Điểm báo ngày 17/01/2019

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 17/01/2019

Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBe Five nằm trong giới hạn; Vụ trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin ở Hà Nội: Nguyên nhân ban đầu do sốc phản vệ

 

Tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBe Five nằm trong giới hạn

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBe Five vẫn nằm trong giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo…

Chiều 16-1, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng với sự tham gia của 700 điểm cầu trong cả nước.

Hội nghị diễn ra sau khi loại vaccine mới ComBe Five được đưa vào tiêm chủng cho trẻ đã ghi nhận nhiều trẻ bị phản ứng, trong đó có 3 trường hợp tử vong chưa rõ nguyên nhân.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tiêm chủng là trực tiếp gây ra miễn dịch chủ động khi đưa vào cơ thể con người một lượng kháng nguyên. Khi kháng nguyên gặp kháng thể, cơ thể bao giờ cũng có một phản ứng, trong đó biểu hiện nhẹ nhất là sốt.

Về các trường hợp phản ứng sau tiêm vaccine thời gian qua, Bộ trưởng Y tế cho biết, một ngày có khoảng 20-30 trẻ tử vong do mọi nguyên nhân như: viêm phổi, nghẹt thở, suy hô hấp… nên không loại trừ có thể ngẫu nhiên trùng hợp trẻ vừa tiêm chủng xong nên nghĩ trẻ tử vong do tiêm vaccine.

“Tiêm bất cứ vaccine, thuốc gì vào cơ thể đều có khả năng xảy ra phản ứng, phản vệ. Tuy nhiên, nếu không tiêm chắc chắn trẻ sẽ mắc bệnh, lúc đó, nguy cơ tử vong còn cao hơn, tốn kém về kinh tế, chưa kể trẻ sẽ sống ốm yếu, sức khỏe bị ảnh hưởng”. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Trong khi đó, GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, tỷ lệ phản ứng sau tiêm vaccine ComBe Five vẫn nằm trong giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo. Tính đến đầu tháng 1-2019 đã có hơn 130.000 trẻ được tiêm ComBe Five. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ trẻ phản ứng sau tiêm ComBe Five là 1,73%.

PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sau tiêm chủng vaccine khi: sốt cao trên 39°C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng; quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê; co giật; nôn trớ, bú kém, bỏ bú; phát ban; thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi… (Sài Gòn giải phóng, trang 19; Nhân dân, trang 5)

 

Vụ trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin ở Hà Nội: Nguyên nhân ban đầu do sốc phản vệ

Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức họp Hội đồng chuyên môn đánh giá về trường hợp cháu bé 70 ngày tuổi (Thạch Thất, Hà Nội) tử vong ngày 10/1 sau khi tiêm chủng.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập hội đồng gồm các chuyên gia lâm sàng, các nhà quản lý, dịch tễ học cũng như các nhà quản lý liên quan đến tiêm chủng đã họp, đưa ra kết luận ban đầu. Theo đó, cháu bé tử vong trước khi đến viện.

Ông Cảm cho biết thêm: “Hiện đang chờ kết luận của cơ quan chức năng mổ tử thi và làm pháp y. Tuy nhiên, kết luận ban đầu hội đồng nghĩ tới, nguyên nhân trẻ tử vong là sốc phản vệ. Kết luận cuối cùng dự kiến trong vòng một tháng”.

Hội đồng chuyên môn gồm có các chuyên gia hàng đầu về lâm sàng, về dịch tễ học và nhi khoa đến từ các bệnh viện gồm Bệnh viện Đa khoa Saint Paul, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn và các cơ quan chức năng của Sở Y tế Hà Nội như: Thanh tra Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ y, dược…

Theo nhận định của Hội đồng, do trẻ tử vong trước khi được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất nên các chuyên gia không thu thập được những biểu hiện lâm sàng ban đầu. Điều tra tại Trạm Y tế xã Cần Kiệm sáng 9/1, ngoài bé K. H. Y 70 ngày tuổi còn có 38 trẻ khác cũng được tiêm vắc-xin ComBE Five nhưng không ghi nhận phản ứng bất thường.  Hiện, Sở Y tế Hà Nội chưa phát hiện sai sót trong quá trình tiêm chủng tại đây. (Tiền phong, trang 6)

 

“Kéo” người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh

Nếu năm 2015, có khoảng 200.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh thì tới năm 2018, con số này nâng lên 300.000 người. Ngoài chi phí rẻ, bệnh nhân nước ngoài cho biết rất tin tưởng vào trình độ tay nghề bác sĩ Việt Nam.

Nhiều người nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến điều trị bệnh trọng

Đầu tháng 1/2019, ông KemlChi, một kỹ sư người Nhật Bản đang làm việc và sinh sống ở Việt Nam, được bác sĩ Bệnh viện K chẩn đoán mắc ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển. Nam bệnh nhân người Nhật được chỉ định hóa xạ trị tiền phẫu, sau đó sẽ phẫu thuật trực tràng.

TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K) cho biết, khi đưa ra phác đồ điều trị, các bác sĩ đã hỏi ý kiến của ông KemlChi. Bệnh nhân này có bảo hiểm y tế tại Nhật Bản. Nếu về nước điều trị, ông sẽ được bảo hiểm chi trả hoàn toàn. Trong trường hợp điều trị ở Việt Nam, ông KemlChi cũng có bảo hiểm ở bệnh viện quốc tế do công ty hỗ trợ. Sau khi bàn bạc với người thân, bệnh nhân chọn chữa trị tại Bệnh viện K vì niềm tin tuyệt đối vào trình độ chuyên môn của bác sĩ Việt Nam, trang thiết bị y tế của Bệnh viện K.

Ca phẫu thuật phức tạp được tiến hành, và thành công. Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết thời gian qua bệnh viện đã khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân là người nước ngoài.

Trong Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành Y tế năm 2019 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu trên cả nước chiều 15/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận thực tế nhiều người nước ngoài cũng như Việt kiều đã chọn Việt Nam là nơi khám chữa bệnh.

Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), số lượt khám bệnh cho người nước ngoài qua các năm có xu hướng tăng cao. Năm 2014, số lượt khám bệnh cho người nước ngoài là hơn 234.000 người, số lượt điều trị nội trú là hơn 26.000 người, đến năm 2018, các con số này tăng lần lượt lên hơn 300.000 và 57.000 người.

Những người nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam chủ yếu là Việt kiều về nước, một số bệnh nhân ở Lào, Campuchia, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam như người Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những dịch vụ kỹ thuật được họ sử dụng điều trị như nha khoa, can thiệp tim mạch, thẩm mỹ, hỗ trợ sinh sản, thẩm mỹ, ung thư và một số bệnh ngoại khoa. Ngay cả những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bệnh tật cũng điều trị tại các bệnh viện ở nước ta thay vì trở về nước như trước.

Trao đổi với PV, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, thường các dịp lễ Tết, lượng kiều bào, người nước ngoài về Việt Nam ăn Tết, họ thực hiện các can thiệp thẩm mỹ, nha khoa là rất lớn, đặc biệt tại TPHCM. Nhiều người cho biết, họ lựa chọn Việt Nam vì chất lượng khám chữa bệnh tốt, không thua kém nước ngoài mà giá lại rẻ.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đang hướng tới việc “kéo ngược” người Việt về nước chữa bệnh. Đây được coi là tiền đề để ngành y tế xúc tiến một dự án thu hút bệnh nhân là người nước ngoài, Việt kiều và người Việt Nam có nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ngoài về điều trị ở trong nước.

Bệnh viện tuyến Trung ương không được “tham bát bỏ mâm”

Dù vậỵ, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong năm qua vẫn có khoảng 40.000 người ra nước ngoài khám, chữa bệnh với chi phí hơn 2 tỷ USD. Nguyên nhân theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, không ít cơ sở y tế mới chỉ tập trung vào giảm tải, tập trung khám chữa bệnh thông thường mà chưa đầu tư phát triển nhiều kỹ thuật cao, chưa tập trung tăng cường chăm sóc sức khoẻ toàn diện nên không ít người bệnh vẫn ra nước ngoài chữa bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để làm được đề án “dây rút ngược”, cần nâng cấp chất lượng một cách đồng bộ từ tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, các bệnh viện tuyến Trung ương không được “tham bát bỏ mâm”. “Tại sao tuyến Trung ương lại chữa viêm ruột thừa, bó bột, đau bụng, nhức đầu… dẫn đến quá tải, làm mất hết hình ảnh bệnh viện. Một số viện mỗi ngày tiếp nhận 6.000 – 8.000 người khám, khiến bệnh viện quá tải, nhếch nhác. Tôi chỉ đạo chỉ khám cho 4.000 người, không thể khám đông như vậy”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong năm 2019, ngành Y tế tập trung thưc hiện 2 chỉ tiêu, đó là tăng số giường bệnh lên 27 giường bệnh/vạn dân và tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT lên 88,1%. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế tuyến Trung ương, tuyến cuối đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài. (Gia đình & Xã hội, trang 2)

 

Chủ động ngăn chặn dịch sởi bùng phát

Ngay những ngày đầu năm 2019, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi phải nhập viện. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, do lượng bệnh nhân đông, một số bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng quá tải. Nguy cơ dịch bệnh sởi bùng phát vào thời điểm giáp Tết hiển hiện, đòi hỏi các cơ quan chức năng chủ động triển khai kịp thời các biện pháp chống dịch. Về phía người dân, cũng không chủ quan và phải thực hiện đúng khuyến cáo của y, bác sĩ.

Dễ chẩn đoán nhầm bệnh khác

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, bệnh sởi gia tăng mạnh trong hơn một tháng qua. Cụ thể, trong tháng 12-2018 có gần 270 trường hợp nhập viện do sởi. Từ đầu tháng 1-2019 đến nay, số ca nhập viện do sởi tiếp tục tăng. Bệnh viện đã bố trí 2 khoa điều trị sởi cho người lớn và trẻ nhỏ. Mỗi khoa có 50 giường bệnh và hiện tiếp nhận điều trị cho 67 người, có gia đình 2-3 thành viên cùng mắc sởi.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày 15-1, tại Khoa Nội A (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh), các giường bệnh đều kín bệnh nhân mắc sởi. Chị V.T.T (ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết, cách đây một tuần chị bị sốt kèm theo đau họng và đã tự mua thuốc về uống, nhưng 2 ngày sau vẫn không khỏi. Sau đó, con trai (hơn 7 tuổi) của chị cũng xuất hiện triệu chứng tương tự. Khi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh thăm khám, bác sĩ kết luận cả hai mẹ con cùng mắc sởi. “Hiện tại, sức khỏe của tôi đã khá hơn, nhưng con trai vẫn phải điều trị tích cực, chăm sóc đặc biệt”, chị V.T.T chia sẻ.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, từ tháng 12-2018 đến nay, trung bình mỗi ngày có từ 20 đến 40 ca nhập viện do bệnh sởi. Bệnh viện đã huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị y tế và thuốc để tích cực điều trị. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), đa số các trường hợp nhập viện đều trong tình trạng khá nặng, có biến chứng. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đang tiếp nhận điều trị cho hơn 60 bệnh nhi mắc sởi. Đáng nói, trong số các ca bệnh sởi nhập viện thì có đến 50% là người lớn và nhiều trường hợp là thai phụ.

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong số hàng chục ca nhập viện điều trị sởi từ cuối năm 2018 đến nay, phần lớn là phụ nữ khoảng từ 25 đến 40 tuổi, trong đó nhiều người đang mang thai. Chị N.T.A (24 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) đang mang thai tuần thứ 25, cách đây khoảng hơn một tuần, chị bỗng nhiên sốt cao, rồi các ban liên tục mọc từ mặt, cổ, lan xuống người. Khi đến khám, bác sĩ đã chỉ định chị phải nhập viện điều trị nội trú để theo dõi sức khỏe thai nhi.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, tại đây chỉ tiếp nhận khoảng 10 trường hợp điều trị sởi, thì gần đây, có ngày đã tiếp nhận 3-4 ca sởi. Đặc biệt, các ca bệnh chủ yếu là người lớn. Xét theo lứa tuổi sinh học, đây là giai đoạn con người có lỗ hổng miễn dịch khi kháng thể kháng bệnh yếu đi hoặc không còn. Thậm chí, nhiều bệnh nhân không nhớ rõ trước đây đã tiêm phòng hay chưa.

Trong khi đó, các bệnh nhân đều tiếp xúc với nguồn lây từ con nhỏ, hàng xóm, nơi tập trung đông người. Không ít trường hợp được chuyển từ các khoa khác đến do chẩn đoán nhầm là dị ứng hoặc sốt do vi rút… “Ở trẻ em khi phát ban dễ phát hiện do sởi gây ra, nhưng với người lớn thường hay bị bỏ qua. Riêng với thai phụ mắc sởi, nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non”, PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.

Đề phòng chu kỳ dịch

Đề cập đến nguyên nhân dịch bệnh sởi gia tăng trong những ngày qua, bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo chu kỳ, sau từ 4 đến 5 năm dịch sởi quay trở lại 1 lần. Năm 2014 đã ghi nhận dịch sởi bùng phát mạnh, làm hơn 100 trẻ tử vong, đến năm 2019 dự báo là năm chu kỳ dịch sởi. Mặt khác, việc tiêm chủng không đầy đủ cũng khiến dịch sởi quay trở lại.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 7 đến 13-1), trên địa bàn thành phố ghi nhận 9 trường hợp mắc sởi đầu tiên trong năm 2019. Mặc dù dịch bệnh sởi trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng, xử lý kịp thời, song PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, diễn biến thời tiết như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sởi phát triển. Hơn nữa, do lo ngại các phản ứng sau tiêm chủng, nên không ít phụ huynh không cho con tiêm chủng đầy đủ.

Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, nhưng đến nay, kết quả tiêm mới đạt 93,57%. Một số quận có kết quả tiêm khá thấp như: Đống Đa chỉ đạt 56,8%, Hoàng Mai 66,1%, Ba Đình 77%, Hoàn Kiếm 86,3%… Hiện các quận, huyện, thị xã vẫn đang tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi – rubella, người dân cần đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm phòng đầy đủ.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh khi dịch xảy ra. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tập trung nguồn lực trong việc phòng, chống, điều trị bệnh sởi, đặc biệt phải phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo mức độ bệnh, tổ chức phân luồng, không để quá tải lên tuyến trên và không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Với những bệnh nhân điều trị ngoại trú, cần tư vấn kỹ cho người bệnh, người nhà việc cách ly, tự cách ly để tránh lây lan trong gia đình và cộng đồng. “Để phòng tránh bệnh sởi, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất, không nên để xảy ra rồi mới chữa”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Hà Nội vượt chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế, tỷ lệ nợ giảm mạnh

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, năm 2018, tỷ lệ bao phủ BHYT của Hà Nội đạt 85,6% dân số, vượt 1,2% so với chỉ tiêu HĐND, UBND TP giao; tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh còn 2,53%.

Ngày 16-1, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, năm 2018, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần vào ổn định chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, tỷ lệ bao phủ BHYT của Hà Nội đạt 85,6% dân số, vượt 1,2% so với chỉ tiêu HĐND, UBND TP giao; tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh còn 2,53%. Bảo hiểm xã hội Thành phố cũng tập trung khai thác, phát triển, mở rộng đối tượng với 16.705 đơn vị, 84.217 lao động.

Số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, BHTN đạt 3.214.380 (tăng hơn 7% so với năm 217) và 6.487.756 người tham gia BHYT (tăng 5% so với năm 2017). Việc nhập dữ liệu, bàn giao trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động đạt 99,78% kế hoạch, cơ bản hoàn thành việc bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Bên cạnh đó, Hà Nội là địa phương có số người hưởng chế độ chính sách bảo hiểm xã hội lớn với 568.075 đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, cùng với số tiền chi trả lớn nhất cả nước 28.895,4 tỷ đồng nhưng luôn đảm bảo chi trả kịp thời, chính xác, an toàn, không để xảy ra thất thoát.

Công tác cải cách thủ tục hành chính đã có bước tiến mạnh mẽ so với những năm trước, thực hiện tốt việc giao dịch hồ sơ điện tử, tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính làm giảm thời gian, chi phí hành chính cho các đơn vị, đồng thời tạo điều kiện để viên chức BHXH tập trung giải quyết các thủ tục hành chính nhanh hơn; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý được đặc biệt quan tâm.

Mới đây, để kịp thời động viên, khen thưởng các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong việc phối hợp, thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quyết định tặng Bằng khen cho 18 doanh nghiệp có những thành tích và đóng góp tích cực đối với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.

18 doanh nghiệp được Bảo hiểm xã hội Việt Nam khen thưởng là đại diện tiêu biểu cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô bảo đảm quyền lợi cho người lao động, luôn tích cực, nỗ lực cùng cơ quan bảo hiểm xã hội tuyên truyền, phổ biến đến người lao động về những thay đổi của chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, BHYT trong năm qua, cũng như nghiêm túc tuân thủ, thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, BHYT. (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/4/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/12/2018

CDC Hà Nam

Cập nhật Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) lúc 7h45 ngày 10-2-2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận