Điểm báo ngày 18/5/2022

(CDC Hà Nam)
Những đối tượng nào cần tiêm mũi 4 vaccine Covid-19?; Hãy vì người bệnh; Nhập viện vì uống nước làm mát ôtô vì tưởng bia, nước giải khát…

 

Cảnh giác với bệnh sán lá gan nhỏ do ăn cá chưa nấu chín

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 1172/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan nhỏ. Theo đó, bệnh sán lá gan nhỏ là bệnh ký sinh trùng do sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan gây nên những tổn thương đường mật, túi mật và các cơ quan khác với các bệnh lý tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm.

Tại Việt Nam có 2 loài sán lá gan nhỏ là C.sinensis và O.viverrini phân bố ở ít nhất 32 tỉnh, thành phố. Người nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn các thức ăn từ cá chưa được nấu chín có ấu trùng sán lá gan nhỏ còn hoạt động, như: Gỏi cá, lẩu cá, cá muối, cá ngâm giấm, cá khô, cá hun khói…

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh này, đó là rối loại tiêu hóa (phân sống, khó tiêu, đầy bụng, ậm ạch, ăn nhiều mỡ đau tăng lên); chán ăn, mệt mỏi, gầy sút; đau tức phía hạ sườn và vùng gan, xuất hiện khi lao động nặng, đi lại hoặc sức khỏe giảm sút. Đôi khi cơn đau gan điển hình kèm theo vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp có thể còn sạm da. Ngoài ra, gan có thể sưng to dưới bờ sườn, mềm, mặt nhẵn và tiến triển chậm, lúc này có thể đau điểm túi mật.

Để phòng ngừa bệnh sán lá gan, theo Bộ Y tế, người dân không nên ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cá chưa nấu chín; không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước… (Hà Nội mới, trang 5).

 

TPHCM triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi 4

Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức vừa ký Kế hoạch tổ chức tiêm vaccine Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân trên địa bàn thành phố số 1591/KH-UBND. Mục đích đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine, tạo miễn dịch bền vững phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, có 3 nhóm đối tượng tại TPHCM tiêm mũi 4, gồm: Người từ 50 tuổi trở lên (hơn 1,8 triệu người); người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến nặng và người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19.

Thành phố dự kiến bắt đầu tiêm mũi 4 ngay khi được Bộ Y tế cung ứng vaccine Covid-19 theo nguyên tắc đơn vị nào chuẩn bị sẵn sàng và bảo đảm an toàn tiêm chủng thì triển khai.

Loại vaccine Covid-19 được sử dụng là vaccine mRNA (vaccine do Hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vaccine do AstaZeneca sản xuất, vaccine cùng loại với mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3).

Khoảng cách ít nhất 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), đối với  người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc Covid-19.

Theo kế hoạch, UBND phường, xã, thị trấn lập danh sách người dân thuộc các nhóm đối tượng nêu trên để tổ chức tiêm tại địa phương. Lưu ý, về cơ bản, danh sách đã có trên nền tảng Quản lý tiêm chủng vaccine Covid-19 ngành y tế cung cấp biểu mẫu lập danh sách cho các đơn vị. Đồng thời tiếp tục thực hiện qui trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vaccine Covid-19 và triển khai xác nhận Hộ chiếu vaccine.

UBND TPHCM yêu cầu tổ chức các hình thức tiêm chủng thuận lợi cho người dân và bảo đảm ất lượng, an toàn tiêm chủng, an toàn phòng chống dịch. Tổ chức nhiều hình thức tiêm chủng đáp ứng nhu cầu người dân, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và đơn vị tiêm chủng như: điểm tiêm tại cơ sở y tế, điểm tiêm/xe tiêm chủng lưu động trong cộng đồng, đội tiêm tại nhà cho người dân không thể đến điểm tiêm chủng. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Hãy vì người bệnh

Nhiều bệnh viện và người bệnh đang cảm thấy hoang mang khi ngày 9-5, Bộ Y tế phát hành Công văn số 2348 gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam có nội dung bãi bỏ Công văn số 2009 ngày 12-4-2018 về thanh toán các dịch vụ kỹ thuật y tế sử dụng máy mượn, máy đặt ở các bệnh viện. Đến ngày 12-5, BHXH Việt Nam có Công văn số 1261 gửi cơ quan BHXH các tỉnh thành về việc dừng thanh toán bảo hiểm y tế đối với dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy đặt kể từ ngày 9-5. Rõ ràng, 2 công văn trên của Bộ Y tế và BHXH, không chỉ khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong hoạt động chuyên môn mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh.

Lâu nay, việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt của đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất vào bệnh viện là rất phổ biến, thậm chí còn góp phần không nhỏ trong khám chữa bệnh. Đơn cử, mỗi năm Bệnh viện K thực hiện tới 4 triệu xét nghiệm sinh hóa – miễn dịch, 1 triệu xét nghiệm huyết học, vi sinh… và đa số thiết bị thực hiện những kỹ thuật xét nghiệm là máy mượn, máy đặt của đơn vị trúng thầu vật tư hóa chất. Sở dĩ các cơ sở y tế và người bệnh phụ thuộc nhiều vào máy mượn, máy đặt của doanh nghiệp là do lâu nay vốn ngân sách đầu tư nâng cấp, phát triển trang thiết bị y tế còn hạn chế. Trong khi nhu cầu của người dân về chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tăng cao nên nhiều bệnh viện đã chọn lựa hình thức mượn, hoặc cho phép đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt máy móc, thiết bị tại bệnh viện. Đây được xem là hình thức “hợp tác” phù hợp thực tế, các bên đều có lợi và quan trọng hơn là người bệnh được nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị.

Thực tế cũng cho thấy không ít bệnh viện đã lợi dụng việc này để trục lợi, gây ảnh hưởng tới Quỹ Bảo hiểm y tế và người bệnh bằng cách lạm dụng, chỉ định tràn lan xét nghiệm, chiếu chụp liên quan tới máy mượn, máy đặt, hoặc nhập nhằng trong sử dụng thiết bị y tế do ngân sách đầu tư với thiết bị y tế mượn, đặt của doanh nghiệp. Do vậy, suốt thời gian qua, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã có không ít điều chỉnh, thay đổi chính sách liên quan đến việc máy mượn, máy đặt tại bệnh viện. Tuy nhiên, 2 cơ quan này đều chưa tìm được các biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả đúng các quy định pháp luật về hoạt động máy mượn, máy đặt. Thậm chí, ngay cả đề nghị dừng thanh toán bảo hiểm y tế đối với dịch vụ thực hiện bằng máy mượn hoặc đặt cũng không có sự hợp lý, thống nhất giữa 2 cơ quan khiến bệnh viện và địa phương rất lúng túng, khó xử.

Hiện nay, trên 90% dân số đã có bảo hiểm y tế. Khi người dân đến cơ sở khám chữa bệnh, không được thanh toán bảo hiểm y tế không chỉ bị ảnh hưởng quyền lợi mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Bởi lẽ, khi không được thanh toán bằng bảo hiểm y tế, người bệnh buộc phải đứng trước sự cân nhắc, lựa chọn là bỏ tiền túi ra điều trị, hay là chấp nhận bệnh tật, rủi ro không điều trị vì không có tiền chi trả dịch vụ y tế. Nếu để xảy ra việc cực chẳng đã này ở người bệnh, rõ ràng Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Thời gian qua, người bệnh đã rất vất vả trước không ít những quyết định khó hiểu và bất thường của cơ quan quản lý. Nhiều người vẫn không thể quên cảnh người lao động ở nhiều địa phương vật vã xếp hàng chờ đợi xin cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19 để hưởng chế độ, trong đó có chế độ nghỉ hưởng BHXH. Còn mới đây, một số bệnh viện tại TPHCM bị thiếu thuốc chống thải ghép khiến bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài với giá cao chỉ vì chậm trễ đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia. Để chính sách bảo hiểm y tế bền vững, đảm bảo an sinh cho mọi người, đòi hỏi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những khó khăn trên và có cách thức quản lý hoạt động khám chữa bệnh hiệu quả, bền vững hơn, chứ không chỉ là những quyết định vội vã. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Nhập viện vì uống nước làm mát ôtô vì tưởng bia, nước giải khát

Nghĩ hai lon nước được người quen cho là bia hoặc nước giải khát, hai vợ chồng ở Long Biên, Hà Nội vô tư uống mà không ngờ đó là nước làm mát ô tô, phải nhập viện 108 trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ.

Theo lời kể của bệnh nhân, họ được người quen cho 2 lon nước 1 màu xanh, 1 màu đỏ, không dặn dò thêm. Nhìn vỏ lon, hai vợ chồng nghĩ là bia và nước giải khát có ga nên bỏ ra uống trong bữa cơm.

Thấy loại nước không có mùi vị gì nên lúc này người chồng mới tra cứu trên mạng theo chữ trên vỏ lon, tá hoả khi biết đó là nước làm mát động cơ ô tô. Hai người vội vàng đưa nhau đến Bệnh viện 108.

Bệnh nhân được rửa dạ dày tại Khoa Cấp cứu và chuyển vào Trung tâm Hồi sức tích cực theo dõi. Nhờ phát hiện và xử trí kịp thời, hai bệnh nhân xuất viện sau 3 ngày.

Đây là tình huống hy hữu, nhưng theo các bác sĩ cần phải cảnh báo cho mọi người về thói quen đọc kỹ nhãn mác trước khi sử dụng.

Theo  BSCKI Nguyễn Thị Huyền Trang, Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện 108) khi ăn uống bất cứ sản phẩm nào cần đọc kĩ nhãn mác, thành phần và công dụng để tránh những nhẫm lẫn đáng tiếc.

Trong trường hợp này, lon nước có hình dạng và màu sắc nhãn mác khá giống lon nước giải khát và bia, chữ viết trên lon hoàn toàn bằng tiếng Anh, không có nhãn phụ tiếng Việt (nhiều khả năng là hàng xách tay hoặc nhập khẩu không chính ngạch) nên dễ khiến người dùng nhầm lẫn đặc biệt là người già, trẻ em và hạn chế về ngoại ngữ.

Về mặt khoa học, loại nước này có thành phần chính là Ethylen glycol, một loại chất lỏng không màu, không mùi, vị ngọt có tác dụng làm mát và chống đông cứng dùng trong các động cơ đốt trong.

Khi vào cơ thể nó sẽ phân tách thành acid glycolic và acid oxalic, gây nhiễm toan, tăng khoảng trống áp lực thẩm thấu máu, gây đau bụng, nôn mửa, nặng có thể suy thận, tổn thương não, tụt huyết áp và tử vong.

Nếu phát hiện uống nhầm nước làm mát, ngay lập tức cần gây nôn, rửa dạ dày và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và xử lý kịp thời. Bệnh nhân nên mang theo lon nước đã uống để làm căn cứ cho chẩn đoán và xử trí sớm.

Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện TWQĐ 108 đến nay đã tiếp nhận và xử trí thành công nhiều trường hợp ngộ độc rượu, thuốc diệt chuột, thuốc nam không rõ nguồn gốc, ong đốt, rắn cắn…

BS Trang khuyến cáo mỗi người cần thận trọng bảo vệ sức khoẻ của mình, không sử dụng bất cứ sản phẩm nào không chắc chắn về nguồn gốc, bản chất, công dụng. Các nhà sản xuất cũng cần có những cảnh báo rõ ràng trên sản phẩm, có nhãn phụ bằng tiếng Việt với các sản phẩm nhập khẩu để tránh nhầm lẫn đáng tiếc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Những đối tượng nào cần tiêm mũi 4 vaccine Covid-19?

Một số địa phương đã và đang chuẩn bị triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 cho người đã tiêm 3 mũi trước đó, tuy nhiên theo Bộ Y tế, không phải tất cả người dân đều cần tiêm mũi 4…

Ngày 17-5, Bộ Y tế ban hành Công điện số 665/CĐ-BYT về việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 16-5, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 217 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên hiện tại, tiến độ tiêm mũi 3 (liều nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Để sử dụng hiệu quả vaccine phòng Covid-19, tăng tỷ lệ bao phủ, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục khẩn trương tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo hoàn thành trong quý II-2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đồng thời, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đảm bảo an toàn, hiệu quả và hoàn thành việc tiêm cho trẻ đủ điều kiện tiêm chủng trong quý II-2022.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, bảo đảm không bỏ sót đối tượng tiêm chủng, vận động người dân tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine để triển khai tiêm mũi 4 (tiêm liều nhắc lại lần 2).

Bộ Y tế nhấn mạnh, đối tượng tiêm mũi 4 gồm người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.

Khoảng cách tối thiểu của mũi 4 với mũi thứ 3 là 4 tháng. Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 sẽ trì hoãn 3 tháng sau khi mắc Covid-19. (An ninh Thủ đô, trang 8).

Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 31/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 27/4/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/6/2019

Mậu Ngọ