Điểm báo ngày 13/8/2020

(CDC Hà Nam)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tỉnh táo thực hiện mục tiêu kép; Hà Nội: Ca dương tính với Sars-CoV-2 mới không liên quan đến Đà Nẵng; Hà Nội đón gần 1.000 khách du lịch “mắc kẹt” tại Đà Nẵng về cách ly; Bao nhiêu người sẽ được tiêm chủng trong năm 2021?; Việt Nam hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin Covid-19; Thành viên phi hành đoàn chuyến bay Guinea Xích đạo âm tính với Covid- 19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tỉnh táo thực hiện mục tiêu kép

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều 12-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói việc quyết định mức độ nguy cơ và biện pháp phòng chống dịch cần phù hợp, không để ảnh hưởng quá lớn tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế cần tiếp tục phát huy việc điều phối hiệu quả và đặc biệt hỗ trợ kịp thời các phương tiện, năng lực xét nghiệm và vật tư, nhân lực, chuyên môn cho địa phương.

‘Thực hiện nghiêm các bộ tiêu chí an toàn, không được phép lơ là, chủ quan để dịch bệnh bùng phát, lây lan từ cơ sở y tế’ – Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu trang bị đầy đủ trang thiết bị, không để lây nhiễm chéo. Các nhà máy, cơ sở sản xuất phải tự đánh giá tiêu chí an toàn. Các bệnh viện, các khu công nghiệp phải rất chặt chẽ trong việc giám sát y tế, phòng dịch.

Đồng thời, ngành y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vắcxin, hoàn thiện phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Nên có một quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm COVID-19, trường hợp ho, sốt, viêm hô hấp thì phải kiểm tra ngay để xử lý.

Từ kinh nghiệm Quảng Nam, Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị các địa phương thành lập các tổ tuyên truyền và giám sát cộng đồng để ‘đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà các trường hợp’ nghi ngờ, báo y tế kiểm tra, đặc biệt cần triển khai mạnh ở các địa phương có ca nhiễm.

Do đó, từng địa phương nên suy nghĩ về một chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả, cả về kinh tế và đặc biệt là y tế. Tinh thần là không được chủ quan, mất cảnh giác nhưng lưu ý việc đóng cửa nghiêm ngặt ở quy mô quá rộng không chỉ tê liệt mọi hoạt động kinh tế – xã hội mà tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của người dân.

‘Đây là bài toán vô cùng khó trong lãnh đạo, chỉ đạo; phải tỉnh táo, phải biết cách làm phù hợp, không thể coi thường tính mạng của người dân nhưng không thể đóng cửa mọi hoạt động để tê liệt’ – Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông nói Thường trực Chính phủ và ở địa phương cũng rất lo tình trạng thất nghiệp, không có việc làm, đói kém xảy ra đối với người lao động. Vì vậy, việc quyết định mức độ nguy cơ và biện pháp phòng chống dịch cần phù hợp, không để ảnh hưởng quá lớn tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Đối với việc mua sinh phẩm và kit xét nghiệm, Thủ tướng nói nhận được nhiều lời phàn nàn lo ngại không dám mua vì sợ vi phạm. Do đó, ông yêu cầu Bộ Y tế làm việc với Tổng cục Hải quan công bố giá thiết bị xét nghiệm nhập khẩu sớm hơn nữa, từ đó tính toán các chi phí khác như vận chuyển, thuế… để có mức giá phù hợp.

Thủ tướng đề nghị thành lập tổ liên ngành để xác định mức giá gồm giá thành, lợi nhuận cần thiết, giá chuyển giao công nghệ… để chốt mức giá trần rồi thông báo đến 63 tỉnh, thành phố. Nếu địa phương nào đàm phán mua được giá thấp hơn thì hoan nghênh.

Đối với thiết bị, sinh phẩm nhập khẩu xét nghiệm, ông đồng ý mời một số nhà nhập khẩu đến đàm phán, chốt giá trần, với tinh thần ‘cứ thế mà mua công khai, minh bạch; ta không tham nhũng, tiêu cực, không có gì phải ngại, không đẩy trách nhiệm lên cấp trên’ (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Hà Nội: Ca dương tính với Sars-CoV-2 mới không liên quan đến Đà Nẵng

Chiều 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 15 địa phương về tình hình và các biện pháp mới phòng chống dịch COVID-19

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trên địa bàn thành phố, từ ngày 25/7 đến nay có 30 ca bệnh, trong đó 8 ca trong cộng đồng và 22 ca nhập cảnh từ các khu vực cách ly tập trung. Đặc biệt, trong ngày 11/8, Hà Nội phát hiện một ca mắc mới là người dân của tỉnh Hải Dương đến khám bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và đang chờ Bộ Y tế công bố. Thông tin thêm về trường hợp này, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, ca nhiễm mới là bệnh nhân 63 tuổi, địa chỉ tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Trong vòng một tháng, bệnh nhân không đi ra khỏi địa bàn Hải Dương. Ngày 27/7, bệnh nhân xuất hiện tức ngực được con đưa đi khám tại Phòng khám tư 36 Ngô Quyền, phường Phạm Ngũ Lão, Hải Dương, chuẩn đoán trào ngược dạ dày. Ngày 30/7 bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, ngày 3/8 bệnh nhân đi xe buýt từ huyện Bình Giang lên thành phố Hải Dương để ăn đám cưới. Ngày 8/8 được con đưa đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 để khám bệnh và được chuẩn đoán viêm phổi, kê đơn về điều trị tại nhà. Sau khi khám xong, bệnh nhân về nhà con gái tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Ngày 9/8, bệnh nhân xuất hiện mệt nhiều sốt 38 độ, tức ngực, khó thở. Gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Bệnh nhân thực hiện khai báo y tế và phòng khám sàng lọc Covid-19. Sau khi chụp X quang thấy hình ảnh viêm phổi, bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly nằm điều trị tại một phòng riêng với chẩn đoán viêm phổi nặng. Ngày 10/8, bệnh nhân được Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu gửi CDC Hà Nội xét nghiệm, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 11/8, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả sàng lọc dương tính. Sau đó mẫu bệnh phẩm được gửi ngay đến CDC Hà Nội để xét nghiệm khẳng định có kết quả dương tính. Đáng chú ý, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, điều tra ban đầu cho thấy bệnh nhân không có mối quan hệ liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng, chưa rõ nguồn lây bệnh.   Đồng thời với việc đưa bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương 2, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo truy vết điều tra toàn bộ F1, F2 trên địa bàn của thành phố, khoanh vùng xử lý nơi ở, quán bia, gia đình bệnh nhân đã cư trú, làm việc với Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Bệnh viện Thanh Nhàn. Theo báo cáo, hai bệnh viện đã quản lý đúng theo quy trình, hướng dẫn, phân luồng khám chữa bệnh theo quy định; đồng thời Thành phố cũng thông báo với tỉnh Hải Dương để tiến hành điều tra và tổ chức phòng, chống dịch liên quan đến bệnh nhân. Cũng theo ông Ngô Văn Quý, chiều nay, thành phố sẽ đón 409 người từ Đà Nẵng bị kẹt về Hà Nội để cách ly và xét nghiệm. Ngày mai sẽ đón nốt 500 người. Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, tuần tới sẽ là trọng điểm trong công tác phòng, chống dịch tại Hà Nội, vì vậy, TP sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, của Thành ủy và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Hà Nội đón gần 1.000 khách du lịch “mắc kẹt” tại Đà Nẵng về cách ly

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong số gần 1.700 khách du lịch bị “mắc kẹt” tại Đà Nẵng được các bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức các chuyến bay đưa về Hà Nội và TP HCM từ 12 đến 14-8, có gần 1.000 công dân Thủ đô. Tất cả du khách bị “mắc kẹt” này ngay khi trở về Hà Nội sẽ được đưa đến khu cách ly tập trung để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, vật chất để phục vụ tốt nhất những người thực hiện cách ly tập trung. Tiếp đó, tất cả trường hợp trở về từ Đà Nẵng sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2 tối thiểu 2 lần ngay tại khu cách ly. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì đến ngày thứ 14, các trường hợp đó sẽ được kết thúc cách ly. Theo kế hoạch, để đón gần 1.000 công dân Hà Nội từ Đà Nẵng và Quảng Nam trở về để đưa vào cách ly tập trung, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chỉ đạo Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức điều chỉnh vị trí đóng quân của 2 tiểu đoàn, dành toàn bộ khu Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh để thực hiện nhiệm vụ cách ly công dân; đồng thời, tiếp nhận thêm lực lượng từ đơn vị khác vào quân số phục vụ. Tại đây, nhà trường đã bố trí 2 dãy nhà 5 tầng với tổng cộng 64 phòng ở, mỗi phòng 16 người và 3 phòng cách ly tạm thời (An ninh thủ đô, trang 3). 

 

Bao nhiêu người sẽ được tiêm chủng trong năm 2021?

Theo khảo sát được công bố mới đây của CEPI, ước tính có khoảng 4 tỉ liều vắc xin Covid-19 được sản xuất từ tháng 10.2020 đến cuối năm 2021.

Con số này được đưa ra dựa trên giả định toàn bộ quy trình phát triển và sản xuất vắc xin không bị gián đoạn trong thời gian tới.

Trong khi đó, số người cần được tiêm chủng để chấm dứt đại dịch được ước tính là 70% dân số toàn cầu, tương đương 5,5 tỉ người. Hơn nữa, nếu như loại vắc xin được cấp phép cần đến 2 mũi tiêm, đồng nghĩa sẽ cần có 11 tỉ liều. Đó là chưa tính khả năng tác dụng miễn dịch của vắc xin có thể không kéo dài và cần tiêm nhắc lại thường xuyên.

Những số liệu này cho thấy số người được tiêm chủng trong một năm tới có thể chưa bằng một nửa so với mức cần thiết để đạt miễn dịch toàn cầu, theo trang Newsroom. Dù vậy, CEPI lưu ý rằng các nhà sản xuất gần đây đang gia tăng khả năng sản xuất vắc xin nên con số thực tế có thể cao hơn (Thanh niên, trang 2). 

 

Việt Nam hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin Covid-19

Sau giai đoạn thử nghiệm thành công cho thấy vắc xin “made in VN” sinh miễn dịch tốt, các đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin Covid-19 trong nước đang tối ưu quy trình, chuẩn bị cho tiêm thử nghiệm trên người và quy mô sản xuất lớn. TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH ) – đơn vị đã nghiên cứu vắc xin Covid-19 ngay từ đầu dịch, cho biết vừa qua VABIOTECH đã thử nghiệm vắc xin trên động vật. Kết quả cho thấy kháng nguyên của vắc xin đáp ứng miễn dịch, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phòng được Covid-19 do vi rút SARS-CoV-2.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết hiện các nhà khoa học đang trong giai đoạn tối ưu hóa quy trình sản xuất. Đối với vắc xin cần phải xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng mà mình mong muốn; phải tối ưu hóa ở quy mô sản xuất lớn để có thể sản xuất với số lượng nhiều nhất, trong thời gian ngắn, vì đây là vắc xin đại dịch. Tất cả hướng đến mục tiêu sản xuất được số lượng lớn trong một thời gian ngắn.

Theo VABIOTECH, nếu quy mô sản xuất với vắc xin thông thường khoảng 3 – 5 triệu liều/năm hoặc nhiều hơn là 20 – 30 triệu liều/năm, nhưng với vắc xin Covid-19, mỗi năm có thể cần hàng trăm triệu liều, có những quốc gia còn muốn nhiều hơn nữa.

‘‘Khi mình nâng công suất lên ở mức độ lớn như vậy, đòi hỏi có các đánh giá rất kỹ, hoàn thiện quy trình để đạt quy mô hàng trăm triệu liều một năm, chỉ trong vài tháng đã cần hàng chục triệu liều, trong tình huống rất cấp bách như hiện nay’’, TS Đạt cho biết.

Thông tin về việc lựa chọn nguyên liệu sản xuất vắc xin Covid-19, TS Đạt đánh giá: “Kết quả thử nghiệm thành công ở giai đoạn trước cho chúng ta những căn cứ triển khai giai đoạn hiện tại. Hiện có thể khẳng định chúng ta đã đi đúng hướng. Trong đó, chúng ta đã đúng khi lựa chọn vùng kháng nguyên của vi rút. Lựa chọn này là yếu tố gần như quyết định, là nguyên liệu ‘‘cốt lõi’’ cho sản xuất vắc xin, để tạo đáp ứng miễn dịch’’.

Theo TS Đạt, công nghệ sản xuất vắc xin đang tiếp cận, làm chủ, là công nghệ vector vi rút. Công nghệ này có lợi thế là có thể nâng được công suất lên nhanh chóng trong thời gian ngắn. Với công nghệ cũ, các lô mẻ sản xuất vắc xin cho năng suất thấp hơn, hiệu suất thấp hơn, và phải qua nhiều bước để nhân chủng, tinh chế, thời gian có vắc xin lâu hơn và hiệu suất không cao.

Vắc xin bảo vệ trước các chủng SARS-CoV-2

Các nhà khoa học lưu ý, bản chất của vi rút là có khả năng biến đổi. Và mức độ lây lan mạnh của đại dịch lại càng làm tăng mức độ biến đổi của vi rút đó hơn lên. Vì càng nhiều người nhiễm thì mức độ đột biến cũng dễ xảy ra hơn, tương tự như vi rút cúm vậy.

‘‘Vì vậy, để có thể đem lại hiệu quả bảo vệ, ứng phó với sự đa dạng của SARS-CoV-2 có các biến chủng, với vắc xin Covid-19, chúng ta đã chọn những vùng gien của vi rút (kháng nguyên cho sản xuất vắc xin) biến đổi ít nhất. Do đó, kháng nguyên của vi rút SARS-CoV-2 trong vắc xin sẽ có bản chất di truyền ổn định nhất của vi rút đó. Điều đó giúp cho vắc xin khi lưu hành có tính ổn định, đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Vắc xin đó có thể có miễn dịch chéo với các dạng đột biến khác nhau của vi rút’’, TS Đạt cho biết (Thanh niên, trang 3).

 

Thành viên phi hành đoàn chuyến bay Guinea Xích đạo âm tính với Covid- 19

Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 sẽ tổ chức kết thúc cách ly cho toàn bộ hành khách âm tính, cán bộ y tế và phi hành đoàn vào 14h chiều nay, 12/8. Trước đó, 7h sáng 28/7, chuyến bay đặc biệt đi Guinea Xích đạo cất cánh từ sân bay Nội Bài. Toàn bộ phi hành đoàn và nội thất chiếc máy bay Airbus 350 được bảo hộ y tế đặc chủng, với yêu cầu dịch tễ cao nhất. Đây là chuyến bay chưa từng có của Việt Nam trên hành trình Hà Nội – Guinea Xích đạo – Hà Nội kéo dài gần 30 tiếng đồng hồ. Phi hành đoàn thực hiện chuyến bay có 19 người, gồm: 5 phi công, 8 tiếp viên nam, 2 nhân viên kỹ thuật mặt đất và 2 bác sỹ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đáng nói, trong số 219 công dân Việt Nam được đón về nước thì có 130 người dương tính với Covid-19.

Bởi vậy, chuyến bay được thực hiện theo quy trình đặc biệt nhất từ trước đến nay. Toàn bộ khoang khách sẽ được chia làm 3 khu vực, ngăn cách bằng các tấm nhựa dẻo PVC. Trong đó, khoang thương gia được thiết lập làm “vùng sạch” và được lắp máy lọc không khí đặc chủng của Bộ Y tế. Đây cũng là nơi các y, bác sĩ và thành viên tổ bay ngồi trong suốt chuyến bay.

Khoang phổ thông đặc biệt là “vùng đệm” cũng được trang bị máy lọc này. Các thiết bị y tế mang theo được đặt tại đây. Riêng khoang hạng phổ thông sẽ được chia làm 2. Phần phía trên dành cho các hành khách được xác định âm tính trong khi phần dưới phục vụ các hành khách dương tính với Covid-19. Cáng y tế cũng được lắp trên máy bay dự phòng trường hợp cấp cứu bệnh nhân nếu có những tình huống khẩn cấp phát sinh. Hành khách ngồi đâu sẽ phải ngồi đấy và không được đi lại giữa các khoang.

Vào 15h chiều ngày 29/7, chuyến bay VN6 đã hạ cánh an toàn xuống Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài – Hà Nội. Theo đó, ngay khi hạ cánh, máy bay được dẫn về đỗ ở một vị trí biệt lập, được khử trùng tuyệt đối để đảm bảo quy trình phòng chống dịch cao nhất, đồng thời đảm bảo hoạt động khai thác hàng không tại Nội Bài vẫn diễn ra bình thường. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn không di chuyển vào nhà ga nên việc nhập cảnh sẽ được thực hiện tại chỗ. Công an cửa khẩu làm thủ tục nhập cảnh theo đúng quy định, nhanh chóng và thuận lợi nhất để “giải tỏa” hành khách nhanh nhất có thể. 5 xe cứu thương túc trực sẵn tại sân bay để đưa 5 bệnh nhân nặng rời đi sớm nhất. Các bệnh nhân còn lại cũng được đưa ngay về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Xét nghiệm tại bệnh viện trung ương còn hạn chế?

Ngày 12/8, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho người dân trở về từ Đà Nẵng. Việc lấy mẫu và xét nghiệm tiếp tục diễn ra chậm, khó khăn trong cung ứng vật tư y tế. Hiện tại, số lượng mẫu cần lấy cho người dân trên địa bàn quận Tây Hồ đi từ Đà Nẵng về là hơn 2.000. Nhưng số mẫu lấy được mới chỉ 567 mẫu, trong đó mới có 59 mẫu có kết quả xét nghiệm.

Vậy vì sao việc xét nghiệm RT-PCR cho người dân lại chậm tiến độ? Theo ghi nhận, sáng 12/8, khu vực lấy mẫu được bố trí riêng biệt, khu vực ngồi chờ có bố trí ghế ngồi giãn cách cho từng người dân…

Tuy nhiên việc lấy mẫu chỉ diễn ra trong buổi sáng. Bác sĩ Lê Thị Hồng Loan, Trưởng phòng khám (Trung tâm Y tế quận Tây Hồ) cho biết: “Chúng tôi được cấp 250 bộ test, đã phân bổ về từng phường và lên kế hoạch mời đủ số lượng người, do đó chỉ triển khai trong buổi sáng là xong. Nếu được cấp số lượng test nhiều hơn, chúng tôi sẽ lên kế hoạch triển khai cả buổi chiều”.

Cũng theo bác sĩ Loan, nếu được cung cấp đủ test, trung tâm sẽ làm trong 2-3 ngày là hoàn thành. Tuy nhiên, do số lượng test ít nên trung tâm phải xếp theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên là ưu tiên lấy mẫu cho người có yếu tố dịch tễ và triệu chứng như ho, sốt, khó thở…, tiếp đến là ưu tiên người có bệnh nền, đối tượng F1…

Hà Nội triển khai lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR từ ngày 8/8 và phấn đấu trong 1 tuần hoàn thành việc xét nghiệm cho khoảng 75.000 người dân trở về từ Đà Nẵng. Nhưng với tốc độ như hiện nay, mục tiêu này khó có thể thực hiện được. Về vấn đề này, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, hiện nay, số lượng vật tư (như ống dung môi, que lấy mẫu…) cũng có hạn, cơ sở sản xuất không đáp ứng đủ.

Thêm vào đó, hiện các đơn vị của Bộ Y tế đã cố gắng để hỗ trợ Hà Nội, như Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ xét nghiệm 40.000 mẫu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư hỗ trợ 10.000 mẫu, Bệnh viện Nhi T.Ư hỗ trợ 10.000 mẫu và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư hỗ trợ 10.000 mẫu.

Tuy nhiên, hiện công suất xét nghiệm của Bệnh viện Nhi T.Ư cũng chỉ đạt 500 mẫu/ngày, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Bệnh viện Bạch Mai đạt 1.000 mẫu/ngày. Do đó, các đơn vị này không thể tiếp nhận một lúc vài chục nghìn mẫu và trả lời kết quả ngay được.

Để tăng tốc triển khai xét nghiệm RT-PCR cho người dân, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã làm việc với Học viện Quân y, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư về mua sắm, bổ sung thêm vật tư phục vụ xét nghiệm RT-PCR. Tuy nhiên, theo đánh giá, khả năng cung cấp các vật tư y tế phục vụ xét nghiệm rất khó khăn (Tiền phong, trang 2).   

 

Sẽ sớm có vắc-xin và thuốc đặc trị COVID-19 ‘made in Vietnam’?

Ngày 12/8, một nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Cục Khoa học Công nghệ – Bộ Y tế đã nhận được báo cáo đề án nghiên cứu sản xuất vắc-xin và thuốc đặc trị COVID-19 từ Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen ở khu công nghệ cao TPHCM.

Theo nguồn tin, công ty này đề nghị Bộ Y tế cho phép thực hiện đề án nghiên cứu sản xuất vắc xin và thuốc đặc trị COVID-19 để kịp thời phục vụ nhu cầu cấp thiết phòng chống dịch hiện nay. Nguồn tin cho biết, nếu được Bộ Y tế họp hội đồng đánh giá khả thi đề án, cuối năm nay vắc xin và thuốc đặc trị COVID-19 này sẽ được thử nghiệm trên người.

Báo cáo đề án nói, trong hơn nửa năm qua, Nanogen đã thực hiện 2 dự án “Quy trình sản xuất vắc xin phòng COVID-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp tạo tiểu thể giống virus (VLP) và tiểu thể nano” và “Chế tạo kháng thể đơn dòng người có hoạt tính ức chế SASR-CoV-2 ứng dụng trong điều trị COVID-19”.

“Hiện chúng tôi đã thử nghiệm gây đáp ứng miễn dịch trên chuột và đang hoàn thiện quy trình sản xuất tiểu thể giống virus cho virus SARS-CoV-2. Riêng dự án “Nghiên cứu chế tạo kháng thể đơn dòng người có hoạt tính ức chế SASR-CoV-2 ứng dụng trong điều trị COVID-19” đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, và đã gửi mẫu cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để kiểm tra hoạt tính trung hòa virus cũng như nghiên cứu tiền lâm sàng”- đại diện Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen cho hay.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Nanogen dự kiến sẽ sản xuất chế phẩm thuốc đặc trị COVID-19 ở dạng bơm tiêm đóng sẵn thuốc (Tiền phong, trang 2).

 

Việt Nam chưa đặt vấn đề mua vắc-xin của Nga

Trao đổi với Tiền Phong, một nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam chưa đặt vấn đề mua vắc-xin của Nga. Tại Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất trong nước nước (VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN) đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển COVID-19 bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm thử nghiệm lâm sàng.

Về việc Nga sản xuất thành công vắc-xin COVID-19, GS.TS Nguyễn Văn Mẫn, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC – Bộ Y tế) nói: “Tôi đánh giá Nga đã nghiên cứu, sản xuất vắc-xin COVID-19 rất nhanh. Tôi không nắm hết quy trình của Nga nhưng họ đã đi tắt quy trình. Dù đi tắt nhưng thực hiện đầy đủ các bước cần thiết, nghiêm ngặt, an toàn thì việc sử dụng vắc-xin hoàn toàn có thể được. Tôi đã từng tới làm việc tại Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya ở Mátxcơva – nơi nghiên cứu vắc-xin COVID-19 nên tôi tin việc nghiên cứu, sản xuất này được thực hiện nghiêm ngặt, an toàn” (Tiền phong, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/6/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 02/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/10/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận