Điểm báo ngày 13/8/2018

(CDC Hà Nam)

 

2 sản phẩm sữa bột sản xuất tại Phần Lan phát hiện có lẫn dây kim loại; Hóc dị vật ở trẻ – Hậu họa khôn lường; Củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở…

 

Hóc dị vật ở trẻ – Hậu họa khôn lường

Hóc dị vật luôn là một trong những nguy cơ gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng những trường hợp trẻ bị hóc dị vật vẫn liên tiếp xảy ra. Điều đáng nói là nếu tai nạn này không được xử trí kịp thời, đúng cách có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Sống thực vật chỉ vì… hạt nhãn

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, hầu như mùa vải, mùa nhãn nào cũng tiếp nhận một vài trường hợp bị dị vật đường thở do hạt nhãn, hạt vải trôi vào họng. Thế nhưng, khi tai nạn xảy ra rất ít phụ huynh biết sơ cứu đúng cách để cứu được con.

Mới đây, bé trai N.T.M. (2 tuổi ở Nam Định) được đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng nguy kịch vì hóc hạt nhãn. Người nhà bệnh nhân cho biết, cháu bé được chú cho ăn nhãn để nguyên quả và hạt. Trong khi ăn, hai chú cháu trêu đùa nhau, cháu bé bật cười nên ho sặc sụa, vì thế hạt nhãn đã rơi vào đường thở.

Sau đó, bé có biểu hiện tím tái cơ thể, ngừng tim, gia đình đã tiến hành sơ cứu và đưa đến bệnh viện huyện. Khi chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương, qua thăm khám các bác sĩ phát hiện hạt nhãn bị mắc ngay ở nắp thanh môn.

Tuy nhiên, do xử lý ban đầu không đúng cách nên khi được đưa đến viện bé M. đã rơi vào trạng thái hôn mê. Dù đã được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng do bị tổn thương não vì thiếu oxy lâu nên M. phải sống thực vật.

Trước đó, Khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) đã thực hiện cấp cứu thành công cho bệnh nhi D.M.Q. (7 tuổi ở Vạn Phúc, Hà Đông) bị hóc đồng xu. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau họng, nuốt vướng, không ăn uống được. Kết quả chụp X-quang cho thấy, đồng xu nằm ngang giữa cổ. Rất may là gia đình đã nhanh chóng đưa cháu bé đến bệnh viện và dị vật mắc kẹt tròn xung quanh nên không gây tổn thương niêm mạc. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp thành công đồng xu, cứu sống cháu bé.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, phụ trách Khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, trong trường hợp dị vật bị kẹt ở khí quản, chỉ trong vòng từ 3 đến 5 phút có thể gây tử vong hoặc sưng, nhiễm trùng rất khó khăn để xử lý. Do đó, việc xử trí cấp cứu đúng cách trong vài phút đầu khi tai nạn xảy ra mới có thể cứu sống bệnh nhân, nhất là dị vật kẹt ở đường thở. Nếu muộn hoặc sơ cứu không đúng, khi vận chuyển trẻ tới bệnh viện, trẻ bị thiếu oxy lên não, dù cứu sống được cũng để lại di chứng suốt đời.

Sơ cứu đúng cách

Thực tế cho thấy, việc sơ cứu đúng cách và kịp thời khi trẻ bị hóc dị vật rất quan trọng và cần thiết. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương), các bậc phụ huynh nên lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, nếu trường hợp trẻ tỉnh táo, ho được thì nên khuyến khích ho, rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý. Trong trường hợp trẻ không ho được, ho không hiệu quả, hoặc không tỉnh thì cần mở thông đường thở, nghe xem trẻ còn thở không. Nếu tim ngừng đập thì cần phải ép tim ngoài lồng ngực. Nếu trẻ tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực.

Cụ thể, cho trẻ ngồi trên ghế và đặt lên cánh tay mình, cho đầu chúi xuống, nghiêng một bên, sau đó vỗ lưng 5 lần. Sau khi thực hiện các phương pháp trên, cần kiểm tra xem dị vật có ra không. Nếu dị vật vẫn bị mắc thì lật ngược trẻ dậy rồi ấn ngực trẻ nhiều lần, sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi sự hỗ trợ của bác sĩ…

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng đưa ra khuyến cáo, tốt nhất không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng. Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc, không nên hoảng hốt, la hét vì như vậy sẽ khiến trẻ sợ hãi và dễ bị hóc hơn. Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi…

Thêm vào đó, các bậc cha mẹ nên chú ý, trước khi cho trẻ ăn phải gỡ bỏ các hạt, mảnh xương… trong thức ăn. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình cần quan tâm trông trẻ, không cho các bé chơi một mình xung quanh những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ.  Thậm chí, trong nhà hoặc phòng của bé chơi phải sạch sẽ, không có các vật như: Viên bi, pin, kèn, ngòi bút, lò xo… Nếu thấy trẻ ngậm vào miệng các vật nhỏ có thể gây hóc thì phải nhẹ nhàng, dỗ cho trẻ tự nhè ra; không cho tay móc miệng làm cho trẻ sợ, khóc, dễ nuốt dị vật vào đường ăn hoặc hít vào đường thở.

Không chỉ với dị vật, đối với trường hợp trẻ sặc chất lỏng như cháo, bột, sữa bị khó thở, tím tái, thì người lớn cần dốc ngược trẻ, vỗ lưng để trẻ ho tống các chất này ra khỏi đường thở. Sau đó khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Dễ rước bệnh vì ăn hải sản tẩy trắng

Cuối tháng 7 vừa qua, thông tin các cơ quan chức năng tại Hà Nội đã bắt quả tang một cơ sở dùng hóa chất để khử mùi hôi, tẩy trắng bạch tuộc, mực trước khi bán ra thị trường khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo ngại. Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội có cơ sở dùng hóa chất tẩy trắng hải sản bị phát hiện.

Trước đó, tại khu chợ thủy, hải sản Long Biên, cơ quan chức năng Hà Nội cũng đã từng phát hiện một số cơ sở ở đây dùng oxy già để tẩy trắng, loại bỏ mùi thối của mực, bạch tuộc rồi bán ra thị trường.

Các loại thủy hải sản sau khi chết vài giờ sẽ bị phân hủy nhanh. Vì vậy, để bảo đảm an toàn người kinh doanh phải áp dụng công thức: 1kg hải sản sẽ phải có từ 2 đến 4kg đá lạnh để bảo quản và phải dùng xe vận chuyển chuyên dụng phân phối đến các thị trường. Với khâu vận chuyển và bảo quản như vậy sẽ khiến giá thành hải sản bị đẩy lên, người bán sẽ lãi ít. Do đó, không ít hộ kinh doanh bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng đã cho thêm phân urê vào hải sản để vận chuyển nhẹ nhàng hơn mà giữ được lâu hơn.

Vẫn biết, kinh doanh phải có lãi nhưng chỉ vì lợi nhuận mà nhiều người đã sử dụng các loại hóa chất để “phù phép” cho hải sản trước khi đem bán thì không thể chỉ xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định của Bộ Y tế, oxy già, urê không nằm trong danh mục các loại phụ gia được phép cho vào thực phẩm.

Theo Cục An toàn thực phẩm, nếu hải sản đã bị ngâm tẩm hóa chất, người tiêu dùng rửa kỹ nhiều lần cũng không thể loại bỏ được hết các chất độc đã ngấm vào đó. Chưa kể, nếu dùng oxy già để tẩy trắng khi ăn phải có thể gây chảy máu dạ dày, mắc các bệnh về thần kinh, đường ruột… Thậm chí, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính nếu ăn phải các loại hải sản có dư lượng urê cao…

Để tránh mua phải hải sản tẩm hóa chất, người tiêu dùng cần lựa chọn kỹ nhà cung cấp, có thể ngửi để phân biệt, bởi hải sản hư hỏng luôn có mùi ươn, hôi. Ngoài ra, mô thịt nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản còn tươi. Hải sản bị tẩy thường có màu trắng bệch, ngửi thấy mùi lạ, không có mùi tanh tự nhiên, đôi khi không còn mùi gì… Khi chế biến nếu thấy mùi khai, có vị khó chịu thì không nên ăn. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) ở nước ta đã chiếm tới 86,9% dân số, cho thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế của người dân ngày càng cao, nhất là chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu. Y tế cơ sở được coi là “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện đã được đưa ra tại Phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở, do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức vừa qua.

Khả năng cung ứng dịch vụ còn hạn chế

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thành tựu lớn nhất của ngành y tế trong thời gian qua là từng bước khôi phục, củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở (YTCS). Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, bản; gần 99% số xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5% số trạm có bác sĩ khám, chữa bệnh (KCB); 97% số trạm có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% số thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%. Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản được triển khai hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Đến nay, đã triển khai KCB BHYT tại khoảng 80% tổng số trạm y tế. Đáng chú ý, chất lượng KCB tại tuyến huyện ngày càng tăng, nhiều đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân lên đến gần 50% số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện/trung tâm y tế huyện…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đánh giá, YTCS cả tuyến huyện và tuyến xã còn nhiều hạn chế về chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, khiến người bệnh thiếu tin tưởng và thường vượt lên tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải tại bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, Trung ương. Trạm y tế xã chưa quan tâm đến phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như sàng lọc phát hiện sớm các bệnh cho người dân… Điều này do tổ chức hệ thống y tế chưa ổn định, lúc nhập vào, lúc tách ra, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Về nền tảng và tiềm năng, nhìn chung chất lượng chưa cao thiếu đồng bộ. Đầu tư cho YTCS còn thấp, có trạm y tế rất “xơ xác”. Chính sách đãi ngộ cho nhân viên YTCS chưa thỏa đáng; nhận thức, quan điểm chỉ đạo của cấp chính quyền và cơ quan y tế chưa quan tâm đến YTCS… Nguồn nhân lực tại y tế cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, có xu hướng bác sĩ không muốn làm việc tại YTCS mà muốn làm việc ở tuyến trên hoặc khu vực tư nhân.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, một trong những lý do khiến người dân không lựa chọn trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe, KCB BHYT ban đầu là do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015, với điều kiện giao thông thuận tiện như hiện nay, người bệnh BHYT thường lựa chọn KCB tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến các trạm y tế xã. Ngoài ra, hệ thống trạm y tế xã hiện nay chưa đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ và còn nhiều bất cập cả về nhân lực và cơ sở vật chất. Chất lượng KCB tại YTCS chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc tại nhiều trạm y tế xã còn bất cập. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người dân không lựa chọn trạm y tế xã làm nơi KCB ban đầu, dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện. Bên cạnh những thách thức nêu trên, còn có thêm một số khó khăn, vướng mắc về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách, nguồn lực, nhân lực… đã tạo áp lực không nhỏ cho ngành Y tế và BHXH trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách BHYT tại tuyến YTCS.

Đồng thời, lợi dụng chính sách thông tuyến, nhiều cơ sở KCB tuyến huyện tiếp nhận người bệnh không có đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở này và cấp giấy chuyển lên tuyến trên để điều trị những bệnh thông thường do không phải quản lý quỹ. Tình trạng chỉ định quá mức dịch vụ KCB diễn ra phổ biến tại các bệnh viện tuyến huyện, nhất là việc kê thêm giường, kéo dài ngày điều trị nội trú, chỉ định sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý… Đơn cử, ở một số bệnh viện bệnh nhân phẫu thuật phải nằm viện từ 5 đến 7 ngày hay đẻ thường nằm viện tới 5 – 6 ngày; hay có những bệnh nhân chỉ bị viêm họng nhưng YTCS vẫn giữ lại điều trị tới ba ngày để được BHYT chi trả nhiều hơn.

Bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh ở YTCS

Có ý kiến cho rằng, việc trạm y tế vắng bệnh nhân không chỉ do nguyên nhân nguồn nhân lực cán bộ y tế quá yếu mà còn do việc khoán KCB BHYT cho tuyến xã cao nhất chỉ 20%, nên người dân ít muốn đến trạm y tế. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế, 31% số ca trường hợp KCB ở tuyến Trung ương có thể giải quyết ở tỉnh, 41% số ca KCB ở tuyến tỉnh có thể chữa ở huyện… Tuy nhiên, hiện chưa có quy định pháp lý để BV tuyến Trung ương, tuyến tỉnh hạn chế nhận KCB bệnh nhân thông thường ở tuyến dưới. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã từng kiến nghị, không quy định giao quỹ KCB cho trạm y tế cao nhất bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú như hiện nay, thay vào đó cơ quan BHXH sẽ thanh toán chi phí cho trạm y tế dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới… kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, chi trả chi phí thuốc điều trị HIV, lao…

Qua thảo luận tại phiên giải trình, đại biểu, lãnh đạo các bộ, ngành thống nhất YTCS cần phải được củng cố và đầu tư một cách thỏa đáng để có thể đảm nhiệm vai trò là “người gác cổng” trong hệ thống y tế, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. UBND các tỉnh, thành phố cần phải bố trí ngân sách địa phương cho việc thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư các trạm y tế xã chưa đạt chuẩn quốc gia.

Đồng thời, Bộ Y tế cần đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở theo vị trí việc làm, triển khai các chính sách thu hút và duy trì nguồn nhân lực y tế tại tuyến cơ sở; tăng cường công tác luân phiên cán bộ y tế theo hai chiều từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện tự chủ BV tuyến huyện và việc sử dụng quỹ KCB BHYT ở BV tuyến huyện. (Nhân dân, trang 4)

 

Bánh Trung thu siêu rẻ: Sử dụng ‘vô hạn’, chất lượng ‘vô biên’?

Mỗi chiếc bánh trung thu được giới thiệu hàng ngoại có giá chỉ 3.000 đồng/cái, thời hạn “vô hạn”, chất lượng… vô biên đang “tung hoành” tại nhiều chợ sỉ lẻ, hàng tạp hóa ở TPHCM.

Trưa cuối tuần tại chợ Bình Tây (Q.6) tấp nập kẻ mua người bán. Toát mồ hôi len giữa dòng người ken đặc tìm mua bánh trung thu, chúng tôi được nhiều tiểu thương nơi đây chào hàng bánh trung thu Đài Loan. “Bánh này là hàng mới của sạp chị năm nay đó, ngon – bổ – rẻ ăn đứt hàng Việt. Bánh này giờ đang hot lắm, hàng về bao nhiêu là hết bấy nhiêu” – tiểu thương quầy bánh kẹo khu C2 liến thoắng.

Giữa ma trận thực phẩm.

Những chiếc bánh vừa được giới thiệu có kích thước khá nhỏ (khoảng 40g), bao bì chi chít chữ Trung Quốc. Tiểu thương cho biết bánh được sản xuất tại Đài Loan, vỏ bánh mỏng, có nhiều hương vị như đào, trứng muối, dưa gang nên rất thu hút trẻ em. “Giá bình thường là 90.000 đồng/kg (1kg khoảng 30 cái), nếu em muốn mua số lượng lớn từ 20 kg  trở lên thì chị lấy 85.000 đồng/kg thôi, nhưng phải đặt trước vài ngày vì hàng có sẵn không nhiều. Em nên đem về quê bán hoặc bán ở mấy khu công nghiệp, chỗ có nhiều công nhân, xóm trọ cứ từ 3.000-5.000 đồng/cái là bảo đảm đắt hàng” – chủ quầy hàng tư vấn.

Ở một quầy khác, người đàn ông tên T khệ nệ khui thùng bánh trung thu Đài Loan cho khách xem, báo giá: mua theo thùng thì giá 420.000 đồng/thùng 5 kg, mua lẻ thì 5.000-6.000 đồng/cái tùy loại. Khi hỏi xem hạn sử dụng thế nào, ông T chỉ vào dòng ký tự số 20180801 để giải thích rằng bánh được sản xuất ngày 1/8/2018, và tự nghĩ ra thời hạn là 6 tháng kể từ ngày sản xuất. “Nếu không chất lượng thì làm sao có nhiều người mua, bánh đã được bán cho rất nhiều người rồi, có nghe nói ai bị ngộ độc gì đâu” – ông T tỏ vẻ khó chịu.

Lân la bắt chuyện với người phụ nữ vừa mua 5 thùng bánh trung thu Đài Loan tên Thanh (ngụ Bến Lức, Long An) được biết, số bánh trung thu này sẽ được bà bán sỉ lại cho các tiệm tạp hóa nhỏ ở Long An. Giá

bán ra chỉ 5.000 đồng/cái, nên đắt hàng lắm. Tuần nào tôi cũng lên lấy hàng một lần, có khi không có mà bán”, bà Thanh nói.

Bánh trung thu mác ngoại này cũng nhộn nhịp trên mạng xã hội. Bánh trung thu mini phá cách bé xinh, nhỏ xíu vừa ăn. Bánh được ưa chuộng bởi lớp vỏ mỏng thơm ngon, nhân dày kín”… là những lời quảng cáo có cánh của những fanpage bán đồ ăn vặt. Thử gọi vào số máy của người tên N.Hoa để mua hàng số lượng lớn, người này chào giá một thùng bánh trung thu mini 125 cái là 250.000 đồng (khoảng 2.000 đồng/cái). Bánh có các vị cam, dâu, dưa lưới, dâu tây, xoài, đậu đỏ, muốn mua bao nhiêu cũng có. Tuy nhiên, khi ngỏ ý muốn đến kho xem hàng thì người này từ chối với lý do “kho tạm”, không tiện… Theo N.Hoa, hàng sẽ ship tận nơi ở TPHCM và nhiều tỉnh thành khác nếu khách yêu cầu.

Nỗi lo chất lượng

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo tại TPHCM cho biết, ông nghĩ không ra làm cách nào để có thể cho ra lò một cái bánh trung thu chỉ có giá 2.000-3.000 đồng như thế. Bởi giá bột mì hiện nay rẻ lắm cũng 10.000-12.000 đồng/kg, nhân bánh vài trăm ngàn đồng/kg. Đó là chưa kể trong bánh còn có thêm gói hút ẩm, khay nhựa, bao bì plastic… Nếu 1 cái bánh tầm 40g làm bằng những nguyên liệu rẻ nhất thì cũng không thể dưới 20.000 đồng.

Theo nhận định của nhiều nhà sản xuất, bánh trung thu được giới thiệu là “hàng Đài Loan” nhiều khả năng sản xuất tại Trung Quốc, được vận chuyển theo đường bộ. Nhưng nếu đúng như vậy thì chi phí vận chuyển về đến Việt Nam sẽ rất cao, không thể có giá “rẻ như cho” vậy được. Do đó chất lượng bánh loại này như thế nào là điều rất đáng quan tâm và cần cơ quan chức năng vào cuộc, khuyến cáo để người dân được biết.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, đã nắm được thông tin về loại bánh trung thu mini siêu rẻ và vụ việc thu giữ 10.000 chiếc bánh mini lậu vừa qua tại Hà Nội. “Bây giờ bắt đầu vào mùa trung thu, chúng tôi có kế hoạch để kiểm tra bánh trung thu đang lưu thông, phân phối trên địa bàn thành phố. Năm nào chi cục cũng triển khai quyết liệt, bắt đầu từ nguồn nguyên liệu chứ không phải chờ đến khi sản phẩm ra thị trường. “Bây giờ có rất nhiều loại bánh trên thị trường, việc kiểm soát cũng không hề dễ dàng. Trước khi chờ cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên ý thức trong việc chọn mua bánh của các hãng có uy tín, đừng ham rẻ mà mua, rất dễ gặp phải hàng kém chất lượng” – ông Kiếm khuyến cáo. (Tiền phong, trang 10)

 

Cơ hội vàng điều trị bệnh tự kỷ cho trẻ

Bác sĩ, thạc sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, mỗi năm trẻ đến khám và điều trị chứng tự kỷ tăng từ 10-20%. Ðáng tiếc những hiểu lầm của cha mẹ dẫn tới trẻ tự kỷ bị mất đi cơ hội vàng để điều trị khỏi.

Theo bác sĩ Minh, cha mẹ chính là bác sĩ tốt nhất của con, bởi con ở cùng cha mẹ hàng ngày, cha mẹ theo con đến khi trưởng thành và trên chặng đường đó cha mẹ đồng hành cùng con trong quá trình trị liệu. Nhiều ví dụ đã chứng minh, cha mẹ kiên trì, đồng hành dù vất vả, gian nan để trị liệu cùng con, trẻ mắc chứng tự kỷ được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ có nhiều cơ hội hòa nhập vào cuộc sống như bao trẻ em khác. Cơ hội vàng của trẻ mắc chứng tự kỷ là phát hiện sớm và trị liệu vào giai đoạn trẻ 24 tháng tuổi. Đây là thời điểm chẩn đoán rõ nhất, khoa ưu tiên điều trị cho trẻ từ 24 đến 36 tháng vì để muộn can thiệp rất khó.

Theo GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, ở các nước trên thế giới, tỷ lệ người mắc chứng tự kỷ rất cao. Ở Việt Nam chưa có số liệu điều tra thực tế nhưng tại Bệnh viện Nhi T.Ư mỗi năm khám và điều trị cho trẻ tự kỷ tăng từ 10-20% (có khoảng 22.000 lượt trẻ đến khám chuyên khoa tâm thần mỗi năm, trong đó 1/3 lượt trẻ đến khám đánh giá tự kỷ). TS Hải cho biết thêm, gia đình phải xác định theo trẻ cả cuộc đời, nhưng không phải là bế tắc, nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm và đúng phương pháp ở 2 tuổi thì trẻ có thể hòa nhập với cuộc sống. Điều trị tự kỷ đòi hỏi thời gian lâu dài, kiên trì, kiên nhẫn và quan trọng nhất cha mẹ là người can thiệp chính cho con mình.

Các dấu hiệu điển hình để phát hiện sớm trẻ tự kỷ bao gồm nhiều đặc điểm. Một số dấu hiệu cụ thể như: Trẻ đến 1 tuổi mà không có động tác chỉ trỏ gây sự chú ý của người khác, không có tiếng bập bẹ; không nói được từ nào khi 16 tháng tuổi; không nói được câu nào gồm 2 từ khi 24 tháng tuổi; các đồ chơi, trò chơi cũng không lôi cuốn được trẻ. Trẻ hầu như không hứng thú kết bạn, không nhìn ai hay chú ý vào ai, thường chỉ nhìn lâu vào các vật có các động tác đơn điệu. Đặc biệt, có một số biểu hiện của trẻ bị tự kỷ mà cha mẹ ngỡ con mình là “thần đồng” dễ bỏ qua biểu hiện sớm của bệnh. Một số trẻ thể hiện hứng thú đặc biệt với máy móc, con số, trẻ có thể đọc vanh vách quá sớm… Đó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tự kỷ mà cha mẹ dễ bị đánh lừa.

Bác sĩ Minh cho hay, trẻ tự kỷ được can thiệp ở Khoa Tâm thần tối đa là 5 đợt. Đợt 1 thời gian can thiệp 3 tuần. Đợt thứ 2 cha mẹ quan sát và đến đợt thứ 3 là cha mẹ dạy được con. Sau 5 đợt thì về nhà cha mẹ chính là bác sĩ của con (thứ 3 và thứ 5 hàng tuần Khoa Tâm thần tổ chức tư vấn cho cha mẹ).Tuy nhiên, theo bác sĩ Minh, nhiều quan niệm sai lầm của cha mẹ đã dẫn tới trẻ mất đi cơ hội vàng khiến bệnh tình càng nặng thêm. Đợt 1 trẻ đã rất tốt, nhưng về nhà cha mẹ không có thời gian, sao nhãng với con thì kết quả lại về con số 0. Có nhiều cha mẹ bỏ cuộc giữa chừng, khi trẻ có hành vi bất thường quay lại điều trị thì rất khó. Có trẻ cha mẹ phát hiện sớm nhưng không tìm được nguồn hướng dẫn điều trị, khi 12 tuổi thì đã trở nên tăng động, gào thét, đập đầu vào tường, nhổ nước bọt. Hoặc rất nhiều phụ huynh tưởng con ổn rồi nhưng đến tuổi dậy thì con lại nặng thêm hoặc thụt lùi. Các chuyên gia tâm thần cho biết, tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và can thiệp trẻ tự kỷ ở lứa tuổi dậy thì. Khoảng 50% trẻ tự kỷ không có ngôn ngữ, vì vậy cha mẹ phải quan sát con, khi thấy con có những biểu hiện bất thường phải đưa tới khám tại chuyên khoa nhằm phát hiện và can thiệp sớm. (Tiền phong, trang 6)

 

Bệnh van tim và những ảnh hưởng đến sức khỏe

Hiện nay, bệnh van tim khá phổ biến ở nước ta và gặp ở mọi lứa tuổi bao gồm cả bệnh van tim bẩm sinh và bệnh van tim mắc phải. Người bệnh bị bệnh van tim thời gian đầu không có triệu chứng. Khi bệnh diễn biến nặng, khả năng dự trữ của tim bắt đầu giảm, người bệnh xuất hiện triệu chứng: khó thở, phù chân, chán ăn, sụt cân, đau ngực, choáng hoặc ngất…, bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Đa số bệnh nhân đến bệnh viện khi bệnh trở nặng

Theo các bác sĩ tại TPHCM, bệnh van tim bẩm sinh thường gặp ở trẻ em, van tim hậu ở người trưởng thành trẻ tuổi và trung niên, còn bệnh van tim thoái hóa thường gặp ở người lớn tuổi. Nguyên nhân các bệnh van tim, thường gặp là các dị tật van hai lá bẩm sinh gây hẹp hoặc hở van hai lá, van động mạch chủ bẩm sinh hai mảnh hoặc một mảnh, hẹp hoặc hở van hai lá hậu thấp, hẹp hoặc hở van động mạch chủ hậu thấp; hẹp hoặc hở van hai lá do thoái hóa; hẹp hoặc hở van động mạch chủ do thoái hóa, bệnh van tim sau xạ trị; bệnh van tim do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng…

Theo PGS. TS. BS. Nguyễn Hoàng Định – Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD), người bệnh bị bệnh van tim thời gian đầu sẽ không có triệu chứng. Khi bệnh diễn biến nặng, khả năng dự trữ của tim bắt đầu giảm, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng như khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở kịch phát về đêm, phù chân, chán ăn, đau ngực, choáng hoặc ngất… Ngoài ra, người bệnh có biểu hiện gần giống hen nên dễ chẩn đoán nhầm. Nếu không được điều trị, các triệu chứng trên sẽ ngày càng nặng nề, thường xuyên và dẫn đến suy tim không hồi phục.

Cũng theo bác sĩ Định, đa số người bệnh mắc các bệnh lý van tim đến bệnh viện khi tình trạng suy tim đã diễn tiến nặng, khiến việc hồi phục diễn ra khó khăn hơn các trường hợp phẫu thuật khi tim chưa suy giảm chức năng. Hai loại van tim nhân tạo hiện nay được sử dụng là van cơ học và van sinh học. Mỗi loại van đều có những ưu – nhược điểm nhất định nên người bệnh thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn van tim thay thế. Bên cạnh đó, chi phí phẫu thuật cũng như chi phí thay van tim nhân tạo khá cao nên nhiều người bệnh chưa có điều kiện phẫu thuật.

Chữa lành bệnh tim mà không cần mổ xương ức

Bệnh nhân N.V.Tr. (49 tuổi, ngụ Bình Phước) được mổ nội soi thay hai van tại khu vực miền Nam. Theo đó, anh Tr. được chẩn đoán mắc bệnh van động mạch chủ và van hai lá nặng hậu thấp từ lâu. Người bệnh đến khám tại BV ĐHYD trong tình trạng bệnh đã trở nặng với triệu chứng khó thở khi gắng sức, khiến công việc và cuộc sống bị ảnh hưởng. Anh Tr. đã được phẫu thuật tim nội soi điều trị bệnh van hai lá và đã phục hồi tốt sau mổ chỉ với một vết sẹo nhỏ bên ngực trái.

Trường hợp ông N.T.B. (69 tuổi, ngụ Củ Chi, TPHCM) được chẩn đoán hẹp van hai lá nặng, nếu không phẫu thuật sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị phình động mạch chủ bụng dạng túi. Đây là dạng phình có nguy cơ vỡ cao, đặc biệt là khi chạy tuần hoàn ngoài cơ thể ngược dòng trong mổ tim nội soi. Các bác sĩ đã tiến hành đặt ống ghép nội mạch động mạch chủ cho người bệnh vào ngày cuối năm. Ba ngày sau đó, ông B. tiếp tục được phẫu thuật nội soi thay van tim. Hiện sức khỏe người bệnh sau phẫu thuật rất ổn định.

BS Nguyễn Hoàng Định cho biết, hiện nay phẫu thuật tim ít xâm lấn là một kỹ thuật tiên tiến được Khoa Phẫu thuật tim mạch BV ĐHYD ứng dụng điều trị tất cả các bệnh lý van tim. Với kỹ thuật này, người bệnh không phải mở toàn bộ xương ức mà chỉ cần một đường mở ngực nhỏ để đảm bảo thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Phẫu thuật tim ít xâm lấn giúp người bệnh ít đau, sớm hồi phục. (Lao động, trang 13)

 

Bộ Y tế thông tin về thuốc Lipiodol bị đẩy giá cao

Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường, cho biết đã tiếp nhận thông tin Báo Thanh Niên phản ánh về việc thuốc Lipiodol tăng giá cao.

Liên quan đến thuốc Lipiodol (dùng trong điều trị u gan) bị đẩy giá liên tục mà một số bệnh viện cho rằng do thuốc này đang độc quyền (Báo Thanh Niên phản ánh hôm 11.8), bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia thông tin với PV Thanh Niên về vấn đề này.

Bất thường giá thuốc trị u gan Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, thuốc là mặt hàng được nhà nước quản lý giá. Một thuốc chữa bệnh trước khi cung ứng ra thị trường cần phải kê khai giá bán và giá đó chỉ được áp dụng sau khi được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chấp nhận và công bố trên website của Cục.

Với trường hợp một thuốc tăng giá liên tục như phản ánh của Báo Thanh Niên thì vụ, cục chức năng sẽ cần xác định nguyên nhân tăng giá, trên cơ sở xác định nguyên nhân sẽ đưa ra các giải pháp can thiệp.

Bà Ngọc Bảo cho rằng, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã có các quy định để kiểm soát giá thuốc, một trong những giải pháp kiểm soát không để giá thuốc được đẩy lên cao bất hợp lý là đàm phán giá.

Tại Thông tư 09/2016/TT – BYT về ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá đã có 8 hoạt chất đã được đưa vào danh mục đàm phán giá.

Theo thông tư này, các thuốc đàm phán không chỉ là biệt dược mà còn là thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do Bộ Y tế ban hành; thuốc có ít nhà sản xuất, cung cấp (1 – 2 nhà sản xuất)… Ngoài việc đàm phán giá thì vụ, cục chức năng của Bộ Y tế có thể xem xét chấp nhận thêm các nhà nhập khẩu/cung ứng thuốc đó. Việc này về nguyên tắc cơ bản thì có thể thực hiện với các thuốc generic vì đó không còn là thuốc độc quyền.

Thực tế trong năm 2017, qua thực hiện đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã giúp tiết kiệm 477 tỉ đồng. Cụ thể, tổng giá kế hoạch 2.746 tỉ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỉ đồng. Ngay cả với một số biệt dược điều trị ung thư sau khi áp dụng các biện pháp can thiệp, giá trung bình đã giảm được 6,9%.

Bà Ngọc Bảo cũng cho biết, ngoài các giải pháp về đấu thầu, đàm phán giá, cơ quan thanh tra cũng vẫn phải thực hiện thanh tra về việc chấp hành các quy định về quản lý giá thuốc; các công ty, nhà thuốc bán giá cao hơn kê khai sẽ bị xử phạt.

Trả lời PV Thanh Niên chiều 12.8, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường, cho biết đã tiếp nhận thông tin Báo Thanh Niên phản ánh về việc thuốc Lipiodol tăng giá cao. Cục đã yêu cầu cán bộ chuyên trách về giá và kê khai giá thuốc của Cục trong tuần tới sẽ xem lại và có thông tin trả lời về thực hiện quản lý giá đối với thuốc Lipiodol. (Thanh niên, trang 4)

 

Kẻ đánh điều dưỡng Bệnh viện Việt Đức bị xử 6 tháng tù treo

Vào Bệnh viện Việt Đức thăm người quen đang cấp cứu tại đây do tai nạn giao thông, nam thanh niên 9X đã đưa ra yêu cầu cho bệnh nhân về nhưng không được đáp ứng. Sau đó nam thanh niên liền lao vào đánh và chửi bới điều dưỡng…

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) vừa tuyên Đinh Văn Nghĩa (SN 1990, ở Lưu Phương, Kim Sơn, Ninh Bình) 6 tháng tù cho hưởng án treo về hành vi hành hung nhân viên y tế.

Cách đây vài tháng, vào lúc 22h đêm, Nghĩa đến Khoa phẫu thuật thần kinh của Bệnh viện Việt Đức để thăm anh Vũ Duy Ninh đang cấp cứu tại đây do tai nạn giao thông. Biết Ninh sắp cưới, nên Nghĩa thấy chị Nguyễn Thị Phương Lâm là điều dưỡng viên của Khoa đang đi ở hành lang, liền đến xin cho Ninh về rước dâu, nhưng chị Lâm giải thích muốn ra viện phải có chỉ định của bác sĩ.

Thế là Nghĩa chửi bới và đánh chị Lâm, nhưng may chị Lâm tránh được và vào phòng đóng cửa lại. Nghĩa ở bên ngoài tiếp tục đá vào cửa và chửi chị Lâm, thấy vậy anh Đỗ Như Tùng, điều dưỡng viên, đến can ngăn thì Nghĩa quay ra đấm vào mặt anh Tùng, gây thương tích ở mặt.

Lực lượng bảo vệ Bệnh viện đã đến yêu cầu Nghĩa về phòng bảo vệ làm việc, nhưng Nghĩa không chấp hành mà vẫn chửi bới và gây rối tại Khoa. Chỉ cho đến khi lực lượng cảnh sát bảo vệ của Công an TP Hà Nội đến yêu cầu, Nghĩa mới chịu đến phòng bảo vệ của Bệnh viện làm việc rồi được đưa về cơ quan Công an để xử lý.

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử cho rằng, hành vi chửi bới, gây rối của Nghĩa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại Bệnh viện Việt Đức nơi có đông người bệnh từ các nơi đến. Đồng thời hành vi của Nghĩa nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự trị an xã hội, tạo dư luận xấu trong nhân dân. Do đó, việc xử lý bị cáo trước pháp luật là cần thiết. Tuy nhiên, do Nghĩa phạm tội lần đầu lại thành khẩn khai báo, là lao động chính của gia đình thuộc hộ nghèo, nên Tòa án đã xử phạt Nghĩa 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng thời gian thử thách là 12 tháng.

Cũng liên quan đến việc hành hung nhân viên y tế, cách đây một tuần vào sáng 3/8, TAND huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã chính thức tuyên án sơ thẩm 9 tháng tù giam đối với bị cáo Cấn Ngọc Giang, người dùng cốc đánh vào đầu bác sĩ ở BVĐK Thạch Thất về tội cố ý gây thương tích. Trước đó, trưa 16/4, BS. Lê Quang Dương – Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, đồng thời là trưởng kíp trực ngày 16/4 đang xem hồ sơ bệnh án thì bất ngờ bị Cấn Ngọc Giang – bố bệnh nhi dùng chiếc cốc thủy tinh đập thẳng vào đầu bác sĩ khiến bác sĩ bất tỉnh và phải khâu 7 mũi, theo dõi chấn thương sọ não.

16 tháng tù giam là mức án mà TAND quận Đống Đa, Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tiến Dũng (ở phường Tứ Kỳ, quận Hoàng Mai, Hà Nội về tội gây rối trật tự công cộng, sau khi người này xông vào Bệnh viện Bạch Mai hành hung nhân viên y tế. Sự việc xảy ra khiến nữ điều dưỡng viên đang mang thai tháng 7 rơi vào hoảng loạn phải truyền dịch, không thể tiếp tục làm việc.

Ngoài ra, nhiều đối tượng hành hung nhân viên y tế, nhân làm việc trong môi trường bệnh viện cũng đã bị khởi tố tại nhiều địa phương. Mới đây nhất, Công an Thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã khởi tố và bắt tạm giam đối tượng Tăng Thanh Hường (sinh năm 1971, trú tại Phường Tam Thanh, TP.Lạng Sơn) để điều tra hành vi đâm dao gây thương tích cho nhân viên bảo vệ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Trước đó, tại Quảng Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh… cơ quan chức năng các địa phương này cũng đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam nhiều đối tượng cố tình hành hung nhân viên y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2018-2019 là bao nhiêu?

Theo quy định mức đóng BHYT hàng tháng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở (tức là 4,5% x 1.390.000 đồng/tháng). Trong đó, học sinh, sinh viên chỉ cần đóng 70% chi phí, còn 30% còn lại sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 2873/BHXH-BT yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên trong năm học 2018-2019.

BHXH Việt Nam cho biết, trong những năm qua, BHXH các tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên. Số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng đáng kể, từ khoảng 85% năm học 2013-2014 lên khoảng 93,5% năm học 2017 -2018. Việc cấp, đổi thẻ BHYT theo mã số BHXH được triển khai quyết liệt, đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia chưa đồng đều, tại một số tỉnh, thành phố số tham gia chưa cao (mới đạt khoảng 70-80%), việc cấp, đổi thẻ BHYT còn để xảy ra sai thông tin.

Để khắc phục những tồn tại và tiếp tục triển khai hiệu quả BHYT học sinh, sinh viên, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT học sinh, sinh viên với các cơ sở giáo dục, đào tạo. Trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn đẩy mạnh việc thực hiện BHYT cho sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ hai trở đi; đưa tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT để vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Trong đó, chú trọng vào các nội dung về quyền lợi hưởng khi tham gia BHYT. Đồng thời, thực hiện rà soát, phân loại danh sách học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT và sắp hết hạn trong cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phối hợp với các trường học vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT đầy đủ.

BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục – Đào đạo tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá, phổ biến tuyên truyền chính sách pháp luật BHYT đến các trường học; ban hành văn bản hướng dẫn các trường học trên địa bàn tổ chức thu BHYT học sinh, sinh viên theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ quá trình tham gia, quyền lợi hưởng, thời điểm đủ 05 năm liên tục và thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH. Đối với trường hợp học sinh, sinh viên đã được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH khi tiếp tục tham gia, cơ quan BHXH thực hiện ghi giá trị sử dụng mới của thẻ BHYT vào cơ sở dữ liệu và in danh sách cấp thẻ BHYT (mẫu D10a-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH) gửi cho các trường học, thẻ BHYT đã cấp theo mã số BHXH tiếp tục được sử dụng. Đối với trường hợp học sinh, sinh viên chưa được cấp mã số BHXH thực hiện kê Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS ban hành theo Quyết định 888/QĐ-BHXH).

Kịp thời xét duyệt và trích chuyển kinh phí thù lao thu BHYT học sinh, sinh viên, xác định và chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo quy định.

Theo quy định mức đóng BHYT hàng tháng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở (tức là 4,5% x 1.390.000 đồng/tháng). Trong đó, học sinh, sinh viên chỉ cần đóng 70% chi phí, còn 30% còn lại sẽ được nhà nước hỗ trợ.

Như vậy, mức đóng BHYT học sinh, sinh viên cho năm học 2018-2019 (12 tháng) là: 750.600 đồng. Trong đó, học sinh, sinh viên đóng 70%, tương ứng là 525.420 đồng; Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, tương ứng 225.180 đồng.

Học sinh, sinh viên có thể lựa chọn các phương thức đóng như: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng tính theo năm tài chính.

Đối với học sinh, sinh viên năm đầu cấp hoặc đã tham gia BHYT gián đoạn trong năm học trước thì có thể tham gia BHYT ngay từ đầu năm học. (Sức khỏe & Đời sống, trang 7)

 

2 sản phẩm sữa bột sản xuất tại Phần Lan phát hiện có lẫn dây kim loại

Ngày 10/8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết vừa nhận được cảnh báo của Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về 2 sản phẩm sữa bột sản xuất tại Phần Lan phát hiện có lẫn dây kim loại (dài khoảng 1,5cm).

Đó là sản phẩm ValioEila® whole milk powder 25kg lactose free gồm các lô có ngày sản xuất 14-3-2018, hạn sử dụng ngày 14-3-2019; ngày sản xuất 19-3-2018, hạn sử dụng ngày 19-3-2019 và ngày sản xuất 5-6-2018, hạn sử dụng ngày 5-6-2019.

Sản phẩm ValioEila® skimmed milk powder 25kg lactose free gồm các lô có ngày sản xuất 5-3-2018, hạn sử dụng ngày 3-9-2019; ngày sản xuất 6-3-2018, hạn sử dụng ngày 4-9-2019; ngày sản xuất 15-3-2018, hạn sử dụng ngày 13-9-2019; ngày sản xuất 16-3-2018, hạn sử dụng ngày 14-9-2019; ngày sản xuất 18-3-2018, hạn sử dụng ngày 16-9-2019; ngày sản xuất 17-4-2018, hạn sử dụng ngày 16-10-2019; ngày sản xuất 26-4-2018, hạn sử dụng ngày 25-10-2019; ngày sản xuất 27-4-2018, hạn sử dụng ngày 26-10-2019; ngày sản xuất 30-4-2018, hạn sử dụng ngày 29-10-2019.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tạm thời ngừng tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm này.

Cục An toàn thực phẩm cho biết hiện Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công Thương để tiến hành kiểm tra và thực hiện các biện pháp kiểm soát trên thị trường. Cục sẽ tiếp tục thông báo trên website khi có thông tin cập nhật liên quan đến hai lô sữa này. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

 

Bài viết liên quan

Hội nghị giao ban công tác Y tế dự phòng Quý I năm 2024

Mậu Ngọ

Những bộ phận ở lợn nên cẩn trọng khi ăn

CDC Hà Nam

Ý NGHĨA CỦA NGÀY TẾT TRUNG THU VỚI TRẺ EM

CDC Hà Nam

Để lại bình luận