Điểm báo ngày 19/4/2022

(CDC Hà Nam)
Nhiều kỹ thuật, công nghệ y tế mới phục vụ người dân; Nguy hại vì lạm dụng thuốc đông y; TP.HCM 11 ngày không có ca tử vong do Covid-19; Số mắc và tử vong do COVID-19 giảm sâu: Coi COVID-19 như bệnh lưu hành?…

 

Nhiều kỹ thuật, công nghệ y tế mới phục vụ người dân

Mới đây, Thạc sĩ, bác sĩ (ThS, BS) Hoàng Thị Thúy Hà, Phó trưởng Khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện vừa triển khai kỹ thuật vi giọt kỹ thuật số lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam phục vụ trong việc phát hiện sớm và điều trị các bệnh về ung bướu.

Đơn vị Sinh học phân tử, Di truyền (thuộc Khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy) được thành lập từ năm 2016, chuyên thực hiện các kỹ thuật về sinh học phân tử di truyền như xét nghiệm nhiễm sắc thể, phát hiện đột biến gen bằng kỹ thuật PCR… Trước đây, các xét nghiệm này chủ yếu để phục vụ điều trị bệnh lý huyết học cùng một số chuyên ngành ung thư.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật mới tại Đơn vị Sinh học phân tử, Di truyền nhằm thực hiện các xét nghiệm mở rộng về bất thường gen, không chỉ phục vụ điều trị bệnh lý huyết học, ung thư mà còn nhằm phát hiện, điều trị nhiều dạng bệnh lý khác trước nay thường bị bỏ sót trong chẩn đoán.

“Chúng tôi đang thực hiện ba kỹ thuật mới, gồm: kỹ thuật giải trình tự gen bằng phương pháp Sanger; kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) và kỹ thuật vi giọt kỹ thuật số. Trong đó, kỹ thuật vi giọt kỹ thuật số chính là kỹ thuật lần đầu được triển khai tại Việt Nam”, ThS, BS Hoàng Thị Thúy Hà chia sẻ.

Các kỹ thuật mới về sinh học phân tử sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Thứ nhất, đối với cộng đồng, kỹ thuật mới cho phép xét nghiệm, sàng lọc, tư vấn để phát hiện bất thường về gen có thể dẫn đến ung thư, qua đó giúp phát hiện sớm và điều trị sớm các bệnh về ung bướu. Thứ hai, đối với bệnh nhân đã mắc ung thư, những xét nghiệm giải trình tự gen có thể giúp xác định tổn thương đặc hiệu mà các kỹ thuật xét nghiệm thông thường không thể xác định được. Thứ ba, đối với bệnh nhân đang điều trị, đặc biệt là điều trị bằng thuốc nhắm đích, các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ theo dõi được tồn lưu tối thiểu bằng định lượng gen, qua đó đánh giá mức độ đáp ứng điều trị. Đó cũng là một cơ sở để bác sĩ cho bệnh nhân ngưng thuốc, mang lại lợi ích về kinh tế, sức khỏe, đồng thời giúp cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Trong khi đó, vào đầu tháng 4, đại diện Công ty cổ phần giải pháp Gene (Gene Solutions) cho biết, các nhà khoa học thuộc công ty vừa giới thiệu về công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS giúp mở ra bước tiến mới khi có thể phát hiện nhiều loại ung thư cùng lúc chỉ với một mẫu máu.

Công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS của đội ngũ nghiên cứu Gene Solutions khảo sát các đặc trưng của phân mảnh DNA ngoại bào mà khối u phóng thích từ trong máu gọi là ctDNA. Phương pháp này giúp giảm thiểu bất tiện của các phương pháp truyền thống, tối ưu hóa thời gian và chi phí xét nghiệm, giúp người dân Việt Nam và các nước đang phát triển trong khu vực có thể dễ dàng tiếp cận tầm soát ung thư sớm. Từ đó, phạm vi của tầm soát ung thư sớm trong cộng đồng được mở rộng, nâng cao tiêu chuẩn về lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

“Chúng tôi đã nghiên cứu 1.600 nhóm bệnh chứng và cơ sở dữ liệu bộ gen lớn của hơn 20.000 bệnh nhân trong hơn ba năm để phát triển công nghệ SPOT-MAS sinh thiết độc đáo với chi phí phải chăng”, Tiến sĩ Giang Hoa, Trưởng nhóm dữ liệu tại Gene Solutions, cho biết.

Công nghệ SPOT-MAS đơn giản hóa quy trình xét nghiệm, không xâm lấn, thuận tiện cho người tầm soát khi cùng lúc phát hiện bốn loại ung thư phổ biến nhất hiện nay ở cả nam giới và nữ giới, gồm: Ung thư vú, ung thư gan, ung thư phổi và ung thư đại-trực tràng. Phương pháp xét nghiệm này đặc biệt có hiệu quả ngay cả khi bệnh nhân chưa có triệu chứng, tạo cơ hội chẩn đoán sớm nhằm điều trị hiệu quả.

Đến nay, công nghệ sinh thiết lỏng SPOT-MAS được lượng giá bởi chương trình K-DETEK với sự tham gia của 12 bệnh viện hàng đầu tại Việt Nam (trong đó có Bệnh viện Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân Dân 115…) cũng như các đại học, bệnh viện hàng đầu các nước trong khu vực như Đại học Malaya-Malaysia. (Nhân dân, trang TPHCM)

 

Hơn 1 triệu sáng kiến chiến thắng đại dịch Covid-19

Qua hơn 3 tháng Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó phát triển, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, đến nay, 100% Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, triển khai tới cơ sở.

Theo số liệu báo cáo, tổng số lượng chỉ tiêu đăng ký của 83 đơn vị đến nay đạt trên 1 triệu sáng kiến. Trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội là đơn vị đăng ký sớm nhất và số lượng đăng ký vượt chỉ tiêu cao nhất cả nước với 130.000 sáng kiến (vượt gấp 2 lần so với chỉ tiêu định hướng). Các sáng kiến được cập nhật tăng cả về số lượng, chất lượng.

Các nhóm đối tượng tham gia gồm cán bộ, viên chức, người lao động các đơn vị sự nghiệp; sáng kiến của công nhân, viên chức, người lao động thực hiện các công trình, đề án, đề tài khoa học, nghiên cứu chế tạo máy móc, thiết bị, sáng kiến cải tiến kỹ thuật… (Hà Nội mới, trang 3)

 

TP.HCM 11 ngày không có ca tử vong do Covid-19

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 18.4, TP.HCM có 337 ca mắc Covid-19, 253 ca nghi ngờ và 60 ca nhập viện.

Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện (BV) tầng 2, tầng 3 ngày 18.4 là 808 (trong đó có 712 ca điều trị ở tầng 2, 96 ca điều trị ở tầng 3). Số ca có hỗ trợ hô hấp giảm xuống còn 217 ca, trong đó thở máy xâm lấn là 41 ca. Số trẻ em dưới 16 tuổi là 68 ca (cộng dồn: 35.417 ca) và số phụ nữ mang thai là 4 ca (cộng dồn: 4.325 ca). Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện, phường, xã là 7 ca và 9.325 ca đang cách ly tại nhà.

Đặc biệt, ngày 18.4 là ngày thứ 11 liên tiếp TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19. Tính từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, TP.HCM có 607.623 ca nhiễm và 20.488 ca tử vong. TP.HCM đang cách ly, chăm sóc và điều trị tổng cộng 10.142 ca mắc Covid-19, giảm hơn 10 lần so với ngày 18.3 (khoảng 100.000 ca).

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng số ca mắc và tử vong do Covid-19 giảm là theo quy luật của một trận dịch khi số người có miễn dịch tăng lên, ngăn chặn sự lây lan. Việc tiêm phủ rộng 3 mũi vắc xin đã góp phần làm tăng miễn dịch cộng đồng, hạn chế sự lây lan của biến chủng Omicron. Miễn dịch do vắc xin đã bảo vệ không để bệnh nặng xảy ra.

Về câu hỏi dịch bệnh tại TP.HCM giảm như hiện nay thì đã bền vững chưa, TS-BS Vĩnh Châu nhìn nhận: “Muốn biết thì phải chờ thời gian chứng minh, nhưng việc giảm này là giảm bền vững với biến chủng hiện nay. Có nghĩa là nếu xuất hiện biến chủng mới có thể lại có 1 đợt mới. Nhưng với chiến dịch tiêm vắc xin và bảo vệ người nguy cơ thì ngành y tế có thể hy vọng giữ thấp tỷ lệ tử vong”.

Liên quan vấn đề tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, ngày đầu tiên tiêm (16.4), TP.HCM đã tiêm cho khoảng 10.000 em lớp 6. Theo kế hoạch, ngày 18.4, 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức tiêm vắc xin cho trẻ em trên toàn thành phố ở khoảng 187 điểm tiêm với 433 bàn tiêm và có hơn 42.000 trẻ được tiêm. Tuy nhiên, đến sáng 19.4 cơ quan chức năng mới công bố số liệu trẻ em đã được tiêm.

Những quận, huyện có trẻ lớp 6 ít thì sẽ bắt đầu tiêm cho trẻ lớp 5. Kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ngành y tế TP.HCM triển khai đến ngày 30.4. Ước tính trên địa bàn TP.HCM hiện có 898.537 trẻ trong độ tuổi 5 đến dưới 12 sinh sống, học tập. Trong đợt đầu tiên, TP.HCM đã được nhận 87.500 liều vắc xin Covid-19 Moderna cho trẻ em, sau đó sẽ tiếp tục nhận 138.000 liều trong đợt 2 và 147.000 liều vào đợt 3.

Tính đến ngày 18.4, tổng số mũi vắc xin Covid-19 đã tiêm trên địa bàn TP.HCM là hơn 20,4 triệu. Trong đó có 8,1 triệu liều mũi 1, hơn 7,3 triệu liều mũi 2, 682.754 liều mũi bổ sung và hơn 4,2 triệu liều mũi nhắc lại. (Thanh niên, trang 4)

 

Số mắc và tử vong do COVID-19 giảm sâu: Coi COVID-19 như bệnh lưu hành?

Số ca mắc COVID-19 và tử vong tại Việt Nam liên tục giảm trong những ngày gần đây, Bộ Y tế nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Với những số liệu và thông tin khả quan như vậy nhiều người đặt câu hỏi liệu đã đến lúc xem COVID-19 như một bệnh lưu hành.

Trả lời Tiền Phong, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, hiện nay Tổ chức y tế Thế giới (WHO) đang tiếp tục cảnh báo những biến chủng mới của SARS-CoV-2 và khuyến nghị các nước cần thận trọng trong đáp ứng với COVID-19. Cùng với đó một bệnh được coi là bình thường mới thì số mắc phải ổn định, phải dự báo được. Nhưng hiện nay bệnh dịch trên toàn thế giới chưa ổn định, nhất là trong bối cảnh WHO đang cẩn trọng khi đánh giá tình hình dịch tại nhiều quốc gia. “Trên thực tế, hiện có 1 số nước coi đây là bệnh đặc hữu, tuy nhiên phải nhìn nhận là khái niệm bệnh đặc hữu của họ không giống bệnh nhóm B (bệnh thông thường) của Việt Nam. Những nước này vẫn yêu cầu người dân đeo khẩu trang, cấm tụ tập đông người. Nếu là bệnh nhóm B như nước ta thì không cần những yêu cầu nghiêm ngặt đó nữa. Theo tôi, thời điểm này chưa nên coi COVID-19 là bệnh thông thường”, TS Phu nói.

“Nếu Việt Nam vẫn khai báo dịch bệnh thuộc nhóm A thì ở một khía cạnh nào đó sẽ giữ uy tín phòng, chống dịch tốt hơn, nhất là với vấn đề phát triển du lịch. Bởi khi ta công bố vẫn cách li F0 tại nhà, du khách sẽ an tâm hơn khi đến Việt Nam. Người từ một số quốc gia có nguy cơ cao nhập cảnh vào, ta có quyền yêu cầu họ xét nghiệm… Nhưng nếu coi là một loại bệnh bình thường thì sẽ rất khó xử trí”. PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y Dược TPHCM)

Ông đồng thời cho biết, hiện nay Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch như cho bán hàng quán, trẻ con đi học lại, không còn cách li F1…, tuy nhiên vẫn áp dụng các biện pháp phòng bệnh cá nhân (thực hiện 5 K, cách li F0…). Đó chính là chiến lược an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả chứ không cấm đoán như bệnh thuộc nhóm A. Theo ông Phu, hiện nay biện pháp phòng dịch không còn là kiểm soát cứng nhắc mà vừa đánh giá nguy cơ vừa linh hoạt các biện pháp phòng dịch đan xen giữa nhóm A và B nhưng vẫn đảm bảo và đáp ứng được phòng bệnh. “Đặc biệt, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phải quan tâm đến những người dễ tổn thương như người nghèo vì nếu chuyển COVID-19 sang nhóm B thì người dân phải trả tiền điều trị. Cùng với đó nguy cơ bỏ lỏng đầu tư phòng dịch, nếu không may virus biến chủng thì không có 4 tại chỗ để ứng phó kịp thời sẽ rất nguy hiểm”, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích.

Phù hợp về mặt khoa học

Về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết về mặt khoa học, Việt Nam đã hoàn toàn có thể xem COVID-19 như một bệnh lưu hành. “Theo thống kê, tỉ lệ tử vong của Việt Nam đang chiếm 0,4% nhưng đó là cộng dồn số ca tử vong tính từ đầu mùa dịch. Nếu tính ở thời điểm hiện tại, con số này còn rất thấp. Bên cạnh tỉ lệ tử vong, tỉ lệ tiêm chủng, nhập viện… của COVID-19 cũng ngang với các bệnh đang lưu hành khác”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga phân tích. Tuy nhiên chuyên gia này cũng cũng lưu ý, còn có nhiều yếu tố về mặt hành chính cũng như tâm lí xã hội để quyết định có thể xem COVID-19 là bệnh lưu hành hay chưa. Chung quan điểm với PGS.TS Trần Đắc Phu, ông cho rằng hiện, WHO vẫn cảnh báo về tình hình COVID-19, một số nơi đang có số ca mắc cao như Hồng Kông, Trung Quốc… Do đó, COVID-19 chưa thể được xem là bệnh dịch lưu hành trên thế giới.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga đặt câu hỏi “nếu chuyển sang bệnh thông thường, tức nhóm B liệu ngành y tế đã chuẩn bị đủ điều kiện để đáp ứng chưa, các bệnh viện có sẵn sàng nhận bệnh nhân không và Quỹ Bảo hiểm Y tế có đồng ý chi trả cho bệnh nhân COVID-19 không”. Theo ông với chính sách hiện nay, người dân đang được hỗ trợ khi mắc COVID-19 nên khi thay đổi cách ứng phó, cũng cần phải tính tới cả yếu tố về mặt tâm lí xã hội.

Cẩn trọng và cần thêm thời gian

Trao đổi về vấn đề này PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y Dược TPHCM) đánh giá cao hiệu quả chống dịch COVID-19 tại Việt Nam nhưng cho rằng ở thời điểm hiện tại vẫn cần thận trọng khi xem xét COVID-19 là bệnh lưu hành. “Về nguyên tắc, COVID-19 có đỉnh dịch nhưng có thể đỉnh dịch đó không bền vững, khi đỉnh dịch không bền vững có thể quay trở lại. Chúng ta vẫn có thể xem là bệnh thông thường nếu tỉ lệ tử vong không cao. Tuy nhiên, chưa thể tự tin 100% về vấn đề này. Theo tôi, nên đợi khoảng 4 – 5 tháng tới, chắc chắn khi có đợt dịch tiếp theo, chúng ta sẽ đánh giá lại xem tỉ lệ tử vong có thực sự giảm không. Bên cạnh đó, ngoài tiêm phủ vắc xin cho các lứa tuổi, tỉ lệ mắc cao sẽ sinh ra miễn dịch tự nhiên, thì có thể coi đây là dịch bệnh bình thường”, T.S Dũng nói. (Tiền phong, trang 1)

 

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: “Mảnh ghép” quan trọng trong chiến lược bao phủ vaccine

Việt Nam đã chính thức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi với hơn 12.400 liều vaccine đã tiêm. Hôm nay- 18/4, các tỉnh, thành tiếp tục bước vào tuần lễ triển khai tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi này. “Mảnh ghép” quan trọng trong chiến lược bao phủ vaccine đang được nỗ lực thực hiện..

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sau một năm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến nay Việt Nam đã tiêm chủng được hơn 209 triệu liều, trong đó tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới. Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của người trên 18 tuổi ở nước ta hiện là 100%; mũi 3 là trên 52%; tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của trẻ từ 12- 17 tuổi lần lượt là 100% và 95,8%.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2022

Nhằm thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, tiến tới sống chung an toàn với COVID-19 trong dài hạn, các quốc gia đang đẩy mạnh chiến lược bảo vệ trẻ em trước các biến thể của virus SARS-CoV-2 bằng cách tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là cho trẻ dưới 12 tuổi.

Tại Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan; đồng thời trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới.

Bộ Y tế cũng đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền, với Chính phủ để mua vaccine; đồng thời chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các Tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và Chính phủ các nước,… để đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ từ 5 -12 dưới 12 tuổi.

Theo Bộ Y tế, hiện nay có 53 quốc gia đã và đang tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ở nhóm tuổi từ 5 – dưới 12. Riêng khu vực Tây Thái Bình Dương đã có 20 quốc gia tiêm vaccine mRNA cho trẻ trong độ tuổi này.

GS.TS Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết ở nước ta, ước tính có khoảng 11,8 trẻ em trong độ tuổi từ 5 – dưới 12 tuổi, trong đó khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý II/2022. Uớc tính có khoảng 3,6 triệu trẻ ở trong độ tuổi trên đã mắc COVID-19.

Để đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhất là khi trẻ đã mắc COVID-19 trước đó, căn cứ vào các bằng chứng khoa học cũng như kinh nghiệm công bố của các quốc gia đã triển khai tiêm cho trẻ em, Hội đồng chuyên môn tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã đồng thuận quy định thời gian tối thiểu để tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi đã mắc sau 3 tháng.

Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho số trẻ đã mắc được thực hiện sau 3 tháng khỏi COVID-19 sẽ triển khai tiêm vào tháng 7-8/2022

PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết: Có 2 loại vaccine phòng COVID-19 sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi ở Việt Nam là vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Việc tiêm vaccine sẽ được triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Với mỗi lô vaccine và từng nhóm trẻ, Bộ Y tế đã/sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Vì sao cần thiết tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi?

Chia sẻ thông tin với báo chí ngày 13/4, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết qua khảo sát mới đây, Việt Nam ghi nhận khoảng 60-80% người dân đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi. Khoảng 30% còn do dự.

“Với nhóm phụ huynh còn do dự trong thời gian tới sẽ cần được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan việc tiêm chủng để hiểu rõ hơn khi đưa quyết định”- GS.TS Phan Trọng Lân nói.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).

Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.

Việc tiêm chủng này có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác

Với vai trò là bác sĩ nhi khoa, PGS. TS Trần Minh Điển- Giám đốc BV Nhi TW khuyên các ông bố bà mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng. Trong xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới rất mong muốn chúng ta phủ được rộng hơn nữa ở nhóm tuổi thấp hơn nữa, nếu như có các nghiên cứu của các nhà sản xuất đưa ra các vaccine ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

“Bởi vì đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Biến chủng mới cũng chưa xác định rõ là như thế nào…”- PGS.TS Trần Minh Điển chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM nhấn mạnh: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là tác hại.

“Được tuyên truyền về lợi ích của tiêm vaccine phòng COVD-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi, gia đình quyết định cho con tiêm”

Ngày 14/4 đã tiếp tục ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong chiến lược vaccine ở nước ta là Việt Nam đã chính thức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi.

“Sự kiện này là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh tại Lễ phát động hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng năm 2022” và phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVD-19 cho trẻ 5 – dưới 12 tuổi ở Quảng Ninh.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai chiến dịch tiêm chủng này. Gần 200 trẻ học lớp 6 trường THCS Trần Quốc Toản, TP Hà Nội đã được tiêm chủng chỉ trong khoảng nửa buổi sáng. Sau tiêm các cháu theo dõi sức khoẻ thêm 30p theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đây là những trẻ trong độ tuổi này đầu tiên của Việt Nam được tiêm chủng vaccine “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng, chống dịch.

Chị Nguyễn Thị Hằng- phụ huynh cháu Đặng Huy Khiêm, lớp 6A11 chia sẻ: Trước lúc đăng ký cho con tiêm vaccine phòng COVID-19, gia đình cũng lo lắng, nhưng khi được tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng thì gia đình quyết định cho con tiêm để yên tâm hơn khi cho cháu đi học, giao lưu bạn bè.

Ở phòng theo dõi sức khoẻ sau tiêm, cháu Tô Anh Tuấn, học sinh lớp 6A1 nói: cháu hơi hồi hộp nhưng không quá lo lắng vì đã được thầy cô giáo giải thích rõ và bố mẹ cũng động viên là tiêm chủng để bảo vệ sức khoẻ của mình trong dịch COVID-19.

Hơn 12.400 trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi đã tiêm vaccine phòng COVID-19

Sau Quảng Ninh, ngày 16/4, TP HCM và Thủ đô Hà Nội đã tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi.

Đến ngày 17/4 có 4 địa phương là: Quảng Ninh, TP HCM, Hà Nội, Hà Nam đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này. Thống kê của Bộ Y tế đã có hơn 12.400 trẻ trong độ tuổi này tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. Tất cả đều là vaccine Moderna.

Hôm nay – 18/4, các địa phương bước vào tuần lễ triển khai tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi này, trong đó, TP HCM sẽ đồng loạt tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi theo nguyên tắc tiêm theo lứa tuổi giảm dần và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế tại TP Thủ Đức và tất cả các quận, huyện.

Tỉnh Hải Dương sẽ tiêm cho trẻ từ ngày 19/4, Sở Y tế Hải Dương đã chọn học sinh lớp 6 trường THCS Tân Bình, TP Hải Dương làm điểm để triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi. Trường THCS Tân Bình có 528 học sinh lớp 6, trong đó có 340 em chưa mắc COVID-19. Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi sẽ được triển khai đồng loạt sau đó trong toàn tỉnh…

Các địa phương khác trong cả nước cũng đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất để sẵn sàng tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi…

Kết luận tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, là “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, phải đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vaccine, quyết tâm cao nhất để hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi trong quý II.

Ngành y tế đã và đang phối hợp cùng các ngành liên quan, các địa phương để nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em chu đáo, “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”. Các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong chương trình tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng bởi tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vaccine Covid-19 bảo đảm an toàn”

 

Nguy hại vì lạm dụng thuốc đông y

Thời gian gần đây, một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM ghi nhận nhiều trường hợp người dân nhập viện do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, thậm chí ngộ độc nặng. Các bác sĩ khuyến báo, người bệnh không tự ý mua và sử dụng thuốc đông y tùy tiện, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân.

Hậu quả nghiêm trọng

Ngày đầu tháng 4, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) tiếp nhận bệnh nhân V.N.P.N. (42 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) nhập viện với tình trạng dương vật cương cứng, đau buốt. Khai thác bệnh sử, người đàn ông này mới lập gia đình lần 2, nhưng gặp tình trạng “trên bảo dưới không nghe” khoảng 5 tháng. Được bạn bè tư vấn, người bệnh tự mua thuốc đông y về ngâm rượu để bồi bổ sức khỏe sinh lý.

Tuy nhiên, sau khi uống 3 lần rượu ngâm vẫn không có hiệu quả, bệnh nhân tiếp tục dùng với liều lượng tăng lên và nhập viện với tình trạng dương vật cương cứng, đau nhức. Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân, cho biết, ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu khẩn bằng phương pháp chọc hút thể hang, tạo thông mạch máu để giải áp máu trong xoang hang, nhưng tiên lượng xơ hóa thể hang và tình trạng rối loạn cương cứng của bệnh nhân sẽ diễn tiến nặng hơn.

Khoa Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng vừa tiếp nhận nam bệnh nhân N.V.Đ. (ngụ Đắk Lắk), với các triệu chứng da nổi vảy sần sùi, sạm và vàng da sau thời gian dài uống nhiều loại thuốc đông y để tăng cường sinh lực và chữa bệnh viêm gan. Ông Đ. là một trong hàng trăm bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám thời gian gần đây được chẩn đoán bị ngộ độc thuốc đông y. Điểm chung của bệnh nhân là có bệnh lý suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da, vàng mắt, da nổi sần sùi, sạm da; có người bị tiêu chảy kéo dài gây viêm ruột mạn tính, mất đạm qua ruột. Có ca nặng hơn, tổn thương nhiều cơ quan khác nhau cùng lúc, như suy tim cấp, suy thận cấp, viêm gan cấp tính…

Thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, từ đầu năm đến nay, các đơn vị này đã điều trị cấp cứu hàng chục trường hợp ngộ độc thuốc đông y. Trong đó có nhiều trường hợp nhiễm toan axít lactic (sự tích tụ axít lactic thừa trong máu) do sử dụng thuốc đông y điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh xương khớp… không rõ nguồn gốc, có chứa chất cấm phenformin (bị cấm sử dụng trên toàn thế giới và Việt Nam).

Không tự ý sử dụng tùy tiện

Theo Th.S-DS Phạm Ngọc Thạc, Khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan khiến người bệnh bị ngộ độc thuốc đông y, dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng. Trong đó có 2 nguyên nhân chính, một là người bệnh tự tham khảo các sách báo, thông tin trên mạng xã hội để tự chẩn đoán và chọn các bài thuốc mà mình cho rằng là hiệu quả.

Do không có kiến thức về lĩnh vực y học cổ truyền, chưa được qua đào tạo trường lớp, việc tự chẩn đoán bệnh sai, dẫn đến cách điều trị không hiệu quả, bệnh tiến triển trầm trọng hơn so với lúc khởi phát bệnh. Hai là người bệnh được truyền miệng, quảng cáo về một “lương y” hoặc bài thuốc truyền miệng không rõ nguồn gốc, được đảm bảo khỏi bệnh 100%. Khi sử dụng các loại này dễ dẫn đến tình trạng có hại cho cơ thể như chóng mặt, nhức đầu, ăn không tiêu, nếu dùng lâu có thể dẫn đến suy gan, thận, suy giảm hệ miễn dịch, thậm chí bị ngộ độc với các triệu chứng ói, nôn mửa, đau thắt bụng.

Ngoài ra, có trường hợp bài thuốc hay sản phẩm đông y có trộn lẫn corticoid (thuốc kháng viêm), khi dùng tạo ra những hiệu quả tức thời cho người bệnh, nhưng dùng lâu dài và quá liều sẽ gây hại đến sức khỏe như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, gây xốp xương, phù nề, tăng huyết áp, suy gan. Do đó, người dân khi muốn điều trị bằng thuốc y học cổ truyền nên đến bệnh viện chuyên khoa hoặc cơ sở y tế, phòng khám đông y đã được cấp phép để được khám chữa bệnh, xét nghiệm bằng các phương pháp điều trị thích hợp.

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), lưu ý, riêng nam giới có các vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh lý, tuyệt đối không tự ý sử dụng các bài thuốc điều trị “truyền miệng”, dễ dẫn đến ngộ độc thuốc. Tốt nhất, hãy đến các cơ sở điều trị chuyên ngành nam học có uy tín để được tư vấn, điều trị. Người bệnh sẽ được các chuyên gia về nam học thăm khám lâm sàng, đánh giá nội tiết sinh sản, xét nghiệm và đưa ra các hướng điều trị từ không dùng thuốc (thay đổi thói quen, tập thể dục, dinh dưỡng…) đến có dùng thuốc.

Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Dược Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM Nguyễn Phương Nam khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết nhằm xử trí kịp thời.

Về phía thầy thuốc cũng phải thăm khám cụ thể, nắm được tiền sử dị ứng của người bệnh, áp dụng triệt để các xét nghiệm hiện đại cần thiết để biết được tình trạng của các cơ quan quan trọng và tiên lượng được kết quả khi dùng thuốc. Hết sức thận trọng trong việc kê đơn những vị thuốc có độc, hướng dẫn bệnh nhân chu đáo cách thức dùng thuốc, không phối hợp thuốc tân dược và đông dược một cách cẩu thả, kiểm tra chất lượng thuốc trước khi kê đơn cho bệnh nhân. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 06/12/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 06/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 05/3/2021

CDC Hà Nam