Tự hào Hà Nội – 20 năm Thành phố Vì hòa bình!: Bài 10: Y tế Thủ đô chuyển mình qua hai thập kỷ
20 năm sau ngày Hà Nội được trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, ngành Y tế Thủ đô luôn tự hào về sự phát triển không ngừng, đạt nhiều tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Đến nay, các bệnh viện của Hà Nội đã thực hiện được hầu hết kỹ thuật cao mà trước đây chỉ có thể tiến hành ở bệnh viện tuyến trung ương. Bệnh viện tuyến dưới, trạm y tế cũng “thay da, đổi thịt”, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tuyến y tế.
Nhiều điểm sáng…
Nhà cách Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chỉ ít phút đạp xe nên với bà Nguyễn Thị Nhung (60 tuổi ở tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng, quận Long Biên), bệnh viện này là lựa chọn số một của gia đình bà mỗi khi có người nhà đau ốm. Từ năm 2016 đến nay, bệnh viện được xây mới với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, sạch đẹp, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, thủ tục rút gọn. Thay vì phải xếp hàng lấy số thứ tự như trước đây, người bệnh chỉ mất 3 giây để quẹt thẻ từ là có số khám bệnh, sau đó được nhân viên hướng dẫn lên phòng khám gặp bác sĩ…
Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, bệnh viện là đơn vị y tế đầu tiên của Hà Nội áp dụng thẻ từ thông minh. Chiếc thẻ này không chỉ giúp lấy số thứ tự khám bệnh mà còn lưu trữ toàn bộ thông tin và hồ sơ, bệnh sử, giúp người dân chủ động tra cứu thông tin về sức khỏe của mình trên hệ thống. Thậm chí, những người có thẻ còn có thể đăng ký khám tại nhà thông qua tổng đài 19006888. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, cách đây 8 năm, sau khi được xếp hạng I, bệnh viện đã không ngừng nâng cao chất lượng. Hằng năm, bệnh viện đều cử cán bộ đi học nâng cao tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện trung ương Quân đội 108…, và phối hợp với các chuyên gia hàng đầu thế giới để triển khai nhiều kỹ thuật mới. Sắp tới, bệnh viện còn trang bị cả hệ thống phẫu thuật bằng robot hiện đại để xử lý những ca bệnh khó thay vì phải chuyển lên tuyến trung ương.
Tương tự, từ một bệnh viện hạng III, nay Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã vươn lên thành bệnh viện hạng I, với cơ ngơi khang trang, thiết bị y tế hiện đại. Theo ông Bùi Vinh Quang, Giám đốc bệnh viện, với nhiều trang thiết bị công nghệ hiện đại được đầu tư bài bản và khép kín, bệnh viện đã vươn lên làm chủ nhiều kỹ thuật cao. Giờ đây, bệnh viện không chỉ phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân Thủ đô mà còn được Bộ Y tế giao tiếp nhận, khám và điều trị cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung như một bệnh viện tuyến cuối về điều trị ung thư.
Thêm một bước tiến của ngành Y tế Thủ đô trong thời gian qua, đó là việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đạt tiêu chuẩn châu Âu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn từ cuối năm 2016. Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã phẫu thuật thành công rất nhiều ca bệnh nặng, hiếm gặp, bệnh nan y… Số lượng bệnh nhân thực hiện phẫu thuật tăng rõ rệt, từ 14 bệnh nhân đến hơn 280 bệnh nhân/tháng. Không chỉ vậy, trung tâm còn là nơi đào tạo nguồn bác sĩ chuyên sâu cho ngành Y tế Thủ đô.
Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh
Không chỉ tuyến thành phố, ngay cả với bệnh viện tuyến huyện cũng đã có nhiều sự đổi thay đáng kể. Ông Tạ Ngọc Linh (ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) được các bác sĩ Khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất phẫu thuật thoát vị bẹn bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, đặt lưới, tái tạo thành bụng. Nếu như 20 năm trước, những bệnh nhân như ông Linh sẽ phải chuyển lên tuyến trên điều trị, thì nay câu chuyện đã khác.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến có nguyên nhân chủ yếu là trình độ đội ngũ cán bộ y tế còn chênh lệch. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô không chỉ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị mà còn thực hiện hiệu quả việc cử người hành nghề đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật. Hiện nay, 100% bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa, u nang buồng trứng… Ngoài ra, còn phát triển kỹ thuật cao trong các lĩnh vực: Sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu… Chính vì nhiều bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được các kỹ thuật cao, giúp người dân tin tưởng, lựa chọn chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương.
Để công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân hiệu quả, vài năm gần đây, thành phố đã đầu tư xây mới 29 trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là trạm y tế), nâng cấp sửa chữa 35 trạm y tế. Như Trạm Y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), cách đây 20 năm chỉ có 4 phòng vừa là nơi làm việc vừa là nơi khám, chữa bệnh, nhưng đến nay, trạm đã có một cơ ngơi khang trang với 23 phòng chức năng, được trang bị đầy đủ thiết bị như: Máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, đường huyết… Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trạm y tế là cơ sở y tế gần dân nhất, có thể phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những bệnh đơn giản. Để hệ thống trạm y tế phục vụ người bệnh tốt hơn, Sở Y tế đã xây dựng mô hình trạm y tế điểm, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với sự trợ giúp về chuyên môn của các bác sĩ tuyến thành phố và trung ương. Nhờ đó, nhiều đơn vị đã chuyển mình mạnh mẽ…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, thời gian qua, tất cả những nỗ lực của ngành là để hướng tới mục tiêu “tất cả vì bệnh nhân”. Nhờ đó, ngành Y tế Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc. Tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân tăng từ 11,7 lên 13,3 bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân tăng từ 17 lên 24,5 giường bệnh/1 vạn dân…
“Những đổi thay trên đây rất cần, nhưng chưa đủ, mà quan trọng là y đức người thầy thuốc. Người thầy thuốc không chỉ khám bệnh bằng trình độ, năng lực chuyên môn, mà bằng cả tấm lòng, trách nhiệm với người bệnh” – Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 2).
Bất an bác sĩ cấp cứu bỏ mặc người bệnh
Sự việc bệnh nhân tử vong sau gần 4 giờ vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), khiến dư luận bất an lẫn bất bình. Vào bệnh viện (BV), mọi niềm tin người bệnh đều đặt vào y bác sĩ (BS). Nhưng, nếu y BS chủ quan, chậm trễ hay “non” kinh nghiệm trong xử trí cấp cứu (CC) sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
“Vào cấp cứu chờ cả tiếng…”
Trưa 15.7, bà D.N.Y (48 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) rời khỏi Khoa CC BV Nhân dân 115. Bà Yến bị tai nạn giao thông, được con đưa vào BV Chấn thương chỉnh hình, do bà bị đa chấn thương nên được chuyển qua BV Nhân dân 115. Từ khoảng 6 giờ 30 đến 10 giờ 30 (tức 4 giờ nhập CC BV Nhân dân 115), bà Y. mới được bó bột chân trái bị gãy. Con bà Y. nói: “Vào CC chờ cả tiếng BS mới gọi đi chụp hình, rồi nằm chờ”. Do nóng ruột khi thấy mẹ đau nên con bà hỏi y BS và được trả lời… chờ gọi tên. Bà Y. cũng tỏ ra bức xúc khi bà đi CC mà BV không cho hưởng bảo hiểm y tế, bắt phải tự thanh toán 100%. Lý do được BV giải thích là do bà đi trái tuyến (?).
Lúc 14 giờ ngày 14.7, PV Thanh Niên đến nơi chờ tin bệnh nhân (BN) CC ởBV Chợ Rẫy. Lúc này, vợ chồng ông Tiến (49 tuổi, ngụ Hậu Giang) đang chờ tin mẹ. Ông Tiến cho biết lúc 13 giờ cùng ngày, mẹ ông mệt, đau bụng, ói nhiều nên đưa vào Khoa CC BV Chợ Rẫy. Đến 16 giờ, mẹ ông được đưa đi chụp CT Scanner, vẫn chưa rời phòng CC. Theo ông Tiến, mẹ mình đau mấy ngày nay mà chưa có viên thuốc nào trong người. Ông chỉ mong BS làm cho mau, xem tình hình mẹ mình thế nào. Ngồi kế đó là anh Bảy, ở Vĩnh Long, đang chờ mẹ là bà T.T.H (74 tuổi) bị tai biến, máu tụ trong não, đang nằm trong phòng CC. Theo anh Bảy, mẹ anh được chuyển lên đây lúc 9 giờ ngày 14.7, nhưng đến 14 giờ vẫn còn nằm truyền nước biển. BS thông báo mẹ anh phải được theo dõi 8 giờ.
Lúc 15 giờ ngày 14.7, PV Thanh Niên tiếp tục đến khu vực thân nhân chờ tin người bệnh CC ở BV Nhân dân 115. Chị H., con gái BN T.V.C (87 tuổi, ngụ Tây Ninh), cho biết cha mình vào đây CC vì sốt mệt từ lúc 12 giờ cùng ngày nhưng đến giờ BS vẫn chưa nói kết quả ra sao dù đã xét nghiệm, siêu âm… Chị ngồi ở ngoài rất nóng ruột và lo lắng cho cha. “Kinh nghiệm nuôi bệnh của tôi khi thấy người thân bất thường là la làng cho BS nghe chạy đến chứ không phải đứng đó nhìn. Khi vào BV, BS vui vẻ, an ủi thì BN mau hết bệnh. Nhưng cũng có những người nói chuyện với BN, thân nhân như “cục đá xanh chọi vào mặt”, chị H. chia sẻ.
Sao đưa BS thiếu kinh nghiệm làm ở CC? Trong các phản hồi về Báo Thanh Niênliên quan đến vụ BN tử vong sau gần 4 giờ vào CC ở BV Chợ Rẫy, nhiều ý kiến bạn đọc phê bình thái độ giao tiếp, ứng xử của y BS tại đây. Bạn đọc còn đặt vấn đề: Chợ Rẫy là BV lớn, nổi tiếng, khi người bệnh đưa vào CC thường là nặng thì đáng lẽ BS ở khoa CC phải giỏi, nhiều kinh nghiệm mới chẩn đoán bệnh được nhanh chứ? Sao lại đưa BS trẻ, thiếu kinh nghiệm làm khâu này?
Trả lời Thanh Niên về thắc mắc này, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – BV Chợ Rẫy, cho biết lâu nay, mỗi ngày (24 giờ) BV này có 3 ca trực CC, mỗi ca có 10 – 11 BS. Mỗi ngày tiếp nhận từ 300 – 400 BN, chủ yếu bệnh nặng. BS làm CC tại BV này được chọn từ BS đa khoa và được đào tạo hồi sức CC từ những BS “đàn anh” tại BV. Trường hợp vừa qua (ca tử vong), BS chỉ thiếu kinh nghiệm chưa tiên lượng tốt về bệnh cụ thể chứ BS không thiếu kinh nghiệm hồi sức CC chung vì BS này đã làm 5 năm.
BS Việt cho biết BV đang sắp xếp, tái cơ cấu lại khâu CC; giảng dạy thêm về kinh nghiệm, giải quyết từng ca cụ thể cho BS trẻ. Sẽ phân loại bệnh, những ca không xử trí tại chỗ thì sẽ chuyển về các khoa lâm sàng để BN được theo dõi, xử lý kịp thời, tránh trường hợp ca nào cũng theo dõi CC…
Cũng là BV đa khoa, mỗi ngày tiếp nhận 200 ca CC, BV Nhân dân Gia Định cho biết mỗi ngày BV có 3 ca trực CC, mỗi ca có 6 BS. BS Hồ Văn Hân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV, cho biết BS trực tại khoa CC là BS đa khoa, được đào tạo hồi sức CC cơ bản và nâng cao. Trong ê kíp có BS trẻ và BS có kinh nghiệm, giỏi. Những ca bệnh nặng thì BS CC phải phối hợp với các chuyên khoa sâu.
Theo BS Hân, lâu nay, người dân phản ánh CC chậm trễ đa số là do người nhà quá lo lắng, trong khi nhân viên y tế chưa thông tin, tư vấn giải thích đầy đủ cho gia đình thông hiểu nên họ nói chậm. Về chuyên môn, các BV đều có quy trình tiếp nhận và sàng lọc CC, BS nhận biết nặng, nhẹ; loại bệnh nặng, khẩn phải được giải quyết ngay. “Hiện, các khoa CC quá tải do chưa sàng lọc tốt xuất phát từ yêu cầu “đòi” CC của người dân, điều này khiến người không phải CC cũng vào CC, đây cũng là nguy cơ chậm trễ cho BN cần CC”, BS Hân giải thích.
Ở BV chuyên khoa, khâu CC thế nào?
Đại diện BV Nhi đồng 2 cho biết BS làm CC nhi thì phải có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa nhi, được đào tạo qua hồi sức CC nhi khoa, cơ bản và nâng cao.
BS Võ Hòa Khánh, Phòng Quản lý chất lượng – BV Chấn thương chỉnh hình, cho biết BS khoa CC tại đây là BS chuyên khoa sâu về chấn thương chỉnh hình, có thể nhận bệnh và mổ. Sau khi BS khoa CC hết giờ làm việc trong ngày thì các tua trực thay phiên nhau đảm nhận.
Trong tua trực có các nhóm: nhận bệnh CC, phẫu thuật, hồi sức CC. Trong các nhóm sẽ có BS trẻ, BS có kinh nghiệm và BS chuyên khoa sâu. BS “đàn anh” sẽ hỗ trợ BS “đàn em” khi có ca bệnh nặng…
Theo BS Khánh, ở BV Chấn thương chỉnh hình, thứ tự ưu tiên CC là: BN bị sốc; BN nặng, đa thương; trẻ em dưới 6 tuổi và người già trên 60 tuổi; phụ nữ mang thai…
Cần hệ thống thông minh điều hành xe cấp cứu
Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng trạm CC vệ tinh từ chối đi cứu người, Sở Y tế TP.HCM ngày 15.7 đã họp giao ban công tác CC ngoại viện 31 trạm CC 115 (CC 115) và tất cả các BV trên địa bàn.
Tại cuộc giao ban, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm CC 115 TP, cho biết dù đã liên tục mở rộng mạng lưới CC 115 vệ tinh, đa dạng hóa phương tiện CC nhưng hoạt động của các trạm vẫn chưa đồng đều, do các trạm báo thiếu xe, xe hư, bận CC trong BV… Ngoài ra, khả năng hỗ trợ, kết nối giữa Trung tâm CC 115 và các trạm vệ tinh chưa thật sự tốt. BS Long cho rằng, đối với CC thì chuyển biến sức khỏe bệnh nhân hằng phút hằng giờ, đặc biệt là đột quỵ, bệnh nhân cần báo động đỏ. Do vậy, để tránh các trạm nhận bệnh rồi không đi, ảnh hưởng đến thời gian CC bệnh nhân, cần có hệ thống điều hành thông minh để điều xe CC.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, cho biết trong giai đoạn tiếp theo, Sở sẽ triển khai nhiều hoạt động và chuẩn bị nguồn lực để các trạm CC vệ tinh hoạt động hiệu quả hơn, như: đào tạo nâng cao năng lực CC ngoài bệnh viện cho nhân viên y tế của các trạm CC vệ tinh; xây dựng hệ thống điều hành mạng lưới CC vệ tinh, ứng dụng công nghệ “internet vạn vật” (IoT) để chủ động điều phối xe CC của các bệnh viện tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh; nghiên cứu, triển khai nhân rộng thêm xe CC 2 bánh.
Ngoài ra, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP xem xét bổ sung xe CC đối với các bệnh viện tham gia làm trạm CC vệ tinh; kiến nghị Bộ Y tế cho phép các trường đại học mở mã ngành Paramedic (nhân viên CC) để có thêm nguồn nhân lực chuyên trách CC ngoài bệnh viện.
Ngày 15.7, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu BV Chợ Rẫy chấn chỉnh hoạt động chuyên môn; khẩn trương xử lý cá nhân, tập thể sai phạm sau vụ BN tử vong sau 4 giờ nhập viện và vụ đưa nhầm BN đi khoan chân (Thanh Niên đã thông tin). Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, trong khoảng một tháng qua tại BV Chợ Rẫy đã xảy ra 2 sự cố trên nên BV cần xem xét lại quy trình, tổ chức hoạt động chuyên môn và rút kinh nghiệm, tránh bị lặp lại tương tự. (Thanh niên, trang 5).
Mẹ con bé Bình An đã được ra viện
Trưa 15-7, bé Đỗ Bình An, con của sản phụ ung thư giai đoạn cuối Nguyễn Thị Liên ( Hà Nam) đã được ra viện. Trước đó, ngày 13-7, kỳ tích đã xuất hiện, mẹ của bé cũng được xuất viện. Theo chia sẻ của sản phụ Nguyễn Thị Liên thì sau khi xuất viện, chị không về nhà mà ở lại Hà Nội chờ con trai bé bỏng ra viện. Khi đón bé Bình An từ tay PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hạnh phúc dâng trào khiến người mẹ nghẹn ngào. Đây là lần đầu tiên chị về nhà sau hơn 3 tháng nhập viện điều trị.
Gia đình chị Liên đã vô cùng xúc động cảm ơn tập thể bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Theo chia sẻ của TS.BS.Lê Minh Trác – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cháu Bình An khi nhập viện có tình trạng không tự thở, phản xạ kém, rất non yếu và phù nhẹ.
Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đánh giá khó khăn khi điều trị gồm: suy hô hấp nặng do bệnh màng trong, suy giảm miễn dịch do mẹ dùng nhiều thuốc, sức khoẻ kém, bản thân trẻ không tạo được sức đề kháng, kết quả cấy máu vi khuẩn Seratia (+) ngay sau sinh.
Trẻ có thể mắc nhiễm trùng mẹ sang con, xuất huyết, đặc biệt xuất huyết não, phổi, khó nuôi dưỡng, ăn nôn trớ khó tiêu, dễ viêm ruột hoại tử.
Sau quá trình điều trị vất vả, từ 1500g cháu Bình An đã có cân nặng là 2.400g vào ngày 14/7. Hiện tại, cháu không còn dùng thuốc gì ngoại trừ vitamin và vi chất, tự thở ổn định, liên tục 15 ngày không có cơn ngừng thở, tím tái. Cháu bú được, tăng cân đều đặn, phản xạ sơ sinh bình thường, biết mỉm cười tự nhiên.
Theo BS Trác, tuy bé Bình An chào đời trên nền mẹ ung thư, nhưng qua theo dõi, sức khỏe của cháu ổn định, không có bất thường.
PGS.TS.Trần Danh Cường – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chúc mừng và tận tay trao cháu Đỗ Bình An về với vòng tay hân hoan của cha mẹ. Theo chia sẻ của ông, trường hợp chị Liên được coi là kỳ tích. Từ một sản phụ nguy kịch sau sinh với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, hôm nay sức khỏe chị đã hồi phục tương đối tốt, tuy còn phải dìu nhưng chị đã đi lại được, tinh thần vui vẻ, lạc quan.
Chị Liên chia sẻ, sau nhiều ngày điều trị, sức khỏe của chị đã tiến triển khả quan hơn, chị đã tăng cân. Đây là lần thứ 2 chị Liên gặp con sau khi sinh. Ngay sau khi đón bé Bình An, vợ chồng chị đưa con trai về nhà chăm sóc, sau đó sẽ quay trở lại Bệnh viện K để tiếp tục hành trình điều trị bệnh.
Sự kiên cường của mẹ con bé Bình An suốt những ngày qua khiến dư luận cảm động. Và ngày hôm nay đặc biệt ghi dấu ấn với gia đình chị cũng như với các bác sĩ của hai bệnh viện, bởi họ đã làm nên điều kỳ diệu, đem đến một cái kết có hậu trong chặng đường điều trị căn bệnh ung thư của sản phụ Liên. (Công an nhân dân, trang 5; Tuổi trẻ, trang 1; Thanh niên, trang 19; An ninh Thủ đô, trang 1; Nhân dân, trang 5).