Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được giao kiêm nhiệm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế
Theo Quyết định của Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam được phân công kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế. Sáng nay, 14-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với tập thể Ban Cán sự đảng Bộ Y tế về thi hành Quyết định của Bộ Chính trị phân công đồng chí Vũ Đức Đam – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế.
Trao Quyết định phân công của Bộ Chính trị cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho Bí thư mới của Ban Cán sự đảng Bộ Y tế lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Bộ Y tế.
Trước hết tập trung vào công tác cán bộ, bảo đảm sự đoàn kết trong toàn ngành để phát triển toàn diện các mặt công tác, đồng thời làm tốt công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (sinh ngày 1-8-1959), đảm nhiệm chức vụ Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế từ tháng 8-2011. Ngày 4-7 vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương đã công bố quyết định của Bộ Chính trị bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thay ông Nguyễn Quốc Triệu. (An ninh Thủ đô, trang 3; Tuổi trẻ, trang 1).
Hà Nội đang ở đỉnh dịch sốt xuất huyết, ghi nhận 5.993 ca mắc
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện TP ghi nhận tổng cộng 5.993 ca mắc sốt xuất huyết Dengue. Số mắc được dự báo vẫn tiếp tục tăng nhanh vì hiện đang là giai đoạn cao điểm của dịch trên địa bàn thành phố.
Ngày 14/10, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, cộng dồn từ đầu năm 2019 đến cuối tuần qua (11/10), toàn TP đã ghi nhận 5.993 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, không có trường hợp tử vong. Số mắc tập trung nhiều ở một số quận, huyện như: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đống Đa. Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch, xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa và hiện nay đang là thời kỳ cao điểm của bệnh này ở các tỉnh phía Bắc. Tại Hà Nội, bệnh nhân sốt xuất huyết ghi nhận ở cả trẻ em và người lớn.
Trên phạm vi cả nước, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng giảm, đặc biệt tại những tỉnh, thành được coi là điểm nóng về dịch như Đồng Nai, Bình Dương, TP Đà Nẵng, TP. HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, ông Tấn cũng lưu ý các đơn vị, các địa phương không chủ quan, lơ là, tiếp tục duy trì thường xuyên công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Theo các chuyên gia y tế, các biểu hiện nhẹ của sốt xuất huyết thường gặp là sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi người… những trường hợp nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm, người bệnh chủ quan, rất dễ bị biến chứng nặng. Các trường hợp nặng có thể dẫn tới sốc, suy tạng, thậm chí tử vong.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng.
Bên cạnh đó, nếu có biểu hiện sốt cao, người dân cần đi khám, xét nghiệm để được phát hiện, điều trị sớm, hạn chế các biến chứng; đồng thời có các biện pháp để tránh lây lan ra cộng đồng. Hiện nay phác đồ điều trị sốt xuất huyết đã được phổ biến rộng rãi tại các tuyến y tế cơ sở. Người dân có thể đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị, các trường hợp nặng mới được chuyển lên để tránh quá tải cho tuyến trên và hạn chế tình trạng nhiễm chéo.
Tại cộng đồng, mỗi gia đình, người dân cần biết cách tự phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách tránh muỗi đốt, phun thuốc diệt muỗi, thường xuyên vệ sinh môi trường diệt bọ gây để tránh muỗi sinh sôi, phát triển. Khi có các dấu hiệu sốt cao, sốt kéo dài, mệt mỏi cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị kịp thời. (An ninh Thủ đô, trang 7; Hà Nội mới, trang 1).
Điều tra, khám phá nhiều đường dây buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng quy mô lớn
Tại hội thảo về phòng chống buôn bán dược phẩm giả, đại diện Bộ Công an Việt Nam cho biết, hàng năm, lực lượng Công an đã phát hiện, xác lập nhiều chuyên án, vụ án để điều tra xử lý các đối tượng, đường dây sản xuất, buôn bán dược phẩm giả quy mô lớn. Sáng nay, 14-10, tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội, Viện nghiên cứu quốc tế về chống thuốc tân dược giả (IRACM) và Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Nội vụ Pháp đồng tổ chức hội thảo khu vực về chủ đề phòng ngừa và đấu tranh chống buôn bán thuốc tân dược giả.
Đại diện cho Bộ Công an Việt Nam phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu nhấn mạnh, dược phẩm đóng vai trò đặc biệt, có tầm quan trọng sống còn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người.
Tuy nhiên, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, tàng trữ và mua, bán dược phẩm giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng về cả quy mô lẫn mức độ. Dược phẩm giả đang đe dọa mạng sống của hàng triệu người trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Dự báo thời gian tới, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ nói chung, trong đó có tội phạm, vi phạm về dược phẩm giả, kém chất lượng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, trước tình hình trên, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, chỉ đạo đấu tranh với vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này. Đồng thời đề ra chính sách, chiến lược phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động thực thi pháp luật; ban hành, phê duyệt các Đề án chiến lược, chương trình hành động để làm cơ sở pháp lý cho cơ chế phối hợp với quốc tế…
“Hàng năm lực lượng Công an Việt Nam đã tổ chức phát hiện, xác lập nhiều chuyên án, vụ án để điều tra xử lý các đối tượng, đường dây sản xuất, buôn bán dược phẩm giả, kém chất lượng có quy mô lớn. Kết quả xử lý đã có tác dụng răn đe đối với các đối tượng vi phạm, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cho thấy nỗ lực của lực lượng Công an trong việc thực thi pháp luật và các cam kết của Việt Nam về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển nêu rõ.
Cũng tại hội nghị, ông Nicolas Warnery, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cũng cho rằng, tình hình tội phạm sản xuất, buôn bán dược phẩm giả đang ngày càng nghiêm trọng, gia tăng trên toàn thế giới và không có loại thuốc nào không bị ảnh hưởng bởi thuốc giả. Vì thế, cần có chế tài đủ sức răn đe với loại tội phạm này.
Đại sứ Nicolas Warnery tin tưởng, thông qua hội thảo này, các đại biểu sẽ đánh giá các nguy cơ, thách thức và tìm ra các biện pháp để tăng cường hiệu quả thực thi pháp lý trong đấu tranh phòng chống tội phạm về thuốc giả. (An ninh Thủ đô, trang 7).
Chồng “đánh cắp” phôi thai của vợ cho bồ mang thai: Bộ Y tế nói gì?
Liên quan đến vụ việc hi hữu xảy ra tại Bệnh viện Bưu Điện khi người chồng đã lừa lấy phôi thai của vợ cho bồ mang thai, sáng 14.10, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho hay, Bộ Y tế đã có công văn gửi cho bệnh viện yêu cầu báo cáo rõ vụ việc, đồng thời, kiểm tra kỹ quá trình chuyển phôi thai. Nếu phát hiện có sai sót thì phải xử lý nghiêm các đơn vị và cá nhân có liên quan theo đúng quy định hiện hành.
Cũng theo ông Vinh, trong ngày hôm nay, Bệnh viện Bưu Điện sẽ có báo cáo cụ thể về vụ việc. Theo báo cáo sơ bộ của Bệnh viện Bưu Điện, bệnh viện nhận diện quá trình chuyển phôi thai thông qua chứng minh thư. Tuy nhiên, chứng minh thư của chủ sở hữu phôi thai đã rất cũ.
“Với hành động “lừa” lấy phôi lưu tại bệnh viện, người chồng không chỉ vi phạm về mặt đạo đức mà còn khiến bệnh viện phải gánh chịu hậu quả. Bởi, tại bệnh viện, các bác sĩ chủ yếu chịu trách nhiệm về chuyên môn nên không thể bao quát được hết những vấn đề như vậy”- ông Vinh cho hay.
Qua vụ việc, có nhiều ý kiến cho rằng, do quy định, chế tài hiện nay trong quản lý việc lưu trữ, cấy phôi thai còn thiếu chặt chẽ nên vụ việc chồng lừa lấy phôi thai mới xảy ra.
Về vấn đề này, ông Vinh cho biết: “Hiện Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu bệnh viện phải rà soát lại quá trình lưu trữ phôi thai, cấy phôi, chuyển phôi. Theo quy định, quá trình lưu trữ phôi thai, cấy phôi, chuyển phôi đều phải có hợp đồng, có văn bản, giấy tờ rõ ràng”.
Trong vụ việc này, từ tháng 12.2017, 2 vợ chồng tại Bắc Ninh đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Bưu Điện và được 2 phôi. Trong đó, 1 phôi được chuyển cho người vợ và phôi còn lại được lưu trữ tại bệnh viện.
Sau đó, người chồng đã có hành vi lấy phôi được lưu trữ ở bệnh viện nghi cho “bồ” mang thai. Quá trình này diễn ra hết sức trơn tru, không có sự nghi vấn nào đặt ra trong quá trình thực hiện mặc dù chứng minh thư của người vợ nhưng người đến cấy phôi lại là người khác.
Trả lời về những giải pháp hạn chế các vụ việc tương tự, ông Vinh cho rằng vụ việc trên là một trường hợp khá “hy hữu”. Do đó, Bộ Y tế đề nghị bệnh viện phải tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các quy trình.
“Tôi cho rằng bệnh viện cần phải kiểm tra lại tất cả các nhân viên y tế có liên quan, xem xét họ có thực hiện đúng quy định trong quá trình lưu trữ phôi thai, cấy phôi, chuyển phôi hay không. Từ đó, tránh được những nhầm lẫn không đáng có, đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện sai phạm” – ông Vinh nhấn mạnh. (Lao động, trang 1).