Điểm báo ngày 17/5/2022

(CDC Hà Nam)
TP.HCM triển khai tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4; Sốt xuất huyết khi nào cần nhập viện?; Đề xuất gỡ vướng thanh toán bảo hiểm y tế với máy mượn, máy đặt tại cơ sở y tế…

 

Cảnh giác với các bệnh truyền nhiễm gây dịch

Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc, bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam cùng sự giao lưu đi lại và ý thức vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt… là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, phát triển.

Những bệnh truyền nhiễm thường có số mắc cao và nguy cơ bùng phát thành dịch lớn trong mùa hè, như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não, tiêu chảy do vi rút rota, sởi, cúm… Chính vì vậy, mỗi người dân cần cảnh giác, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Mùa của nhiều bệnh truyền nhiễm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Ngoài ra, có thêm 1.066 trường hợp mắc tay chân miệng; 42 trường hợp mắc viêm não vi rút; 2 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng đang gia tăng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần từ ngày 29-4 đến 5-5, thành phố ghi nhận 420 ca tay chân miệng, tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Kể từ đầu năm đến nay, thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận hơn 7.000 ca sốt xuất huyết, trong đó số ca nặng tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Còn tại Hà Nội, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoài. Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 7-5, thành phố ghi nhận 25 ca sốt xuất huyết và 40 ca tay chân miệng. Trong những tuần đầu tháng 5, trung bình trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 2-5 ca sốt xuất huyết/ tuần. Còn với tay chân miệng, trong tuần từ ngày 2 đến 7-5 ghi nhận 18 ca mắc (tăng 12 ca so với tuần trước đó).

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không vì thế mà được phép chủ quan. Đặc biệt, đặc điểm thời tiết của Hà Nội luôn tạo ra nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, riêng với bệnh sốt xuất huyết, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều trong mùa hè là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, từ cuối tháng 4 đến nay, các quận, huyện: Hoàng Mai, Mê Linh, Đông Anh… đã tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, diệt muỗi.

“Hiện, trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ ở nhà học trực tuyến do dịch Covid-19, nên nguy cơ các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè bùng phát thành dịch và lây lan trong trường học là rất lớn. Vì vậy, cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống ngay từ bây giờ”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.

Phòng tránh biến chứng nguy hiểm

Dù mới ghi nhận rải rác một vài bệnh nhi mắc tay chân miệng đến điều trị, nhưng bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, trẻ em mắc tay chân miệng có thể hồi phục hoàn toàn sau 3-5 ngày, sau giai đoạn toàn phát. Tuy nhiên, nếu gặp biến chứng sẽ khiến trẻ có nguy cơ tử vong. Hai biến chứng nguy hiểm hay gặp của bệnh tay chân miệng là viêm não và viêm cơ tim.

Để phòng bệnh tay chân miệng, bác sĩ Đào Hữu Nam khuyến cáo, vệ sinh thường xuyên (vệ sinh tay, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ) là điều quan trọng để giảm khả năng lây nhiễm. Khi trẻ em mắc bệnh, phụ huynh cho ăn uống bình thường, đầy đủ dinh dưỡng, chú ý vệ sinh cơ thể, ăn chín uống sôi. Đặc biệt, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu trẻ sốt cao liên tục, lờ đờ, giật mình, run tay chân… Khi đó, cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Viêm não cũng là bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho hay, trong khoảng 1 tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận 4 trẻ mắc viêm não nhập viện. Các trẻ được đưa đến bệnh viện đều trong tình trạng sốt cao, nôn ói, đau đầu, mệt mỏi. Đặc biệt, có 2/4 trẻ ở mức độ nặng, thay đổi ý thức, lú lẫn và co giật.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, đã yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường tuyên truyền các dấu hiệu khi mắc bệnh và thông tin cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất để người dân đến khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Đối với những bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin, các địa phương phải vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm. Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh phải tăng cường rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám và điều trị. Đồng thời, rà soát, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, giường điều trị, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nói riêng và các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè nói chung. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Sốt xuất huyết khi nào cần nhập viện?

Sốt xuất huyết nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Vậy thời gian ủ bệnh là bao lâu và khi nào cần nhập viện là những vấn đề nhiều người thắc mắc. Bài viết dưới đây giúp độc giả hiểu hơn về vấn đề này.

Việt Nam là một nước nằm trong vùng có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn với đặc điểm là sốt, xuất huyết và có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là bao lâu?

Giai đoạn ủ bệnh sốt xuất huyết là lúc mà cơ thể sản sinh ra các kháng thể nhằm chống lại các tác nhân lạ như virus, vi khuẩn. Đến khi những kháng thể không còn khả năng chống trả thì bệnh sẽ bắt đầu biểu hiện bằng các triệu chứng trên cơ thể.

Thông thường, thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết diễn ra trong khoảng 4 đến 7 ngày, đôi khi có thể kéo dài lên tới 14 ngày. Trong giai đoạn này người bệnh vẫn khỏe mạnh và không biểu hiện triệu chứng gì, nhưng khoảng 12-18h trước khi có triệu chứng sốt thì người bệnh đã có thể là nguồn lây bệnh. Do quá trình ủ bệnh kéo dài và âm thầm nên rất nhiều người khi mang mầm bệnh mà không hề hay biết rồi vô tình làm phát tán virus từ khu vực này tới khu vực khác làm bùng phát thành dịch lớn.

Trên thực tế, thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết có thể ngắn hơn hoặc kéo dài hơn tùy thuộc vào các yếu tố như cơ địa mỗi người bệnh, khả năng hoạt động của hệ miễn dịch, nhiễm bệnh do chủng virus nào hay tuổi tác của người bệnh…

Trong trường hợp người mang mầm bệnh sốt xuất huyết bị muỗi đốt và lây cho người thân trong gia đình hoặc người sinh sống trong cùng khu vực thì khi người lây bệnh đã khỏi hoặc sắp khỏi bệnh thì người bị lây mới bắt đầu có hiện tượng sốt. Và trong thời gian ủ bệnh này, nếu người bệnh có làm xét nghiệm thì cũng không thể phân biệt được bị sốt xuất huyết hay là nhiễm các loại bệnh khác.

Sau thời gian ủ bệnh thì sốt xuất huyết có biểu hiện. Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết dengue có thể nhẹ hay nặng tùy theo từng người bệnh, các biểu hiện thường thấy là sốt, đau đầu, đau nhức 2 hố mắt. Đau mỏi cơ và khớp, mệt mỏi nhiều, phát ban, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Người bệnh có thể ho, đau họng và xuất hiện ban xuất huyết dưới da, mắt đỏ… Một số người bệnh có thể có triệu chứng nặng: đau bụng, chướng bụng, nôn ra máu, chảy máu mũi, phân đen, co giật, kinh nguyệt đến sớm, số lượng nhiều hoặc kéo dài.

Sốt xuất huyết ngày thứ mấy là nguy hiểm nhất?

Sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn:

– Giai đoạn sốt

– Giai đoạn nặng

– Giai đoạn phục hồi

Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.

Xuất hiện xuất huyết, các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Người bệnh có thể xuất huyết ở niêm mạc – chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.

Vì sao sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng?

Nhiều người lầm tưởng rằng khi mắc sốt xuất huyết sẽ nghiêm trọng khi các biểu hiện xuất huyết niêm mạc như chảy máu lợi, kinh nguyệt sớm, tiểu ra máu… và như vậy mới gọi là nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ngoài triệu chứng xuất huyết, bệnh còn có các biểu hiện nặng khác như tụt huyết áp, tổn thương các tạng của cơ thể, viêm não… Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Khi nào cần nhập viện?

Phần lớn các trường hợp bị sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Chủ yếu là điều trị triệu chứng.

‎Khi sốt ≥ 38,5 độ C: có thể uống hạ sốt bằng paracetamol (liều dùng và số lần theo hướng dẫn của bác sĩ) và kết hợp lau mát liên tục.

‎Khuyến khích bệnh nhân ăn uống bình thường, đặc biệt uống nhiều nước. Có thể uống nước lọc, oresol, nước trái cây, nước dừa…. Hạn chế các loại thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, chocolate.

‎Phải tái khám và theo dõi bởi các bác sĩ. Bạn cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu sau đây:

– Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.

– Không ăn uống được.

– Nôn ói nhiều.

– Đau bụng nhiều hơn.

– Tay chân lạnh, ẩm.

– Mệt lả, bứt rứt.

– Chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ.

– Có các hành vi thay đổi như lú lẩn, kích thích, vật vã hoặc li bì.

– Trên 6 giờ không tiểu tiện.

Để đối phó với sốt xuất huyết, tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng) và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (loăng quăng).Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Phòng chống muỗi đốt cần ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi… (Sức khỏe & Đời sống, trang 5).

 

Bộ Y tế: Bãi bỏ công văn 2009 về thanh toán BHYT với máy đặt, máy mượn chỉ là thủ tục hành chính

Liên quan đến việc Bộ Y tế vừa có văn bản bãi bỏ công văn 2009/BYT- KHCT về việc thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt, chiều 15/5, đại diện Bộ Y tế cho biết, việc bãi bỏ này chỉ là thủ tục hành chính.

Do đó,việc thanh toán này vẫn được thực hiện bình thường theo Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH và công văn 6807/BYT-BH

Bộ Y tế chưa có văn bản nào bãi bỏ Thông báo thống nhất việc thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất đặt

Bộ Y tế khẳng định: Việc thanh toán BHYT đối với máy đặt, máy mượn hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 6807/BYT-BH ngày 09/11/2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ công văn số 2009/BYT-KHTC.

Theo đại diện Bộ Y tế, ngày 12/4/2018, Bộ Y tế đã có công văn số 2009/BYT-KHTC gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên máy mượn, máy đặt do các đơn vị sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất đặt.

Ngày 2/10/2018, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất việc thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt do các đơn vị sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất đặt và đã có Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH về vấn đề này.

Ngày 9/11/2018, Bộ Y tế cũng đã có công văn 6807/BYT-BH sao gửi Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXHVN đến các đơn vị và địa phương để thực hiện.

Cụ thể, Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH nêu rõ, thống nhất tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu và hợp đồng đã ký; sau khi hết hợp đồng nếu tiếp tục thực hiện thì phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Các cơ sở khám, chữa bệnh phải tuân thủ quy trình chuyên môn trong chỉ định sử dụng các dịch vụ.

Do công văn 2009/BYT-KH-TC của Bộ Y tế được ban hành trước thời điểm có Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH và công văn số 6807/BYT-BH  nêu trên nên việc hướng dẫn về thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt do các đơn vị sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất đặt được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn sau này.

“Vì vậy, việc Bộ Y tế vừa có công văn bãi bỏ công văn số 2009/BYT-KH-TC ngày 12/4/2018 chỉ là thủ tục hành chính, không ảnh hưởng tới việc thanh toán BHYT. Việc thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt sẽ được trao đổi để thực hiện bình thường theo Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ sớm thống nhất để tạm thời tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn theo công văn 6807/BYT-BH ngày 9/11/2018 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, phải có thời điểm cụ thể cho các đơn vị thực hiện để chuyển đổi sang các hình thức khác khi chưa có quy định – Đại diện Bộ Y tế nêu rõ.

Chưa có quy định về hình thức máy mượn, máy do các đơn vị sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất đặt tại các cơ sở y tế

Riêng đối với hình thức thuê máy tại các cơ sở y tế, đại diện Bộ Y tế cho rằng, hình thức này thực hiện theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công, các đơn vị căn cứ vào quy định để lập Đề án thuê theo quy định.

Còn hình thức sử dụng máy mượn, máy đặt tạị các cơ sở y tế sau khi đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt, hiện nay chưa có quy định.

Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đang rà soát để nghiên cứu đưa vào Dự thảo Nghị định về liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế, trong đó có quy định đối với hình thức này mượn máy, đặt máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt tại cơ sở y tế.

Bộ Y tế đang tích cực phối hợp các đơn vị liên quan lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo này.

Trước đó, Bộ Y tế ban hành công văn 2348/BYT-KH-TC ngày 9/5/2022 bãi bỏ công văn số 2009/BYT-KH-TC ngày 12/4/2018 về việc thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt.

Ngày 12/5/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) có công văn số 126 gửi BHXH các tỉnh ,thành phố về việc bãi bỏ công văn số 2009/BYT-KH-TC của Bộ Y tế. Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ các máy đặt, máy mượn theo công văn 2009/BYT-KH-TC từ ngày 9/5/2022.

Liên quan đến vấn đề này, một số cơ sở y tế tuyến cuối, hạng đặc biệt trên cả nước đã có văn bản gửi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xin tiếp tục được thanh toán chi chí dịch vụ kỹ thuật sử dụng trên máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất hoặc có lộ trình cho phép chuyển đổi dần trong thời gian tìm giải pháp khác thay thế, vì hiện nay 80-90% hệ thống máy xét nghiệm hoạt động trong các cơ sở y tế tuyến cuối là mượn, đặt từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất.

Đại diện Bộ Y tế cũng chia sẻ, các đơn vị y tế không nên hoang mang, ngay đầu tuần tới, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ thống nhất để làm rõ hơn và có hướng dẫn cụ thể hơn gửi tới các đơn vị.

Hướng dẫn này sẽ theo hướng tiếp tục thực hiện thanh toán BHYT theo Thông báo 1039/TB-BYT-BHXH và công văn 6807/BYT-BH, tuy nhiên việc thực hiện phải có thời điểm cụ thể để các đơn vị chuyển đổi sang hình thức thuê, mua,… khác theo quy định.

Trường hợp vượt thẩm quyền thì hai bên sẽ báo cáo Chính phủ.

Trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu về trang thiết bị của các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là rất lớn trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn viện trợ, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị,… còn rất hạn chế và không đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã triển khai nhiều giải pháp để có trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ được giao và bảo đảm người dân được thụ hưởng dịch vụ có chất lượng, trong đó có hình thức đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất mang máy đến đặt hoặc cho mượn máy tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Chính vì vậy, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã có Thông báo số 1039/TB-BYT-BHXH và hướng dẫn tại công văn 6807/BYT-BH về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên máy mượn, máy đặt từ năm 2018. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

14 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine

Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, sau 1 tháng triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử (kể từ ngày 15/4), đến ngày 15/5, Bộ Y tế đã ký xác nhận được 14 triệu hộ chiếu vaccine cho người dân.

Hiện nay, hộ chiếu vaccine điện tử đang được hiển thị trên ứng dụng PC-Covid. Người dân có thể truy cập ứng dụng này, vào mục hộ chiếu vaccine hiển thị trên màn hình.

Bên cạnh đó, hộ chiếu vaccine sẽ được cập nhật trên ứng dụng Sức khỏe điện tử và trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hộ chiếu vaccine là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU) ban hành.

Người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vaccine mà không phải làm thủ tục gì thêm… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Khoảng 14 triệu người Việt Nam có “hộ chiếu vắc-xin”.

 

Dừng thanh toán BHYT dịch vụ dùng máy mượn: Cần đảm bảo quyền lợi người bệnh

Việc Bộ Y tế bất ngờ có Công văn 2348 gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu bãi bỏ Công văn 2009 ngày 12-4-2018 về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt ở các bệnh viện, đã khiến nhiều địa phương, bệnh viện phản ứng và kiến nghị khẩn cấp xem xét lại để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) trong khám chữa bệnh. Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng, việc này ảnh hưởng lớn đến quá trình khám chữa bệnh.

Ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh

Hơn 12 giờ trưa 16-5, tại Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), hàng chục kỹ thuật viên của khoa vẫn tất bật với công tác lấy mẫu bệnh phẩm, làm các xét nghiệm cho người bệnh. Chị Nguyễn Lê Thu Trang (29 tuổi, ngụ Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) cho biết, ba chị nhập viện cấp cứu điều trị ngộ độc thuốc ngày 13-5 trong tình trạng nguy kịch, phải đặt máy tạo nhịp, lọc máu, thở máy.

“Từ hôm nhập viện đến nay, ba tôi phải làm rất nhiều xét nghiệm, chi phí mỗi lần từ vài trăm ngàn đồng cho đến hàng triệu đồng. Tôi mới đọc thông tin trên báo, đài nói BHXH ra yêu cầu dừng thanh toán theo chế độ BHYT với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, máy mượn thì rất lo lắng. Nếu BHYT không thanh toán các khoản xét nghiệm thì không biết xoay tiền đâu ra lo cho ba”, chị Trang nói.

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt người dân tới khám chữa bệnh, trong đó có gần 700 lượt bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm, cận lâm sàng. Vì vậy, khi nhận được thông tin BHYT sẽ dừng thanh toán phí xét nghiệm trên máy đặt, máy mượn, bệnh viện thực sự băn khoăn.

“Trước mắt, chúng tôi vẫn giữ nguyên các quyền lợi xét nghiệm cho tất cả bệnh nhân có BHYT, dù 80% các xét nghiệm thực hiện trên máy mượn, máy đặt. Nếu sau đó BHXH không thanh toán khoản tiền bệnh viện phải ứng trước, coi như bệnh viện mất trắng vì không truy thu tiền từ người bệnh”, bác sĩ Trần Văn Khanh thông tin.

Trăn trở không kém, PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết (Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương) cho rằng, nhu cầu trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, đặc biệt xét nghiệm huyết học đến vi sinh, sinh hóa miễn dịch… của đơn vị rất lớn. Ước tính mỗi năm thực hiện đến hàng triệu mẫu tổng phân tích tế bào máu; xét nghiệm nhóm máu. Đây đều là xét nghiệm thiết yếu, chuyên sâu cho thai phụ và đều được cơ quan BHXH thanh toán. Trong khi đó, đa số các thiết bị thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm này đều là máy đặt hoặc mượn. Nếu dừng thanh toán BHYT đối với các dịch vụ này sẽ khiến bệnh viện gặp khó khăn, thậm chí phải dừng nhiều hoạt động khám chữa bệnh liên quan đến xét nghiệm.

Nhiều lãnh đạo bệnh viện cho rằng, việc BHXH dừng thanh toán chi phí xét nghiệm đối với các máy mượn, máy đặt theo Công văn số 2348 của Bộ Y tế và Công văn số 1261 của BHXH Việt Nam sẽ dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh tạm ngưng thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm trên máy đặt, máy mượn, đồng nghĩa với việc người bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng điều trị, sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Nếu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm này, nhưng người bệnh phải móc túi chi trả thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT, làm chậm lộ trình BHYT toàn dân.

Thay đổi cần có lộ trình

Bác sĩ Trần Văn Khanh cho biết, việc mua máy xét nghiệm, chẩn đoán cần đầu tư với số tiền rất lớn từ ngân sách nhà nước, nhưng lại rất dễ xảy ra tình trạng lãng phí máy móc, thiết bị vật tư, hóa chất… Vì thế, cần có lộ trình 6-12 tháng để bệnh viện chuyển hình thức thuê máy theo quy định của Nghị định 151 của Chính phủ và theo phân cấp của Bộ Y tế.

Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, cho rằng, dù là vấn đề gì, đặc biệt là vấn đề liên quan tới người bệnh và bệnh viện công lập thì khi ra quyết định, Bộ Y tế cần có lộ trình cụ thể. Đột xuất ra các quy định “cứng nhắc” thì bệnh viện trở tay không kịp. Trong khi đó, trách nhiệm của bệnh viện là phải cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chuyện cần quan tâm nhất không phải việc dùng máy đặt hay máy mượn, mà ở chuyện minh bạch trong đấu thầu. Do việc đấu thầu diễn ra từng năm, nên khi đơn vị doanh nghiệp nào trúng thầu, bệnh viện sẽ mượn máy xét nghiệm của doanh nghiệp đó.

Theo ghi nhận, hiện nhiều bệnh viện chọn cách vẫn thực hiện xét nghiệm và chi trả như trước đây để đảm bảo quyền lợi và chất lượng điều trị cho người bệnh, trong khi chờ đợi hướng dẫn mới nhất từ Bộ Y tế và các đơn vị liên quan.

Theo PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, hiện bệnh viện cũng đã kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục cho thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt. Trong khi chờ các cơ quan chức năng chính thức có ý kiến, bệnh viện sẽ vẫn cho bệnh nhân hưởng đầy đủ quyền lợi cho bệnh nhân BHYT, không thu phí xét nghiệm. “Thanh toán hay không thanh toán thì các cơ quan nhà nước phải ngồi lại tìm ra giải pháp, chứ không thể vì chuyện này mà bắt bệnh nhân chịu”, PGS-TS Lê Đình Thanh  nhìn nhận.

Tuy nhiên, một số bệnh viện chọn cách “tuân thủ” tạm dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí dịch vụ kỹ thuật từ máy mượn, máy đặt cho bệnh nhân theo Công văn 2348 của Bộ Y tế và quy định của BHXH từ ngày 14-5.

UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xem xét, chấp thuận tiếp tục thanh toán chi phí xét nghiệm BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm thực hiện từ máy đặt, máy mượn cho đến khi có hướng dẫn mới của các cấp có thẩm quyền. Nếu như phải dừng thanh toán thì cần phải có lộ trình để các cơ sở khám chữa bệnh có đủ thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết thanh toán dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt tại các cơ sở y tế hiện nay.

Theo số liệu khám chữa bệnh BHYT, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 5-2022, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố có 9.451 lượt khám chữa bệnh có xét nghiệm, bình quân chi phí xét nghiệm mỗi ngày cho BHYT là hơn 4 tỷ đồng. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Đề xuất gỡ vướng thanh toán bảo hiểm y tế với máy mượn, máy đặt tại cơ sở y tế

Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Bộ Y tế cho ý kiến tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế với máy mượn, máy đặt tại các cơ sở y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có thông cáo báo chí về việc đề xuất Bộ Y tế cho ý kiến tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế với dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy mượn, máy đặt

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ngày 12/4/2018, Bộ Y tế có công văn số 2009/BYT-KH-TC đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu và hợp đồng đã ký.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy mượn, máy đặt.

Tuy nhiên, ngày 9/5, Bộ Y tế có công văn số 2348 về việc bãi bỏ công văn số 2009 nêu trên. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngay sau đó, ngày 12/5 Bảo hiểm xa xhooij Việt Nam đã ban hành Công văn số 1261 gửi bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân về việc dừng thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế đối với chi phí dịch vụ kỹ thuật từ máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu vật tư hóa chất

Trước những kiến nghị của nhiều bệnh viện và UBND các địa phương, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế, trong đó đề xuất cho ý kiến về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt theo hợp đồng đã ký với cơ sở khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế dẫn kịp thời các đơn vị khẩn trương chuyển đổi từ hình thức mượn, đặt sang các hình thức quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ (cho, tặng; thuê; xác lập quyền sở hữu); đồng thời xác định lộ trình bắt buộc phải hoàn thành việc chuyển đổi hình thức nêu trên.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định ngay sau khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn mới về nội dung này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện.

Trước đó, nhiều bệnh viện ở TP. HCM đã có ý kiến về việc bãi bỏ công văn số 2009/BYT-KH-TC của Bộ Y tế gây thiệt thòi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế. UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn đến Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để báo cáo những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các công văn liên quan đến việc thanh toán chi phí kỹ thuật, xét nghiệm cho bệnh nhân.

UBND TP.HCM và các bệnh viện cho rằng nếu dừng thanh toán bảo hiểm y tế với chi phí dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt ở các cơ sở y tế sẽ ảnh hưởng sức khỏe người dân, chất lượng điều trị và bảo hiểm y tế toàn dân.

Cũng trong sáng 15-5, Bộ Y tế đã có thông báo cho biết việc thanh toán bảo hiểm y tế đối với máy đặt, máy mượn hiện nay đang được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 6807 ngày 9-11-2018 của Bộ Y tế và không liên quan đến việc bãi bỏ công văn số 2009. (An ninh Thủ đô, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 4: “Cần sớm có văn bản hướng dẫn mới về thanh toán BHYT với máy mượn, máy đặt”; Tuổi trẻ, trang 1: “Giải bài toán máy đặt, máy mượn ở bệnh viện”.

 

TP.HCM triển khai tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4

Ngày 16.5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân trên địa bàn TP. Mục đích đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19, tạo miễn dịch bền vững phòng Covid-19.

Có 3 đối tượng tại TP.HCM tiêm mũi 4, gồm: Người từ 50 tuổi trở lên (hơn 1,8 triệu); người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến nặng; người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19.

TP.HCM dự kiến bắt đầu tiêm mũi 4 ngay khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin theo nguyên tắc đơn vị nào chuẩn bị sẵn sàng và bảo đảm an toàn tiêm chủng thì triển khai. Loại vắc xin được sử dụng là vắc xin mRNA (vắc xin do Hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc xin do AstraZeneca sản xuất, vắc xin cùng loại với mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3).

Khoảng cách ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), đối với người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc Covid-19. (Thanh niên, trang 3).

 

Sơn La đấu thầu mua kit test Covid-19 cao hơn nhiều địa phương

Thanh tra tỉnh Sơn La đã công bố kết luận về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Ngày 16.5, Thanh tra tỉnh Sơn La đã công bố kết luận về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Kết quả cho thấy, có 3 gói thầu do Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Sơn La, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh, BV đa khoa Thảo Nguyên H.Mộc Châu thực hiện giá dự toán sinh phẩm SuperScript™ III Platinum™ One-Step qRT-PCR Kit có sự chênh lệch giữa giá dự toán, giá trúng thầu của gói thầu được kiểm tra so với giá trúng thầu của sinh phẩm được đăng tải trên Cổng thông tin Bộ Y tế.

Cụ thể, tại gói thầu mua sắm trang thiết bị thiết yếu, sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR năm 2021 do CDC Sơn La thực hiện, giá sinh phẩm được phê duyệt trúng thầu là 199.980 đồng/test; gói thầu của BV đa khoa tỉnh và BV đa khoa Thảo Nguyên H.Mộc Châu thực hiện có giá trúng thầu là 185.000 đồng/test. Trong khi giá sinh phẩm trúng thầu của các cơ sở y tế được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ Y tế tại CDC tỉnh Kiên Giang là 142.000 đồng/test, CDC tỉnh Hải Dương là 140.825 đồng/test, Viện Pasteur TP.HCM là 141.000 đồng/test, CDC Đắk Nông là 141.000 đồng/test. Như vậy, giá của các đơn vị trên đắt hơn so với các địa phương khác từ 45.000 – 60.000 đồng/test.

Ngoài ra, Cơ quan Thanh tra cũng phát hiện 6 gói thầu do BV đa khoa tỉnh Sơn La thực hiện có thư mời thầu không đưa ra các yêu cầu năng lực của nhà thầu. 8 gói thầu do các BV đa khoa H.Phù Yên, H.Sông Mã, H.Mộc Châu và Sở Y tế Sơn La thực hiện có chất lượng hồ sơ, thủ tục còn một số tồn tại. Thanh tra tỉnh còn phát hiện sai phạm tại gói thầu hệ thống ô xy trung tâm phục vụ công tác khám bệnh, cấp cứu, điều trị Covid-19 của BV đa khoa Sông Mã.

Theo giải trình của các đơn vị có chênh lệch giá, nguyên nhân là do chưa cập nhật, nghiên cứu đầy đủ quy định của Bộ Y tế; việc tham khảo giá trên cổng thông tin của Bộ Y tế gặp nhiều khó khăn, không xác định được trang thông tin để tra giá…

Trước kết quả kiểm tra trên, Thanh tra xác định việc lập dự toán gói thầu đối với 3 gói thầu do CDC tỉnh Sơn La, BV đa khoa tỉnh Sơn La và BV đa khoa Thảo Nguyên H.Mộc Châu thực hiện chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ Y tế. Thanh tra tỉnh Sơn La đề nghị thu hồi số tiền chênh lệch giá sinh phẩm của 3 đơn vị trên là 570 triệu đồng.

Thanh tra tỉnh Sơn La yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Sơn La xem xét, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm. (Thanh niên, trang 4).

Bài viết liên quan

Phát hiện thêm 1 trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở TPHCM

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 25/2/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/5/2019

CDC Hà Nam