Điểm báo ngày 20/9/2021

(CDC Hà Nam)
Đủ giá xét nghiệm Covid -19; Hơn 6,5 triệu người đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19; Nỗ lực kéo giảm số ca Covid-19 tử vong; Bệnh viện tư nhân “đuối sức” khi điều trị COVID-19; Ngày 19-9, cả nước thêm 10.040 ca mắc mới và 9.137 người khỏi bệnh…

Đủ giá xét nghiệm Covid -19

Mặc dù Bộ Y tế công bố giá mua bán test nhanh Covid-19, sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR và giá xét nghiệm, nhưng khảo sát của Thanh Niên ngày 19.9 cho thấy, giá xét nghiệm Covid-19 đang là một ‘ma trận’.

Kit test nhanh giá nào cũng có

Tại TP.HCM, giá kit test nhanh trên thị trường “trăm hoa đua nở”. Tại một nhà thuốc trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), 1 bộ test nhanh hiệu SGTi-Flex của Hàn Quốc có giá 180.000 đồng/test, khi mua 10 test trở lên được giảm giá còn 165.000 đồng/test. Trong khi đó, loại test này được Bộ Y tế công bố giá mà công ty buôn bán đăng ký hồi tháng 7.2021 là 160.000 đồng/test.

Khảo sát giá bán test nhanh ở 3 nhà thuốc trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10), tuy cùng 1 loại do Hãng Humasis Covid-19 Ag Test (Hàn Quốc) sản xuất, nhưng đến 3 giá khác nhau: 135.000 đồng, 140.000 đồng và 200.000 đồng/test. Tiếp tục khảo sát tại một số nhà thuốc trên đường Phan Đình Phùng (Q.1), test nhanh của Hãng Humasis được bán lẻ với giá 146.000 đồng/test. Trong khi đó, 1 nhà thuốc khác gần đó bán cùng loại, nhưng với giá 125.000 đồng. Khi PV đặt vấn đề mua số lượng nhiều liệu có được giảm giá không, nhân viên quầy thuốc cho biết: “Giá mỗi bộ test nhanh cố định như vậy, công ty nhập về giá nào thì chúng tôi bán giá đó chứ không đổi giá theo số lượng”.

Trong khi đó, giá 1 bộ test nhanh Humasis Covid-19 Ag Test mà Bộ Y tế công bố hồi cuối tháng 8.2021 có giá 128.000 đồng/test (giảm 70.000 đồng/test so với giá công bố trước đó).

Khảo sát tại Hà Nội, giá test nhanh có nhiều chủng loại, phần lớn là hàng nhập khẩu từ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Đức, Hà Lan… Chỉ có 1 loại duy nhất của VN sản xuất là Trueline của Công ty TNHH Medicon. Trong đó test nhanh có nguồn gốc châu Á giá từ 110.000 – 200.000 đồng/test như: V Trust (Đài Loan) giá 160.000 đồng/test, SGTi-Flex giá 110.000 đồng/test, Humasis (Hàn Quốc) giá 165.00 đồng/test, Bio Credit (Hàn Quốc) giá 140.000 đồng/test, Trueline (VN) giá 86.000 – 100.000 đồng/test…

Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội, test nhanh cùng 1 nhãn hiệu nhưng giá bán mỗi nơi một kiểu. Đơn cử, loại V Trust được một hiệu thuốc trên phố Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng) bán giá 200.000 đồng/test, nhưng gần đó một hiệu thuốc khác chỉ bán giá 160.000 đồng.

Ngoài mặt hàng nhập khẩu được cấp phép, trên mạng xã hội còn bán một số sản phẩm test nhanh được quảng cáo là hàng nội địa có độ nhạy trên 98% và độ chính xác 99% như: SD Biosensor (Hàn Quốc) giá 320.000 đồng/hộp (2 test); Boson (Đức) giá 450.000 đồng/hộp (5 test). Tuy nhiên, khi hỏi mua với số lượng lớn, những người bán hàng online đều cho biết, muốn mua phải đặt cọc trước, sau nửa tháng hàng mới về.

“Hoa mắt” với giá xét nghiệm

Giá dịch vụ xét nghiệm Covid -19 thông qua test nhanh và xét nghiệm khẳng định PCR tại một số cơ sở y tế tư nhân và công lập cũng có sự chênh lệch nhau khá nhiều.

Tại hệ thống Phòng khám đa khoa Vietlife (TP.HCM), giá xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn tại cơ sở gần 1,2 triệu đồng/mẫu; tại nhà là gần 1,5 triệu đồng/mẫu. Đối với xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 5 là 680.000 đồng/mẫu, mẫu gộp 10 là 630.000 đồng/mẫu.

Tại Phòng khám đa khoa quốc tế Nhân Hậu (TP.HCM), đối với test nhanh Covid-19 có giá 390.000 đồng/mẫu; đối với test nhanh tại nhà, 1 mẫu có giá 1 triệu đồng; đối với RT-PCR, thực hiện tại phòng khám là 1,3 triệu đồng/mẫu, tại nhà là 1,8 triệu đồng.

Tại Phòng khám đa khoa – Trung tâm xét nghiệm và chẩn đoán y khoa Diag Laboratories (TP.HCM), giá test nhanh tại cơ sở là 360.000 đồng/mẫu; tại nhà là hơn 1 triệu đồng/mẫu; đối với xét nghiệm RT-PCR, tại cơ sở là hơn 1 triệu đồng/mẫu, lấy tại nhà là hơn 1,7 triệu đồng/mẫu…

Tại một số cơ sở y tế công lập có thực hiện xét nghiệm Covid-19 như phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (P.12, Q.10, TP.HCM), test nhanh tại phòng khám là 400.000 đồng/mẫu và tại nhà 550.000 đồng/mẫu; trong khi đó, xét nghiệm RT-PCR là hơn 1,3 triệu đồng/mẫu. Tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, test nhanh tại nhà là 588.000 đồng/mẫu và RT-PCR là hơn 1 triệu đồng/mẫu; còn tại bệnh viện, chi phí test nhanh là 350.000 đồng/mẫu và RT-PCR là 800.000 đồng/mẫu.

Tại Hà Nội, trên trang web Công ty TNHH  công nghệ và xét nghiệm y học (Medlatec), giá xét nghiệm Covid-19 được niêm yết công khai áp dụng chung trên toàn quốc. Giá test nhanh 179.000 đồng/mẫu, xét nghiệm RT-PCR giá 729.000 đồng/mẫu. Còn tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, giá test nhanh dùng kit test do VN sản xuất giá 280.000 đồng/mẫu, nếu dùng kit test của Mỹ là 360.000 đồng/mẫu, còn xét nghiệm RT-PCR giá 1,63 triệu đồng/mẫu…

Tương tự giá kit test nhanh, ở Hà Nội, giá dịch vụ test nhanh Covid-19 giữa các đơn vị chênh nhau khá nhiều. Anh T., nhân viên một đơn vị chuyên lấy mẫu xét nghiệm ở Q.Cầu Giấy, cho biết trong 2 tuần qua, rất nhiều khách hàng gọi điện khảo giá dịch vụ test nhanh. “Khách hàng của chúng tôi đa phần là các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp vận tải có đông lao động. Kit test mà chúng tôi đang làm là Trueline của VN sản xuất, giá 200.000 đồng/mẫu, lấy mẫu và trả kết quả tận nơi. Nếu đơn vị nào đông lao động, giá sẽ thương lượng tiếp”.

“Test nhanh bây giờ là vấn đề lớn”

Liên quan đến test nhanh, trao đổi với PV Thanh Niên, một số lãnh đạo bệnh viện công lập cho biết với giá 238.000 đồng/test (giá công bố của Bộ Y tế) thì khó làm, vì còn phải tính chi phí nhân lực, đồ bảo hộ, đó là chưa kể phải mua loại kit test tốt… Còn lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế công bố trên cổng thông tin điện tử danh sách các loại test nhanh, sinh phẩm RT-PCR để giới thiệu cho người dân, đơn vị. Sở Y tế khuyến cáo người dân chọn những test do Bộ Y tế công bố.

Ngày 19.9, PV Thanh Niên cũng đặt câu hỏi với Thanh tra Sở Y tế TP.HCM về kiểm soát giá xét nghiệm tại bệnh viện công cũng như các cơ sở y tế tư nhân, đại diện thanh tra đề nghị chuyển câu hỏi qua Văn phòng Sở Y tế để có trả lời.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), Bộ Y tế công bố các loại test nhanh gồm có tên, địa chỉ liên hệ, chất lượng, độ nhạy và giá công bố. Theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về giá và các cơ quan chức năng thanh kiểm tra về chất lượng, giá cả. Nếu nơi nào bán giá quá cao, không hợp lý gây bất lợi cho người sử dụng và bị phát hiện, thì phải giải trình, nếu giải trình không được thì có chế tài. Việc này, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các sở y tế kiểm tra.

“Test nhanh bây giờ là vấn đề lớn vì người dân phải xét nghiệm liên tục. Chính phủ và Bộ Y tế cũng sẽ có chỉ đạo giải quyết. Song song đó là đa dạng hóa nguồn cung”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, theo TS Trần Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, chi phí cho xét nghiệm mỗi đơn vị khác nhau vì phụ thuộc vào chi phí cho hệ thống máy mà đơn vị đó đầu tư máy, phụ thuộc vào hóa chất của hãng, chi phí nhân lực… Bà Hà cho hay, thời gian qua, tại các cơ sở y tế tư nhân có sự khác nhau về giá, thậm chí chênh lệch khá lớn về giá xét nghiệm Covid-19 vì giá dịch vụ do các đơn vị được tự quyết định. Nhưng dù giá nào thì đơn vị đó cũng phải niêm yết công khai và thông báo cho khách hàng trước khi họ quyết định sử dụng dịch vụ.

Đánh giá về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 do Bộ Y tế hướng dẫn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng: “Mức giá mà Bộ Y tế ban hành cũng đã tính các chi phí cơ bản. Đặc biệt, với dịch vụ y tế chống dịch thì cần áp theo mức chi phí thực tế, có một phần kết dư để bù đắp cho chi phí nhân công, cơ sở hạ tầng… Do đó, các đơn vị không nên vì tình hình dịch bệnh để trục lợi hoặc đẩy lợi nhuận cao”. (Thanh niên, trang 1).

Hơn 6,5 triệu người đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE) vừa có quyết định phân bổ 8 triệu liều vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm cho 25 tỉnh, thành.

Phân bổ 8 triệu liều vắc xin Sinopharm cho 25 tỉnh, thành

Trong số vắc xin này, TP. Hà Nội được phân bổ nhiều nhất với 1,359 triệu liều. Tiếp đến là tỉnh Quảng Ninh 700.800 liều. TP.HCM, Hải Phòng và 2 tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn mỗi nơi nhận 500.000 liều. Ngoài ra, các tỉnh khác được phân bổ từ hơn 94.000 – 400.000 liều; trong đó, tỉnh Bắc Ninh 400.000 liều; Khánh Hòa, Kiên Giang mỗi tỉnh 300.000 liều. Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định và Đồng Tháp mỗi tỉnh được phân bổ 200.000 liều…

Theo Bộ Y tế, VN đã tiếp nhận 50,2 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu và tài trợ. Đến ngày 19.9 có 34 triệu liều đã được tiêm trên cả nước, trong đó hơn 6,5 triệu liều tiêm mũi 2(Thanh niên, trang 3).

Nỗ lực kéo giảm số ca Covid-19 tử vong

Với hàng loạt biện pháp nâng cao chất lượng điều trị hồi sức, chăm sóc F0 tại nhà, túi thuốc an sinh và trạm y tế lưu động… đã góp phần quan trọng kéo giảm số ca Covid-19 tử vong tại TP.HCM.

Tính đến chiều 19.9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM thông tin, kể từ đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27.4, Bộ Y tế công bố hơn 331.000 ca Covid-19 tại TP.HCM, trong đó có hơn 169.000 người mắc Covid-19 đã xuất viện. Hiện ngành y tế TP.HCM đang điều trị gần 41.200 bệnh nhân tại các cơ sở y tế, trong đó có 2.350 bệnh nhân đang thở máy, 21 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (tim, phổi nhân tạo). Trong ngày 18.9 có 182 ca tử vong, cộng dồn từ đầu năm đến nay là 13.281 ca.

Số ca tử vong có xu hướng giảm

Nhìn vào chuỗi số liệu ca tử vong từ ngày 22.8 – 18.9, biểu đồ có xu hướng đi xuống. Nếu như ngày 22.8 có 340 ca tử vong (cao nhất của đợt dịch thứ 4, tính đến nay) thì 10 ngày sau, ngày 1.9 còn 217 ca tử vong, đến ngày 11.9 còn 200 ca tử vong. Trong gần 1 tháng qua, ngày 15.9 có số ca tử vong thấp nhất là 160; số ca tử vong trong tuần qua đều dưới 200.

Mỗi ca tử vong đều để lại đau thương, mất mát cho gia đình và là điều khiến ngành y tế và lãnh đạo TP.HCM day dứt, trăn trở. Từ giữa tháng 8.2021, khi số ca nhiễm gia tăng nhanh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (khi đó là Phó bí thư thường trực Thành ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM) cho biết TP.HCM chuyển chiến lược phòng chống dịch sang tập trung điều trị để kéo giảm tử vong dựa trên 2 trụ cột: tích cực chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện. Việc chăm sóc F0 tại nhà dựa trên 5 đầu việc: nắm chặt danh sách F0 tại địa phương, kết nối F0 với nhân viên y tế tư vấn hằng ngày, cấp túi thuốc an sinh, lập tổ phản ứng nhanh của y tế cơ sở và sử dụng công nghệ kết nối F0 với các tầng điều trị tại cơ sở y tế.

Công tác điều trị cũng được điều chỉnh lại theo mô hình tháp 3 tầng, mở rộng số giường có hệ thống ô xy, máy thở, đưa thuốc đặc trị vào điều trị. Toàn TP.HCM có khoảng 60.000 giường điều trị tại tầng 2 và tầng 3 (dành điều trị bệnh nhân có triệu chứng, nặng và nguy kịch), số bệnh nhân đang điều trị tương đương gần 70% số giường. Điều mà ngành y tế chưa thể yên tâm chính là tỷ lệ bệnh nhân nặng cần sử dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị còn khá cao, tầng 3 đã sử dụng hơn 69% số máy thở xâm lấn, hơn 65% số máy thở không xâm lấn, hơn 76% số máy ECMO… Theo Sở Y tế TP.HCM, thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ tử vong ở tầng 2 là 4,5% và tầng 3 là hơn 33%.

Tính chung trên tổng số ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố đến ngày 18.9, tỷ lệ bệnh nhân tử vong ở TP.HCM là 4,02%, nằm trong ngưỡng thống kê của thế giới về tỷ lệ mắc Covid-19 tử vong thường dao động từ 2,1 – 4,4%.

Các chuyên gia y tế đánh giá việc kéo giảm số ca tử vong mỗi ngày do sự thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch của TP.HCM với sự hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, thuốc đặc trị của Bộ Y tế và các bệnh viện T.Ư tăng cường, nhất là đội ngũ y tế vận hành các bệnh viện hồi sức tích cực. Thông qua xét nghiệm tầm soát, các F0 mới được phát hiện kịp thời và cấp ngay túi thuốc an sinh giúp các F0 ít chuyển nặng; các trạm y tế lưu động tư vấn, chăm sóc và đưa đi cấp cứu kịp thời F0 mới chuyển nặng đã góp phần quan trọng kéo giảm số ca tử vong tại cộng đồng.

Nhìn vào biểu đồ số ca tử vong đang có xu hướng giảm, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết số ca tử vong phản ánh một quá trình nỗ lực điều trị kéo dài từ lúc nhập viện, diễn tiến nặng và hồi sức. So với trước đây, số bệnh nhân nặng mới nhập viện tầng 2 – 3 đã giảm rất nhiều. Hiện tầng 3 (điều trị chuyên sâu F0 nặng và nguy kịch) có hơn 1.000 bệnh nhân phải thở máy, các y bác sĩ ở trung tâm hồi sức và bệnh viện đang cố gắng cứu chữa cho những trường hợp này. “Hy vọng thời gian tới số ca bệnh nặng giảm và có thể giảm đáng kể”, ông Châu nói.

Về chiến lược điều trị Covid-19 trong giai đoạn “mở cửa” phục hồi kinh tế, ông Châu cho biết TP.HCM sẽ tập trung vào quản lý F0 tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị các tầng. Mục tiêu mà ngành y tế đặt ra là đảm bảo F0 điều trị tại nhà được chăm sóc tốt và nhanh chóng hồi phục, còn các F0 chuyển nặng được nhập viện kịp thời để điều trị, hạn chế tử vong.

Chăm sóc bệnh nhân toàn diện

GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, phụ trách Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến 14 (Q.Tân Phú), cho biết để giảm tử vong tại TP.HCM thì có nhiều biện pháp. Đó là phối hợp bệnh viện tầng 3 (Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19) với tầng 2 (bệnh viện quận, huyện, các bệnh viện đa khoa) để điều trị và chuyển viện sớm trường hợp nguy kịch nhằm giảm tử vong, điều này trước đây chưa thật sự được đồng bộ. Mặt khác là phát hiện F0 ở tầng 1 có triệu chứng để điều trị sớm. Song song đó là tiêm vắc xin, thì tỷ lệ bệnh nhân nặng cũng đã giảm.

Theo ông Hiệp, tại tầng 3, có các chuyên gia giỏi, ngoài sử dụng các kỹ thuật cao như thở máy, lọc máu, ECMO thì dinh dưỡng, vệ sinh chống nhiễm khuẩn đa kháng là quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ tử vong. “Chúng tôi đã đưa hẳn vào một đội chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân thở máy, thở ô xy… Hiện tại bệnh nhân nặng đã giảm 30% so với gian đoạn đầu. Hiện trung tâm đang điều trị cho gần 500 bệnh nhân, việc chăm sóc bệnh nhân là toàn diện”, ông Hiệp cho biết.

Trong khi đó, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện hồi sức Covid-19 là bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19, số ca tử vong tại bệnh viện đã giảm xuống 50%. Để làm được việc này, ngoài việc tăng cường trang thiết bị y tế, nhân lực, thuốc để đáp ứng điều trị, Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập các nhóm Viber trao đổi chuyên môn, thực hiện giao ban trực tuyến hằng ngày với bệnh viện “chị – em” (bệnh viện T.Ư, trung tâm hồi sức đóng vai trò là “chị”, bệnh viện tuyến dưới là “em”). “Chiều hằng ngày, bệnh viện cử 4 bác sĩ hồi sức xuống tuyến 2 xem để nắm bắt tình hình bệnh nhân. Bên cạnh điều phối bệnh nhân tốt, Bệnh viện hồi sức Covid-19 triển khai phòng mổ cấp cứu ngay tại bệnh viện, đồng thời điều trị tâm lý và vật lý trị liệu sau Covid-19 cho bệnh nhân. Hiện Bệnh viện hồi sức Covid-19 điều trị cho 610 bệnh nhân nặng và Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho 240 bệnh nhân”, ông Thức thông tin. (Thanh niên, trang 3).

Đồng ý chuyển hồ sơ vaccine NanoCovax sang Hội đồng cấp giấy đăng ký lưu hành

Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3 của vaccine NanoCovax, gửi cho Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét.

Ngày 18/9, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã họp đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ứng viên vaccine NanoCovax (vaccine NanoCovax) với kết quả nghiên cứu tính đến ngày 2/9.

Trên cơ sở hồ sơ nộp ngày 15/9, cập nhật ngày 17/9, sau khi nghe báo cáo, ý kiến của các thành viên Hội đồng, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thống nhất kết luận như sau:

Về tính an toàn

Vaccine NanoCovax đạt yêu cầu về tính an toàn trong ngắn hạn dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tính đến thời điểm hiện tại (kết quả theo dõi 7 ngày sau tiêm mũi 1 của 11.430 người tình nguyện; kết quả theo dõi 7 ngày sau tiêm mũi 2 của 5785 người tình nguyện).

Về tính sinh miễn dịch

Vaccine NanoCovax có tính sinh miễn dịch dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tính đến thời điểm hiện tại (kết quả xét nghiệm nồng độ kháng thể Anti-S IgG trên 924 mẫu ngày 42 sau tiêm mũi 1; kết quả xét nghiệm hoạt tính trung hòa vi rút trên 761 mẫu ngày 42 sau tiêm mũi 1; kết quả trung bình nhân hiệu giá kháng thể trung hòa PRNT ngày 42 sau tiêm mũi 1 trên 107 mẫu chủng Vũ Hán; 41 mẫu chủng Delta; 39 mẫu chủng Alpha).

Về hiệu quả bảo vệ (Kết quả quan trọng nhất về chất lượng)

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dữ liệu để đánh giá trực tiếp hiệu lực bảo vệ của ứng viên vaccine NanoCovax dựa trên số trường hợp mắc Covid-19 trong nghiên cứu, cần tiếp tục thực hiện đánh giá về hiệu lực bảo vệ theo đề cương được phê duyệt.

Ước tính hiệu quả bảo vệ của ứng viên vaccine NanoCovax dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vaccine nghiên cứu bảo đảm tính khoa học để chuyển hồ sơ tới Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét.

Theo đó, ý kiến của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia về đề xuất xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành cấp bách có điều kiện vaccine NanoCovax như sau:

Một, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3, gửi cho Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét.

Hai, đề nghị Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen và nhóm nghiên cứu hoàn thiện Báo cáo theo kết luận của cuộc họp và tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine NanoCovax theo đề cương đã được phê duyệt để hoàn tất nghiên cứu vào tháng 3/2022. Cập nhật kịp thời kết quả nghiên cứu cho các Hội đồng chuyên môn và cơ quan quản lý. (Nhân dân, trang 5; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tuổi trẻ, trang 4; An ninh Thủ đô, trang 3).

Bệnh viện tư nhân “đuối sức” khi điều trị COVID-19

Nhiều bệnh viện tư nhân đang trở thành nguồn lực quan trọng giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế công trong việc thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, các bệnh viện này lại đang gặp vướng mắc khi phải bỏ ra số tiền đầu tư lớn cho hạ tầng, nhân lực điều trị mà không được cho phép thu phí dịch vụ tương ứng. Các cơ quan chức năng hiện vẫn đang trong quá trình xem xét để giải quyết vấn đề này.

Mong được cho phép thu phí

Theo ghi nhận của PV, hiện nay tại TPHCM đã có một số bệnh viện tư nhân tham gia điều trị COVID-19. Tuy nhiên, do các quy định hiện hành chưa cho phép thu phí điều trị, các bệnh viện tư điều trị COVID-19 vẫn đang tự xoay xở bằng các cách thức như vận động bệnh nhân đóng góp hoặc gồng mình điều trị miễn phí trong trường hợp bệnh nhân thực sự khó khăn.

Đầu tháng 8, Bệnh viện FV (quận 7) đã chủ động đề xuất với Sở Y tế để bệnh viện này triển khai mô hình “bệnh viện tách đôi”, đến ngày 10.8, Sở Y tế TPHCM chính thức chấp thuận. Sau đó, khi Bộ Y tế kêu gọi cách bệnh viện tư nhân tham gia cùng điều trị cho bệnh nhân COVID-19, bệnh viện này cũng đã tích cực hưởng ứng.

“Bộ Y tế kêu gọi các cơ sở y tế tư nhân chuyển đổi ít nhất 40% công năng để điều trị bệnh nhân COVID-19 và chúng tôi đã đáp ứng. Số lượng giường này lúc nào cũng kín bệnh nhân. Mỗi ngày chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi khẩn thiết yêu cầu được vào điều trị, nhưng đành bất lực” – Đại diện Bệnh viện FV cho biết.

Tuy nhiên, hiện tại do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thu phí điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện FV vẫn thu phí điều trị cho mọi bệnh nhân theo cách tính phí của bệnh viện từ trước đến nay, và có chính sách hỗ trợ đối với những bệnh nhân có khó khăn.

“Khi nào có hướng dẫn cụ thể hơn thì chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan” – Đại diện Bệnh viện FV chia sẻ.

Cũng là bệnh viện tư thu dung điều trị COVID-19 nhưng Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (Bình Chánh) đã chuyển đổi 100% công năng để nhận bệnh nhân mắc COVID-19 và chấp nhận không nhận các bệnh lý khác.

Ông Đặng Văn Thanh – Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, không được thu phí khiến bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.

Bệnh viện chuyển đổi toàn bộ công năng để điều trị COVID-19 tức là chấp nhận rủi ro và không có nguồn thu nào. Hiện nay, bệnh viện phải liên tục gồng gánh trong việc mua các thiết bị máy móc và thuốc điều trị hỗ trợ như: Máy thở oxy dòng cao (HFNC), máy thở, máy ECMO, đồ bảo hộ, vật tư tiêu hao…

Cùng với đó, chi phí vận hành cơ bản như thuê mặt bằng, lương nhân sự vẫn là một áp lực lớn. “Lương cho nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tăng lên gấp đôi do phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Bên cạnh đó, cơ sở y tế tư nhân còn phải chi trả những khoản vay, chi phí thuê mặt bằng… với số tiền rất lớn” – ông Thanh chia sẻ.

Hiện bệnh viện này đang điều trị cho khoảng gần 300 bệnh nhân COVID-19, tỉ lệ phải chuyển nặng sang hồi sức cấp cứu ở mức 10-15%.

“Nhiều trường hợp nặng vào ICU nên chi phí điều trị đội lên rất cao lên tới hàng trăm triệu để điều trị” – ông Thanh nói thêm.

Trong suốt thời gian qua Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn đang vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm để có chi phí điều trị cho người nghèo, giảm áp lực về chi phí cho bệnh viện. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này và người nhà của họ cũng đã chủ động chung tay ủng hộ.

“Chúng tôi công khai đi “xin”, đi kêu gọi ủng hộ từ phía mạnh thường quân và cả bệnh nhân nữa, huy động được đồng nào hay đồng đó. Có thể có người nhiều người nhìn vào với cặp mắt không thiện cảm nhưng mình chấp nhận để mình ráng cứu người” – ông Thanh chia sẻ.

Vướng mắc ở đâu?

Theo Sở Y tế TPHCM, trong số 95 cơ sở y tế tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 của thành phố hiện nay có khoảng 10 bệnh viện tư nhân với hơn 1.300 giường bệnh. Các bệnh viện này đang gặp vướng mắc bởi chiếu theo các quy định hiện hành, bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị miễn phí.

Ngày 24.8, UBND TPHCM có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện dịch vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng. Sau đó, vào ngày 1.9, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Y tế, trong đó cho biết, đề nghị của UBND TPHCM về việc chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện điều trị bệnh COVID-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ điều trị tương ứng là chưa phù hợp với quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm do COVID-19 là bệnh thuộc nhóm A, được miễn phí điều trị.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định các điều kiện, tổ chức điều trị bệnh và chi trả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở ngoài công lập.

Đến ngày 8.9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tiếp tục có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo nội dung công văn, tại TPHCM thời gian qua có nhiều đơn vị y tế tư nhân đã tình nguyện đăng ký tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế… cũng như định mức sử dụng, chi phí cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt. Do đó, việc ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân gặp vướng mắc.

Cụ thể, nếu chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được. Trong khi đó, nếu chi trả theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực và cũng không có cơ sở để thực hiện khi cùng sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả cho công tác điều trị những chi phí khác nhau giữa cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân.

Để giải quyết kinh phí điều trị bệnh nhân COVID-19, đảm bảo nguồn lực để các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính; sớm tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. (Lao động, trang 7).

Ngày 19-9, cả nước thêm 10.040 ca mắc mới và 9.137 người khỏi bệnh

Chiều tối 19-9,  Bộ Y tế cho biết, trong 24 giờ qua, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.040 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 10.025 ca ghi nhận trong nước. Trong đó có 5.894 ca ở trong cộng đồng. Đồng thời, cả nước có thêm 9.137 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh và 233 ca tử vong.

Các tỉnh thành có ca mắc mới gồm: TPHCM có (5.496 ca), Bình Dương (2.332), Đồng Nai (953), An Giang (287), Long An (249), Kiên Giang (151), Tiền Giang (102), Bà Rịa – Vũng Tàu (84), Tây Ninh (53), Cần Thơ (52), Khánh Hòa (37), Bình Định (30), Quảng Ngãi (24), Hà Nội (20), Cà Mau (18), Quảng Bình (15), Bình Phước (15), Ninh Thuận (15), Phú Yên (13), Quảng Nam (13), Hậu Giang (11), Đắk Nông (11), Trà Vinh (8 ), Bình Thuận (7), Đồng Tháp (6), Bến Tre (6), Quảng Trị (5), Bạc Liêu (3), Đà Nẵng (2), Vĩnh Long (2), Thanh Hóa (2), Hà Tĩnh (1), Hưng Yên (1) và Bắc Ninh (1).

Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 665 ca. Tại một số tỉnh như sau: TPHCM tăng 1.259 ca, Bình Dương giảm 545 ca, Đồng Nai tăng 14 ca, An Giang tăng 144 ca và Long An tăng 13 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.517 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có  687.063 ca mắc Covid-19, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.983 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là  682.617 ca. Có 15 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định. Và 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang.

Về điều trị, cả nước có thêm 9.137 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số được điều trị khỏi lên 457.505 người. Hiện có 5.396 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị phải thở oxy, thở máy và ECMO.

Trong ngày, hệ thống điều trị ghi nhận thêm 233 ca tử vong tại TPHCM có (182 ca), Bình Dương (31), Long An (9), An Giang (3), Bình Thuận (2), Tiền Giang (2), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Quảng Bình (1) và Tây Ninh (1).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 246 ca/ngày. Đến nay, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là 17.090 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện  230.804  xét nghiệm cho  443.937  lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27-4 đến nay đã thực hiện hơn 16,6 triệu mẫu cho trên 48,4 triệu lượt người.

Trong ngày 18-9 có 455.317 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là hơn 34 triệu liều, trong đó trên 27,5 triệu người đã được tiêm 1 mũi vaccine. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 28/10/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/8/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/5/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận