Điểm báo ngày 19/11/2019

(CDC Hà Nam)
Bệnh sốt xuất huyết đã được kiểm soát và liên tục giảm; Mở rộng hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết từ Việt Nam sang một số nước

Bệnh sốt xuất huyết đã được kiểm soát và liên tục giảm

Ngày 18.11, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM cho hay các bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, tay chân miệng) trên địa bàn TPHCM đang giảm liên tục trong nhiều tuần qua. Trong tháng 10, Trung tâm kiểm doát bệnh tật TPHCM không ghi nhận trường hợp bệnh truyền nhiễm nào tử vong… (Lao động, trang 8).

 

Mở rộng hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết từ Việt Nam sang một số nước

Ngày 18/11, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam phối hợp cùng một liên minh đối tác do HR Wallingford đứng đầu đã tổ chức hội thảo khu vực nhằm chia sẻ thông tin về Dự án phát triển hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh (hay còn gọi là hệ thống D-MOSS).

Hệ thống D-MOSS được phát triển trong khuôn khổ một dự án sáng tạo đa bên do Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh tài trợ cho Việt Nam. D-MOSS là hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết đầu tiên tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh và dữ liệu về thời tiết để đưa ra các cảnh báo thường quy. D-MOSS là một hệ thống chạy trên nền tảng web có thể dự báo các đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát trước tới 6 tháng.

Ông Đặng Quang Tấn-Phó Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng cho biết Bộ Y tế đánh giá cao sáng kiến và sự hỗ trợ kỹ thuật mà dự án mang lại. Đây là sáng kiến đầu tiên được hình thành và thử nghiệm trên thế giới, và đã quy tụ hàm lượng lớn chất xám khoa học từ nhiều tổ chức quốc tế và trong nước. Thông tin mà các quốc gia chia sẻ đóng góp một phần quan trọng vào nỗ lực chung của khu vực trong việc ứng phó với dịch sốt xuất huyết bởi vì dịch sốt xuất huyết không có biên giới địa lý giữa các quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, bà Sitara Syed-Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Cuộc chiến chống lại sốt xuất huyết đòi hỏi sự hợp tác và hiệp đồng giữa các quốc gia và khu vực nhằm đảm bảo những thông tin tốt nhất, kinh nghiệm hay nhất và công cụ sáng tạo được chia sẻ kịp thời. Sốt xuất huyết gia tăng với mức độ phức tạp và khó lường do tác động của biến đổi khí hậu. Với bất cứ quốc gia nào, các công cụ hiện tại cần được bổ sung thêm bằng các công cụ mới, sáng tạo có tính tương tác nhằm giúp kiểm soát và giảm thiểu sự lây truyền rộng hơn của căn bệnh này.”

Sốt xuất huyết là bệnh do virus từ muỗi gây ra và có tốc độ lây truyền nhanh nhất trên thế giới. Bệnh đã có mặt trên 150 nước, nghĩa là khoảng 40% dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có nguy cơ mắc sốt xuất huyết hàng ngày. Theo ước tính, sốt xuất huyết gây tổn thất trên toàn cầu khoảng 9 tỷ USD/năm. Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù tình hình dịch tễ sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây nhưng hiện vẫn chưa có một hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết trước 6 tháng. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết gây gánh nặng lớn về y tế công cộng như tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết cao. Ngoài ra, sốt xuất huyết cũng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 2000, số ca mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam đã tăng hơn 100%. Năm 2017, Việt Nam hứng chịu một đợt dịch sốt xuất huyết lớn, ảnh hưởng tới 170.000 người và 38 ca tử vong./. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Thúc đẩy quyền và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ nhiễm HIV

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, thời gian qua, Bắc Ninh đã triển khai hiệu quả mô hình “Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”, góp phần thúc đẩy quyền trẻ em, đồng thời thay đổi nhận thức của người dân về chống phân biệt đối xử, nâng cao chất lượng sống của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn.

Chăm sóc toàn diện hơn về sức khỏe, y tế, giáo dục

“Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”, trong đó có việc bảo đảm quyền cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS là vấn đề được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đặc biệt quan tâm. 5 năm qua, mô hình “Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS” đã góp phần thúc đẩy quyền trẻ em, đồng thời thay đổi nhận thức của người dân về chống phân biệt đối xử, nâng cao chất lượng sống của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại nhiều địa phương.

Phường Võ Cường (TP Bắc Ninh) là một trong những địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng thí điểm mô hình “Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”. Với hơn 40 trẻ chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, việc triển khai mô hình phát huy hiệu quả ngày càng tích cực khi các em được hưởng những điều kiện chăm sóc toàn diện hơn về sức khỏe, y tế, giáo dục…

Đến nay, 100% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý tại phường đều được cấp miễn phí thẻ BHYT, hỗ trợ dinh dưỡng, phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định. Vào các dịp lễ, Tết, các em được tổ chức vui chơi, tặng quà; cha mẹ, người chăm sóc trẻ được truyền thông, tư vấn các vấn đề liên quan đến chính sách cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV; cung cấp kỹ năng chăm sóc và cách phòng tránh, chống phân biệt, kỳ thị…

Chị Phạm Thị Hiền, Trưởng nhóm Vì ngày mai tươi sáng (phường Võ Cường) cho biết: “Chuyển biến rõ nét nhất từ khi triển khai mô hình chính là sự vào cuộc quyết liệt của các Ban, ngành, đoàn thể địa phương, sự thay đổi nhận thức của cộng đồng dân cư về việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Những ánh mắt, hành động mang tính phân biệt đối xử đã ít đi, thay vào đó là sự cảm thông, chia sẻ ngày một nhiều hơn của xã hội, tạo điều kiện để con em những người có HIV được phát triển bình đẳng như bao trẻ em khác”.

Được sự hỗ trợ của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh còn triển khai nhân rộng mô hình tại xã Ngọc Xá, xã Đào Viên (huyện Quế Võ) và phường Đáp Cầu (TP Bắc Ninh). Tham gia mô hình là các các đối tượng trẻ nhiễm HIV/AIDS, trẻ mồ côi do cha, mẹ chết vì nhiễm HIV/AIDS, trẻ sống cùng người nhiễm HIV/AIDS; trẻ là con của người sử dụng ma túy, mua bán dâm…

Bảo đảm cho trẻ được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

Nội dung hoạt động của mô hình bảo đảm cho trẻ được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Chăm sóc, điều trị, tư vấn sức khỏe; cung cấp thuốc ARV miễn phí cho các bà mẹ mang thai và trẻ em, xét nghiệm PCR để chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…

Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và tạo điều kiện cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đi học. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong trường học hay khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác. Hàng năm, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế, hỗ trợ dinh dưỡng, tham gia vui chơi trong các ngày lễ, Tết, Quốc tế Thiếu nhi… với số kinh phí khoảng 200 triệu đồng/năm từ nguồn ngân sách địa phương và thông qua vận động xã hội.

Bà Nguyễn Thị Kiều Hương, Phó Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cho hay: “Với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều em không được gia đình chăm sóc do cha mẹ đã chết, phải sống cùng người bảo trợ hoặc ông, bà, họ hàng, gia cảnh khó khăn. Qua 5 năm triển khai (2015-2019), các mô hình kết nối toàn diện, giúp các em có điều kiện thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em như: Được vui chơi, đến trường học tập, chăm sóc y tế, phát triển thể chất, tinh thần… Tại Diễn đàn Trẻ em các cấp hàng năm, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tham gia, đóng góp ý kiến, khuyến nghị về những vấn đề liên quan, thực hiện quyền tham gia theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em”.

Bên cạnh chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức truyền thông tại 14 trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh cho gần 10.000 lượt học sinh về kỹ năng chăm sóc, chống kỳ thị, phân biệt đối xử; tổ chức 8 hội nghị truyền thông cho 1.200 ông bà, cha mẹ thuộc 16 xã, phường, thị trấn về kiến thức kỹ năng kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS…

Trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rất cần sự cảm thông, quan tâm, đùm bọc của xã hội bởi sự hiểu biết toàn diện, đúng đắn về HIV/AIDS, giúp cộng đồng có ý thức, thái độ thiện chí và đối xử bình đẳng, tiếp thêm nghị lực để các trẻ sống tích cực, vươn lên hòa nhập cộng đồng. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/11/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 25/5/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận