Điểm báo ngày 12/4/2022

(CDC Hà Nam)
TPHCM đối thoại gỡ rối để giữ chân nhân viên y tế; Cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến 12 tuổi tiêm vaccine COVID-19; Cả nước chỉ có 165 xã, phường là “vùng đỏ”, tử vong do COVID-19 giảm sâu; Khám hậu COVID đừng để lo lắng rồi lãng phí…

TPHCM đối thoại gỡ rối để giữ chân nhân viên y tế

Trước tình trạng làn sóng nghỉ việc ngày càng gia tăng, Sở Y tế TPHCM đang tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân viên y tế để tháo gỡ khó khăn, giữ chân người lao động.

Đối thoại trực tiếp

Chị N.T.B là điều dưỡng tại một bệnh viện ở TPHCM đã nhiều năm đảm nhiệm quyền điều dưỡng trưởng khoa. Với chị, trách nhiệm công việc luôn ở mức cao, nhưng thu nhập và phụ cấp không thay đổi. Sau nhiều năm đảm trách nhưng không được lãnh đạo bệnh viện cất nhắc lên vị trí điều dưỡng trưởng, chị đã bất mãn muốn nghỉ việc. Sau khi đối thoại trực tiếp với nhân viên y tế mới đây, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi đến bệnh viện đề nghị tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho nữ điều dưỡng an tâm công tác.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong 11 tháng đầu năm 2021, có 968 nhân viên y tế nghỉ việc, phần lớn là điều dưỡng và bác sĩ ở trạm y tế phường, xã. Sang 3 tháng đầu năm 2022, có thêm 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt không chỉ gây chảy máu chất xám của ngành y tế mà còn khiến các cơ sở đối mặt nguy cơ thiếu hụt nhân sự. Sở Y tế TPHCM đang khẩn trương xúc tiến nhiều giải pháp để giữ chân người lao động, trong đó có giải pháp đối thoại trực tiếp với nhân viên y tế.

Bà Trần Thị Hồng Huyên, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ – Sở Y tế TPHCM, cho biết, đối thoại trực tiếp với nhân viên y tế là một sáng kiến của Sở Y tế thành phố nhằm hỗ trợ cả nhân viên y tế và cơ sở y tế. Từ cuối tháng 3 đến nay, Sở Y tế đã tổ chức 2 hội nghị lắng nghe và trao đổi trực tiếp với nhân viên y tế đang làm việc tại các bệnh viện. Đợt đầu tiên, Sở đã lựa chọn đối thoại với điều dưỡng của các bệnh viện vì đây là lực lượng khó tuyển dụng nhưng dễ nghỉ việc nhất do thu nhập tại hệ thống y tế công lập thấp nhưng thu nhập tại các cơ sở y tế tư nhân cao hơn nhiều. Việc giữ chân điều dưỡng là mục tiêu đầu tiên Sở Y tế TPHCM hướng đến, đặc biệt là điều dưỡng tại các khoa, phòng có nhiều nguy cơ và áp lực như khoa cấp cứu và các khoa bệnh nặng, khoa bệnh thường xuyên quá tải.

Đích thân PGS. TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chủ trì 2 phiên đối thoại vừa diễn ra. Ông trực tiếp lắng nghe 5 điều dưỡng tại Bệnh viện huyện Củ Chi và 7 điều dưỡng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nói về những khó khăn, vướng mắc họ đang phải đối mặt. Theo Sở Y tế, các vấn đề chính dẫn tới tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc đang xoay quanh môi trường làm việc, thu nhập – tiền lương, cơ hội được đào tạo thăng tiến và mối quan hệ với lãnh đạo, đồng nghiệp. Tất cả các nội dung được trao đổi giữa nhân viên y tế với lãnh đạo Sở Y tế đều được giữ bí mật để hạn chế những ảnh hưởng ngoài ý muốn đối với nhân viên y tế. Tuy nhiên, sau những cuộc đối thoại với nhân viên y tế, Sở Y tế TPHCM sẽ có văn bản gửi đến các bệnh viện để góp ý và đề nghị giám đốc các bệnh viện có những giải pháp cải tiến, đổi mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cần thiết của nhân viên y tế.

Dự kiến, thời gian tới, mỗi tuần Sở Y tế sẽ tổ chức một hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân viên y tế. Sau lực lượng điều dưỡng, chương trình đối thoại sẽ mở rộng ra các trưởng khoa, phó khoa của các bệnh viện để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhân viên y tế.

Ông Thượng cho biết: “Việc đối thoại trực tiếp với nhân viên y tế để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn là giải pháp có lợi rất lớn cho ngành y tế đặc biệt là các bệnh viện. Sở Y tế thành phố sẽ lắng nghe, ghi nhận mọi thông tin từ nhân viên y tế, từ đó chủ động giải quyết những vấn đề cấp bách. Những nội dung cần tháo gỡ từ cơ chế, chính sách, Sở sẽ tổng hợp, tham mưu UBND TPHCM và Bộ Y tế để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất giúp nhân viên y tế gắn bó với nghề”.

Thông qua chính sách đặc thù

Đề xuất của Sở Y tế về việc tháo gỡ khó khăn cho y tế tuyến cơ sở đã được HĐND TPHCM thông qua trong kỳ họp thứ 5, khóa X (ngày 7/4). Những chính sách đặc thù được kỳ vọng sẽ giúp ngành y tế củng cố và nâng cao năng lực của trạm y tế, đặc biệt là vấn đề nhân sự.

Trao đổi với phóng viên, ông Thượng cho biết: “Củng cố năng lực y tế cơ sở là điều tiên quyết, nếu không chúng ta sẽ vỡ trận khi dịch bùng phát trở lại. Với chính sách đặc thù được thông qua, Sở Y tế sẽ có thêm nhiều giải pháp để cải thiện về nhân lực y tế. Ngoài vấn đề tuyển dụng nhân sự chính thức, cơ sở y tế sẽ được hợp đồng với người đã nghỉ hưu, đưa bác sĩ trong thời gian thực hành lấy chứng chỉ về trạm y tế công tác. Đây đều là những hoạt động rất mới, chưa có tiền lệ”.

Ông Thượng cho biết, hiện nay việc tự chủ hoàn toàn đang gây khó khăn cho nhiều bệnh viện, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn lưu hành. Sở Y tế đã có đề xuất gửi các các bộ, ngành liên quan về việc đánh giá lại năng lực tự chủ của các bệnh viện. Theo đó, cơ sở nào có khả năng tự chủ đến đâu thì giao chỉ tiêu tự chủ phù hợp đến đó, phần còn lại sẽ chi ngân sách để đảm bảo bệnh viện vận hành tốt nhất, giúp đời sống nhân viên y tế ổn định. “Chúng tôi kỳ vọng với những chính sách mới và các giải pháp đang triển khai, ngành y tế sẽ củng cố ngày càng vững chắc để đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Thượng nói.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, tính đến tháng 3, tổng số nhân lực đang có mặt làm việc của ngành y tế thành phố là 41.312 người. Trong đó có 27.000 viên chức, 11.083 trường hợp là hợp đồng lao động đang chờ xét tuyển và 3.229 trường hợp là hợp đồng được ký kết giữa người lao động làm một số việc cụ thể trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí chi thường xuyên. Tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế thời gian qua chưa ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh vì thực tế số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị chưa phục hồi sau dịch COVID-19. (Tiền phong, trang 3).

 

Kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em

Kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được tổ chức theo hình thức chiến dịch, dự kiến ngay trong tháng 4/2022, triển khai tiêm trước cho nhóm trẻ lớp 6 rồi hạ dần độ tuổi…

Gần 1 triệu liều vaccine Covid-19 cho trẻ 5-12 tuổi đầu tiên do Australia tài trợ Việt Nam đã về nước cuối tuần vừa qua và dự kiến trong tuần này sẽ tiếp tục có các đợt mới về nước.

Vậy, kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em sẽ được thực hiện như thế nào, vì sao trẻ mắc Covid-19 đa phần có triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn cần thiết phải tiêm vaccine?… Đây là các vấn đề được nhiều người dân quan tâm.

Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi dự kiến sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này và hoàn thành trong quý II/2022. Hiện tại, Bộ Y tế đã tập huấn về công tác tiêm chủng trên toàn quốc. Trẻ đang đi học lớp 1 hoặc mẫu giáo sẽ được lập danh sách theo lớp, trường, còn trẻ không đi học được lập danh sách tại cộng đồng.

Về kế hoạch cụ thể, việc triển khai sẽ được thực hiện theo hình thức chiến dịch, tại các địa điểm tiêm chủng cố định như bệnh viện, trạm y tế, trường học và các điểm tiêm lưu động. Trong đó, sẽ triển khai tiêm cho nhóm trẻ lớn (lớp 6) trước rồi hạ dần độ tuổi.

Về vaccine được tiêm cho trẻ em, hiện Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vaccine là vaccine Pfitzer và vaccine Moderna. Mỗi trẻ được tiêm 2 mũi, cách nhau 4 tuần và chỉ tiêm 2 mũi cùng loại, không tiêm trộn vaccine.

Về sự cần thiết phải tiêm vaccine, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, số mắc và số tử vong do Covid-19 ở trẻ em thấp hơn ở người lớn, trẻ khi mắc cũng thường có biển hiện nhẹ hơn.

Tuy vậy, qua báo cáo của các bệnh viện nhi, đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em sau mắc Covid-19, với các biểu hiện viêm đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, não, mắt, hệ tiêu hóa… Hội chứng này có thể tăng nặng, thậm chí gây tử vong.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng học tập và vui chơi..

Do đó, bà Hồng nhấn mạnh, việc tiêm vaccine Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và biến chứng, góp phần tạo nên một thế hệ lao động đủ sức khỏe về thể chất và tinh thần.

PGS.TS Dương Thị Hồng cũng nêu rõ, tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em trước tiên là để phòng bệnh cho trẻ, đồng thời tăng diện bao phủ vaccine trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người xung quanh, góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. (An ninh Thủ đô, trang 1).

 

Cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến 12 tuổi tiêm vaccine COVID-19

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đến nay cả nước đã tiêm trên 208,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên ở nước ta đến ngày 10.4 là mũi 1 là 100%, mũi 2 là 100%, tiêm mũi 3 đạt 51,3%. Đối với người từ 12- 17 tuổi mũi 1 là 99,9% và mũi 2 là 95,3%.

Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.293.502 liều, trong đó mũi 1: 71.384.131 liều; Mũi 2: 69.986.625 liều; Mũi bổ sung: 15.008.830 liều; Mũi 3: 34.913.916 liều

Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.231.811 liều, trong đó Mũi 1: 8.820.680 liều; Mũi 2: 8.411.131 liều.

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, theo Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp và làm việc chặt chẽ với các đơn vị cung ứng vaccine, các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước để tiếp nhận viện trợ và mua vacine để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Với các nguồn vaccine viện trợ và mua, việc tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong Quý II.2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận gần 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi Moderna do Úc tài trợ. Ngay sau khi kiểm định xong, lô vaccine này sẽ được phân bổ đề phục vụ công tác tiêm chủng.

Theo thống kê, cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng vaccine COVID-19 đợt này. Việc tiêm chủng sẽ được thực hiện từ nhóm trẻ em ở độ tuổi lớn đến bé, từ dưới 12 tuổi (lớp 6) trước, sau đó hạ thấp dần.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, ngành y tế đã tiến hành tập huấn an toàn tiêm chủng cho trẻ ở độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.

Theo thống kê, cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng vaccine COVID-19 đợt này. Việc tiêm chủng sẽ được thực hiện từ nhóm trẻ em ở độ tuổi lớn đến bé, từ dưới 12 tuổi (lớp 6) trước, sau đó hạ thấp dần.  (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Cả nước chỉ có 165 xã, phường là “vùng đỏ”, tử vong do COVID-19 giảm sâu

Theo Bộ Y tế, tử vong do COVID-19 ở nước ta tiếp tục giảm sâu, chỉ còn 19 ca vào ngày 10/4. Cả nước chỉ còn 165 xã, phường là “vùng đỏ”, giảm mạnh so với thời gian cao điểm. Dịch COVID-19 tại nước ta tiếp tục giảm. Ngày 10/4, cả nước chỉ còn 28.307 F0 mới, giảm gần 6 lần so với thời điểm giữa tháng 3. Ngày 10/4 chỉ có 8 tỉnh, thành ghi nhận ca mắc mới trên 1.000 ca, bằng 1/5 thời điểm của 3 tuần đầu tháng 3/2022 khi số địa phương có ca mắc mới trên 1.000/ngày.

Bộ Y tế cho biết, trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận  42.928 ca mắc COVID-19/ngày, vào thời gian cao điểm của tháng 3 gần 169.000 ca/ngày.

Đến nay, Việt Nam đã có gần 10,2 triệu người mắc COVID-19. Cả nước chỉ còn hơn 14.000 F0 nặng phải điều trị tại các cơ sở y tế. Hà Nội hiện không còn bệnh nhân COVID-19 điều trị tại các cơ sở thu dung của TP và các quận, huyện.

Tử vong do COVID-19 cũng tiếp tục giảm sâu trong 1 tuần qua. Cụ thể, ngày 10/4 cả nước chỉ có 19 ca tử vong tại 12 tỉnh, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không có ca bệnh nào. Số tử vong trung bình ghi nhận trong 1 tuần qua là 30 ca.

Theo thống kê trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tính đến ngày 10/4/2022, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Hiện cả nước còn có 2.159 xã, phường cấp độ 3 ( nguy cơ cao), chiếm 20.4% số xã, phường cả nước; 163 xã, phường cấp độ 4 – nguy cơ rất cao, chiếm 1,5% tại 16 tỉnh, thành phố.

Số xã, phường đạt cấp độ dịch 1 (vùng xanh) là 5.883, chiếm 55,5% số xã, phường của cả nước; có 2.399 xã, phường thuộc cấp độ dịch 2 (vùng vàng), chiếm 22,6% tổng số xã phường của cả nước.

Trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng vương, lượng người đổ về Đền Hùng, các khu du lịch đông nghẹt. 3 ngày nghỉ, các khu vui chơi của Hà Nội và nhiều địa phương đều tấp nập khách.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), dịch COVID-19 của Việt Nam đang giảm, nhưng nếu không phòng bệnh tốt thì dịch lại bùng lên, vì dịch vẫn lây lan nhanh trong cộng đồng, vẫn có nhiều ca tái nhiễm. Do vậy, người dân vẫn phải tuân thủ 5K, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ, càng hạn chế tiếp xúc với nhóm lạ khác nhau càng tốt. Khi ra đường, đến chỗ đông người phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn; trẻ em chưa tiêm vaccine, người có bệnh nền hạn chế đến nơi tập trung đông người không cần thiết và phải tuân thủ 5K. (Công an nhân dân, trang 2, Nhân dân, trang 5).

 

Khám hậu COVID đừng để lo lắng rồi lãng phí

Thăm khám hậu COVID-19 là nhu cầu chính đáng của người dân, tuy nhiên có không ít người đang lo lắng thái quá, đi khám tùy hứng, mua nhiều loại thực phẩm bổ sung gây tốn kém, lãng phí.

Muôn kiểu khám hậu COVID

Tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện E), có rất đông bệnh nhân đang chờ trước phòng khám hậu COVID.

Cụ Mến (70 tuổi, ở Cổ Nhuế) sau một tháng điều trị hậu COVID hôm nay đi khám lại cho biết, cụ mắc COVID-19 nhưng không ho, sốt chỉ hơi mệt.

Tuy nhiên sau khỏi COVID bà hay bị mất ngủ, đau nhiều sau lưng cứ nghĩ bị đau dây thần kinh, khi đi khám bác sĩ nói phổi bị tổn thương phải nằm viện điều trị 11 ngày.

“May mà có bảo hiểm nên chi phí nằm viện không đáng là bao, chứ như cụ ông cùng phòng không có bảo hiểm mới nằm viện 5 ngày đã mất 9 triệu đồng…”

“Lúc COVID không đáng là bao nhưng khi khỏi bệnh mới tốn kém, tiền thăm khám, nằm viện, mua các loại thực phẩm bồi bổ cơ thể như yến sào, nhân sâm, sữa tăng đề kháng cho người già, hoa quả… Con cái cứ nghe ai mách thuốc nào tốt là mua cho mẹ dùng, tốn cả chục triệu đồng nhưng mua về để đó, đã dùng được mấy đâu” bà Mến kể.

Đang ngồi chờ trước quầy thanh toán, chị Nguyễn Lê Quỳnh Trang (24 tuổi, Cổ Nhuế) cho biết, bị COVID cách đây 28 ngày, khoảng 10 ngày gần đây cảm thấy khó thở, leo cầu thang hay bị hụt hơi nên đến bệnh viện thăm khám xem sao.

“Kết quả chụp X-quang phổi tốt, bác sĩ kê đơn thuốc gồm 10 lọ thuốc bổ dặn em về uống mỗi ngày một lọ, đồng thời chú ý bồi bổ cơ thể, nghỉ ngơi và tập luyện, vận động hợp lý để phục hồi chức năng phổi” Quỳnh Trang chia sẻ.

Di chuyển vào khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện E), tại đây có 3 thanh niên trẻ đang chờ thăm khám hậu COVID.

Khi nhân viên y tế hỏi đã bị COVID lâu chưa thì một người trong số họ cho biết, họ vừa khỏi bệnh, người vẫn khỏe. Nhưng thấy nhiều người nói di chứng hậu COIVID nguy hiểm nên rủ thêm 2 bạn cùng công ty đi khám cho yên tâm” thanh niên này nói.

Không nên thăm khám tùy tiện

ThS. BS Phạm Văn Ngư – Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện E) cho biết, mỗi ngày trung bình khoa khám bệnh tiếp nhận từ 50-70 trường hợp đến khám hậu COVID, tuy nhiên, thực tế con số này còn cao hơn bởi vì mọi người còn khám lẫn ở các chuyên khoa khác… Các bệnh nhân đến khám với các triệu chứng liên quan đến hô hấp khoảng hơn 50%.

Điều đáng nói là không chỉ có người cao tuổi, mà có rất nhiều người trẻ (gần 50%) đến khám các di chứng hậu COVID, trong đó hơn một nửa chỉ vì lo lắng thái quá mà đi khám.

“Người cao tuổi thông thường là có dấu hiệu bệnh, nhưng nhiều người trẻ chỉ ho hắng, tức ngực một tý cũng đi khám. Thậm chí nhiều trường hợp bác sĩ chỉ định chỉ cần nghỉ ngơi, bồi bổ, tập luyện để cơ thể khỏe mạnh hơn, nhưng nhiều người vẫn yêu cầu chụp chiếu và làm các xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết vừa lãng phí mà còn tốn kém.

Theo BS Ngư, các triệu chứng phải kéo dài ít nhất 2 tháng mới được coi là di chứng hậu COVID, tuy nhiên nhiều trường hợp mới khỏi COVID, thấy ho, tức ngực là đi khám liền. Do vậy, người bệnh nên bình tĩnh, tìm hiểu nguồn thông tin chính xác, không lo lắng thái quá, tránh thăm khám tùy tiện và mua “ồ ạt” các loại thực phẩm bổ sung gây lãng phí, tốn kém.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, cần đi khám sức khỏe nếu vẫn gặp phải các triệu chứng hậu COVID-19 sau 3 tháng nhiễm bệnh. Chỉ nên đi khám ngay sau khi khỏi bệnh với nhóm người có bệnh lý nền, tuổi > 60 hoặc đã từng phải điều trị tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Bộ Y tế sắp cấp hộ chiếu vaccine toàn quốc: 12 thông tin nhất định phải biết

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, từ hôm nay 8/4, các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bắt đầu thực hiện ký số, từ 15/4, Bộ Y tế sẽ thực hiện ký tập trung để cấp “Hộ chiếu vaccine” cho người dân. Dưới đây là 12 thông tin về “Hộ chiếu vaccine” nhất định người dân phải biết…

Về việc cấp “Hộ chiếu vaccine” được người dân quan tâm để phục vụ các nhu cầu đi lại, đặc biệt là ra nước ngoài, GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngày 20/12/2021 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5772/QĐ-BYT về biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine”.Ngay sau đó, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các đơn vị liên quan xây dựng chức năng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 và các hệ thống liên quan phục vụ cho việc ký số và cấp “Hộ chiếu vaccine”.

Đến nay cơ bản các hệ thống đã hoàn thành, sẵn sàng cho việc cấp “Hộ chiếu vaccine” cho người dân trên cả nước. Dưới đây là 12 thông tin về “Hộ chiếu vaccine” mà người dân nhất định phải biết.

1. “Hộ chiếu vaccine” điện tử là gì?

Hiện nay “Hộ chiếu vaccine” điện tử là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức y tế thế giới và Liên minh Châu Âu ban hành.

2. Thời hạn của “Hộ chiếu vaccine” điện tử

Thời hạn của “Hộ chiếu vaccine” điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sữ tự động tạo mã QR  mới.

3. Tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19 có được cấp “Hộ chiếu vaccine” điện tử không?

“Hộ chiếu vaccine” điện tử là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử, do vậy người dân tiêm bao nhiêu mũi thì vẫn được cấp “Hộ chiếu vaccine”, trong đó sẽ có thông tin tiêm loại vaccine nào, bao nhiêu mũi.

Việc sử dụng “Hộ chiếu vaccine” người dân cần tìm hiểu thông tin từ Bộ Ngoại giao trước khi xuất cảnh.

4. “Hộ chiếu vaccine” điện tử của Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật nào, có bao nhiêu quốc gia sử dụng tiêu chuẩn này?

“Hộ chiếu vaccine” điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.

5. “Hộ chiếu vaccine” điện tử của Việt Nam được sử dụng ở những quốc gia nào?

Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành biểu mẫu, quy trình và thực hiện cấp “Hộ chiếu vaccine”. Để biết “Hộ chiếu vaccine” được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao.

6. Người dân phải làm gì để được cấp “Hộ chiếu vaccine”?

Người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp “Hộ chiếu vaccine” mà không phải làm thủ tục gì thêm.
7. Xem “Hộ chiếu vaccine” ở đâu?

“Hộ chiếu vaccine” điện tử được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và PC-COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.

8. Thông tin tiêm chủng COVID-19 sai/thiếu thì phải làm gì?

Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng hoặc trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.

Nếu có sai sót/thiếu thông tin đề nghị người dân liên hệ (trực tiếp hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn) với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.

9. Trường hợp người dân tiêm tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau thì phải làm gì để được cấp “Hộ chiếu vaccine”?

Trường hợp người dân tiêm chủng các mũi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau thì các cơ sở có trách nhiệm ký số chứng nhận, Bộ Y tế sẽ cấp “Hộ chiếu vaccine” bao gồm thông tin các mũi tiêm. Người dân không cần phải làm thủ tục gì thêm.

10. Quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine”

Theo quyết định số 5772/QĐ-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế, quy trình cấp Hộ chiếu vaccine bao gồm 3 bước:

Bước 1: các cơ sở tiêm chủng thực hiện rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng với CSDL quốc gia về dân cư theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Dữ liệu sẽ được đẩy về Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Bước 3: Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế thực hiện ký số tập trung chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Người dân có thể xem Hộ chiếu vaccine trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC- COVID hoặc tra cứu trên Cổng thông tin do Bộ Y tế công bố trong thời gian tới.

11. Thời gian dự kiến triển khai cấp hộ chiếu vaccine trên cả nước là khi nào?

Ngày 8/4/2022, các cơ sở tiêm chủng bắt đầu thực hiện ký số, từ 15/4/2022, Bộ Y tế sẽ thực hiện ký tập trung để cấp “Hộ chiếu vaccine” cho người dân.

12. Người dân không có/mất chứng nhận tiêm chủng bản giấy có được cấp “Hộ chiếu vaccine” điện tử không?

Nếu trên hệ thống đã có thông tin tiêm chủng COVID-19 thì người dân sẽ được cấp “Hộ chiếu vaccine” điện tử mà không cần bản giấy.

Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng trên Cổng thông tin điện tử tiêm chủng COVID-19 hoặc ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Những em bé được hồi sinh nhờ ghép gan

Từ năm 2004, ca ghép gan cho trẻ em từ người cho sống đầu tiên thực hiện ở Bệnh viện 103 là cháu Nguyễn Thị Diệp (8 tuổi, Nam Định), gần 20 năm sau, nhiều bệnh nhi nhỏ tuổi được cứu sống nhờ kỹ thuật ghép gan đỉnh cao không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất (9 tháng tuổi, ở Lâm Đồng) vừa được Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công, đã mang đến rất nhiều hy vọng sống cho trẻ em mắc bệnh lý teo mật bẩm sinh, suy gan, ung thư gan giai đoạn cuối. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và khen ngợi tập thể thầy thuốc thực hiện thành công ca ghép gan này.

Sức sống kỳ diệu của em bé 9 tháng tuổi

Cháu bé 9 tháng tuổi ở Lâm Đồng mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh. Từ khi 2 tháng tuổi cháu đã yếu ớt phải nhiều lần nhập viện. Bệnh của cháu ngày một tiến triển nặng, dẫn tới tình trạng xơ gan mật tiến triển – một bệnh lý hiếm gặp của gan và đường mật. Theo chia sẻ của mẹ bé, gia đình chị rất đau buồn vì bệnh tình của con nguy kịch, trong khi các phương pháp điều trị đều không có kết quả, chỉ có ghép gan mới cứu sống được tính mạng.

Cháu bé được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương ghép gan, người cho gan là bố. Sau hàng loạt các thăm khám, chăm sóc, nuôi dưỡng để cháu bé có đủ sức khỏe (cân nặng được 8,2kg) cho ca ghép, ngày 14/3 các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành song song 2 phòng mổ để lấy gan từ bố và ghép cho con. Ca mổ diễn ra trong 9 giờ đã thành công, cháu bé được cứu sống. Đây là ca ghép gan thành công thứ 25 tại Bệnh viện Nhi Trung ương và là ca ghép gan được thực hiện hoàn toàn bởi các bác sĩ của bệnh viện, không có sự hỗ trợ từ chuyên gia nước ngoài.

Đến nay sức khỏe của cháu bé tốt, được xuất viện và gia đình bé quyết định ở lại Hà Nội thêm 3 tháng để theo dõi, thăm khám định kỳ cho cháu. Ngày 10/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và khen ngợi tập thể y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi này. Chủ tịch nước nhấn mạnh, ghép gan trẻ em là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, nhờ sự nỗ lực không ngừng học hỏi về trình độ chuyên môn và kỹ thuật, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết tâm làm chủ hoàn toàn quy trình thăm dò trước ghép, kỹ thuật ghép, gây mê, hồi sức góp phần mở ra nhiều hi vọng mới cho các gia đình có con mắc bệnh lý suy gan giai đoạn cuối. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong các bác sỹ và nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục làm việc trên tinh thần “Tận tâm, chất lượng vì sức khoẻ trẻ em Việt Nam” để mang lại cuộc sống cho nhiều trẻ em bị bệnh hiểm nghèo hơn nữa.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng năm bệnh viện tiếp nhận điều trị cho nhiều trẻ em bị teo đường mật bẩm sinh, có các bệnh lý về gan mật, trong số đó nhiều em bé bị suy gan giai đoạn cuối cần ghép gan mới có cơ hội sống. Song tỷ lệ bệnh nhi suy gan, ung thư gan giai đoạn cuối được ghép gan chưa nhiều do nguồn tạng còn hiếm. Bệnh viện Nhi Trung ương hiện là đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam, trong đó đã thực hiện các ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như bất đồng nhóm máu, ghép gan cho trẻ ung thư gan, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan được cho bệnh nhi có cân nặng thấp.

Chắp cánh ước mơ

Khi chia sẻ về thành tựu 108 ca ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108), Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện không giấu được niềm vui trong những thành công đó có nhiều ca ghép gan cho trẻ em. Bệnh viện 108 cũng là nơi phối hợp chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho 5 bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương (thực hiện được 6 ca). Điển hình vào ngày 17/8/2021, Bệnh viện 108 phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện ca ghép gan cứu sống bé gái 18 tháng tuổi bị u nguyên bào gan ác tính từ khi mới 11 tháng tuổi, mặc dù đã trải qua 6 đợt điều trị hóa chất và nút mạch, song khối u vẫn phát triển nhanh. Ca ghép gan vô cùng phức tạp được thực hiện thành công mang lại cuộc sống mới cho cháu bé, trở thành ca ghép gan cho trẻ em ung thư đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam.

Mới đây nhất, Bệnh viện 108 thực hiện ghép gan thành công cho cháu bé 5 tuổi (TP Hồ Chí Minh) bằng kỹ thuật nội soi lấy thùy gan trái từ người cho sống. Cháu bé bị u nguyên bào gan ác tính – một bệnh lý hiếm gặp ở trẻ em. Vào tháng 7/2021 đã phẫu thuật cắt gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) do khối u ác tính phát triển. Sau mổ, khối u tiếp tục phát triển ở phần gan còn lại. Cháu bé được điều trị hóa chất 10 chu kì ở trong nước và nước ngoài (Thái Lan). Tuy nhiên, khối u không đáp ứng với điều trị, dấu ấn ung thư (AFP) không những không giảm mà tiếp tục tăng rất cao. Cháu bé được tiên lượng tử vong sớm nếu không còn phương pháp nào điều trị.

Đại tá Lê Văn Thành, Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện 108 cho biết, ghép gan là biện pháp cuối cùng để cứu sống cháu bé. Cả nhà không có ai ngoài cô ruột  có chỉ số tương thích với cháu bé để hiến gan. Thể trạng của cháu bé yếu, nặng chưa đầy 15kg, sau điều trị hóa chất xuất hiện tình trạng ức chế tủy xương, thiếu máu, giảm bạch cầu. Vì thế ca ghép gan hết sức phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hàng trăm ca ghép gan, các bác sĩ của Bệnh viện 108 đã thực hiện thành công ca ghép trong 7 giờ.

Hiện nay cả nước có 9 trung tâm ghép gan, đã thực hiện ghép gan cho hơn 300 bệnh nhân. Danh sách chờ ghép gan rất lớn, trong đó có nhiều trẻ em, nhưng nguồn tạng hiến còn nhiều khó khăn. GS.TS Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia cho biết một thực trạng đau lòng, đó là hiện có rất nhiều người bệnh đang hàng ngày, hàng giờ không chờ được tạng hiến để ghép và phải tử vong. Theo thống kê, trong vòng 2 năm qua, số lượng chờ ghép tạng tương đối lớn, gần 8.789 người cần ghép thận, 407 người đang cần ghép gan, 110 người cần ghép tim, 79 người cần ghép phổi, 189 người cần ghép tụy, 55 trường hợp cần ghép ruột. Những con số này cho thấy chúng ta cần một lượng lớn tạng để cứu sống người bệnh.

Bệnh viện 108 cho biết, Bệnh viện đang phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, các trung tâm ghép tạng và các bệnh viện nhằm kịp thời nguồn tạng ghép cho các bệnh nhân trong danh sách chờ ghép. (Công an nhân dân, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 29/10/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 5/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/02/2022

CDC Hà Nam