1.000 người nghiện được điều trị bằng thuốc mới
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện cả nước có hơn 54.000 người nghiện ma túy đang điều trị bằng Methadone.
Mặc dù Methadone là biện pháp điều trị cai nghiện an toàn và hiệu quả cao, nhưng với việc bệnh nhân phải đến cơ sở y tế hàng ngày để uống thuốc là một trở ngại rất lớn, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Vì thế, để tạo thuận lợi và hiệu quả điều trị cai nghiện, Bộ Y tế và Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS đã khởi động chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine.
Thuốc Buprenorphine với những lợi ích tương tự như Methadone, giúp người nghiện giảm lệ thuộc vào heroin hoặc thuốc phiện, giảm hội chứng cai; phòng được các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C; giảm các hành vi phạm pháp, giúp người nghiện phục hồi chức năng tâm lý xã hội, lao động và hòa nhập cộng đồng.
Do Buprenorphine còn là thuốc có tác dụng kéo dài nên khi điều trị, người bệnh 2 – 3 ngày mới phải đến cơ sở y tế một lần để uống thuốc, giúp giảm đáng kể thời gian đi lại của người bệnh, nhất là những bệnh nhân ở xa.
Trước mắt, chương trình điều trị cai nghiện bằng thuốc Buprenorphine được triển khai thử nghiệm tại 7 tỉnh thành với khoảng 1.000 người nghiện, tập trung tại các địa phương có số người nghiện cao và ưu tiên các tỉnh miền núi. Sau đó, Bộ Y tế sẽ đánh giá hiệu quả sử dụng để triển khai toàn quốc (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Chế tạo thành công bộ sinh phẩm rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh
Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108) do PGS.TS Lê Hữu Song, Phó Giám đốc bệnh viện đứng đầu đã nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh với yêu cầu lượng máu ít. Đây là kết quả chính của đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gene kháng kháng sinh” đã được Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá xuất sắc với những thành công vượt bậc như: Đạt 2 Bằng sáng chế sở hữu trí tuệ, 4 bài báo Quốc tế ISI có hệ số ảnh hưởng cao, 3 bài báo đăng trên tạp chí uy tín trong nước. Cốt lõi của đề tài là phát minh được phương pháp loại bỏ được hơn 98% ADN của người trong mẫu máu và làm giàu ADN của mầm bệnh, từ đó làm tăng khả năng phát hiện mầm bệnh từ 34% lên 54%, từ đó rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh còn 4-6h (so với 48-72h của phương pháp cấy máu truyền thống). Phương pháp này yêu cầu lượng máu ít (chỉ khoảng 1-2ml, trong khi cấy máu truyền thống yêu cầu đến 10-20ml). Với những ưu việt như vậy nhưng giá thành tạm tính của bộ sinh phẩm mới tạo ra thấp hơn gần 1/2 lần so với bộ kit thương mại CE-IVD septifast. Đến thời điểm hiện tại, công trình nghiên cứu đã được áp dụng và triển khai chẩn đoán thường quy tại BV 108 với gần 1.000 ca xét nghiệm, ngoài ra tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện 175, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đã áp dụng. Bộ sinh phẩm này có thể sử dụng trên nhiều thiết bị sinh học phân tử hiện có tại các phòng xét nghiệm của các Bệnh viện ở nước ta nên không cần phải đầu tư lớn. Công trình “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gene kháng kháng sinh” sẽ nhận Giải nhất, Giải thưởng Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2018 và Chứng chỉ WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô vào ngày 14-5. BV 108 cũng đang triển khai nghiên cứu các công trình có giá trị khác để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện (Công an nhân dân, trang 4).
Già hóa dân số và nỗi lo sa sút trí tuệ
Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, hiện số người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 11% dân số và tỷ lệ này được dự đoán tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Già hóa dân số nhanh làm gia tăng các bệnh lý mạn tính liên quan tới người cao tuổi, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng sa sút trí tuệ (SSTT). Đây là vấn đề về sức khỏe cộng đồng rất lớn khi SSTT không thể chữa khỏi, đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ, chăm sóc rất lớn từ phía gia đình và toàn xã hội.
Khoa Khám bệnh Bệnh viện (BV) Lão khoa trung ương, đầu giờ sáng hàng ngày, các phòng khám luôn đông người già tới khám bệnh, trong đó có nhiều bệnh nhân phải có người thân đi cùng hỗ trợ.
Còn tại khu điều trị, bệnh nhân Nguyễn Minh H. (71 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) vừa được bác sĩ cho uống thuốc và thăm hỏi sức khỏe xong nhưng chỉ ít phút sau, ông H. lại gọi hỏi bác sĩ xin thuốc uống.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân H. có tiền sử bệnh huyết áp nên thỉnh thoảng phải vào viện để điều trị, nhưng gần đây, bệnh nhân còn mắc thêm các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ khi phản ứng chậm hơn trước và thường xuyên lúc nhớ, lúc quên.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai), tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng bệnh nhân vào viện điều trị do SSTT có xu hướng gia tăng. Đáng lưu ý, rất ít người cao tuổi đến khám do triệu chứng hay quên (biểu hiện rõ nhất của SSTT) mà thường đi khám một bệnh lý khác hoặc có các bệnh lý kèm theo.
Vẫn theo bác sĩ Trần Thị Hà An, tại Việt Nam tỷ lệ người cao tuổi bị SSTT ngày càng tăng, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sa sút trí tuệ tại Việt Nam chiếm từ 4,8% – 5% ở người trên 60 tuổi.
Như vậy, cả nước hiện có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi bị SSTT. Hơn nữa, cứ tăng thêm 5 tuổi thì số lượng người SSTT tăng lên 2 lần, đến 80 tuổi thì 1/3 số người già mắc hội chứng này.
Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, SSTT là hội chứng lâm sàng gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như: trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ, công việc thường ngày.
SSTT có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer, chiếm 60% – 80% tổng số bệnh nhân SSTT. Toàn cầu hiện khoảng 50 triệu người mắc SSTT, chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi. Ước tính, cứ mỗi 3 giây, thế giới sẽ có thêm một người mắc SSTT và số người mắc bệnh này tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm.
Nhiều chuyên gia tâm thần cho biết, biểu hiện của chứng SSTT có nhiều giai đoạn, từ nhẹ đến nặng. Ban đầu, người bệnh cảm thấy giảm trí nhớ gần, giảm khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, thay đổi cá tính, cảm xúc.
Khi bệnh tăng dần lên, họ giảm hoặc mất khả năng thực hiện các công việc hàng ngày như vệ sinh cá nhân, ăn uống; mất định hướng về không gian và thời gian…
Hơn nữa, không chỉ người cao tuổi mà những người có các yếu tố nguy cơ về tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì, đái tháo đường type 2 đều có thể mắc SSTT, thậm chí có những trường hợp mới 50 tuổi cũng bị “nhầm lẫn, quên quên, nhớ nhớ”.
Do đó khi người thân có các dấu hiện trên, gia đình nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được làm các bài kiểm tra cần thiết, nhằm có hướng điều trị thích hợp.
Theo bác sĩ Trần Thị Hà An, điều trị bệnh SSTT rất nan giải vì không phải là bệnh có thể chữa khỏi mà chỉ điều trị giảm triệu chứng. Việc đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm sẽ giúp cho người bệnh được chẩn đoán đúng và có phác đồ điều trị phù hợp, giúp chặn hoặc làm chậm quá trình tiến triển bệnh.
Đồng thời người bệnh nên ra ngoài tập thể dục, tăng cường vận động, giao tiếp, sẽ rất hiệu quả. Về lâu dài, cần đầu tư phát triển hơn nữa hệ thống chăm sóc y tế chuyên ngành lão khoa, giúp phát hiện sớm và quản lý hiệu quả bệnh SSTT nói riêng, các bệnh ở người cao tuổi nói chung, để giảm gánh nặng cho cộng đồng, bớt chi phí cho người bệnh và gia đình (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Hoãn phiên phúc thẩm vụ Hoàng Công Lương do luật sư vắng mặt
Sáng 13-5, TAND tỉnh Hòa Bình tiến hành xét xử phúc thẩm đối với Hoàng Công Lương và các bị cáo liên quan, song phiên xử đã buộc phải trì hõa.
Cụ thể, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, sáng nay (13-5), TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa theo trình tự phúc thẩm đối với Hoàng Công Lương – nguyên Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình) và các bị cáo liên quan về các tội “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cũng theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, tại phiên phúc thẩm, Hoàng Công Lương chỉ có 1 luật sư bào chữa là ông Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Tại các giai đoạn trước của vụ án, bị cáo Lương từng có nhiều luật sư bào chữa. Được biết, trước khi phiên tòa phúc thẩm mở ra, nguyên bác sĩ đơn nguyên thận nhân tạo BV Hòa Bình có đơn từ chối các luật sư từng bào chữa tại giai đoạn sơ thẩm. Tại phần thủ tục phiên tòa phúc thẩm, chủ tọa phiên xử cho biết, luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Lương) vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa. Ngoài ra, 2 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác cũng vắng mặt.
Được hỏi ý kiến, kiểm sát viên đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo. Một số bị cáo, luật sư đồng tình ý kiến này. Sau hội ý, chủ tọa quyết định hoãn phiên tòa và cho biết sẽ mở lại vào ngày 12-6 tới đây.
Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo của Hoàng Công Lương và 4 bị cáo gồm: Trần Văn Thắng – nguyên Trưởng phòng Vật tư BV Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu và Trương Quý Dương – nguyên Phó giám đốc và Giám đốc BV Hòa Bình; Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Dược phẩm Thiên Sơn.
Ngoài ra, Công ty Dược phẩm Thiên Sơn của bị cáo Tuấn được xác định là bị đơn dân sự cũng kháng cáo, trong khi BV Hòa Bình đồng ý phán quyết của tòa sơ thẩm về việc bồi thường cho các bị hại sau sự cố chạy thận nhân tạo.
Trước đó, ngày 30-1, TAND TP Hòa Bình xác định với tội “Vô ý làm chết người”, Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, trú tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh) bị tuyên 54 tháng tù và Hoàng Công Lương (SN 1986, nguyên Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực – BV Hòa Bình) cũng bị áp dụng 42 tháng tù.
Liên quan, Trần Văn Sơn (SN 1990), Trần Văn Thắng (SN 1965), đều trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) – nguyên Phó Giám đốc BV Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn (SN 1976) – Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) lần lượt bị tuyên phạt 30 tháng tù đến 42 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cũng với tội danh trên, Trương Qúy Dương (SN 1962) – nguyên Giám đốc BV Hòa Bình bị áp dụng 30 tháng tù.
Trước khi áp dụng các mức án đối với các bị cáo trong vụ án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hòa Bình nhận định, hành vi của Hoàng Công Lương là nguy hiểm đối với xã hội. Bởi bị cáo là bác sĩ điều trị có chứng chỉ hành nghề và được giao phụ trách về chuyên môn tại Đơn nguyên thận nhân tạo (BV Hòa Bình).
Bị cáo đã được đào tạo, được cấp chứng nhận về kỹ thuật lọc máu bằng lọc thận nhân tạo. Hoàng Công Lương nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng nước sử dụng cho việc chạy thận. Bị cáo cũng nhận thức rõ, ngày 28-5-2017, hệ thống nước RO số 2 được sửa chữa.
Theo quy chế Khoa lọc máu, bị cáo không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước dùng cho chạy thận. Tuy nhiên, sáng 29-5-2017, trước khi ra y lệnh chạy thận, Lương chưa được ai bàn giao, chưa được người có thẩm quyền thông báo và chưa biết hệ thống nước đã bảo đảm an toàn cho việc chạy thận hay chưa.
Khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên thông báo, bị cáo Lương đã tin tưởng và ra y lệnh chạy thận cho các bệnh nhân như những lần trước đó dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, 9 ngưởi tử vong (An ninh thủ đô, trang 14).