Điểm báo ngày 18/12/2020

(CDC Hà Nam)
Ghi nhận 2 ca nhập cảnh mắc Covid-19; Giám đốc bệnh viện ký bảo lãnh cứu bệnh nhân đột quỵ ngoạn mục; Không để dịch chồng dịch trong mùa đông xuân; Chi trả hơn 10 tỷ đồng tiền khám chữa bệnh cho một người bệnh…

Ghi nhận 2 ca nhập cảnh mắc Covid-19

Chiều 17.12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 mới, đều là công dân Việt Nam nhập cảnh, được cách ly ngay tại tỉnh Bạc Liêu và Phú Yên. 2 ca mắc mới là bệnh nhân (BN) Covid-19  thứ 1.406 và 1.407 tại Việt Nam. Trong đó, BN 1406 (nam, 39 tuổi, địa chỉ tại H.Thanh Hà, Hải Dương) ngày 12.12 từ Myanmar nhập cảnh sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VJ2735, hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu. BN 1407 (nữ, 27 tuổi, địa chỉ tại H.Gia Lâm, Hà Nội) ngày 8.12 từ Dubai nhập cảnh sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) trên chuyến bay Việt Nam88, hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên. Trước đó, chuyến bay này đã có 5 trường hợp dương tính với Covid-19. Trong ngày 17.12, Việt Nam có thêm 11 BN Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 1.407 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam đến nay, 1.263 ca đã được điều trị khỏi.  (Thanh niên, trang 3).

Giám đốc bệnh viện ký bảo lãnh cứu bệnh nhân đột quỵ ngoạn mục

Hôm qua, mạng xã hội xúc động chia sẻ câu chuyện Giám đốc Bệnh viện Q.2 ký giấy bảo lãnh kịp thời cứu sống bệnh nhân đột quỵ dù có thể đối mặt với rất nhiều “phiền phức”. Xúc động, bởi quyết định kịp thời giúp bệnh nhân thoát chết ngoạn mục, ngược lại nếu xảy ra chuyện gì bác sĩ có thể đối mặt kiện cáo, rắc rối.

Quyết định sinh tử

Bệnh viện (BV) Q.2 (TP.HCM) cho biết, trưa 11.12, bà Nguyễn Ngọc Đáng (59 tuổi, quê Sóc Trăng), phụ quán cơm, đột ngột bị mất ý thức và hôn mê nên được những người làm cùng đưa vào BV. Tiếp nhận bệnh nhân (BN) tại phòng cấp cứu, bác sĩ (BS) nhận định đây là trường hợp  đột quỵ não cấp (thiếu máu não cấp) do cục huyết khối từ tim đi lên. Trong tình huống này, sử dụng thuốc tiêu huyết khối là phương pháp điều trị có thể cứu mạng BN, nhưng để sử dụng thuốc này cần sự đồng thuận của thân nhân vì nguy cơ xuất huyết luôn rình rập và thuốc tiêu sợi huyết chỉ có hiệu quả trong 3 giờ đầu – kể từ khi khởi phát. Bên cạnh đó, giá thành thuốc lên tới 20 triệu đồng/liều.

Vì tính cấp bách của liệu pháp điều trị, BS nhanh chóng xin ý kiến của BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV để cứu mạng BN. Không chần chừ, BS Khanh chấp thuận, lập tức ký giấy bảo lãnh chuyên môn để đồng nghiệp thực hiện các thủ thuật. Chỉ trong vòng 30 phút từ khi nhập viện, BN đột quỵ đã được tiêm thuốc tiêu huyết khối. Đến 19 giờ cùng ngày, người nhà BN mới lên đến nơi. 6 giờ sau khi tiêm thuốc, BN có nhận thức trở lại, tự nuốt được thức ăn, đáp lại một số câu hỏi của BS.

Tính mạng là trên hết

Khi câu chuyện được cư dân mạng chia sẻ, trả lời PV Thanh Niên, BS Trần Văn Khanh cho biết 3 “giờ vàng” để sơ cứu BN đột quỵ là cực kỳ quan trọng, nếu để quá giờ có thể sẽ bị chết não vì máu không tới nuôi não kịp. Do đó, việc quyết định thật nhanh tiêm thuốc hay không cũng là quyết định sinh mạng cho BN. (Thanh niên, trang 8).

 

Không để dịch chồng dịch trong mùa đông xuân

Mùa Đông Xuân là thời điểm dễ bùng phát các bệnh lây qua đường hô hấp như sởi, cúm, quai bị, thủy đậu, ho gà… Ngay dịch Covid-19 cũng được cảnh báo là tăng nguy cơ quay trở lại vào mùa đông xuân, nhất là dịp Tết khi số người từ nước ngoài trở về Việt Nam sẽ tăng đột biến. Làm thế nào để tránh “dịch chồng dịch”? Nhằm cung cấp thêm thông tin, kiến thức cho người dân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội phối hợp cùng Báo An ninh Thủ đô tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tư vấn phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân”. Các chuyên gia tham gia trả lời bạn đọc gồm: BSCKII Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc CDC Hà Nội; ThS.BS Khuất Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì; BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn.

Phòng chống Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu

– Tôi có người nhà ở Nhật Bản tới đây sẽ về nước ăn Tết. Xin hỏi làm thế nào để có thể đăng ký cách ly tại nơi lưu trú hoặc nhà riêng?

BSCKII Khổng Minh Tuấn: Hiện nay, tất cả công dân Việt Nam sau khi nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các cơ sở của thành phố quy định. Sau khi có xét nghiệm lần 1 có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 sẽ được thực hiện cách ly tại 1/19 khách sạn được cấp phép tổ chức cách ly theo yêu cầu. Trước khi người nhà của bạn về nước thì bạn cần liên hệ với các cơ sở cách ly, đồng thời có đơn gửi cơ sở cách ly tập trung để được giải quyết. Danh sách các khách sạn cách ly tự nguyện được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Hà Nội.

– Khi được đưa vào khu cách ly, những người cách ly sẽ được lấy mẫu xét nghiệm bao nhiêu lần, chi phí thế nào? Người cách ly có phải chi trả tiền sinh hoạt, ăn ở gì nữa không?

– ThS.BS Khuất Văn Sơn: Người được đưa vào khu cách ly tập trung sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và khoảng ngày thứ 13 ở khu cách ly tập trung. Chi phí xét nghiệm Covid-19 ở khu cách ly tập trung hiện nay là 734.000 đồng/lần/người xét nghiệm. Người được xét nghiệm sẽ phải nộp 120.000 đồng/ngày/người, gồm chi phí ăn uống và chi phí khác.

 BSCKII Khổng Minh Tuấn: Việt Nam đang thực hiện tổ chức cách ly tập trung cho tất cả hành khách nhập cảnh trong thời gian đủ 14 ngày và 2 lần xét nghiệm. Sau khi kết thúc cách ly đủ 14 ngày, những người này sẽ tiếp tục được theo dõi tại địa phương trong vòng 1 tuần. Trong khoảng thời gian đó, nếu có bất kỳ hiểu biện bất thường nào của sức khỏe, cần phải đến các cơ sở y tế để khám và loại trừ Covid-19. Nghĩa là sau 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam và đã được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì bạn có thể yên tâm, không có nguy cơ mắc Covid-19. Còn trong trường hợp bạn muốn được tư vấn thêm để yên tâm hơn thì gọi điện đến đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội: 0969.082.115 hoặc 0949.396.115.

– Huyện Thanh Trì có một số khu cách ly tập trung người nhập cảnh phòng dịch Covid-19. Xin hỏi các cơ quan có những biện pháp gì để đảm bảo tuyệt đối an toàn, nhất là khi mới đây ở TP.HCM đã có trường hợp lây nhiễm tại khu cách ly?

ThS.BS Khuất Văn Sơn: Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đơn vị liên quan, đặc biệt là lực lượng quân đội thực hiện nghiêm túc tất cả biện pháp đảm bảo an toàn trong khu cách ly và an toàn cho người dân vùng lân cận khu cách ly. Người d

Chú trọng phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện

– Hiện nay nếu vào bệnh viện, chúng tôi rất lo ngại tình trạng đông đúc và có nguy cơ lây nhiễm chéo. Xin hỏi Bệnh viện Thanh Nhàn có biện pháp gì để phòng, tránh lây nhiễm chéo?

 BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương: Theo sự phân công của Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn là cơ sở cách ly cho những người nghi ngờ mắc Covid-19. Nếu phát hiện ra những bệnh nhân dương tính với Covid-19, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương CSII để điều trị. Bệnh viện Thanh Nhàn đã thành lập một đội sàng lọc bệnh nhân ngay từ cổng bệnh viện với các công việc cụ thể như đo nhiệt độ, khai báo y tế và nhắc nhở yêu cầu đeo khẩu trang trước khi vào khuôn viên bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện đã có hệ thống biển báo, nội quy quy chế niêm yết tại những nơi đông người, thuận tiện cho người nhà bệnh nhân tuân thủ. Ngoài ra, để nâng cao ý thức cho người dân, bệnh viện có phát loa hàng ngày yêu cầu tuân thủ phương pháp “5K” theo đúng quy định của Chính phủ. Đề nghị người dân đến bệnh viện cần tuân thủ phương pháp: khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung đông người – khai báo y tế.

– Vừa rồi tôi thấy truyền hình thông tin Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện hạn chế tối đa hoặc không cho người nhà bệnh nhân vào viện trông nom bệnh nhân. Xin hỏi tại Bệnh viện Thanh Nhàn, quy định như thế nào?

– BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương: Để thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về hạn chế tối đa người nhà đến thăm, nom bệnh nhân, Bệnh viện Thanh Nhàn đã có những nội quy rất rõ ràng, niêm yết tại những nơi dễ nhìn, dễ thấy và những nơi tập trung đông người. Tại các khoa, phòng, chỉ cho phép một người nhà chăm nom khi cần thiết và yêu cầu người nhà cũng như bệnh nhân bắt buộc đeo khẩu trang trong khuôn viên bệnh viện.

Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh

– Tôi ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Đợt này thấy nhiều nhà có con nhỏ ở khu vực tôi sinh sống bị mắc tay chân miệng. Xin hỏi lúc này có phải cao điểm của bệnh tay chân miệng hay không, bệnh này có lây sang các trẻ khác không?

– ThS.BS Khuất Văn Sơn: Tay chân miệng là bệnh do virus, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Hiện nay vẫn có trường hợp mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội. Khi mắc tay chân miệng cần thông báo cho trạm y tế phường và nơi cháu học để được hướng dẫn phòng bệnh. Trước hết, gia đình cần đảm bảo vệ sinh nơi ở, vệ sinh bàn tay, cơ thể cho cháu. Đồng thời, để cháu hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan.

– Theo tôi biết vào thời điểm đông xuân thường là cao điểm của dịch cúm mùa, cúm A, thế nhưng cúm A có rất nhiều chủng. Vậy tiêm phòng thế nào để hiệu quả?

– BSCKII Khổng Minh Tuấn: Cúm A hay cúm mùa là một loại bệnh thường xuyên xuất hiện ở Việt Nam hiện đã có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, miễn dịch của vaccine không bền vững. Vì vậy, để phòng không mắc cúm mùa thì cần phải tiêm vaccine hàng năm (mỗi năm 1 lần).

– Tôi đã tiêm vacine thủy đậu cho con nhưng chưa tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, thời gian tiêm mũi 1 cách đây hơn 1 năm. Vậy tôi có phải tiêm lại từ đầu không thưa chuyên gia?

– BSCKII Khổng Minh Tuấn trả lời: Với vaccine thủy đậu, thời gian tiêm nhắc lại của mũi 2 với mũi 1 là 3 tháng đối với trẻ dưới 12 tuổi, và ít nhất 1 tháng đối với trẻ 13 tuổi trở lên và người lớn. Con bạn đã tiêm mũi 1 được hơn 1 năm, và hiện nay chưa tiêm mũi 2 như vậy chưa đủ khả năng miễn dịch. Vì vậy, bạn cần phải cho cháu đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn để tiêm phòng tiếp tùy theo tình trạng của trẻ.

– Hôm trước tôi vào Bệnh viện Đống Đa thăm người nhà bị sốt xuất huyết (SXH), mới biết đợt này có rất nhiều người mắc SXH. Trước đây tôi vẫn nghĩ SXH chỉ tăng mạnh vào mùa mưa, đến mùa lạnh là hết, vậy có phải bệnh này đã thay đổi?

– BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương: Bệnh SXH tiềm ẩn cả năm, nhưng thường bùng phát vào dịp mưa nắng thất thường. Việc bệnh này có khả năng lây lan mạnh còn phụ thuộc vào ý thức của người dân, ví dụ như không nằm màn, môi trường sống xung quanh còn nhiều vật dụng chứa nước như tiểu cảnh, chai lọ, thùng nước… đó là môi trường để muỗi sinh sôi, nảy nở và phát triển. (An ninh Thủ đô, trang 1).

 

Chi trả hơn 10 tỷ đồng tiền khám chữa bệnh cho một người bệnh

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, gần 800 bệnh nhân đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả số tiền từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng trong một đợt điều trị nội trú. Theo kết quả ghi nhận trên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến ngày 14-12 cho thấy đã có 14,39 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú với số tiền quỹ Bảo hiểm y tế đã thanh toán là 69,63 tỉ đồng.

Trong số này có 81.342 bệnh nhân khám chữa bệnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú với chi phí khám chữa bệnh từ 100 – 500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú; 705 bệnh nhân khám chữa bệnh nội trú với chi phí khám chữa bệnh từ trên 500 triệu đồng – 1 tỉ đồng/đợt điều trị nội trú; 80 bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú với chi phí khám chữa bệnh trên 1 tỉ đồng/đợt điều trị nội trú.

Cụ thể, bệnh nhân có mã thẻ HC49191120XXXXX (địa chỉ tại Ấp Hòn Tre, Xã Tiên Hải, Thành Phố Hà Tiên, Tỉnh Kiên Giang), thẻ do Bảo hiểm y tế tỉnh Kiên Giang phát hành, thuộc đối tượng do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng.

Bệnh nhân này điều trị 2 đợt với chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền (rối loạn đông máu di truyền) tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Đợt 1 (từ ngày 19-11-2019 đến 17-1-2020), tổng chi phí điều trị của bệnh nhân là 7,95 tỉ đồng, tiền quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 6,36 tỉ đồng, trong đó, chi phí lớn nhất là tiền thuốc… Đợt 2 (từ ngày 7-5-2020 – 17-5-2020), tổng chi phí điều trị là 3,07 tỉ đồng, tiền quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán là 3,7 tỉ đồng, trong đó chi phí lớn nhất là chi phí thuốc 3,06 tỉ đồng. Tổng 2 đợt điều trị, bệnh nhân này được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hơn 10 tỉ đồng.

Một trường hợp khác là bệnh nhân có mã thẻ BT28383222XXXXX (địa chỉ tại xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), thẻ do Bảo hiểm y tế tỉnh Bến Tre phát hành, thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đóng. Từ ngày 22-12-2019 đến 5-2-2020, bệnh nhân có 2 đợt điều trị với chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), tổng chi phí điều trị 5,68 tỉ đồng, tiền quỹ BHYT thanh toán là 5,68 tỉ đồng, trong đó: chi phí lớn nhất là tiền thuốc 5,63 tỉ đồng, tiền máu 13,4 triệu đồng…

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi người dân tham gia BHYT sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh theo quyền lợi và mức hưởng trong phạm vi chi trả của BHYT theo quy định của pháp luật. Người tham gia BHYT có thể chủ động tra cứu quá trình tham gia BHYT, giá trị sử dụng của thẻ BHYT trên Cổng thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại địa chỉ https://www.baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/ (An ninh Thủ đô, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 7).

 

Tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 trên 3 tình nguyện viên đầu tiên

Sáng 17/12, tại Học viện Quân y tiến hành tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine Nanocovax cho 3 người tình nguyện đầu tiên. 3 người tiêm tình nguyện vaccine đầu tiên gồm 2 nam, 1 nữ, có độ tuổi từ 20-40.  9h sáng nay, mũi tiêm đầu tiên được tiến hành trên người tình nguyện nam, 20 tuổi. Theo GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, trên thế giới tỷ lệ tiêm vaccine gây tai biến và biến cố không mong muốn không nhiều, hy vọng vaccine Nanocovax cũng thế.

Để đảm bảo an toàn tốt nhất cho người tiêm thử nghiệm, Học viện Quân y đã tổ chức diễn tập các tình huống có thể xảy ra trong quá trình tiêm thử nghiệm để nếu có biến cố hay tác dụng phụ không mong muốn sau tiêm thì đều có khả năng xử trí.

“Chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho người thử nghiệm ở mức cao nhất”, GS Đỗ Quyết nói.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết: “Hôm nay chúng ta tổ chức tiêm mũi một ở giai đoạn 1, trong cả quy trình đánh giá lâm sàng vaccine. Điều hết sức quan trọng là đảm bảo tính an toàn cho các đối tượng tham gia nghiên cứu. Điều này cũng thể hiện tính khoa học, đạo đức và trách nhiệm với người dân. Tôi mong muốn thông qua báo chí truyền thông, dù Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm triển khai nghiên cứu đưa vaccine mới cho phòng chống dịch, nhưng người dân phải hiểu việc phòng bệnh và y thức cá nhân mỗi người là hết sức quan trọng”. “Nếu nghĩ là có vaccin mà chủ quan, lơ là phòng bệnh thì nguy cơ bùng dịch vẫn hiện hữu. Vaccine chỉ là 1 phần trong phòng chống dịch, do vậy cần thực hiện nghiêm túc theo nguyên tắc phòng bệnh theo 5K của Bộ Y tế. Trong trường hợp tiếp cận sớm vaccine cũng chưa thể tiêm 100% dân số”, ông Quang khuyến cáo. Ông Ngô Quang cho biết thêm, Bộ Y tế đã thành lập 3 đoàn giám sát hỗ trợ cho nhóm nghiên cứu. Cụ thể, đoàn thứ 1 là đoàn của Bộ Y tế và Hội Đồng đạo đức. Đoàn 2 là đoàn của Học viện Quân y, chịu trách nhiệm giám sát theo dõi toàn bộ quy trình tiêm thử nghiệm vaccine và đoàn thứ 3 là giám sát nhà tài trợ, đơn vị này sẽ thuê một tổ chức giám sát độc lập.

Việc lập ra 3 đoàn giám sát để đảm bảo quy trình nghiên cứu tuân thủ đề cương, phát hiện các triệu chứng nhằm đảm bảo an toàn của người tiêm. Ông Quang nhấn mạnh đến việc việc số liệu nghiên cứu khoa học đó phải khách quan, trung thực.

TS Nguyễn Ngô Quang cũng cho cho biết thêm, giai đoạn 1 thử nghiệm quan trọng nhất là tính an toàn, còn để đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine thì phải sang giai đoạn 3.

Được biết, trong giai đoạn thử nghiệm lần này, Học viện Quân y chỉ chọn khoảng 60 người độ tuổi 18 – 50 để tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax. 60 tình nguyện viên trên sẽ được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm. Nhóm 1A với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên. Nhóm 1B gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg. Nhóm 1C gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg. Tất cả những người tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vaccine, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. (Công an nhân dân, trang 4; Tuổi trẻ, trang 1; Tiền phong, trang 1; Lao động, trang 1).

 

Rét đậm, bệnh đột quỵ tấn công cả người trẻ

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Nội – Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, thời tiết rét đậm như hiện nay, số người đến khám và cấp cứu do tai biến mạch máu não (đột quỵ) tăng cao. Theo bác sĩ Tuấn, tai biến mạch máu não đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam và là một trong những bệnh gây tử vong cao nhất. Đột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi, trước đây thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng hiện có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi.

Đáng chú ý, đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động. Thống kê cho thấy tỷ lệ này tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Ở Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đã và đang điều trị nhiều trẻ mắc bệnh này. Tại Bệnh viện Việt Đức mỗi tháng tiếp nhận khám và điều trị cho hàng trăm trường hợp bệnh nhân mắc bệnh.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, đột quỵ não còn là tình trạng thiếu máu đột ngột đến một phần não, làm cho các tế bào não thiếu oxy và chết gây nên các rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác… Sự gián đoạn của quá trình cung cấp máu và oxy lên não có thể do tắc mạch, huyết khối động mạch não hoặc vỡ mạch máu não. Tình trạng đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh cũng bất ngờ làm khởi phát bệnh. Theo cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã bị biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.

Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, những dấu hiệu của bệnh có thể rất nhẹ, nhưng cũng có khi rất nặng, như liệt mặt, liệt tay, liệt chân. Khi có những dấu hiệu trên cần đưa ngay bệnh nhân vào bệnh viện càng sớm càng tốt, bởi trong “giờ vàng” (dưới 4,5 tiếng) khả năng điều trị hiệu quả cao.

Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não có thể do mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, mỡ máu… nhưng không được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, những thói quen có hại như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lười vận động, chế độ ăn nhiều chất béo… cũng là những yếu tố nguy cơ gây nên đột quỵ.

Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, thời tiết đang rét đậm như hiện nay, mọi người, nhất là những người già, người có bệnh không tập thể dục ngoài trời sớm, cần giữ ấm toàn thân, ăn uống đủ chất dinh dưỡng tránh nguy cơ bị bệnh tim mạch. Đặc biệt, tránh lạm dụng rượu bia bởi nếu uống nhiều trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm khiến huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ.

Theo thống kê, có khoảng 90% người bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não, tê bì cảm giác nửa người) sau đột quỵ. Di chứng này gây khó khăn cho bệnh nhân về sinh hoạt, đi lại hàng ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân liệt nằm lâu ngày có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: cứng khớp, loét các điểm tì đè, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu… thậm chí tử vong.  (Tiền phong, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 01/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 30/3/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 23/7/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận