xảy ra vụ việc, Ph. đã gọi cho điều dưỡng D.H.T.T yêu cầu đem thuốc cho bệnh nhân đến nhà riêng của mình tại khu tập thể Đống Đa. Tại đây, đã xảy ra nghi án hành hung, điều dưỡng D.H.T.T được người nhà đưa vào cấp cứu ở BV (Thanh niên, trang 8).

 

Người trẻ cũng mắc bệnh suy thận

Mới tròn 19 tuổi nhưng H.T.T. (ngụ TPHCM) đã phải tạm gác ước mơ đi du học vì mắc phải căn bệnh suy thận mạn. Để duy trì sự sống, cứ 3 lần/tuần, T. phải đến bệnh viện (BV) chạy thận nhân tạo. Đó là một trong hàng ngàn trường hợp đang mắc phải suy thận mạn và theo đánh giá của Hội Niệu – Thận học TPHCM, bệnh nhân suy thận ngày càng trẻ hóa.

Lay lắt chạy thận

Tuy có “thâm niên” chạy thận đã một năm, nhưng khi bước ra từ phòng chạy thận nhân tạo của BV Nhân dân 115, H.T.T. không tránh khỏi vẻ mệt mỏi và ngán ngẩm. “Một năm trước, khi đi học về, em cảm thấy trong người đột nhiên mệt, sốt, không đi tiểu được. Sau đó, gia đình đưa đi khám tại một BV và bác sĩ chẩn đoán bị suy thận cấp độ 4. Từ đó, mỗi tuần 3 lần em đều phải đến BV chạy thận”, T. tâm sự.

Tương tự, V.T.H. (22 tuổi, ngụ tại quận 12, TPHCM) cũng chạy thận nhân tạo tại BV Chợ Rẫy gần cả năm nay. Khi phát hiện bị bệnh, H. cũng đã bước sang suy thận mạn giai đoạn 4, phải chạy thận nhân tạo đều đặn 3 lần/tuần để duy trì sự sống.  “Em không nghĩ mình bị suy thận nặng như vậy. Mắc bệnh này tốn kém quá, gia đình suy kiệt”, H. rưng rưng cho biết…

Ghi nhận tại BV Nhân dân 115, hiện có trên 600 bệnh nhân phải chạy thận, trong đó người trong độ tuổi 18 – 30 chiếm 2/3. Rất nhiều trường hợp chỉ vô tình phát hiện bệnh khi có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, không tiểu được, phù nề tay chân…

Tại BV Chợ Rẫy, số bệnh nhân suy thận được khám và điều trị cũng không ngừng tăng lên trong các năm qua. Theo số liệu từ Khoa Tiết niệu của BV Chợ Rẫy, ngoài số bệnh nhân suy thận thể nhẹ điều trị ngoại trú, hiện Khoa Thận nhân tạo và các cơ sở liên quan khác của BV phục vụ cho hơn 10.000 bệnh nhân bị suy thận nặng, giai đoạn cuối. Trong đó, độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, phần lớn đều trong độ tuổi lao động. Hiện ngoài số bệnh nhân thường trú tại TPHCM, các BV Bình Dân, Nhân dân 115, Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định còn tiếp nhận một lượng không nhỏ bệnh nhân từ các tỉnh, thành khác.

Theo Th.S – bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng Khoa nội thận – Thận nhân tạo, BV Đại học Y Dược TPHCM, người trẻ mắc bệnh về thận chủ yếu do di truyền, tiếp xúc với chất độc, dùng thuốc không rõ nguồn gốc và mắc phải các bệnh lý miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, hoặc các bệnh cầu thận nguyên phát…

Ngoài ra, bệnh đái tháo đường, cao huyết áp cũng là nguyên nhân gây biến chứng suy thận mạn, buộc phải chạy thận nhân tạo suốt đời. Đặc biệt, lối sống và thói quen sinh hoạt của người trẻ tuổi cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về thận.

Hiện nay, việc lạm dụng thức ăn nhanh, đồ uống có gas, bia rượu, thực phẩm không rõ nguồn gốc… cũng góp phần đáng kể làm cho thận bị ảnh hưởng, hoạt động kém và suy dần.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân T., do bận rộn việc học hành, T. có thói quen ăn thức ăn nhanh và uống nước có gas tại các cửa hàng tiện lợi. Đến khi phát hiện bệnh và được bác sĩ tư vấn thay đổi thói quen ăn uống thì đã muộn!

Riêng trường hợp bệnh nhân H. nói trên, từ khi tham gia sinh hoạt bóng đá cùng các thanh niên trong khu phố, H. thường uống bia rượu cùng nhóm sau mỗi trận đấu. Giờ đây, khi phát hiện bệnh suy thận mạn, H. chỉ biết ngậm ngùi hối hận.

Theo các chuyên gia thận – niệu, bệnh lý suy thận mạn không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn gây áp lực lớn về kinh tế cho người bệnh. Chi phí một lần chạy thận tùy thuộc vào loại vật tư sử dụng như màng lọc, dây máu…, dao động khoảng 500.000 – 1,5 triệu đồng.

Do vậy, bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo khuyến cáo, để tránh các trường hợp phải chạy thận nhân tạo, cần có lối sống lành mạnh, tránh các bệnh chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng acid uric…, tránh dùng thuốc không đúng chỉ định, không lạm dụng thuốc giảm đau, tầm soát bệnh thận. Một số dấu hiệu của suy thận mạn là tăng tiểu tiện (đặc biệt vào ban đêm), giảm đi tiểu, xuất hiện máu trong nước tiểu, nước tiểu đục hoặc màu trà (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Không nên mua một số sản phẩm thực phẩm chức năng

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có khuyến cáo đến người tiêu dùng liên quan đến một số sản phẩm thực phẩm chức năng. Theo đó, cần cẩn trọng với các thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe xương khớp MH, Hyra gan, mầm đậu nành Lady, Kim Liệu Khang, Sắc Xuân Eva trên một số website.

Theo Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua, trên một số trang mạng đã quảng cáo các sản phẩm nói trên, vi phạm quy định quảng cáo và có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Các sản phẩm này được Công ty TNHH Thương mại AHO (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Tuy nhiên, đại diện công ty khẳng định, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe xương khớp MH,  Hyra gan, mầm đậu nành Lady, Kim Liệu Khang, Sắc Xuân Eva đang quảng cáo tại website trên không phải do công ty thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng, vì vậy, các sản phẩm sẽ không được đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Hiện Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vụ việc. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua các sản phẩm nói trên (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 29/01/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/10/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận