Điểm báo ngày 18/10/2019

(CDC Hà Nam)
Cần thiết phải có liên thông xét nghiệm giữa các bệnh viện; Thẩm mỹ viện làm chết người, người thực hện phẫu thuật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; 27 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn; Bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao tại Quảng Bình; …

Cần thiết phải có liên thông xét nghiệm giữa các bệnh viện

Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng các bệnh viện khác tuyến hiện vẫn đang không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau khiến bệnh nhân phải xét nghiệm nhiều lần, gây mất thời gian và tiêu tốn rất nhiều tiền của.

Theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), mỗi năm các bệnh viện thực hiện tới 475 triệu xét nghiệm, con số này tăng khoảng 10% mỗi năm, tăng cao hơn tỷ lệ gia tăng người bệnh khám chữa bệnh. Trong đó, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng các bệnh viện khác tuyến hiện vẫn đang không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, khiến bệnh nhân phải xét nghiệm nhiều lần, gây mất thời gian và tiêu tốn rất nhiều tiền của.

Bộ Y tế cho biết, chỉ cần giảm được 1% số lần xét nghiệm, nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá khoảng 50.000 đồng thì tổng kinh phí giảm thiểu được cho bệnh nhân khoảng 237,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, việc phải xét nghiệm lại nhiều lần là điều mà các bác sĩ không hề muốn nhưng buộc phải thực hiện bởi những chỉ số trong cơ thể bệnh nhân thường xuyên thay đổi theo diễn biến, tình trạng, như: công thức máu, men gan phải làm lại, thậm chí là xét nghiệm về nhóm máu vẫn cần phải làm lại trong trường hợp người bệnh phải truyền máu.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2429 về việc đưa ra Bộ tiêu chí đánh giá mức chất lượng các phòng xét nghiệm y học để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm, chuẩn hóa chất lượng. Tuy nhiên, đến nay việc công bố mức chất lượng của các phòng xét nghiệm vẫn chưa cho kết quả rõ ràng.

Ngày 18/10 tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng Trung tâm kiểm chuẩn Chất lượng xét nghiệm y học thuộc Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức buổi hội nghị với chuyên đề: “Quản lý chất lượng và Thực hiện lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm”. Bên cạnh đó còn có hội thảo mở rộng về đào tạo xét nghiệm, kỹ thuật y học – Hợp tác phát triển nghiên cứu đa ngành, hội nhập khu vực và quốc tế. (Khoa học & Đời sống, trang 3).

 

Thẩm mỹ viện làm chết người, người thực hện phẫu thuật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Mới đây tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, TP.HCM xảy ra vụ việc khá nghiêm trọng. Bệnh nhân C.T.L, Việt kiều Mỹ (ở quận Tân Phú) đến Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam để căng da mặt, song sau khi phẫu thuật đã đột ngột tử vong vào tối 14-10.

Từ biến chứng đến…mất mạng

Liên quan đến sự việc xảy ra tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, được biết Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM đề nghị khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc. Cục này cũng yêu cầu Sở Y tế xử lý vi phạm đối với người hành nghề và Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam (nếu có) theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Sau sự cố trên, nhiều người dân đặt câu hỏi, thời gian qua, số người bị biến chứng, thậm chí mất mạng do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở làm đẹp không ngừng tăng lên. Đối với các trường hợp này, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ đến đâu, hay chỉ có khách hàng vừa mất tiền, vừa mang tật?

Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hiện nay, nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng. Để phục vụ khách hàng, nhiều cơ sở tự xưng danh là thẩm mỹ viện mọc lên như nấm và quảng cáo khá rầm rộ.

Theo Điều 29 – Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, hành vi thực hiện các dịch vụ y tế ngoài giấy phép sẽ bị phạt hành chính từ 50- 70 triệu đồng.

Mặt khác, Khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP còn quy định, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, chỉ những cơ sở làm đẹp được cơ quan chức năng cấp phép mới được thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có dùng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa nhấn mạnh.

Có thể xử lý hình sự

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, trong trường hợp cơ sở thẩm mỹ làm chết người, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, những người trực tiếp tham gia phẫu thuật cho nạn nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (điều 129 BLHS 2015) hoặc tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (điều 315 BLHS 2015).

Theo đó, Điều 129 BLHS quy định, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Còn theo Điều 315 BLHS 2015, người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1-5 năm: Làm chết 1 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100-dưới 500 triệu đồng…

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

“Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, Nhà nước cần siết chặt hơn nữa về điều kiện cấp phép hoạt động, tăng nặng chế tài xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, người dân khi có nhu cầu làm đẹp nên đến những cơ sở thẩm mỹ uy tín, được công nhận và cấp phép, với đội ngũ y bác sĩ đảm bảo, có tay nghề cao để tránh tiền mất, tật mang” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa khuyến cáo. (An ninh thủ đô, trang 9).

 

Bảo hiểm y tế đã chi trả dịch cao phân tử cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng

BHXH Việt Nam vừa có văn bản gửi BHXH các tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân về việc thanh toán bột este hóa dạng tiêm truyền trong điều trị sốt xuất huyết nặng nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh… (Thanh niên, trang 3).

 

27 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn

Ngày 17-10, tại Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y Dược tổ chức lễ trao bằng và bàn giao 27 bác sĩ trẻ tốt nghiệp khoá đào tạo bác sĩ chuyên khoa I (khóa 6) thuộc dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo khu vực miền trung – Tây Nguyên”. 27 bác sĩ trẻ tốt nghiệp khoá đào tạo bác sĩ chuyên khoa I (khóa 6) được bàn giao đợt này có 21 bác sĩ là người đồng bào dân tộc thiểu số: Ba Na, Hre, Jrai, Pa Cô, Sách và Vân Kiều, thuộc tám chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, Ngoại, Nhi, Nội, Phụ sản và Y học cổ truyền; được cấp bằng 1, chứng chỉ hành nghề và tình nguyện về 14 huyện nghèo thuộc sáu tỉnh Điện Biên, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi. (Nhân dân, trang 5; Tiền phong, trang 7).

 

Bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao tại Quảng Bình

Theo thông tin từ Sở Y tế Quảng Bình, đến ngày 17-10, toàn tỉnh ghi nhận 5.530 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 1 người chết. Dịch SXH xảy ra ở tất cả 8 huyện, thành phố, thị xã với 67 ổ dịch. Đặc biệt dịch đã xảy ra tại các đìa bàn vùng sâu, biên giới. Nhiều bệnh viện đều trong tình trạng quá tải do người bệnh SXH nhập viện điều trị … (Nhân dân, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 18/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/8/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận