Điểm báo ngày 20/7/2020

(CDC Hà Nam)
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chúng ta tận dụng công nghệ để phát huy cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh; Bộ Y tế yêu cầu tăng cường theo dõi, phát hiện, điều trị kịp thời

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chúng ta tận dụng công nghệ để phát huy cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Chúng ta ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh. Tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng tại cơ sở. Tất cả vì mục tiêu cái gì có lợi cho người dân thì làm

Ngày 17/7 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị rà soát triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các vụ, cục Bộ Y tế và 15 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, TP Hà Nội được chỉ định tham gia Đề án.

Đề án được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 về việc phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa

Hướng tới không còn giới hạn giữa các tuyến khám, chữa bệnh

Chủ trì cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh,  Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được thực hiện với kỳ vọng tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Khám, chữa bệnh từ xa không thay thế khám, chữa bệnh truyền thống, nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp tuyến trên không bị quá tải, nâng cao trình độ tuyến dưới, giảm tỷ lệ tái khám, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh…

Đề án này hướng đến mục tiêu: Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới. Trong đó, bệnh viện viện tuyến Trung ương hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí hỗ trợ cả bệnh viện tuyến huyện; bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện. Đồng thời, thực hiện thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ thầy thuốc tuyến dưới theo nguyên tắc một thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ, hướng dẫn cho nhiều thầy thuốc tuyến dưới, nhiều thầy thuốc tuyến trên hỗ trợ cho một thầy thuốc tuyến dưới…

Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới thì hiện nay sẽ mở rộng theo mô hình 1-N để nhân rộng phạm vi thụ hưởng. Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một bệnh viện tuyến dưới nhưng tất cả các bệnh viện khác trong mạng lưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi , để qua đó được học tập, nâng cao chuyên môn; Người dân thông qua đây được tiếp cận với các bác sỹ;

Bên cạnh đó, Đề án khám, chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh theo phương thức kết hợp của BS Tuyến trên và BS tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là 1 bác sỹ tuyến trên hỗ trợ cho 4 tuyến tỉnh 4 bác sỹ tuyến huyện và 2 bác sỹ tuyến xã; Trong đó bác sỹ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết.

Do đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long nêu rõ, có 2 vấn đề chính cần phải giải quyết của Đề án đó là, tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ khi cần thiết và thường xuyên, góp phần giảm sự chênh lệch về chuyên môn giữa tuyến trung ương và địa phương. Mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết…

“Việc thực hiện Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau”- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”.

Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Trong giai đoạn 2020 – 2021 ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm…

Theo đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” của Bộ Y tế có 24 bệnh viện tuyến trên (gồm 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và sáu bệnh viện của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) tham gia. Ðề án hướng đến năm mục tiêu cụ thể: Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.

Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể cả bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.

Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, xa, khó khăn.

Giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phí tiền túi của người dân.

Đã có 144 ca bệnh ở tuyến dưới được các chuyên gia tuyến trên hội chẩn qua khám chữa bệnh từ xa

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội- đơn vị tiên phong trong mùa dịch COVID-19 vừa qua ứng dụng triển khai khám chữa bệnh từ xa- TeleHealth.

Từ 2 bệnh viện ban đầu là BVĐK Mường Khương (Lào Cai); BVĐK Quảng Xương (Thanh Hoá), đến nay sau 3 tháng triển khai đã có 34 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nôi. Dự kiến sẽ có thêm 22 bệnh viện kết nối khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Đại học Y vào 2 tuần tới. Tổng số y bác sĩ tham gia hội chẩn từ xa đến nay là 57 người, trong đó có 21 GS, PGS ; 20 TS, BSCKII và 16 thạc sĩ. Đã có 144 ca bệnh được hội chẩn, trong số này có 28 ca bệnh đề nghị chuyển viện, có 8 ca bệnh chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Hiện đang có 89 bệnh viện, phòng khám đang đề xuất tham gia hội chẩn cùng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong đó có cả 2 phòng khám đa khoa ở nước bạn Lào và Cam-Pu-Chia

“Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có sự chuẩn bị cho công tác khám chữa bệnh từ xa này từ rất sớm. Ngay khi bắt đầu xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh, chúng tôi đều khuyến khích kết nối phần mềm, dữ liệu thống nhất với nhau. Về hình ảnh, kết quả chẩn đoán chúng tôi  đã thường xuyên trao đổi, hội chẩn và đưa ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân”- PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu -Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội cho biết.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn.

“Hiện chúng ta đang khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy. Telehealth sẽ là một công cụ hỗ trợ. Nó không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ hỗ trợ cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện cơ sở. Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện trung ương. Đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh”, PGS.TS Lân Hiếu nói.

Tận dụng chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng tại cơ sở

Tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng yêu cầu triển khai sớm nhất Đề án tại các bệnh viện tuyến cuối, và các bệnh viện phải quán triệt đến các lãnh đạo chủ chốt của đơn vị để thực hiện hiệu quả Đề án, phân công nhiệm vụ cụ thể. Dành kinh phí trang bị thiết bị tại phòng – nơi đặt điểm cầu để kết nối với các bệnh viện tuyến dưới, trong điều kiện khó khăn quá, các bệnh viện tuyến cuối báo cáo Bộ Y tế.

“Quan điểm của Bộ Y tế không áp đặt các bệnh viện phải sửa sang các phòng này, tuy nhiên làm sao để thiết đủ phục vụ cho thực hiện Đề án hiệu quả, thiết thực”- Quyền Bộ trưởng nói. Riêng các bệnh viện tuyến dưới, đơn vị nào muốn tham gia Đề án phải tự trang bị thiết bị, nền tảng công nghệ.

Quyền Bộ trưởng cũng yêu cầu các bệnh viện phải dành một thời gian nhất định trong ngày- khoảng 1 tiếng để hỗ trợ một bệnh viện về chuyên môn và các bệnh viện khác có thể đăng nhập vào ứng dụng để tham khảo nội dung đó. Các cơ sở y tế phải nêu cao trách nhiệm, góp phần thay đổi chất lượng cho y tế cơ sở. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp như tuyến dưới gặp ca bệnh khó có thể đưa lên hệ thống thông tin tới tất cả các cơ sở y tế. Bệnh viện nào có chuyên môn phù hợp sẽ có các hỗ trợ để bệnh nhân được điều trị kịp thời.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng khuyến khích các bác sĩ tuyến trên kết bạn và thành lập nhóm với các bác sĩ tuyến dưới để thuận tiện trong trao đổi nghiệp vụ, hỗ trợ chuyên môn

Về cách thức thực hiện khám chữa bệnh từ xa, Quyền Bộ trưởng lưu ý các bệnh viện triển khai theo như mô hình của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang làm

Tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng cũng khẳng định, chỉ phát triển một nền tảng duy nhất công nghệ cho việc thực hiện Đề án và các nhà công nghệ có thể khai thác các giá trị gia tăng xung quanh nền tảng đó. Bên cạnh đó, sẽ áp phương thức chi trả phù hợp; đồng thời thống nhất với ngân hàng và bảo hiểm xã hội coi thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh chính là thẻ ngân hàng; đưa dần chi phí vào giá dịch vụ y tế để đảm bảo bền vững

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh sớm ban hành hướng dẫn triển khai cụ thể để các đơn vị thực hiện.

Đối với hồ sơ bệnh án điện tử, GS.TS Thanh Long cho biết, hiện Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội đang phổi hợp để quản lý, thống nhất hồ sơ sức khỏe điện tử. Trước mắt sẽ thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử đối với khám, chữa bệnh ngoại trú.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, đề án khám, chữa bệnh từ xa và Hồ sơ sức khỏe điện tử tập trung vào thay đổi phương thức chi trả dịch vụ y tế và vấn để sử dụng công nghệ trong y tế. Khám chữa bệnh từ xa sẽ là một dịch vụ y tế của bệnh viện và là hoạt động thường ngày tại bệnh viện.

“Chúng ta ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh. Tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng tại cơ sở. Tất cả vì mục tiêu cái gì có lợi cho người dân thì làm”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh

GS.TS Nguyễn Thanh Long đã giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến trên kết nối với 1000 bệnh viện tuyến dưới để tham gia vào Đề án Khám, chữa bệnh từ xa nhanh nhất. Dự kiến đến đầu tháng 9 toàn hệ thống khám, chữa bệnh sẽ tham gia vào Đề án khám, chữa bệnh từ xa. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường theo dõi, phát hiện, điều trị kịp thời

Để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh tay chân miệng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường theo dõi người bệnh đang nằm nội trú để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh diễn biến nặng lên

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong.

Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc gia tăng trong các tuần gần đây như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Để hạn chế đến mức thấp nhất số tử vong do bệnh tay chân miệng, trong công văn số 888/ KCB-NV gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ và y tế các bộ, ngành, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn. Kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng.

Tăng cường việc theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.

Sở Y tế tham mưu và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng: công tác truyền thông, bổ sung kinh phí mua sắm các trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị, …

Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng ban hành kèm theo Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30-3-2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn trong Cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở, phân tuyến điều trị. Tổ chức lọc bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú, thực hiện lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng ở tuyến tỉnh.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh tay chân miệng để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.

Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 14).

Bài viết liên quan

Điểm báo 19/12/2018

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/5/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận