Điểm báo ngày 16/8/2021

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế yêu cầu rà soát các đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 theo đúng quy địnhChính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin Pfizer; Thủ tướng: Tiêm vaccine Covid-19 miễn phí cho toàn dân, dứt khoát là như vậy

Bộ Y tế yêu cầu rà soát các đối tượng tiêm vắc xin COVID-19 theo đúng quy địnhChính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc xin Pfizer

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 14-8-2021 về mua bổ sung vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18-5-2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung trong Tờ trình số 341/TTr-BYT ngày 3-8-2021 và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất có thể, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống mọi tiêu cực trong quá trình mua, sử dụng vắc xin. (Hà Nội mới, trang 1; Nhân dân, trang 1)

 

Thủ tướng: Tiêm vaccine Covid-19 miễn phí cho toàn dân, dứt khoát là như vậy

Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tiêm vaccine MIỄN PHÍ cho toàn dân. Khuyến khích các doanh nghiệp, các địa phương tìm nguồn, kết nối, mua vaccine nhưng Bộ Y tế phải thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng vaccine bảo đảm an toàn, hiệu quả

Ngày 15/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sơ kết 1 tháng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại một số địa phương.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá các ý kiến phát biểu đều tâm huyết, trách nhiệm, cơ bản đồng ý với báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, bổ sung nhiều ý kiến hay, sát thực tế. Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo, các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến xác đáng để hoàn thiện kết luận của Hội nghị.

Đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và có nơi nghiêm trọng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế để đánh giá, xác định tình hình cụ thể và có giải pháp ứng phó phù hợp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đây là ưu tiên số 1 trên phạm vi cả nước trong lúc này, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Thủ tướng lưu ý, các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải ưu tiên cho công tác chống dịch, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch, nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác.

Về lãnh đạo, chỉ huy, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Theo đó, tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16, Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”. Tranh thủ thời gian “vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để lây lan rộng nên phải giãn cách xã hội trên phạm vi rộng.

Phải luôn đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm việc phòng ngừa, phát hiện nhanh, xử lý sớm, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn, sớm hơn một bước. Thủ tướng nhấn mạnh, phòng chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm.

Các địa phương, nhất là tại các địa bàn đang thực hiện phong tỏa, cần “thần tốc” xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh nhất, phong tỏa ổ dịch, cách ly bằng được nguồn lây, phân loại F0 để điều trị phù hợp.

Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tiện lợi nhất. Lưu ý thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, “tiến hành xét nghiệm mà tạo ra ổ dịch mới thì không được”. Thí điểm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tự xét nghiệm và tổ chức thật tốt. TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương tiến hành xét nghiệm diện rộng hoặc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm theo yếu tố dịch tễ, phù hợp tình hình.

Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh ở từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng trường hợp, chủ động thực hiện cách ly F0, F1 tập trung hoặc tại nhà, nhằm đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo (nếu cách ly tập trung) và lây lan ra cộng đồng (nếu cách ly tại nhà). Đối với địa bàn ít ca mắc, vẫn phải cách ly tập trung. Tăng cường kiểm tra để thực hiện thật chặt, thật nghiêm công tác này.

Các cơ sở điều trị (kể cả bệnh viện dã chiến, bệnh viện tư nhân) phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế. Đặc biệt lưu ý không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly (tại các trung tâm thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết) và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng; chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm này.

Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện các quy định về chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh và những người nghi nhiễm đang cách ly nhằm giảm tỷ lệ người nhiễm, người nhiễm bệnh có triệu chứng, người bệnh tăng nặng…, giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng, các lớp chăm sóc, điều trị. Tổ chức việc huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương có số mắc bệnh lớn, nhiều bệnh nhân nặng (như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…). Hướng dẫn cách làm các túi thuốc an sinh, cấp miễn phí và hướng dẫn các F0 tại nhà sử dụng.

Đặc biệt, để giảm tỷ lệ tử vong, Thủ tướng gợi ý một số biện pháp để Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể, như ưu tiên tiêm, bao phủ vaccine cho các đối tượng trên 50 tuổi, có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi. Giảm số ca mắc, hướng dẫn cụ thể về việc cần làm để duy trì vùng xanh bền vững. Loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính với các trường hợp nhập viện cấp cứu, nhập viện trước, làm thủ tục sau.

Tiếp tục nghiên cứu thí điểm theo dõi, điều trị F0 hiệu quả ngay tại cộng đồng thông qua các tổ y tế. Nâng cao năng lực bệnh viện tuyến huyện, nơi gần người bệnh nhất, Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ từ xa cho tuyến huyện, huyện hướng dẫn tuyến xã, tăng cường trang thiết bị, ô xy, giường ICU…

Tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần vacine đã được cấp phép theo quy định về Việt Nam: Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vaccine trong khi đang rất khan hiếm vaccine và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý ngay những hành vi tiêu cực trong việc tiêm vaccine như trả tiền để được tiêm. Nghiên cứu tăng thêm phụ cấp cho đội ngũ làm nhiệm vụ tiêm vaccine.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tiêm vaccine MIỄN PHÍ cho toàn dân. Khuyến khích các doanh nghiệp, các địa phương tìm nguồn, kết nối, mua vaccine nhưng Bộ Y tế phải thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng vaccine bảo đảm an toàn, hiệu quả, cấp phép, bảo quản, lưu trữ, chủ trì tiêm miễn phí cho toàn dân. “Tiêm miễn phí cho toàn dân, dứt khoát là như vậy”.

Các địa phương tăng cường hoạt động hiệu quả của Tổ COVID cộng đồng, tổ chức các kênh, nhân lực ứng trực 24/24…

Thủ tướng nhắc lại, việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu; lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt; phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả. Vaccine là chiến lược nhưng khi chưa có đủ thì phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức năm học mới phù hợp tình hình, nghiên cứu kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh… (An ninh thủ đô, trang 3)

 

Hà Nội yêu cầu đảm bảo nguồn cung oxy y tế, sẵn sàng cho phương án 40.000 ca Covid-19

UBND TP Hà Nội vừa ban hành phương án đáp ứng oxy y tế trong tình huống có 40.000 người bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là việc cần thiết để đáp ứng cho 8.000 giường điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Phương án nêu rõ, thành phố Hà Nội là Thủ đô và cũng là Trung tâm Văn hóa, Giáo dục, Chính trị của cả nước với nhiều cơ quan Bộ, ngành, cơ quan ngoại giao, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn và các doanh nghiệp nên có sự giao lưu giữa trong và ngoài nước và các tỉnh, thành trên toàn quốc nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất cao; hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh, từ ngày 29/4/2021 đến 4/8/2021 ghi nhận 1.429 ca mắc, trong đó 864 ca phát hiện ngoài cộng đồng.

Thành phố đã ban hành Phương án về việc đáp ứng 1.000 giường điều trị người bệnh Covid-19, giường bệnh cho người nghi ngờ Covid-19. Đến ngày 04/8/2021 các bệnh viện đã điều trị 1.283 người bệnh Covid-19, hiện đang điều trị 817 người bệnh.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh đang hết sức phức tạp (những ngày gần đây, số mắc luôn ở mức cao từ 60 – 80 ca bệnh/ngày), để chủ động đáp ứng trong trường hợp dịch bùng phát với số lượng người mắc lớn, UBND TP đã xây dựng Phương án đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, sẵn sàng thu dung điều trị người bệnh, hạn chế tử vong, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Từ đó, UBND TP ban hành phương án bố trí đảm bảo oxy tế trong tình huống 40.000 người bệnh mắc Covid-19 cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế; Sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Phương án thực hiện theo 3 giai đoạn như sau: Giai đoạn đáp ứng tình huống 10.000 ca mắc; 20.000 ca mắc và 40.000 ca mắc.

Nguyên tắc phân luồng, điều phối oxy y tế, theo phương án này, việc phân loại người bệnh theo mức độ bệnh căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế: Bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ (83,6%) và mức độ trung bình (07%); Bệnh nhân nặng cần thở oxy, oxy gọng kính (3,8%) và Bệnh nhân rất nặng cần thở máy xâm nhập và không xâm nhập (3,6%); Bệnh nhân nguy kịch và ECMO (02%).

Do vậy, với trường hợp 40.000 người bệnh mắc Covid-19 sẽ có 3.120 người bệnh phải sử dụng oxy y tế (9,4%). Việc điều phối oxy y tế đến các cơ sở thu dung, điều trị trong từng thời điểm căn cứ vào việc sử dụng thực tế tại các cơ sở được phân công thu dung, điều trị.

Trong đó, nhu cầu oxy lỏng sử dụng cho 14 ngày là: 913,060 tấn hoặc 126.814 chai 40 lít; sử dụng cho 30 ngày là: 1.956,557 tấn hoặc 271.744 chai 40 lít.

Phương án cũng phân công Sở Y tế tham mưu xây dựng phương án trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt; Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc được phân công, tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, thường xuyên cập nhật mức độ sử dụng Oxy y tế theo từng giai đoạn trong phương án; các bệnh viện, cơ sở y tế bố trí đầu mối để tiếp nhận thông tin Oxy y tế, liên hệ với Sở Y tế.

Phối hợp với Sở Công Thương về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh oxy y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội để việc đặt hàng nguồn sản xuất, cung cấp oxy y tế, không để đứt gãy nguồn cung cấp; Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tham gia xây dựng phương án tiếp nhận đưa vào sử dụng, dự trữ sẵn sàng oxy y tế.

Sở Công Thương cung cấp cho Sở Y tế thông tin về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh oxy y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội; phối hợp liên hệ với các doanh nghiệp khi cần thiết.

Yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh oxy y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội cam kết đảm bảo nguồn cung ứng không để gián đoạn, thiếu oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế.

Trong phương án, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị đề nghị Bộ Y tế và các Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo: các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện Bộ, ngành trên địa bàn Thành phố phối hợp với Sở Y tế Hà Nội trong việc điều phối oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội; các công ty sản xuất, phân phối đảm bảo không để xảy ra gián đoạn, thiếu oxy y tế cho bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. (An ninh thủ đô, trang 4)

 

Bắt đầu tiêm thử nghiệm vaccine ARCT-154 theo công nghệ tương tự Pfizer, Moderna

 Vaccine ARCT-154 theo công nghệ mRNA đã chính thức được tiêm thử nghiệm lâm sàng vào sáng nay, đây là công nghệ tương tự như vaccine Pfizer và Moderna, có thể phòng chống các biến thể Alpha, Beta, Delta, Gamma…

Sáng nay, 15-8, Trường Đại học Y Hà Nội đã khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng COVID-19 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên đến từ Hà Nội.

Tham dự sự kiện, GS. TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, vaccine ARCT-154 là vaccine thứ 3 (tiếp theo Nano Covax, Covivac) trong chuỗi kết quả của chủ trương nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ vaccine phòng ngừa COVID 19 của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Thứ trưởng Bộ Y tế kỳ vọng quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 sẽ sớm thành công và Việt Nam sẽ sớm tự chủ được vaccine phòng COVID-19.

Được biết, vaccine ARCT-154 theo công nghệ mRNA, đây là công nghệ tương tự như vaccine Pfizer và Moderna đã được phê duyệt. Vaccine ARCT-154 chứa RNA tự nhân bản, được cải tiến để có thể phòng chống được các biến thể nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma…

Trước đó, Tập đoàn VinGroup, thông qua công ty thành viên của mình là Công ty Cổ phần công nghệ Sinh học VinBioCare đã tiếp cận, đàm phán với Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ để mua công nghệ vaccine mRNA phòng COVID-19 và sẽ triển khai đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vaccine nêu trên tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Bộ Y tế mong muốn cuối năm 2021 hoàn thiện cả pha 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng, gấp rút hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine này ở khu công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội).

Nghiên cứu thử nghiệm vaccine ARCT-154 sẽ được thực hiện cả 3 giai đoạn 1, 2, 3 ở Việt Nam trên người tình nguyện tham gia nghiên cứu tuổi từ 18 tuổi trở lên, trong đó:

+ Giai đoạn 1: thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội trên 100 người tình nguyện.

+ Giai đoạn 2: thực hiện trên 300 người tình nguyện tại các tổ chức nhận thử và tại cộng đồng ở các tỉnh triển khai nghiên cứu.

+ Giai đoạn 3: số lượng 20.600 đối tượng, gồm giai đoạn 3a (600 người tình nguyện) và 3b (20.000 người tình nguyện). (An ninh thủ đô, trang 4; Thanh niên, trang 2)

 

Giảm số ca Covid-19 tử vong là ưu tiên hàng đầu

‘Việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu…’, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên và giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu.

Hôm qua (15.8), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng chống dịch Covid-19 với các tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

“Nếu để kéo dài sẽ không có nguồn lực chống dịch”

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhận định: Qua hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại một số địa phương, khu vực, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP.HCM và một số địa phương lân cận. Một số nơi ở miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên) dịch chưa được kiểm soát triệt để, vẫn còn khả năng bùng phát và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lớn, do đã lây lan rộng ra cộng đồng, trong các nhà máy, xí nghiệp và khu vực đông dân cư.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhiều tỉnh hằng ngày số người nhiễm rất nhiều, ca bệnh tăng liên tục, trong khi năng lực điều trị tại chỗ rất hạn chế cả về người và trang thiết bị y tế, dù có sự chi viện của T.Ư cũng như các tỉnh, thành khác.

Đối với 19 tỉnh, thành phố phía nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị kiểm soát chặt người, phương tiện ra, vào tại một số địa phương sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh, được coi là vùng xanh an toàn gồm 8 tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh; ở khu vực Tây nguyên là các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng. Kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện di chuyển qua hầm đèo Hải Vân (nối Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế).

Tất cả lái xe, người đi trên xe khi ra, vào những địa phương này đều phải xét nghiệm nhanh. Ông Đam lưu ý Bộ Y tế khi phân bổ vắc xin cho các tỉnh phải tính toán có đủ để tiêm cả 2 mũi đối với một số loại không thể tiêm kết hợp với nhau. Từ nay đến hết tháng 9.2021, chúng ta phải tranh thủ từng ngày, từng giờ để có nhiều vắc xin nhất, tiêm nhanh nhất có thể cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm ngay trong ngày 15.8 sẽ gửi lấy ý kiến và ban hành hướng dẫn về tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh cho phù hợp với tình hình tại các địa phương.

Đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp và có nơi nghiêm trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến thực tế để đánh giá, xác định tình hình cụ thể và có giải pháp ứng phó phù hợp theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đây là ưu tiên số 1 trên phạm vi cả nước trong lúc này.

Thủ tướng lưu ý các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải ưu tiên cho công tác chống dịch, nhưng không có nghĩa là chỉ tập trung chống dịch, nơi nào an toàn vẫn phải duy trì sản xuất, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác. “Phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Nếu để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm và kinh tế, xã hội cũng không thể phát triển được, không có nguồn lực để chống dịch. Chúng ta quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế, không để xảy ra khủng hoảng y tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Không coi F0 chưa triệu chứng là người bệnh

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các địa phương, khi quyết định thực hiện giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”, không để dịch lây lan rộng nên phải giãn cách xã hội trên phạm vi rộng. Phải phòng ngừa nghiêm, phát hiện nhanh, xử lý sớm, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao hơn, sớm hơn một bước. Thủ tướng nhấn mạnh, phòng chống dịch thì quan trọng nhất là chống lây nhiễm giữa người với người, kiểm soát được con người thì cắt được lây nhiễm.

“Các địa phương, nhất là tại các địa bàn đang thực hiện phong tỏa, cần “thần tốc” xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh nhất, phong tỏa ổ dịch, cách ly bằng được nguồn lây, phân loại F0 để điều trị phù hợp”, Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh ở từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng trường hợp, chủ động thực hiện cách ly F0, F1 tập trung hoặc tại nhà, nhằm đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo (nếu cách ly tập trung) và lây lan ra cộng đồng (nếu cách ly tại nhà).

“Lưu ý không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng; chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm này”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

“Việc phong tỏa chặt ổ dịch, xét nghiệm thần tốc, phát hiện nguồn lây để cách ly khỏi cộng đồng là rất quan trọng; an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên; giảm số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu; lưu thông hàng hóa phải kịp thời, thông suốt; phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả. Vắc xin là chiến lược, nhưng khi chưa có đủ thì phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết”, Thủ tướng nhấn mạnh. (Thạnh niên, trang 2)

 

TP.HCM tiếp tục giãn cách thêm 1 tháng: Kiểm soát dịch 7 quận, huyện vào cuối tháng 8

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, từ hôm nay (16.8), TP.HCM bước vào đợt cao điểm 1 tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để kiểm soát cho bằng được dịch bệnh Covid-19 với nhiều biện pháp thắt chặt.

Giai đoạn 1 (từ ngày 15 – 31.8), TP.HCM đặt mục tiêu kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong, không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; đồng thời tập trung mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát dịch bệnh ở 4 quận: 5, 7, 11, Phú Nhuận; và 3 huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi.

Giai đoạn 2 (từ ngày 1 – 15.9), phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh toàn địa bàn với các chỉ tiêu cụ thể: giảm 20% số ca tử vong và ca trở nặng, mỗi ngày không quá 2.000 ca nhập viện, số ca nhập viện điều trị không vượt quá số ca xuất viện mỗi ngày, hơn 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.

Về giãn cách trong tháng cao điểm, ông Phong nói: “TP sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng được phép ra khỏi nhà”.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, TP tiếp tục tập trung toàn lực để thực hiện có hiệu quả các biện pháp đề ra.

Mở rộng trường hợp được hoạt động trong 1 tháng giãn cách xã hội

Tối 15.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản khẩn về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị số 16 từ ngày 16.8 đến hết ngày 15.9 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.

Cụ thể, trong khung giờ 6 – 18 giờ hằng ngày, các cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu…); các tổ chức hành nghề công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng), phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân được hoạt động.

Nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: đội ngũ người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP.Thủ Đức và giao nhận thanh toán không tiếp xúc; người đi giao – nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm. Tất cả đối tượng nêu trên phải có dấu hiệu nhận diện khi lưu thông trên đường theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí không quá 1/4 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (trước đây là 1/3) làm việc trực tiếp tại trụ sở; riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế đảm bảo 100% quân số.

Từ 18 giờ – 6 giờ sáng hôm sau, UBND TP.HCM yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh tiếp tục tạm ngưng hoạt động. Các trường hợp được phép lưu thông gồm: đi tiêm vắc xin, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; nhân viên siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi; tổ bay và nhân viên phục vụ chuyến bay chở hàng, trang thiết bị, vắc xin; nhân viên doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ thiết yếu (lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế); nhân viên giao hàng các thiết bị, vật tư y tế; nhân viên đơn vị cung cấp suất ăn cho bếp ăn từ thiện, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị và các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; báo chí, bưu chính; vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố thông tin, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật…

Ra mắt trung tâm an sinh

Ngày 15.8, TP.HCM chính thức ra mắt Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 (Trung tâm an sinh).

Trung tâm này sẽ tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ; phối hợp rà soát nhu cầu, tổ chức phân phối nguồn hàng tài trợ đến những người dân nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch…; đồng thời kiểm tra, giám sát việc phân phối theo nguyên tắc “đúng đối tượng, đúng nhu cầu”. Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM kiêm Giám đốc Trung tâm an sinh, cho biết trung tâm sẽ cố gắng hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn, không để người lao động mất việc làm, lâm vào khó khăn cùng cực, trường hợp đặc biệt khó khăn như những người bán vé số, xe ôm, buôn gánh bán bưng, kiếm sống hằng ngày trên đường phố, những người yếu thế trong xã hội…

Tại buổi lễ ra mắt Trung tâm an sinh, đại diện các doanh nghiệp đã ủng hộ hơn 220 tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch của TP.HCM. (Thạnh niên, trang 3)

 

Đến tận nhà chăm sóc F0

Ngày 15.8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết hiện TP.HCM có 35.900 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà; trong đó có 24.456 F0 sau xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, công tác điều trị tại TP.HCM tiếp tục bám sát chiến lược giảm tử vong, tập trung vào 2 trụ cột là điều trị tại bệnh viện và chăm sóc F0 tại nhà. Trong đó, chăm sóc F0 tại nhà thông qua xét nghiệm, túi thuốc điều trị, an sinh, vận hành hiệu quả tổ phản ứng nhanh theo nhóm hộ gia đình để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh có triệu chứng hoặc chuyển cấp cứu, xây dựng mạng lưới tình nguyện chăm sóc, tư vấn F0 tại nhà.

14 giờ ngày 15.8, bác sĩ Bùi Thị Kim Nguyên, phụ trách Trạm y tế P.12 (Q.Tân Bình), đến một tu viện trên địa bàn, nơi có 3 ca F0 được phát hiện trước đó 10 ngày, hiện có triệu chứng ho, và khoảng 10 ca F1.

Trong ba lô của bác sĩ Nguyên có đầy đủ thuốc theo phác đồ để cấp cho F0 trong trường hợp F0 có triệu chứng nặng cần uống thuốc; dụng cụ test nhanh, đồ bảo hộ cũng có sẵn trên xe. Theo bác sĩ Nguyên, hằng ngày các F0 theo dõi sức khỏe và báo cáo ra phường; khi cần thiết thì tổ phản ứng nhanh của phường đi tiếp cận để thăm khám, khi cần thì cho thuốc.

Còn tại P.1 (Q.Tân Bình), 1 tuần trước đã triển khai chương trình túi thuốc hỗ trợ F0 đồng hành chiến thắng dịch Covid-19, đến nay đã có hàng chục túi thuốc được trao tận nhà cho các F0. Túi thuốc có 7 loại thuốc không kê đơn, ngoài giảm đau, hạ sốt còn có thuốc nâng cao sức khỏe, đề kháng. Các thuốc được mua từ kinh phí các nhà hảo tâm hỗ trợ. Theo anh Ngô Nam Việt, Bí thư Đoàn thanh niên P.1, ngoài túi thuốc, tổ phản ứng nhanh của phường gồm y tế, bác sĩ cư ngụ địa phương nhưng làm ở các bệnh viện tham gia đội hình blouse trắng, tư vấn, trực tiếp nắm tình hình sức khỏe hằng ngày của các F0. Bên cạnh đó, phường còn cung cấp ô xy cho các F0 trong thời gian chờ chuyển viện…

F0 nào được cách ly tại nhà?

Ngày 15.8, Sở Y tế ban hành văn bản cập nhật hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà được phát hiện tại cộng đồng nhưng có đủ điều kiện cách ly tại nhà (phiên bản 1.2).

Theo đó, điều kiện F0 cách ly tại nhà là không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 (ô xy máu) hơn 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút), dưới 45 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì. Người F0 có khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh… Có máy đo SpO2 cá nhân để theo dõi SpO2 thường xuyên. Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu.

Đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền không tự chăm sóc cá nhân được thì cần có người hỗ trợ và chăm sóc khi cách ly tại nhà.

Điều kiện cơ sở vật chất với F0 cách ly tại nhà là có phòng riêng, có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng, có số điện thoại riêng, có sẵn số điện thoại của cơ sở y tế, số điện thoại của tổ phản ứng nhanh quận, huyện để liên hệ khi cần thiết. Có bàn hoặc ghế cá nhân đặt trước cửa phòng cách ly để nhận thức ăn và các vật dụng cá nhân cần thiết; có thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm. Có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%), khẩu trang y tế, nhiệt kế.

6 hoạt động chăm sóc

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện 6 hoạt động chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà, gồm:

Hoạt động 1: Xác định và lập danh sách F0 cách ly tại nhà trên địa bàn. Truy xuất và quản lý danh sách F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn quận, huyện, phường, xã bằng chức năng “Người cách ly” trên phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”. Quản lý cả những người tự khai báo là F0 qua ứng dụng “khai báo y tế điện tử” do tự làm xét nghiệm; những người có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa được khám tầm soát qua báo cáo của Tổ Covid-19 cộng đồng.

Hoạt động 2: Hướng dẫn người F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà. Đó là mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang 2 lần 1 ngày hoặc khi cần, sát khuẩn tay bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay; khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo… Đo thân nhiệt, SpO2 (nếu có) tối thiểu 2 lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt, khó thở. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử”. Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước. Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày. Có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (tổng đài “1022”, số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện, TP.Thủ Đức). Tất cả thành viên ở cùng nhà với người F0 phải khai báo sức khỏe qua phần mềm “Khai báo y tế điện tử” mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi cần.

Hoạt động 3: Khám bệnh và theo dõi sức khỏe. Trạm y tế lập “phiếu theo dõi sức khỏe” của người cách ly tại nhà dựa vào thông tin khai báo y tế hằng ngày của người cách ly qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử”. Qua “phiếu theo dõi sức khỏe” để nắm bắt các trường hợp F0 có triệu chứng, nhân viên y tế gọi điện thoại, nhắn tin để thăm hỏi và sàng lọc các triệu chứng nguy cơ, kịp thời thông tin cho tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện đến vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận, huyện để điều trị. Đội y tế lưu động (thuộc trạm y tế) đến thăm khám tại nhà các trường hợp nghi ngờ F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần…) để kịp thời đưa đến các cơ sở thu dung điều trị.

Hoạt động 4: Hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà. Các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng vi rút và các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định (riêng thuốc kháng vi rút sẽ có hướng dẫn sử dụng khi có hướng dẫn của Bộ Y tế). Chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống đối với người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở hoặc nhịp thở hơn 20 lần/phút hoặc SpO2 dưới 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Hoạt động 5: Xét nghiệm cho F0 cách ly tại nhà. Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (test nhanh hoặc PCR) cho người F0 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly. Hướng dẫn cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 khi có triệu chứng nghi mắc Covid-19 đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm tầm soát.

Hoạt động 6: Tư vấn sức khỏe và hỗ trợ cấp cứu cho F0 cách ly tại nhà. Theo đó, khi có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài “1022” (bấm số “3” để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc số “4” để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành”). Khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 dưới 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì liên hệ ngay tổng đài “115” hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời. (Thạnh niên, trang 4; Tiền phong, trang 1).

Mậu Ngọ tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/6/2019

Mậu Ngọ

Điểm báo ngày 12/5/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/9/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận