Điểm báo ngày 14/7/2021

(CDC Hà Nam)

TP.HCM: Quá tải nguồn lực điều trị COVID-19; TP.HCM hướng dẫn cách ly F0, F1 tại nhà; Đà Nẵng thiếu trầm trọng máu dự trữ; Giảm cách ly người nhập cảnh còn 14 ngày; Số bệnh nhân nguy kịch sẽ tăng

TP.HCM: Quá tải nguồn lực điều trị COVID-19

Đến tối 13-7, TP.HCM có hơn 16.000 ca COVID-19. Số ca bệnh liên tục tăng cao ở mức 4 con số đang tạo áp lực rất lớn cho nguồn lực và vật lực điều trị đang quá tải.

Chỉ sau vài ngày được Bộ Xây dựng thẩm định đủ điều kiện sử dụng, khu vực điều trị nội trú của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 tại TP Thủ Đức đã nhanh chóng được chuyển đổi thành Trung tâm hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường.

Trong sáng 13-7, lãnh đạo TP.HCM, Bộ Y tế cùng các cơ quan chuyên môn đã khảo sát lần cuối trước khi đưa trung tâm này vào hoạt động.

Nhu cầu hồi sức tăng cao

Ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết điểm thuận lợi nhất của trung tâm này chính là cấu trúc hạ tầng hiện đại có thể hỗ trợ hô hấp một lúc lên đến 1.000 bệnh nhân (bao gồm thở oxy, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn).

Tất cả giường bệnh đều có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm, trong đó có 100 giường chăm sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm, bên cạnh oxy và hút trung tâm. Đây là hạ tầng không thể thiếu để triển khai thở máy cho những bệnh nhân nguy kịch.

Để vận hành trung tâm này, ngành y tế huy động các y, bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và các bệnh viện đa khoa hạng 1 của TP cùng với đội ngũ do Bộ Y tế điều động từ các tỉnh thành.

“Nhu cầu nhân lực cho khối điều trị hiện tại là rất lớn, ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh sẽ cần khoảng 200 nhân lực y tế. Và nguồn nhân lực này vẫn sẽ rất cần trong thời gian tới khi số người mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng cao” – ông Thượng nói.

Trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy thở, máy lọc máu, ECMO… cũng đang được huy động từ nguồn lực sẵn có tại các bệnh viện và trang thiết bị được phân bổ từ nguồn tài trợ, chi viện của các tỉnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 trong 4 đơn vị được giao bố trí 300 giường hồi sức tích cực, cũng đang gặp khó khăn trong việc điều phối nhân lực và trang thiết bị máy móc.

TS Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết hiện năng lực tối đa của bệnh viện có thể bố trí khoảng 100 giường hồi sức điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng phải thở máy, lọc máu, chạy ECMO.

Trong đợt dịch này, đơn vị đã huy động 181 nhân sự chi viện cho 6 bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức 1.000 giường. Các nhân viên đều phải gồng gánh công việc cho nhau, hầu như không ai nghỉ ngơi. Sắp tới đây việc bố trí nhân sự cho 300 giường hồi sức, theo ông Thức, không phải chuyện dễ mà phải “rất căng kéo”.

“Ngoài các vấn đề về cơ chế, hệ thống oxy, khí nén không phải muốn là làm liền được. Hiện chúng tôi đang suy nghĩ đàm phán với Đại học Bách khoa TP.HCM xem có thể sản xuất được hệ thống này trong vài tuần hay không” – ông Thức nói.

Một bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cho biết lượng ca bệnh có diễn tiến nặng như hiện nay rất đáng lo ngại khi số lượng bác sĩ và máy móc chuyên về hồi sức rất hạn chế.

Theo bác sĩ này, điều trị suy hô hấp hiện chỉ có bác sĩ chuyên hô hấp, nhiễm, hồi sức tích cực là “thuận tay”. Tuy nhiên do thiếu nhân lực, hiện có một số bác sĩ chuyên khoa khác đang được điều động tham gia hồi sức, cấp cứu người bệnh.

Lo lắng không kịp chăm sóc bệnh nhân

Không chỉ ở khối điều trị bệnh nhân nặng cần hồi sức, các bệnh viện dã chiến nơi điều trị cho bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng đang thiếu hụt nhân viên y tế.

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 đóng tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết bệnh viện có khoảng 4.500 bệnh nhân không có triệu chứng nhưng chỉ có khoảng 75 bác sĩ, 120 điều dưỡng.

Trung bình mỗi bác sĩ phải căng mình theo dõi, chăm sóc, điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân.

“Nếu so với tiêu chuẩn của một bệnh viện, lực lượng này quá mỏng. Mỗi ngày chúng tôi phải cố gắng thăm khám tối thiểu 2 lần/ngày, ai cũng nỗ lực làm việc hết sức. Nhưng với số lượng nhân viên y tế quá ít, quả thật rất lo lắng không kịp thời gian chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân” – bác sĩ Tâm chia sẻ.

Còn bác sĩ Phạm Gia Thế – phụ trách Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3 – cho biết sau 7 ngày hoạt động bệnh viện tiếp nhận 2.000 ca không có triệu chứng. Từ 25 nhân viên y tế ban đầu, bệnh viện vừa được chi viện 2 lần đến nay nâng tổng số 100 người. Ngoài ra bệnh viện được bố trí thêm 90 dân quân và 10 tình nguyện viên hỗ trợ.

“Bệnh viện rất cần chi viện thêm y bác sĩ mới có thể chăm sóc chu đáo cho người bệnh. Ngoài ra, số bệnh nhân quá lớn nên việc cung ứng các đồ dùng cá nhân cho bệnh nhân vẫn chưa thể đáp ứng” – ông Thế nói.

Trong khi đó bác sĩ Lê Mạnh Hùng – giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ – cho biết bệnh viện đang điều trị cho khoảng 600 bệnh nhân và cũng thiếu bác sĩ, điều dưỡng. Bệnh viện điều trị F0 có triệu chứng, thường xuyên vận chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên nhưng hiện không có xe cứu thương, có khi phải đợi vài tiếng mới có xe từ các bệnh viện tiếp ứng.

“Cần Giờ cách xa trung tâm, thời gian di chuyển cũng gần 2 giờ nên nếu tốt nhất phải có một chiếc xe cứu thương để chuyển bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp” – ông Hùng đề xuất (Tuổi trẻ, trang 2).

 

TP.HCM hướng dẫn cách ly F0, F1 tại nhà

Tối 13.7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh có văn bản khẩn gửi TP.Thủ Đức, các quận, huyện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) và các đơn vị liên quan về việc triển khai các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà đối với trường hợp F0, F1 trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, về cách ly, điều trị F0 không triệu chứng đang điều trị tại BV, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng vi rút thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.

Triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với trường hợp không triệu chứng: cho thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hằng ngày và xét nghiệm theo quy định. Các F0 này phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

Y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi hằng ngày đối với F0 tại nhà, tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin khi F0 tại nhà xuất hiện triệu chứng và khẩn trương đưa vào BV điều trị.

Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi các đơn vị trực thuộc về đảm bảo an toàn người bệnh Covid-19 tại các BV dã chiến điều trị Covid-19. Theo đó, Sở giao Trung tâm y tế tham mưu UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thành lập khu cách ly tạm thời F0 với quy mô từ 100 – 200 giường. Trong khoảng thời gian F0 cách ly tạm thời, các đơn vị cần khẩn trương điều tra dịch tễ, truy vết trước khi chuyển đển các BV thu dung điều trị Covid-19 (BV điều trị Covid-19).

Đối với các BV dã chiến điều trị Covid-19, Sở Y tế chỉ đạo khẩn trương bố trí đủ số giường theo kế hoạch được giao, cập nhật số giường còn trống. Dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế hồi sức cấp cứu cơ bản. Hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh tuân thủ các nguyên tắc theo dõi và điều trị chung như nghỉ ngơi tại giường, vệ sinh mũi họng, giữ ấm, uống đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và bổ sung vitamin (Thanh niên, trang 2).

 

Đà Nẵng thiếu trầm trọng máu dự trữ

“Bệnh viện đã huy động cán bộ, nhân viên cùng tham gia hiến máu. Nhưng cũng chỉ đủ cầm cự trong khoảng 10 ngày nữa”, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng trao đổi với PV báo Tiền Phong ngày 13/7.

Theo bác sĩ Nhân, thời gian gần đây việc hiến máu tình nguyện bị dừng do cấm tập trung đông người. Người dân cũng ngại đến hiến máu trong giai đoạn này vì lo ngại dịch COVID-19. “Lượng máu dự trữ tại bệnh viện thiếu hụt trầm trọng. Đến thời điểm này lượng máu dự trữ chỉ hơn 700 đơn vị”, ông Nhân thông tin. Trước tình hình trên, Bệnh viện Đà Nẵng cũng như các y bác sĩ đã kêu gọi người dân hiến máu tình nguyện. Lượng máu dự trữ không chỉ phục vụ cấp cứu, điều trị tại bệnh viện mà còn chia sẻ với nhiều bệnh viện khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. “Chúng tôi cố gắng tăng cường các điểm lấy máu, mở rộng các điểm thuận lợi hơn cho người dân đến hiến máu. Đồng thời tăng thời lượng, các ngày trong tuần triển khai lấy máu”, bác sĩ Nhân cho biết.

Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết thêm năm trước, khi thành phố giãn cách, lượng máu dự trữ xuống thấp. Tuy nhiên, thời điểm ấy có sự hỗ trợ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Còn hiện tại tình hình dịch bệnh khắp nơi, nên phải đặc biệt ưu tiên máu cho những địa phương diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn. Vì vậy Đà Nẵng phải chủ động, đưa ra nhiều phương án để đủ máu phục vụ cấp cứu, điều trị (Tiền phong, trang 2).

 

Giảm cách ly người nhập cảnh còn 14 ngày

Bộ Y tế vừa quyết định giảm thời gian cách ly người nhập cảnh, trường hợp F1 xuống còn 14 ngày, và giảm thời gian điều trị, cách ly với bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng. Căn cứ thực tiễn, tham khảo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát & phòng ngừa dịch bệnh Mỹ và trao đổi với các địa phương, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian cách ly cho các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1 từ 21 ngày xuống còn 14 ngày, áp dụng với mọi hình thức cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà). Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly và bàn giao, theo dõi y tế sau cách ly theo quy định. Về điều trị, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị nâng cao năng lực điều trị và thiết lập các cơ sở hồi sức tích cực (ICU) tại các bệnh viện điều trị COVID-19. Bộ Y tế đã cử đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai vào Đồng Nai để thiết lập Trung tâm ICU tại đây để thu dung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch khu vực miền Đông Nam bộ.

Với miền Tây Nam bộ, Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thiết lập Trung tâm ICU để thu dung điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch của khu vực này. Bộ Y tế lưu ý, với các bệnh nhân nặng, nguy kịch, các cơ sở y tế phải liên hệ ngay Bộ phận thường trực tại TPHCM để có hỗ trợ chuyên môn kịp thời. Bộ Y tế đã cử đoàn công tác của Bệnh viện T.Ư Huế vào Đồng Tháp hỗ trợ điều trị và 7 tổ công tác thường trực đặc biệt của Bộ tại các tỉnh miền Nam và miền Trung đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch.

Giảm thời gian nằm viện với bệnh nhân không triệu chứng

Chiều 13/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long họp với Bộ phận thường trực phòng, chống dịch của Bộ tại TPHCM và các chuyên gia để đánh giá diễn biến đợt dịch thứ 4 ở thành phố và một số địa phương khu vực miền Nam. Theo các chuyên gia, biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh và nhiều trong những ngày đầu do việc đào thải mầm bệnh ở nồng độ rất cao. Vì thế, việc áp dụng các test nhanh để sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp bệnh (F0) là cần thiết và phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Thực tế cũng đã được đánh giá, chứng minh qua đợt dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh và TPHCM. Kết quả nghiên cứu với khoảng 20.000 bệnh nhân cho thấy, gần 70% bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng.

Các trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng xảy ra sau 7-10 ngày từ khi phát hiện dương tính. Căn cứ diễn biến của nồng độ virus và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân COVID-19. Theo đó, với các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, sẽ xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10. Nếu 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp (giá trị CT >=30), thì được xuất viện và không phải thực hiện cách ly vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có.

Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày. Với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT>=30 thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24h. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên. Bộ Y tế đã tổng kết hơn 400 trường hợp tái dương tính sau khi ra viện và không ghi nhận trường hợp nào lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu các địa phương phát hiện trường hợp tái dương tính trong cộng đồng thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi (Tiền phong, trang 4).

 

1 ngày hơn 2.300 ca mắc

Tối 13/7, Bộ Y tế cho biết, trong ngày Việt Nam ghi nhận 2.301 ca mắc với 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh. 2.296 ca ghi nhận trong nước tại TPHCM (1.797), Bình Dương (186), Long An (130), Đồng Tháp (31), Bà Rịa – Vũng Tàu (27), Phú Yên (26), Vĩnh Long (23), Đồng Nai (12), Bến Tre (11), Hà Nội (8 ), Hưng Yên (8), Tây Ninh (5), Cần Thơ (5), An Giang (4), Đà Nẵng (4), Trà Vinh (3), Kiên Giang (3), Quảng Ngãi (2), Bình Thuận (2), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Nghệ An (1), Lào Cai 1), Bình Phước (1), Thanh Hóa (1); trong đó 2.095 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Có thêm 7 bệnh nhân tử vong (Tiền phong, trang 4).

 

Số bệnh nhân nguy kịch sẽ tăng

Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế nói rằng, từ ngày 27/4 đến nay, số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh và tiếp tục gia tăng thời gian tới, cùng với đó, số ca tiến triển nặng, nguy kịch sẽ tăng cao. Do đó, ngày 13/7, Cục Quản lý khám chữa bệnh có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và lực lượng y tế các bộ, ngành về việc chuẩn bị sẵn sàng thu dung, cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị các ca bệnh nặng.

Để đáp ứng tốt nhất công tác cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh COVID-19 nặng trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế chỉ đạo bệnh viện đa khoa tỉnh rà soát, bổ sung năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực hoặc thiết lập ngay đơn vị hồi sức tích cực (nếu chưa có) để không bị động trước diễn biến dịch.

Đơn vị hồi sức tích cực điều trị COVID-19 phải bảo đảm cách ly riêng biệt với các đơn vị khác trong bệnh viện. Có thể lựa chọn khoa truyền nhiễm của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc một bệnh viện khác phù hợp trên địa bàn. Đối với địa phương chưa có dịch hoặc có số ca mắc ít, cần chủ động chuẩn bị ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Đối với các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao (nhiều khu công nghiệp, thị xã đông dân cư…), cần tăng số giường bệnh hồi sức tích cực, chủ động ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát. Đồng thời có kế hoạch phân công, kiểm tra, báo cáo cụ thể tình hình chuẩn bị giường bệnh điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm thiểu số người bệnh tử vong (Tiền phong, trang 4).

Bài viết liên quan

75% người bệnh sa sút trí tuệ không được chẩn đoán kịp thời

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 02/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 26/11/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận