Điểm báo ngày 13/11/2020

(CDC Hà Nam)
GS. TS. Nguyễn Thanh Long chính thức giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế; Cảnh giác với tình trạng nhập cảnh lậu; Người chết, người tổn thương não sau khi uống ‘Rượu Nếp’; Còn hiện tượng coi nhẹ việc phòng dịch Covid-19

GS. TS. Nguyễn Thanh Long chính thức giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế

Tại Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm được Quốc hội thông qua sáng 12/11, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chính thức giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo kết quả kiểm phiếu được công bố trước Quốc hội, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhận được 459 (95,42%) phiếu đồng ý phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long giữ cương vị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Cảnh giác với tình trạng nhập cảnh lậu

Những ngày gần đây tại Việt Nam liên tục có ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh, có những chuyến bay mấy chục ca bệnh, tổng số ca mắc tính đến nay của cả nước đã lên tới 1.252 ca và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh.

Trong khi đó, các đơn vị giám sát khu vực biên giới vẫn phát hiện người nhập cảnh lậu, có tình trạng người bên ngoài tiếp xúc với người trong khu cách ly, thậm chí là mua hàng, đổi tiền giúp, có nguy cơ làm lây lan COVID-19 ra cộng đồng.

Hành vi tưởng là vô hại

Hơn một tuần trước, Hà Nội đã phải báo động đỏ, lập ngay 5 đoàn kiểm tra, sau khi có 2 nhân viên khách sạn ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tiếp xúc gần với bệnh nhân trong khu cách ly. Những hành vi “giúp khách” tưởng rất vô hại lại làm lộ ra một câu chuyện là dịch COVID-19 có thể lây lan từ khu cách ly.

Trước đó, báo cáo của cơ quan chức năng cũng cho thấy đã có tình trạng người bên ngoài vào tận khu cách ly để bán hàng, tiếp xúc gần với người đang bị cách ly. Tối 10-11, tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh An Giang đã ghi nhận 8 người xuất nhập cảnh trái phép tại biên giới với Campuchia. Rải rác từ tháng 7 đến nay, từng có những vụ “nhập cảnh” trái phép rồi đi máy bay vào tận TP.HCM hay đi xe khách đến nhiều địa phương bị phát hiện. Nếu có sơ sẩy thì một “Đà Nẵng mới” hoàn toàn có thể xảy ra.

Chiều 12-11, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ông Đặng Quang Tấn cho biết số mắc trên thế giới đang tăng rất nhanh những ngày gần đây, hiện đã vượt 53 triệu ca. Một số quốc gia tưởng đã ổn nhưng khi nới giãn cách, dịch lại xuất hiện. Những ngày gần đây, tất cả các ca mắc mới ghi nhận tại Việt Nam đều là công dân Việt Nam về nước bằng các chuyến bay giải cứu và chuyên gia đến làm việc.

Phải đeo khẩu trang

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các sở, ngành, quận huyện bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người không đeo khẩu trang tại 5 khu vực gồm: bệnh viện, bến xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, chợ, kiên quyết thực hiện “không đeo khẩu trang không cho vào”.

Theo yêu cầu của UBND TP, các khu vực bắt buộc đeo khẩu trang đã được yêu cầu mở rộng hơn: trên phương tiện giao thông công cộng, công viên, vườn hoa, phố đi bộ, quảng trường, nhà ga, bến tàu, bến xe, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, các sự kiện văn hóa thể thao tại nơi công cộng, sân vận động…

PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19, khẳng định biện pháp quan trọng nhất hiện nay vẫn là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, theo khuyến cáo “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) của Bộ Y tế.

Biên giới Tây Nam vẫn “đóng cửa”

Tại các tỉnh biên giới Tây Nam giáp Campuchia, biên giới vẫn “đóng cửa” nghiêm để phòng chống dịch COVID-19. Hàng hóa vẫn được qua lại nhưng dưới sự giám sát nghiêm của lực lượng kiểm dịch y tế và phải đảm bảo phương án phòng dịch.

Ông Lê Văn Phước – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết vừa có công văn gửi bộ đội biên phòng, các sở, ngành và địa phương về việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Campuchia.

Phía cửa khẩu quốc gia Giang Thành, lượng người qua lại biên giới khá thưa thớt. Tương tự, phía cửa khẩu quốc tế Hà Tiên lượng người và phương tiện, xe vận tải qua lại thưa thớt.

Toàn bộ người và hàng hóa trước khi nhập cảnh vào nội địa đều phải qua kiểm tra thân nhiệt, kiểm dịch theo đúng quy định (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Người chết, người tổn thương não sau khi uống ‘Rượu Nếp’

Đã có 1 người tử vong và 1 người bị tổn thương mắt và não trong số 7 người ngộ độc sản phẩm có nhãn là “Rượu Nếp”, cơ sở sản xuất ở Kim Động, Hưng Yên.

Cả 7 bệnh nhân này đã vào Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ tháng 10-2020 đến nay. Loại rượu bệnh nhân đã uống sau đó được y tế địa phương thông báo lại là loại rượu đóng can nhựa 30 lít, thông tin ghi trên nhãn mác là “RƯỢU NẾP”, “Hầm Rượu Việt”, địa chỉ trên nhãn là “CƠ SỞ SX RƯỢU ĐẤT LÚA”, Trương Xá, Toàn Thắng (huyện Kim Động, Hưng Yên).

Đáng chú ý, loại rượu này có hình thức giống hệt với loại rượu đã gây vụ 3 người bị ngộ độc cồn công nghiệp methanol (tại Bắc Giang, nhập viện vào ngày 12 đến ngày 14-10-2020) đang được các cơ quan chức năng kiểm tra.

Theo Trung tâm chống độc, ngày 3-11 trung tâm tiếp nhận bệnh nhân nam 32 tuổi, được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol từ tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp tụt.

Xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu rất cao: 141mg/dL, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương não lan tỏa rất nặng, mặc dù đã được giải độc cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng không hồi phục và gia đình đã xin về để tử vong tại nhà.

Theo lời kể của người nhà, 3 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có mua rượu từ một quán tạp hóa về uống cùng 3 người khác trong phòng trọ tại Bắc Giang. Rượu khi mua được đổ vào túi nilông mang về.

Sau uống 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, nhìn mờ, chậm chạp dần và rơi vào hôn mê. Bệnh nhân được đưa vào tuyến tỉnh điều trị, sau đó được chuyển lên Trung tâm chống độc. Xét nghiệm trong rượu bệnh nhân đã uống do gia đình mang đến cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 20,21%, trong khi đó nồng độ rượu thông thường ethanol chỉ có 11,42%.

3 người còn lại cùng uống rượu với bệnh nhân cũng bị nhập viện, được chẩn đoán ngộ độc methanol, may mắn qua điều trị đã hồi phục tốt. Đáng chú ý có một bệnh nhân nam cũng 22 tuổi mặc dù có biểu hiện bình thường sau uống rượu 3 ngày, khi được kêu gọi đến Trung tâm chống độc kiểm tra thì trong máu nồng độ cồn công nghiệp cao ở mức nguy hiểm, rất may mắn được nhập viện điều trị giải độc khi chưa quá muộn.

Theo Trung tâm chống độc, liên quan tới sản phẩm rượu mang tên “RƯỢU NẾP”, “Hầm Rượu Việt”, đã có 2 vụ ngộ độc methanol với ít nhất 7 người bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong và 1 người tổn thương mắt và não.

Có thể có các nạn nhân khác chưa được phát hiện, bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với bệnh khác do chẩn đoán ngộ độc methanol không dễ dàng và dễ nhầm với nhiều bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo những người từng uống loại rượu này gần đây đi kiểm tra, tránh tình trạng như nam thanh niên kể trên (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Còn hiện tượng coi nhẹ việc phòng dịch Covid-19

Từ ngày 5-11, 5 đoàn kiểm tra của thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 30 quận, huyện, thị xã. Sau hơn một tuần ra quân, nhìn chung các địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng người dân coi nhẹ việc phòng dịch, nhất là không tuân thủ việc đeo khẩu trang tại khu chung cư, chợ, điểm vui chơi…Qua chốt kiểm tra là tháo khẩu trang

Theo chân đoàn công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 2 của thành phố kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào ngày chủ nhật (8-11), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, quận Hoàn Kiếm đã thiết lập các chốt trực ở lối vào tuyến phố đi bộ và yêu cầu mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang. Thực tế, 100% người dân khi đến đây đều mang theo khẩu trang, nhưng chỉ khoảng 50-60% người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng dịch.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 2 của thành phố nhận xét, người dân đến phố đi bộ hầu hết đều mang theo khẩu trang, nhưng nhiều người khi đi qua chốt kiểm soát lại tháo ra bỏ vào túi… Điều này thể hiện rất rõ sự chủ quan, lơ là trong phòng dịch Covid-19. Từ thực tế này, bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị quận Hoàn Kiếm triển khai việc bổ sung quy định mức phạt trường hợp không đeo khẩu trang từ 1 đến 3 triệu đồng/trường hợp (quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15-11-2020) lên các tấm pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, để người dân biết và tuân thủ.

Trực tiếp kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 trên địa bàn các quận Tây Hồ, Ba Đình, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 1 của thành phố cho rằng, các khách sạn được thành phố cho phép cách ly người nhập cảnh đã triển khai nghiêm túc công tác phòng dịch, cách ly người nhập cảnh. Các trung tâm thương mại cũng quản lý tương đối tốt việc khách ra, vào phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, tại khu vực chợ, bến xe, nơi tập thể dục công cộng, nhiều người dân vẫn không đeo khẩu trang; tại các khu chung cư, có nơi triển khai tốt, nhưng có nơi vẫn thờ ơ…

Cũng theo đánh giá của các đoàn kiểm tra, nhiều khách sạn được thành phố cho phép cách ly người nhập cảnh đã tuân thủ việc cách ly các trường hợp nhập cảnh đúng quy định. Tuy nhiên, các đoàn kiểm tra nhận được phản ánh của nhiều khách sạn về mức giá xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế công lập và tư nhân đang có sự chênh lệch. Trưởng phòng Hành chính – Nhân sự khách sạn The Ann Hà Nội Nguyễn Kim Thoa cho biết, khách sạn thực hiện cách ly cho 4 đoàn và hiện còn 136 khách. Nếu giá xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR (xét nghiệm khẳng định) tại cơ sở y tế công lập được tính là 734.000 đồng/mẫu theo quy định của Bộ Y tế, thì tại cơ sở y tế tư nhân chi phí lại từ 1,2 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng/mẫu (Hà Nội mới, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/10/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 09/12/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận