Điểm báo ngày 20/8/2019

(CDC Hà Nam)

  Kỉ lục y khoa Việt Nam: 6 ngày thực hiện thành công 15 ca ghép tạng; Cả nước ghi nhận 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Kỉ lục y khoa Việt Nam: 6 ngày thực hiện thành công 15 ca ghép tạng

Trong gần 1 tuần từ 12.8 đến 18.8, bệnh viện Việt Đức đã thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não và thực hiện 5 ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống. Như vậy có tới 15 ca ghép tạng trong 6 ngày.

Ngày 12.8, 8 tháng sau ca ghép phổi thứ nhất, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức và thực hiện thành công ca ghép hai phổi thứ 2 từ người cho đa tạng chết não. Người hiến tạng còn trẻ và các tạng hiến đều có chất lượng rất tốt.

Người nhận phổi là ông N.V.K (38 tuổi) mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối- có chỉ định ghép phổi tuyệt đối. Bệnh khởi phát từ khi bệnh nhân còn nhỏ, 10 năm nay diễn biến nặng, gần đây liên tục nằm viện với máy thở và oxy hỗ trợ.

Ca mổ lấy- ghép 2 phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 4h chiều 12.8 đến 6h30 phút ngày 13.8.

Ghép 2 phổi từ người cho chết não được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mổ trong các loại ghép tạng. Sau mổ 6 giờ, bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt. Đường mở ngực được đóng lại sau ghép 30 giờ, và máy hỗ trợ phổi được dừng và rút sau mổ hơn 2 ngày.

Kết quả kiểm tra chất lượng phổi ghép bằng xét nghiệm khí máu, soi phế quản, siêu âm mạch phổi, cấy vi trùng đường thở, đều cho kết quả tốt. Chức năng tim và thận của bệnh nhân đều trong giới hạn bình thường. Như vậy tiến triển sau ghép của bệnh nhân là thuận lợi và hy vọng có thể tự thở hoàn toàn một vài ngày tới.

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Ước- Trưởng khoa phẫu thuật Lồng ngực- Bệnh viện Việt Đức cho hay “Quy trình lấy phổi rất phức tạp. Đây là kỹ thuật khó. Quy trình gồm hàng trăm bước khác nhau, hết sức chi tiết, khi thực hiện phải thống nhất trên quy trình đó. Chúng tôi hoàn chỉnh quy trình từ ca ghép đầu tiên, đến ca thứ 2 thì tương đối thuận lợi. Nếu lấy tim thì dễ, còn nếu lấy cả phổi và tim thì khó khăn hơn nhiều”

Giáo sư Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết lấy đa tạng hoàn toàn khác lấy đơn tạng. Có yêu cầu về mặt quy trình bảo quản, yêu cầu về dung dịch giữ tạng, cách hồi sức để tạng sống và ghép cũng là vấn đề lớn.

Tim gan thận tương đối đồng nhất. Lấy phổi, yêu cầu rất cao. Trước khi chết não, hồi sức cứu chữa, nếu làm không tốt, áp lực đường thở, thuốc điều trị… có thể làm hỏng phổi. Khi muốn lấy đa tạng, đó là vấn đề rất khó. Tiến bộ rất lớn trong vấn đề ghép tạng.

Một điểm đặc biệt nữa của ca ghép phổi này là lần đầu tiên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân, gồm 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận (cho 2 bệnh nhân). Như vậy là có 6 bàn mổ ghép tạng cùng lúc, 1 bàn lấy tạng và 5 bàn ghép tạng. Cho đến hôm nay, tất cả 5 bệnh nhân ghép tạng đều có diễn biến thuận lợi.

Theo Giáo sư Trần Bình Giang, đặc biệt hơn, trong gần 1 tuần từ 12.8 đến 18.8, bệnh viện Việt Đức đã thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não (phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận) với nguồn hiến đa tạng từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (2 ca) và Bệnh viện Chợ Rẫy (1 ca). Tất cả các ca ghép đều cho kết quả thuận lợi.

Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn tiếp tục thực hiện 5 ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống (1 gan, 4 thận). Như vậy có tới 15 ca ghép tạng trong 6 ngày. Đây có thể coi là một kỷ lục mới trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam. (Lao động, trang 3; Nhân dân, trang 5).

 

Cả nước ghi nhận 16 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Ngày 19-8, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 12-8 đến 18-8), trên địa bàn thành phố ghi nhận 301 trường hợp sốt xuất huyết, phân bố tại 145 xã, phường, thị trấn của 26 quận, huyện, thị xã.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý các quận, huyện, thị xã tiếp tục giám sát những yếu tố nguy cơ về bệnh sốt xuất huyết, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, lật úp tất cả dụng cụ chứa nước, che đậy và diệt lăng quăng, tránh muỗi đốt. Bên cạnh đó, người dân khi bị bệnh phải được khám để phân loại xem trường hợp nào nên điều trị ở nhà, trường hợp nào cần thiết phải nhập viện, tránh tình trạng người dân tự ý mua thuốc hay truyền dịch tại nhà.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực phía Nam. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 130.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần. (Hà nội mới, trang 1).

 

Phẫu thuật cho người bị gù nặng do viêm cột sống dính khớp

Mới đây, khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân Phạm Văn D (22 tuổi, Hà Nội) trong tình trạng cột sống bị biến dạng rất lớn. Bệnh nhân chung sống với thân hình gù, nhìn về phía trước khó khăn. Tình trạng biến dạng của bệnh nhân ngày càng nặng mặc dù đã điều trị nội khoa nhiều năm. Những bệnh nhân bị gù nặng như trên nếu không được nắn chỉnh lại cột sống sẽ dễ dẫn đến suy hô hấp do tim, phổi bị chèn ép, vận động hạn chế… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù bằng kỹ thuật mới. Các bác sĩ sử dụng bốn thanh rod (hai thanh rod ngắn cố định từ đốt sống L2 đến L4, hai thanh rod dài cố định từ đốt sống T10 đến S1) thay vì sử dụng hai thanh rod như trước. Kíp phẫu thuật đã cắt một phần đốt sống L3 để nắn chỉnh biến dạng cột sống trong năm giờ phẫu thuật. Sau mổ, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt: cột sống được ưỡn trở lại, lồng ngực hết chèn ép nên bệnh nhân dễ thở, hết đau tức ngực, vận động dễ dàng, khi đi không phải cúi gằm xuống vì mắt đã nhìn được xa. Mặc dù vẫn phải theo dõi lâu dài nhưng chất lượng cuộc sống cải thiện đã mang đến niềm vui và hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho bệnh nhân. (Nhân dân, trang 5).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Tiêm vắc xin – biện pháp phòng bệnh hiệu quả

admin

Tối ngày 04/6, Hà Nam ghi nhận 01 trường hợp trong khu cách ly dương tính với SARS-CoV-2.

admin

Kể từ ca bệnh BN8779 phát hiện vào ngày 6/6, đến nay đã qua 8 ngày, Hà Nam không ghi nhận ca mắc mới

admin

Để lại bình luận