Điểm báo ngày 17/2/2021

(CDC Hà Nam)
Bài học xét nghiệm COVID-19 thần tốc diện rộng; TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch; Dự kiến gần 5 triệu người Việt Nam sắp được tiêm vắc xin Covid-19

Bài học xét nghiệm COVID-19 thần tốc diện rộng

Từ ngày 10-2, TP.HCM đã không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, xuất phát từ chuỗi lây nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là chìa khóa của thành công

Trước đó, khi số báo Tuổi Trẻ tất niên (7-2) đến tay bạn đọc, mới chỉ có ca bệnh 1979 là nhân viên bốc xếp tại sân bay và một người em của bệnh nhân này được xác nhận dương tính với Covid- 19.

Sau đó, toàn bộ số bệnh nhân được phát hiện từ chuỗi lây nhiễm này lên đến 33 người. Đến nay bước đầu khẳng định TP đã cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm sau 6 ngày liên tiếp không phát hiện ca bệnh mới.

Chìa khóa xét nghiệm rộng

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho rằng chiến lược xét nghiệm thần tốc chính là chìa khóa của thành công trong việc kiểm soát chuỗi lây bệnh từ sân bay Tân Sơn Nhất.

Xét nghiệm được thực hiện cho các nhóm đối tượng nguy cơ như F1, mở rộng cho nhóm F2, lấy mẫu rộng các hộ gia đình xung quanh các địa điểm liên quan đến bệnh nhân khi có thời điểm TP phong tỏa đến 35 địa điểm.

Sau khi thực hiện xét nghiệm tầm soát diện rộng, đánh giá nguy cơ và dựa trên các bằng chứng điều tra, các địa điểm phong tỏa được gỡ bỏ một phần hoặc toàn phần, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Hiện TP còn 12 nơi phải phong tỏa phòng dịch.

Theo HCDC, một nguyên tắc tối quan trọng để kiểm soát được ổ dịch hoặc chuỗi lây nhiễm là phải tìm ra được nguồn lây.

Đối với chuỗi lây nhiễm lần này, bước đầu TP đã đánh giá có khả năng bắt nguồn từ nhóm nhân viên thuộc đội quản lý và đội bốc xếp hàng hóa, hành lý của Công ty phục vụ mặt đất (VIAGS) tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Do đó, TP đã triển khai khẩn xét nghiệm rà soát lần 2 cho toàn bộ nhân viên VIAGS, lấy mẫu toàn bộ hộ gia đình họ với hơn 5.400 mẫu xét nghiệm.

Phải thay đổi chiến lược xét nghiệm

Tại Hà Nội, ca bệnh 2229 (nam giới, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, đã tử vong hôm 13-2) cũng thuộc diện chưa rõ nguồn lây. Giới chức y tế nghiêng nhiều về khả năng bệnh nhân lây bệnh tại Hà Nội, do ngay trước khi bệnh nhân rời khu cách ly ngày 31-1 tại TP.HCM, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Tâm dịch Hải Dương cũng đang xuất hiện những ca bệnh không rõ nguồn lây. Người đầu tiên được phát hiện mắc COVID-19 trong gia đình 4 người ở phường Hải Tân, TP Hải Dương là bà N.T.T., 52 tuổi.

Bà T. có đi tập yoga ở phòng tập nhưng đã nghỉ từ khi Hải Dương ghi nhận ca bệnh (27-1), thời điểm gần đây chỉ đi chợ. Từ ngày 4 và 5-2 bà bắt đầu mệt, ho nhiều, sốt về chiều, gia đình tự mua thuốc về uống.

Đến 8-2 bà đề nghị được xét nghiệm COVID-19, ngày 11-2 được lấy mẫu và có kết quả nghi mắc, đến 15-2 xét nghiệm khẳng định dương tính COVID-19. Đến 16-2 xét nghiệm cả gia đình đều mắc bệnh.

Hiện đã bắt đầu có những thay đổi về chiến lược xét nghiệm, theo hướng xét nghiệm sàng lọc rộng rãi thay vì chỉ xét nghiệm ở vùng có ca bệnh và người liên quan ca bệnh. Tại Hà Nội, việc xét nghiệm tại sân bay Nội Bài với hơn 12.000 mẫu khi ở đây chưa ghi nhận ca bệnh là đợt xét nghiệm diện rộng đầu tiên.

Hiện tại Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, TP.HCM đều đang triển khai những đợt xét nghiệm rộng rãi tương tự nhằm phát hiện nguy cơ trước khi có ca bệnh, không đợi có ca bệnh mới xét nghiệm.

Xét nghiệm ngẫu nhiên trong cộng đồng

Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết tại Hà Nội hiện vẫn ghi nhận thêm các ca bệnh ở ngoài cộng đồng và các ca bệnh là những trường hợp F1 đã được cách ly tập trung nên nguy cơ về dịch bệnh bùng phát vẫn ở mức cao, đặc biệt sau tết khi người dân từ các tỉnh thành khác trở lại Hà Nội sinh sống, làm việc.

Đặc biệt, với ca bệnh là người Nhật Bản, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết có thể bệnh nhân này phát bệnh ngày 2-2 và như vậy đến ngày 13-2 là 11 ngày, tiếp xúc rất nhiều nơi, rủi ro với cộng đồng rất cao.

Từ nhận định trên, ông Dũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP có phương án, hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên ở các khu vực có nguy cơ cao. “Cần xét nghiệm sàng lọc để kiểm soát, trước hết là những chuyên gia nước ngoài, những khu vực xung quanh khu cách ly, lưu trú sẽ lấy mẫu xét nghiệm xác suất” – ông Dũng cho biết.

Ngoài ra, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu CDC Hà Nội cần có kế hoạch triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên, nhất là khu công nghiệp có người đi từ 12 tỉnh thành đang có dịch. Tại TP.HCM, việc tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên đối với người đến TP bằng các phương tiện giao thông công cộng cũng sẽ được thực hiện khi người lao động trở lại TP (Tuổi trẻ, trang 14).

 

TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch

Ngày 16-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM đã tương đối ổn định, cơ bản đã được kiểm soát với 35 ca bệnh được ghi nhận. Đó là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, nhất là những cuộc họp, chỉ đạo quyết liệt xuyên tết của các cấp lãnh đạo TPHCM trong công tác phòng chống dịch.

Những cuộc họp khẩn xuyên tết

Ngay sau khi TPHCM ghi nhận 35 ca nhiễm mới, có những ngày có đến 24 ca, lãnh đạo TP đã có nhiều cuộc họp khẩn với Trung ương, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP. Trong chiều 9-2 (tức 28 Tết), đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã có cuộc họp giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao tinh thần kiên quyết và nỗ lực trong công tác phòng chống dịch hiệu quả của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP, UBND TP, các cấp chính quyền, sở ngành, đơn vị, tổ chức, địa phương. Bí thư Thành ủy gửi lời cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đã có sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời. TPHCM đã kiên quyết và kịp thời về công tác khoanh vùng, xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Tuy nhiên cần xem xét xét nghiệm, khoanh vùng ở những vùng có nguy cơ cao và thống nhất về việc lấy mẫu xét nghiệm không chỉ với những người có liên quan tới các ca bệnh mà cả với những người có biểu hiện lâm sàng dịch bệnh.

Tối 11-2 (30 Tết), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm và làm việc về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM. Tại đây, đồng chí Trương Hòa Bình bày tỏ trân trọng sự tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị và nhân dân TPHCM, nhờ đó đã cơ bản khống chế, kiểm soát dịch bệnh. Với sự quyết tâm của một địa phương luôn đi đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, TPHCM đã khẩn trương áp dụng những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, có những cách làm sáng tạo phù hợp với mức độ, nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn.

Người dân về TPHCM phải khai báo y tế

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và một số địa phương do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào chiều 15-2 (mùng 4 Tết), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM cơ bản kiểm soát được ổ dịch. Có được điều đó là sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân TP. Thời gian tới TP tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng và ban chỉ đạo quốc gia về các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch. Kiên trì nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch.

Khẩn trương điều tra, truy vết người tiếp xúc nếu phát hiện thêm ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, khoanh vùng dập dịch triệt để tại những địa điểm liên quan. Ngành y tế cần dự trữ đầy đủ các sinh phẩm, test kit xét nghiệm; phối hợp giữa cơ sở y tế của TP và Trung ương trên địa bàn TP đảm bảo công suất xét nghiệm 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 25.000 – 30.000 mẫu đơn để tầm soát các đối tượng nguy cơ, phát hiện sớm nhằm ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, trong các cơ sở y tế, cơ quan đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu tiếp tục triển khai công tác vệ sinh, khử khuẩn và các biện pháp phòng dịch khác theo quy định; định kỳ tầm soát bằng xét nghiệm đối với các nhân viên thuộc công ty VIAGS; sân bay chủ động giám sát thân nhiệt nhân viên và hành khách đến sân bay hàng ngày; giám sát ngẫu nhiên bằng xét nghiệm đối với hành khách đến từ một số tỉnh thành có nguy cơ dựa theo cập nhật của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM tại sân bay, nhà ga xe lửa và các bến xe liên tỉnh.

Xét nghiệm tất cả những người từ Cẩm Giàng (Hải Dương) đến TP từ ngày 15-1. Bên cạnh đó tiếp tục duy trì khai báo y tế, giám sát y tế, xét nghiệm kiểm tra Covid-19 đối với những người về từ Hải Dương, Quảng Ninh và những ổ dịch khác theo công bố của Bộ Y tế. Nhằm hạn chế chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập vào TPHCM sau đợt nghỉ tết, TP sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra khai báo y tế hành khách đi máy bay, xe lửa, xe khách đến TP.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM sẽ tiếp tục kiểm soát nhập cảnh trái phép; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các đối tượng chính sách; hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng khó khăn do dịch bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Dự kiến gần 5 triệu người VN sắp được tiêm vắc xin Covid-19

Ngày 16.2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo ghi nhận 42 ca mắc Covid-19 mới, là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 2.270 – 2.311 trong nước. Trong đó, tại Hải Dương ghi nhận 40 ca, Hà Nội 1 ca và Quảng Ninh 1 ca. Hầu hết các BN là F1 của các ca bệnh, đã được cách ly trước đó. Đáng lưu ý, có 4 BN là chùm ca bệnh trong cùng gia đình, phát hiện thông qua giám sát sốt, ho trong cộng đồng tại Hải Dương.

Liên quan đến nguồn vắc xin Covid-19, BYT hiện đã cơ bản hoàn thành các thủ tục tiếp nhận vắc xin theo chương trình COVAX. Cuối tháng này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện các thủ tục, Việt Nam sẽ có vắc xin Covid-19 từ 2 nguồn (gồm 4,8 triệu liều được hỗ trợ từ chương trình COVAX và hơn 117.000 liều từ nguồn nhập khẩu). Như vậy, trong cuối tháng 2, đầu tháng 3, Việt Nam tiếp nhận gần 5 triệu liều vắc xin Covid-19, có thể triển khai tiêm cho gần 5 triệu người trong đợt đầu (Thanh niên, trang 6).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 13/9/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/11/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 24/6/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận