Điểm báo ngày 15/11/2021

(CDC Hà Nam)

Năm 2022 tiếp tục tiêm miễn phí vắc xin Covid-19 cho người dân; Không chủ quan, bị động trong chống dịch; Ðã tiêm hơn 1,4 triệu liều vắc xin cho trẻ; Kích hoạt phương án ứng phó F0 gia tăng; Tập trung điều trị F0 không triệu chứng tại nhà

Năm 2022 tiếp tục tiêm miễn phí vắc xin Covid-19 cho người dân

BYT đang trình Chính phủ kế hoạch mua, sử dụng vắc xin phòng Covid- 19 năm 2021 – 2022, trong đó vẫn thực hiện tiêm miễn phí đến hết năm 2022

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 125 triệu vắc xin. Theo nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6.8.2021, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26.2.2021, Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm tiến độ nhanh nhất, an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng địa phương.

Ngoài nguồn vắc xin do Bộ Y tế mua, tiếp nhận tài trợ, viện trợ, Nghị quyết 86/NQ-CP đã khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vắc xin phòng Covid-19. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã đàm phán, ký hợp đồng mua vắc xin phòng Covid-19 và Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu vắc xin theo quy định.

Thông tin về việc sử dụng các nguồn vắc xin Covid-19, lãnh đạo Vụ Kế hoạch – TC (Bộ Y tế) cho hay, để sử dụng vắc xin do các doanh nghiệp nhập khẩu có hiệu quả, không để lãng phí, dư thừa vắc xin…, các doanh nghiệp khi đề nghị cấp phép nhập khẩu cần nói rõ mục đích mua, nhập khẩu để tài trợ miễn phí cho Bộ Y tế hoặc tài trợ trực tiếp cho các địa phương. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin để bán cho các doanh nghiệp khác thì các doanh nghiệp khác mua cũng phải sử dụng để tài trợ cho Bộ Y tế hoặc tài trợ trực tiếp cho các địa phương.

Trường hợp doanh nghiệp tài trợ vắc xin cho các địa phương thì cần thông tin cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) để điều phối việc phân bổ hợp lý. Đối với vắc xin tài trợ cho Bộ Y tế, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho các địa phương; đối với vắc xin tài trợ trực tiếp cho các địa phương, UBND các tỉnh, TP giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, TP để tổ chức tiêm vắc xin an toàn theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 được thực hiện miễn phí (người dân, người ld không phải trả chi phí tiêm chủng); kết quả tiêm chủng được tích hợp chung vào kết quả tiêm của tỉnh và của quốc gia.

Bộ Y tế đang trình Chính phủ kế hoạch mua, sử dụng vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 – 2022, trong đó vẫn thực hiện tiêm miễn phí đến hết năm 2022. Trường hợp có thay đổi về chủ trương tiêm miễn phí, BYT sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, điều chỉnh.

Thông tin về việc sử dụng các nguồn vắc xin Covid-19, lãnh đạo Vụ Kế hoạch – TC (Bộ Y tế) cho hay, để sử dụng vắc xin do các doanh nghiệp nhập khẩu có hiệu quả, không để lãng phí, dư thừa vắc xin…, các doanh nghiệp khi đề nghị cấp phép nhập khẩu cần nói rõ mục đích mua, nhập khẩu để tài trợ miễn phí cho Bộ Y tế hoặc tài trợ trực tiếp cho các địa phương. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin để bán cho các doanh nghiệp khác thì các doanh nghiệp khác mua cũng phải sử dụng để tài trợ cho Bộ Y tế hoặc tài trợ trực tiếp cho các địa phương.

Trường hợp doanh nghiệp tài trợ vắc xin cho các địa phương thì cần thông tin cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) để điều phối việc phân bổ hợp lý. Đối với vắc xin tài trợ cho Bộ Y tế, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho các địa phương; đối với vắc xin tài trợ trực tiếp cho các địa phương, UBND các tỉnh, TP giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, TP để tổ chức tiêm vắc xin an toàn theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 được thực hiện miễn phí (người dân, người ld không phải trả chi phí tiêm chủng); kết quả tiêm chủng được tích hợp chung vào kết quả tiêm của tỉnh và của quốc gia.

Bộ Y tế đang trình Chính phủ kế hoạch mua, sử dụng vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 – 2022, trong đó vẫn thực hiện tiêm miễn phí đến hết năm 2022. Trường hợp có thay đổi về chủ trương tiêm miễn phí, BYT sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, điều chỉnh (Thanh niên, trang 3).

Không chủ quan, bị động trong chống dịch

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM gia tăng với nhiều chùm ca bệnh. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, ngành y tế thành phố xác định công tác phòng chống dịch trong thời gian tới phải luôn chủ động, không chủ quan, bảo đảm an toàn cho thành phố và sức khỏe của người dân.

Không chủ quan khi tiêm 2 mũi vaccine 

PHÓNG VIÊN: Những ngày gần đây, số ca mắc và tử vong do dịch Covid-19 tại TPHCM ở mức cao nhất cả nước. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

TS-BS NGUYỄN VĂN VĨNH CHÂU: 2 tuần vừa qua, số ca mắc Covid-19 ở TPHCM bắt đầu tăng dần. Cụ thể, trong tuần vừa qua, 5 địa phương có số ca tăng cao nhất là huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12, quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Sở Y tế TPHCM liên tục theo dõi số ca mắc trên tất cả địa bàn để cử đội đặc nhiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) xuống hỗ trợ cho các quận huyện, kịp thời cách ly, tách F0 khỏi cộng đồng, tránh tình trạng lây lan nhiều.

Sở Y tế TPHCM cũng cập nhật thường xuyên diễn tiến các ca nhập viện, bệnh nặng, tử vong, theo dõi có dấu hiệu bất thường hay không, để tham mưu UBND TP hướng giải quyết trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp trở lại.

Nguyên nhân F0 tăng mạnh thời gian qua là do tốc độ lây nhiễm nhanh chóng của biến chủng Delta, trong điều kiện TPHCM có nhiều người lao động, dân cư đông đúc, điều kiện giãn cách, cách ly không đảm bảo…, từ đó khiến dịch lan rộng trong cộng đồng. Cùng với đó, khi thành phố mở cửa, gỡ bỏ giãn cách xã hội, việc giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn khiến nguy cơ F0 tăng cao hơn; người dân từ các tỉnh, thành phố đến TPHCM làm việc, trong đó nhiều người chưa được tiêm vaccine cũng là nguyên nhân khiến F0 ở TPHCM tăng cao.

* Thực tế có nhiều trường hợp được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 nhưng vẫn mắc, thậm chí có một số trường hợp tử vong, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

* Vaccine Covid-19 có hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm khả năng lây lan, nếu nhiễm bệnh thì thường mức độ không nghiêm trọng và hầu như tỷ lệ tử vong rất thấp so với nhóm người không tiêm vaccine. Đối với nhiều bệnh lý nhiễm trùng, khi tiêm đủ 2 liều vaccine, cơ thể sẽ có đề kháng, giúp miễn nhiễm hoàn toàn.

Tuy nhiên, đối với biến chủng Delta, vaccine không có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm 100%, nhiều người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể mắc Covid-19 (hiện tượng nhiễm “đột phá”). Và vẫn có 1 tỷ lệ nhỏ bị bệnh nặng và tử vong (tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều lần so với nhóm không tiêm vaccine).

Như vậy, không phải cứ tiêm vaccine Covid-19 là chủ quan, cho rằng cơ thể đã miễn nhiễm với Covid-19, hay không bệnh nặng. Nhóm đã tiêm vaccine có diễn biến nặng, tử vong thường gặp ở người có cơ địa suy yếu, miễn dịch kém, người có bệnh mạn tính, nhóm người cao tuổi. Vì vậy, người dân không được chủ quan dù đã tiêm đủ liều vaccine. Với dịch Covid-19, biện pháp ngăn ngừa tốt nhất vẫn là giãn cách, khẩu trang, thường xuyên rửa tay, tránh chạm vào bề mặt sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Sẵn sàng phương án ứng phó 

* TPHCM đã và sẽ có những biện pháp ứng phó nào trước dịch bệnh?

* Hiện TPHCM đã xây dựng 4 kịch bản tương ứng với 4 cấp độ dịch khác nhau, trong đó phối hợp 2 mũi điều trị (chăm sóc điều trị F0 tại nhà và tại các bệnh viện), sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn thay đổi.

Mỗi tuần, các xã phường thuộc 20 quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ đánh giá cấp độ dịch từng địa phương, dựa trên các tiêu chí của văn bản hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Tùy tình hình dịch bệnh sẽ linh hoạt sử dụng các bệnh viện dã chiến 3 tầng, kích hoạt thêm các bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng 2, thành lập các bệnh viện dã chiến quận huyện, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị F0 không triệu chứng nhẹ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tăng cường công tác quản lý chăm sóc F0 tại nhà (khi đủ điều kiện).

Để đáp ứng tình hình thực tế, TPHCM đã có quy định, F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ được các trạm y tế lưu động tại địa phương quản lý. Mỗi trạm y tế lưu động phụ trách từ 50-100 F0, tương ứng với 155 trạm trên toàn thành phố. Các bệnh viện dã chiến số 13, số 14, số 16 tiếp nhận F0 có triệu chứng cần nhập viện điều trị. Đồng thời, thành phố  huy động thêm 3 trung tâm hồi sức Covid-19 sẵn sàng tiếp nhận các ca nặng và nguy kịch.

Ngoài ra, các bệnh viện chuyên khoa nhi và chuyên khoa sản cũng tham gia điều trị Covid-19. Trong tình huống dịch phức tạp trở lại, thành phố sẵn sàng phương án thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ở mức cao nhất – kịch bản tương đương với cấp độ 4. Khi cần thiết, thành phố có khoảng 16.000-19.000 giường điều trị Covid-19, 6.500 giường oxy, 2.000 giường hồi sức ICU. Đó là tình trạng thành phố vận hành tối đa để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Cùng đó, ngành y tế TPHCM đã ra mắt đội đặc nhiệm kiểm dịch cùng tổ chuyên trách điều phối trạm y tế lưu động; phát hành tờ rơi “Những điều cần biết cho F0 cách ly tại nhà” gửi đến các quận, huyện; thống nhất với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ TP kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”; đề xuất UBND TPHCM có cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Ðã tiêm hơn 1,4 triệu liều vắc xin cho trẻ

Ngày 14/11, Bộ Y tế cho biết có 16 tỉnh, thành phố đang tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Tổng số vắc xin đã tiêm là 1.414.228 liều với tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 15,5% dân số từ 12 -17 tuổi. Cả nước đã tiêm được hơn 99 triệu liều vắc xin phòng COVID-19.

Tỉnh Long An đã lên kế hoạch tất cả trẻ em từ 12-17 tuổi đang sinh sống và học tập trên địa bàn tỉnh sẽ được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 và đầu quý I/2022, tổ chức tiêm 4 đợt, mỗi đợt tiêm 1 tuần; thời gian tổ chức tiêm không trùng với thời gian các em thi học kì hay thi giữa học kỳ. Các điểm tiêm được triển khai tại các trường học, trạm y tế cấp xã, trung tâm y tế, bệnh viện. Tùy theo điều kiện nguồn lực, địa phương có thể thực hiện theo phương thức đồng loạt hoặc cuốn chiếu; tổ chức tiêm cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ phân bổ vắc xin của Bộ Y tế và tình hình dịch tại địa phương.

UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh năm 2021-2022. Theo đó, toàn bộ trẻ em từ 12-17 tuổi (dự kiến có 131.058 trẻ) sẽ được tiêm từ ngày 15/11/2021-30/4/2022. Ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở những khu vực thuộc các địa phương ghi nhận trường hợp mắc hoặc tử vong do COVID-19 trong cộng đồng; địa phương có mật độ dân số cao, tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp, các huyện giáp biên giới.

UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2022. Mục tiêu tỉ lệ bao phủ và tỉ lệ sử dụng vắc xin trên 98% cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Ước tính số lượng đối tượng tiêm chủng là 134.241 trẻ. Tùy thuộc tình hình dịch và thời điểm học sinh quay lại trường học, việc triển khai tiêm cho trẻ em sẽ diễn ra tại các trạm y tế, điểm tiêm di động hoặc trường học. Đồng thời, huy động các điểm tiêm chủng tại bệnh viện, cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn. Thời gian tiêm từ tháng 11/2021 đến hết quý I/2022.

Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là phấn đấu 100% trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 2 liều cơ bản và tiêm cùng loại vắc xin trong năm 2021. Dự kiến thời gian triển khai trong tháng 11 này. Theo kế hoạch, đối với trẻ đi học, sẽ triển khai tiêm chủng tại trường học; tiêm cho trẻ từ lớp lớn đến lớp nhỏ; tiêm xong trường này mới chuyển sang tiêm cho trường khác. Đối với trẻ tại cộng đồng không đi học, tổ chức tiêm tại trạm y tế xã, phường. Trẻ có bệnh nền, có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ nguyên nhân gì sẽ được chuyển tuyến đến tiêm tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Trẻ sẽ được tiêm 2 mũi, cách nhau từ 3 – 4 tuần.

Ðẩy nhanh tiến độ tiêm chủng

Theo Bộ Y tế, số lượng vắc xin trong thời gian tới của tháng 11 và tháng 12 sẽ tiếp tục về nhiều. Do đó, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tăng nhanh độ bao phủ mũi 1, triển khai tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong công văn khẩn vừa gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố mới đây, Bộ Y tế cho biết, cơ quan chuyên môn sẽ phân bổ để tiêm đủ 2 liều cho toàn bộ người từ 12 tuổi trở lên.

Bộ Y tế cho biết, đến nay, 16/63 tỉnh có tỉ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc xin trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên và 16 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành miền Tây đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Tỉnh Bạc Liêu đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân trong độ tuổi được chỉ định. Nếu như 9 ngày trước, tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 và 2 tại Bạc Liêu là 74,57% và 17,26% thì hiện tăng lên 81,92% và 51,56%. Trong 24 giờ qua, ngành y tế An Giang tiêm vắc xin mũi 2 cho 63.669 người, nâng tổng số trường hợp đủ 2 liều lên 729.008 (53,15%). Hiện, An Giang được Bộ Y tế phân bổ 15 đợt vắc xin với 2.472.440 liều vắc xin, đã tiêm 2.043.965 liều (82,67%). Tỉnh này đã tiêm vắc xin cho học sinh 16-17 tuổi, được 12.462 liều.

Ngày 14/11, Sở Y tế Hà Nội có văn bản đồng ý với đề xuất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phương án rút khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin AstraZeneca về còn tối thiểu 4 tuần. Trước đó, người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca ở Hà Nội phải chờ tới 8 tuần trở lên mới tiêm mũi 2 (Tiền phong, trang 15).

Kích hoạt phương án ứng phó F0 gia tăng

Số ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn TPHCM có xu hướng tăng trở lại. Trước tình hình này, các địa phương đã kích hoạt các phương án ứng phó. Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu nhận định, dịch bệnh trên địa bàn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra thêm nhiều khó khăn, thách thức khi số ca F0 phát sinh còn cao. Dù chủ yếu F0 đang được cách ly, điều trị tại nhà nhưng TP Thủ Đức vẫn duy trì 3 điểm thu dung của thành phố, 2 bệnh viện dã chiến và 3 bệnh viện điều trị Covid-19. Các phường cũng đang khẩn trương thành lập các điểm thu dung với quy mô từ 30-50 giường.

Thông tin thêm về tình hình ở địa phương, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết, thời gian qua, số F0 tăng cao, lúc cao điểm lên tới 500 ca qua test nhanh. Đa số các trường hợp F0 đều nhẹ, không triệu chứng, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên cách ly tại nhà. Đối với công nhân, địa phương cho cách ly tập trung tại cơ sở sản xuất. Quận cũng tổ chức lực lượng y tế đến phát thuốc, thăm khám F0.

Tương tự, trước diễn biến số F0 gia tăng ở huyện trong 2 tuần qua, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc huyện chỉ đạo không được chủ quan, lơ là và phải luôn đề cao trách nhiệm cá nhân trong phòng chống dịch. Huyện đang tập trung củng cố, kiện toàn nhân lực, cơ sở vật chất bệnh viện dã chiến, các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng và duy trì 19 trạm y tế lưu động, sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ để ứng phó với dịch bệnh khi cần thiết.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn Trần Văn Khuyên cho biết, huyện đang xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập phòng chống dịch Covid-19 tại một số xã; đồng thời kích hoạt lại 31 trạm y tế lưu động để chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà gắn với củng cố 12 trạm y tế xã, thị trấn.

Về giải pháp, quận 7 còn thử nghiệm tổng đài (7300499) được tích hợp trong Trung tâm Điều hành kiểm soát dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và dịch vụ hành chính công của quận để tiếp nhận các thông tin của người dân, trong đó có tiếp nhận thông tin về F0. Khi tiếp nhận thông tin của người dân, tổng đài sẽ chuyển đến trạm y tế gần vị trí người bệnh nhất. Các thông tin F0, quy trình xử lý sẽ được tích hợp vào trung tâm để đánh giá trách nhiệm của cá nhân, đơn vị nếu xảy ra hậu quả.

Một điểm chung mà quận 7 và nhiều địa phương khác cùng đang thực hiện là việc tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động của các trạm y tế cấp phường, các trạm y tế lưu động… Tuy nhiên, nhân lực chăm sóc và theo dõi, điều trị F0 của lực lượng y tế cơ sở cấp phường hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, dễ dẫn đến quá tải nếu số F0 tiếp tục gia tăng.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi giao ban về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn thành phố hôm 13-11, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tiếp tục nhấn mạnh đến yêu cầu cũng cố hệ thống y tế. Trong đó, Sở Y tế cần sớm tham mưu các quy định về chế độ, chính sách đối với các trạm y tế, tổ y tế cộng đồng.

Tại các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), Khu công nghệ cao (KCNC) của TPHCM đã thành lập các khu cách ly, thu dung khi có số F0 tăng cao với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người lao động, duy trì hoạt động sản xuất. Cụ thể, KCX, KCN thành lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại KCX Linh Trung 2 có 250 giường (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tập trung điều trị F0 không triệu chứng tại nhà

Ngày 14-11, tại nhiều địa phương tiếp tục ghi nhận số ca F0 trong cộng đồng tăng cao.

Tại Đắk Lắk, ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết, đơn vị đang thực hiện kế hoạch khoanh vùng 9 xã, phường có ổ dịch trong cộng đồng, tiếp tục test nhanh lần 2 nhằm bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Trước đó, từ ngày 6-11 đến 8-11, UBND TP Buôn Ma Thuột đã phong tỏa toàn thành phố để test nhanh. Qua test nhanh phát hiện hơn 200 F0.

Tại Gia Lai, đến sáng 14-11, sau 24 giờ xét nghiệm 4.988 người, tỉnh ghi nhận 26 F0, trong đó có nhiều ca được phát hiện khi đi test nhanh ở các bệnh viện.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, từ ngày 7-11 đến 13-11, ghi nhận 1.233 ca mắc Covid-19, chiếm gần 20% tổng số ca mắc của tỉnh từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay. Thị xã Phú Mỹ và TP Vũng Tàu là hai địa bàn có dịch diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng cao, xâm nhập sâu trong cộng đồng dân cư lẫn các doanh nghiệp đang hoạt động. Tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố bịt ngay các lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch và chuẩn bị các kịch bản chống dịch cao hơn.

Tại Tây Ninh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này cho biết, từ 18 giờ ngày 13-11 đến sáng 14-11, ghi nhận 703 F0. Địa bàn có số ca mắc nhiều nhất là huyện Bến Cầu, Gò Dầu, thị xã Hòa Thành, TP Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng…

Tại Đồng Nai, lũy kế từ tính ngày 26-4 đến nay, toàn tỉnh có trên 77.400 ca mắc Covid-19. Nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tăng cao là do các doanh nghiệp sản xuất trở lại với số lượng công nhân đông, tiếp xúc nhiều; người dân có tâm lý lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng dịch…

Tại Cà Mau, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau cho biết, dịch tiếp tục diễn biến phức tạp; đến nay, số F0 trên địa bàn tỉnh đã vượt trên 4.000 ca và đang điều trị hơn 2.000 ca. Huyện Trần Văn Thời trở thành “điểm nóng” của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Huyện đã cho kích hoạt cơ sở riêng biệt để tiếp nhận tập trung F0 ở 3 điểm trường gồm: Trường THPT Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc), Trường THPT Huỳnh Phi Hùng và Trường Mẫu giáo 19/5 (thị trấn Trần Văn Thời), với tổng sức chứa khoảng 300 người. Bên cạnh đó, huyện cũng sàng lọc, đưa F0 có triệu chứng đi điều trị và theo dõi F0 không triệu chứng tại nhà.

Tại Bạc Liêu, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, dự kiến từ ngày 20-11 sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi, trong đó ưu tiên tiêm cho nhóm tuổi 16 – 17. Việc bao phủ vaccine ngừa Covid-19 sẽ đảm bảo các em trở lại trường học an toàn.

Tại Đồng Tháp, số ca mắc Covid-19 trong ngày 14-11 tiếp tục tăng cao. Đáng chú ý, dịch Covid-19 đã len lỏi vào các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp… Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh sớm triển khai điều trị, quản lý người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly, điều trị tại nhà, nhằm giảm áp lực cho các cơ sở y tế (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Đại học Y – dược Thái Nguyên bồi thường 3,2 tỉ đồng cho bác sĩ 32 năm đi khiếu nại

 Sau 32 năm ròng rã đội đơn đi khiếu nại, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi và Trường đại học Y – dược (Đại học Thái Nguyên) vừa lập biên bản ghi nhớ, thống nhất việc chi trả đền bù với số tiền gần 3,2 tỉ đồng.

Sau hội nghị chủ chốt do Trường đại học Y – dược (Đại học Thái Nguyên) tổ chức, trường đã thống nhất bồi thường cho ông Nguyễn Ngọc Lợi (68 tuổi, quê Tứ Xã, Lâm Thao, Vĩnh Phú, nay là Phú Thọ) với số tiền gần 3,2 tỉ đồng.

Cụ thể, trường sẽ đại diện cho ông Nguyễn Ngọc Lợi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lãi bảo hiểm xã hội với số tiền trên 607 triệu đồng để ông Lợi được hưởng chế độ lương hưu.

Ông Lợi phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền gần 94 triệu đồng. Ông Lợi được nhận thực tế số tiền trên 2,495 tỉ đồng.

Thời gian trường thực hiện việc chi trả đền bù cho ông Lợi là 30 ngày, tính từ ngày 9-11-2021. Đồng thời, trường này sẽ bàn giao lại 17 loại tài liệu liên quan đến ông Lợi theo danh mục đã được thống nhất tại biên bản làm việc ngày 11-3-2021.

Ngoài khoản tiền trên, ông Lợi cam kết sẽ không yêu cầu Trường đại học Y – dược thanh toán bất kỳ khoản tiền nào khác.

Không yêu cầu nhà trường giải quyết chế độ khác, cũng như không thực hiện các công việc khác có liên quan đến ông.

“Đồng thời, ông Lợi sẽ chấm dứt toàn bộ việc khiếu nại, khiếu kiện đối với Trường đại học Y – dược, các bên liên quan trong vụ việc và rút toàn bộ đơn thư gửi các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan truyền thông, báo chí về vụ việc này”, biên bản nêu.

Theo ông Lợi, đây mới là một khoản tiền trích bồi thường trong khả năng chi trả từ ngân sách của nhà trường.

Còn một khoản tiền khác đã được hội nghị thống nhất và phải làm văn bản báo cáo, xin Bộ Tài chính duyệt liên quan đến các khoản mà trường đã gây tổn hại cho ông, gồm: tiền bồi thường danh dự, mất sức khỏe, mất việc làm, tiền bảo hiểm y tế do tự chữa bệnh, tiền bảo hiểm của người nhà quân nhân… Tổng số tiền bồi thường cho các mục này vào khoảng 6,7 tỉ đồng.

Theo hồ sơ vụ việc, ông Lợi nguyên là cán bộ đi B, sau được Ủy ban Thống nhất cử đi học tại Trường đại học Y Bắc Thái (nay là Trường đại học Y – dược, Đại học Thái Nguyên) từ năm 1977. Dù có kết quả học tập không tồi nhưng do có mâu thuẫn với một số cán bộ nhà trường nên bảng điểm của ông đã bị sửa để đánh trượt tốt nghiệp, hồ sơ giấy tờ liên quan bị giữ lại trường.

Sau nhiều năm khiếu nại, Bộ Y tế đã thanh tra, các cơ quan trung ương xác nhận và Trường đại học Y Bắc Thái phải bảo lưu kết quả tốt nghiệp cho ông. Sau đó, ông được lựa chọn làm việc ở Ủy ban Hợp tác kinh tế văn hóa với Lào và Campuchia hoặc Bệnh viện Bưu điện, nhưng ông bị đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu không có hồ sơ giấy tờ liên quan để bố trí công việc.

Nguyên do là Trường đại học Y Bắc Thái thông báo đã chuyển hồ sơ, điều ông về công tác tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú và bị thất lạc hồ sơ.

Ông Lợi đã nhiều lần gửi đơn đến Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, Trường đại học Y Bắc Thái nhưng đều không được giải quyết.

Sau đó Thanh tra Chính phủ vào cuộc và kết luận việc để xảy ra khiếu nại và giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của ông Nguyễn Ngọc Lợi từ năm 1990 đến năm 2020 của một số cơ quan, tổ chức còn thiếu trách nhiệm, chưa chính xác, giải quyết không khách quan.

Sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của nhiều cơ quan đã gây ra hậu quả khiến ông Lợi không được phân công công tác theo quy định, không thể xin được việc làm chính thức, không thực hiện được các thủ tục để được hưởng các quyền lợi liên quan như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ người có công với cách mạng (Tuổi trẻ, trang 5).

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 25/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/10/2021

Ngọc Nga