Điểm báo ngày 17/3/2021

(CDC Hà Nam)
Tiêm vắc xin Covid-19 cho quân nhân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình; Vụ 34 trạm y tế ngưng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT: Tất cả đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT trở lại

Tiêm vắc xin Covid-19 cho quân nhân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình

64 cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến 2.3 chuẩn bị lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa hình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan được tiêm vắc xin Covid-19

Sáng 16.3, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 (AstraZeneca) cho những quân nhân thuộc diện ưu tiên.

Theo đó, trong ngày có 64 cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến 2.3 chuẩn bị lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa hình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan được tiêm đầu tiên. 6 cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch cũng được tiêm vắc xin Covid-19 trong ngày. Như vậy có tổng cộng 70 quân nhân được tiêm trong ngày đầu.

Theo kế hoạch, Bệnh viện Quân y 175 tiêm tổng cộng 2.100 liều vắc xin Covid-19 trong những ngày tới cho những quân nhân thuộc diện ưu tiên trong phòng chống dịch phía nam (Thanh niên, trang 4)

 

Vụ 34 trạm y tế ngưng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT: Tất cả đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT trở lại

Ngày 16-3, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đến nay 34 trạm y tế mà Bảo hiểm xã hội TPHCM (BHXH) ngưng khám chữa bệnh BHYT ban đầu đã đáp ứng đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật để BHXH TP ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trở lại, không gây ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn.

Cụ thể, 4 trạm y tế phường được các bệnh viện quận-huyện đặt phòng khám đa khoa vệ tinh tại trạm y tế nên không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tham gia BHYT trên địa bàn vì các phòng khám đa khoa vệ tinh này đều có khám chữa bệnh BHYT.

13 trạm y tế phường, xã thiếu nhân lực bác sĩ do nghỉ hưu theo chế độ đã được các trung tâm y tế mời ký hợp đồng làm việc trở lại, trong đó có các bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và các bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh.

17 trạm y tế phường, xã do thay đổi vị trí đã được Sở Y tế cấp lại giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật. Trên cơ sở đó, BHXH TP đã đồng ý ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trở lại cho các trạm y tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho các người dân trên địa bàn.

Trước đó, như tin đã đưa, Bảo hiểm xã hội TPHCM đã có thông báo 34 trạm y tế phường, xã ngưng đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, kể từ quý 2-2021. Lý do các cơ sở này xin ngưng để kiện toàn lại nhân lực, cơ sở vật chất, thiếu bác sĩ, hoạt động không hiệu quả…

Cụ thể, Trạm y tế phường Bình Trưng Tây, phường Hiệp Bình Chánh, phường Long Phước (TP Thủ Đức); Trạm y tế phường 1, 9 (quận 4); Trạm y tế phường Tân Hưng,  Tân Phú, Tân Quy (quận 7); Trạm y tế phường 10, 6, 13 (quận 10); Trạm y tế phường 13 (quận 11); Trạm y tế xã Bà Điểm, xã Tân Hiệp, xã Tân Thới Nhì, xã Tân Xuân, thị trấn Hóc Môn, xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn); Trạm y tế xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè); Trạm y tế phường 12 (quận Gò Vấp); Trạm y tế phường Tây Thạnh (quận Tân Phú); Trạm y tế phường 11, 6, 15, 17,  25, 27, 28 (quận Bình Thạnh); Trạm y tế phường 1,2 (quận Phú Nhuận); Trạm y tế xã Đa Phước, xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh).

Sở Y tế cũng đã có yêu cầu đến 15-3, 34 trạm y tế phải hoàn thiện hồ sơ và tiếp tục ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT phục vụ người dân trên địa bàn. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Hải Dương nới lỏng biện pháp chống dịch

Từ ngày 18-3, toàn tỉnh Hải Dương sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 19 của Thủ tướng cho đến hết ngày 31-3 để phòng chống dịch COVID-19.

Ngày 16-3, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa có kết luận trong thời gian chuyển sang trạng thái mới (từ ngày 3-3) với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát tốt, số ca lây nhiễm mới giảm rất nhanh và đều là F1 đã được cách ly tập trung.

Tại tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, sản xuất nông nghiệp và lưu thông hàng hóa cơ bản thuận lợi.

Tuy nhiên, vẫn còn có nơi, có lúc chưa tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, còn có tư tưởng lơ là, chủ quan, một số người dân chưa chấp hành tốt yêu cầu 5K.

Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người dân trong toàn tỉnh tiếp tục thực hiện theo chỉ thị số 19 của Thủ tướng từ ngày 18-3 cho đến hết ngày 31-3.

Một số ít xã, khu dân cư, điểm dân cư đang phong tỏa thì tiếp tục thực hiện cho tới khi có quyết định kết thúc phong tỏa.

Đối với các trường hợp F0 đã chữa khỏi và F1 đã hết thời gian cách ly tập trung cần tiếp tục quản lý chặt chẽ và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối về dịch bệnh.

Tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ COVID-19 cộng đồng, tổ an toàn COVID trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Sáng 16-3, Bộ Y tế xác nhận có thêm hai ca mắc COVID-19 mới ở Hải Dương, cả hai đều đang ở khu cách ly (Tuổi trẻ, trang 4)

 

Việt Nam tiêm tới đâu đảm bảo an toàn tới đó

Nhiều nước đã đồng loạt hoãn sử dụng văcxin Covid-19 của AstraZeneca sau khi có báo cáo về tình trạng đông máu sau khi tiêm. Việt Nam đã có 15.865 người được tiêm ở 12 tỉnh/thành phố và cũng ghi nhận 15 ca sốc phản vệ sau tiêm. Kế hoạch của Việt Nam là vẫn tiếp tục tiêm. Vì vậy, cần phải theo dõi kỹ sau tiêm.

Các ca sốc phản vệ đã ổn định

Sáng 16/3, Bộ Y tế cho biết sau 1 tuần tiêm văcxin phòng Covid-19, đã có 15.865 người được tiêm ở 12 tỉnh/thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TPHCM, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hoà Bình và Khánh Hoà. Trong tuần này sẽ có thêm 3 địa phương mở điểm tiêm văcxin Covid-19 là: Quảng Ninh, Điện Biên và Đồng Tháp.

Theo báo cáo của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, sau 1 tuần đầu tiên triển khai tiêm chủng, đã ghi nhận khoảng 15 trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm, trong đó có 14 người phản ứng phản vệ mức 2 (khó thở, kẹt huyết áp, phù mạch tại vị trí tiêm, tiêu chảy) và 1 trường hợp là nữ, tiêm chủng ngày 14/3 ở Hải Dương sốc phản vệ mức III, được coi là phản ứng nặng nhất trong tiêm chủng, với các các dấu hiệu nguy hiểm như chân tay co quắp, rét run, sốt, tê bì tay… Các dấu hiệu này xuất hiện ở 8 giờ sau tiêm. Cơ quan y tế cũng đã phát hiện và xử trí kịp thời, hiện bệnh nhân đã ổn định trở lại. 14 người gặp các phản ứng nặng khác cũng đều đã ổn định.

Tỷ lệ gặp phản ứng sau tiêm chủng thông thường với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… là 26%, tương tự như thông báo của nhà sản xuất văcxin AstraZeneca.

Điều khiến người dân lo ngại là nhiều nước như: Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Bulgaria, Hà Lan, Đức, Pháp, Ý… đã hoãn tiêm văcxin AstraZeneca dù hãng AstraZeneca nói không có mối liên hệ giữa văcxin của họ và sự cố đông máu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kêu gọi các nước không đình chỉ việc tiêm văcxin trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay đã gây ra 2,7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Điều hành Dự án Tiêm chủng cho biết: Không riêng văcxin AstraZeneca, hầu hết các loại văcxin khác cũng đều có phản ứng sau tiêm với một tỉ lệ nhất định. Điều quan trọng là có theo dõi, đánh giá. Bộ Y tế đã đề nghị tất cả địa phương ghi nhận trường hợp có phản ứng sau tiêm, thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân.

Tiêm tới đâu đảm bảo an toàn tới đó

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tiếp tục triển khai tiêm văcxin phòng Covid-19 của AstraZeneca. Việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả… Người tiêm chủng được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi tiêm. Nếu có phản ứng thì được theo dõi tiếp tại phòng bệnh trong 24 giờ. Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Đây là quy trình được Bộ Y tế chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy.

GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, công tác tổ chức điểm tiêm đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình Tiêm chủng mở rộng đặt lên hàng đầu. Trước khi đưa văcxin vào triển khai tiêm, tất cả các điểm tiêm chủng được Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt trong những ngày đầu mới triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng đều có sự giám sát, hỗ trợ của Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur. Để đảm bảo xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm, các điểm tiêm chủng đều được trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Các đội cấp cứu lưu động thường xuyên túc trực để hỗ trợ các điểm tiêm trong trường hợp cần thiết.

Việc xử trí đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng đã được các cơ sở tiêm chủng thực hiện tốt và đảm bảo an toàn cho đối tượng tiêm chủng. Thông tin về kết quả triển khai và tình hình phản ứng sau tiêm chủng được cập nhật và báo cáo hàng ngày.

GS.TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh, trong quá trình triển khai tiêm văcxin phòng Covid-19, người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm và yêu cầu khai báo về tình trạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp. Đồng thời, người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế. Tất cả các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm đều được theo dõi và báo cáo.

Mỗi người tiêm sẽ được cấp một mã QR – theo mã số bảo hiểm y tế, sau đó liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe để tiếp tục theo dõi và nhắc thời gian tiêm. Tất cả những người tiêm sẽ được theo dõi sức khỏe liên tục và đánh giá tính sinh miễn dịch sau khi tiêm văcxin.

Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khai báo đầy đủ về tiền sử dị ứng và các bệnh đang mắc cho cán bộ y tế, chủ động theo dõi sức khỏe. (Khoa học & Đời sống, trang 1)

 

1.000 liều vắc xin Sputnik V của Nga đã về đến Việt Nam

Chiều 16/3, tin từ Bộ Y tế cho biết, Liên bang Nga đã gửi tặng Việt Nam 1.000 liều vắc xin Sputnik V đầu tiên. Hiện số vắc xin này đã được nhập kho của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư và bảo quản lạnh.

Đây là những điều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga có mặt tại Việt Nam. Lô vắc xin Sputnik V  là quà tặng của Liên bang Nga được ông Nikolai Patrushev, Thư ký hội đồng an ninh Liên bang Nga mang tới Việt Nam vào sáng 16/3, trong chuyến công tác hai ngày tại Hà Nội.

Ông Đặng Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế cho biết, sáng nay Bộ Y tế đã tiếp nhận lô vắc xin này từ sân bay Nội Bài, ngay sau đó vắc xin được chuyển vào kho lạnh của Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư để bảo quản.

Lô vắc xin gồm 1000 liều. Thời gian tới việc điều phối lô vắc xin này sẽ do Chính phủ quyết định, có thể điều tiết về Bộ y tế hoặc các đơn vị khác.  Đây là những liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên của Nga có mặt tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, trong năm nay Việt Nam đã chắc chắn có 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ chương trình cung ứng vắc xin toàn cầu COVAX, 30 liều  do Việt Nam đặt mua.  Ngoài ra, Bộ Y tế  cũng đang tích cực đàm phán với các hãng dược Pfizer, Moderna (Mỹ), Sputnik V (Nga)…  để có thêm vắc xin.

Ngày 25/2 vừa qua Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng đã đề xuất Bộ Y tế phê duyệt thêm hai  vắc xin phòng COVID-19 ngoài AstraZeneca. Đó là vắc xin của công ty Moderna (Mỹ) và vắc xin Sputnik V  của Công ty JSC Generium (Nga)  để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.  Kế hoạch mục tiêu của Việt Nam là có đủ 150 triệu liều vắc xin trong năm nay trước khi những lô vắc xin ngừa COVID-19  trong nước có thể được sản xuất diện rộng vào cuối năm nay, đầu năm tới.

Sputnik V là vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Từ 11/8/2020, Bộ Y tế Nga đã cho triển khai tiêm quy mô toàn quốc vắc xin Sputnik V khi vắc xin này chưa thực hiện xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Tuy nhiên đến nay vắc xin Sputnik V được hơn 50 quốc gia phê chuẩn sử dụng.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố trên tạp chí The Lancet , vắc xin Sputnik V hiệu quả lên tới 91,6 %,  riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98 % tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virus SARS CoV-2. (Tiền phong, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 21/06/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/8/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận