Điểm báo ngày 19/5/2022

(CDC Hà Nam)
 Điều chỉnh quy định sàng lọc, phân luồng người nghi mắc Covid-19; Hà Nội giải thể 13 cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19…

 

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Hà Nội: Từng bước đưa vào “quỹ đạo”

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Sau một tháng đồng loạt ra quân kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 (từ ngày 15-4 đến 15-5), các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã kịp thời chấn chỉnh từ những vi phạm nhỏ nhất. Qua đó, từng bước đưa công tác này vào “quỹ đạo”.

Xử lý nhiều vi phạm

Từ ngày 15-4 đến hết ngày 15-5, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 tại 30 quận, huyện, thị xã. Nhìn chung, sau một tháng ra quân triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm theo tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố.

Cùng với đó, qua kiểm tra trên thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, theo đánh giá của các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội, ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại không ít sai phạm.

Cụ thể, trong một tháng ra quân, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra gần 40 cơ sở sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể, nhà hàng, cơ sở trồng rau, giết mổ. Qua đó, các đoàn kiểm tra của thành phố đã giao cho UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục làm việc và xử lý vi phạm hành chính đối với 14 cơ sở với số tiền phạt gần 100 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn; chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý; nơi chế biến thực phẩm của cơ sở có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, kiểm thực 3 bước (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu) không đúng quy định; không bảo quản thực phẩm riêng biệt, dẫn đến ô nhiễm chéo; khu vực bếp (trần nhà, nền…). Đơn cử như tại nhà hàng Đồng Quan (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn), tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội đã phát hiện khu vực chế biến của nhà hàng chưa được vệ sinh bảo đảm theo quy định; khu sơ chế xuống cấp; tủ đựng bát đũa không có lưới chống côn trùng. Ngoài ra, các tủ bảo quản đông lạnh cũ, hoen rỉ không được vệ sinh định kỳ; một số loại gia vị dùng để chế biến món ăn không có nhãn mác ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Còn khi kiểm tra tại nhà hàng Thọ Gù (xã Châu Can, huyện Phú Xuyên), Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 phát hiện nhà hàng chưa xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc của nguyên liệu thực phẩm; rượu đóng chai cũng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ…

Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra

Ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, trong những năm gần đây, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, kết thúc đợt cao điểm của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục được duy trì xuyên suốt và liên tục trong cả năm. Không chỉ thanh, kiểm tra theo kế hoạch, theo chuyên đề, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm từ thành phố, các sở, ngành đến các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn còn tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, trong đó tập trung kiểm tra nguồn gốc của sản phẩm, từ khâu nuôi trồng, chế biến, lưu thông thực phẩm.

Là địa bàn có gần 1.200 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, 107 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 813 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, trong thời gian tới, huyện Chương Mỹ sẽ chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tiêu dùng hàng hóa có chất lượng cho người dân. Bên cạnh đó, huyện sẽ tổ chức thực hiện hậu kiểm các cơ sở đã kiểm tra, nhưng chưa đạt về quy định an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các bếp ăn tập thể trường học, bếp ăn tại các khu, điểm công nghiệp; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở kinh doanh thực phẩm ở các chợ…

Còn đối với quận Bắc Từ Liêm, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm, quận tiếp tục duy trì thực hiện tốt các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, như: Mô hình cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm; cải thiện an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thông qua việc duy trì mô hình xây dựng tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm có kiểm soát…

“Khi phát hiện vi phạm, các đoàn kiểm tra phải xử lý đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả”, ông Đặng Thanh Phong lưu ý. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Số ca Covid-19 khỏi bệnh gấp gần 5 lần số ca nhiễm mới trong ngày 18-5

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.831 ca nhiễm mới, trong đó có 1 ca nhập cảnh và 1.830 ca ghi nhận trong nước. Ngoài ra, trong 24 giờ qua, nước ta có thêm 1 ca tử vong và 8.437 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh (gấp gần 5 lần số ca nhiễm mới trong ngày).

Cụ thế, tính từ 16h ngày 17-5 đến 16h ngày 18-5, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.831 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 1.830 ca tại 48 tỉnh, thành phố (tăng 45 ca so với ngày trước đó). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hải Dương (giảm 30 ca), Nghệ An (giảm 17 ca), Hà Nội (giảm 16 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hải Phòng (tăng 70 ca), Bắc Ninh (tăng 29 ca), Lâm Đồng (tăng 21 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 2.118 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.701.796 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.124 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.694.040 ca, trong đó có 9.370.477 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.596.360), thành phố Hồ Chí Minh (609.054), Nghệ An (483.750), Bắc Giang (386.472), Bình Dương (383.739).

Về tình hình điều trị, có thêm 8.437 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.373.294 ca. Ngoài ra hiện có 206 bệnh nhân đang thở ôxy.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua ghi nhận 1 ca tử vong tại Hà Nội. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.072 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Bộ Y tế cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết 41 về chất vấn

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi đến Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực y tế.

Bộ Y tế cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 41

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau khi Nghị quyết số 41/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV (gọi tắt là Nghị quyết số 41) và Công văn số 9211/VPCP-QHĐP ngày 17/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XV ban hành, Bộ Y tế đã nghiêm túc quán triệt, chấp hành, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 41 và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung thực hiện các giải pháp đã đề ra, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

“Đến nay, Bộ Y tế cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 41”- Báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ.

Một số kết quả cụ thể:

Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian 2 năm 2022 – 2023;

Hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19 bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% và phấn đấu hoàn thành tiêm mũi thứ ba;

Đã triển khai tiêm vaccine cho nhóm tuổi từ 12-17 với tỷ lệ tiêm mũi 1 là 99,6% và mũi 2 là 94,7%;

Hoàn thiện Hồ sơ các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, trình Quốc hội trong năm 2022;

Phối hợp với các cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế bao gồm kit xét nghiệm COVID-19 vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá;

Đề xuất Bộ Tài chính là đơn vị ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế;

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Chủ động kiểm tra, giám sát việc triển khai xét nghiệm COVID-19, bảo đảm đúng quy định về giá

Đối với nhiệm vụ nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế.

Nghị định này thay đổi cơ bản vấn đề về quản lý trang thiết bị y tế, cụ thể: Công khai, minh bạch toàn bộ trong quá trình quản lý; Chuyển từ phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; Phương thức quản lý phù hợp với quốc tế. Đặc biệt đối với vấn đề về quản lý giá trang thiết bị cũng như sinh phẩm chẩn đoán đã chính thức được đưa vào mặt hàng được quản lý giá.

Theo Bộ Y tế: Đây là nhiệm vụ không quy định thời hạn hoàn thành cụ thể và Bộ Y tế đang tích cực triển khai thực hiện với các hoạt động cụ thể như:

– Việc xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá: Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó giao Chính phủ “quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá”.

Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

– Việc ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân, hiện nay, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, theo quy định tại điểm 5 Điều 88 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”.

Tuy nhiên, để kiểm soát giá xét nghiệm COVID-19 với các cơ sở y tế tư nhân, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Trường hợp cần thiết báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân; yêu cầu các cơ sở y tế phải thực hiện việc xây dựng, quyết định mức giá và kê khai, công bố công khai giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo quy định của pháp luật về giá.

Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.

Theo Bộ Y tế, giá khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, vì vậy, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.

Nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện đầu cơ, tích trữ trang thiết bị y tế; tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19

Trong báo cáo này, đề cập đến việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế; chủ động kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trong việc triển khai xét nghiệm COVID-19, bảo đảm đúng quy định về giá, Bộ Y tế cho biết:

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng trang thiết bị y tế nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện đầu cơ, tích trữ và thực hiện đúng quy định về quản lý giá thuốc, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19;

Nghiêm túc việc thực hiện việc kê khai, cập nhật công khai giá trang thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, ngày 08/11/2021 quy định quản lý trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại địa chỉ https://kekhaigiattbyt.moh.gov.vn/ và trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược tại địa chỉ https://dichvucong.dav.gov.vn/congbogiathuoc/index; Chịu trách nhiệm về giá công bố và tính chính xác và đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định…

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; Tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Đối với nhiệm vụ này, Bộ Y tế nêu “đây là nhiệm vụ không quy định thời hạn hoàn thành cụ thể và Bộ đang tích cực triển khai thực hiện”.

Tại Nghị quyết 41, Quốc hội yêu cầu xem xét cấp phép sản xuất cho vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn thuốc và vaccine.

Cho biết đây là nhiệm vụ không quy định thời hạn hoàn thành cụ thể, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đang tích cực triển khai thực hiện.

Đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir và có 3 “ứng cử viên” vaccine phòng COVID-19 là Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen; Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nghiên cứu, vaccine chuyển giao công nghệ ARCT-154.

Cả ba ứng viên vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam đều đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ sở sản xuất, cơ sở nghiên cứu để rà soát, hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, tổ chức nghiệm thu và thẩm định đảm bảo khách quan, khoa học theo đúng quy định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong mua sắm thiết bị phòng, chống dịch

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có báo cáo gửi đến Quốc hội, nêu rõ Bộ này đã đề nghị các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong mua sắm thiết bị phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực y tế.

Theo báo cáo này, ngay sau kỳ họp thứ 2, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp, các cam kết đã đề ra tại phiên chất vấn về lĩnh vực y tế.

Đề cập đến việc tăng cường quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đã có các văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng trang thiết bị y tế nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện đầu cơ, tích trữ và thực hiện đúng quy định về quản lý giá thuốc, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị Covid-19.

Bộ cũng yêu cầu các Sở nghiêm túc việc thực hiện việc kê khai, cập nhật công khai giá trang thiết bị y tế; đồng thời chịu trách nhiệm về giá công bố và tính chính xác và đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định…

Bộ Y tế đã có các văn bản gửi lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh, thành phố và các Sở Y tế về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; Tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện đúng quy định về đấu thầu.

Đồng thời, thành lập nhiều Đoàn kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vaccine và tổ chức tiêm chủng phòng Covid-19, việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm, phòng hộ, khẩu trang y tế sử dụng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngành y tế cũng kiểm tra các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng dịch để nâng giá, đội giá, đảm bảo chất lượng và giá cả thị trường.

Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ khẩn trương, nghiêm túc triển khai đúng các văn bản của Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch COVID-19.

Về việc ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 với cơ sở y tế tư nhân, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tại điểm 5 Điều 88 Luật Khám bệnh chữa bệnh quy định “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”.

Tuy vậy, Bộ Y tế cũng đã đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, đồng thời không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn. (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

Hà Nội giải thể 13 cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19

Do đã hết bệnh nhân từ lâu và số mắc Covid-19 mới liên tục giảm, thành phố Hà Nội quyết định giải thể 13 cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định giải thể các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Các Cơ sở bị giải thể gồm:

– Cơ sở thu dung tại Dự án nhà ở cao tầng khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai.

– Cơ sở thu dung tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai.

– Cơ sở thu dung tại ký túc xá Trường Đại học Phenikaa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.

– Cơ sở thu dung tại Khu nhà ở tái định cư phường Thượng Thanh, quận Long Biên.

– Cơ sở thu dụng tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, Hoàng Mai.

– Cơ sở thu dung tại chung cư 4A – Dự án Nam Đại Cồ Việt, số 8, Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng.

– Cơ sở thu dung tại khu tái định cư phường Xuân La, quận Tây Hồ.

– Cơ sở thu dung tại nhà B, C – khu tái định cư phường Trần Phú, quận Hoàng Mai.

– Cơ sở thu dung tại Khu nhà tái định cư cao tầng C13/DD1, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai.

– Cơ sở thu dung tại Dự án xây dựng nhà 30T1, 30T2 ô đất A14 thuộc khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

– Cơ sở thu dung tại tòa nhà CT3, dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai.

– Cơ sở thu dung tại tòa nhà CT2, dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai.

– Cơ sở thu dung tại tòa nhà CT1, dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Theo Sở Y tế Hà Nội, gần 1 tháng nay, số ca mắc mới của Hà Nội dưới 1.000 ca/ngày. Đặc biệt trong gần 1 tuần nay số ca ghi nhận mỗi ngày ở Thủ đô chỉ dưới 500 ca. Tính đến chiều 17-5, toàn thành phố chỉ còn 143 ca điều trị tại các bệnh viện, số còn lại theo dõi tại nhà. 28 ngày qua Hà Nội không có bệnh nhân Covid-19 tử vong. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Bốn người trong gia đình thương vong bất thường nghi do ngộ độc khí CO

Chiều 18/5, Công an thành phố Thủ Đức (TPHCM) phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM đang điều tra làm rõ vụ việc 4 người trong một gia đình thương vong bất thường trong dãy trọ trên đường số 6, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức.

Khoảng 6h30 cùng ngày, hàng xóm cùng dãy trọ không thấy gia đình ông L.V.K. (45 tuổi, quê Bình Thuận) thức dậy như thường ngày nên đến gõ cửa. Sau nhiều lần gõ cửa và gọi điện thoại không có người trả lời, người dân tìm cách phá cửa vào kiểm tra và phát hiện 4 người trong gia đình, gồm ông K., bà N.T.L (44 tuổi, vợ ông K.), con gái tên L.T.K.L (21 tuổi) và con trai L.Q.H (14 tuổi) nằm bất động, cơ thể tím tái.

Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng vợ chồng ông K. và người con trai đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Người con gái được chuyển tuyến lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu và hiện đang trong tình trạng nguy kịch.

Thời điểm phát hiện vụ việc, nồi cá hấp vẫn đang sôi trên bếp, trong phòng trọ bốc lên mùi khó chịu. Cách đây ít ngày, ông K. đã dùng vải bịt kín các lỗ thông gió trong phòng trọ để lắp máy lạnh. Công an nghi ngờ các nạn nhân tử vong do ngộ độc khí CO. (Tiền phong, trang 10).

 

Điều chỉnh quy định sàng lọc, phân luồng người nghi mắc Covid-19

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn điều chỉnh một số quy định về sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và thu dung điều trị người mắc Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh.

Tại hướng dẫn mới nhất này, Bộ Y tế cho hay trong bệnh viện người đang điều trị các bệnh nếu mắc Covid-19 sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị, do vậy cần tổ chức sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm, phát hiện và điều trị Covid-19 sớm.

Các khoa tập trung người bệnh nặng, có nguy cơ cao cần hạn chế tối đa lây nhiễm SARS-CoV-2.

Lãnh đạo bệnh viện cần tổ chức tốt công tác sàng lọc, phát hiện sớm người nghi nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt tại các khoa có nguy cơ cao và tập trung cấp cứu, điều trị ưu tiên giảm tử vong liên quan đến Covid-19.

Theo đó, người có dấu hiệu nghi nhiễm SARS-CoV-2 cần được sàng lọc, phát hiện sớm để tránh lây nhiễm và làm tăng nặng tình trạng bệnh khác, đặc biệt người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao, khu hồi sức tích cực, lọc máu (thận nhân tạo) và hậu phẫu. Người được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 cần được khám và điều trị tách biệt với những người không bị nhiễm.

Bộ Y tế nêu rõ dựa trên hướng dẫn chung của Bộ Y tế, bệnh viện chủ động xây dựng, cập nhật và duy trì quy trình đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, xét nghiệm, điều trị và chuyển viện cho người mắc Covid-19 theo hướng linh hoạt, cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Căn cứ trên phạm vi chuyên môn, điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng, cấu trúc sẵn có, bệnh viện nghiên cứu, thiết kế quy trình thuận tiện, hợp lý trên nguyên tắc giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Về sàng lọc, phân luồng: Áp dụng chung cho các bệnh viện công lập, tư nhân, có 1 cổng, nhiều cổng.

Tại các cổng có tiếp nhận người bệnh đặt biển báo: “Hướng đi dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau rát họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mất vị giác khứu giác”.

Biển báo có thể bổ sung thêm các nội dung khác như các dấu hiệu khác, số điện thoại đường dây nóng… Biển báo có đèn chiếu sáng để nhìn rõ vào ban đêm.

Phía sau biển báo cần có biển chỉ dẫn đến khu vực khám sàng lọc Covid-19 (hoặc đến khoa/đơn nguyên truyền nhiễm của bệnh viện được phân công khám sàng lọc). Khu vực khám sàng lọc có bố trí phương tiện vận chuyển như cáng, xe lăn cho người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp, có quy trình vệ sinh rõ ràng và thực hiện khử khuẩn sau mỗi lần sử dụng.

Trong trường hợp bệnh viện có đặc thù như quy mô lớn, mặt bằng rộng hoặc các lý do đặc thù khác, bệnh viện có thể thiết lập và tổ chức sàng lọc người bệnh ngay tại cổng bệnh viện hoặc tại một số khoa/trung tâm, khối nhà của bệnh viện theo các nguyên tắc chung.

Về thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, các bệnh viện có hướng dẫn người vào bệnh viện đeo khẩu trang và khử khuẩn tay.

Việc đo thân nhiệt, giữ khoảng cách do bệnh viện chủ động quy định và thực hiện phù hợp, dựa trên điều kiện mặt bằng cơ sở vật chất và số lượng người đến bệnh viện.

Các khu vực sàng lọc bảo đảm thông khí, bố trí đầy đủ phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay, túi, thùng, phương tiện và thực hiện quản lý chất thải, vệ sinh môi trường theo quy định”.

Theo hướng dẫn, việc thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng các kỹ thuật nhằm phát hiện tình trạng nhiễm SARS-CoV-2) đối với các trường hợp người đến khám tại bệnh viện, người bệnh nội trú, nhân viên y tế nếu nghi ngờ mắc Covid-19 như có các dấu hiệu ho, sốt, chảy mũi, đau rát họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mất vị giác, khứu giác và các dấu hiệu bất thường khác có liên quan sau khi khám sàng lọc Covid-19.

Bệnh viện tập trung đánh giá nguy cơ và phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19 để chỉ định xét nghiệm cho người bệnh trước khi làm phẫu thuật, người bệnh tại các khoa có nguy cơ cao như hồi sức tích cực, đột quỵ, lọc máu (thận nhân tạo), hậu phẫu và người bệnh khác theo yêu cầu chuyên môn trên nguyên tắc bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao, hạn chế tối đa lây nhiễm.

Các đối tượng khác như: người chăm sóc người bệnh, người cung ứng dịch vụ cho bệnh viện, người đến công tác, làm việc với bệnh viện, học viên, khách đến thăm nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19 như trên cần chủ động đến khu vực khám sàng lọc Covid-19 và thực hiện theo hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế.

Về cách tổ chức khu vực điều trị người bệnh Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ: Khu vực điều trị Covid-19 được tổ chức tại một trong các địa điểm như khoa truyền nhiễm; hoặc bố trí buồng bệnh hoặc khu vực điều trị Covid-19 trong khoa lâm sàng hoặc liên khoa lâm sàng; hoặc thiết lập Khu vực điều trị Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh.

Tại Khoa Hồi sức tích cực: bố trí buồng bệnh hoặc khu vực để cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch.

Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ trên điều kiện cơ sở vật chất, khoa, phòng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bố trí khu vực điều trị Covid-19 cho những người bệnh mắc Covid-19 khi đến hoặc trong quá trình khám, chữa bệnh tại cơ sở theo một hoặc một số cách nêu tại điểm a mục này.

Thực hiện chuyển tuyến những người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch khi vượt quá năng lực chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh theo quy định hiện hành hoặc theo hướng dẫn của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Tiên phong, trang 10: “Hướng dẫn mới sàng lọc, phân luồng người nghi mắc COVID-19”.

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 05/4/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/7/2019

CDC Hà Nam

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 12 Giờ 00, ngày 8/02/2020

Ngọc Nga