Điểm báo ngày 18/9/2019

(CDC Hà Nam)
  Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ VN Pharma nhập thuốc giả; An toàn người bệnh là ưu tiên của sức khỏe toàn cầu; Bệnh do vi khuẩn ‘ăn thịt người’ Whitmore không phải bệnh lạ, không cần quá lo lắng; Cảnh báo: 25% ca mắc sốt xuất huyết nặng vào Bệnh viện Bạch Mai là phụ nữ mang thai…

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ VN Pharma nhập thuốc giả

Qua thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những vi phạm trong vụ VN Pharma nhập hơn 9.300 hộp thuốc chữa ung thư giả…

Chiều nay, 16-9, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã ký ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, khi phát hiện vi phạm liên quan đến hồ sơ hành chính liên quan đến việc nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita Caplet 500mg (thuốc chữa ung thư) của Công ty Austin Hong Kong vào Việt Nam, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế đã kịp thời niêm phong lô thuốc không cho lưu hành thuốc ra thị trường.

Đồng thời, Cục Dược cũng kịp thời gửi văn bản đến cơ quan Công an đế điều tra, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền; thu hồi số đăng ký 07 thuốc, thu hồi giấy phép nhập khẩu 03 thuốc và thu hồi giấy phép hoạt động của Công ty Helix. Các đơn vị được kiểm tra thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về đấu thầu mua thuốc, chưa thấy có biểu hiện ưu tiên để Công ty CP VN Pharama trúng thầu.

Tuy vậy, Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng trong thời gian qua ngành y tế còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; khâu cấp phép nhập khấu thuốc; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; công tác đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân”.

Theo đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 4 sai phạm, tồn tại lớn của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan trong việc để xảy ra những sai phạm liên quan đến cấp phép nhập khẩu thuốc của công ty Helix và việc trúng thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của VN Pharma. Cụ thể:

Về việc thẩm định, cấp số đăng ký đối với 07 thuốc của Công ty Helix, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, thời hạn thẩm định và cấp số đăng ký chậm so với quy định từ 100 đến 150 ngày là vi phạm khoản 1 Điều 32 Thông tư 22/2Q09/TT-BYT và QT.QLD.56; Những thiếu sót, vi phạm này thuộc trách nhiệm các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định.

Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2009/TT-BYT còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ, đây là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc trong hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời.

“Trách nhiệm này thuộc Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược thời điểm năm 2009 trong việc tham mưu, xây dựng và ban hành thông tư; đồng thời Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược thời kỳ 2011-2014 cũng chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu sự quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung Thông tư số 22/2009/TT- BYT cho phù hợp” – kết luận thanh tra nêu.

Về việc thẩm định, cấp giấy phép nhập khẩu đối với 03 thuốc của Công ty Helix, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, thời hạn xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu 03 thuốc chậm từ 28 đến 60 ngày là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 47/2010/TT-BYT. Trách nhiệm về vi phạm này thuộc các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định.

Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, tuy nhiên khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT nội dung quy định còn bất cập, chưa đầy đủ.

Thực tế trong 3 năm (2012, 2013, 2014), Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký cũng không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 03 thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500mg).

“Những bất cập, chưa đầy đủ của Thông tư số 47/2010/TT-BYT nêu trên là một trong những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu ngày 30/12/2013 nhưng giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hồng Kông đã hết hạn từ ngàỵ 06/10/2013 và ngày 11/4/2014 Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Tân Sơn Nhất đã cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam” – kết luận Thanh tra nêu.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh thêm: “Từ việc ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT không đúng nội dung với Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam là vi phạm Điều 5 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg. Trách nhiệm thuộc Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược”.

Về việc thẩm định, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, chính việc Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2011/TT-BYT còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ là một trong những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý dẫn đến tình trạng trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động của Công ty Helix có tài liệu bị làm giả.

Từ kết luận thanh tra trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế để xảy ra những tồn tại, vi phạm đã nêu tại Kết luận thanh tra này.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo Cục Quản lý dược và Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ tổ chức kiểm điểm, có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những vi phạm trong việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký đối với 10 thuốc, cấp phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014; công tác đấu thầu mua thuốc tại các bệnh viện tuyến trung ương đã được thanh tra.

Đặc biệt, kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita Caplet 500mg của Công ty Austin Hong Kong vào Việt Nam ngày 11/4/2014 trong khi giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc của Công ty này đã hết hạn từ ngày 06/10/2013.

Thanh tra Chính phủ cũng chuyển Kết luận thanh tra sang Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, Đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điếm, vi phạm nêu tại Kết luận này.

Đồng thời, chuyển Kết luận thanh tra đến Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đế phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến việc Công ty cổ phần VN Pharma nhập khẩu thuốc, bán thuốc H-Capita do Công ty Helix sản xuất. (An ninh Thủ đô, trang 6).

An toàn người bệnh là ưu tiên của sức khỏe toàn cầu

Ngày 17-9, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày An toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất”.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới chỉ rõ, cứ 10 người bệnh, thì có một người người bị tổn hại trong quá trình tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh. Trong đó, tới 50% nguyên nhân có thể phòng tránh được. Ngoài ra, có tới hơn một triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Tại lễ mít tinh, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, bệnh viện là nơi chăm sóc sức khỏe cho người bệnh song đây lại chính là môi trường nguy cơ cao, nơi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ bất kỳ dịch vụ khám chữa bệnh nào. Ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình chẩn đoán, chăm sóc, điều trị đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Hơn thế nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực tâm lý, Vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc phát động Ngày An toàn người bệnh thế giới nhằm nâng cao nhận thức về an toàn người bệnh trên toàn cầu với chủ đề “An toàn người bệnh là ưu tiên của sức khỏe toàn cầu” với mục tiêu trước tiên là không gây nguy hại cho người bệnh. “Thông qua sự kiện này, ngành Y tế cũng muốn chuyển tải thông điệp tới các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách hãy quan tâm tới an toàn người bệnh và đặt thành một ưu tiên y tế quốc gia”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Với các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và dược sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi, hãy xem người bệnh như đối tác của mình trong chăm sóc sức khỏe cho họ, hợp tác với người bệnh để tạo văn hóa an toàn người bệnh một cách minh bạch và cởi mở, đồng thời khuyến khích báo cáo không đổ lỗ và học từ những sai sót. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Bệnh do vi khuẩn ‘ăn thịt người’ Whitmore không phải bệnh lạ, không cần quá lo lắng

Sau trường hợp nữ bệnh nhân nguy kịch vì nhiễm vi khuẩn ‘ăn cánh mũi’ ở Bệnh viện Bạch Mai, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc một số bệnh viện khác cũng ghi nhận ca bệnh do loại vi khuẩn ‘ăn thịt người’ có tên Whitmore gây ra, khiến nhiều người cảm thấy hoang mang. Trước tình trạng trên, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế vừa chính thức đưa thông tin khuyến cáo, trong đó nhấn mạnh: Whitmore là bệnh ít gặp nhưng không phải hiếm, không gây thành dịch, bệnh cũng khó lây truyền từ người sang người.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Whitmore là bệnh hiếm, bệnh lạ, bệnh quay lại sau nhiều năm vắng bóng và khẳng định, căn bệnh này vẫn thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch.

“Nước ta là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường “chân lấm, tay bùn” vi khuẩn Whitmore – là một loại vi khuẩn gram âm, luôn tồn tại trong bùn, đất – nên với người không có miễn dịch đủ mạnh thì dễ mắc bệnh” – GS Kính nói. Còn về việc gần đây các bệnh viện ghi nhận nhiều ca bệnh whitmore, ông Kính cho rằng, nguyên nhân vì cao điểm của các ca bệnh whitmore thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 7-11 hàng năm.

Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM phân tích, “vi khuẩn ăn thịt người” thật ra trong y khoa có bàn nhưng không phải là về căn bệnh whitmore mà nhiều người đang lo lắng.

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia có trong đất và nước không sạch, xâm nhập vào cơ thể qua vùng da trầy xước. Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là “ăn thịt người”. Bệnh này không dễ mắc nếu sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ, vì thế người dân không cần phải quá lo lắng.

Vấn đề đáng ngại nhất là bệnh whitmore ít gặp nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính. Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có số liệu chính xác về tình hình mắc bệnh whitmore tại Việt Nam, chỉ có ghi nhận số mắc tại nhiều đia phương và các trường hợp nhập viện điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bệnh whitmore gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước.

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện 5 biện pháp sau:

– Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

– Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

– Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

– Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

– Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời. (An ninh Thủ đô, trang 6; Lao động, trang 3).

 

Cảnh báo: 25% ca mắc sốt xuất huyết nặng vào Bệnh viện Bạch Mai là phụ nữ mang thai

Trong tháng 8 vừa qua, tại Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị nội trú cho 66 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) biến chứng nặng, đáng nói chiếm tới 1/4 số này là phụ nữ mang thai…

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây, số bệnh nhân mắc SXH vào Trung tâm này điều trị nội trú tăng cao, bình quân mỗi ngày tiếp nhận mới hàng chục ca đến khám.

Dù chưa ghi nhận ca tử vong song đã có rất nhiều bệnh nhân vào viện với các dấu hiệu nặng, thậm chí nguy kịch, như: Sốc, tiểu cầu quá thấp… Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ mang thai bị SXH biến chứng nặng chiếm tới 1/4 số bệnh nhân nội trú, đây là một thực trạng rất cảnh báo.

PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, thai phụ mắc SXH dễ có nguy cơ sảy thai, đẻ non, rong huyết. Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, SXH dễ làm chảy máu, tăng nguy cơ rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi.

Trước lo ngại về việc thai phụ bị SXH có thể phải bỏ thai, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, hiện nay không có chỉ định sản phụ mắc SXH phải bỏ thai, nhiều sản phụ khi mắc bệnh, điều trị xong vẫn sinh con bình thường mà không ảnh hưởng gì…

Điều quan trọng là khi thai phụ nghi mắc SXH cần chủ động đi khám sớm, nhập viện điều trị.

Để phòng SXH, các thai phụ nói riêng và người dân nói chung cần triển khai các biện pháp mà ngành y tế đã khuyến cáo như vệ sinh môi trường ở nơi sinh sống để tránh muỗi phát triển; ngủ buông màn, mặc quần áo dài, chân đi tất hoặc thoa kem để tránh muỗi đốt; dùng các biện pháp diệt muỗi… (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Vì sao phát triển Trường ĐH Y Dược TP.HCM thành ĐH?

Dư luận đang quan tâm vì sao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại có đề nghị phát triển Trường ĐH Dược  TP. HCM thành đại học về sức khỏe. Thực tế phát triển của trường này cho thấy đây là định hướng trong thời gian tới. Và ở đây sự thay đổi quan trọng là mô hình chứ không phải tên gọi.

Trường ĐH Dược  TP. HCM  đã có đề án phát triển trường theo mô hình ĐH với các trường thành viên. Đề án này đã gửi Bộ Y tế 1 năm trước nhưng đến nay vẫn còn bị “vướng”.

năm hoặc vài năm nữa ?

Quy định chuyển trường ĐH thành ĐH

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH, điều kiện để chuyển từ trường ĐH thành ĐH gồm: trường ĐH này phải đạt chuẩn kiểm định chất lượng; có ít nhất 5 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có nghị quyết của hội đồng trường; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường ĐH (trường công lập) và sự đồng thuận của nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp (trường tư thục); có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của trường.

Trong lễ khai giảng năm học mới của Trường ĐH Y Dược TP.HCM chiều 16.9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có đề nghị về việc phát triển Trường ĐH Y Dược TP.HCM thành ĐH Sức khỏe TP.HCM. Trong ĐH này sẽ gồm các trường như: Y, Nha, Dược, Y học cổ truyền, Kỹ thuật y khoa, Điều dưỡng… Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ này trường đang “nợ” và ý tưởng này đã có từ 15 năm trước.

Cũng trong buổi lễ, Bộ trưởng đã nhắc nhở trường về việc gọi tên “ĐH” là không đúng. “Chỉ có thể là ĐH Sức khỏe, dưới đó có school (trường). Nhưng hiện nay dưới trường chỉ có khoa nên chúng ta chỉ có thể gọi là trường ĐH thôi, chưa thể gọi là ĐH và cái này Bộ GD-ĐT đã góp ý rồi”, bà Tiến nói.

Trước việc Trường ĐH Y Dược TP.HCM khai giảng, nhưng chỉ có sinh viên khoa Y tham dự, Bộ trưởng nói thêm: “Nhưng kể cả có tất cả các khoa thì cũng chỉ là Trường ĐH Y Dược TP.HCM thôi chứ chưa phải là ĐH. Các đồng chí phải đổi tên là ĐH Sức khỏe TP.HCM, trong đó có Trường Y và khoa này là một trường rồi, rồi Trường Nha, Trường Dược, Trường Y học cổ truyền…”.

Về việc phát triển trường, Bộ trưởng nói: “Có thể thay đổi thành ĐH Sức khỏe sớm nhất. Nếu chúng ta không đổi mới chúng ta sẽ tụt hậu so với Lào…”. Bộ trưởng nói thêm: “Theo tôi chỉ đổi tên lắp người còn vị trí quá chuẩn. Trường này xứng đáng là một trường ĐH y khoa lớn nhất cả nước”. (Thanh niên, trang 17).

 

BV kêu thiếu thuốc trị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng nhưng nhiều bệnh viện khu vực phía Nam lại kêu dịch cao phân tử – tên thương mại là Refortan, một loại thuốc điều trị sxh lại khan hiếm … (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Căng mình chống dịch sốt xuất huyết

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang vào mùa cao điểm. Tại nhiều tỉnh, thành, nhất là TPHCM, khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, số ca mắc SXH tăng rất cao so với cùng kỳ, nhiều trường hợp tử vong. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Số ca mắc không ngừng tăng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (CDC), nhiều quận huyện xuất hiện ổ dịch SXH, đặc biệt tại huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh… có hàng trăm ổ dịch SXH và hơn 900 điểm nguy cơ phát sinh dịch. Đây là những địa bàn rộng, có nhiều bãi đất trống tập kết rác thải, nhiều tuyến đường có nước ứ đọng… tạo điều kiện để lăng quăng, muỗi vằn sinh sôi. Thống kê của CDC, tổng số ca mắc SXH trong tháng 8 trên toàn TP là 7.833 ca, tăng 18% so với tháng 7, trong đó có 4.477 ca nội trú và 3.356 ca ngoại trú. Tổng số ca trong 8 tháng qua là 39.814 ca (gồm 22.894 ca nội trú và 16.920 ca ngoại trú), tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018.

Tương tự, tại các tỉnh ĐBSCL, dịch SXH cũng bùng phát ở nhiều địa phương. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho thấy, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 876 ca SXH, tăng hơn 43,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, số ca mắc SXH điều trị tại bệnh viện tăng mạnh trong 3 tháng gần đây với tổng số 335 ca.

Bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết, hiện số lượng ca SXH nhập viện đang tăng rất mạnh, nhiều ca bệnh nặng. Còn tại Đồng Tháp, chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 1.351 ca mắc SXH (tăng 71,7% so với cùng kỳ) và đã ghi nhận 2 ca tử vong.

Tại Tiền Giang, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 2.400 ca SXH, tăng 163% so cùng kỳ, trong đó đã có 2 ca tử vong. Riêng tại Sóc Trăng, tính đến ngày 13-9, toàn tỉnh ghi nhận 1.223 ca SXH (tăng 40% so với cùng kỳ)…

Đến nay, khu vực ĐBSCL đã ghi nhận 8 ca tử vong do SXH, trong khi diễn biến dịch gia tăng ca mắc mới, có nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng. Điều đáng ngại là không chỉ trẻ em mà số người lớn mắc SXH cũng tăng cao.

Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận đang là 1 trong 15 tỉnh thành có số ca SXH tăng cao trong cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 2.900 ca mắc (cao gần gấp 5 lần so cùng kỳ 2018), trong đó có 1 trường hợp tử vong tại huyện Tánh Linh. Dự báo thời gian tới số người mắc sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả.

* Ngày 17-9, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại TP Đà Nẵng. Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, hiện địa phương đứng thứ 3 trong 11 tỉnh miền Trung về số ca mắc SXH.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện đang là mùa mưa nên nguy cơ bệnh SXH bùng phát thành dịch là rất lớn. Do đó, ngành y tế TP Đà Nẵng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết muốn tránh SXH thì trước tiên phải diệt lăng quăng, bọ gậy. Bên cạnh đó, xử phạt nghiêm những cá nhân, tập thể không thực hiện đúng theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để mang tính răn đe.

Lơ là phòng chống

Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc CDC, cho biết, đã chỉ đạo triển khai 3 chiến dịch đồng thời: Chiến dịch xử lý điểm nguy cơ theo phương pháp phân loại mới 2019; Chiến dịch phun hóa chất diện rộng kết hợp diệt lăng quăng tại các ổ dịch; Chiến dịch “Thanh niên xung kích” tại các đơn vị có cơ sở Đoàn, tại các hộ gia đình của đoàn viên thanh niên và trên địa bàn dân cư khu phố, ấp. Các đợt chiến dịch này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm “diệt lăng quăng”, là “hành động” hàng ngày của mỗi công dân, tập thể trong cộng đồng. Phương châm của các chiến dịch là “Cuối tuần không lăng quăng, cả tuần không có muỗi”.

Nhằm kiềm chế bùng phát dịch SXH, ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết, đã tổ chức mít tinh phòng, chống bệnh SXH năm 2019, kêu gọi cộng đồng chủ động phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh SXH. Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các hoạt động phòng, chống SXH ở tất cả các huyện và các xã có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch SXH tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch…

Tuy nhiên, bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho rằng, một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh SXH, nhiều phụ huynh cứ nghĩ chỉ những trẻ sơ sinh (từ dưới 1 tuổi đến 3 tuổi) mới bị mắc, hay đã bị mắc SXH rồi thì sẽ không tái nhiễm… Tuy nhiên, quá trình điều trị cho thấy, kể cả người lớn vẫn có nguy cơ mắc SXH. Cụ thể, hiện lứa tuổi từ 6 đến 15 tuổi là nhóm tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao và thường diễn biến nặng hơn nhóm tuổi sơ sinh…

Mặc dù tính đến ngày 16-9, toàn tỉnh có hơn 6.000 ca mắc SXH, trong đó có 3 trường hợp tử vong, nhưng theo Sở Y tế tỉnh Bình Phước, nhiều người dân vẫn chủ quan trong công tác phòng, chống. Nhiều hộ dân vẫn chưa tích cực loại bỏ vật dụng chứa nước không cần thiết, vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản.

Theo CDC, phòng chống dịch SXH là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở, bắt đầu từ những việc cụ thể như dọn dẹp, loại bỏ những vật dụng chứa nước tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển. Việc phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp cấp thời nhằm diệt đàn muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh, chứ không ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh nếu không diệt lăng quăng

Thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia y tế, dung dịch cao phân tử Refortan là thuốc nằm trong phác đồ điều trị SXH nặng, giúp chống sốc. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện, hiện thuốc điều trị này cạn kiệt do nhà cung ứng tạm ngưng vì vướng thủ tục nhập khẩu.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), dung dịch cao phân tử đã được sử dụng tại Việt Nam gồm dung dịch dextran 40, dextran 70 và HES 200.000 dalton. Tất cả các thuốc này đều sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Hiện có 6 thuốc có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực, được nhập khẩu theo nhu cầu mà không cần thực hiện việc cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài nên nhu cầu các thuốc trên rất thấp. Do đó, hiện nguồn cung các thuốc này rất hạn chế. Cục Quản lý dược yêu cầu các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc và sẽ xem xét cấp phép nhập khẩu, đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu điều trị SXH.triệt để. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Đà Nẵng

Đà Nẵng ghi nhận 4.247 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 2,37 lần so với cùng kỳ năm 2018 (1.795 ca), đứng thứ 3 trong khu vực 11 tỉnh miền Trung

Ngày 17/9, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ TW  làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại Đà Nẵng

Trước khi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra tại tình hình phòng chống sốt xuất huyết tại phường An Hải Đông (quận Sơn Trà).

Kiểm tra tại nhà một số hộ dân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận những nỗ lực, sự nhiệt tình của lực lượng cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết nói riêng và ngành y tế Đà Nẵng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị các cộng tác viên cần tuyên truyền để người dân hiểu và tự phòng chống sốt xuất huyết chứ các cộng tác viên không thể làm thay người dân được.

“Để phòng bệnh sốt xuất huyết thì phải không có lăng quăng, bọ gậy. Muốn không có lăng quăng, bọ gậy thì phải lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước mưa, nước tù đọng. Đối với những bể chứa nước lớn không lật úp được thì thả cá 7 màu vào”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 12/9, toàn thành phố Đà Nẵng ghi nhận 4.247 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 2,37 lần so với cùng kỳ năm 2018 (1.795 ca), đứng thứ 3 trong khu vực 11 tỉnh miền Trung. Các quận ghi nhận số ca mắc cao: Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà (trên 500 ca). Đà Nẵng đã ghi nhận 435 ổ dịch, tăng 2,86 lần so với cùng kỳ năm 2018 (152 ổ), tỷ lệ ổ dịch/số ca bệnh: 10,22%.

Bộ trưởng Bộ Y Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện đang là mùa mưa nên nguy cơ bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch là rất lớn. Do đó, ngành y tế Đà Nẵng cần phải tuyên truyền cho người dân biết muốn không có sốt xuất huyết thì trước tiên phải diệt loăng quăng, bọ gậy.

Các ngành chức năng tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các kế hoạch xử lý ổ bệnh và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao như trường học, bệnh viện, chợ… Nếu cần thiết, phải có chế tài xử phạt nghiêm những cá nhân, tập thể không thực hiện đúng theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để mang tính răn đe.

“Muốn phòng bệnh thì phải không có loăng quăng, dẹp hết các ổ chứa nước không cần nước, lật úp tất cả những dụng cụ chứa nước mưa, nước đọng. Đối với những dụng cụ chứa nước lớn thì phải thả cá, hoặc đậy kín. Thứ ba là phải phun thuốc đại trà để diệt muỗi trưởng thành. Khi người dân phát hiện mắc bệnh thì phải đến cơ sở y tế gần nhất theo dõi, không nên đến các bệnh viện lớn nguy cơ lây chéo cao”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 15/10/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/2/2019

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 09/8/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận