Điểm báo ngày 20/9/2019

(CDC Hà Nam)
  Whitmore bệnh cũ đang vào mùa; Cung ứng đủ, kịp thời thuốc phòng chống bệnh sốt xuất huyết; Bệnh viện có nhân viên robot…

Whitmore bệnh cũ đang vào mùa

Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.

TS. Trịnh Thành Trung – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc ĐHQGHN cho biết, mùa mưa là thời gian con người dễ nhiễm vi khuản gây bệnh. Sự gia tăng về số lượng ca bệnh trong thời gian gần đây không phải là do sự bùng phát về dịch bệnh mà do nhiều cơ sở y tế đã xét nghiệm được đúng bệnh ...  (Tiền phong, trang 6).

Cung ứng đủ, kịp thời thuốc phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc trên toàn quốc yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời thuốc phòng, điều trị bệnh sốt xuất huyết.

Cục Quản lý Dược cho biết, dung dịch cao phân tử (dextran 40 hoặc 70, hydroxyethyl starch 200.000 dalton) được chỉ định dùng chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng.

Cục Quản lý Dược nhận được thông tin về nguy cơ thiếu dung dịch cao phân tử tại một số tỉnh phía Nam nếu tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Hiện có 06 thuốc là dung dịch cao phân tử có chứa hydroxyethyl starch (HES) có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam. Theo quy định tại Luật Dược, tất cả các thuốc này được nhập khẩu theo nhu cầu của đơn vị mà không phải thực hiện việc cấp phép nhập khẩu.

Để đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời thuốc phục vụ phòng và điều trị bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc, tìm kiếm nguồn cung dung dịch cao phân tử để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Các đơn vị sản xuất xây dựng kế hoạch nghiên cứu sản xuất thuốc có chứa dextran hoặc HES nhằm tăng cường tính chủ động trong cung ứng thuốc cũng như an ninh y tế.

Trường hợp cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài chưa thể cung ứng ngay dung dịch cao phân tử theo đúng hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt hoặc cơ sở nhập khẩu tìm được nguồn cung mới có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở nhập khẩu khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ưong chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh.

Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Bệnh viện có nhân viên robot

Tại Hội nghị ‘Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bệnh viện 2019’ do Bệnh viện Quân dân y miền Đông (Cục Hậu cần Quân khu 7) tổ chức sáng 19-9, Đại tá Trương Hoàng Việt, Giám đốc bệnh viện, cho biết, bệnh viện vừa trang bị một robot tên ‘Tấm’, hình dáng giống nữ y tá. Robot có khả năng di chuyển tự động, nhận dạng khuôn mặt và nhớ tên người bệnh, giúp tiếp đón, hỗ trợ người bệnh, hướng dẫn và trả lời những câu hỏi của người bệnh… Đơn vị còn trang bị robot lau sàn nhà vệ sinh, cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật…(Sài Gòn giải phóng, trang 5).

 

An toàn người bệnh cần phải được quan tâm hàng đầu

Với mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị, chất lượng phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh, trong nhiều năm trở lại đây, an toàn người bệnh được coi là tiêu chí quan trọng trong quá trình đổi mới, thực hiện lấy người bệnh làm trung tâm. Bởi theo báo cáo của Who sự cố y khoa và hang nghề y khoa không an toàn gây tổn hại cho hàng triệu người bệnh và tốn kém hàng tỷ USD mỗi năm; chiếm tới 14,3% chi phí tại Bệnh viện là để điều trị hiệu quả các sự cố y khoa gây ra… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 12/12/2019

CDC Hà Nam

Nhiều loại dịch bệnh được loại trừ nhờ tiêm chủng vaccine

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 31/10/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận