Điểm báo ngày 18/3/2022

(CDC Hà Nam)
Bệnh viện bị tố ‘câu bệnh nhân’ ra ngoài mổ: Bộ Y tế yêu cầu làm rõ; Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; Xử trí khi trẻ bị hậu COVID-19; Sớm hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế; Yêu cầu các trường chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi; Hà Nội: Các địa phương chủ động thực hiện phương án ứng phó linh hoạt với dịch Covid-19

Bệnh viện bị tố ‘câu bệnh nhân’ ra ngoài mổ: Bộ Y tế yêu cầu làm rõ

Ngày 16/3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi đến Sở Y tế TPHCM đề nghị làm rõ thông tin Bệnh viện Ung Bướu câu bệnh nhân ra bệnh viện tư mổ và có biện pháp xử lý vi phạm theo quy định (nếu có) và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 24/3.

Trước đó, ông Đ.H.N (SN 1972) cho biết, năm 2021 ông đến bệnh viện Ung Bướu TPHCM khám và được chẩn đoán bị u tuyến giáp. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên ông bị gián đoạn điều trị. Ngày 4/3/2022 ông trở lại bệnh viện Ung Bướu TPHCM tái khám và được bác sĩ chỉ định mổ cắt u tuyến giáp.

Ngày 8/3 ông Đ.H.N. vào bệnh viện Ung Bướu TPHCM chờ mổ theo lịch hẹn với chi phí dự trù là 11 triệu đồng.

Do bệnh viện quá tải, bác sĩ tư vấn bệnh nhân chuyển sang Bệnh viện Hồng Đức để được phẫu thuật sớm hơn. Trước khi bước vào ca phẫu thuật vào chiều 9/3 tại Bệnh viện Hồng Đức, nhân viên y tế đề nghị gia đình đóng tạm ứng số tiền 28,5 triệu đồng. Cho rằng, cùng kỹ thuật, cùng bác sĩ của Bệnh viện Ung Bướu TPHCM thực hiện, chỉ khác nhau mỗi địa điểm thực hiện ca mổ nhưng chi phí chênh lệch lên tới 17,5 triệu đồng nên thân nhân người bệnh đã phản ứng và cho rằng Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã câu bệnh nhân ra bệnh viện tư (Bệnh viện Hồng Đức) để phẫu thuật nhằm trục lợi.

BS Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, việc bệnh nhân chọn dịch vụ tại Bệnh viện Hồng Đức là hoàn toàn tự nguyện vì muốn được phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng đến công việc. Tất cả quy trình chuyển viện, tư vấn đều thực hiện đúng theo quy chế chuyên môn.

Số tiền 28,5 triệu đồng là tiền tạm ứng, Bệnh viện Hồng Đức đã gửi Bệnh viện Ung Bướu phiếu viện phí của bệnh nhân khi xuất viện vào ngày 11/3 là 11.695.943 đồng. Tổng chi phí thực tế bệnh nhân phải thanh toán là 17.156.057 đồng, trong đó 6 triệu đồng là tiền phẫu thuật, hơn 11 triệu đồng còn lại là tiền giường, xét nghiệm, thuốc, vật tư, dịch vụ đi kèm khác.

Đại diện Ban giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cho biết, trong 6 triệu đồng chênh lệch chi phí phẫu thuật, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM được nhận 70% để bồi dưỡng cho kíp phẫu thuật và nộp vào ngân sách chung của bệnh viện.

Bệnh viện tư có giá nhỉnh hơn bệnh viện công cũng là điều dễ hiểu vì bên bệnh viện tư cơ sở vật chất, phòng bệnh khang trang hơn, các dịch vụ tăng thêm để phục vụ cho bệnh nhân đa dạng hơn. Mặt khác, bệnh viện tư được quyền thu khấu hao trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, được tính đúng tính đủ giá viện phí.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 17/3 đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết đơn vị này đã tiếp nhận công văn khẩn của Bộ Y tế và đang khẩn trương xác minh các vấn đề liên quan tại Bệnh viện Ung Bướu.

Theo thông tin từ Sở Y tế, ngày 14/1/2015 UBND TPHCM đã có văn bản (số 140/UBND-VX) chấp thuận cho phép hợp tác chuyên môn giữa Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Hồng Đức. Sau đó ngày 31/8/2015 Sở Y tế đã có Quyết định (số 4032/QĐ-SYT) phê duyệt đề án liên kết chuyên môn với Bệnh viện đa khoa Hồng Đức.

Đề án quy định rõ về quy trình chuyển viện, quy trình tham gia phẫu thuật, quy trình khám sau mổ, quy trình xử lý khi xảy ra tai biến, biến chứng và trách nhiệm của các bên tham gia (Tiền phong, trang 10).

 

Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3 về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Chương trình này được thực hiện trong thời gian 2 năm, 2022-2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp tình hình dịch bệnh.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19: Đến hết quý I/2022, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022.

Về kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, mục tiêu đặt ra là tất cả các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch Covid-19; tất cả mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.

Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19/triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Tất cả các đối tượng dễ bị tổn thương như: người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.

Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp y tế cụ thể. Trong đó, về bao phủ vaccine phòng Covid-19: Triển khai việc tiêm vaccine bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người (bao gồm cả người bệnh đến khám tại cơ sở y tế) để tránh bỏ sót; khẩn trương hoàn thành trong quý I/2022 việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; tổ chức triển khai tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay khi có vaccine. Khẩn trương nghiên cứu tiêm vaccine mũi thứ 4 cho người lớn và mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, chuyển giao công nghệ, gia công, sản xuất vaccine trong nước sớm nhất có thể; triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật thông tin về người dân đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, giám sát tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 và phục vụ phân bổ vaccine hợp lý, hiệu quả. Thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu tiêm chủng để tính toán chính xác tỷ lệ bao phủ tiêm chủng.

Chính phủ yêu cầu tăng cường giám sát phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, thực hiện nâng cao năng lực giám sát dịch tễ; triển khai đồng bộ giám sát trọng điểm và giám sát thường xuyên; tăng cường năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh tại Trung ương, địa phương.

Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước; kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn bảo đảm đúng phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời khôi phục, phát triển kinh tế.

Thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn-phát hiện-cách ly-khoanh vùng-dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K+vaccine, thuốc+điều trị+công nghệ+ý thức người dân+các biện pháp khác”; nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

Thực hiện phù hợp, kịp thời, khoa học và hiệu quả công tác xét nghiệm phát hiện các trường hợp nhiễm; thiết lập cơ sở dữ liệu dịch tễ học phục vụ cho công tác dự báo và giám sát gồm: (i) tình hình dịch; (ii) giám sát virus; (iii) hoạt động điều trị; (iv) tiêm chủng; (v) khả năng và hiệu quả đáp ứng phòng, chống dịch, hiệu quả điều trị của địa phương; đánh giá kháng thể kháng virus SARS-CoV-2; bảo đảm chia sẻ thông tin giám sát dịch bệnh trong nước và quốc tế.

Sẵn sàng thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 phù hợp tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương, bảo đảm đủ trang thiết bị, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, có cơ chế cấp phát, cung ứng thuốc phù hợp, hiệu quả bảo đảm người mắc Covid-19 được điều trị kịp thời.

Triển khai nâng cao năng lực chuyên môn, củng cố toàn diện năng lực điều trị của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh; chuẩn bị sẵn sàng giường hồi sức tích cực, bảo đảm năng lực hồi sức tích cực cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng; tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, điều động, luân chuyển nhân lực phù hợp, kịp thời hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trong trường hợp dịch bệnh vượt quá khả năng điều trị của địa phương.

Tiếp cận sớm các thuốc điều trị đặc hiệu Covid-19; đồng thời tạo mọi điều kiện thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất, chuyển giao công nghệ, gia công thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam; bảo đảm chủ động được những loại thuốc cơ bản đáp ứng yêu cầu điều trị sớm.

Thiết lập hệ thống theo dõi sức khỏe thông qua y tế cơ sở và thầy thuốc đồng hành (hỗ trợ qua điện thoại hoặc internet…); thành lập các trạm y tế lưu động khi cần thiết để bảo đảm người dân được tiếp cận dịch vụ y tế từ sớm, từ xa và từ cơ sở. Triển khai các hoạt động về quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng ngay tại cộng đồng.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quản lý và điều trị người mắc Covid-19 cập nhật dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện theo dõi, khám và phục hồi chức năng một cách linh hoạt, khoa học, hiệu quả cho người mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh trong vòng 12 tháng.

Bảo đảm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa thực hiện công tác kiểm soát, phòng, chống dịch vừa thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; tăng cường khám bệnh, chữa bệnh từ xa phù hợp thực tiễn.

Rà soát, sửa đổi, cập nhật các phác đồ điều trị Covid-19 bằng y học hiện đại, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền bảo đảm khoa học, hiệu quả.

Thực hiện huy động nguồn nhân lực từ các địa phương, đơn vị lân cận khi dịch bùng phát; huy động lực lượng y tế ngoài công lập tham gia công tác phòng, chống dịch. Có chính sách phân bổ nhân lực hợp lý cho y tế dự phòng và y tế cơ sở, thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên có thời hạn.

Bảo đảm cơ cấu hợp lý đội ngũ nhân lực là bác sĩ và điều dưỡng có đủ năng lực về hồi sức cấp cứu; nâng cao năng lực cho các lực lượng trong ngành y tế, lực lượng tại địa phương, lực lượng huy động tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt là cán bộ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở; nghiên cứu chế độ đặc thù, ưu đãi với các lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch.

Về tài chính, hậu cần, bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị… theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng cho các kịch bản phòng, chống dịch. Đối với một số loại thuốc và vật tư thiết yếu phải có cơ số dự phòng đủ cho tình huống xấu nhất và bổ sung vào danh mục dự trữ quốc gia. Chủ động có kế hoạch sử dụng trang thiết bị sau khi kết thúc dịch.

Nhà nước bảo đảm nguồn tài chính chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở huy động tổng thể nguồn lực nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác); các địa phương phải bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội.

Tiếp tục huy động, vận động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; sự tự nguyện chi trả của người mắc Covid-19 khi khám, điều trị theo yêu cầu.

Thành lập Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở Quỹ Vaccine phòng Covid-19 bảo đảm sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch.

Rút gọn, đơn giản hóa hồ sơ chứng từ thanh toán; bãi bỏ các rào cản, chồng chéo, vướng mắc, bất cập hiện hành về chính sách thanh toán chi phí y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính bảo đảm an sinh xã hội theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.

Kinh phí thực hiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác (gồm cả nguồn kinh phí trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ), Quỹ Bảo hiểm y tế, nguồn cá nhân tự chi trả và kinh phí huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Việc sử dụng kinh phí phòng, chống dịch bảo đảm hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí. Các cơ quan chức năng thực hiện giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch kinh phí phòng, chống dịch.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác của Chương trình là bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội và ổn định đời sống của người dân.

Cụ thể, các địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, bảo đảm thực hiện nhất quán theo quy định, hướng dẫn thống nhất của các bộ, ngành; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại địa phương (đến tận xã, phường, tổ dân phố) và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.

Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả tại các cơ sở giáo dục đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp; căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; liên tục cập nhật kinh nghiệm thực tiễn tốt trên thế giới về việc mở cửa lại cơ sở giáo dục, đào tạo an toàn, kịp thời; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ em để có giải pháp kịp thời.

Triển khai công tác phòng, chống dịch trong sản xuất, giao thông vận tải và lưu thông, vận chuyển hàng hóa bảo đảm không bị gián đoạn (Nhân dân, trang 5; Hà Nội mới, trang 7).

 

Xử trí khi trẻ bị hậu COVID-19

Thời gian qua số trẻ em mắc COVID-19 gia tăng, trong số này, nhóm trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin COVID-19 cần được chú ý. Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên quan tâm đến những dấu hiệu hậu COVID-19 tác động thể chất và tâm lí của trẻ để xử trí kịp thời.

Tác động cả thể chất và tâm lí

Bé gái 10 tuổi ở Phú Thọ bất ngờ ho nhiều, thở hụt hơi, phổi thông khí kém sau hơn 2 tuần âm tính SARS-CoV-2. Mẹ bé cho biết, trước đó, khi âm tính SARS-CoV-2, trẻ không còn bất kì triệu chứng nào như ho, sốt. Tại bệnh viện kết quả chụp CT thấy hình ảnh viêm phổi, phải nhập viện điều trị ngay. Kết quả khám của bé khiến gia đình bất ngờ vì sau khi âm tính trẻ không hề có biểu hiện bất thường nào của sức khoẻ trong 15 ngày.

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý, Trưởng Bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội) chia sẻ, trong lần khám hậu COVID-19 mới đây cho gần 20 trường hợp nhận thấy, hậu COVID-19 có ảnh hưởng chức năng hô hấp của trẻ em. “Có 30% có tổn thương phổi ở mức độ nhẹ”, bác sĩ Thuý nói.

Sau khi mắc COVID-19, trẻ có thể có những rối loạn tâm sinh lí như đau đầu, mất ngủ. “Tuy nhiên, cần phân định rõ hai vấn đề khi tiếp nhận 1 trẻ được cho là “rối loạn tâm sinh lí”. Một là bố mẹ trẻ lo lắng thái quá, hai là bản thân trẻ có vấn đề.

Trên thực tế, có những trường hợp chính bố mẹ làm tăng áp lực cho con, lúc nào cũng hỏi “Con có đau đầu không?”, “Đêm con có mất ngủ, có ngủ ngon không?”. Thậm chí có gia đình nửa đêm con đang ngủ lại gọi con dậy hỏi có gì bất thường không. Chính điều này tăng áp lực cho trẻ”, bác sĩ Thúy phân tích.

Nữ bác sĩ cũng nhấn mạnh việc phải cá thể hoá trong điều trị rối loạn tâm sinh lí ở trẻ sau khi khỏi COVID-19 bởi không có phác đồ chung cho tất cả mọi đứa trẻ, bởi trẻ dưới 5 tuổi khác, dưới 12 tuổi khác.

Ngoài những trường hợp trẻ mất ngủ, rối loạn giấc ngủ sau COVID-19, lại có trẻ hay quấy khóc, không tập trung, ngủ trằn trọc, hay thức giấc về đêm… sau khi mắc COVID-19. Nguyên nhân được giải thích là virus SARS-CoV-2 tác động vào thần kinh trung ương, hệ phó giao cảm, làm cho trẻ rối loạn giấc ngủ.

Nếu trẻ mất ngủ mức độ nhẹ, các bác sĩ hướng dẫn cha mẹ để trẻ ngủ sâu vào ban đêm, ban ngày hạn chế ngủ, sinh hoạt bình thường. Nếu trẻ bị mất ngủ nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc liều nhẹ để trẻ ngủ sâu cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lí, bác sĩ Thúy cho biết thêm.

Biểu hiện hậu COVID-19

Theo bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương), trẻ có thể gặp hội chứng viêm đa hệ thống sau khi mắc COVID-19 từ 2-6 tuần. Biểu hiện lâm sàng của trẻ là sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, rối loạn đông máu, chỉ số SpO2 giảm, suy đa tạng…

Đáng chú ý, nhiều trường hợp bố mẹ không biết trước đó con đã mắc COVID-19 nhưng khi nhập viện trẻ có tình trạng sốt kéo dài, suy giảm chức năng tim mạch hoặc sốc, phát ban trên da.

“Với các cháu bị hậu COVID-19 chưa có biểu hiện sốc, chưa tổn thương đa cơ quan chỉ điều trị 3-5 ngày có thể ra viện, nhưng các cháu nặng thì phải điều trị dài ngày”, bác sĩ Tuấn nói.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, biểu hiện của hậu COVID-19 ở trẻ gồm: sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc.

Một số bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loạn giấc ngủ hay các rối loạn tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Cá biệt có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp… Theo PGS Điển, hầu hết trẻ mắc COVID-19 có thể tự hồi phục sau 1- 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý những bất thường

“Khi con có biểu hiện bất thường như li bì, thở nhanh, mệt mỏi cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Đặc biệt, với những trẻ có bệnh nền như: đẻ non cân nặng thấp, bệnh phổi mạn, hen, ung thư, bệnh thận mạn, ghép tạng, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh huyết học, bệnh hệ thống, suy giảm miễn dịch, đang điều trị thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch… cần được bảo vệ, theo dõi sát sao hơn bởi các bác sĩ chuyên khoa”, PGS Điển nhấn mạnh.

Bác sĩ Thuý lưu ý cha mẹ phải quan sát xem trẻ có mệt không, khi leo cầu thang có mệt hay hụt hơi hay không hoặc trẻ ít chạy nhảy, thở hổn hển không chứ đừng đợi đến khi trẻ tiến triển nặng, khó thở rồi mới đi khám (Tiền phong, trang 11).

 

Sớm hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua đã đặt đội ngũ cán bộ y tế vào trạng thái luôn sẵn sàng nhận các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới sinh mạng. Vì thế việc hoàn thiện, bổ sung chính sách đãi ngộ là việc cần sớm giải quyết, không chỉ để tri ân, bảo đảm lợi ích nghề nghiệp xứng đáng với các “chiến sĩ áo trắng”, mà còn là một giải pháp cơ bản, lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tính đến nay, dịch Covid-19 ở Việt Nam đã qua bốn giai đoạn với những diễn biến khác nhau, hết sức khó lường. Và để thích ứng linh hoạt với các tình huống mới, qua mỗi giai đoạn công tác phòng, chống dịch cũng có nhiều thay đổi. Trong cả bốn giai đoạn, duy nhất một điều không thay đổi là toàn ngành y luôn quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Song đại dịch đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế, trong đó đội ngũ nhân viên y tế luôn ở tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Ngay từ khi có dịch, ngành y tế đã huy động hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên ở mọi miền Tổ quốc tham gia phòng, chống, hỗ trợ các “điểm nóng” là tâm dịch với mục tiêu khống chế nhanh nhất có thể, giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Để hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế phải thường xuyên làm việc tập trung từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày.

Vào lúc cao điểm, một nhân viên y tế phải theo dõi, chăm sóc hàng chục đến hàng trăm bệnh nhân. Việc những người thầy thuốc không được gặp người thân trong vài tháng liên tiếp đã thành điều bình thường. Không ít người phải chuyển nơi ở vì sợ lây nhiễm người thân, không ít người phải lùi ngày tổ chức đám cưới…

Và những ban thờ bái vọng người thân qua đời do nhân viên y tế không thể về tiễn biệt được sẽ là những hình ảnh không thể nào quên. Chưa kể, có cả những mất mát, hy sinh khi có những cán bộ y tế nhiễm Covid-19 không qua khỏi; 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc. Từ đây phần nào cho thấy tinh thần cống hiến hết sức mình, những hy sinh thầm lặng không thể đo đếm của “những chiến sĩ áo trắng”.

Trước nỗ lực cống hiến, sự tận tâm và công sức của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế một chế độ đãi ngộ thỏa đáng là rất cần thiết, kể cả trong điều kiện không có dịch bệnh. Điều này không chỉ giúp ổn định, nâng cao đời sống hằng ngày, mà còn là sự ghi nhận, khích lệ, động viên của Nhà nước và xã hội với những đóng góp, cống hiến của họ.

Thực tế, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hy sinh của các cán bộ, nhân viên y tế. Đồng thời, cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành y, thể hiện cụ thể qua các chính sách, chế độ đãi ngộ đặc thù nghề nghiệp đã được áp dụng trong thời gian qua.

Đặc biệt, trong hơn hai năm phòng, chống dịch, đã có những thay đổi kịp thời trong chính sách đãi ngộ, phần nào giúp nhân viên y tế yên tâm công tác. Cụ thể như: nâng phụ cấp lên so với quy định cũ; chế độ tiêm vắc-xin, chế độ đối với tình nguyện viên như sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, người có chuyên môn song không hưởng lương từ ngân sách nhà nước,… được hưởng phụ cấp chống dịch.

Ngoài ra, phụ cấp phòng, chống dịch cũng tăng lên đối với người lao động, bao gồm cả người tình nguyện, sinh viên, người có chuyên môn không hưởng lương ngân sách nhà nước làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong thời gian từ ngày 1/8 đến 31/10/2021.

Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập. Theo đó, sẽ nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế thường xuyên làm việc ở cơ sở y tế dự phòng và các trạm y tế.

Có thể thấy, lâu nay, chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế vẫn luôn được quan tâm, nhưng trong hai năm đại dịch Covid-19 đã “nóng” trở lại, bởi bộc lộ một số bất cập, chưa thật sự tương xứng với công sức, cống hiến cũng như áp lực cụ thể trong công việc của đội ngũ cán bộ y tế, nhất là người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Do ảnh hưởng của đại dịch, số lượng người bệnh đến điều trị tại các bệnh viện giảm khiến nguồn thu giảm, nhân viên y tế do đó cũng bị cắt nhiều khoản phụ cấp tăng thêm.

Chế độ phụ cấp đối với điều trị bệnh nhân Covid-19 lại chưa kịp thời và thỏa đáng do nhiều nguyên nhân. Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng chưa ban hành hướng dẫn thực hiện.

Điều này gây không ít trở ngại cho các cơ sở y tế trong việc dự toán, thanh toán, quyết toán chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 và chi phí phòng, chống dịch. Ngoài ra, một bất cập khác là chưa có cơ sở pháp lý và hướng dẫn cụ thể cho việc tiếp nhận nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nên việc thanh toán, chi trả cho những trường hợp được nhận làm việc còn nhiều khó khăn, lúng túng.

Mới đây, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19” với 2.700 nhân viên y tế, trong số này có 53% là nhân viên y tế có tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 hàng ngày và 35,6% nguy cơ nhiễm vi-rút. Theo đó, có hơn 1/3 cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm.

Đáng chú ý, tính tới hết tháng 12/2021, hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào; hơn 80% không thể chi trả hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình. Khoảng 40% trong số những người được khảo sát gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất; khoảng 70% bị lo lắng và trầm cảm…

Trong một cuộc tọa đàm về dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế được tổ chức gần đây, PGS,TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có những chia sẻ rất chân thành và đáng chú ý rằng: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế có thu nhập bằng như trước khi xảy ra đại dịch. Các bệnh viện khác tôi biết là hầu như bị cắt giảm hết tiền thu nhập tăng thêm, chỉ còn lương cơ bản”.

Chia sẻ của một người đã từng đến và trực tiếp điều trị tại những nơi khốc liệt nhất của dịch bệnh cho thấy phần nào khó khăn của cán bộ, nhân viên y tế. Theo thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, riêng 10 tháng đầu năm 2021 đã có gần 1.000 nhân viên y tế tại thành phố xin nghỉ việc. Cũng theo Sở này, số nhân viên nghỉ việc có xu hướng tăng ở vị trí điều dưỡng và bác sĩ ở tuyến trạm y tế và đây là các vị trí vốn còn nhiều băn khoăn về chế độ đãi ngộ.

Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã xác định: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Từ đặc thù là việc đào tạo đội ngũ nhân viên cần thời gian dài, công việc liên quan trực tiếp tính mạng, sức khỏe con người nhưng cũng luôn đối diện với nguy cơ và rủi ro cao, nên không chỉ ở thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, mà cần có cách tiếp cận tổng thể để xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ, đặc thù cho lực lượng y tế ở tất cả các tuyến, các lĩnh vực nhằm ứng phó hiệu quả, kịp thời với các loại bệnh tật và dịch bệnh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, ngoài nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị, thì quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng nhân lực y tế, từ đó, nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh. Song song với đó, cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế cũng rất cần thiết; qua đó, nâng cao được thu nhập đối với nhân viên y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, giúp họ yên tâm công tác.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, chủ trương là nâng cao thu nhập nhưng chế độ tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động. Đối với ngành y, tiền lương không chỉ nhằm nâng cao hơn năng suất, hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân.

Cụ thể, theo ông, trước mắt, khi chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết.

Vì vậy cần sửa Nghị định 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập theo đề xuất của Bộ Y tế, để nâng và điều chỉnh các khoản phụ cấp. Bên cạnh đó, về lâu dài, cần xây dựng một khung chế độ phụ cấp đặc biệt trong đối phó dịch bệnh để khi dịch bệnh xảy ra, có thể áp dụng ngay. Thiết nghĩ đó là các ý kiến thiết thực, không chỉ trong phòng, chống dịch Covid-19, mà còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội đối với “những chiến sĩ áo trắng” hết mình vì người bệnh (Nhân dân, trang 8).

 

Yêu cầu các trường chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi

Ngày 17-3, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM đã có văn bản gởi các đơn vị giáo dục trên địa bàn về công tác chuẩn bị tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi.

Theo đó, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng, đồng thời phối hợp với y tế cơ sở và cha mẹ học sinh để đánh giá ban đầu về tình trạng sức khỏe của trẻ.

Sở lưu ý các đơn vị đặc biệt quan tâm đến những trẻ mắc bệnh lý nền, béo phì… để phối hợp với ngành y tế thực hiện phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh.

Đồng thời, các phòng giáo dục quận, huyện và TP Thủ Đức cần phối hợp với trung tâm y tế để tập huấn bổ sung cho các cơ sở giáo dục chưa tham gia tập huấn về quy trình tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi trước đó.

Văn bản trên cũng đề nghị các nhà trường cần có kế hoạch tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm và trách nhiệm đảm bảo quyền lợi được tiêm của trẻ; tạo sự đồng thuận cho các em được tiêm chủng, tăng cường vận động phụ huynh của những trẻ chưa đồng thuận.

Được biết, để chuẩn bị cho đợt tiêm chủng vắc xin cho nhóm trẻ 5-11 tuổi lần này, đã có hơn 5.626 cơ sở giáo dục ở TP.HCM đã tham gia tập huấn về công tác tiêm chủng.

TP.HCM có khoảng 963.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, là lứa tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong đợt này (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Hà Nội: Các địa phương chủ động thực hiện phương án ứng phó linh hoạt với dịch Covid-19

Sáng 17-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các đơn vị, địa phương.

Chủ động đón khách quốc tế trở lại

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tuần vừa qua (từ ngày 10-3 đến 16-3), Hà Nội trung bình ghi nhận 28.968 ca bệnh/ngày, tương đương kỳ báo cáo trước. Trong đó, ngày cao nhất ghi nhận 31.899 ca.

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, thời gian qua, số ca mắc vẫn còn cao nhưng đang có xu hướng giảm, các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch (kiểm soát tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống) vẫn bảo đảm, phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trong đó, công tác phòng, chống dịch được triển khai quyết liệt, hiệu quả…

Tại phiên họp, đại diện các quận, huyện: Mỹ Đức, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thường Tín, Phú Xuyên… đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn trong tuần qua. Trong đó, các địa phương đặc biệt nhấn mạnh đến chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân; công tác điều trị các F0 thể nhẹ, không triệu chứng; việc phân tuyến điều trị các bệnh nhân nặng phải chuyển tầng; bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trực tiếp tại trường.

Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết, những ngày qua, lượng khách đến tham quan chùa Hương tăng đáng kể nên công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn luôn được chú trọng. Còn lãnh đạo quận Hoàn Kiếm thông tin, quận đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch khi mở lại không gian đi bộ trên địa bàn từ ngày 18-3.

Đại diện Sở Du lịch cho biết, kể từ ngày 15-3, hoạt động du lịch đã được mở cửa hoàn toàn, bao gồm cả du lịch nội địa, đón khách quốc tế, đưa khách đi nước ngoài. Sở Du lịch đang khẩn trương xây dựng phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới bảo đảm an toàn theo hướng dẫn của trung ương và thành phố.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Sở Du lịch kiến nghị các địa phương có kế hoạch tổ chức hoạt động du lịch đồng bộ, từ các điểm di tích đến các dịch vụ liên quan. Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách về các sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp để người dân lựa chọn. Đặc biệt, SEA Games 31 là cơ hội để quảng bá du lịch Thủ đô với bạn bè quốc tế, vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, chuẩn bị chu đáo cho sự kiện này.

Tránh dịch chồng dịch

Thông tin tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Lưu Hoa cho biết, tuần qua, tỷ lệ giáo viên và học sinh mắc Covid-19 giảm mạnh. Tình hình dạy học trực tiếp tại các trường vẫn bảo đảm và duy trì thích ứng linh hoạt theo các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo.

Trước diễn biến của dịch, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục cập nhật thông tin đầy đủ liên quan đến công tác phòng, chống dịch; đồng thời, tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục kịp thời báo cáo, xây dựng các phương án phù hợp với tình hình thực tế để cho học sinh trở lại trường.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể giúp các quận, huyện, thị xã căn cứ vào số ca mắc để chủ động quyết định việc dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 phù hợp tình hình mới.

Đánh giá về tình hình dịch trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà khẳng định, số ca mắc, số ca nhập viện có chiều hướng giảm trong 7 ngày gần đây. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân chuyển tầng điều trị cũng có xu hướng giảm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, cần tăng cường công tác giám sát các chủng vi rút trên địa bàn, giám sát các bệnh nhân để chủ động đối phó khi chủng mới xuất hiện cũng như có giải pháp ứng phó trong tình hình mới.

Để thích ứng với tình hình mới, bà Trần Thị Nhị Hà đề xuất tiếp tục thực hiện kế hoạch bảo vệ, giám sát người có nguy cơ và nguy cơ cao; tăng tốc hơn nữa tiêm phủ mũi 3 cho toàn bộ người dân; tăng cường truyền thông, đặc biệt là việc đeo khẩu trang và khử khuẩn, tự chăm sóc sức khỏe tại nhà… Các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm soát bệnh nhân tại địa bàn, trong đó theo dõi bệnh nhân trên phần mềm để kịp thời chuyển tầng với bệnh nhân nặng; tăng cường cấp phát thuốc cho các đối tượng đủ điều kiện; quan tâm phòng, chống dịch bệnh theo mùa để tránh dịch chồng dịch…

“Mở cửa” hoạt động nhưng không chủ quan

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 vẫn còn cao nhưng đã có xu hướng giảm, tỷ lệ F0 nhập viện thấp, số ca tử vong giảm. Điều đó cho thấy thành phố đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Thành phố đã rà soát, kiện toàn, bổ sung lại các tổ theo dõi, hỗ trợ người nhiễm Covid-19 tại nhà và tổ Covid-19 cộng đồng với gần 120 nghìn người tham gia.

“Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở và sự tham gia hỗ trợ của người dân, công tác phòng, chống dịch của thành phố được triển khai hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đánh giá.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội đã “mở cửa” trở lại các hoạt động để thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng bảo đảm kiểm soát tình hình dịch. Vì thế, các quận, huyện cần chủ động hơn nữa trong xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các bệnh nhân có bệnh nền, người già, nhóm có nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục huy động sự vào cuộc của các tổ hỗ trợ, chăm sóc F0 điều trị tại nhà. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc xin bổ sung mũi 3 và kết thúc trong tháng 3-2022.

Liên quan đến vấn đề Việt Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Du lịch chủ động các phương án để bảo đảm đón du khách an toàn, phòng, chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Đồng thời, Sở Du lịch cần phối hợp với các cơ quan báo chí để đẩy mạnh truyền thông, nhất là trong thời gian diễn ra SEA Games 31, góp phần thúc đẩy quảng bá du lịch, thu hút du khách quốc tế đến với Hà Nội.

Tại phiên họp, đồng chí Chử Xuân Dũng cũng đề nghị Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc thực hiện chữ ký số nhằm hỗ trợ giải quyết thủ tục thanh toán bảo hiểm xã hội cho các F0; đề nghị các đơn vị, địa phương căn cứ các chỉ đạo mới nhất của thành phố tại văn bản số 735/UBND-KGVX ngày 15-3-2022 để xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó chú trọng các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch.

“Việc thành phố mở cửa trở lại các hoạt động không có nghĩa là buông lỏng, mà có kiểm soát, quản lý hiệu quả. Công việc sẽ nhiều hơn, trách nhiệm nặng nề hơn, đòi hỏi các địa phương phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh (Hà Nội mới, trang 1; An ninh thủ đô, trang 2).

 

Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội

Ngày 17-3, Bộ Y tế có Công điện 365/CĐ-BYT về việc tiếp tục thanh tra, kiểm tra, tăng cường quản lý về thuốc điều trị Covid-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 tại các địa điểm kinh doanh không được cấp phép theo quy định hoặc trên các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, các hoạt động mua, bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Bộ Y tế, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị Covid-19 (như: Thuốc kháng vi rút Molnupiravir, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19) tăng cao. Kéo theo đó là các nguy cơ đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc, bán thuốc không đúng quy định, rao bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội.

Ngày 1-3-2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 976/BYT-QLD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán và sử dụng thuốc điều trị Covid-19.

Để bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc cho nhu cầu điều trị Covid-19; bảo đảm chất lượng thuốc với giá thành hợp lý và tuân thủ quy định của pháp luật trong kinh doanh thuốc, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế về mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19.

Đồng thời, cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dược theo nội dung tại Công văn số 976/BYT-QLD ngày 1-3-2022 của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố như Ban Chỉ đạo 389, quản lý thị trường, Công an tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng khác tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19; các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 tại các địa điểm kinh doanh không được cấp phép theo quy định hoặc trên các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, các hoạt động mua, bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Các địa phương chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong mua, bán thuốc nói chung và thuốc điều trị Covid-19 nói chung; niêm yết giá và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai. Hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn; thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt thuốc trong kinh doanh dược (GSP, GDP, GPP) và các quy định khác trong kinh doanh dược”, Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ Y tế đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Công điện nêu trên; đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm các tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (Hà Nội mới, trang 7; Công an nhân dân, trang 1).

 

TP.HCM: F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu hạ nhiệt

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 17.3, TP.HCM có 2.370 ca mắc mới được công bố và 5.563 ca test nhanh dương tính. Tuy nhiên, chỉ có 742 ca nhập viện và 2 ca tử vong. Cùng ngày, có 689 ca xuất viện và hơn 17.000 ca hoàn thành cách ly tại nhà. Như vậy, tính đến hết ngày 17.3, TP.HCM đang cách ly, chăm sóc và điều trị cho 100.230 ca.

Trong đó có 5.326 ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3. Số ca nặng có xu hướng tăng nhẹ, cụ thể có 616 ca thở ô xy và 97 ca thở máy xâm lấn. Tuy nhiên số ca F0 cách ly tập trung cũng giảm xuống còn 566 ca và cách ly tại nhà từ hơn 100.000 ca giảm xuống còn hơn 94.288 ca.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị – tư tưởng (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết kết quả khảo sát sự đồng thuận của phụ huynh học sinh từ 5 – 12 tuổi về tiêm vắc xin Covid-19 như sau: mầm non có 60,5% đồng thuận, tiểu học có 81,2% và THCS có 87,7%. Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục chuẩn bị một cách tốt nhất để sẵn sàng tiêm vắc xin cho học sinh trong độ tuổi này ngay khi có kế hoạch; đồng thời tổ chức truyền thông lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tạo sự đồng thuận cao hơn (Thanh niên, trang 5).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/8/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 19/7/2021

CDC Hà Nam