Bệnh tay chân miệng tăng: Nguy hiểm biến chứng huyết áp cao ở trẻ
‘Con vẫn vui chơi bình thường nhưng khi ngủ lại giật mình, đo thân nhiệt không thấy con sốt. Đi bệnh viện, bác sĩ đo thân nhiệt ở hậu môn mới biết con sốt 41 độ C, chọc nước dịch tủy xác định mắc tay chân miệng, huyết áp rất cao’.
Nhiều trẻ mắc tay chân miệng độ nặng ghi nhận huyết áp rất cao kèm theo biến chứng nguy hiểm khác như viêm màng não, suy hô hấp. Dấu hiệu khởi phát bệnh mờ nhạt, đo nhiệt kế thì thân nhiệt ổn định khiến nhiều phụ huynh không biết trẻ mắc bệnh này.
Huyết áp cao thường thấy ở người lớn tuổi nhưng cũng ghi nhận ở trẻ mắc tay chân miệng độ nặng.
Huyết áp cao, không dấu hiệu cảnh báo
Gần 20h ngày 14-4, các y bác sĩ khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tất bật thăm khám, tiếp nhận bệnh nhi mắc tay chân miệng mới nhập viện, lập hồ sơ bệnh án.
Hai bác sĩ, năm điều dưỡng sẽ theo dõi, điều trị cho 134 bệnh nhi mắc các bệnh truyền nhiễm và thần kinh. Riêng tay chân miệng có 42 ca, trong đó có 3 ca độ 3 và 9 ca độ 2B – một nữ điều dưỡng tranh thủ cho biết lúc đang nhập liệu.
Các giường bệnh tại phòng cấp cứu số 1 – nơi điều trị trẻ mắc tay chân miệng độ nặng – đều chật kín, có giường hai trẻ nằm. Nằm trên giường bệnh tại phòng cấp cứu số 1, bé N.P.T. (3 tuổi, ngụ quận Tân Phú) vẫn còn hôn mê, phải kết nối với máy đo huyết áp xâm lấn đã hai ngày.
Ngồi trông con, phụ huynh bé T. rất lo lắng khi con mình bị tay chân miệng độ 3, có thể diễn tiến xấu đến độ 4 – độ nặng nhất. Biến chứng hiện bé T. mắc phải là viêm màng não, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp cao.
Mẹ bé T. cho biết không như những trẻ khác khi mắc bệnh tay chân miệng sẽ có nhiều biểu hiện bên ngoài, con của chị thì không biểu hiện sốt, phát ban, đo thân nhiệt cơ thể ổn định. Tuy nhiên thấy con giật mình bất thường khi ngủ, chị đưa đến bệnh viện.
“Con vẫn vui chơi bình thường nhưng đến khi ngủ lại giật mình. Lo quá, tôi đo thân nhiệt liên tục nhưng không thấy con sốt. Lúc đến bệnh viện, bác sĩ đo thân nhiệt ở hậu môn mới biết con sốt cao 41 độ C, chọc nước dịch tủy xác định mắc tay chân miệng, huyết áp cao ngất ngưởng, có thể thở oxy lại” – phụ huynh bé T. nói và chia sẻ thêm đoạn video bé T. giật bắn người khi ngủ.
Ngoài bé T., trong phòng cấp cứu này còn có nhiều bé từ chục tháng tuổi đến 5 tuổi mắc tay chân miệng nặng, có biến chứng cao huyết áp hay các biến chứng kèm theo về thần kinh, hô hấp phải theo dõi sát.
Sau nhiều ngày điều trị tay chân miệng độ 3 tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé D.P.G.H. (5 tuổi, quê Cà Mau) đã cai máy đo huyết áp xâm lấn. Phụ huynh bé H. cho biết trước đó khi thấy con nổi phát ban đỏ ở lưng và lòng bàn tay, gia đình đưa đến bệnh viện địa phương nhưng chẩn đoán là sốt phát ban.
Tuy nhiên vài ngày sau, huyết áp bé tăng cao, đặc biệt sau khi truyền một loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Lo lắng, gia đình xin chuyển viện. “Sợ bệnh này quá, chuyển biến nhanh không trở tay kịp” – phụ huynh bé H. nói.
Trong lúc phân chia từng lọ thuốc tiêm cho bệnh nhi trong ca trực tối 14-4, điều dưỡng Dương Văn Ân cho biết những trẻ mắc tay chân miệng mức độ nặng thường huyết áp sẽ cao. Bé sẽ được kết nối với máy đo huyết áp xâm lấn để nhân viên y tế tiện theo dõi liên tục, thay vì trước đây phải đo nhiều lần
Biến chứng tim mạch nguy hiểm
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy – phó trưởng khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, huyết áp cao thường thấy ở những người cao tuổi nhưng ở bệnh nhi mắc tay chân miệng độ nặng cũng ghi nhận huyết áp cao.
Đây là một biến chứng tim mạch của tay chân miệng, bên cạnh mạch nhanh, viêm cơ tim, suy tim, trụy mạch. Ngoài ra tay chân miệng còn gây ra biến chứng viêm màng não, suy hô hấp, phù phổi cấp…
Bác sĩ Quy cho hay trẻ mắc tay chân miệng có biến chứng huyết áp cao sẽ được truyền một loại thuốc để hạ huyết áp liên tục trong vòng ba ngày, đồng thời được theo dõi huyết áp qua máy đo huyết áp xâm lấn (huyết áp hiển thị liên tục).
Theo phác đồ điều trị tay chân miệng của Bộ Y tế, biến chứng huyết áp cao ghi nhận ở bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 3. Giai đoạn đầu có huyết áp tăng ≥ 100mmHg ở trẻ dưới 1 tuổi, từ 1-2 tuổi là ≥ 110 mmHg, trẻ 2 tuổi là ≥ 115 mmHg. Nếu tiếp tục chuyển nặng, huyết áp không đo được, nguy cơ tử vong rất cao.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh diễn tiến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng thường thấy là sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phát ban dạng bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Tuy nhiên, có một số trường hợp không điển hình và triệu chứng trên không rõ ràng, chỉ có loét miệng, hoặc không rõ dạng bóng nước, chỉ là dạng chấm hoặc hồng ban. Điều này khiến người thân nhầm lẫn với các bệnh khác và thường chỉ phát hiện khi bệnh đã biến chứng quá nặng.
Khi trẻ có những biểu hiện ban đầu của bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh cho trẻ nghỉ học, không tiếp xúc với trẻ khác và nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín khám và điều trị sớm, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm. (Tuổi trẻ, trang 14).
Thật – giả trong công văn xin nhập vaccine Moderna và phản hồi của Vimedimex
Phải đến ngày 1.4, Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (Home: VMD) mới có cuộc làm việc 3 bên với Tập đoàn Moderne (Mỹ) và Công ty SB Capital. Thế nhưng, trước đó 1 tháng, tại công văn gửi BYT ngày 17.2, doanh nghiệp này lại khẳng định đã được Moderne ủy quyền thực hiện các vấn đề về vaccine Covid -19 Moderna tại Việt Nam ... (Lao động, trang 1).
Không được ép người bệnh sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết lãnh đạo Sở vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉ đạo về xây dựng, kê khai, công khai giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng, quyết định mức giá dịch vụ y tế theo yêu cầu phải phù hợp chất lượng và chi phí thực tế hợp lý; thực hiện dịch vụ theo đúng quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn. Trong trường hợp mức giá hiện tại quy định cao hơn phương án giá xây dựng, phải xem xét điều chỉnh ngay. (Thanh niên, trang 15).
Bộ Y tế- WHO- UNICEF: Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn góp phần đẩy lùi đại dịch
Tối ngày 15/4, Bộ Y tế Việt Nam, Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đã có thông cáo báo chí chung khẳng định: Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn góp phần đẩy lùi đại dịch.
Các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca là phản ứng bình thường
Đại dịch COVID-19 đã lây lan và bùng phát mạnh tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tính đến ngày 13/4/2021 đã có hơn 137,3 triệu người mắc và 2,95 triệu bệnh nhân tử vong, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội, giáo dục và kinh tế của mỗi quốc gia cũng như toàn cầu.
Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tích cực bao gồm: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn…, việc sử dụng vắc xin phòng ngừa chủ động càng ngày càng trở nên cấp bách tại từng quốc gia và toàn cầu.
Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá hiện nay về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin phòng COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19, các nước cần đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng COVID-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đặc biệt là với sự xuất hiện và lây nhiễm mạnh của các biến chủng vi rút SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 phải đạt tới 75% dân số thế giới, đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất.
Vắc xin phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được WHO thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2/2021.
Bộ Y tế Việt Nam nỗ lực để có vắc xin phòng COVID-19 phục vụ tiêm chủng
Xác định hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 cùng với tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch tích cực, ngay từ giữa năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh, Bộ Y tế Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước.
Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các nhà sản xuất trong nước khẩn trương tiến hành nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 để chủ động nguồn cung. Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành các kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin, hướng dẫn tiêm an toàn, hướng dẫn giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng và triển khai tập huấn cho toàn hệ thống.
Tiêm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam: Khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm
Sau hơn một tháng, Việt Nam thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca cho hơn 70.000 người là các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố, đảm bảo an toàn tối đa theo phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Trưởng ban điều hành Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết: “Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.
Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm”.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: “Đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của vắc xin tại Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của WHO. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng quốc gia để đảm bảo rằng các quy chuẩn và tiêu chuẩn toàn cầu được thực hiện để đánh giá và giám sát chất lượng, an toàn và hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 đang được triển khai trong nước”.
Việt Nam hiện nay đang sử dụng hệ thống sẵn có của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã được thiết lập trong hơn 30 năm qua. Các cán bộ TCMR được đào tạo bài bản về tiêm chủng an toàn và tất cả các quy trình đều được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, bao gồm vận chuyển và bảo quản vắc xin, quy trình tiêm chủng, bố trí địa điểm tiêm chủng để đảm bảo tiêm chủng an toàn.
Do các loại vắc xin phòng COVID-19 hiện nay được nghiên cứu, phát triển và đưa vào sử dụng trong tình huống khấn cấp, phục vụ cấp bách cho phòng, chống dịch; nên khi triển khai tiêm chủng đại trà trên nhiều nhóm đối tượng, địa bàn rộng lớn có thể xuất hiện nhiều trường hợp có phản ứng thông thường sau khi tiêm; thậm chí sẽ có một số rất ít các trường hợp xuất hiện phản ứng quá mẫn nặng hoặc nghiêm trọng sau khi tiêm. Mặt khác, tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cũng như các loại vắc-xin khác và thuốc đều có thể gây ra các phản ứng sau tiêm ở các mức độ khác nhau. Do vậy, Bộ Y tế, WHO, UNICEF sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên xác thực và cung cấp đầy đủ các thông tin khoa học, chính xác về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin phòng COVID-19, sự liên quan giữa vắc xin và những phản ứng nặng sau tiêm chủng, nhất là những trường hợp xuất hiện tình trạng đông máu và huyết khối sau tiêm vắc xin; cung cấp các khuyến cáo đến người dân và cộng đồng; thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm người dân Việt Nam được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn, góp phần vào thành công của cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Khi đến lượt mình được tiêm vắc xin phòng COVID-19, hãy đăng ký với các cơ sở tiêm chủng của địa phương để được tiêm chủng, theo dõi sức khoẻ và thông tin kịp thời cho nhân viên y tế về các phản ứng sau tiêm. Ý thức và hành động của mỗi người sẽ chung tay, góp sức đưa Việt Nam sớm đạt được mục tiêu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tạo miễn dịch cộng đồng để ngăn ngừa lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đẩy lùi đại dịch COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tạo điều kiện thuận lợi để sớm có vắc –xin sản xuất trong nước
Ngày 15/4/2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ triển khai công việc sau khi được kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận, Chính phủ quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, về quan điểm định hướng chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ; chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 6 tháng và cả năm 2021.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả công tác, khí thế thời gian qua, không thỏa mãn, chủ quan, tự mãn với thành tích đạt được; với tinh thần có kế thừa và đổi mới, ổn định, phát triển; quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thực chất và hiệu quả, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường thương mại, du lịch trong nước; phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị – xã hội và an toàn, an ninh cho nhân dân; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ vững độc lập, chủ quyền; xây dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện.
“Cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội. Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, trước hết giải quyết dứt điểm những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp đang trông chờ, những vấn đề vướng mắc, tồn đọng kéo dài từ lâu”, Thủ tướng nêu rõ.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân
Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc xây dựng Chương trình phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, yêu cầu phát triển và tình hình thực tế đất nước. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương cùng các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện, trong đó thể hiện rõ các nhiệm vụ, đề án lớn cần triển khai thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, khả thi; thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược; trình Chính phủ ngay tại Phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2021 để ban hành.
Về tổng kết Quy chế làm việc của Chính phủ: Chính phủ thống nhất cần sớm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện để sửa đổi, bổ sung Quy chế, bảo đảm kế thừa những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, bất cập, bám sát tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Trước mắt, yêu cầu các thành viên Chính phủ quán triệt thực hiện theo hướng: Đoàn kết, thống nhất cao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; đề cao trách nhiệm cá nhân của thành viên Chính phủ, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, bảo đảm chất lượng và thời hạn xử lý công việc. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì khẩn trương tổng kết đánh giá và sửa đổi Quy chế, trình Chính phủ.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì tiếp tục rà soát kỹ, toàn diện hệ thống pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được phân công; không để nợ, chậm, chất lượng kém khi ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật.
Không để tình trạng vaccine COVID-19 không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ
Về phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ theo phân công tại Chỉ thị số 02/CT-TTg, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật, đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra và chọn được những người xứng đáng vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử; chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; có phương án, kịch bản phòng, chống đại dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử và ngày bầu cử.
Về phòng, chống dịch và tiêm phòng vaccine COVID-19, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”; đối với cá nhân thực hiện công thức “5K + vaccine”; đối với tập thể thực hiện nghiêm biện pháp “an toàn COVID”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép. Tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vaccine không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ. Giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh phương án và nghiên cứu triển khai cơ chế “hộ chiếu vaccine” và tạo điều kiện thuận lợi để sớm có vaccine sản xuất trong nước.
Về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, xác định rõ khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề xuất những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; đồng thời bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật và tránh sai phạm.
Về tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động triển khai, chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi; tiếp tục hoàn thiện quy chế thi, bảo đảm chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thi trên địa bàn, bảo đảm nghiêm túc, an toàn, trung thực, công bằng, khách quan nhưng không gây căng thẳng, áp lực cho thí sinh, phụ huynh học sinh và phù hợp với tình hình dịch bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
40 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT trong 3 tháng đầu năm
BHXH Việt Nam cho biết, đến thời điểm này cả nước có gần 40 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, tăng hơn 1,6 triệu người (12,05%) so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, số chi BHYT gần 24.500 tỷ đồng, tăng gần 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đẩy mạnh cắt giảm TTHC và cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 về các lĩnh vực bảo hiểm
Những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã tạo áp lực không nhỏ tới việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam. Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (BHTN), toàn Ngành luôn theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch COVID-19 để kịp thời có những đề xuất nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người dân trong việc thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu cụ thể hằng tuần, tháng đối với phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT cho từng đại lý thu; đôn đốc thu, giảm nợ, như: phân công cán bộ chuyên quản đôn đốc đơn vị sử dụng lao động để thu nộp BHXH, BHYT, BHTN kịp thời, không để nợ tiền đóng; tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng…
BHXH Việt Nam cũng giao chỉ tiêu cho BHXH các tỉnh, thành phố vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố rà soát và kịp thời xử lý các trường hợp hưởng trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam tiếp tục cắt giảm bộ thủ tục hành chính (TTHC) của ngành từ 27 TTHC xuống còn 25 TTHC; tích hợp, cung cấp thêm các dịch vụ công mức độ 4 của ngành trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới cho ứng dụng “VssID – BHXH số”; đẩy mạnh kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành; triển khai thực hiện việc kết nối kỹ thuật để khai thác, chia sẻ dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Bộ Công an để quản lý người tham gia BHXH, BHTN, BHYT…
Gần 87 triệu người tham gia BHYT
Do tác động của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động nên gây khó khăn cho công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, các chỉ tiêu về phát triển người tham gia của ngành đều giảm so với cuối năm 2020. Số người tham gia, BHXH là gần 16 triệu người, đạt 32,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có gần 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, lần lượt giảm 1,05% và 2,17% so với hết năm 2020); BHTN gần 13,2 triệu người, đạt 26,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, giảm 1,15% so với hết năm 2020; BHYT gần 87 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,9% dân số, giảm 1,24% so với hết năm 2020.
Mặc dù, các chỉ tiêu phát triển đối tượng chưa đạt như kỳ vọng, nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, số thu BHXH, BHYT, BHTN 3 tháng đầu năm 2021, tăng 10,06% so với chỉ tiêu cùng kỳ năm 2020.
Cạnh đó, một phần do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nên tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT những tháng đầu năm vẫn cao; tình trạng nợ đọng, chậm đóng tại một số cơ quan, đơn vị còn khá phổ biến; việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động… vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Số người giải quyết hưởng mới chế độ BHXH hằng tháng, ốm đau, thai sản đều giảm; số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng, tăng gần 20,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh, người lao động nghỉ việc, mất việc, tính thời điểm này đã đủ 12 tháng (trong đó, một số địa phương có số người đề nghị hưởng BHXH một lần tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam…).
Đến nay cả nước có gần 40 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, tăng hơn 1,6 triệu người (12,05%) so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, số chi BHYT gần 24.500 tỷ đồng, tăng gần 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).
TP.HCM cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập
Trước tình hình số ca bệnh COVID-19 ở Campuchia, Thái Lan tăng đến mức báo động, TP.HCM cảnh giác dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập.
Tăng cường giám sát nhập cảnh trái phép
Những ngày gần đây, số ca bệnh COVID-19 tại Campuchia và Thái Lan không ngừng tăng nhanh. Đây là hai nước láng giềng có đường biên giới dài giáp với Việt Nam ở các tỉnh Tây Nam Bộ. TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, từ các tỉnh Tây Nam Bộ đi về cửa ngõ của thành phố không xa. Sự giao thương qua lại của người dân tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đặc biệt hiện nay tại Campuchia và Thái Lan đang trải qua kỳ nghỉ Tết cổ truyền (Tết cổ truyền Campuchia kéo dài từ ngày 14/4-16/4, tại Thái Lan từ ngày 13/4-15/4), người dân các nước trở về quê hương đón Tết và quay trở lại TP.HCM nguy cơ cao mang theo mầm bệnh vào thành phố càng lớn. Điều đáng lo ngại là những trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP.HCM, ngành y tế dự phòng TP.HCM đã và đang phối hợp với các ban ngành liên quan để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, TP.HCM luôn ở trong trạng thái cảnh giác trước nguy cơ xâm nhập dịch bệnh nhất là từ các trường hợp nhập cảnh trái phép. Các biện pháp phòng dịch vẫn luôn được triển khai. Thành phố vẫn luôn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Triển khai thực hiện việc tổ chức cách ly tập trung theo quy định nhằm không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong khu cách ly. Các quận huyện tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp nhập cảnh trái phép. Thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên để giám sát tình hình dịch bệnh tại những khu vực có nhiều nguy cơ, có mức độ giao lưu nhiều.
Bên cạnh đó, vắc-xin chính là vũ khí rất quan trọng để kiểm soát dịch bệnh. Thành phố đang tiến hành tiêm vắc-xin đợt 1 cho nhân viên y tế tham gia chống dịch và nhân viên làm việc tại các khu cách ly. Tính đến hết ngày 13/4/2021 đã tổ chức tiêm được cho 7.805 trường hợp. Các buổi tiêm đã được thực hiện an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong chiến dịch tiêm đợt 2 thành phố dự kiến sẽ tiêm cho các nhóm đối tượng thuộc nhóm ưu tiên theo NQ21 của chính phủ về tiêm vắc-xin COVID-19 như: nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các khu vực nguy cơ cao như: sân bay, khu cách ly tập trung… và ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp.
Về kế hoạch thắt chặt kiểm soát tại các cửa ngõ của thành phố, ngành y tế sẽ triển khai xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên COVID-19 vì đây chính là khu vực có nguy cơ cao. Việc tổ chức lấy mẫu sẽ do các Trung tâm Y tế quận huyện đảm nhận, HCDC sẽ thực hiện việc điều phối nhận mẫu, thực hiện xét nghiệm và trả kết quả.
Vận động sự chung sức đồng lòng của người dân
Cũng theo đại diện HCDC TP.HCM, trong công cuộc phòng chống dịch bệnh thành phố đã xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh khác nhau. Ngành y tế luôn ở trong trạng thái sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, mỗi người dân cũng đóng vai trò quan trọng giúp giữ vững thành quả chống dịch của thành phố.
Theo đó, đối với công tác kiểm soát người nhập cảnh trái phép vào thành phố, vai trò chính quyền địa phương là rất lớn trong việc kiểm soát địa bàn mình quản lý. Đặc biệt, việc vận động nhân dân cùng tham gia là cực kỳ quan trọng. Người dân phát hiện sớm những người nhập cảnh trái phép và báo ngay với chính quyền để giải quyết sẽ giúp việc khoanh vùng nhanh, truy vết sớm, dập dịch có hiệu quả. Hơn nữa, người dân có người thân ở nước ngoài cũng cần vận động người thân khi về nước tuân thủ quy định cách ly, không mang nguy cơ dịch bệnh đến gia đình và cộng đồng.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân cần tiếp tục nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống dịch cho bản thân và gia đình bằng việc tiếp tục thực hiện thông điệp 5K. Các biện pháp: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung đồng người – Khai báo y tế vẫn có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng chống dịch COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).
Người được bảo hiểm chi trả 38 tỷ đồng viện phí: Được về nhà sau 11 năm nằm viện
Mắc căn bệnh chảy máu di truyền (Hemophilia), anh Nghiêm may mắn chữa khỏi sau 25 lần phẫu thuật trong vòng 11 năm và được bảo hiểm y tế chi trả hơn 38 tỷ đồng tiền viện phí.
Ngày 14/4, anh Phan Hữu Nghiêm (37 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long) chính thức được Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cho xuất viện về nhà sau 11 năm ròng rã nằm viện điều trị căn bệnh Hemophilia. Đến thời điểm hiện tại, anh Nghiêm là người được bảo hiểm y tế chi trả số tiền viện phí “khủng” nhất Việt Nam với chi phí điều trị hơn 38 tỷ đồng.
Dù đang nằm trên giường bệnh nhưng khuôn mặt anh Nghiêm hiện rõ niềm vui khi biết mình sắp được xuất viện về nhà. “Tôi rất hạnh phúc khi biết chính thức được xuất viện để về sống cùng gia đình, người thân sau 11 năm thường xuyên nằm viện”, anh Nghiêm chia sẻ.
Anh Nghiêm được phát hiện mắc bệnh Hemophilia từ khi còn nhỏ. Căn bệnh khiến cơ thể anh bầm tím mỗi lần vận động mạnh hay bị ngã. Nếu không may bị đứt tay hay vết thương hở thì máu chảy liên tục, phải băng bó rất lâu mới cầm máu được. Tuy nhiên, lúc đó anh chưa thể hình dung ra sự nguy hiểm của căn bệnh này. Năm 19 tuổi (2003), trong một lần chèo xuồng, anh Nghiêm bị ngã, bụng đập mạnh vào thành xuồng để lại một vết bầm lớn bên hông. Tưởng chừng vết bầm này cũng như những vết thương khác sẽ dần trở lại bình thường theo thời gian. Thế nhưng, những cơn đau dai dẳng, vết bầm tím, sưng tấy kéo dài mãi không hết.
Đến năm 2010, khi đã 26 tuổi, anh Khiêm phát hiện bụng mình ngày càng phình to, vết bầm tím lan rộng. Hoảng sợ, anh đón xe khách từ quê lên BV Chợ Rẫy khám thì các bác sĩ xác định anh có khối u lớn do tụ máu trong bụng. Các bác sĩ nhiều chuyên khoa của BV Chợ Rẫy đã hội chẩn nhưng không dám phẫu thuật vì không biết cầm máu bằng cách nào nên chọn phương án xạ trị. Sau khi xạ trị, khối u đã nhỏ lại, các mô đã co lại, anh Nghiêm được cho về nhà theo dõi nhưng do di chuyển nhiều, khối máu tụ ngày càng to trở lại.
Từ đó, một năm anh Nghiêm chỉ về nhà vào những ngày Tết rồi lại gấp rút trở lại bệnh viện để điều trị. Theo thời gian, khối u to dần và “ăn” vào các tạng trong ổ bụng, xâm lấn vào xương chậu. Từ một chàng trai có thân hình cân đối, anh Nghiêm chỉ còn 39kg, sức yếu dần, bụng trương phình. “Tôi đã rất bi quan, tuyệt vọng nhiều lần chỉ mong mình được chết để khỏi đau đớn. Thế nhưng nghĩ lại thì mình không được bỏ cuộc, phải chiến đấu để nuôi hi vọng sống”, anh Nghiêm nhớ lại.
Hành trình kỳ diệu
Khối máu đông trong bụng anh Nghiêm ngày càng to, bề mặt khối u bị hoại tử, thủng lỗ chỗ như tổ ong lớn, mủ máu chảy liên tục. Lúc này, các bác sĩ buộc phải đặt ra vấn đề phẫu thuật vì nếu sợ không phẫu thuật thì chắc chắn bệnh nhân không qua khỏi do ổ nhiễm trùng hoại tử. Tuy nhiên, thời điểm này chưa có thuốc đặc hiệu (yếu tố VIII) để cầm máu trong và sau mổ.
Điều khó khăn nhất là trải qua rất nhiều cuộc hội chẩn nhưng các bác sĩ không thể đưa ra chỉ định nào. “Hoại tử mà cố gắng lấy thì sẽ chảy máu, mà không lấy thì không được. Vì vậy, hầu hết các cuộc hội chẩn đều đưa ra kết luận chung là không phẫu thuật”, TS. BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng, Phẫu thuật tạo hình, BV Chợ Rẫy, nói.
Chứng kiến những đau đớn mà bệnh nhân phải gánh chịu, nhưng chưa tìm ra phương án điều trị, bác sĩ Hiệp luôn cảm thấy trăn trở không yên. “Trăn trở lớn nhất là làm thế nào để cầm máu được trong lúc mổ và sau mổ. Bởi, nếu không cầm máu được thì sau khi phẫu thuật cắt lọc máu vẫn chảy, hoại tử vẫn diễn ra và bệnh nhân vẫn phải chịu đau đớn”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.
Không chịu khuất phục trước căn bệnh hiểm nghèo này, bác sĩ Hiệp cùng các đồng nghiệp ở nhiều chuyên khoa của bệnh viện tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu. Những nỗ lực của các bác sĩ được đền đáp khi tìm được yếu tố đông máu VIII. Đến năm 2014, các bác sĩ quyết định mổ khẩn cấp cho anh Nghiêm. Ca phẫu thuật đầu tiên dài 3 tiếng, các bác sĩ đã lấy ra 2,5kg mô mủn nát và máu tụ. Điều may mắn là yếu tố VIII cung cấp đủ, nên bệnh nhân được xuất viện.
Tưởng chừng ca phẫu thuật thành công nhưng bệnh nhân vừa về đến nhà thì máu lại chảy ồ ạt không thể cầm. Xe cứu thương vừa chạy chưa được bao xa đã phải quay lại chở anh Nghiêm trở lại bệnh viện cấp cứu. Kể từ ca mổ đầu tiên đến nay, đã 7 năm liên tục, năm nào anh Nghiêm cũng phải trải qua nhiều ca mổ để cắt lọc da hoại tử, hút dịch, tái tạo da…. Đến nay, tổng cộng anh đã trải qua 25 cuộc phẫu thuật để từ một bệnh nhân được kết luận “không xử trí gì thêm”, anh Nghiêm đã có hành trình hồi phục kỳ diệu để có thể chính thức xuất viện lần đầu tiên trong 11 năm qua.
“Bệnh nhân đã trải qua rất nhiều nguy cơ tử vong và được cứu sống. Một trong những nguy cơ là chảy máu rất nhiều, xâm lấn và nhiễm trùng ổ bụng, vùng khớp háng, vùng hông, xương chậu và hơn 10 lần nhiễm khuẩn huyết. Dù hiện tại vết thương đã lành, không còn chảy máu nhưng anh Nghiêm vẫn phải sống chung với căn bệnh chảy máu di truyền và vẫn có thể bị lại như thường khi bị ngã, tai nạn. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể kiểm soát tốt và dù có bị lại thì tình trạng cũng nhẹ hơn trước đây”, bác sĩ Hiệp nói. (Tiền phong, trang 10).