Điểm báo ngày 22/5/2020

(CDC Hà Nam)
Cứu sống người bệnh ngừng tuần hoàn hơn 20 phút; Việt Nam sắp thử nghiệm giai đoạn 2 văcxin Covid-19 trên chuột; Ghép gan từ người cho chết não – Hành trình nối dài sự sống

Cứu sống người bệnh ngừng tuần hoàn hơn 20 phút

Ngày 21/5, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: Khoa Hồi sức chống độc – Bệnh viện Đà Nẵng vừa cứu sống thành công du khách Phạm Mạnh Q. (SN 1992, trú tại Hà Nội) trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp cấp, toàn thân tím tái, khí máu tuần hóa rất nặng. Trước đố, du khách Phạm Mạnh Q. (SN 1992, trú Hà Nội) đến Đà Nẵng du lịch và bị ngừng tuần hoàn hơn 20 phút do đuối nước khi tắm biển. Rất may, các bác sĩ khoa Hồi sức chống độc – Bệnh viện Đà Nẵng đã kịp thời kích hoạt quy trình “báo động đỏ” và áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt cứu sống thành công… (Nhân dân, trang 5).

 

Việt Nam sắp thử nghiệm giai đoạn 2 văcxin Covid-19 trên chuột

Sau đợt thử nghiệm đầu tiên trên chuột, văcxin Covid-19 đã có những kết quả khả quan để tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 trên chuột, dự kiến đầu tháng 6 tới.

Những kết quả hứa hẹn

TS Đỗ Tuấn Đạt, Công ty TNHH Văcxin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế cho biết, ngay từ cuối tháng 1 khi thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát rất mạnh ở Vũ Hán (Trung Quốc), sau khi có trình tự gene từ các nhà khoa học Vũ Hán công bố, các nhà nghiên cứu của VABIOTECH đã phối hợp với các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu văcxin Covid-19. Ngày 26/4, đã có 50 con chuột được tiêm văcxin Covid-19 để đánh giá tính an toàn và hiệu quả sinh kháng thể miễn dịch. Đến nay, đàn chuột thí nghiệm khỏe mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1. Mẫu máu của chuột thí nghiệm đã được gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư.

Hiện Công ty đang chuẩn bị tiến hành tiêm thử nghiệm văcxin ngừa Covid-19 đợt 2 trong đầu tháng 6 trên chuột.

“Sau quá trình thử nghiệm trên chuột thành công sẽ chuyển sang giai đoạn thử nghiệm trên người. Thử nghiệm trên người sẽ cần thời gian lâu hơn, hiện tại chưa thể chắc chắn quá trình thử nghiệm lâm sàng sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu. Với thành công bước đầu này, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia trên thế giới sớm sản xuất thành công văcxin ngừa SARS-CoV-2. Nhanh nhất khoảng từ 8 – 9 tháng nữa mới có được ứng viên văcxin để thành một văcxin hoàn chỉnh để thử nghiệm trên động vật trước rồi sau đó mới thử nghiệm trên người. Đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam vẫn đang nỗ lực hết sức để rút ngắn thời gian này”, TS Đỗ Tuấn Đạt cho hay.

Chọn công nghệ nhanh

PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho hay, có 3 nhóm văcxin được tạo ra là nhóm được tạo từ virus còn sống làm cho bất hoạt hoặc suy yếu hẳn đi, nhóm được tạo từ protein tái tổ hợp của virus, nhóm tạo từ ADN hoặc RNA của virus. Đối với SARS-CoV-2, người ta phát triển văcxin theo loại thứ hai hoặc loại thứ ba.

Việt Nam chọn cách nghiên cứu văcxin theo phương pháp thứ 3 hay còn gọi là văcxin vectơ, sử dụng công nghệ di truyền trích mã di truyền của SARS-CoV-2 là RNA để khi tiếp xúc sẽ kích hoạt chức năng sinh kháng thể chống SARS-CoV-2 ở người được tiêm chủng. Đó là kỹ thuật hoàn toàn mới và phức tạp. Ưu điểm của công nghệ sản xuất văcxin này là thời gian sản xuất nhanh hơn hai loại kia. Vì với Covid-19, người ta chỉ cần tạo bản sao RNA rồi đưa vào cơ thể người, mẫu RNA khi vào trong tế bào người nó sẽ ra lệnh cho tế bào người sản sinh protein hình gai của SARS-CoV-2 và đồng thời cơ thể người sản sinh ra kháng thể tiêu diệt các protein này, nhờ đó tạo được sự miễn dịch với Covid-19.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, cuộc chạy đua tạo văcxin ngừa Covid-19 của nhiều nước như hiện nay không thể nhanh được. Từ khi bắt tay vào việc chế tạo văcxin đến khi thử nghiệm lâm sàng trên người và trên nhiều người mất ít nhất là 1 năm, nên chưa thể kỳ vọng có ngay văcxin Covid-19 trong thời điểm này. (Khoa học & Đời sống, trang 4).

 

Ghép gan từ người cho chết não – Hành trình nối dài sự sống

Đến 5h30 sáng 19/5/2020, chỉ chưa đầy 12 tiếng tiếp nhận lá gan được hiến tặng từ một người chết não tại Hà Nội, ca ghép gan được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Gan của người hiến nhanh chóng thích nghi và hoạt động tốt trong cơ thể người được ghép.

Người hiến gan là một phụ nữ người Hà Nội. Sau hơn một tháng điều trị căn bệnh hiểm nghèo, chị đã không qua khỏi, rơi vào trạng thái chết não và có nguyện vọng hiến tặng gan của mình. Thông qua Trung tâm Điều phối Hiến ghép Mô tạng Quốc gia, gan của chị được xác định phù hợp với anh H.V.L. (37 tuổi) hiện đang điều trị xơ gan tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Trước đó, anh L. đã được điều trị xơ gan bằng hóa trị và nút mạch hoá chất khối u kéo dài 2 tháng nên tình trạng sức khỏe tạm thời ổn định. Các bác sĩ đánh giá, nếu được ghép gan, anh L. có tiên lượng sống tốt và khả năng khỏi bệnh hoàn toàn là rất cao.

Sau khi nhận được thông báo xác định các chỉ số miễn dịch và sinh hóa phù hợp giữa người hiến và người nhận tạng, trưa ngày 18/5/2020, Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã ngay lập tức triệu tập các khoa, phòng, đơn vị có liên quan hội chẩn và triển khai công tác chuyên môn để tiến hành ghép gan cho người bệnh. Chiều ngày 18/5, hành trình nối dài sự sống từ Bắc vào Nam cho người bệnh H.V.L. bắt đầu.

19h ngày 18/5, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá hoạt động của gan và tiến hành lấy gan từ người chết não. Sau đó, lá gan vô giá đó đã được hỗ trợ di chuyển của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, Đội Tuần tra Dẫn đoàn (Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ – Đường sắt Công an TPHCM) cùng sự nỗ lực của các cán bộ Trung tâm Điều phối Hiến ghép Mô tạng Quốc gia, các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, một sự sống mới đã được hồi sinh.

Tháng 3/2019, lần đầu tiên tại Việt Nam, từ lá gan của một người đàn ông 30 tuổi chết não, các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện “chia sẻ gan”để hồi sinh sự sống thành công cho hai người, trong đó đặc biệt có một cháu bé mới 8 tuổi bị suy gan. (Khoa học & Đời sốngtrang 3).

 

Phi công người Anh đã khỏi Covid-19, đang tính phương án ghép phổi hoặc chuyển về nước

Sáng nay, 21-5, bệnh nhân số 91 là nam phi công người Anh đã được khẳng định khỏi bệnh Covid-19 và sẽ chuyển viện điều trị. Các chuyên gia hiện tính đến cả phương án ghép phổi hoặc đưa bệnh nhân về nước…

Cuối giờ sáng 21-5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, qua 6 lần xét nghiệm liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2, ca bệnh Covid-19 nặng nhất Việt Nam là phi công người Anh của hãng Vietnam Airlines được khẳng định đã khỏi Covid-19.

Dự kiến ngay trong ngày hôm nay, bệnh nhân số 91 sẽ được chuyển từ Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị nội khoa, hạn chế tình trạng nhiễm trùng, hồi sức.

Tuy đã khỏi Covid-19, tỷ lệ đông đặc phổi đã giảm (còn 30% dung tích phổi hoạt động) nhưng tình trạng của bệnh nhân vẫn rất nguy kịch, sự sống hiện hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, qua báo cáo, nam phi công người Anh đã có 63 ngày điều trị, trong đó có 46 ngày chạy ECMO tim phổi nhân tạo, 27 ngày mở khí quản. Chi phí điều trị đến nay đã lên hơn 3 tỷ đồng, nhiều lần phải thay quả lọc ECMO.

“Bệnh nhân 91 không có thân nhân đến nhận hay thăm nom nhưng được sự chăm sóc rất tích cực của các y bác sĩ Việt Nam. Ngoài ra, chỉ trong 1 tuần qua đã có 59 người tình nguyện đăng ký hiến phổi cho nam phi công người Anh này. Điều đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam” – ông Khuê nói.

Về phương án ghép phổi cho bệnh nhân số 91, ông Khuê cho biết, trước mắt trường hợp này vẫn sẽ tiếp tục được hội chẩn trực tuyến liên tục, nắm chặt diễn biến của người bệnh để tiến tới ghép phổi khi đủ điều kiện.

Do bệnh nhân này cần ghép toàn bộ lá phổi nên nguồn phổi hiến từ người chết não là ưu tiên hàng đầu. Việc tìm được lá trọn vẹn lá phổi từ người chết não hiến tặng có chỉ số phù hợp là điều không đơn giản.

Một phương án cũng được tính đến là chuyển bệnh nhân về Anh do người đàn ông này đã khỏi Covid-19. Tuy nhiên, theo ông Khuê, vấn đề này cần báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế cùng các Bộ, ban, ngành liên quan để bàn bạc, cân nhắc.

Hơn nữa, để có thể chuyển được bệnh nhân về Anh thì tình trạng của bệnh nhân phải tỉnh táo, kèm theo nhiều chỉ định nghiêm ngặt khác, trong khi hiện bệnh nhân vẫn rất nguy kịch. (An ninh thủ đô, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/8/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/6/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 14/8/2018

admin

Để lại bình luận