Điểm báo ngày 14/10/2020

(CDC Hà Nam)
Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vào mùa đông; Tăng đột biến trẻ mắc virus hô hấp hợp bào nhập viện

Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vào mùa đông

GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhiều dự báo cho thấy dịch Covid-19 có thể kéo dài tới cuối năm 2021 mới hết và cao điểm sẽ vào mùa đông.

Ngày 13-10, Bộ Y tế tổ chức giao ban trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 với các địa phương trong cả nước. Tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhiều dự báo cho thấy dịch Covid-19 có thể kéo dài tới cuối năm 2021 mới hết và cao điểm sẽ vào mùa đông. Hơn nữa, hiện chưa có vaccine ngừa Covid-19 nào được đăng ký chính thức lưu hành trên thế giới, nên việc tiếp cận vaccine của các nước là thách thức rất lớn. Ở Việt Nam, dù trong cộng đồng đã 41 ngày không ghi nhận ca mắc mới nhưng nguy cơ xâm nhập luôn thường trực và là yếu tố để có thể gây bùng nổ dịch bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý các địa phương cần rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch, nhất là tình huống dịch xảy ra ở bệnh viện, nhà máy có nhiều công nhân.

Chiều tối cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 3 ca mắc mới, trong đó có 1 người là chuyên gia đến từ Malaysia và 2 người trở về từ Nga được cách ly tại Bạc Liêu và Bà Rịa – Vũng Tàu ngay khi nhập cảnh. Trong ngày, cả nước có thêm 1 bệnh nhân xuất viện, nâng số bệnh nhân được chữa khỏi bệnh lên 1.026 người.

UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định số 3767/QĐ-UBND về việc thành lập các khu cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 tại khách sạn do người được cách ly tự nguyện chi trả trực thuộc UBND quận, huyện (gọi tắt là Khu cách ly y tế tập trung). Khu cách ly y tế tập trung phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bố trí, sắp xếp các khu vực phục vụ cách ly tại khách sạn; đảm bảo cơ sở vật chất, dịch vụ vệ sinh buồng phòng, ăn uống, giặt là, vệ sinh khử khuẩn… (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Công an nhân dân, trang 1).

 

Tăng đột biến trẻ mắc virus hô hấp hợp bào nhập viện

Từ thời điểm giao mùa khoảng 1 tháng trở lại đây gần như không lúc nào Trung tâm có giường bệnh bỏ trống, trong khi trước đó chỉ có khoảng 100 bệnh nhi điều trị. Tại phòng hồi sức, những em bé chỉ từ 1 đến vài tháng tuổi, mắt nhắm nghiền, cơ thể gắn chặt với máy thở oxy, trên cổ tay là kim truyền dịch. Có tới 60 bệnh nhi phải thở oxy, dao động 3-5 trẻ phải thở máy không xâm nhập nên khối lượng công việc của các bác sĩ và điều dưỡng ở đây rất nặng nề. Họ liên tục phải để mắt đến những biểu hiện của trẻ nhằm đề phòng những biến chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Góc phòng hồi sức, cậu bé H.M.T (Ba Vì, Hà Nội) mới 3 tháng tuổi nằm im lìm, hai má đỏ hồng vì cơn sốt chưa hạ, mặt nạ thở oxy che nửa khuôn mặt nhỏ xíu, vẻ mệt mỏi hiện rõ trong từng nhịp thở nặng nề. Chị Nguyễn Thị P, mẹ bệnh nhi cho biết con đã phải thở máy 3 tuần vì bị viêm phổi nặng, mới chuyển sang thở oxy được 1 tuần nay. Trước đó, khi ở nhà bé bị chướng bụng, có dấu hiệu ngừng thở nên gia đình cho đến Bệnh viện Nhi T.Ư khám.

Ở phòng bên cạnh, cô bé 9 tuổi H.Th.Tr (Kim Bảng, Hà Nam) bị sốt cao hơn 1 tuần, bị ho nặng, khó thở phải nhập viện cấp cứu. Thân hình gày gò, da xanh mét, Tr. không chịu ăn uống vì quá mệt.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp cho biết, phần lớn bệnh nhân tại đây đều rơi vào tình trạng như 2 bệnh nhi nói trên. Hầu hết các trường hợp bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản. Còn lại là những bệnh lý chuyên sâu hơn như viêm phổi, tràn dịch màng phổi, dị dạng đường thở… Bệnh tập trung vào lứa tuổi từ 1 tháng tuổi đến 15 tuổi. Trong đó đáng chú ý, viêm phổi nặng có suy hô hấp hầu hết là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nhất là những trẻ có bệnh nền nặng như tim bẩm sinh, loạn sản phổi, đẻ non, não bẩm sinh, suy dinh dưỡng… có yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng, nằm viện lâu.

Virus hợp bào hô hấp tấn công trẻ nhỏ

Theo bác sĩ Hanh, có rất nhiều căn nguyên gây viêm đường hô hấp, do vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên giai đoạn giao mùa là khoảng thời gian không khí chuyển lạnh, ẩm hơn, ánh sáng mặt trời ít hơn làm cho virus sinh sôi nảy nở trong môi trường mạnh hơn. Đặc biệt là virus hợp bào hô hấp gây bệnh lý hô hấp cho trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Đây là virus thường xuyên gặp ở trẻ gây viêm phổi, viêm tiểu phế quản, dễ gây suy hấp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Tại Trung tâm hiện có khoảng 50 bệnh nhi nhiễm virus hợp bào hô hấp.

Hiện có 154/155 giường có trẻ điều trị do có 1 bệnh nhân mới chuyển sang khoa khác. Nhiều năm nay bệnh viện không còn tình trạng nằm ghép. Tuy nhiên trường hợp có thêm bệnh nhân nặng Trung tâm sẽ kê thêm 2 cũi di động vào 1 phòng để đảm bảo không trẻ nào phải nằm ghép, tránh lây chéo các bệnh. Đặc biệt những bệnh nhân nhiễm virus hợp bào hô hấp được nằm cách ly riêng một khu để không lây sang những cháu nhẹ hơn.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, virus hợp bào hô hấp lây lan qua không khí, qua tiếp xúc với vật bị nhiễm virus, với các triệu chứng gồm sổ mũi, thở khò khè, thở nhanh, khó thở, ho và sốt. Những biến chứng của viêm tiểu phế quản do virus hợp bào hô hấp có thể kể đến là khoảng 20% trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa và khoảng 30% trẻ bị hen suyễn sau khi bị viêm tiểu phế quản.

Phòng bệnh

Để phòng bệnh hô hấp lúc chuyển mùa, không nên cho trẻ ăn uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh, nhất là uống nước lạnh. Khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà. Nên tắm nước ấm cho trẻ trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người và mặc quần áo thật nhanh. (Tiền phong, trang 13).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/7/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/8/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/5/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận