Khẩn trương rà soát các quy định phòng chống dịch Covid-19 đối với hệ thống cung ứng, phân phối
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát các quy định phòng chống dịch COVID-19 đối với hệ thống cung ứng, phân phối hàng hoá.
Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở một số địa phương và tiếp tục xuất hiện các chuỗi lây nhiễm trong hoạt động cung ứng, phân phối tại các trung tâm phân phối, chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa… là nguy cơ lây lan trên diện rộng, khó kiểm soát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát các quy định phòng chống dịch COVID-19 đối với hệ thống cung ứng, phân phối để có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo an toàn trong từng khâu của toàn bộ hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh.
Trước đó, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị… (đặc biệt ở các khu đô thị có đông dân cư); có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với tình hình mới.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đảm bảo tổ chức, vận hành hệ thống chợ, siêu thị an toàn. Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cần chú trọng tổ chức các điểm phân phối ngoài không gian mở, đảm bảo khoảng cách tiếp xúc… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Thanh niên, trang 3; Nông thôn ngày nay, trang 3)
Bộ Y tế thiết lập mô hình Trạm y tế lưu động dựng tại một số tỉnh phía nam
Sáng 19/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tổ chức họp khẩn với lãnh đạo TP HCM và 3 tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai để thảo luận vấn đề triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động để chăm sóc người bệnh, người nhiễm COVID-19.
Trong diễn biến tình hình hiện nay, nhất là với TP HCM, số người nhiễm tiếp tục gia tăng đòi hỏi có sự chăm sóc, quản lý, điều trị người nhiễm tại cộng đồng, bên cạnh đó, phải đảm bảo công tác y tế cho người dân tại địa bàn; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với TP HCM và một số địa phương tổ chức mô hình trạm y tế lưu động này với phương châm “bám dân, gần dân và phục vụ người dân”.
Mỗi xã phường theo quy định trước đây có một trạm y tế, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay có thể thiết lập nhiều Trạm Y tế lưu động tại xã phường đó, nhất là với khu vực đông dân cư, nơi có nhiều người nhiễm COVID-19.
Trạm Y tế lưu động này vẫn thực hiện chức năng nhiệm vụ của trạm y tế, trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu với người dân trên địa bàn, đồng thời quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 dựa vào cộng đồng và gia đình với mô hình của TP HCM.
Để thiết lập, vận hành mô hình này, Bộ trưởng nhấn mạnh 4 yếu tố:
Thứ nhất, về chức năng nhiệm vụ, trên cơ sở của một trạm y tế khám chữa bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn, Trạm Y tế lưu động có nhiệm vụ tổ chức theo dõi ca dương tính tại nhà; tổ chức sơ cứu các trường hợp bệnh (ngoài covid) và kết nối, chuyển tuyến; tổ chức điều trị, chăm sóc các ca bệnh F0; thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19, các loại xét nghiệm khác, tiêm chủng và truyền thông.
Thứ hai, về địa điểm: Bộ Y tế khuyến cáo chọn bất kỳ địa điểm nào từ nhà thi đấu, nhà văn hoá, UBND xã phường, phòng khám tư nhân; nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà dân rộng rãi, cách biệt khu vực xung quanh, cần túc trực 24/24h. Khi không chọn được các địa điểm này thì địa phương chọn phương án di động, có phân công trực và bố trí địa điểm sinh hoạt phù hợp.
Thứ ba, về nhân lực, Trạm Y tế lưu động tối thiểu cần có 1-2 bác sĩ và 5-7 cán bộ y tế khác tuỳ điều kiện từng địa phương. Ngoài ra Trạm cần có tình nguyện viên tại địa bàn nắm rõ địa bàn, dân cư.
Thứ tư, về trang thiết bị: Trạm Y tế lưu động cần đáp ứng ở mức độ tối thiểu nhất có thể, ít nhất có 2 bình oxy trở lên có đầy đủ mặt nạ (để thay phiên nhau) và dụng cụ cấp cứu khác. Trạm có túi thuốc cấp cứu lưu động.
“Trạm Y tế lưu động có điều kiện tổ chức tối giản, nhân lực tối giản nhưng phải đảm bảo chăm sóc, điều trị bệnh bình thường và quản lý, điều trị COVID-19 tại cộng đồng“. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Lao động, trang 4; Tiền phong, trang 3; Thanh niên, trang 2)
Vắc xin nội Covivac: Thêm người thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2
Chiều 19/8, thêm 19 người tình nguyện ở Vũ Thư, Thái Bình đã được tiêm thử nghiệm vắc xin COVIVAC (do Viện vắc xin và sinh phẩm y tế – IVAC nghiên cứu sản xuất) giai đoạn 2. Trong 2 ngày 18-19/8, đã có tổng cộng 131 người được tiêm thử nghiệm mũi 1 giai đoạn 2.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2 được triển khai ở huyện Vũ Thư, Thái Bình với 375 người tình nguyện. Mục tiêu của giai đoạn 2 thử nghiệm vắc xin COVIVAC nhằm đánh giá tính an toàn và khả năng dung nạp của hai công thức 3mcg và 6mcg được lựa chọn. Mỗi tình nguyện viên được tiêm 2 mũi, cách nhau 28 ngày.
375 người này được chia thành 3 nhóm tuổi gồm: từ 18-39 tuổi; từ 40-59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên, chia thành 3 nhóm để tiêm thử nghiệm ngẫu nhiên tỷ lệ 1:1:1, gồm: 125 người tiêm vắc xin COVIVAC mức liều 3mcg, 125 người tiêm vắc xin COVIVAC mức liều 6mcg và 125 người tiêm vắc xin AstraZeneca.
Tại buổi kiểm tra tiêm thử nghiệm vắc xin COVIVAC của Bộ Y tế tại huyện Vũ Thư, Thái Bình, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá việc COVIVAC triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 là dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu mức biến chuyển mới, tăng trưởng mới trong nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19 ở Việt Nam.
Bộ Y tế khẳng định sẽ thúc đẩy rút gọn tối đa các thủ tục hành chính, đồng thời huy động nhiều nhà khoa học, nghiên cứu nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu, sản xuất vắc xin để hỗ trợ IVAC, làm sao có thể tiến hành nghiên cứu nhanh nhất, chặt chẽ, khoa học.
Dự kiến tháng 11 sẽ có kết quả của giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đánh giá ngay, nếu kết quả tốt, chọn được liều phù hợp và khẳng định được tính sinh miễn dịch bước đầu sẽ cho triển khai ngay giai đoạn 3.
Kết quả ban đầu của giai đoạn 3 dự kiến có vào tháng 12. “Trong trường hợp an toàn, tính sinh miễn dịch cao, bước đầu thể hiện rõ hiệu quả thì bước đầu đề xuất Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét, cấp phép trong thời gian khẩn cấp để chúng ta có ngay vắc xin dùng trong nước”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.
Bên cạnh nỗ lực nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước, Bộ Y tế cũng đang nỗ lực tối đa để đưa vắc xin về nước sớm nhất, nhiều nhất có thể cho người dân. Dự kiến trong tháng 8 và 9, có khoảng 10-15 triệu liều/tháng. Trong quý IV/2021, dự kiến lượng vắc xin về Việt Nam nhiều hơn, có thể từ 20-50 triệu liều/tháng. “Chúng tôi hy vọng từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, sẽ bao phủ được vắc xin COVID-19 cho 75% dân số”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh. (Tiền phong, trang 3)
Astrazeneca cam kết đẩy mạnh cung ứng vắc xin cho Việt Nam
Chiều 19.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot về hợp tác vắc xin.
Tại cuộc điện đàm, Thủ tướng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của AstraZeneca trong cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu cũng như công tác phòng chống dịch tại Việt Nam (VN).
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng đề nghị Tổng giám đốc AstraZeneca quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giao vắc xin cho VN. Thủ tướng cũng đề xuất và mong muốn AstraZeneca xem xét, trao đổi với các nước khác để được vay, nhượng lại số vắc xin hiện chưa có nhu cầu sử dụng; đồng thời xúc tiến các hợp đồng vắc xin dành cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, những người có nguy cơ cao, có bệnh nền.
Tổng giám đốc AstraZeneca Pascal Soriot cam kết sẽ cung ứng vắc xin theo đúng kế hoạch, đồng thời tăng thêm số lượng phân bổ vắc xin cho VN trong tháng 8 từ nguồn của tập đoàn và các nguồn khác. (Thanh niên, trang 3; Nhân dân, trang 1)
Lần đầu tại Việt Nam: Ghép gan giành lại mạng sống cho bé gái 18 tháng ung thư giai đoạn cuối
Một cuộc sống mới đã mở ra với bé gái 18 tháng ở Hà Nội bị u nguyên bào gan ác tính , khi em được cứu sống nhờ kĩ thuật ghép gan do các chuyên gia Bệnh viện Nhi TW và Bệnh viện TW Quân đội 108 phối hợp thực hiện.
11 tháng bé gái đã phát hiện u nguyên bào gan ác tính
Theo TS. BS Nguyễn Phạm Anh Hoa – Trưởng khoa Gan mật và TS. BS Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi TW, bé A. 18 tháng tuổi, ở Hà Nội, được phát hiện u nguyên bào gan ác tính từ khi mới 11 tháng tuổi.
Dù đã trải qua 6 đợt điều trị hóa chất và nút mạch song khối u vẫn phát triển nhanh, không có khả năng cắt bỏ và có nguy cơ di căn đến các cơ quan khác.
Phương pháp điều trị hóa chất và nút mạch hóa chất được các bác sĩ tiến hành với hi vọng làm khống chế sự phát triển khối u và tăng thể tích phần gan còn lại để có thể phẫu thuật loại bỏ khối u.
Tuy nhiên, cả hai phương án này không đạt hiệu quả tối ưu khi thể tích khối u gan vẫn không thuyên giảm sau điều trị và xét nghiệm alphafetoprotein – chất chỉ thị đánh giá tình trạng ác tính của khối u – tăng lên theo từng ngày, đe dọa các biến chứng bất lợi cho tính mạng của bệnh nhi.
Ngày 24/5, PGS.TS Trần Minh Điển – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Nhi TW đã chỉ đạo, điều hành, huy động các y bác sĩ của Bệnh viện và sự phối hợp tham gia của Bệnh viện TW Quân đội 108.
Sau hội chẩn, PGS.TS Trần Minh Điển quyết định lựa chọn phương án ghép gan để cứu sống bệnh nhân. Người hiến tặng gan cứu sống bệnh nhi chính là mẹ của bé, năm nay 41 tuổi.
Dồn toàn lực cứu sống bệnh nhi trong điều kiện khó khăn vì dịch bệnh COVID-19
PGS.TS Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi TW cho biết, trở ngại lớn nhất mà các bác sĩ phải vượt qua trong ca ghép này là trường hợp ghép gan cho trẻ em đầu tiên trên nền một bệnh lý ác tính, nhiều nguy cơ biến chứng và rủi ro rất cao.
Chính vì điều này, việc tầm soát các tổn thương xâm lấn sang các cơ quan khác là vô cùng quan trọng trước khi tiến hành thay thế gan bằng mảnh ghép gan mới.
Các xét nghiệm tầm soát di căn trước phẫu thuật đã được tiến hành một cách thận trọng và tỉ mỉ nhằm đưa ra các phương án phẫu thuật tối ưu.
Tình trạng khối u quá lớn, chiếm toàn bộ thể tích gan, đặc biệt có một phần u xâm lấn và chèn ép tĩnh mạch chủ .
Thêm vào đó, tình trạng bất đồng nhóm máu hệ ABO giữa người cho và người nhận (cháu bé có nhóm máu O trong khi người mẹ có nhóm máu cũng là một khó khăn rất lớn về chuyên môn trong ca ghép.
Theo Đại tá TS. Lê Văn Thành – Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy, Bệnh viện TW Quân đội 108: “Trước phẫu thuật, chúng tôi đánh giá bệnh nhi có khối u lớn, có khả năng xâm lấn vào tĩnh mạch chủ, vì vậy việc phẫu thuật sẽ gặp khó khăn, chúng tôi đưa ra phương án có thể phải thay cả đoạn tĩnh mạch chủ dưới cho bệnh nhi. Và trong cuộc mổ, nhờ việc phẫu tích chính xác và xử lý tốt các mạch máu, chúng tôi không phải sử dụng phương án thay thế đoạn tĩnh mạch chủ dưới.”
Với sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa hai bệnh viện, tận dụng những kinh nghiệm trong ghép gan, gây mê hồi sức, tổ chức điều phối,… ca phẫu thuật được thực hiện thành công.
Để hạn chế tối đa các phản ứng bất lợi về miễn dịch do bất đồng nhóm máu, các bác sĩ chuyên khoa gan mật đã phải sử dụng các liệu pháp điều trị nội khoa trước ghép để bé có thể sẵn sàng nhận mảnh ghép từ người mẹ.
Các phương án dự phòng phản ứng thải loại sau ghép thường gặp ở những trường hợp ghép gan do bất đồng nhóm máu cũng được TS. BS Đặng Ánh Dương – Trưởng khoa Hồi sức ngoại khoa chuẩn bị sẵn sàng.
Vượt qua những khó khăn không chỉ về mặt kĩ thuật mà cả những thiếu thốn về nhân lực, máu và chế phẩm máu trong đại dịch COVID-19, bằng sự chung tay của các đồng nghiệp và dòng máu hồng từ những tấm lòng nhân ái, ngày 29/5, ca phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi đã được tiến hành thành công vơi sự phối hợp của các bác sĩ Bệnh viện Nhi TW và Bệnh viện TW quân đội 108.
Người hiến tặng gan tự nguyện, mẹ bé A được ra viện sau 1 tuần phẫu thuật và 2 tuần sau đó, đại gia đình được đón bé A khỏe mạnh trở về trong vòng tay yêu thương.
Trước đó, ngày 21/1/2021, Bệnh viện TW Quân đội 108 đã ký hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho Bệnh viện Nhi TW. Sau một thời gian hợp tác, đào tạo, chuyển giao, hai bệnh viện đã tổ chức thực hiện thành công ca ghép này.
Đây là ca ghép gan đầu tiên cho trẻ bị ung thư gan được tiến hành tại Việt Nam, mở ra cánh cửa hy vọng mới cho các trẻ em không may mắc bệnh hiểm nghèo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).
Anh Đức tổng hợp